Tôi – Vân Hạc – có một học sinh ngụ tại Bắc bộ, kể là do cô gặp nhiều chuyện kì diệu nên dần dần tin sâu nhân quả. Cô nói cha mẹ mình rất tin Phật, thường ăn chay tịnh, nghiêm trì ngũ giới, siêng năng lễ bái, hay lấy danh nghĩa anh trai cô để làm phúc, bố thí hay đóng góp cho các hoạt động xây cầu, sửa đường. Mấy năm trước anh trai cô vào quân ngũ, khi về phép thường kể những chuyện đã xảy ra.
Có lần anh đang lái xe công tác thì bỗng nhiên xe bị lật , người lẫn xe đều rơi xuống dốc núi, may được các bụi tre bên đường cản lại , nhờ vậy binh lính trên xe đều không bị thương. Chập sau thì có một nông phu đi tới, luôn miệng khen họ thật là may mắn! Ông ta giải thích hôm qua định chặt hết đám tre này đem bán, nhưng do bận chuyện nên hoãn lại, đến hôm nay mới ra tay. Nếu như mà hôm qua ông chặt hết, thì khi xe lật nhào xuống sườn dốc, không gặp tre chặn lại, mà sẽ còn bị đầu nhọn cả gốc tre đâm vào gây nguy hiểm nghiêm trọng, hậu quả khó lường. Vì vậy mà ông khen họ may mắn.
Lần thứ hai, anh cô ngồi xe ca chở lính, nhưng cả xe bị lật rơi thẳng xuống dưới cầu, trừ anh cô được an toàn ra, các binh sĩ khác đều bị thương nặng. Vì sao chỉ có duy nhất mình anh cô thoát khỏi kiếp nạn như thế? Nhiều người lấy làm lạ bàn tán xôn xao, cũng không có cách gì giải thích.
Một lần khác, anh cô đang tập trận thì bỗng bị trật khớp xương, tình hình rất nghiêm trọng, anh gần như hôn mê, các đồng đội khiêng anh xuống núi để chữa trị, nhưng lúc đó không ai mang theo tiền, đi được nửa đường mọi người đều rất lo, không biết sẽ cư xử thế nào với thầy thuốc, nếu như bị đòi tiền quả tình không biết phải làm sao.
Đang lo lắng bối rối thì họ gặp người lạ đi trên đường, lên tiếng hỏi vì sao vội vàng gấp rút xuống núi? Họ liền giải thích lý do. Người lạ này sau khi nghe xong đã lập tức rút tiền ra biếu họ làm chi phí chữa trị. Nhờ vậy mà anh cô chữa bệnh thuận lợi, thật là tạ ơn trời Phật.
Do những may mắn này mà cha mẹ cô thường nhắc nhở mọi người, bình thường sống phải biết tu tâm dưỡng tính, tạo phúc tích đức. Hễ có cơ hội thì lo mà bố thí, phụng hiến thật nhiều, để tương lai nếu có xảy ra việc gì thì phước báu đó có thể tự bảo hộ mình, bảo hộ cả những người thân của mình. Cô nhận thấy những lời này thực sự rất đúng với thực tế, lại hợp với lẽ phải, nên xin phép chia sẻ câu chuyện của gia đình.
Trích: Hiện Tượng Báo ứng Nhân Quả
Vân Hạc
Phước vô hình nhưng che chở mình
Phước là những việc lành, lợi ích mà bạn mang đến cho mọi người, mọi loài. Phước cũng giống như tiền tiết kiệm, để dành hàng ngày vậy. Khi gặp tai nạn hoặc lâm nguy, bạn luôn có sẵn để dùng.
Phật dạy phước phải do chính mình tạo nên chứ không thể cầu mà có. Làm phước thì được phước, cầu phước thì không có phước.
Nếu bình thường bạn không biết tạo phước (Cho người nghèo khổ, giúp người hoạn nạn, phóng sanh cứu vật, cúng dường tam bảo, hiếu thảo với cha mẹ…) Không biết tiếc phước (Tiêu dùng, mua sắm lãng phí, ăn uống vô độ, lãng phí thực phẩm…) thì khi gặp nạn tai, ắt phải vay mượn, cầu cứu khắp nơi. Chính vì vậy, đừng coi thường việc gieo phước hàng ngày!
