Cảm Phật ân, Phật pháp nhiệm mầu
Xả Ta Bà, quay đầu cầu về An Dưỡng
Trọng thực chất, chẳng vướng hư danh
Tu khẩn thiết chí thành, vãng sanh tự tại.
Ông Nguyễn Văn Bơi sinh năm 1930, cư ngụ tại ấp Bình Hòa, xã Bình Phú, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Nhị, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hằng. Ông là con thứ sáu trong gia đình có tám anh em.
Thuở nhỏ khi 7 tuổi bỗng dưng ông không ăn thịt cá gì được, chỉ ăn cơm với muối tiêu và chuối suốt 14 năm trường. Cha ông nài ép ăn mặn mãi, cũng vì lòng hiếu thảo ông đã cầu nguyện với Trời Phật cho ông ăn được con cá, sau đó ông ăn cá không còn bị ói nữa.
Năm 24 tuổi ông kết hôn với bà Lê Thị Mới sinh được bốn trai sáu gái, gia đình sinh sống bằng nghề làm ruộng và nuôi cá.
Tính tình của ông chân thật, không thích hào nhoáng hình thức bề ngoài, thương người mến vật, cần kiệm. Tất cả mọi công tác từ thiện xã hội ông đều tích cực tham gia, như: bắc cầu, làm đường, sửa chữa chùa – đình, giúp người nghèo về mọi phương diện cơm – áo – gạo – tiền, cất nhà tình thương, hòm rương khi tống táng… Ông rất hăng say làm các việc này và xem đây là niềm vui trong cuộc sống, ngẫu nhiên tương ưng với nền tảng căn bản của sự tu tập, mặc dù ở thời điểm này ông chưa biết nhiều về chuyện Phật pháp tu hành. Vô hình trung khế hợp với lời khai thị:
“Được đi đến chốn Liên Hoa,
Ấy do tâm của người ta tốt lành.
Tốt lành nếu tâm mình có được,
Sẽ khiến cho huệ phước sanh ra;
Giải xong kiếp khổ người ta,
Do lòng lành tốt ấy mà tiến lên.
Nhà muốn cất phải nền móng trước,
Người muốn tu phải tốt lành tâm;
Tốt lành tâm chẳng chịu cầm,
Như nhà muốn cất mà mầm móng không.
Thích Ca cũng do lòng lành có.
Mới động tâm trước khổ của người,
Muốn người hết khổ được vui,
Nên hy sinh cả cuộc đời lo tu.
Lòng lành có Đạo Mầu sẽ có,
Có lòng lành tuy khó rán trau;
Lành tâm lành sự càng cao,
Tình người với Phật càng mau nối liền.
Tâm lành ấy nên khuyên nhau tạo,
Đời được vui và đạo được siêu;
Pháp tu thì có rất nhiều,
Nhưng môn nào cũng chỉ điều thiện tâm.
Có tâm thiện mới làm việc thiện,
Có lòng lành mới khiến tưởng lành;
Có nhân thiện niệm thiện hành,
Tất nhiên có quả tốt lành mai sau.
Nói việc thiện người nào cũng biết,
Nhưng mấy ai làm việc thiện đâu;
Thường ngày việc ác cứ bâu,
Thế nên kết quả thảm sầu nhiều hơn.
Quả tốt xấu do nhân thiện ác,
Giống dữ không thể gặt quả lành;
Ác mà muốn được phước sanh,
Khác nào nấu cát mong thành được cơm.
Muốn làm Phật chớ ôm tánh ác,
Tánh ác còn, còn các nguy nan;
Sống trong cảnh sống bất an,
Chết trong cảnh chết kinh hoàng sợ lo.
Khởi tâm thiện để cho đời thiện,
Các nghiệp qua cũng khiến tiêu tan;
Đời không thêm những báo oan,
Kiếp đày cũng chẳng còn mang sau này!”
