Kính thưa quý vị độc giả, tôi là một Phật tử ở TP.HCM, tôi có nhân duyên rất lớn với Bồ Tát Địa Tạng. Câu chuyện tôi sắp kể ra đây cũng nhờ trì tụng kinh Địa Tạng và thành tâm sám hối nên căn bệnh viêm họng hạt, biến chứng sang bệnh xoang của tôi đã lành hẳn, không những thế, còn giúp tôi nhớ lại được một tiền kiếp của mình.
Vào năm tôi 18 tuổi, khi vừa tốt nghiệp PTTH, tôi phát hiện ra mình bị một chứng bệnh lạ, khoảng từ 3-5h sáng mỗi ngày, khi giấc ngủ say nhất thì tôi đều rất ngứa trong cuống họng. Tôi ngứa đến nỗi phải thò tay vào trong họng để gãi, hoặc khọt khẹt rất mạnh trong cổ cho đã ngứa. Vì lười biếng đi khám nên tôi toàn ra hiệu thuốc tây nói triệu chứng và mua thuốc về uống.
Nhưng cuối cùng, tôi cũng phải đi bệnh viện khám vì quá khó chịu. Bác sĩ của bệnh viện Tai –Mũi –Họng TP.HCM chuẩn đoán tôi bị viêm họng hạt mãn tính, cả đời phải sống chung với nó, dù có chữa cũng không khỏi. Nghe vậy, tôi đành chấp nhận vì bác sĩ đã nói vậy thì làm sao mà chữa hết được. Cứ thế tôi uống thuốc ngày này qua tháng nọ, một năm có 365 ngày thì tôi uống không sót một ngày nào. Nếu như quên thuốc chỉ một ngày thì tờ mờ sáng hôm đó lại ngứa cổ ngay.
Đến năm 23 tuổi, một người bạn chỉ tôi đi đốt những nốt hạt trong họng. Tôi cũng đi, và đây quả thật là khoảng thời gian khá thoải mái vì tôi không còn cảm giác ngứa nữa. Nhưng cũng chẳng bao lâu sau. Tôi lại trở lại triệu chứng ngứa cuống họng như lúc trước. Một lần nữa tôi lại đi đốt các hạt viêm trong họng. Cũng như lần trước, sau khoảng thời gian ngắn là bệnh của tôi lại tái phát. Lần này, tôi lại đến bệnh viện xin đốt hạt viêm, sau khi thăm khám, bác sĩ bảo rằng không thể và cũng không nên đốt vì cuống họng bên trong của tôi đã mỏng lắm rồi.
Nghe vậy, tôi rất buồn vì lại phải làm bạn với thuốc cả đời. Tôi luôn tự hỏi tại sao người khác bệnh chữa hết, còn tôi lại không hết? Khi lập gia đình, sinh đứa con đầu lòng, trong thời gian ở cữ, tự dưng tôi nghe hơi thở của mình có vị tanh. Vì nghĩ cơ thể vừa trải qua sinh nở nên còn yếu, tôi để mặc nó với niềm tin là ra tháng sẽ hết. Nhưng không, tôi vẫn ngứa cuống họng và hơi thở vẫn thấy mùi tanh. Tôi liền đi khám và lần này bác sĩ thông báo với tôi rằng, tôi bị vẹo vách ngăn, bệnh viêm họng hạt đã biến chứng sang bệnh xoang. Vậy xem như cả đời này tôi phải sống chung với bệnh viêm xoang, vì có lẽ ai cũng biết viêm xoang khó mà chữa lành bệnh. Tôi uống đủ thứ thuốc, ai chỉ gì uống nấy, bệnh tuy không nặng hơn nhưng cũng không thuyên giảm chút nào.
Cho đến khi hội đủ duyên lành, tôi biết đến kinh Địa Tạng. Ban đầu, tôi chỉ đơn giản trì tụng xong là hồi hướng cho chúng sanh. Nhưng về sau, vì bệnh tật bức bách, tôi muốn đem công đức tụng kinh để cầu được gặp thầy hay thuốc giỏi để chữa lành bệnh viêm xoang. Khi tìm hiểu giáo lí nhân quả, tôi tự suy diễn rằng những kiếp trước mình buộc mũi trâu nên kiếp này bị bệnh xoang hành hạ. Tôi tự suy nghĩ vậy nên ung dung trì tụng kinh Địa Tạng và hồi hướng cho chúng. Bây giờ, mỗi lần nghĩ lại thì tự mắc cười vì suy diễn của mình. Có lẽ do nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp đã trì tụng kinh Địa Tạng, nên tôi thường gặp cảm ứng khi trì tụng.
