Có một cụ bà họ là Thẩm đã kể lại một câu chuyện như sau:
Tại thôn của cụ có một người tên là Triệu Tam, cùng với mẹ là người ở cho nhà họ Quách. Sau khi mẹ Triệu Tam qua đời hơn một năm, vào một buổi tối nọ, ông có một giấc mộng mà như không phải mộng, trong đó mẹ ông nói: “Ngày mai tuyết rơi lớn, bên dưới tường nhà sẽ có một con gà chết cóng vì lạnh; chủ nhân nhất định sẽ thưởng cho con, nhưng con chớ có ăn. Ta đã từng trộm ba trăm đồng của chủ nhân, Diêm vương nay phán ta chuyển sinh thành gà để trả nợ. Ta đã đẻ đủ trứng trong đời này để trả hết số nợ, nên có thể đi được rồi.”
Hôm sau, quả đúng như lời nói, có một con gà chết cóng dưới bức tường nhà. Chủ nhân thưởng cho Triệu Tam, nhưng Triệu Tam nhất quyết không ăn, mà khóc lóc mang gà mái đi chôn. Chủ nhân cảm thấy rất kỳ quái, mới gặng hỏi lại. Không còn cách nào khác, Triệu Tam đành đem sự thật kể lại với chủ nhân.
Câu chuyện trên là có thật và đã được ghi chép lại. Trên thế giới này, la, ngựa được con người dùng để cưỡi; trâu, dê bị con người giết mổ để lấy thịt. Khó mà biết được nguyên nhân kiếp trước là gì. Những người gian manh xảo trá, trộm cắp của người khác sẽ đều có hậu hoạ về sau, chẳng qua là người ta chẳng mấy khi suy nghĩ về điều này.
Trích: “Duyệt vi thảo đường bút ký” triều Thanh, quyển 16
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/zj/articles/2007/8/16/47726.html (Bản tiếng Hoa)
http://www.pureinsight.org/node/4826 (Bản tiếng Anh)
MẠNG SỐNG VÔ THƯỜNG.
Biển Nam Hải vụt nổi một cơn sóng dữ dội đẩy ba con cá lớn vào chỗ nước cạn. Ba con cá cùng bảo nhau rằng:
“Chúng ta bị nguy hiểm rồi đây! Nhưng hiện giờ, nước chưa cạn, còn chảy ra vào, cần nên ngược dòng trở về biển cả!”.
Nhưng không may, lại vừa có con thuyền chặn ngang dòng thủy khẩu, nên cá không thể tự do chạy ra.
Con thứ nhất đem tận lực vượt qua khỏi thuyền. Con thứ hai may mắn nhờ đám cỏ cũng lủi qua được. Duy còn con thứ ba bởi sức yếu nên bị ngư ông bắt được. Đức Phật xem biết việc này liền nói bài kệ rằng:
“Ngày nay đã qua, mạng ta giảm đi
Như cá ít nước, đâu có vui gì!”
Bởi vì cá lấy nước làm nhà sống, mà nước hết thời chết. Người nương mạng căn mà còn, mạng giảm thời tiêu. Mạng căn theo đêm ngày bị giảm, thân thể bởi tám khổ mà mòn; vô thường già bệnh chẳng cho người hẹn. Kìa như cá khô nước đâu có vui gì!
(Trích “Sống Theo Lời Phật” – Tác giả: Thích Nhuận Thạnh)
Lời bàn:
Mỗi ngày trôi qua thì cuộc sống của chúng ta sẽ giảm dần, ví như cá bị mắc cạn ở trong ao, nên chẳng có vui gì trong sự biến đổi của vô thường thế thái. Ấy vậy mà cả đời chúng ta chỉ biết chạy theo cái “mồi danh” và “bả lợi” cùng những dục vọng thị phi của cuộc đời để rồi chuốc lấy sự khổ đau.
Chúng ta chẳng bao giờ bằng lòng với phút giây hiện tại mà chẳng biết rằng chính cái giây phút ấy lại vô cùng quý báu đối với cuộc đời. Hãy bằng lòng với những gì mà chúng ta đang có. Trong cuộc sống này, chẳng có gì tồn tại mãi mãi. Từ con người đến vũ trụ cũng đều chịu chung một định luật vô thường chi phối. Bởi vậy, ta đừng nên tham đắm và quyến luyến những thứ vốn tồn tại trên bản chất của danh và sắc mà hãy dang tay đón nhận những hạnh phúc hay khổ đau đến với mình một cách an nhiên, tự tại. Vì sự sợ hãi sẽ đeo bám chúng ta nếu chúng ta tìm cách trốn tránh khổ đau. Và thất vọng chán chường sẽ đến nếu chúng ta thích đón nhận sự sung sướng và hạnh phúc.
