Pháp chuyên niệm có 5 điều trọng yếu và 5 điều răn dè.
* Năm điều trọng yếu là:
I. Một là chọn cuộc đất: Nên chọn chỗ tùng lâm, cổ sát hoặc chọn lấy chỗ vườn rừng vắng vẻ là tốt nhất. Chỗ ấy phải xa cách chốn thị thành ồn náo. Tịnh thất để tu tập nên chọn lấy căn nhà biệt lập rộng hai gian làm chuẩn. Gian phía Tây để thờ Phật, nên treo hình Tây Phương Tam Thánh hướng mặt về phía Ðông hoặc thờ kim tượng A Di Ðà Phật. Chỉ bày hương án, lư hương, bồ đoàn mỗi thứ một cái. Bày chỗ ngồi phải quay lưng về phía Ðông, hướng mặt về Tây. Trọn không bày thứ nào khác cốt là để tịnh tâm mục, dứt sạch ngoại duyên. Gian phía Ðông làm phòng ngủ, chỉ để giường, mền, gối, y phục cần dùng, bút, mực, giấy, nghiên, bộ đồ trà, những vật dụng vệ sinh, những thứ khác đều dẹp hết.
II. Hai là chọn người: Người phục dịch hộ quan ắt phải chọn lấy người chân thật, cần cù để khỏi phải lo quên sót. Nên dặn dò người đó tạ tuyệt hết thảy người ngoài chẳng cho tự tiện vào thất và cấm tuyệt sự huyên náo gần thất. Ðến giờ, người đó sẽ chuyển cơm nước, y phục, thay bô tiểu, quét tước, dọn dẹp .v.v. Nếu có sự gì ngoài ý muốn thì nên viết vào giấy dặn dò. Người ấy trọn ngày chẳng được rời khỏi, chẳng được lúc siêng, lúc lười.
III. Ba là ước định sẵn: Trước khi bế quan, phải dặn trước người nhà và người hộ quan, nếu như cha, mẹ, sư trưởng hoặc tự mình nhiễm bệnh nguy ngập và những chuyện ngoài ý muốn cần phải xuất quan thì mới được gởi thư thỉnh cầu hành nhân xuất quan, còn những việc khác chẳng được vọng thỉnh. Phải đợi đến ngày hôm sau của ngày mãn hạn kỳ bế quan, mới viết giấy thỉnh xuất quan, ngõ hầu [hành giả] nhất tâm niệm Phật, không bận tâm tính đếm ngày tháng.
IV. Bốn là khắc định kỳ hạn: Kẻ sơ học e có sai lạc, trước tiên hãy chọn thời hạn ngắn (tiểu kỳ) để tập, ít là mười ngày, nhiều là hai mươi, ba mươi ngày chẳng hạn. Tu tập thuần thục thì mới chọn đại kỳ, nên lấy 120 ngày làm định kỳ. Mùa Xuân, mùa Hạ lấy tháng Giêng, Hai, Ba, Tư hoặc Hai, Ba, Tư, Năm làm hạn, Thu, Ðông thì lấy tháng Bảy, Tám, Chín hoặc Tám, Chín Mười, Mười Một làm hạn để tránh bị lạnh quá, nóng quá, khỏi phải phiền đến áo xống, lò ấp… Ðấy là vì hạng trung hạ mà nói, còn bậc thượng căn cầu đạo, chẳng đoái thân mạng, thây kệ nóng lạnh, dũng mãnh tấn tu, quyết không thối đọa, lấy chứng ngộ ngay trong hiện đời làm hạn thì chẳng bị những điều trên hạn chế.
V. Năm là nghi quỹ:
V.i. Một là hồi hướng phát nguyện:
Ngày đầu tiên nhập quan, nên dùng giấy vàng trang trọng chép nguyện văn, đốt hương, lễ Phật như nghi thức thường ngày xong, tụng nguyện văn một biến, rồi đốt trước đức Phật, lui xuống ngồi niệm Phật. Từ đấy, trong vòng 120 ngày, chỉ chuyên niệm bốn chữ danh hiệu A Di Ðà Phật, chẳng phải mất công nghĩ đến sự gì khác, niệm mãi cho đến ngày xuất quan mới thôi.
