Niệm Phật có hai gia hạnh:
Một là đừng vọng tưởng. Phàm đối trước hết thảy cảnh giới đều coi là không, chẳng được chấp trước kẻo khởi tưởng niệm. Thọ sanh trong thế gian đều là do vọng tưởng tạo thành. Ðây chính là cội rễ của sanh tử, chẳng thể không biết.
Hai là gắng lãnh đạm. Thế nhân tạo nghiệp đều là do chẳng cam lãnh đạm nổi. Ðã muốn thành bậc hiền thánh xuất thế mà còn tham đuổi theo ngũ dục chẳng khác gì thế tục, chẳng những không thành Phật mà lão già Diêm La cũng chẳng phải là gã mù! Sao lại duyên theo vọng tưởng chẳng cam lãnh đạm được? Ðấy là gốc bịnh lớn lắm.
Trước hết, nếu trừ được hai căn bịnh trên thì trong tâm tự tịch tĩnh, trí huệ tự quang minh, mới có phần tiến hướng đến Phật pháp được!
Khi đang tu nhân, học Phật pháp quý ở chỗ chơn thật cầu liễu sanh tử thì mới là chánh nhân. Cầu quả báo thế tục là tà nhân. Cầu trì chú linh nghiệm, cầu thần thông cũng là tà nhân. Hãy dè chừng, hãy tránh! Hãy hỏi nhật khóa hạn định như thế nào? Nỗ lực niệm Phật đến tận cùng. Niệm bốn chữ hay sáu chữ đều được. Ngồi xếp bằng là tốt nhất. Rảnh rang thì niệm thêm phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Sanh kế chẳng khá, phải làm thêm việc khác cũng chẳng sao. Cho nên mới nói: “Làm lụng sanh sống chẳng ngại Viên Tông”, nhưng chẳng được phạm vào mười ác nghiệp.
Những tri kiến từ trước phải mong tảo trừ cho hết sạch. Ðối với những sách vở ngoại đạo ăn theo Phật pháp phải đem cất đi thật xa hoặc giao cho thần hỏa. Nhất tâm niệm Phật đừng cầu nghĩa giải.
- Nhận định:
Tu nhân chẳng chơn, quả sẽ tà vạy. Vì thế, tu nhân niệm Phật cốt sao chơn thật. Lấy không vọng tưởng và nhẫn nại lãnh đạm làm gia hạnh thì mới có thể nhất tâm niệm Phật. Xin hãy toàn lực chuyên chú.
Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích yếu sách Phật Pháp Yếu Lĩnh của cư sĩ Thù Nguyên Lưu Phục Lễ
Cúng Cơm Cho Hương Linh Sau Ngày Chung Thất?
HỎI: Mẹ tôi mất đã được 5 tuần, em tôi nói rằng sau 49 ngày (chung thất) sẽ không cúng cơm nữa. Vì theo kinh Địa Tạng, sau 7 tuần thì thần thức của hương linh sẽ theo nghiệp mà thọ sanh. Xin hỏi, vậy có nên cúng cơm nữa không? Mặt khác, em tôi có ý định tụng kinh Dược Sư để cầu an cho mẹ ở cõi âm, điều ấy có nên không? Vào khoảng tuần thứ 4 sau ngày mẹ mất, tôi mơ thấy mẹ đang lội qua một biển lớn. Giấc mộng ấy có ý nghĩa thế nào? (DIỆU THANH, DIỆU HẠNH, Quang Vinh, Biên Hòa, Đồng Nai)
ĐÁP:Bạn Diệu Thanh và Diệu Hạnh thân mến!
Theo tinh thần của kinh Địa Tạng và quan điểm Phật giáo Bắc truyền nói chung thì thần thức của một người sau khi chết hầu hết đều phải trải qua giai đoạn trung gian, thọ thân trung ấm tối đa là 49 ngày, sau đó sẽ thọ sanh vào một cảnh giới tương ứng với nghiệp lực mà họ đã gây tạo. Và không nhất thiết phải đợi đến ngày chung thất (49 ngày sau khi chết) thì hương linh mới tái sanh mà có thể ngay sau khi chết, hoặc trong tuần thất đầu tiên (7 ngày sau khi chết), hay trong tuần thất thứ hai (14 ngày sau khi chết) cho đến các tuần thất tiếp theo hương linh đều có thể tái sanh tùy nhân duyên, nghiệp lực của mỗi người.