Năm ông 65 tuổi thì phát bệnh, điều trị rất nhiều nơi: Bệnh Viện Chợ Rẫy, Bệnh Viện Phạm Ngọc Thạch và các bệnh viện ở An Giang, mỗi chỗ ông nằm viện một vài tuần, nhưng dây dưa như thế suốt ba năm trường mà tình trạng sức khỏe vẫn không hồi phục. Bác sĩ các nơi đều chẩn đoán ông bị: “suy tim”, “nám phổi” và “chai gan”, đồng thời khuyên gia đình nên để ông ở bệnh viện gần nhà vì ông tuổi đã già, để chăm sóc được phần dễ dàng thuận tiện hơn.
Ông có người con gái thứ Năm sống độc thân tu hạnh xuất gia, thường theo nuôi bệnh cho ông. Hằng đêm cô âm thầm khấn nguyện Ân Trên gia hộ sao cho cha mẹ mình sớm được tỉnh giác quy y Tam Bảo, trường trai tu niệm, để giải thoát khổ đau sinh tử luân hồi.
Lần nọ ông đang nhập viện ở An Giang, gần 20 ngày không ăn cơm cháo gì được. Mười ngày đầu còn ăn được bánh trái chút đỉnh, 10 ngày kế tất cả mọi thứ đưa vào miệng ông đều ói ra hết, ngay cả sữa cũng không uống được, chỉ thuần uống được nước trắng mà thôi.
Một đêm cô Năm mộng thấy có một người đến nói với cô rằng:
– Hãy bảo cha con phát nguyện trường trai quy y Tam Bảo, lo tu hành thì sẽ hết bệnh!
Sáng ra cô thuật lại điềm chiêm bao cho ông nghe. Nghe xong, ông nói:
– Ngày xưa ba đã cầu xin Trời Phật cho ba ăn con cá, thì ba ăn con cá chớ không ăn chay được!
Thấy ba mình không chịu ăn chay nên cô đi chợ mua cá lóc về nấu cháo. Khi dọn ra ông dùng được mới vài muỗng gì đó thì bỗng dưng phải mửa ra hết. Ông bèn nói:
– Sao kỳ quá con ơi! Hồi nảy ba nằm chiêm bao, ba thấy ba nướng cá. Tự nhiên con cá hóa thành ông già đầu trọc, ông già đó nói với ba rằng: Tao là ông nội mầy, sao mầy nướng tao? Rồi ba giật mình thức dậy!
Kế đó xuất viện, về an dưỡng nơi tịnh thất của cô Năm. Cô thường theo bên cạnh khuyên ông phát tâm ăn chay. Ông nói:
– Ba biết con thương ba lắm! Tu hiền thì cái gì ba tu cũng được, còn ăn chay, thì ba ăn chưa được con ơi! Hơn nữa ba còn bệnh mà!
Trải qua thêm 10 ngày nữa cũng không ăn uống thứ gì được hết. Thấy thể lực của ông suy sụp quá đỗi, gia đình bèn dự định đưa đi bệnh viện ở Sài Gòn. Sau khi đã chuẩn bị xong đồ đạc sắp sửa lên đường, cô Năm nghe trong người hơi mệt, khó chịu, bèn ngã lưng trên chiếc võng ngủ thiếp đi. Cô thấy có một đồng đạo mặc bộ đồ lam từ bên ngoài bước vào cửa nói với cô rằng:
– Cô phải phát nguyện quy y cho ông cụ, và cho ông cụ trường trai luôn thì hết bệnh. Nếu đưa đi Thành Phố thì ông cụ sẽ bỏ xác ngoài đó!
Khi giật mình thức dậy thì ông cũng nằm gần bên, liền lên tiếng hỏi cô:
– Nãy giờ ngủ ngon quá hả con?
Cô bèn thuật lại giấc mộng vừa mới gặp. Rồi hỏi ông:
– Vậy thì ba tính sao?
Ông nghe xong im lặng trầm ngâm suy tư vài phút, rồi đáp:
– Thôi thì con đỡ ba lên đi! Rồi thắp nhang phát nguyện cho ba quy y đi; nếu ba ăn chay được thì ba ăn chay cho tới ngày bỏ xác luôn.
