Nếu không niệm Phật cầu sinh Tịnh độ thì tuy phát tâm rộng lớn, tự cứu còn chưa chắc lấy gì cứu độ chúng sinh. Duy chỉ có tu niệm Phật, chuyên tâm nhất ý, khi mạng chung, trong thì nương niệm lực tự tâm, ngoài thì nhờ vào nguyện lực của Ðức Phật A Di Ðà, trong một lúc hội hai lực, thu thành công trong một niệm, vãng sinh Tây phương, thấy Phật nghe pháp, chứng vô sinh pháp nhẫn, rồi sau đó mới nương vào bánh xe đại nguyện, hội nhập Ta bà, cho đến vô lượng cõi nước nhiều như cát bụi, hiển sáu thần thông, hành Tứ nhiếp pháp, quảng độ chúng sinh đồng sinh Cực lạc. Ði lại tự do không bị nghiệp kéo mới có thể làm đại Phật sự, báo đáp tứ ân.
1. Niệm Phật có thể báo đáp ơn Phật: Ðức Phật đã vì chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay chưa từng một giây rời bỏ. Lúc ta hôn mê Phật là người dẫn lối, lúc ta tạo nghiệp Phật thương xót, lúc ta trầm luân Phật phương tiện tìm cách cứu độ, khi ta được thân người Phật mừng vui. Ân này đức này không thể dùng lời lẽ để diễn tả. Nếu phát tâm niệm Phật, tự độ mình xong sau đó độ người, rộng tuyên pháp môn Tịnh độ, thay Phật hoằng hóa khiến cho hết thảy niệm Phật vãng sinh, hoành siêu tam giới, thỏa hoài bão của Phật là chân báo ân Phật vậy. Kinh điển có dạy rằng: “Giả sử đầu đội hằng sa kiếp, thân làm sàng tọa khắp tam thiên; nếu không thuyết pháp độ chúng sinh, thì chưa gọi là báo ơn Phật”.
2. Niệm Phật có thể báo đáp thân ân: Thương thay cha mẹ, lao nhọc sinh ta, ân ấy đức ấy, đầy khắp hư không. Cha nuôi ta khôn lớn dạy ta nên người, một đời lao khổ không vì ai khác; yêu ta như yêu viên ngọc trên tay, ngóng ta như ngóng lúa năm đói kém. Mẹ thì mười tháng cưu mang, ba năm bú mớm, nhả ngọt nuốt đắng, nằm ướt nhường khô, chăm sóc ta từng ly từng tí. Nếu chỉ cung phụng ngọt ngon lúc sống, ma chay rềnh ràng khi chết, như thế cũng chưa trọn báo thâm ân, cần phải niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, sau đó trở lại Ta bà cứu vớt vong linh cha mẹ, vĩnh viễn lìa khỏi tam đồ khổ, sinh lên Cực lạc an vui, như vậy mới được gọi là báo đáp trọn vẹn. Lại nữa, ta từ vô lượng kiếp đến nay, xả thân thọ thân, đời đời đều có cha mẹ, hoặc sinh làm người hoặc sinh làm thú mà mắt trần không thấy, không thể báo đáp. Nếu niệm Phật vãng sinh, được sáu thần thông thì không chỉ có thể riêng độ cha mẹ đời này, mà còn độ được cha mẹ nhiều đời kiếp trước, như vậy mới gọi là đại hiếu, mới gọi là chân thật báo ân.
3. Niệm Phật có thể báo đáp ân sư: Cha mẹ sinh ta là cha mẹ của sinh thân; thầy tổ dạy ta là cha mẹ của pháp thân. Nếu không có thầy tổ thì ta không thể khai mở trí tuệ, học vấn của ta không thể tiến lên, đạo hạnh của ta không thể thành tựu. Ân thầy lớn lắm, còn hơn cả ân cha mẹ, nếu muốn báo đáp, chỉ có niệm Phật cầu sinh Tây phương, tự độ mình xong, sau đó độ người. Như Pháp sư Cưu Ma La Thập, ban đầu học Tiểu thừa ở Pháp sư Bàn Ðầu Ðạt Ða, sau sang học Ðại thừa ở Pháp sư Tô Lợi Ða Tu Ma, nhận rõ sâu xa lý thể pháp tánh, tự hận trước đây sai lầm đã học Tiểu thừa, nhân nhớ đến thầy cũ, bèn trở lại diễn nói chân lý Ðại thừa khiến thầy đắc ngộ, được lợi ích lớn. Thầy cũ lại bái La Thập làm thầy, Thập không dám nhận. Sư nói: “Ta là thầy Tiểu thừa của ông, ông là thầy Ðại thừa của ta”. Như La Thập, đáng được gọi là thật báo ơn thầy vậy.
