Cần phải rộng tu các trợ hạnh:
a. Một là lễ kính Tam Bảo: Xem các hình tượng vẽ trên giấy, bằng gỗ khắc hệt như đức Phật thật, sáng lễ chiều bái, chí thành chí kính, ra vào vái, xá. Dù cách trăm dặm, ngàn dặm vẫn coi như ở trước mắt. Một miếng ăn, một thức uống đều cúng dường lên Phật trước.
b. Hai là sám hối nghiệp chướng: Do vô lượng kiếp đến nay, ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo tội đã sâu, thành ra các thứ chướng ngại cho nên gọi là nghiệp chướng. Sám hối thì chướng sẽ tiêu trừ, thân tâm thanh tịnh.
c. Ba là tránh ác, làm lành: Cứ hễ có tâm chẳng tốt khởi lên liền ra sức niệm Phật, nhất quyết dùng câu niệm đẩy lui cái tâm bất hảo ấy.
d. Bốn là cắt bỏ tình ái: Người ta thường hay yêu mến kẻ ruột thịt, tham tài như mạng. Trong đời trược, tình ý đặt nặng nơi những thứ này thì tự nhiên xem nhẹ bên Tịnh Ðộ. Lúc mạng chung, thần hồn ắt sẽ hướng về nơi tình ý mình xem trọng giống như cây đổ: tự nhiên nó sẽ ngã rạp về nơi nó đã nghiêng qua.
Ðến lúc ấy, vợ con, người ruột thịt duyên hết sẽ tan tác. Chia lìa xong chẳng hề biết đến nhau nữa. Như vợ con, cốt nhục trong nhiều đời đến nay, hiện thời họ ở đâu, sao còn yêu mến?
Nếu như ác duyên tụ hội thì quyến thuộc liền thành oan gia, bất giác ngầm mắc hại. Nghĩ đến đó, lòng chẳng thể không lạnh nhạt. Tài sản, các vật chớp mắt thành không; thật phải nên xét suy tường tận!
e. Năm là cởi gỡ các oán kết: Như các việc: sát sanh, trộm cắp, tà dâm v.v… và các tình chấp tham, sân, si… đều là những cái nhân kết thành oán cừu. Dè chừng thì oán cừu chẳng kết, lỡ đã kết thì nên cởi gỡ. Như quyến thuộc là oán cừu, cầm giáo chống chọi nhau, bị chó cắn, rắn mổ đều là có túc oán, hãy nên hoan hỷ chịu đựng, cởi gỡ oan kết với họ, quyết chẳng nên ăn miếng trả miếng, khiến oan cừu càng buộc càng sâu.
Hãy nên đối trước Phật phát nguyện, dùng công đức niệm Phật đây để lợi khắp hết thảy oan gia, cừu đối. Nếu như mình thành Phật sẽ độ loài chúng sanh này trước hết. Do nguyện lực từ tâm này, tự nhiên túc oán ấy tiêu trừ, hóa thù thành bạn.
f. Sáu là phát phẫn khởi hùng chí, miên mật tinh tấn, ắt phải chứng được cực quả mới thôi.
Ðây là một pháp rất thiết yếu để vãng sanh Tịnh Ðộ vậy.
Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích yếu sách Khuyến Tu Tịnh Ðộ Thiết Yếu của cư sĩ Phục Trai Trần Hy Nguyện đời Thanh
Người niệm Phật dù bản thân không thấy được ánh sáng phát ra, nhưng người cõi âm, như quỷ thần đều nhìn thấy.
Càng thuần thành niệm Phật thì ánh sáng càng lớn, bởi danh hiệu “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” là danh hiệu ánh sáng. Ma quái ác quỷ sẽ không thể quấy phá người niệm Phật được vì luôn có ánh sáng Phật A Di Đà nhiếp thủ.
Người niệm Phật ở đâu chỗ đó sẽ yên ổn, cõi âm cũng được hưởng lợi ích từ Phật hiệu “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”.
Chúng ta là người niệm Phật, mỗi ngày đều niệm Phật, chẳng khác nào làm siêu độ, không nhất định là phải tháng bảy hàng năm mới làm siêu độ.
Chúng ta niệm Phật, công đức sức mạnh của câu Phật hiệu “NAM MÔ A ĐI ĐÀ PHẬT” tự nhiên sẽ siêu độ cho tổ tiên của chúng ta, che chở cho con cháu của chúng ta, hoá giải oan gia trái chủ đời đời kiếp kiếp của chúng ta.
Bởi vì những oan gia trái chủ đời đời kiếp kiếp theo bên cạnh của chúng ta, cũng thường nghe được chúng ta niệm Phật, lúc chiêm ngưỡng chúng ta niệm Phật, những Phật quang mà trong lòng hiện ra, người ấy cũng vì thế mà có thể vãng sanh Thế Giới Cực Lạc.
Pháp Sư Huệ Tịnh
Bà lão Bách Bất Quản đời Thanh không rõ họ tên, người Hàng Châu; từng đến hỏi Hòa Thượng Ðạo Nguyên ở Hiếu Từ Am rằng:
– Tu pháp môn gì thì trong một đời quyết sẽ thoát khỏi biển khổ?
Hòa Thượng dạy:
– Không gì bằng niệm Phật! Nhưng niệm Phật chẳng khó, niệm cho lâu bền mới khó. Niệm lâu bền chẳng khó, nhất tâm mới khó. Nếu có thể chẳng quản đến hết thảy, chuyên tâm trì danh, chí thành phát nguyện vãng sanh thì lâm chung Phật đến tiếp dẫn, sẽ thoát ly khổ hải!