Ngày nào như ngày nấy, tôi trì tụng đều đặn, cứ sắp xếp được giờ nào thì tôi tụng theo giờ ấy. Ngày nào cũng tỏ lòng kính ngưỡng với Bồ tát Địa Tạng. Cho đến một buổi trưa năm 2012, như thường lệ, tôi đang cung kính tụng kinh, thì có một hiện tượng rất lạ xảy đến với tôi. Giữa ban ngày ban mặt, tôi đang rất tỉnh táo tụng kinh, bỗng dưng nhìn thấy chung quanh mình rất, rất nhiều heo. Nằm kế bên tôi là con heo nái như đang mang thai. Xung quanh là các con heo khác nhiều vô kể. Tôi định thần, nhìn kĩ lại, rõ ràng chúng đang nằm ngoan ngoãn nghe tôi trì kinh, hình ảnh rất thực. Cho là mình đang bị ảo giác, tôi xếp bằng theo thế kiết già, nhắm mắt, tĩnh tâm hầu xua đuổi những vọng tưởng không mong muốn.
Lạ kì thay, khi tôi định thần, tâm như nhập vào cõi hư không thì thấy một hình ảnh rất rõ. Tôi thấy một người đàn ông mập mạp, đeo tạp dề, chân mang ủng, có râu quai nón. Tạp dề vấy đầy máu. Ông ấy đang thoăn thoắt dùng con dao cắt cổ những con heo. Có một con heo con, vì biết mình sắp chết nên ghì chặt hai chân sau xuống nên nhà, miệng kêu éc éc nghe rất thê lương. Nhưng với sức mạnh của một người đàn ông vạm vỡ, ông lôi hai chân trước của nó đi một đoạn, và cuối cùng con heo ấy cũng bị giết chết. Tôi thấy rất rõ và chân thật như đang ở đó vậy. Trong cái cảnh tôi đang thấy thì thời gian tầm 4-5h sáng.
Nhưng sau khi nhìn thấy cảnh đó, tôi lại chìm vào an nhiên, để cho tâm thanh tịnh khoảng gần 20 phút, tôi mở mắt ra, thật lạ kì, bầy heo chúng vẫn nằm đó, rất ngoan. Không ồn ào gì cả.
Chợt hiểu ra, nhờ oai thần của kinh, tôi vừa thấy kiếp trước của chính mình – là một gã đồ tể chuyên mổ heo – lúc này tôi chấn động thật sự. Buông quyển kinh đang còn trì tụng dở dang. Tôi quay lại vừa dập đầu khóc, vừa sám hối tội lỗi. Chưa bao giờ trong cuộc đời của tôi khóc to đến như vậy. Tôi lạy không biết bao nhiêu lạy, sự ân hận lên đến cực điểm. Tôi cứ lạy, miệng thì liên tục sám hối và nước mắt tuôn ra không ngớt.
Và thế là từ từ đàn heo như tan dần vào không trung. Do tôi quá nhập tâm lạy và sám hối, nên cũng không để ý là tôi đã không còn trông thấy đàn heo nữa. Kể từ đó, ngày lại ngày, tôi đều đặn chân thành sám hối tội lỗi của mình, không những với bầy heo mà với tất cả những loài vật mà tôi đã từng giết hại. Thời gian sau đó, cũng trong những khi tụng kinh Địa Tạng, những hình ảnh tiền kiếp lại hiện lên trước mắt tôi, đều là về kiếp làm đồ tể. Tôi thấy gã đồ tể đó là người Trung Quốc, xem xét trang phục thì chỉ cách thời nay khoảng một thế kỉ là cùng. Tuy sát sanh nhiều, nhưng đôi khi gã cũng thắp nhang bái Phật. Gã cũng giúp vài người no bụng, ai lỡ đường nhưng hết tiền lộ phí, gã sẵn sàng thết đãi bữa cơm ngon. Có lần, khi đang chặt thịt để bán, gã nhìn thấy một người co rúm vì lạnh, gã cởi phăng cái áo đang mặc, choàng lên người ấy. Một lần, gã đang say sưa làm công việc giết mổ. Bỗng nhiên tôi nghe “hự” một tiếng, gã ngã lăn ra đất. Tay chân cứng đờ, toàn thân không cử động được. Thì ra gã đã chết, chết ngay trong lò giết mổ của gã, có lẽ bị đột quỵ hay đại loại thế. Gã chết mà máu mồm ọc ra liên tục, mắt cứ trợn trừng không nhắm lại được, một cái chết đau đớn. Tôi giật mình, mồ hôi tứa ra đầm đìa, sự sợ hãi tột độ. Sau lần đó, tôi không còn thấy những cảnh tiền kiếp ấy hiện ra nữa.