Trong thời gian thọ thân trung ấm, hương linh vẫn thọ dụng được tất cả những vật phẩm mà thân nhân dâng cúng (thường là cơm, nước, hương, hoa) nhưng chỉ hưởng mùi vị của thức ăn mà thôi. Vì thế, thân trung ấm còn được gọi là hương ấm (thọ dụng mùi hương của thực phẩm). Cho nên trong vòng 49 ngày, thân nhân cần dâng cúng cơm nước hàng ngày cho người chết để họ được no đủ, đặc biệt vào những ngày tuần thất thường cúng kính trang trọng hơn (như đến chùa hoặc thỉnh chư Tăng về nhà làm lễ cầu siêu cho người quá vãng).
Sau 49 ngày, khi thần thức tìm được cảnh giới tái sanh, thường thì họ sanh về một trong sáu cõi của lục đạo (trời, a tu la, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục) và từ đây, sự thọ dụng của họ có khác biệt. Đơn cử như, nếu thần thức sanh vào cõi trời thì họ sẽ không ăn thực phẩm của cõi người vì thực phẩm ở cõi trời thượng vị hơn rất nhiều lần. Hoặc nếu họ đọa vào địa ngục thì cũng không thể thọ dụng được thực phẩm của loài người vì bị hành hạ, phải ăn hòn sắt nóng, uống nước đồng sôi, chịu nhiều đau khổ cùng cực v.v… Duy chỉ có các chúng sanh trong loài quỷ thần thì vẫn có thể “ăn” được những phẩm vật do thân nhân dâng cúng.
Mặt khác, đối với phong tục người Việt thì việc làm cỗ dâng cúng cha mẹ ông bà tổ tiên còn thể hiện tấm lòng thành của con cháu đối với người đã khuất. Do đó, để tưởng niệm người thân, vào các ngày giỗ hoặc lễ Tết thì mâm cơm cùng hoa trái để cúng kính ông bà và tổ tiên là điều không thể thiếu. Vì chúng ta là người trần mắt thịt nên không biết được thân nhân của mình sau khi chết tái sanh về đâu (chúng sanh trong loài quỷ thần vẫn hưởng được đồ cúng) và dâng cơm nước để thể hiện lòng thành, sự tri ân đối với người đã khuất là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc nên ta cần phải thực hành cúng kính. Nghĩa là, sau 49 ngày khi thần thức đã tái sanh thì chúng ta không cúng cơm nước hàng ngày như trước đây nhưng vào các ngày lễ tiếp theo như tiểu tường, đại tường hay ngày kỵ giỗ hàng năm thì thân nhân cần phải làm mâm cơm cúng giỗ. Có điều không nên quá câu nệ vào hình thức trong việc cúng kính mà luôn tâm niệm “lễ bạc nhưng lòng thành”, tưởng niệm về người đã khuất trong tinh thần tri ân và đền ân.
Vấn đề tụng kinh Dược Sư để “cầu an” cho mẹ ở cõi âm, theo chúng tôi thì nên chuyển thành để “cầu siêu” cho mẹ sẽ chính xác hơn. Vì các hương linh thọ sanh trong những cảnh giới khổ đau luôn mong mỏi người thân làm những điều phước thiện để hồi hướng cho họ, giúp họ nương nhờ phước báo ấy để mau được siêu sanh. Tụng kinh (không nhất thiết là kinh Dược Sư, Địa Tạng hay Di Đa…), lễ sám, làm phước như cúng dường, bố thí, phóng sanh rồi hồi hướng phước báo cho thân nhân là những việc cần làm. Nếu hương linh đã tái sanh vào những cảnh giới an lành thì việc hồi hướng phước đức cho họ càng làm cho phước báo của họ thêm tăng trưởng.