Nguyện văn thì có bài Tây Phương Phát Nguyện Văn của đại sư Vân Thê, chỉ lược bỏ chín chữ “nguyện thiền quán chi trung, mộng mị chi tế”, thêm vào: “Nguyện bách nhị thập quan kỳ chi nội, kính hoạch nhất tâm, toại chứng tam muội” (Nguyện trong kỳ hạn bế quan 120 ngày, mau đạt nhất tâm, liền chứng tam muội). Nếu là người chẳng thông văn nghĩa thì chỉ lễ Phật thầm nguyện, chỉ cầu nhất tâm bất loạn và tận mặt thấy Phật, bất tất phải chấp nhặt vào nguyện văn.
V.ii. Hai là chấp trì chẳng mất:
Miệng chỉ niệm tụng, tụng chẳng ngớt. Tâm chỉ nhớ Phật, nhớ chẳng ngơi. Tai chỉ nghe tiếng Phật hiệu, nghe chẳng ngớt. Lúc uống ăn, đi vệ sinh tuy miệng chẳng niệm Phật được nhưng tâm nên nhớ Phật. Lúc nằm cũng thế, khi ngủ cũng vậy, tỉnh dậy lại tiếp tục. Ðấy là pháp nhất định để chuyên niệm. Miệng chẳng niệm Phật là ngoại đoạn, tâm chẳng nhớ Phật là nội đoạn. Ngoại đoạn còn có lúc bất đắc dĩ, chứ như nội đoạn thì là tâm đã chẳng đặt nơi Phật, còn làm sao chuyên niệm được?
Trong Phật thất chỉ có mình hành nhân được vào, ngồi xếp bằng hay ngồi bình thường đều được, chẳng được nghiêng ngả, thiếu cung kính. Hễ mệt liền đứng lên đi kinh hành, nên bước đi thong thả an tường. Chẳng được mặc áo ngắn. Ðêm nằm có thể cởi áo dài, nhưng chẳng được cởi bỏ áo trong. Dậy sớm thì thức lúc canh năm, ngủ trễ thì thức lúc rạng sáng. Người ngủ nhiều có thể đi ngủ sớm chẳng ngại gì. Chẳng được dậy trễ, ngủ đến sáng bạch.
Trước lúc nhập quan nên tắm rửa, thay áo. Nhập quan rồi chẳng được tắm nữa, khiến việc tu tập bị bỏ phế, chẳng được đọc sách, viết lách, hoặc lần lữa nơi phòng ngủ ở phía ngoài. Sáng dậy, lúc vào Phật đường, lễ Phật một lượt, những lúc khác lễ Phật tuy không hạn định, nhưng đều chẳng đốt hương, cũng chẳng cầm chuỗi để nhớ số, chỉ đến khi mãn kỳ kết thất mới đốt hương lễ Phật mà lui ra.
* Năm điều răn dè sau khi nhập quan là:
– Một là chẳng được nói, miệng này ngoài chuyện niệm Phật chẳng được nói chuyện gì khác.
– Hai là bỏ các sự, thân này ngoài việc niệm Phật, chẳng được lo liệu các việc khác.
– Ba là trì trai, ăn thuần đồ chay, chẳng được xen tạp tí xíu đồ mặn, rượu chè nào.
– Bốn là tạ khách, ngoài người hầu, chẳng được gặp một người khách nào.
– Năm là phòng ngừa thối đọa: ngoại trừ khi cha, mẹ, sư trưởng và tự thân mắc bệnh nguy ngập, hoặc gặp chuyện ngoài ý muốn, chẳng được vô cớ xuất quan.
Năm điều trọng yếu, năm điều răn dè trên đây gộp thành mười pháp chuyên niệm, là bí quyết chân chánh của chân tu thực chứng Niệm Phật Tam Muội. Một kỳ chưa chứng thì có thể tu tiếp kỳ khác. Nếu thật sự có thể trọn đời chẳng lười nhác ắt sẽ có ngày được chứng ngay trong hiện tại.