Quay trở lại căn bệnh viêm xoang của tôi. Tôi uống thuốc quả thật rất là ngán, uống từ 18 tuổi đến năm 34 tuổi (chỉ nghỉ được một thời gian ngắn khi đốt những hạt viêm họng). Số tiền tốn vào tiền thuốc không biết bao nhiêu mà kể.Nếu không uống thì lại ngứa cuống họng vào khoảng thời gian 3-5h sáng – chính là khoảng thời gian đồ tể giết heo.
Sau gần hai năm tụng kinh sám hối tội lỗi kiếp xưa, nghiệp xấu tiêu tan, oán thù với bầy heo chắc đã được hóa giải, khiến tôi gặp một duyên lành. Có một người chỉ tôi dùng cây xương cá (hay còn gọi là cây giao) nấu lên và hít. Tôi cũng thử hít, tuy nhiên không hi vọng bệnh mình khá hơn vì tôi đã thử quá nhiều cách rồi, hơn nữa đâu phải ai dùng cách này cũng khỏi bệnh đâu. Tôi nấu nước và hít đúng 21 ngày. Ban đầu rất khó hít, nhưng sau quen dần, tôi liều bỏ thuốc không uống nữa. Theo dõi vài hôm sau, tôi đã không còn bị ngứa cuống họng nữa. Hơi thở cũng không nghe tanh. Tôi đi chụp hình xoang thì bác sĩ báo cho tôi một tin rất vui, lỗ xoang đã được thông – tôi đã hết bệnh. Khi nghe bác sĩ nói như vậy, tôi chạy nhanh về nhà, vội quỳ trước bàn thờ và cám ơn những con heo đã tha thứ cho tôi. Cám ơn sự linh ứng, màu nhiệm của Phật pháp đã hoá giải mối oán thù từ nhiều đời nhiều kiếp giữa tôi và bầy heo.
Cho đến nay (2017) là đã gần 4 năm. Tôi không bệnh lại, nhưng thỉnh thoảng vẫn chảy nước mũi, xong chỉ cần nghỉ ngơi vài tiếng là khỏi. Hiệu lực sám hối và trì tụng kinh thật không thể nghĩ bàn. Chỉ cần thành tâm y giáo phụng hành, thì khi đủ nhân duyên, mọi điều mong cầu tất sẽ linh ứng. Cho đến thời điểm này, mỗi ngày tôi đều mỗi sám hối. Lòng luôn kính thờ, quy ngưỡng Địa Tạng Vương Bồ tát. Đối với Ngài, tôi quả thật có nhân duyên rất sâu đậm, bản thân tôi có nhiều chuyện linh ứng liên quan đến Ngài.
Mong rằng những ai có nhân duyên với Tam Bảo, đều hiểu sâu nhân quả, ngoài việc tu tập, làm thiện, còn luôn biết hồi hướng phước báu cho oan gia quá khứ, sám hối chân thành mọi ác nghiệp, để nghiệp nặng hoá nhẹ, nghiệp nhẹ hoá lành.
Thùy Hương
Xin chào bạn Thùy Hương.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ về Oai thần thệ lực của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Cũng như nghiệp quả mình phải gánh nếu đã gây ra tội lỗi trong tiền kiếp hay kiếp này.
Hiện tại tôi cũng đang bị bệnh tật, tôi tâm nguyện bệnh tật là do cách ăn uống và do những nhân xấu đã gây ra, nay phải nhận lấy.