Thường thì sau khi người thân mất đi, thân nhân vì quá tiếc thương nên hay nhớ nghĩ về họ và thường mơ thấy người đã khuất. Hầu hết đó chỉ là những giấc mơ bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta chứ không phải là sự báo mộng của người chết hay khả năng “thấy” được cảnh giới của người chết. Do đó, không nên suy nghĩ nhiều hoặc tìm cách để giải mã những chuyện mộng mị mà tốt nhất là tập trung toàn bộ tâm lực để làm phước hồi hướng cho hương linh. Thiết nghĩ, đó là những việc làm có ý nghĩa thiết thực nhất để cầu nguyện âm siêu dương thái.
Chúc các bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn
Cách Hóa Giải Xung Đột Trong Gia Đình Hay Bạn Bè
Xung đột từ đâu sanh ra? Từ đối lập sanh ra. Nếu không có đối lập, xung đột do đâu mà có?
Do vậy, quý vị phải hiểu: Trong Phật môn không có đối lập, mâu thuẫn, hay xung đột. Người khác đối lập, mâu thuẫn, xung đột đối với ta, ta đối với người ấy chẳng có, đừng nên đòi hỏi người khác đối xử [tốt đẹp] với chính mình, mà phải đòi hỏi ta đối đãi người khác như thế nào thì quý vị mới có thể thành tựu trong Phật pháp.
Đòi hỏi người khác đối xử với ta như thế nào, trật rồi! Đó gọi là gì? Cầu pháp ngoài tâm, biến thành ngoại đạo.
Phật pháp cầu trong tự tâm, chẳng cầu ở bên ngoài, vì sao? Tâm có thể chuyển cảnh giới. Thí dụ như người khác hủy báng, lăng nhục, hãm hại ta, kẻ chẳng học Phật bèn nói: “Đó là kẻ oan gia đối đầu của ta, ta phải trả thù hắn”, khởi lên ý niệm ấy. Ý niệm ấy sai lầm, do chẳng biết Tự và Tha là nhất thể. Quý vị báo thù lần này, oan oan tương báo, luân hồi trong lục đạo chẳng xong, khổ chẳng thể nói nổi, trật rồi!
Người giác ngộ sẽ như thế nào? Người giác ngộ biết ta và kẻ khác là nhất thể, kẻ khác hủy báng, làm nhục, tổn hại ta là vì kẻ ấy mê, chẳng giác, hãy nên tha thứ, chẳng có dấu vết gì, chẳng cần nói là tha thứ, dấu vết gì cũng không có, vẫn hoan hỷ đối với kẻ ấy.
Kẻ ấy là gì? Bồ Tát. Lại suy nghĩ sâu xa hơn, người ấy tạo lợi ích cho ta, là ân nhân của ta. Kẻ ấy hủy báng ta, coi thử ta có phải là chẳng khởi tâm động niệm hay chăng? Ta chẳng khởi tâm động niệm là ta được nâng cao. Người ấy giúp ta nâng cao, ta đã vượt qua cửa ải khảo thí ấy. Kẻ ấy hãm hại ta, ta chẳng có chút tâm oán hận nào.
Chư vị đọc kinh Đại Thừa thấy khi Thích Ca Mâu Ni Phật tu Nhẫn Nhục Ba La Mật, Ngài được gọi là Nhẫn Nhục tiên nhân, gặp vua Ca Lợi cắt chặt thân thể, đó là chuyện thê thảm, đau đớn dường ấy. Thích Ca Bồ Tát chẳng có mảy may tâm oán hận nào, lại còn bảo vua Ca Lợi: “Trong tương lai, tôi thành Phật sẽ độ bệ hạ đầu tiên, vì sao? Báo ân bệ hạ. Vì bệ hạ đối xử tử tế với tôi như vậy, khảo nghiệm xem tôi có tâm nhẫn nhục hay không, tôi có thể nhẫn”. Tốt nghiệp Nhẫn Nhục Ba La Mật, ải cuối cùng đã tốt nghiệp rồi. Chịu nổi khảo nghiệm, phàm những ai đến khảo nghiệm đều là ân nhân.