Cô bèn cùng cô Út Giềng (một bạn đồng tu cùng ở chung thất với cô) dìu ông lên gác nơi thờ ngôi Tam Bảo, thắp hương làm lễ phát nguyện quy y và trường trai cho ông. Xong rồi, khi dìu ông trở xuống, vừa đúng lúc có vài vị khách mới đến, bà vợ của ông đang dọn cơm để đãi. Trên mâm mắm chay kho cà khói bay tua tủa… gỏi gém đủ màu, cải rau đủ loại,… hương xông ngào ngạt, thơm ngát cả vùng! Ông chợt nghe trong lòng thèm và muốn ăn, nên nói với cô Năm:
– Ba thấy ba ăn được đó con! Con cho ba ăn đi!
Khi dìu tới nơi, đỡ ông ngồi xuống để dùng cơm chung với mọi người. Cô Năm rất lo lắng, tha thiết khẩn xin:
– Thôi, ba ăn một chút xíu thôi, thưa ba!
Ông mạnh dạn trả lời:
– Ba ăn được mà!
Thế là ông ăn luôn một mạch ba chén cơm đầy, mắm cà rau gỏi chi cũng chả cần phải kiêng kỵ gì cả, trong khi đó cô Năm nín thở mất hồn dõi mắt nhìn theo mà lòng vô lượng phập phồng, vô biên lo sợ. Dùng cơm xong, ông phấn khởi tinh thần hô to:
– Vậy là được rồi! Tui ăn được rồi… Vậy là tôi ăn chay cho tới chết luôn… Phật Pháp quá nhiệm mầu rồi… Bây giờ tôi nguyện tôi ăn chay cho tới ngày bỏ xác luôn!
Nói vừa dứt câu, ông đứng phắt dậy gọn hơ khỏi cần ai đỡ, thấy bên cạnh có treo một buồng chuối già cui chín, ông bèn rứt một trái, ăn xong thấy vô cùng ngon miệng liền rứt thêm một trái nữa. Kế lại thấy trên bàn có ly nước đá chanh, ông nhẹ nhàng bước sang mở lòng từ duỗi tay độ tận!
Theo cơ chế sinh lý của hệ thống tiêu hóa, thông thường sau khi ngưng ăn hoàn toàn từ năm đến bảy ngày trở lên, trước khi ăn uống thức ăn trở lại, phải tuân thủ nguyên tắc: từ lỏng tới đặc, từ mềm đến cứng. Nghĩa là phải theo thứ tự: uống nước gạo rang, nước cơm, nước cháo, ăn cháo lỏng, ăn cháo đặc, ăn cơm nhão, cuối cùng mới ăn uống bình thường.
Trường hợp của ông đã 20 ngày ngưng ăn hoàn toàn, thì thời gian tuân thủ nguyên tắc này phải mất ít nhất là năm ngày trở lên. Nếu không, thì hậu quả chắc chắn phải cho vào hòm rồi khiêng ra nghĩa địa. Mạnh mẽ khẳng định một câu thẳng thừng như đinh đóng cột rằng là:“ Không có con đường thứ hai!” Vậy mà trường hợp của ông quả là “chuyện lạ- khó hiểu” nhưng mà… “có thật” trên cõi đời này!
Sáng hôm sau ông phóng lên chiếc xe đạp, ra ngoài đường nhanh chân phi nước đại. Khung cảnh làng quê hôm nay, trông sao thân thương vui đẹp quá! Lòng trào dâng niềm khoan khoái, niềm vui thích vô bờ. Như chim sổ lồng về tổ cũ, tung đôi cánh bay giữa trời cao, hùng hổ lao về phía trước, bỏ lại sau lưng gánh nặng bao nỗi ưu phiền của những chuỗi ngày dài đầy khổ đau và bệnh tật! Trời xanh hơn, mây trắng hơn, ông nghe trong ông mùa xuân thuở xa xưa sống lại nơi hồn! Miệng luôn thì thầm: “Phật Pháp… quả thật… quá… nhiệm mầu!”