Nên tôi cũng thường xuyên Niệm Phật và Bồ Tát Địa Tạng để bình an trong tâm cũng như sám hối với Phật và Bồ Tát về những tội lỗi mình đã gây ra trong đời này và những đời trước.
cảm ơn sự chia xẻ của bạn rất nhiều
Nếu chúng ta bị cắt thịt thì chúng ta sẽ đến rợn người, nhưng khi ăn thịt bị cắt của động vật thì chúng ta lại bảo: “Thơm thật! Ngon thật! Không ăn không được, không đủ dinh dưỡng.”
Khi tôi thực tập tại khoa ngoại, mỗi ngày tôi đều phải sử dụng dao mổ mấy lần. Mỗi lần giải phẫu, tôi đều phải cắt bỏ một số bộ phận hoặc một số phần của chúng trong cơ thể bệnh nhân, như cắt bỏ một phần dạ dày, cắt đi một khúc ruột, hoặc cắt bỏ túi mật, hoặc lấy tử cung đi, thậm chí cưa một chân, thậm chí dùng cưa điện mà cưa xương đầu gối … Y viện sẽ đem một số phần cắt nhỏ để gửi đi kiểm tra, các phần còn lại thì không dùng làm gì, giao cho người chuyên môn xử lý.
Một hôm, tôi về nhà bằng cổng sau của y viện thì gặp người chuyên môn xử lý ấy, anh ta mang một túi ni lông lớn, bên trong đựng các thứ được cắt ra từ thân thể người ta, như bao tử, ruột, mật … anh mang các thứ ấy mà ra cổng sau của y viện. Bên ngoài cổng sau của y viện chúng tôi có một quày bán thịt heo, anh giơ cái bao ấy lên mà đi ngang qua trước quầy thịt, tôi thấy bỗng rợn người! Vì thật giống quá! Giả sử có người giở trò đùa đem dạ dày, ruột hoặc thận bị cắt của mình mà để vào quầy thịt heo kia, lẫn lộn với bao tử, ruột và các thứ nội tạng heo, thì có thể các người cũng nhận không ra, đó là chưa kể mua về mà khen ăn rất ngon!
Khi học năm thứ hai ở Đại học Y, chúng tôi phải nghiên cứu môn “Nhân thể giải phẫu học”, rất nhiều bạn đồng học tự nhiên không dám ăn thịt, vì sao? Thịt động vật và thịt người giống nhau quá! Khi chúng tôi giải phẫu tử thi, rồi sau đó đến quán ăn, trông thấy thịt, cho dù ai đó lúc bình thường vẫn thích ăn thịt thì đều không muốn ăn, cảm thấy thịt ở đây có bề ngoài và mùi vị y hệt với thịt của tử thi trên bàn giải phẫu.
Nếu chúng ta bị cắt thịt thì chúng ta sẽ đến rợn người, nhưng khi ăn thịt bị cắt của động vật thì chúng ta lại bảo: “Thơm thật! Ngon thật! Không ăn không được, không đủ dinh dưỡng.”
Điều này khiến tôi nghĩ đến bài thơ:
Chớ có xem thường mạng chúng sanh
Cũng là xương cốt thịt da thành
Đem chính thân mình mà tự hỏi
Ai chịu đem dao cắt thịt mình.
Chúng ta không nên cho rằng sinh mạng của chúng sinh là nhỏ nhặt không đáng nói đến, không đáng tôn trọng. Da thịt xương cốt của chúng sanh đều giống của chúng ta, biết đau đớn, chúng ta hãy đặt và địa vị mình mà tự hỏi: Có ai dám cầm dao tự cắt thịt của mình cho người ta ăn không?
Có lúc người ta thật kỳ quặc, giả như biết được ai đó bị bệnh thì cho dù là người thân cũng không dám dùng chén đũa của người bệnh, thậm chí còn sợ ăn đồ thừa, sợ ăn nhầm một chút nước miếng của người ấy. Lại nữa, khi ăn chung với người ta thì thường quan trọng hóa quá đáng “đũa anh muỗng tôi”, mọi người cho rằng như thế là “đúng pháp vệ sinh”. Nếu người thân bị ung nhọt, phần lớn người ta đều không dám kê miệng hút lấy máu mủ của người ấy.