Vì bản chất của đời sống là vô thường, là biến diệt, không trường tồn, giả tạm, vay mượn của tứ đại thì cũng trả lại về cho tứ đại. Cho nên, mỗi ngày chúng ta hãy dành một ít thời gian để niệm Phật hoặc thiền định, để xóa bỏ đi những ham muốn của dục lạc và sự tị hiềm ganh ghét. Hãy dùng tuệ giác quán xét kỹ về điều đó, ta sẽ không còn sự âu sầu hay lo lắng. Ta nên học theo hạnh “từ bi, hỷ xả” của đức Phật và chư đại Bồ tát, biết dừng lại và không chạy theo ảo ảnh. Bởi vì thể xác và trí tuệ vốn tồn tại trong sự liên quan và mật thiết với nhau, không thể tách rời tựa như cá với nước. Nếu tách rời một trong hai thì chúng sẽ bị tiêu hoại. Vì thế, trong mọi hành động, chúng ta hãy bình tâm để thấy rõ điều gì mình nên làm hay không nên làm, điều gì có thể tăng trưởng thiện căn trong ta và có lợi ích cho mọi người.
Tóm lại, chúng ta phải biết quán chiếu sự vô thường để luôn sống tỉnh thức trong mỗi giây phút thực tại. Ta hãy tinh tấn niệm Phật để khi sống, thân tâm ta luôn được an lạc và khi mất thân này, ta được sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà. Có như thế, ta mới không uổng phí một kiếp người ngắn ngủi phù du ở cõi Ta bà giả tạm này.
(Nguồn: Chùa Hoằng Pháp)
Ông Trương Thiện Hòa (đời Đường) làm nghề giết trâu mổ bò, mắc nghiệp báo, khi lâm chung thấy bầy trâu nói tiếng như người rằng:
– Người giết hại ta, nay ta báo oán.
Thiện Hòa cả sợ, nói với vợ rằng:
– Mau thỉnh quý thầy đến cứu ta!
Ông Tăng đến giảng:
– Trong Thập Lục Quán Kinh có nói rằng người khi lâm chung tướng địa ngục có hiện ra, thời chí tâm niệm 10 tiếng danh hiệu Phật như vầy Nam mô A Di Đà Phật, thời liền đặng vãng sinh về Tịnh độ.
Trương Thiện Hòa nói:
– Chắc vào địa ngục quá!
Rồi không kịp bưng lư hương, tay trái cầm lửa, tay phải nắm nắm nhang, xoay mặt về hướng Tây chuyên thiết niệm Phật.
Chưa đầy 10 tiếng, Trương Thiện Hòa nói:
– Ta thấy Phật A Di Đà từ Tây phương đến, cho ta một cái tòa báu.
Nói rồi lâm chung (chết).
Trích Long Thơ Tịnh Độ
Việc Lớn Nhất Đời Người Là Không Tiếp Tục Luân Hồi Nữa
https://www.youtube.com/watch?v=xBiOEgGioEs&list=PLx-CFnKCccWYGlAIjGqztNq6xJbHOXDyJ&index=14
❖ Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
❖ Chuyển ngữ: Diệu Hiệp
❖ Ban biên tập: Pháp Âm Tuyên Lưu
❖ Diễn đọc: Phật tử Thiện Quang
Danh sách: https://www.youtube.com/playlist?list=PLx-CFnKCccWYGlAIjGqztNq6xJbHOXDyJ
Câu chuyện cô gái có 18 tướng xấu được chuyển kiếp thành đẹp
Thời Đức Phật còn tại thế, lúc đó Ngài ở thành Vương Xá. Trong thành có người phụ nữ gia đình nghèo sinh hạ một em bé gái có 18 tướng xấu. Cha mẹ của em đều hết sức buồn rầu.
Cha em nói:
– Đứa con xấu như vậy, nhân lúc trời tối, hãy đem nhận nước cho chết đi.