Bà vui mừng lễ tạ, liền đem việc nhà giao hết cho con dâu, tự lập tịnh thất để thờ Phật hầu tu trì trong ấy. Một năm sau, lại đến hỏi:
– Từ khi được khai thị, đệ tử đã buông bỏ việc nhà, chuyên gắng niệm Phật, tự vấn thấy mình tu hành đã lâu chẳng lười nhác, nhưng khổ nỗi vẫn chưa được nhất tâm, thầy có cách nào dạy cho con!
Hòa Thượng bảo:
– Bà tuy bỏ hết việc nhà, nhưng chưa thể thôi nghĩ tưởng đến con cháu, quyến thuộc. Ðấy là ái căn chưa nhổ, làm sao nhất tâm được? Nay bà nên gia công, trước hết phải nhổ sạch ái căn, đem hết thảy buông xuống thì sau đấy mới đắc Nhất Tâm.
Bà than:
– Lời thầy thật đúng, con tuy chẳng quản đến thân, nhưng chưa thể chẳng quan tâm đến cái tâm, từ nay phải thật sự trăm việc chẳng quan tâm đến vậy!
Bà liền càng gia công tinh tấn, ái tâm vừa động liền thầm niệm ba chữ “bách bất quản” (nghĩa là trăm việc chẳng màn) để tự khu trừ. Nếu ai hỏi đến việc nhà cũng dùng ba chữ ấy để cự tuyệt. Do vậy, thành tên Bách Bất Quản trong vòng gia thuộc. Hơn một năm sau, bà đến am, tạ:
– Thầy chẳng lừa dối con. Ðệ tử có ngày đi về Tây rồi!
Vài hôm sau, không bệnh mà mất.
(theo Nhiễm Hương Tập)
SỨC MẠNH CỦA VIỆC SÁM HỐI KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN
Tuy đã tạo tội nghiệp đọa địa ngục A Tỳ, Phật cũng còn cách cứu. Vấn đề là bạn có chịu tin hay không? Nếu bạn không tin thì bạn không có cách gì cứu được; nếu bạn chịu tin thì bạn vẫn được cứu. Phật dạy: “Sám trừ nghiệp chướng”, trong kinh chúng ta đọc đến vua A Xà Thế tạo tội ngũ nghịch, giết cha, giết mẹ, kết cấu với Đề Bà Đạt Đa phá hoại tăng đoàn, phá hòa hợp tăng, Đề Bà Đạt Đa làm thân Phật chảy máu, hai người ác này. Đến lúc lâm chung vua A Xà Thế mới giác ngộ biết được lúc trước đã tạo ra tội lỗi, biết sai rồi, hướng về Phật cầu sám hối. Phật dạy ông ta niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ, ông dùng tâm chí thành, chân thành sám hối, sức mạnh của việc sám hối vượt hơn nghiệp lực, ông vãng sanh về Cực Lạc thế giới. Vả lại phẩm vị vãng sanh rất cao, Phật nói ông ta vãng sanh Thượng phẩm Trung sanh. Người học Phật chúng ta coi đến chỗ này không phục, tạo tội nặng như vậy thì Hạ Hạ phẩm vãng sanh đã là tốt quá rồi, làm sao có thể Thượng phẩm Trung sanh? Thế mới biết sức mạnh của việc sám hối chẳng thể nghĩ bàn. Một niệm quay trở lại thì người ấy là người chí thiện, thực sự là người thiện, ngạn ngữ chúng ta thường nói: “Lãng tử quay về, vàng cũng chẳng chịu đổi”, ông ta thực sự đã quay về, được vậy thì siêu phàm nhập thánh.
LÃO PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG
CÔNG ĐỨC NIỆM PHẬT HƠN CẢ SỰ BỐ THÍ TIỀN CỦA GẤP TRĂM NGÀN VẠN LẦN
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phẩm Phổ Môn có đoạn: “Số Bồ Tát nhiều như cát sông Hằng, dù cúng dường nhiều gấp sáu mươi hai ức (6 triệu 200 ngàn) lần số Bồ tát, cũng chẳng bằng một thời lễ bái, cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm”.
Kinh Thập Luận nói: “Một trăm kiếp niệm Quán Thế Âm, chẳng bằng khoảng thời gian một bữa ăn niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng”
Tịnh Độ Quần Nghi Luận nói: ” Một Đại kiếp niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, chẳng bằng Chân Thành niệm một câu A Di Đà Phật”.
Kinh Niết Bàn nói: ” Một tiếng niệm Phật phân làm mười sáu phần công đức. Nếu có một người bố thí cho chúng sanh khắp cả một thế giới trải qua ba tháng nhưng chỉ cần đem 1 phần 16 công đức của một tiếng niệm Phật cũng hơn công đức của người bố thí kia”.
Thế nên phải biết công đức niệm Phật hơn cả sự bố thí tiền của gấp trăm ngàn vạn lần. Danh hiệu Phật A Di Đà vốn đầy đủ vô lượng vô biên hằng hà sa công đức, vô lượng vô biên hằng hà sa ý nghĩa, vô lượng vô biên hằng hà sa lực dụng, cứu cánh, cảnh giới, giác tánh… dẫu trăm ngàn muôn ức Na do tha vi trần Đại kiếp, cũng không thể diễn nói hết được. Vì thế bản thân mỗi hành giả tu học nên thời thời nhớ Chân Thành Một Lòng xưng niệm A DI ĐÀ PHẬT chớ để luống quên.
Hòa Thượng Tịnh Không
Tuy đã tạo tội nghiệp đọa địa ngục A Tỳ, Phật cũng còn cách cứu. Vấn đề là bạn có chịu tin hay không? Nếu bạn không tin thì bạn không có cách gì cứu được; nếu bạn chịu tin thì bạn vẫn được cứu