Gieo phước như gởi tiết kiệm vào ngân hàng, nếu không dùng lãi sẽ tăng trưởng dần. Còn cứ rút về tiêu xài hoang phí thì sẽ rất mau hết. Vì vậy, bên cạnh việc hưởng phước nên làm phước hằng ngày, hằng giờ để phước tăng trưởng thêm thì cuộc sống của bạn sẽ luôn được an vui, sung túc. Chưa kể lúc nguy khốn, lúc nào cần phước lớn che chở cũng có để dùng. Tạo phước vì thế cũng là cách khôn ngoan để phòng thân vậy!
Lời Phật dạy về ruộng phước
Hiểu một cách đơn giản nhất theo Nhân Quả là bình thường nếu mình sẵn lòng ra tay cứu giúp người gặp nạn, thì khi mình gặp nạn cũng sẽ có người đưa tay ra cứu giúp mình!
Người ta làm việc thiện
Là để giúp chúng sinh
Nhưng một phần trong đó
Cùng là giúp chính mình
(Theo phatgiao.org.vn)
Nam mô A Di Đà Phật.
MẮT MÙ LẠI SÁNG NHỜ CHÍ THÀNH NIỆM QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Lúc 53 tuổi, mắt của Dì Mão tự nhiên bị đỏ lói rồi sưng to. Sau đó không bao lâu thì hai mắt của Dì bị mù. Các thầy thuốc đông y, tây y đều tìm đến chữa trị, song không có hiệu quả. Tình trạng này kéo dài rất nhiều năm, khiến Dì rất đau khổ và khó khăn cho đời sống vô cùng. Có một lần Dì mò ra bờ ao hái rau muống, không may bị trượt chân té xuống hồ sâu ngập nước, suýt chết. May có người hàng xóm đi qua nhanh tay cứu Dì qua cơn tai nạn.
Gặp lúc bệnh khổ ụp tới, cùng đường bí lối, Dì Mão mới quay về Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, niệm danh hiệu của Ngài cầu cứu Ngài cứu khổ, cứu nạn. Cộng thêm sự huy động tinh thần và lời khuyên dạy của Hòa Thượng Phổ Phổ Thiên, Trụ trì chùa Phổ Ðà tại Ðà Nẵng. Dì Mão tăng phần tín nhiệm, tin tưởng vào thần lực của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát. Từ đó, Dì Mão bắt đầu chuyên niệm Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát và lễ bái chuyên cần sớm tối, tha thiết mong cầu được sớm lành mắt, tai qua nạn khỏi. Cứ sau mỗi lần lễ bái, niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm được 108 lần, dì Mão lại đọc lời tác bạch trước tượng Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát: Nam Mô Ðại Từ Ðại Bi Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát Dì cứ lặp đi lặp lại 21 lần rồi nói: “con là người mê muội, chữ nghĩa không rành, lý đạo chẳng thông, nghiệp chướng sâu dày, mang nhiều nổi khổ. Nay hai mắt bị mù lòa, tâm thần rối loạn, sống mà cũng như chết. Lòng con không an, khổ lắm. Mong Ðức Phật Bà Quan Âm cứu giúp, chữa trị cho hai con mắt của con sáng lại. Con nguyện sau khi hai mắt của con được sáng, con xin trọn đời vào chùa làm công quả, chuyên làm việc lành, phụng sự Tam Bảo, không hề luống phí thời gian, chuốc thêm nghiệp xấu, phiền não. Xin Ðức Phật mười phương soi sáng, xin Ðức Bồ Tát Quán Âm chứng giám cho lời phát nguyện chân thật của con”.
Kỳ diệu và linh nghiệm thay, sau gần ba tháng chuyên tâm trì niệm hồng danh, lễ bái và cầu nguyện Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, đôi mắt của Dì Mão được sáng lại như xưa. Trước khi lành bệnh có chuyện xảy ra là một buổi sáng Dì Mão đang ngồi lần chuỗi, miệng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát tại góc chuông chùa Vĩnh An, thuộc khuôn hội Phật Giáo tỉnh quảng Nam Ðà Nẵng thì bỗng có một người “khách lạ” nói giọng người con gái nhỏ nhẹ và tự xưng là học trò của Ðức Quán Thế Âm mang tới biếu người có lòng tin cậy, lễ niệm thuốc Phật Bà. Nói xong tự tay cô gái bỏ thuốc vào miệng cho Dì Mão và bảo là uống thuốc rồi chắc chắn sáng mai mắt sáng. Thì ra đó là giấc mơ của Dì Mão đã xảy ra đêm qua trước khi mắt dì được sáng lại. Dì nói giấc mơ rõ ràng như chuyện xảy ra ban ngày vậy.
