Thương người mến vật, thật thà niệm Phật! Mọi thứ đều buông, thương – ghét vui – buồn tiêu tan sạch mất!
Nghiệp khảo chẳng màng, lòng luôn bình an! Chọn ngày về xứ, khổ đau sanh tử bỏ lại trần gian!
Ông Chiêu Văn Triệu sinh năm 1918, cư ngụ tại ấp Phú Trung, xã Phú Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ ông Chiêu Văn Tám, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Biền. Ông là con thứ ba trong gia đình có năm anh em. Khi đến tuổi trưởng thành ông kết hôn với bà Phạm Thị Thuần, sinh được bốn trai, hai gái. Gia đình ông sống bằng nghề ruộng rẫy. Tính tình của ông vui vẻ, hiền lành, thương yêu anh em, hòa đồng với làng xóm, ông rất rộng rãi nhân từ hay giúp đỡ mọi người chung quanh. Ông quy y Tam Bảo rất sớm, mỗi tháng ăn chay bốn ngày. Mặc dù gia duyên bận buộc nhưng thời khoá công phu lễ niệm sớm tối của ông luôn duy trì đều đặn. Năm 1956 (38 tuổi) hai ông bà phát tâm trường trai, cô con gái Út cũng phát tâm theo cha. Năm 1972, lúc đang làm ruộng trong Kênh Mười, bà ‘bạn đường’ bị bệnh thổ tả, khi chuyển về vừa tới nhà thì bà qua đời! Năm 1975, tám, chín mẫu ruộng ông đang canh tác phải nhường lại cho các hộ dân nghèo. Qua năm sau (tức năm 1976) ông bị tai biến mạch máu não nên liệt nửa người. Các con đã đưa ông đi chữa trị rất nhiều nơi, mất trọn một năm trời mà bệnh tình chỉ hồi phục đôi ba phần. Sau cùng gia đình đưa ông trở về nhà an dưỡng cho đến khi mãn phần. Vì con của ông là y sỹ nên đã mua thuốc Tây hoặc thuốc Bắc về nhà để điều trị cho ông, đôi lúc cũng có dùng thuốc Nam trong những khi cần thiết. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà ông phải nếm trải quá nhiều nỗi bi thương, sầu khổ dập dồn, nên cảm nhận sâu sắc qua đoạn khai thị:
“Vạn vật dưới bóng trời mọc lặn,
Có vật nào mà đặng thật đâu.
Bị tiêu mòn hoặc sớm hoặc lâu,
Không có một vật nào tồn tại.
Phải tìm chỗ trường sanh bất hoại,
Chớ ngồi đây chịu mãi tử sanh.
Kiếp người đầy giả dối hôi tanh,
Xem như thật mà không phải thật.
Xác thân của người còn phải mất,
Thì trong đời có vật nào còn.
Biết vật chi rồi cũng tiêu mòn,
Cứ đeo đắm là không sáng suốt.
Nên mở hết sự đời trói buộc,
Để làm cho rảnh kiếp vô thường.
Sống lâu dài như Phật Tây Phương,
Thân ấy mới là thân chơn thật.
Thân hiện tại có ngày phải mất,
Bởi nó là giả chất cấu thành.
Đâu bằng thân sen báu thai sanh,
Vô số kiếp thơm lành bền bỉ.”
Cũng từ đó ông buông bỏ tất cả chuyện đời, chuyên tâm niệm Phật một lòng tha thiết nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc. Các bạn đạo cũng thường xuyên ghé thăm, khuyến tấn về pháp môn Tịnh độ. Ngoài những lúc công phu trì niệm ra, ông cũng thường xem các kinh: Pháp Bảo Đàn, Hiền Ngu, Lăng Nghiêm… đặc biệt ông tâm đắc hạnh nhẫn qua các câu như:
“Ai chửi mắng thì ta giả điếc,
Đợi cho người hết giận ta khuyên.
Chữ nhẫn hòa, ta để đầu tiên,
Thì đâu có mang câu thù oán.
Việc hung ác hễ vừa thấp thoáng,
Chữ từ bi ta diệt nó liền.
Sự oán thù đáp lại chữ hiền,
Thì thù oán tiêu tan mất hết.”
Mỗi khi gặp gỡ con cháu, ông thường khuyên chúng nên cố gắng làm lành lánh dữ, phải rán nhẫn nhịn, tu hiền… rồi dùng chay lạt, niệm Phật, cầu vãng sanh Tây Phương!
Vào ngày rằm tháng 9 năm 1997, bệnh của ông trở nặng, ông hôn mê, tiểu tiện không còn tự chủ và không còn hay biết gì nữa hết, cô Út vô cùng kinh hãi, mỗi sáng đi chợ bán tương, cô gom hết tiền mua vật mạng phóng sanh, hồi hướng cho ông. Liên tục suốt ba hôm thì sức khỏe của ông hồi phục và tỉnh táo bình thường lại.
Đến ngày 19 tháng 9 năm 1997, ông nói với cô Út:
– Bữa nay con dọn cơm dưới nhà bếp, rồi dìu ba xuống ăn chung với con một bữa. Ba chỉ ăn bữa cơm này nữa thôi!
Thường ngày cô Út đều bưng mâm lên, hôm nay bỗng dưng ông thích ăn ở nhà dưới. Khi ăn cơm xong, ông lấy trong miệng ra một cái răng, đưa cho cô Út và nói:
– Ba cho con cái này nè, con giữ kỹ làm kỷ niệm!
Sáng hôm sau, ông nói với cô Út:
– Con chuẩn bị hành lý cho ba chưa?