- Nhận định:
Nếu chiếu theo pháp tu Phật thất nói ở phần trên tu bảy ngày xong lại tu tiếp bảy ngày nữa vẫn chưa chứng nhất tâm bất loạn thì chỉ có cách bế quan chuyên niệm. Một kỳ chưa chứng thì tiếp tục tu một, hai, ba, hay bốn kỳ sao cho chứng được trong hiện đời mới thôi.
Ðại Sư Hoằng Nhất nói: “Bế quan nên chuyên niệm Phật, mỗi ngày nên lễ Phật chừng một ngàn lạy, vừa có công đức lại còn vận động thân thể. Lúc niệm Phật cũng nên kinh hành nhiều lượt, là vì trong quan vận động rất ít, thức ăn chẳng dễ tiêu hóa, cho nên phải lễ bái, kinh hành. Buổi tối có thể chẳng thắp đèn, chỉ thắp đèn lưu ly trước Phật là đủ. Lúc bế quan, chẳng trò chuyện, chẳng tiếp khách, chẳng trao đổi tin tức. Nếu có chuyện rất quan trọng thì nên viết vào giấy giao cho người hộ quan. Hết thảy mọi sự đều đợi đến lúc xuất quan rồi mới lo toan đến”. Cũng nên tham khảo lời dạy này!
Trích lục Cách Hạn Kỳ Cầu Chứng Bế Quan Chuyên Niệm của cư sĩ Vương Canh Tâm
Người Tu Hành Nếu Nảy Sinh Một Niệm Sân Hận Sẽ Bị Thoái Chuyển Một Mức Rất Lớn
Nói đến tu đạo, tu hành, chướng duyên rất nhiều. Bao nhiêu người tu hành chúng ta vừa phát tâm, giống như người chạy đua, nhớm chân từ mức xuất phát, có người vọt lên dẫn đầu, có người tụt lại đằng sau, có người bị loại.
Do nguyên nhân nào?
Quá nhiều chướng duyên chướng ngại mình.
Có người chướng ngại ta, có sự chướng ngại ta, có vật chướng ngại ta, lại còn có oán thân trái chủ chướng ngại ta, hữu hình, vô hình rất nhiều. Đó là chướng duyên.
Ai có thể vượt khỏi tầng chướng duyên ấy?
Ai có thể thành tựu được?
Chẳng có gì khác cả! Một dạ hướng về đạo!
NGÀY NGÀY đọc kinh, ngày ngày nghiên cứu giáo pháp, không biếng nhác một ngày nào, tất cả chướng duyên chẳng cần quan tâm đến, CỐT SAO TÂM TA nơi đạo, hạnh ta nơi đạo. Tự mình chú ý quán sát, tư duy, nếu tâm hạnh mình chẳng rời khỏi đạo, chẳng trái nghịch sự giáo huấn của Phật, tất cả hết thảy chướng duyên chẳng quan tâm đến là được rồi!
NGÀN VẠN PHẦN chẳng được dùng tinh thần lẫn thời gian để NGHIÊN CỨU CÁCH đối phó chướng ngại. NẾU làm như vậy, chướng ngại CÀNG LỚN.
Chẳng hạn như người ta hủy báng mình, quý vị muốn tìm cách trả đũa, chẳng phải tự mình chuốc phiền đó ư? Lúc ấy, sẽ như thế nào? Một khi CÓ Ý NIỆM ẤY, tâm quý vị ĐÃ TRÁI NGHỊCH đạo nghĩa, Phật chẳng dạy chúng ta trả đũa! Đức Phật dạy chúng ta phương pháp nào? Mặc Tẫn. Mặc Tẫn nghĩa là gì? Hoàn toàn không đếm xỉa đến, anh hủy báng cứ việc hủy báng, tôi đi đường tôi. Giống như anh đấm tôi, tôi không phản kháng, cái đấm đó như không. Người ta hủy báng, mình liền trả đũa. A! Vậy thì đôi bên đập lộn. BỊ CHỬI không trả miếng, BỊ ĐÁNH không đập lại, ĐỂ TÂM nơi đạo, HẠNH DỐC nơi đạo, dũng mãnh, tinh tấn, nói thật ra, VIỆC ĐÓ khó lắm! NGƯỜI TẦM THƯỜNG chẳng thể nhẫn ĐƯỢC. KHÓ NHẪN mà nhẫn được, KHÓ HÀNH mà hành được THÌ MỚI ĐI SUÔNG SẺ trên đường Bồ Đề được!