Chuyện Dì Mão lành đôi mắt nhờ lễ niệm Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát đã lan tràn khắp tỉnh và xóm làng. Khiến nhiều người chưa quy y, chưa biết gì về đạo Phật cũng đều phát tâm tín cẩn Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát và đi thỉnh tôn tượng của Bồ Tát về thờ phượng, lễ bái.
Mắt mù khó sáng lại
Thuốc Ðông tây khó lành
Niệm Quán Âm lễ nguyện
Cảm ứng bất tư nghì.
Dì Mão là một thành viên rất thuần thành và hết sức tích cực trong việc hộ trì Tăng, Ni trẻ tu học thiếu điều kiện vật chất trong số đó có tôi. Từ khi Dì được Bồ Tát Quán Âm cứu khổ và điểm hóa, Dì Mão đã trở thành bà mẹ tình thương của rất nhiều trẻ thơ mồ côi, xấu số. Dì đã trải dài cuộc đời còn lại của mình để phụng sự Phật pháp và tình thương với nụ cười, đôi tay khoẻ trong trái tim giản dị, tươi mát, mộc mạc, hiền lành của Dì. Dì sống gần đến chin mươi mới qua đời.
Trích: Linh Ứng Quán Thế Âm
Tác giả: Hòa thượng Thích Tịnh Từ
Chiếc áo Mẹ may
Ngày còn bé tí tẹo, tôi thường theo bà nội đi chùa vào những ngày rằm hay mùng một Âm lịch. Ngôi chùa trong làng cách nhà tôi chừng nửa cây số. Trong khuôn viên chùa trồng rất nhiều hoa phượng. Loại cây nầy thường được trồng ở các ngôi chùa cổ miền Trung. Ngày đó tôi thường mặc duy nhất một chiếc áo ngắn màu trắng. Dù tôi có vài chiếc màu khác nhau, bà nội tôi cứ vẫn bảo tôi phải thay chiếc áo màu trắng ấy mỗi khi đi chùa. Cho đến khi nó quá chật, tôi không thể mặc được nữa thì bà cẩn thận gói nó và cất vào tủ. Nó không những chật mà còn cũ và rách vài chỗ nữa.
Cho đến một buổi chiều mùa đông kia, bà nội cùng tôi ngồi nhìn mưa rơi, bất chợt bà nội hỏi rằng có biết tại sao bà thường bảo tôi mặc chiếc áo màu trắng kia không. Hai mắt bà lúc đó nhìn xa thẳm buồn vời vợi. Bà nói : “Cháu thật tội nghiệp ! Nếu má cháu còn sống thì cháu đâu đến nỗi quần áo rách rưới như thế này”. Suốt tuổi thơ của tôi, bình thường, chỉ có vài bộ áo quần ngắn ngủn, cũ kỹ do bà nội đi xin từ mấy gia đình giàu có. Đi học hay đi chơi đâu cũng chỉ quanh quẩn mấy bộ đồ cũ kỹ ấy, chỉ khi nào đi chùa thì bà mới cho tôi mặc chiếc áo màu trắng mới hơn một chút. Bà nói khi mẹ tôi còn sinh tiền thì mỗi khi đi đâu xa, mẹ tôi thường đi bộ chứ không đi xe, hoặc có đi đâu xa quá mà phải đi xe thì mẹ tôi thường dành tiền uống nước dọc đường lại. Số tiền dành dụm đó, mẹ mua vải và tự tay may chiếc áo trắng kia cho tôi. Mẹ nói là phải có một chiếc áo cho đàng hoàng để tôi đi chùa lạy Phật với bà nội. Từ ngày mua được miếng vải, mẹ tôi thường chong ngọn đèn dầu lạc bên cạnh chiếc võng dứa đưa tôi ngủ trong những ngày hè nóng bức và may chiếc áo đó cho tôi. Ban ngày mẹ phải tảo tần đi làm thuê, làm mướn, hết chỗ này đến chỗ nọ; ban đêm phải lo việc nhà, nào cơm nước cho gia đình, giặt giũ áo quần cho ông bà nội, cho ba và