Thế nhưng người ta lại bỏ vào mồm và nhai nuốt từng khối thi thể động vật mà người ta không biết chúng có mắc bệnh hay không, lại còn bỏ vào mồm nuốt nước thịt, nước máu (so với nước miếng thì nghiêm trọng hơn nhiều), rồi bảo ngon quá mà hoàn toàn không đắn đo. Thế phải chăng là phù hợp với “quan niệm vệ sinh” của mình đối với người? Có lẽ động vật sạch sẽ khỏe mạnh hơn người chăng!
Nhiều người ban đêm không dám đến phòng giải phẫu tử thi, cũng không dám một mình đến kho đông lạnh Tang Nghi Quán, bảo là sợ tử thi, mà không biết là trong tủ lạnh của nhà mình nhiều tử thi hơn, lại có cả đầu bị cắt, chân bị cắt.
Cũng có nhiều người ban đêm không dám một mình đến mồ mả bảo là sợ quỉ lộng, không biết rằng bụng mình cũng đã từng là mồ mả, nhà quỉ, lại còn tùy tiện chôn cất mà không xem phong thủy.
Trước đây có thầy Lâm Thế Mẫn là người rất vui vẻ, ông bảo chúng tôi: “Giả như các vị muốn khuyên người ta ăn chay, thì dứt khoát chớ nói: “Hộp cá anh ăn là quan tài của cá”, cũng chớ nói “Miếng dồi anh ăn, vốn là ruột chứa phân heo” (chắc hẳn nếu dùng “ống phân” mà chế biến thành thức ăn ngon thì anh sẽ không ăn thức ăn ấy) để khỏi khiến người ta phản cảm … các đồng học cười vang nhà, cũng là trong tiếng cười mà giác tỉnh vậy.
Bác sĩ Quách Huệ Trân – Pháp sư Đạo Chứng
MAY MẮN TỪ ĐÂU MÀ CÓ?
May mắn đến từ phước trong quá khứ, đó là điều chắc chắn. Nếu người nào trong quá khứ từng giúp ai ngoài mong đợi và bất ngờ, thì người này thường được những may mắn bất ngờ trong cuộc sống.
Sau đây là những nhân quả chính của điều may mắn bất ngờ:
-Giúp người khi người chưa nhờ. Ví dụ như người ta không xin, mình vẫn cho thì người này là thường được những may mắn bất ngờ trong cuộc sống.
-Giúp người ngoài mong đợi. Ví dụ như mình hứa giúp ai đó 1 nhưng lại cho họ gấp 2-3 lần, nghĩa là mình làm điều vượt hơn điều đã hứa thì sau này mình được những may mắn bất ngờ.
-Giúp người đang tuyệt vọng. Khi mình thấy ai đang tuyệt vọng mà mình giúp họ, thì sau này mình cũng được những may mắn bất ngờ ngoài dự kiến.
Giúp người khi họ nhờ, thì kiếp sau mình sẽ có nhiều điều thành công nhưng đều nằm trong dự kiến, trong kế hoạch. Còn nếu mà mình hay giúp người ta mà không đợi người ta xin thì sau này mình hay được những may mắn, may mắn bất ngờ, lạ lùng không giải thích được.
Ví dụ như mình thấy người khổ, mình động tâm rồi mình giúp người ta đến mức họ phải khóc vì không ngờ mình có thể giúp họ được như vậy. Vậy chúng ta có thể suy ra hai cấp độ giúp người.
Chúng ta giúp khi người ta nhờ là đã là tốt rồi nhưng mà chưa độc đáo. Chúng ta phải giúp người ta khi mà người ta không nhờ tới mình, mình vẫn giúp. Đây mới là cái lòng tốt ở cấp độ cao và người này phước rất là lớn nhiều may mắn bất ngờ đến với cuộc đời mình.
Còn người mà người ta nhờ vẫn không giúp thì là sao? Thì sau này cuộc đời người đó rất nhiều thất bại. Cho nên khi người ta nhờ mình cũng cố gắng giúp. Nếu cái việc người ta nhờ là “chính đáng”. Tại sao thầy thêm câu phụ lục “chính đáng” như vậy bởi vì sự thực có những người lừa đảo. Họ giả vờ tạo nên một hoàn cảnh khó khăn để cho mình giúp. Hoặc là người ta nhờ mình có việc cần nhưng cái việc cần đó là cái việc đưa đến cái điều xấu cho cuộc đời này, ta đừng giúp. Ví dụ như họ nhờ ta ăn hiếp ai, rồi bênh vực, thiên vị cho họ. Hoặc là nhờ ta cho mượn tiền để họ đi đánh bài, mượn tiền để đi nhậu, mượn tiền để sắm một chiếc xe nhìn cho sang, những điều không chính đáng thì không cần giúp!