CÀNG ĐẾN GẦN cửa ải quan trọng, CÀNG GẶP nhiều chướng duyên nghiêm trọng, chúng ta PHẢI DÙNG những chướng duyên ấy để KHẢO NGHIỆM chính mình. Hiện tại, chúng ta đã đạt đến mức độ công phu ấy thì phải vượt được cuộc khảo thí ấy. Bởi vậy, chướng duyên chẳng có gì là xấu.
Trong kinh giáo, đức Phật thường dạy chúng ta: THẾ GIAN, XUẤT THẾ GIAN CHẲNG CÓ GÌ LÀ ĐÚNG HAY SAI TUYỆT ĐỐI CẢ.
Cát – hung, họa – phước do đâu?
Nói thật ra, đều do một niệm của chính mình. Một niệm của chính mình “chánh” sẽ hóa hung thành cát, chuyển họa thành phước, có gì không tốt đâu? Công phu tu hành của quý vị hữu dụng, khởi tác dụng. Nếu quý vị CHẲNG THỂ nhẫn, có một niệm sân hận, có một niệm báo thù, SẼ BỊ thoái chuyển một mức rất lớn, quý vị BỊ ĐÀO THẢI khỏi đường Bồ Đề. Người như vậy chẳng phải chỉ là chín mươi chín phần trăm đâu nhé, không phải vậy! Chỉ sợ là trong một ngàn người, trong một vạn người, người thực sự có thể đột phá chỉ là một phần vạn; nói thật ra còn chưa được một phần vạn nữa cơ đấy! Quý vị nghĩ xem: Người học Phật nếu thực sự là một phần vạn [có thể đột phá được] mà người học Phật chẳng ít, có đến trăm vạn, ngàn vạn; nếu là một phần vạn, thì người thực sự có thành tựu cũng được vài trăm, cũng có thể cả ngàn người, [nhưng trên thực tế] đâu có được như vậy! Do đó, quý vị mới hiểu chuyện này rất khó, phải hàng phục phiền não tập khí của chính mình.
Chúng tôi hết sức may mắn, nếu quý vị hỏi vì sao chúng tôi có thể hàng phục được phiền não tập khí ư?
Chẳng có gì khác cả, NGÀY NGÀY đọc kinh, ngày ngày giảng kinh, ngày ngày nghiên cứu, TOÀN BỘ tinh thần tâm lực đều đặt nơi kinh giáo. DO VẬY không có tinh thần, không có thời gian ĐỂ QUAN TÂM đến gì khác, thực sự là như vậy. Chẳng những không có thời gian quan tâm đến thứ gì khác, mà cũng chẳng có tinh thần. Rất nhiều đồng tu viết thư cho tôi, tôi không có thời gian đọc. Bởi thế, tôi hay khuyên mọi người đừng gởi thư cho tôi, tôi thực sự chẳng muốn xem.Vô tình giở sách cũ thấy thư kẹp trong đó, bì thư chưa xé, mở ra xem, đại khái là bảy tám năm trước, quên bẵng luôn!