cho tôi. Bao nhiêu công việc đó cũng ngần đến khuya. Công việc xong xuôi đâu vào đấy, mẹ mới chong đèn may áo và cũng để tiện bề chăm sóc tới khi tôi ngủ hẳn, mẹ mới lên giường nghỉ lưng một chút. Công việc may áo lúc đó không phải bằng máy mà bằng tay. Mỗi mũi kim luồn qua vải là mỗi tấm ân tình, mỗi nỗi nhọc nhằn. Mẹ đã may cho tôi một chiếc áo chỉ, với mong ước nhỏ nhoi là khiến cho tôi vui và mỗi khi đi chùa có được chiếc áo mới. Bà nội ôm tôi vào lòng với một giọng run run nói tiếp rằng chỉ vì chiếc áo đó mà mẹ tôi ngã bệnh nặng. Sau ba ngày hoàn thành chiếc áo mẹ tôi đã ra đi vĩnh viễn. Với tấm thân hạc mảnh khảnh, mẹ tôi lại làm việc quá sức, nào là phải sớm hôm tần tảo nuôi cả gia đình bên chồng, chăm sóc mẹ già, nào là tiết kiệm không dám ăn uống lặt vặt để dành tiền may chiếc áo. Bao nhiêu đó đã khiến mẹ kiệt sức, gầy gò, cơ thể ngày một yếu kém. Mẹ không đủ sức chống chọi với mưa chiều nắng sớm của khí hậu miền Trung. Tất cả những thứ đó đã thực sự cướp đi mạng sống của mẹ tôi vào cái tuổi 25.
Cái ngày tôi xuất gia, bà nội soạn trong tủ lấy ra một cái gói nho nhỏ. Bên ngoài gói một lớp vải cũ bạc màu. Bà đưa tôi gói đó và nói rằng dù đi đâu, ở đâu hay làm gì, thì tôi cũng phải trân trọng cái vật trong ấy. Vì thương nội quá nên tôi nhận cái túi vải ấy mà không biết bên trong là gì nữa. Từ ngày sống cuộc sống thiền môn, tôi thực sự quên hẳn tất cả. Ban ngày hầu thầy, lo công việc chùa tháp, ban đêm tụng kinh ngồi thiền và học kinh, luật tới khuya. Chuông hôm mõ sớm đã thực sự nuôi lớn tôi. Bây giờ tôi là một tu sĩ được rèn luyện kỹ nơi chốn thiền môn quy củ, được mọi người kính mến.
Một ngày nọ, đang lưu học nơi thành phố xa, tôi nghe tin bà nội qua đời. Lòng quá xót xa thương cảm, tôi quyết định về quê để gặp mặt bà lần cuối và cũng để tụng một thời kinh chú nguyện cho bà như lời bà tôi trăng trối. Chính bà nội đã đem lại hạt giống từ bi, mầm trí tuệ giải thoát gieo vào đầu óc trẻ thơ của tôi. Bà nội là thiện tri thức của tôi. Đêm đó, đang sửa soạn hành lý để lên đường về quê, tôi chợt nhớ tới gói vải mà nội đã trao cho tôi cách đây 20 năm. Tôi bèn mang nó theo với ý định là sẽ bỏ nó vào quan tài của nội để bà mang xuống “suối vàng”. Khi về tới chùa đã khuya, giữa tiếng côn trùng và tiếng dế buồn, tôi lặng lẽ mở gói vải ra xem thử vật gì trong ấy. Lặng người giây lát, tôi nhẹ nhàng nâng vật ấy lên. Một chiếc áo trẻ con màu trắng đục ! Nhìn chiếc áo cũ ngày xưa lòng tôi càng bồi hồi xao xuyến. Nhiều miếng vá trên vai, vài chỗ vẫn còn thủng, cái cổ áo nhuốm màu lốm đốm đen như ai đã rắc mè lên đấy. Giờ đây tôi đã trở thành một tu sĩ, nhưng khi cầm trên tay kỷ vật thiêng liêng này, những kỷ niệm thời thơ ấu lại dần dần xuất hiện. Hình dáng mẹ tôi dưới ánh đèn dầu khuya, một tay giữ lấy áo, một tay cầm kim đưa lên