Tất cả hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, hễ có hình tướng đều là hư vọng, quý vị chấp trước chúng để làm gì? Sai lầm rồi! Thảy đều buông xuống, ai cũng là người tốt, chuyện gì cũng là chuyện tốt, lẽ nào quý vị chẳng sanh tâm cảm ơn?
TRÍCH: TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA TẬP 83
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG chủ giảng
Pháp môn Trì danh niệm Phật là pháp môn dùng âm thanh làm phương tiện, nên dù niệm lớn hay nhỏ, hoặc niệm thầm cũng đều là âm thanh. Cho nên, chỉ có khi nói chuyện mới không thực hành được. Vì vậy, Bồ tát Giác Minh Diệu Hạnh có dạy:
“Ít nói một câu chuyện
Nhiều niệm một câu Phật”.
Vì thế ta phải bớt đi những duyên lăng xăng chung quanh để dành nhiều thời gian mà niệm Phật. Nếu lăng xăng tạp nhạp nhiều quá mà niệm Phật ít quá thì sẽ không đủ lực để lấn áp vọng tưởng, khó mà nhiếp tâm được.
KHAI THỊ CỦA HOÀ THƯỢNG TRÍ TỊNH
THỜI KHÓA SỚM TỐI PHẢI TIẾN HÀNH NHƯ THẾ NÀO?
Trừ khi công việc quá bận rộn, thời gian làm việc và nghỉ ngơi không có quy luật nhất định, khó nắm chắc, vậy thì không biết phải làm cách nào?
Còn không thì nên thiết lập thời khóa sớm tối tương đối cố định để bản thân tu trì theo Phật pháp, được vậy thì rất tốt. Nếu có quy luật nhất định thì sẽ hình thành thói quen tốt. Cho dù cả ngày bận rộn thì chí ít sớm tối cũng có Niệm Phật tu trì.
Buổi sáng dậy Niệm Phật, bắt đầu một ngày đầy ánh sáng hạnh phúc;
Buổi tối Niệm Phật, quét sạch một ngày lo toan, khiến cho tâm lao sao bận rộn cả một ngày trở về an tĩnh.
Vì vậy, tuy chỉ sớm tối Niệm Phật nhưng tác dụng và ý nghĩa của nó không hạn cuộc ở sớm tối, mà là từ sáng xuyên suốt đến buổi tối, tác dụng suốt cả ngày.
Nội dung của thời khóa sớm tối thì tùy theo mỗi người tu trì pháp môn khác nhau.
Người chuyên tu Niệm Phật, ở trong nhà không cần phải thực hành khóa lễ giống ở tự viện, mà chỉ lo chuyên tu Niệm Phật.
Nghi thức đơn giản nhất là buổi sáng thức dạy, liền đề khởi câu Phật hiệu, sau đó mới đánh răng rửa mặt. Ở Phật đường, hoặc chỗ nào thông thoáng, mát mẻ, ngồi ngay ngắn niệm sáu chữ ”Nam Mô A Di Đà Phật”, hoặc niệm bốn chữ ”A-di-đà Phật”. Thời gian nửa giờ, một giờ, hoặc nhiều hơn, ngắn hơn cũng được. Sau đó, niệm bài hồi hướng:
”Nguyện đem công đức Phật Di-đà.
Bình đẳng hồi hướng khắp tất cả.
Đều phát lòng Tín-Nguyện-Niệm Phật
Đồng vãng sanh thế giới Cực Lạc”.
Muốn tụng kinh, thì mỗi ngày có thể tụng một biến Kinh A-di-đà, hoặc vào những ngày mồng một, mười lăm, tụng thêm một biến kinh A-di-đà cũng được, còn bình thường chỉ nên chuyên Niệm Phật.
Chuyên tu Niệm Phật thì không giới hạn vào thời khóa sớm tối.