4. Niệm Phật có thể báo ân chúng sinh: Hoặc hỏi: “Chúng sinh có ân gì với ta?”. Ðáp rằng: “Người cày ruộng ta mới có ăn, người dệt vải ta mới có mặc, bao nhiêu vật dụng hằng ngày, chúng sinh tạo tác ta mới có dùng”. Hoặc nói: “Ta bỏ tiền ra mua, sao lại gọi ân?”. Ðáp rằng: “Ðành là ta bỏ tiền ra mua, nhưng chúng sinh không lao tâm nhọc sức thì ta lấy đâu mà mua?” Lại nữa, tất cả chúng sinh hoặc là cha mẹ, hoặc là thầy tổ, hoặc là thân bằng quyến thuộc của ta trong quá khứ, chẳng qua thay hình đổi dạng, nên không nhận ra được, không thể bảo chúng sinh hoàn toàn không có quan hệ gì với ta; thậm chí con trâu kéo cày, con chó giữ nhà, cũng đều có ân với ta, phải nên báo đáp. Niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, tuy là tự độ nhưng thật sự là muốn độ khắp chúng sinh. Nếu lấy cái thân hiện tại chưa đắc vô lậu này mà muốn học hạnh Bồ Tát độ sinh thì thật chẳng phải là chuyện dễ. Thí như chèo chiếc thuyền lủng ra sông cứu người, chẳng những không cứu được người mà ngược lại mình bị chết chìm. Sinh lên Tịnh độ rồi, thấy Phật nghe pháp, chứng vô sinh nhẫn, đắc thân, khẩu, ý tam luân bất tư nghì nghiệp mới có thể độ khắp mười phương chúng sinh, đấy là thật báo ân chúng sinh vậy.
Trích Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật
Biên soạn: Viên Anh Pháp Sư
Việt dịch: Thích Nguyên Anh
Tự Mình Nhập Thất Tịnh Tu Được Không?
HỎI: Tôi là Phật tử tu tập theo pháp môn Niệm Phật. Có điều, trong khi niệm Phật tôi hay bị tán tâm nên muốn nhập thất hay tham dự các khóa tu Phật thất để trợ duyên cho việc duy trì chánh niệm.
Hiện tôi không biết nơi nào có tổ chức các khóa tu Phật thất, tìm hiểu một số chùa gần nhà thì chỉ có khóa tu Một ngày an lạc hoặc Bát quan trai giới mà thôi. Xin hỏi, việc nhập thất tịnh tu tại tư gia có cần phải xin phép một vị thầy hay tự mình tiến hành được không?
(NGỌC BÍCH, [email protected])
ĐÁP:
Bạn Ngọc Bích thân mến!
Pháp môn tu tập niệm danh hiệu Phật A Di Đà, cầu sanh Tịnh độ vốn rất thông dụng, được nhiều người thọ trì. Trong quá trình trì niệm, sự tán tâm (thất niệm) là điều tất yếu, luôn xảy ra, nhất là đối với người mới dụng công tu trì thì sự tán tâm rất mãnh liệt. Bởi lẽ, tâm mình từ trước đến nay luôn dấy động, khởi tưởng không dừng theo nghiệp dĩ của mình. Nay mình gắng trú tâm vào danh hiệu Phật, trong thời gian đầu, chắc chắn không tránh khỏi tạp loạn.