đưa xuống, thỉnh thoảng ngừng tay kim để đẩy nhẹ chiếc võng cho tôi ngủ. Từng mũi kim xuyên qua làn vải mỏng là mẹ tôi đã khâu kết trọn quãng đời trẻ trung của người vào đấy với một hy vọng nhỏ nhoi như ngọn đèn dầu đêm khuya. Giờ đây ngọn đèn đã đi về đâu ? Nó mang theo một kỷ niệm của thời quá khứ, mang theo hình bóng người mẹ suốt đời hy sinh cho con. Tôi có thể mua bao nhiêu ngọn đèn dầu cũng được. Tôi cũng có thể đốt lên bao nhiêu ngọn đèn trong đêm khuya cũng được, nhưng tôi không thể tạo ra được ngọn đèn mà năm xưa nó chứng kiến cảnh mẹ tôi cặm cụi may áo trong đêm. Giá như tôi có thể tạo ra ngọn đèn ấy, nhưng còn mẹ tôi thì sao ? Đây là một mất mát lớn không thể tìm lại được trong đời tôi. Tôi nghĩ không những riêng tôi mà hầu hết con người sống trên đời này đều phải chịu cảnh thiệt thòi đó. Cái gì mất cũng có thể tìm lại được, một khi mất mẹ thì ngàn muôn năm vẫn là đứa con mồ côi. Nhưng may thay, trường hợp của tôi hạnh phúc hơn; tôi có chiếc áo đã gói trọn cuộc đời của mẹ và nó thay thế mẹ để theo tôi suốt cuộc đời và sẽ theo tôi xuống lòng đất lạnh.
Từ ngày đó, tôi không còn mẹ nữa, nhưng tôi có cả một quãng đời của mẹ trong chiếc áo cũ kia. Trong chiếc áo đó không những có hình dáng mẹ âm thầm đưa từng mũi kim sợi chỉ, mà còn có cả tiếng ầu…ơ ru con giữa trưa hè hay trong đêm vắng nữa. Tuổi thơ của tôi, cuộc đời trẻ trung của mẹ và lòng thành kính của nội đã gói trọn trong chiếc áo cũ đó. Cho dù chiếc áo đó có bị thời gian bào mòn, không gian thay đổi trong quy luật vô thường. Một ngày nào đó nó sẽ tan hoại đi, nhưng 3 yếu Tố : Tuổi thơ của tôi, cuộc đời của mẹ và lòng thành của nội sẽ không bao giờ phai mờ. Chính ba yếu tố đó đã tạo ra cuộc sống đạo hạnh của tôi. Chiếc áo cũ rách đó quý hơn tất cả những thứ gì tôi có trên đời.
Khi nhận ra giá trị của chiếc áo, tôi quyết định không bỏ vào quan tài của nội. Nếu bà nội tôi biết được sự thay đổi này, thì bà cũng vui vẻ nơi “chín suối”. Tôi nghĩ đó cũng là ý nghĩ của nội tôi khi trao nó cho tôi. Chiếc áo có một tiềm lực vô biên. Tuổi thơ của tôi đã đi qua. Cuộc đời trẻ trung của mẹ cũng lùi vào quá khứ và nay bà nội tôi cũng ra đi vĩnh viễn. Chỉ có chiếc áo vẫn còn bên tôi, có nghĩa là tôi mất mẹ, mất nội, nhưng thực ra chưa mất gì cả. Nếu trong cuộc đời hành đạo của tôi có làm được điều gì ích lợi cho đời, cho chúng sanh, phần lớn cũng do nơi chiếc áo cũ rách kia. Đó là do đức hy sinh của nội, lòng thương bao la của mẹ gói trọn trong đó. Không những thế, mà mỗi khi nhìn chiếc áo đó thì tôi không thể lơ đãng trong tu tập, trong đạo hạnh để thời gian trôi qua vô ích. Khi nào tôi giải đãi, yếu kém thì chiếc áo cũ rách kia là lời khuyên hữu hiệu nhất, động viên cho tôi tiếp tục lý tưởng của mình. Tôi tin rằng nội và mẹ sẽ thảnh thơi an lạc nếu tôi tu hành nghiêm túc.