Được hơn hai năm vào khoảng tháng 5 năm 2000, bữa nọ ông đi đẩy tiếp chiếc ghe cho người lối xóm, vì vận động quá mạnh nên ruột bị thòng. Các con đưa ông đến Bệnh Viện Hạnh Phúc ở An Giang để phẫu thuật bẹn đem ruột lên. Bác sĩ nói:
– Ông ăn mặn tui mới mổ cho ông, bệnh mới mau hết, sức khỏe ông hiện giờ kém lắm. Ông ăn chay tui không dám trị cho ông!
Ông bèn quay sang bảo cô Năm:
– Thôi về con ơi! Cuốn quần áo về! Kệ nó, chết thì chết, mình cũng trọn đạo. Chớ bây giờ không có ăn mặn, không có… gì hết! Ba nhất định ăn chay!
Bác sĩ cười nói:
– Thôi, ông quyết định mạnh mẽ quá! Vậy thôi, ở lại con trị cho ông, ông ơi! Từ đó tới giờ con mới gặp ông lần thứ nhất. Mà thấy thương quá, để con trị thuốc thang cho ông. Tại con nói vậy chớ ông không chịu ăn mặn thì thôi!
Kể từ khi trường trai ông chuyên cần niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc. Xưa nay ông cũng niệm Phật nhưng cầu vãng sanh thì rất hời hợt yếu ớt, thường lo làm việc phước thiện nhiều hơn. Ông có tật nghiện thuốc lá rất nặng, nhưng rồi ông mạnh mẽ dứt bỏ gọn gàng. Bao nhiêu tiền do con cháu cho, ông đều đem đi bố thí hết, không hề cất chứa. Ông thường ở tu nơi tịnh thất của cô Năm, ít khi về ở nhà, bởi vì nơi đây yên tĩnh rất dễ nhiếp tâm khi lễ bái trì niệm. Công khóa thường ngày của ông là ba thời, sau lễ lạy thì ngồi niệm Phật khoảng một giờ. Sự hành trì cứ đều đặn như thế, chưa từng trễ sót. Ông thường tâm đắc và nhắc nhở con cháu:
“Tu hành nào đợi mùi hương,
Miễn tâm thành kính tòa chương cũng gần.”
Chữ “chương” có nghĩa là sáng sủa, rực rỡ, chói lọi. “Tòa chương” theo nghĩa hẹp là chỉ cho tòa sen nơi cõi Cực Lạc do vô lượng chất báu làm thành; còn nghĩa rộng là chỉ cho Phật quả cứu cánh viên mãn. Ý nghĩa đại khái của hai câu trên là: Sự tu quí ở thực chất, chứ không phải ở hình thức bề ngoài. Hành giả niệm Phật cầu sanh về Tây phương thì chú trọng ở tâm “chí thành cung kính”. Dùng tâm “chí thành” cùng “cung kính” mà lễ Phật, niệm Phật thì chuyện vãng sanh không khó khăn, không xa xôi gì cả!
Đến tháng 11 năm 2004 bệnh tái phát, các con đưa ông vào bệnh viện ở An giang. Ông hỏi bác sĩ:
– Bác sĩ ơi! Bệnh của tôi chắc không qua khỏi hả, bác sĩ?
Bác sĩ đáp:
– Bệnh của ông không sao đâu!
Ông nói:
– Thôi bác sĩ đừng có nói không sao! Tôi biết rồi. Tôi biết cái bệnh của tôi là không có qua khỏi đâu! Bác sĩ nhắm thấy trị cho tôi được thì tôi ở đây trị; còn không thì tôi về để yên tĩnh, tôi niệm Phật!
Bác sĩ trả lời:
– Bây giờ ông muốn về thì về. Kiếm thuốc Nam thuốc Bắc uống thêm. Chớ cái gan của ông chai hết rồi!