Người mẹ đau buồn nói:
– Chàng không nên nói như vậy, giết người là hành động trời đất không thể dung thứ, huống gì nó lại là con của chúng ta. Ít ra hãy đợi nó lớn lên, có thể tự sinh sống, rồi hãy đuổi nó ra khỏi nhà cũng không muộn.
Người chồng suy nghĩ, đồng ý.
Từ đó về sau, hai vợ chồng họ giấu kín em trong nhà, không để cho bất kì ai thấy mặt. Đến lúc em có thể tự nuôi sống lấy mình, vợ chồng họ bèn đuổi em ra khỏi nhà.
Em đi lang thang khắp đầu đường cuối xóm, xin ăn khắp nơi, nhưng ngày ngày đều cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Em vốn dĩ tướng mạo đã xấu xí, bây giờ lại bị bệnh hủi, quả thật thống khổ không thể chịu nổi, luôn lăn lóc rên siết bên lề đường.
Thầy A Nan xem thấy tình cảnh thảm thương của em như vậy, bất chợt trong tâm cảm thấy thương xót vô cùng. Không chần chừ, thầy liền bước đến ôn hòa hỏi thăm:
– Này em bé! Em tên gì? Nhà ở đâu? Sao lại ra nông nổi thế này?
Thần trí của em vẫn còn tỉnh táo, bèn cầu xin thầy một cách hết sức bi thương:
– Kính bạch Tôn giả! Nhất định là do chiêu cảm nghiệp xấu đời trước nên con mới bị tình cảnh như ngày hôm nay. Ngưỡng mong Tôn giả từ bi giúp con tiêu trừ nghiệp xấu này!
Thầy A Nan thương xót an ủi em:
– Em không nên lo lắng, thầy sẽ dạy em tu thiện, dùng nghiệp lành để tiêu trừ nghiệp xấu.
Thế là thầy A Nan tìm một ít dầu vừng, hương hoa, đưa cho em rồi bảo em mang đến tháp thờ tóc và móng tay của đức Như Lai để cúng dường…
Khi ấy, đúng lúc trưởng giả Cấp Cô Độc cũng vừa đến nơi đó, thấy chuyện như vậy bèn thưa hỏi thầy A Nan. Thầy liền kể lại ngọn ngành sự việc cho ông ta nghe. Trưởng giả Cấp Cô Độc thấy quần áo của em rách nát, lòng từ bi sinh khởi, liền tặng em một bộ áo quần mới.
Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai quán xét biết rõ về em bé đáng thương này, bèn đích thân đến nơi tháp.
Em bé xấu xí nhìn thấy kim thân đức Như Lai tam môn( Ba pháp môn mà Bồ Tát tu hành để hướng về Niết Bàn: Trí tuệ môn, Từ bi môn, Phương tiện môn) tịch tĩnh, tướng hảo trang nghiêm, viên mãn nghiêm sức, liền sinh khởi tín tâm cực lớn, thầm nghĩ:
“Công đức mình cúng dường Tháp thờ tóc và móng tay của đức Như Lai đã rất lớn, nếu hôm nay có thể cúng dường kim thân của Ngài, công đức càng không thể nghĩ bàn”.
Em suy nghĩ trong giây lát, liền dùng bộ áo quần trưởng giả vừa cho mình để cúng dường đức Thế Tôn. Cúng dường xong, em chắp tay cầu nguyện một cách vui mừng khôn xiết.
Ngay lúc đó em qua đời với tâm đầy hoan hỉ.
Sau khi chết, em được đầu thai vào một gia đình lái buôn giàu có. Lúc vừa chào đời em đã được thân thể hết sức đoan trang xinh đẹp, da màu vàng ròng, do đó cha mẹ đặt tên là “Kim Sắc”.
Năm Kim Sắc vừa tròn 7 tuổi đã sinh khởi niềm tin thanh tịnh vào Phật pháp. Khi được sự đồng ý của cha mẹ, em xuất gia sống đời tỉnh thức theo giáo pháp giải thoát của đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni. Sau khi xuất gia, em ngày đêm tinh tấn tu tập, không bao lâu đã dứt hết phiền não, chứng đắc thánh quả A-la-hán, trở thành một vị A-la-hán đầy đủ thần thông.
Sau khi chứng quả, Kim Sắc dùng thần thông quán sát đời trước của mình, biết được nhờ thầy A Nan cứu mình thoát khỏi thân người bần tiện với 18 tướng xấu xí, cho nên hết sức cảm kích, ngày nào cũng cung kính cúng dường thầy.