Khi viết lên những dòng này để tưởng nhớ một kỷ vật giá trị, người đọc chắc sẽ khinh thường vì lẽ tôi xuất thân hàn vi. Một lo ngại khác là các pháp hữu (bạn đạo) cho rằng tôi xuất gia không phải vì một lý do chính đáng, như là mến mộ đạo Phật, say mê nghiên cứu giáo lý hay mang một lý tưởng cao thượng. Nếu quả như thế thì tôi sẽ không biện minh lời nào, vì đó là sự thật đời tôi. Chính tôi cũng thấy xấu hổ rằng ngoài những nguyên nhân ấy ra, tôi thật sự không có một hoài bão cao xa hay tâm nguyện nào khi cất bước xuất gia. Khi tôi thực sự chấp nhận nếp sống thiền môn, với chuông chiều mõ sớm, thời gian ấy tôi rất xúc động và say mê với ý nghĩa câu : “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập. Như nhất chúng sanh vị thành Phật. Chung bất ư thử thủ Nê-hoàn”, nghĩa là (tôi nguyện sẽ không chứng Phật quả cho tới khi nào trong cõi đau khổ này không còn một chúng sanh nào chưa giác ngộ giải thoát). Trong sinh hoạt hằng ngày trong chốn thiền môn, tôi cũng bị thuyết phục bởi tất cả những động tác dù lớn hay nhỏ cũng đều đặt trọng tâm vào sự quan tâm chú nguyện tới chúng sanh. Tất cả những động tác đều đi kèm với một bài kệ, mỗi bài đều có mang câu “đương nguyện chúng sanh”. Đó là tiếng sét lý tưởng đã đánh mạnh vào đầu óc trẻ thơ của một chú tiểu. Khi còn là một chú điệu để chỏm, tôi không ân hận thân phận thấp hèn của mình. Trái lại tôi rất cảm ơn thân phận và hoàn cảnh đó. Chính cái thân phận ấy và hoàn cảnh ấy đã mang tôi vào chốn thiền môn và cũng chính hoàn cảnh ấy đã khiến tôi siêng năng tu tập. Thành quả mà tôi có được như hôm nay đều xây dựng trên căn bản bần cùng khốn đốn trong suốt quãng thời gian thơ ấu của tôi.
Tôi về thăm lại chùa xưa, đồng thời dự đám tang bà nội lại đúng vào mùa hoa phượng nở đỏ sân chùa, gợi cho tôi nhớ lại những kỷ niệm ấu thơ, những ngày đầu đi chùa. Hoa còn đó, vẫn nở như xưa mà cảnh vật và con người đổi thay nhiều quá. Tôi vẫn đứng trước cảnh chùa đầy hoa phượng giờ đây khác với tôi năm xưa theo nội đi chùa giẫm lên hoa phượng tại nơi này. Ngày xưa, tôi là thằng bé đi theo nội và còn có cả mẹ may áo cho tôi. Ngày nay, hoa phượng vẫn nở đỏ, bầu trời vẫn xanh, sân chùa vẫn rợp bóng, mà bà không còn, mẹ cũng khuất bóng từ lâu. Đứng giữa cái thường và cái vô thường đó, đầu óc tôi bối rối giữa quá khứ và hiện tại, vừa rõ ràng mà cũng vừa mơ hồ. Đứng giữa thường và vô thường, giữa quá khứ và hiện tại, con người tự tìm cho mình một lẽ sống thật có ý nghĩa là một chuyện không dễ dàng. Miên man trong ý nghĩ đó, tôi lặng lẽ cúi xuống nhặt một chiếc hoa phượng nhẹ nhàng ép vào trong chiếc áo cũ rách kia và cất bước tiến về phía trước để đi cho hết con đường mà nội và mẹ đã gởi gắm trong chiếc áo đó. Hy vọng một ngày nào đó tôi trở lại chốn xưa, ôm chiếc áo vào lòng nằm trên tấm thảm hoa phượng trước sân chùa xưa để nhìn mây trắng ngàn muôn năm cứ vô tình trôi qua trước mắt./.
Trí Nguyệt.
[Tập san Pháp Luân – số 7]