Ngoài thời khóa sớm tối, từ sáng đến tối đều niệm niệm tương tục, niệm niệm không quên, cả ngày từ sáng đến tối đều Niệm Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Pháp sư Tịnh Tông.
(Trích: Tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo – trang 780-782)
Kính chào các liên hữu, kính mong các liên hữu có kinh nghiệm niệm Phật xin từ bi chỉ dạy cho trường họp của tôi.Tôi thường hay trì chú đại bi kết họp niệm Phật khoảng 4 tháng nay, thời gian đó tôi hành trì liên tục rất bình thường không có gì lạ, nhưng vài ngày nay thì lại khác.Lúc đầu tôi đọc chú thì rất bình thường nhưng khi chuyển qua niệm Phật thì thường hay đuối hơi rất khó niệm phật( tôi niệm ra tiếng) và trong tâm trí tôi lúc đó lại thôi thúc phải niệm phật theo hơi thở như bên thiền tông .Tôi cũng thử như vậy lại thấy ổn ổn một chút.Điều đáng nói là bản thân tôi tôi tự biết mình căn cơ thấp kém không thể tu theo thiền tông được vì bên thiền tông tu rất khó gặp rất nhiều khó khăn nếu không có thầy chỉ dạy.Các liên hữu ơi xin giúp cho tôi được thông suốt để tinh tấn hành trì công phu được như ý nguyện( tôi thích niệm phật thành tiếng hơn là quán hơi thở)
Kính chào liên hữu,
Hồi đó tui cũng từng bị giống như liên hữu vậy đó. Nhưng tui để ý khi càng cố niệm ra tiếng thì mình càng hao lực và càng mệt nên tui mới niệm nhiều cách xoay vần. Ban đầu niệm ra tiếng vài mươi phút, sau đó chuyển sang niệm kim cang trì (niệm thầm nhép môi không ra tiếng) vài mươi phút, rồi sau đó lại niệm ra tiếng tiếp. Nếu mệt quá thì dựa theo hơi thở để niệm: hít vào niệm trong đầu 2 chữ “A Di”, thở ra niệm nốt trong đầu 2 chữ “Đà Phật”. Và cứ thế mà xoay vần. Đạo hữu thử coi sao.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Trần Quốc Việt,
*Niệm Phật tối kỵ là xen tạp. Bạn có thể kết hợp vừa trì chú Đại Bi vừa niệm Phật nhưng phải có sự phân định thật rạch ròi. VD: niệm 7-21 biến chú Đại Bi sau đó phát nguyện chuyên nhất niệm Phật thì chắc chắn không có vấn đề. Nhưng nếu bạn vừa niệm Phật lại vừa muốn kết hợp pháp điều khí của thiền tông thì chắc chắn bạn sẽ gặp chướng ngại. Nếu lâu ngày bạn sẽ bị hoặc là loạn tưởng hoặc đảo lộn khí huyết, lúc đó sẽ rất nguy hiểm.
*Học Phật pháp nếu có sự tham chước đều nguy hại, vì thế bạn nên dũng cảm chọn cho mình một pháp hành trì thích hợp với mình, đừng quá tham chấp mà không lợi lạc.
*Để khắc phục hiện trạng hiện nay bạn nên xả bỏ pháp tu xen tạp mà bạn đang hành trì bằng cách chỉ chuyên nhất vào hồng danh A Di Đà Phật: miệng niệm – tai nghe – tâm nhớ rõ từng câu, từng chữ, ngoài ra không để bất kỳ niệm nào xen vô hồng danh A Di Đà Phật. Chỉ ít ngày hiện tượng tạp loạn sẽ hết.
Chúc bạn tỉnh giác tu học.
TN
NIỆM PHẬT THEO PHƯƠNG PHÁP NÀO MỚI TỐT?
Có người hỏi: Niệm Phật có nhiều phương pháp: xướng niệm, xưng niệm, lớn giọng, nhỏ giọng, niệm ký số, vậy thì niệm theo cách nào mới tốt?