Bạn muốn tham dự các khóa tu Phật thất hay nhập thất để tiến tu là điều cần thiết. Trước hết, để biết chùa nào có tổ chức các khóa tu Phật thất, bạn có thể vào internet gõ từ khóa “khóa tu Phật thất” thì bạn sẽ biết ngay một số chùa có tổ chức khóa tu này, đơn cử như website chùa Hoằng Pháp (TP.HCM) thông báo về các khóa tu rất rõ ràng. Kế đó, thông qua các phương tiện truyền thông Phật giáo hiện hành, bạn cũng có thể biết được một số chùa có tổ chức khóa tu Phật thất.
Nếu bạn muốn nhập thất tịnh tu thì có thể tìm đến những nơi chuyên tu nhập thất niệm Phật xin đăng ký tham dự. Những nơi này có ưu điểm là khá đầy đủ các phương tiện hỗ trợ cho người nhập thất, có thầy hướng dẫn cho mình về các kỹ thuật tu tập trước, trong và sau khi nhập thất.
Còn nếu nhà bạn có điều kiện, muốn nhập thất tịnh tu tại nhà cũng tốt nhưng cần tìm hiểu về kỹ thuật và kinh nghiệm tu niệm Phật từ những người đi trước, sau đó mới nhập thất thì sẽ tốt hơn. Nếu chưa từng nhập thất lần nào thì khoan vội tự nhập thất theo đúng nghĩa của nó mà chỉ phát tâm nỗ lực tinh tấn tịnh tu ở nhà một thời gian. Cách tịnh tu này giúp bạn thoải mái hơn, tùy thời và tùy duyên tịnh niệm mà không bị áp lực bởi những yêu cầu khắt khe về nhập thất. Cho đến khi nào bạn đã nắm vững kỹ thuật tu tập nhập thất thì bạn cứ tùy nghi tiến hành nhập thất một mình ở nhà. Sau đó, nếu gặp những người đi trước có kinh nghiệm nên chân tình thưa hỏi để được chia sẻ, soi sáng thêm.
Trong khi chưa tìm được khóa tu Phật thất hay nhập thất thì bạn vẫn niệm Phật bình thường. Cần tăng cường sự chú tâm hơn, duy trì chánh niệm cao độ trong khi niệm Phật. Miệng niệm danh hiệu Phật (hoặc tâm niệm), tai nghe tiếng niệm Phật rất rõ ràng, thấy biết hết thảy tâm mình trong đương tại. Nếu nhận ra tâm mình vọng niệm, rõ biết nó và đưa tâm về an trú trong Phật hiệu. Không cần diệt trừ hay xua đuổi vọng niệm, không hề lo sợ tán tâm, chỉ cần biết rõ tâm và an trú vào danh hiệu Phật mà thôi. Cứ kiên trì như thế, lâu ngày vọng niệm, tán tâm sẽ thưa dần, chánh niệm ngày càng tăng trưởng và hướng đến thành tựu nhất tâm bất loạn.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn
PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ CỰC KÌ BÌNH DỊ, ĐƠN GIẢN DỄ HÀNH
Pháp môn Tịnh Độ không được giảng quá phức tạp, không được giảng quá cao sâu, quá diệu huyền, quá khó hành, hoặc tự mình kiến lập 1 ý nghĩa mới, muốn dùng sự kì dị để mê hoặc chúng sanh, trái lại ta cần phải giảng một cách bình dị chân thật, thân thiết tự nhiên, khuyến khích cả những người mù chữ, không có văn hóa, ông cụ bà lão đều có thể nghe hiểu được và đều làm được. Bằng không thì thà rằng không giảng không nói, để tránh trên thì vi phạm ý chỉ của Phật, dưới thì gây hiểu lầm cho chúng sanh.
Pháp môn Tịnh Độ cực kì bình dị, đơn giản dễ hành, không được ham nhiều, ham tạp, thích sâu, thích huyền, thích khó, hoặc tìm kiếm điều kì dị, sảo diệu, ý muốn khác với mọi người, như thế thì dễ sa vào nẻo tà, hại mình, hại người, phải chịu cảnh trầm luân, không được vãng sanh, bởi vì những thứ kì dị xảo diệu kia không phải là cái nhân của vãng sanh.
Chánh nhân để vãng sanh chính là “Chuyên tâm niệm Phật”.
Nam Mô A Di Đà Phật
Pháp Sư Huệ Tịnh
Chuyển ngữ Huệ Chánh