– Ba định đi đâu, thưa ba?
– Ba định đi về xứ!
Cô Hai bạn đồng tu của cô Út, cất tiếng hỏi:
– Thưa bác! Quê bác ở đây, mà bác nói về xứ! Vậy bác định đi về xứ nào?
– Ở đây là quê giả, Cực Lạc mới là xứ thiệt của mình!
Cô Út hỏi tiếp:
– Vậy ba có chuẩn bị gì chưa?
– Ba có chuẩn bị sẵn hết rồi!
– Ba chuẩn bị ra sao, ba nói cho con nghe đi?
– Thì sáu chữ Nam Mô A-di-đà Phật đó! Sáu chữ Di Đà là hành lý của mình đó, con ơi!
– Vậy là tốt quá! Ba ráng nhiếp tâm tập trung tư tưởng để niệm Phật. Vậy là ba sửa soạn về xứ!… Để con sửa soạn cho ba các chuyện bên ngoài; còn bên trong ba rán buông xả các thứ nhớ nghĩ để niệm Phật, nghen ba!
Chiều lại ông hỏi:
– Bữa nay là ngày mấy rồi, hả con?
– Thưa ba, bữa nay là ngày 19!
– Nước sau hè khô chưa con?
– Thưa ba, còn nửa ống chân!
– Vậy ba cũng ráng thêm vài bữa nữa cho nước khô.
Ông nhắc cô Út lo xay lúa để chuẩn bị đám tang cho ông. Từ đó về sau ông từ khước tất cả thuốc men và thức ăn, chỉ uống một ít nước trắng để thấm giọng. Sức khỏe mỗi lúc mỗi cạn kiệt trầm trọng. Chương trình hộ niệm được tiến hành, ông nằm im niệm Phật theo mọi người, thỉnh thoảng ông niệm bài chú vãng sanh. Khi có khách khứa, cũng như thân tộc đến thăm, các con ông sắp xếp không được vào hỏi han những câu vô ích, không cần thiết như: “Khỏe không?”, “Biết tôi là ai không?”… mà chỉ hỏi người săn sóc bên ngoài phòng khách là được rồi; còn đến gần ông thì chỉ niệm Phật với ông mà thôi!
Suốt một tuần trợ niệm, đến 5 giờ sáng ngày 26 tháng 9 năm 1997 ông nằm trên giường gọi con cháu đến đủ mặt. Cháu nội ông có hai người làm nghề đặt vớn bắt cá, ông kêu lại rồi bảo:
– Các cháu đừng tạo sát nghiệp nữa, vì vật mạng cũng có linh tánh, cũng có thân xác, biết tham sống sợ chết như mình vậy! Nếu gây nghiệp sát sẽ chịu quả báo khổ đau không nhỏ!
Rồi ông kêu hai cháu hứa với ông và chặt bỏ vớn trước khi ông bỏ xác. Hai đứa cháu hứa bỏ, ông gật đầu mỉm cười. Mặc dù lưỡi ông lúc này hơi cứng, tiếng nói hơi khó nghe nhưng chú ý nghe vẫn được rõ ràng.
Người con trai định đem thuốc ra chích cho ông, nhưng ông ngăn lại và nói:
– Vô ích, cứ thỉnh nước cúng Phật cho ba uống đi!
Cô Út thỉnh nước cúng cho ông uống. Uống xong, vẫn trong tư thế nằm ông niệm Phật và đọc chú vãng sanh rồi xá ba xá, đồng thời ông chắp tay vào ngực niệm Phật mà qua đời. Nhằm ngày 26 tháng 9 năm 1997, hưởng thọ 79 tuổi. Vừa lúc ấy hai cô con gái ngồi kế ông bỗng ngửi được một mùi hương lạ sực nức, nghe thư thới cõi lòng, thời gian khoảng năm mười phút thì mất.
Qua tám tiếng đồng hồ hộ niệm tiếp theo, thì thấy nét mặt của ông vui tươi khác thường, đặc biệt đỉnh đầu một vùng lớn bằng miệng chung cực nóng, vừa sờ đến như đưa tay đụng vào một ly nước sôi.
Rất nhiều người chứng kiến sự ra đi của ông mà đã phát tâm tinh tấn tu hành cho đến ngày hôm nay.
(Thuật theo lời Chiêu Thị Nga, cô con gái Út của ông.)
Trích CHUYỆN VÃNG SANH – Tập II – Phần 3 & 4
Nhóm liên hữu Miền Nam Đất Việt sưu tầm và biên soạn
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu
Chào Thầy, Thầy cho em hỏi có phải Thầy là Thầy Thích Trung Đạo, trụ trì ở chùa Bửu Châu, Bình Mỹ Củ Chi.
Thầy có giọng tụng kinh trì chú quá hay quá tuyệt vời. Em rất ngưỡng mộ Thầy từ lâu rồi đến bây giờ mới biết được. Trước đây em cứ nghĩ là Thầy ở Canada hoặc Australia chứ . Xin Thầy hãy xem em là một đệ tử của Thầy, nếu có điều gì không hiểu về Phật pháp thì em sẽ hỏi Thầy . Kính chúc Thầy an lành và khỏe mạnh . Minh Trí .
A Di Đà Phật
Đạo Huynh Minh Trí kính mến,
TĐ là người tu tại gia chứ không phải là vị Thầy mà Huynh đề cập đâu ạ.
Nếu có gì khúc mắc xin Huynh cứ hoan hỉ chia sẻ, TĐ sẽ cùng các liên hữu ráng tận sức ạ.
TĐ