Đáp: Cách nào cũng tốt cả. Đạo tràng có đại chúng đông đảo, xướng niệm âm thành rập ràng, thêm sự hỗ trợ của pháp khí thì rất trang nghiêm; người tại gia khi một mình Niệm Phật thì phải xưng niệm tương đối nhỏ giọng thì mới giữ được lâu.
Xưng niệm thì có xưng niệm lớn tiếng, xưng niệm nhỏ tiếng, kim cang trì, mặc niệm.
Kim cang trì là chỉ nhép môi, tự niệm rồi tự mình lắng nghe, người khác không nghe được.
Mặc niệm là niệm thầm trong tâm, không động môi lưỡi, cũng không phát ra tiếng, chỉ trong tâm mình biết mà thôi.
Cả bốn cách niệm này đều có thể dùng uyển chuyển, bình thường kim cang trì niệm với âm thanh rất nhỏ, chỉ mấp máy môi, âm thanh như có như không, như vậy mới hành trì lâu dài được. Nếu dùng sức phản quan giác chiếu, ở trong tâm từng tiếng, từng tiếng thật rõ ràng thì niệm thầm là rất tốt. Nhưng niệm thầm rất dễ ngủ gục, nếu tâm chưa thật sự định tĩnh thì sẽ thường xuyên quên câu Phật hiệu.
Với phương pháp kim cang trì niệm, mấp máy môi dần tập thành thói quen thì sẽ không quên câu Phật hiệu, dùng khẩu để giữ tâm, giống như có một sợi dây kéo nó theo thì niệm Phật sẽ dễ được tương tục hơn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Trích: Tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo – trang 774
LUÔN MANG THEO TƯỢNG ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BÊN MÌNH VÀ ĐIỀU VI DIỆU DIỄN RA SAU ĐÓ
Hạn hán kéo dài liên tục, thành phố Đài Bắc phải chia nhau bị cúp nước, ngồi trong nhà, mồ hôi cũng chảy ướt đầm cả người; không khí hết sức ngột ngạt khó thở, dầu hắc trên đường lộ cũng phải chảy ra dưới ánh nắng như thiêu như đốt. Chiều ngày 18/08, bỗng nhiên trời đổ mưa, lúc đầu mưa nhỏ, dần dần hạt mưa càng nặng, lượng mưa càng nhiều, song song với mưa là sấm sét ầm ầm, cảm giác giống như hàng vạn con ngựa đang phi nước đại.
Thấy trận mưa này, không ai không vui mừng, đám con nít thậm chí còn nhảy ra mưa đùa giỡn! Đúng 2 giờ 15 phút chiều hôm ấy, Chu Vương Thu Cúc đánh chiếc xe hơi chở Kiện Kiện Mĩ đi công việc, trên đường gặp phải trận mưa này.
Chạy đến giao lộ Trung Hoa và Thành Đô, gặp đèn xanh, không cần nói, đương nhiên cô có thể đi thẳng đến đường Trung Hoa; nhưng chiếc xe khách đi phía sau muốn vượt qua rẽ phải sang đường Thành Đô, chiếc xe khách ôm cua quá gấp, kết quả xe của cô bị xe khách đè bẹp, Kiện Kiện Mĩ bị hất văng ra phía sau, cô nghĩ mình không thể sống sót.
Cũng không biết chuyện gì, trong khoảnh khắc bị xe khách đè bẹp, cô chỉ cảm giác thấy cả người nóng ran, sau đó còn nghe tiếng người bảo xe dừng lại, phát hiện mình đang nằm cửa sau của xe, mọi người xúm quanh lại xem. A-Di-Đà Phật! Tài xế xe khách vội bước xuống, định kéo cô ra, song không tài nào kéo ra được. Kì lạ, dùng mọi biện pháp cũng không thể kéo ra, tài xế xe khách sợ toát mồ hôi hột.
