Kinh dạy: “Tu hành một ngày một đêm trong thế giới Sa Bà hơn hẳn tu Thập Thiện trăm năm trong cõi Cực Lạc.” Ðó là vì khó lòng tấn tu trong cõi này, còn trong cõi kia thì dễ dàng ra sức tu hành vậy.
Cứ dựa theo đó mà nói thì tu hành một ngày trên nẻo đường phong trần thế gian sẽ hơn hẳn tu hành trăm ngàn ngày nơi cảnh chùa thanh tịnh trong núi sâu, chẳng còn nghi ngờ gì nữa! Vì thế, có thể lẩn quẩn nơi kinh đô, có thể dấn thân vào chốn hồng trần, nhưng tịnh nguyện chẳng được quên, tịnh hạnh chẳng được khuyết!
Than ôi! Phong trần làm sao nhiễm trước con người cho nổi? Chỉ e con người tự nhiễm phong trần đấy thôi!
Nếu tâm mình niệm niệm chán lìa ngũ dục, khắng khít tưởng nhớ Phật A Di Ðà, ưa thích nguyện được thân cận như con nhớ mẹ, chẳng bị nghiệp cảnh lôi kéo, chẳng bị kẻ khác làm mê lầm, quyết hướng đến Tây Phương thì nhất định sẽ liên hoa hóa sanh trong thế giới Cực Lạc, thấy Phật, [được Phật] thọ ký.
Mắt thường ngắm hình tướng Phật, tai thường nghe lời Phật dạy, mũi thường ngửi mùi hương của Phật, lưỡi thường xưng niệm Phật hiệu, thân thường lễ tượng Phật, ý thường nghĩ đến Phật pháp. Cả sáu căn không căn nào chẳng chuyên chú vào Phật cảnh. Giữ liên tục như thế không gián đoạn, không xen tạp.
Tháng ngày tàn còn mấy? Con đường ổn đáng nhất, dễ dàng nhất chỉ là lấy câu chơn ngôn sáu chữ để khuyên lơn cố gắng. Ðấy chính là vị thuốc hay lấy từ biển để trị bịnh ngặt, trị bịnh từ ngọn đến gốc, bịnh cấp bách hay bịnh mạn tính đều thích hợp. Quý ở chỗ tin tưởng sâu xa, tận lực tu hành, chuyên trì mà thôi!
Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích tuyển lời khai thị của đại sư Hành Sách (lược dịch theo ấn bản Hành Sách Ðại Sư Cảnh Ngữ Thiên Hoa của Tịnh Tông Học Hội Dallas)
Câu chuyện về ‘3 nguyện vọng’ chưa hoàn thành
Có một vị tu sĩ xuất gia, ngày nọ đi thăm một người bạn cư sĩ, muốn hướng dẫn vị cư sĩ này dành thời gian học Phật, niệm Phật, nhưng người bạn cư sĩ này nói:
– Học Phật, niệm Phật là rất tối, tôi cũng có tâm nguyện này, chỉ là tôi còn có ba nguyện vọng chưa hoàn thành:
i) Thứ nhất là nhà của tôi phải xây mới, mà nhà mới còn chưa xây xong;
ii) Việc thứ hai là tôi có một đứa con trai vẫn chưa kết hôn;
iii) Việc thứ ba là con gái tôi chưa gả chồng.
Đợi ba việc này hoàn tất rồi, tôi mới chuyên tâm học Phật, niệm Phật.
Nhưng chỉ sau vài ngày, vị cư sĩ này đột ngột qua đời.
Vị tu sĩ xuất gia viết bài thơ cảm thán rằng:
Bạn tôi tên Trương Tố Lưu,
Khuyên anh niệm Phật, đợi ba điều,
Đáng tiếc Diêm công đâu chịu hiểu,
Ba điều nguyện ước cũng mất tiêu.
Bài thơ này nói: Bạn của tôi tên là Trương Tố Lưu, tôi khuyên ông ấy học Phật, niệm Phật, y nói vẫn còn ba việc chưa hoàn thành, thế nhưng vua Diêm vương chẳng niệm tình, không đợi ông ta thực hiện ít nhất một việc đã sớm lấy tính mạng ông ta đi mất.
Đây chính là việc: “Diêm vương quyết định canh ba chết, tuyệt chẳng đợi người đến canh năm”.
Cái chết là việc không thể thương lượng, một khi đối diện với cái chết, dù cầu xin như thế nào cũng không thể thay đổi, trừ phi bạn đang niệm Phật, hoặc là tuổi thọ vẫn còn (Niệm Phật vãng sinh Cực Lạc không còn gặp vua Diêm vương nữa).
Nam Mô A Di Đà Phật
Trích: BẢN NGUYỆN XƯNG DANH, trang 633
Pháp sư Huệ Tịnh.
Hồi hướng phước cho Phật, Bồ Tát các vị có nhận được không ạ?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Nam,
Phật, Bồ Tát là đấng giác ngộ vì thế quý Ngài không cần những thứ đó bạn à; thứ mà các Ngài cần là bạn y giáo phụng hành, tu đạo chân chánh để sanh về Tịnh độ.
Do vậy đối tượng hồi hướng là pháp giới chúng sanh khổ nạn còn trôi lăn trong lục đạo chứ không phải là những bậc đã giác ngộ.
Chúc bạn tỉnh giác.
TN