Ông nói với cô Năm:
– Vậy thôi mình về con ơi! Phật cho mình sống ngày nào thì mình lo niệm Phật ngày nấy. Còn ba có ra đi thì ba cũng về với Đức Phật A-di-đà, ba tu thêm… chừng nào hoàn toàn ba sẽ trở lại cứu vớt chúng sanh!
Xuất viện về nhà là ngày 12 tháng 11 năm 2004. Về nhà ông uống thuốc Nam và chích thuốc, nhưng bệnh mỗi lúc một trầm trọng, hành hạ ông bằng những cơn đau kịch liệt, các con cháu luân phiên hộ niệm. Ông thường nói:
– Nó quậy ba dữ lắm con ơi! Nó đứt từng khúc ruột. Mà có điều là ba ráng cố gắng lên. Nó đau bụng quặn khúc, đứt khúc ở trỏng, mà ba cố gắng lên, ba lo niệm Phật… Chớ không cố gắng niệm Phật là ba la làng đó con!
Cô Năm cũng thường nhắc:
– Ba à! Con lúc nào cũng mong mỏi ba hướng về Đức Phật A-di-đà… cho nên dù có mệt có đau đớn cách mấy, ba cũng rán niệm Phật cho con thấy đặng con yên tâm nghen ba!
Hơn một tuần vật vã dữ dội trôi qua, đến ngày 20 thì ông không chịu uống thuốc, chích thuốc, ăn uống gì cả, chỉ uống nước cúng Phật. Cơn đau nhức cũng tan mất dần.
Sáng ngày 22 gương mặt của ông bỗng nhiên hồng hào, sáng chói, môi đỏ, luôn lộ nét tươi tắn hoan hỷ (trước đó thì xanh lè xanh lét, đôi mắt thụt sâu). Các con ông ngỡ rằng bệnh tình của cha mình chắc đã hồi phục. Cô Năm chẩn mạch thì mạch đã hết nhảy rồi.
Khoảng 6 giờ sáng ông nhờ gia quyến đỡ ngồi dậy, ngã mình tựa vào người thân, rồi ông hỏi cô Năm:
– Hôm nay là ngày mấy rồi con?
Cô đáp:
– Hôm nay là 22!
Rồi cô hỏi lại:
– Thôi con chích thuốc khỏe cho ba nghen?
Ông nói:
– Thôi! Ba hết bệnh rồi. Đừng có chích thuốc gì hết. Chiều nay ba đi!
Cô Năm sợ ông nói sảng, bèn hỏi:
– Ba đi đâu, thưa ba?
Ông trả lời:
– Ba về với Phật! Sáu giờ chiều nay là ba đi!
Cô vừa cười vừa nói:
– Thường thường đi về Phật, là đi giờ trưa chứ đâu có ai đi giờ chiều. Giờ chiều đâu có về với Phật được!
Ông nói:
– Về Phật lúc nào cũng về được, do cái tâm của mình đó!… Chừng nào ba đi thì con biết liền!
Cô đề nghị:
– Nếu mà lúc nào cũng về được thì ba về sáng này đi!
Ông liền mỉm cười chứ không đáp. Kế đó ông cho họp các con cháu lại, bèn nói:
– Các con ở lại ráng lo tu hành. Nhứt là má nó rán lo tu mới gặp tui nghen!… Tui về Cực Lạc rồi, bà không tu là bà không có gặp tui đâu. Bây giờ tui về với Phật A-di-đà rồi!
Rồi ông dặn riêng từng người con, khuyên tất cả rán lo tu hiền, rán lo niệm Phật…
– Các con ở lại rán lo tu,… rồi chăm sóc mẹ, cũng như chăm sóc ba vậy đó!… rồi khuyên mẹ rán lo niệm Phật … lo tu nghen con!
Dặn dò xong, ngước mắt nhìn lên bàn Phật, ông nói với cô Năm:
– Chiều nay ba về Phật rồi, con gom hết bông trên bàn Phật, mua bông khác thay vô. Rồi lấy bông đó nấu nước cho ba tắm. Để ba sạch sẽ ba ra đi!