Chu Vương Thu Cúc cảm giác chân mình hơi đau, nghĩ rằng đã bị xe đè gãy rồi, rên xiết, song đầu cô vẫn còn rất tỉnh táo. Có người hỏi chuyện, cô còn đọc cho họ số điện thoại nơi làm việc của Kiện Kiện Mĩ, nhờ họ liên lạc gọi người phụ trách đến. Lát sau, tất cả hành khách xuống xe, nhờ mười mấy người đàn ông cao to mới có thể nâng xe lên kéo cô ra, họ liền chuyển cô vào Đại Y viện cấp cứu.
Sau đó, người làm chung với cô kể lại, sau khi được đưa vào bệnh viện, nhân viên giao thông Đại Lục đến hiện trường, đồng thời cục cảnh sát cũng có mặt, họ nhìn chiếc xe dẹp lép, hư hoại hoàn toàn, lắc đầu nói:
– Mạng sống khó bảo toàn, nếu bảo tồn giỏi lắm cũng chỉ còn một nửa…”.
Nói xong, một số ở lại giải quyết hiện trường, còn một số đến bệnh viện. Sau đó lại có thêm hai cảnh sát giao thông đến nữa, lấy thước đo đạc bánh xe. Cảnh sát hỏi tài xế lái xe khách:
– Khi ôm cua qua phải anh có bấm còi và bật xi nhan không?
– Thưa có!
Cảnh sát lớn tiếng quát:
– Có, tại sao cả người và xe đều nằm dưới xe anh?
– Có lẽ do trời mưa lớn quá nên không nghe được tiếng còi.
Tóm lại, chẳng ai dám gánh vác tính mạng của người, tài xế xe khách bị hỏi quá nghiêm ngặt cộng thêm tâm lí sợ hãi, chỉ biết ôm mặt khóc.
Tại bệnh viện, sau khi kiểm tra, Chu Vương Thu Cúc chẳng bị thương tích gì, ngay cả vết trầy xước cũng không có. Viên cảnh sát hỏi cô:
– Cô có biết xe nào đụng mình không?
– Biết chứ, xe đi về hướng Nam.
Viên cảnh sát mỉm cười an tâm:
– Rất tốt, xem ra não bộ không bị tổn thương.
Chu Vương Thu Cúc hỏi viên cảnh sát:
– Vậy xe của tôi như thế nào rồi?
– Cô vẫn còn có thể hỏi xe sao? Cô là người có vận số lớn đó!
Bác sĩ làm tất cả các thí nghiệm, kiểm tra não, kiểm tra toàn thân, sau khi chứng minh cô không bị sao, mới cho phép ra về. Trải qua ba ngày kiểm tra theo dõi, khẳng định não rất tốt, không bị thương tích gì, cô rất yên tâm. Chỉ cần nghĩ đến xe bị đè dẹp lép, thế mà người chẳng bị sao, thậm chí vết thương nhỏ cũng không có, thật là chuyện không thể nghĩ bàn. Ngoài cảm tạ khách đi xe và người dân bất chấp mưa gió đến cứu giúp, càng cảm tạ một cách sâu sắc lòng từ bi âm thầm gia hộ của Bồ-tát Địa Tạng.
Để cảm tạ lòng từ bi gia hộ của Bồ-tát, Chu Vương Thu Cúc đến nhà tôi. Đó là sau buổi cơm tối ngày 21/08, chồng của tôi nhận được điện thoại của Chu Vương Thu Cúc, hỏi bàn thờ Phật nhà tôi có thờ tượng Bồ-tát Địa Tạng không, nói lát nữa sẽ đến lễ bái Bồ-tát.
Chồng tôi hỏi có chuyện gì sao? cô chỉ nói sơ là mình vừa bị tai nạn giao thông, song không bị thương tích gì, trước cảm tạ chồng tôi tặng cô tôn tượng Bồ-tát Địa Tạng.
Khoảng 8 giờ 30, Chu Vương Thu Cúc tự lái xe máy đến, cô đem theo hoa, trái cây và giấy tiền vàng mã. Chồng tôi nói lễ bái Phật, Bồ-tát không được đốt giấy tiền vàng mã, chỉ cần kiền thành cung kính là được rồi. Sau khi khách, chủ ngồi xuống, Chu Vương Thu Cúc kể lại toàn bộ vụ tai nạn mình vừa gặp phải…
Kể xong, mọi người trố mắt, quả thật một vết trầy xước cũng chẳng có. Nếu cô không “hiện thân thuyết pháp”, rất khó khiến người khác tin nổi!