Chúng tỳ-kheo thấy chuyện như vậy bèn đến thưa thỉnh đức Thế Tôn:
– Kính bạch đức Thế Tôn! A-la-hán Kim Sắc có nhân duyên gì mà được sinh vào gia đình giàu sang phú quí, toàn thân có màu vàng ròng? Lại vì sao khi tuổi hãy còn nhỏ mà đã có niềm tin thanh tịnh vào giáo pháp giải thoát của đức Như Lai, xuất gia chứng quả? Xin đức Thế Tôn chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đức Thế Tôn ôn tồn nói:
– Các con có còn nhớ cô gái với 18 tướng xấu ở thành Xá-vệ trước kia không?
– Kính bạch đức Thế Tôn! Chúng con còn nhớ! Cô ta thật hết sức xấu xí.
– Lúc cô gái ấy cúng dường tháp thờ tóc và móng tay của ta, ta đích thân đến thọ nhận. Khi vừa thấy ta, cô gái ấy liền sinh khởi tín tâm và vui mừng cực độ. Ngay trong lúc tràn đầy tín tâm và niềm vui đó, cô qua đời. Do đó, cô chuyển sinh vào gia đình lái buôn giàu sang, vừa ra đời đã có được thân thể màu vàng ròng.
Các vị tỳ-kheo lại cung kính bạch hỏi đức Như Lai:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Thế thì trước đây cô ta từng gây tạo nghiệp xấu gì mà phải chịu quả báo bần tiện, có 18 tướng xấu như vậy?
Đức Như Lai từ tốn đáp:
– Đây là do nghiệp lực đời trước của cô ta đã thành thục. Vào thời đức Phật Ca-Diếp còn tại thế, tuổi thọ con người tới 20.000 tuổi, tại vườn Lộc Dã ở Ấn Độ có người con gái của một thương gia, sinh khởi niềm tin thanh tịnh với đức Phật Ca-Diếp, cũng xin cha mẹ cho cô được xuất gia sống đời tỉnh thức.
Sau khi xuất gia, cô bộc lộ bản tính cứng đầu, cậy tài háo thắng, thường mắng nhiếc người khác là “người hèn”, “người xấu”… Sau đó, cả đời tu hành thanh tịnh Phạm hạnh, trước khi lâm chung cô phát nguyện:
“Cả đời con xuất gia tu hành phạm hạnh, tuy chẳng có được thành tựu gì to lớn lắm, song nhờ công đức xuất gia này, hi vọng được an trú trong giáo pháp của đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai, được Phật hoan hỉ, xuất gia tu hành chứng quả A-la-hán, và nguyện cho ác nghiệp mắng chửi người sẽ không thành thục.”
Nhưng, nhân quả không hư dối, nghiệp ác mắng chửi người đó thành thục trước, khiến cô trở thành cô gái bần tiện có 18 tướng xấu. Sau đó, nguyện lành thành thục, được gặp Phật và sinh tâm tín ngưỡng, vui mừng đối với Như Lai, do đó được chuyển sinh thành cô gái có sắc thân màu vàng ròng, cuối cùng được xuất gia chứng quả A-la-hán. Đây là nhân duyên đời trước của A-la-hán Kim Sắc.”
______________________
Nhân quả sâu xa khó biết, khó hiểu, nhưng lại là quy luật quan trọng nhất, chi phối toàn bộ cuộc sống của mọi người, mọi chúng sinh. Hiều thông được luật Nhân quả, chính là bạn đã nắm chắc mật mã của Vũ trụ trong tay, tùy việc mà nỗ lực tạo phúc, chắc chắn sẽ thành tựu, chỉ là nhanh hay chậm mà thôi.
Được làm người đã là khó, lại có thể đủ trí tuệ để thông hiểu luật Nhân quả sâu xa, thật vô cùng khó.
Chúc mừng cho những ai tin hiểu được nhân quả nghiệp báo, kinh sợ điều ác, khao khát điều lành, trưởng dưỡng trong Chánh Pháp. Cầu mong thế gian tất cả mọi người đều sẽ được như thế.
Sưu tầm trên mạng
ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT DẠY CÁCH GIÚP KHI NGƯỜI THÂN QUA ĐỜI
https://www.youtube.com/watch?v=j4SygWaEA-E