Còn nếu việc họ cần là chính đáng ta nên cố gắng giúp. Thầy nói chữ cố gắng thôi chứ không phải bắt buộc vì nhiều khi mình không có khả năng, nó ngoài khả năng của mình, vậy thôi nhưng lòng mình rất là sẵn lòng là vậy! Còn nếu điều họ cần là chính đáng và ta có khả năng giúp mà vẫn không giúp thì lòng mình tàn nhẫn quá và lạnh lùng quá. Lúc này phước ta không có mà còn bị tổn phước nữa.
(Trích: “May mắn đến từ đâu?” – TT Thích Chân Quang)
Làm Thế Nào Để Tiêu Nghiệp Chướng?
Có rất nhiều đồng tu thường nói: “Chúng tôi nghiệp chướng rất nặng, hằng ngày cầu tiêu nghiệp chướng”. Nghiệp chướng có thể tiêu được hay không? Khá khó khăn! Cội nguồn của nghiệp chướng là gì? Quý vị tìm ra nó, sau đó sẽ tiêu trừ từ chỗ ấy, dẹp trừ nghiệp chướng từ căn bản, đừng tiêu trừ từ cành nhánh, khổ lắm!Khó khăn lắm! Chẳng thể tiêu hết được. Cội nguồn của nghiệp chướng là tự tư tự lợi, kẻ tự tư tự lợi thì nghiệp chướng nào cũng có. Có thể sửa trừ cái tâm tự tư tự lợi của chính mình, khởi tâm động niệm luôn nhằm lợi ích hết thảy chúng sanh thì nghiệp chướng của quý vị sẽ bị dẹp trừ tận gốc, chẳng còn nghiệp chướng nữa.
Vì sao nói “không còn nghiệp chướng? ”Không có ngã! Không có ngã thì làm sao có nghiệp chướng? Còn có gì để chướng ngại nữa đây? Đó gọi là “dẹp trừ tận gốc”. Nếu chuyện gì trước hết cũng nghĩ có lợi ích cho mình, thì nghiệp chướng của quý vị làm cách nào cũng chẳng tiêu được. Mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu cũng uổng công. Hằng ngày lạy Lương Hoàng Sám, dập đầu đến nứt trán, nghiệp chướng vẫn chẳng tiêu.
Nếu có thể mở rộng cái tâm, khởi tâm động niệm luôn nghĩ làm lợi ích hết thảy chúng sanh, căn bản là chẳng nghĩ đến chính mình thì quý vị cũng chẳng cần niệm Phật, cũng chẳng cần lễ Phật mà nghiệp chướng hoàn toàn không có! Đấy là lời thật, phải sửa lỗi, đổi mới. Căn nguyên của lầm lỗi là do tự tư, tức là chuyện gì cũng nghĩ tới mình, đó là gốc bệnh.
Do vậy, Phật Pháp từ đầu đến cuối là phá Ngã Chấp. Vì sao trong quá trình tu học lại dạy quý vị phát nguyện hồi hướng? Hồi hướng là đem hết thảy công đức và phước đức do quý vị đã tu, đã học ban cho người khác, chính mình không cần đến, đều vì người khác mà tu, chẳng phải vì chính mình mà tu. Nói cách khác, phải quên đi chính mình, đây là phương pháp phá Ngã Chấp tuyệt diệu trong Đại Thừa, mở rộng cái Ngã, mở rộng hòng biến đổi nó, khiến cho cái Ngã nhỏ nhoi chẳng còn nữa. Ngã là gì? Tận hư không khắp Pháp giới là Ngã, nghĩ cho hết thảy chúng sanh chính là nghĩ cho mình, nghĩ cho mình thì phải nghĩ cho hết thảy chúng sanh, đấy là tiêu nghiệp chướng.
Trích: A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Phần 20- Tâp 40
Hòa Thượng Tịnh Không