Khi đã tắm gội thay y phục xong, ông nằm im nhiếp tâm niệm Phật, con cháu vây quanh cùng niệm Phật tiễn đưa.
Kế đó đồng đạo các nơi cũng được mời đến tham gia trợ niệm rất đông. Gần đền 6 giờ chiều, đôi ba phen ông chắp hai tay lại nơi ngực, cuối cùng ông tự sửa tay chân xuôi thẳng, rồi nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng trong âm thanh Phật hiệu vang dội của mọi người. Trước khi giã từ trần thế đầy sầu thương dâu bể để về Phật cảnh an vui, ông thở ra một hơi dài môi vẫn nhép niệm Phật để cho con mình an tâm, vì thường ngày cô Năm hay thỉnh cầu như thế! Lúc đó đúng 6 giờ chiều, ngày 22 – 11 – 2004, ông hưởng thọ 74 tuổi.
Trong khi mọi người đang tiếp tục trợ niệm được hai, ba mươi phút gì đó, thì có một chiếc xe chở quan tài tới nhà, ai cũng chưng hửng ngỡ ngàng! Hỏi ra mới biết cái hòm này ông đã đặt trước cả năm rồi, và mới đây (hơn một tháng) ông đã chạy xe đạp đến tiệm trả tiền, và còn dặn dò đi dặn dò lại với chủ tiệm rằng:
– Tui biết… tui mất rồi. Con tui… tụi nó… không có xài hàng này đâu! Nên khi tui mất, anh chở vô liền cho tui nghen! Để không thôi nó mua hàng khác là anh chở vô không được với tụi nó đó!
Nhiều ngày trôi qua, cô Năm thường nghĩ: Ba mình ra đi như vậy mà… chẳng biết chắc chắn có được vãng sanh hay không? Đúng ngày tuần thất thứ bảy vừa hoàn mãn, đêm đó cô nằm mộng thấy một người to lớn, dung mạo phương phi, cao hơn ba mét, gương mặt trắng trẻo hồng hào, trái tai dài hơn một gang, mặc áo tràng màu nâu bước vô nhà. Cô giật mình không biết là ai. Khi nghe âm thanh cô mới nhận ra là ba của mình. Ông nói:
– Con à! Ba được về Tây Phương gặp Phật học đạo rồi. Con đừng có lo lắng nghĩ ngợi gì nữa! Con ráng lo buông bỏ hết các chuyện bên ngoài, con mới vào chánh định được… Con mới về với Phật được nghen con!
(Thuật theo lời cô Năm Ngời, con gái của ông)
Trích CHUYỆN VÃNG SANH – Tập II – Phần 3 & 4
Nhóm liên hữu Miền Nam Đất Việt sưu tầm và biên soạn
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu
A Di Đà Phật
Kính bạch các thầy, các liên hữu,
Khi mới tìm hiểu về Pháp môn Trì danh niệm Phật, TTB có đọc kinh, sách luận để thực hành theo. Việc này giúp bản thân thôi thúc và không quên việc niệm Phật. Tuy nhiên thời gian gần đây (khá dài rồi), cứ đọc sách liên quan đến phật pháp, thì tâm thôi thúc ấy và đôi khi là cả âm điệu niệm Phật chen vào làm cho việc đọc sách không thể thực hiện được (đọc không được rõ ràng và lâu).
Kính mong các thầy, các liên hữu hoan hỉ chỉ bày giúp về trạng huống này và việc thực hành niệm Phật trong thời gian tiếp theo ạ.
A Di Đà Phật
A DI ĐÀ PHẬT
Bạn TTB,
1/ Hiện tượng của bạn có thể coi là tán tâm hay phiền não tâm. Những niệm này khá vi tế mà rất có thể trước đây khi tu học bạn không để ý nên lâu ngày tâm bị những niệm này khống chế.