Cô nói luôn đem theo tượng Bồ-tát Địa Tạng mà chồng tôi tặng bên mình, lúc nào cũng cảm thấy Bồ-tát ở bên, do đó không dám làm bất kì chuyện gì không đúng, mỗi lần lái xe đi đâu, cô đều cảm nhận Bồ-tát luôn ở trong lòng, trong tâm có cảm giác an toàn rất lớn. Trải qua tai nạn này, cô càng tin tưởng năng lượng gia trì của Bồ-tát.
Chồng tôi nói đây là nhờ nguyện lực từ bi của Bồ- tát gia hộ, khuyên cô từ đây về sau nên làm nhiều việc lành, tinh tấn trì niệm thánh hiệu của Ngài. Nguyện lực của Bồ-tát, quả thật không thể nghĩ bàn, như cô là người chưa từng tiếp xúc với kinh Phật, cũng chưa thể hội, am hiểu nghĩa lí kinh điển (hai vợ chồng cô là bạn của chồng tôi, vô tình anh nói những câu chuyện đạo lí cho vợ chồng cô nghe, khuyên nên tôn trọng sự sống, ý thức được những khổ đau do giết hại gây ra…), ấy thế cũng được Bồ-tát gia hộ, điều này đã thể hiện tinh thần “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” của Bồ-tát.
Trong kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, Bồ-tát Hư Không Tạng thưa hỏi cùng đức Như Lai:
“Kính bạch đức Thế tôn! Trong đời sau hoặc có người thiện nam cùng thiện nữ nào, cho đến hết thảy hàng trời, rồng… nghe được kinh điển này và thánh hiệu của Bồ-tát Địa Tạng, người ấy được bao nhiêu điều phước lợi? Cúi mong đức Thế Tôn lược nói việc ấy cho hàng chúng sinh ở hiện tại và vị lai biết. (…) trong đời sau, người thiện nam cùng thiện nữ nào thấy hình tượng của Bồ-tát Địa Tạng, nghe kinh điển không thể nghĩ bàn này cho đến đọc tụng, dùng hương hoa, đồ ăn món uống, y phục vật báu, bố thí cúng dường ngợi khen chiêm ngưỡng đảnh lễ, người ấy sẽ được 28 điều lợi ích: Thứ nhất, trời rồng hộ niệm; (…) hai mươi tám, rốt ráo thành Phật”.
Chồng tôi chỉ muốn tặng tượng Bồ-tát Địa Tạng để kết duyên, không ngờ một bức tượng Bồ-tát Địa Tạng nhỏ như thế, lại phát sinh oai lực vĩ đại vô cùng. Ngoài xưng tán oai thần lực không thể nghĩ bàn của chư Phật, Bồ-tát, không thể tìm oai lực nào có thể gia hộ khi gặp tai nạn giao thông như thế mà không bị thương gì….
Hằng ngày, lật báo ra, chúng ta thấy rất nhiều tin về tai nạn giao thông ở khắp mọi nơi, nặng có, nhẹ có, chết người có, bị thương có… Nhiều khi chính mắt mình trông thấy cảnh tượng kinh hoàng đó, không ngoại lệ nạn nhân lại chính là mình. Qua câu chuyện trên có thể thấy sự cố tai nạn giao thông là thảm họa lớn của nhân loại và là chuyện hoàn toàn có thật, trong khi xe hư hoại hoàn toàn, ấy thế người lại không sao, trở thành tin tức nóng bỏng động trời. (Tôi cũng thường xem báo, nhưng chưa thấy nói trường hợp nào như vầy). Các vị có tin không? Trên thế gian này quả thật có những chuyện không thể nghĩ bàn.
Trích: Thánh Đức & Sự Linh Ứng Của Bồ Tát Địa Tạng