Pháp điều phục: làm gì chỉ nên nhất tâm vào 1 việc, đừng khởi tâm kết hợp 2-3 việc một lúc.
VD: bạn vừa niệm Phật hay vừa đọc sách nhưng phải mở thêm máy niệm Phật gọi là trợ duyên. Thực tế đó là tạp duyên vì một lúc các căn của bạn phải phân ra từng mảnh: Tai dõi theo tiếng niệm Phật, mắt dõi theo kinh sách, tâm lúc nghe, lúc nhìn nên cả hai đều không thể thuần tịnh.
2/ Việc đọc sách của bạn mà luôn có âm thanh niệm Phật vang bên tai thực tế đó là âm thanh phát ra từ A lại Da mà bạn hàng ngày huân tập. Bạn nên cảnh giác với loại âm thanh này bởi nó không phải cảnh giới chứng bất niệm tự niệm như nhiều người mắc phải.
Niệm Phật nói cho đúng chính là niệm tâm. Tâm tịnh bạn làm gì cũng tịnh. Giữa tịnh và bất tịnh chỉ là một niệm giác. Quán được niệm này bạn chuyển hóa được bất tịnh sang tịnh. Không quán được tâm bạn sẽ luôn trong tình trạng tạp loạn.
Mong bạn cảnh giác để điều tâm.
TĐ
Trí Tấn Bửu liên lạc với mình qua Email: [email protected] mình muốn trao đổi chút nha 🙂
A Di Đà Phật
Cám ơn Liên hữu Trung Đạo. TTB sẽ điều chỉnh và quán chiếu thêm.
Đối với phần TĐ viết “Niệm Phật nói cho đúng chính là niệm tâm. Tâm tịnh bạn làm gì cũng tịnh. Giữa tịnh và bất tịnh chỉ là một niệm giác. Quán được niệm này bạn chuyển hóa được bất tịnh sang tịnh. Không quán được tâm bạn sẽ luôn trong tình trạng tạp loạn”. Có thể bản thân TTB chưa đạt được tịnh tâm nên chưa nhận ra ý của TĐ trong đây.
Thật xấu hổ, nhưng đúng là có nhiều chia sẻ trên đây cũng như nhiều điều trong các kinh sách, TTB phải mất thời gian khá dài sau, có duyên đọc lại hoặc đọc ở một nơi nào đó khác viết những lời kiểu như vậy thì TTB mới cảm nhận được ý trong ấy.
Qua đây TTB cám ơn trang nhà và liên hữu Thiện Nhân, trước đây TTB hay bị trại giọng (nghe lờ mờ cữ Di trong câu A Di Đà Phật). Qua thực hành theo lời khuyên bằng cách niệm chậm lại, không tham nhiều, chú ý từng chữ trong câu A Di Đà Phật, tuy cũng mất thời gian khá lâu, nhưng giờ đã đỡ hơn rồi ạ.
A Di Đà Phật
A DI ĐÀ PHẬT
Bạn TTB,
1/ Có thể TĐ nói hơi vắn tắt nên bạn thấy khó hiểu.
TĐ xin giải thích kỹ hơn một chút để bạn có thể hiểu được.
“Niệm Phật chính là niệm tâm”.
Câu này có ý nghĩa là chúng ta Niệm Phật vốn không thể thanh tịnh bởi chúng ta dùng tâm vọng tưởng, tâm phiền não để niệm. Hai thứ tâm này vốn bám chặt trọng trong tâm của chúng ta từ vô lượng kiếp tới nay, vì vậy ngay một lúc để dứt trừ tâm này khi niệm Phật là điều khó. Khó nhưng không phải chúng ta không thể chuyển hóa. Muốn chuyển hóa chúng ta phải quan sát tâm mình khi niệm Phật.
Một niệm A Di Đà Phật khởi lên liền đó là niệm gì? Chắc chắn sẽ là tạp niệm khác chen vô, rất có thể miệng chúng ta vẫn niệm được câu A Di Đà Phật thứ hai nhưng câu này chỉ là miệng niệm chứ tâm không niệm.
Nguyên nhân? vì tâm của chúng ta lúc này đã bị vọng niệm và phiền não niệm che lấp. Nếu ngay niệm này chúng ta không nhận ra được mà tiếp tục lấy đó làm nhân để tiếp tục niệm Phật thì các Phật hiệu vang lên sau này cho dù là rành rọt cũng chỉ là những hồng danh của phiền não.
Đột phá bằng cách nào? Chư Tổ dạy: Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm.
Quan sát tâm: tâm phàm nhân chúng ta niệm niệm là vọng, là phiền não, nhận biết đó là phiền não, khi niệm Phật, ngay khi niệm phiền não khởi, không cần hoảng sợ hay tìm cách đối phó, mà chỉ cần nhiếp tâm vào câu Phật hiệu. Tâm này là thanh tịnh tâm, không phải phiền não tâm. Cứ vậy miệng – tâm cùng nhiếp một thể, các Phật hiệu vang lên lúc này mới thực sự là thanh tịnh niệm.
Để làm được điều này chúng ta phải trải qua sự hành trì không gián đoạn cùng sự quán xét tâm như đã nói, chắc chắn sẽ có kết quả.
2/ Việc niệm, đọc tụng sách kinh của bạn cũng không có gì khác biệt. Dùng tâm lễ kính, thanh tịnh, bình đẳng, giác để đọc tụng không có lý nào tâm thôi thúc, tiếng niệm Phật chi phối được tâm bạn. Điều đó chỉ xảy ra khi bạn không quán xét tâm khi đọc tụng kinh sách và để những vọng tâm chi phối.
3/ Khi tụng kinh, niệm Phật..v.v…cho dù là thiện niệm thường dấy khởi đó cũng chính là phiền não niệm. Nguyên do? bởi thanh tịnh niệm vốn không có thiện, vì hễ có thiện sẽ có ác vậy. Thiện ác đều không khởi lúc này mới được gọi là thanh tịnh niệm.
Hy vọng đôi dòng lý giải thêm này sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về pháp quán tâm khi niệm Phật và niệm kinh.
Nguyện chúc bạn sớm ngày an lạc.
Video tham khảo:
https://youtu.be/PXPzmmFpiJI?list=PLtgPvPfGoKfongExBnVdOZiXlp4wqLxKY
TĐ
A Di Đà Phật
Cám ơn Liên hữu Trung Đạo
Trước đây, TTB nghĩ chỉ cần niệm lên câu A Di Đà Phật là được, vì vậy nên dùng nhiều cách để nhớ niệm.
Vừa qua có gặp trạng huống như trên làm cho việc niệm Phật trở nên nhanh chán và phiền não. Nếu đúng là niệm Phật nhanh chán và phiền vậy thì không lý nào Phật Thích ca và các vị đi trước lại khuyên mình niệm Phật. Vì thế nên TTB nghĩ có thể mình đang hành chưa đúng ở điểm nào đấy. TTB cám ơn Liên hữu Trung Đạo rất nhiều.
Thời gian trước, trên trang nhà, có liên hữu trao đổi về việc niệm Phật khi đang nghe giảng bài. Trong quá trình trao đổi có liên hữu đã hỏi là: “Bạn lấy tâm nào để niệm Phật khi ấy (khi đang nghe giảng bài)”. Lúc ấy TTB chưa hiểu hết nên rất băn khoăn với câu hỏi trên.
Những trao đổi của TĐ khiến TTB nhớ lại hình như cũng đã được đọc đâu đó ở trên này rồi, tuy nhiên lúc ấy chưa nhận ra để áp dụng vào thực hành.
A Di Đà Phật
A DI ĐÀ PHẬT. Mọi người cố gắng xin thường niệm Phật, niệm lâu ngày có công phu sẽ phát sanh nhiều thiện căn tốt lành, trí tuệ minh bạch, giúp ta biết nghĩ cho người khác, giảm nhẹ phiền não, thấu tỏ nhân sinh, tinh thần khinh an