Bởi vậy, tôi hy vọng mọi người đọc kinh, niệm Phật. NẾU CÓ VẤN ĐỀ thì niệm Phật nhiều, đọc kinh nhiều SẼ TỰ NHIÊN hiểu ra. VIỆC TỐT BẬC NHẤT trong pháp thế gian lẫn xuất thế gian là đọc kinh, niệm Phật, vì người khác diễn nói, trong kinh, đức Thế Tôn gọi là “đọc tụng thọ trì, vì người diễn nói”. Đấy chính là việc tốt lành bậc nhất, thiện hạnh bậc nhất, thuần tịnh thuần thiện trong các pháp thế gian và xuất thế gian. Pháp thế gian và xuất thế gian đều CHẲNG NHIỄM TRƯỚC, đấy mới thực sự là ĐẠI TỰ TẠI. Dẫu chẳng đạt được tự tại, nhất định đạt được tiểu tự tại. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, tu hành chẳng có chướng ngại, ở bên ấy không có chướng duyên.Do vậy, đức Thế Tôn mới giới thiệu cho chúng ta biết “kỳ quốc chúng sanh” (chúng sanh trong cõi ấy), chúng sanh cõi ấy đều là những người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, họ chẳng có các sự khổ, “đản thọ chư lạc” (chỉ hưởng các sự vui). Những niềm vui trong các sự vui ấy rất nhiều, chỉ nêu lên hai điều: Một là chẳng thoái chuyển, hai là không có chướng ngại, “cố danh Cực Lạc” (nên gọi là Cực Lạc).
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký,
phần 5
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hoà.
THẾ NÀO LÀ NHẤT TÂM BẤT LOẠN?
Chúng ta những người tu theo Tịnh Độ đối với 4 chữ “Nhất Tâm Bất Loạn” này phải luôn ghi nhớ chớ nên chết cứng trong đó, mà phải biết uyển chuyển vận dụng vào trong xã hội, vào trong đời sống thường ngày của chính mình, thì mới thật sự đạt được hữu ích.
Thật tại mà nói thì chúng ta không có được cái phước báo rộng lớn là có người khác lo lắng, trợ giúp cho ta trong tất cả sinh hoạt thường ngày, ta chỉ việc chuyên tâm vào câu Phật hiệu từ sáng đến tối chẳng gián đoạn, giống như nhập thất niệm Phật vậy. Mà ta luôn bộn bề với những lo toan trong cuộc sống, những bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình, đối với xã hội. Cho nên, nếu như ta chấp cứng vào 4 chữ này thì cuộc sống của ta nhất định sẽ bị đảo lộn, và ảnh hưởng rất lớn đối với mọi người xung quanh. Ví như quý vị vừa lái xe vừa Nhất Tâm Bất Loạn niệm Phật, vậy thì việc xảy ra tai nạn là điều không tránh khỏi. Nếu chúng ta niệm Phật kiểu đó thì pháp môn niệm Phật này sẽ bị toàn thể xã hội phê bình, bị toàn thể xã hội gạt bỏ. Vì sao? Vì chẳng hợp với tình cảnh con người.
Quý vị học Phật, từ sáng đến tối đều Nhất Tâm Bất Loạn mà niệm A Di Đà Phật, chuyện gì cũng chẳng thể làm, dẫn đến người trong nhà chẳng có cơm ăn, công việc chẳng ai làm. Mọi người nhìn vào liền cho rằng:
_ ” Ngàn vạn lần đừng nên học Phật. Học Phật không được đâu, đều biến thành ăn no rồi nằm chờ chết hết”.
Do vậy, chúng ta nhất định phải hiểu cho thật rõ ràng cái đạo lý này. Cái gì là Nhất Tâm Bất Loạn? Nhất Tâm Bất Loạn là xử sự, đãi người, tiếp vật, bất luận là làm việc gì đều là Nhất Tâm, là chuyên tâm mà làm. Khi vào thời khoá công phu niệm Phật thì Nhất Tâm Bất Loạn mà niệm. Khi bước ra khỏi thời khoá công phu, vẫn là ăn cơm bèn Nhất Tâm Bất Loạn ăn cơm, khi mặc áo bèn Nhất Tâm Bất Loạn mà mặc áo, tiếp đãi khách khứa bèn Nhất Tâm Bất Loạn tiếp đãi, khi làm việc bèn Nhất Tâm Bất Loạn mà làm việc, khi nấu cơm bèn Nhất Tâm Bất Loạn nấu cơm. Dù là làm việc, mặc áo, ăn cơm…nhưng tâm địa luôn thanh tịnh chẳng nhiễm mảy trần thì những việc như mặc áo, ăn cơm, làm việc đó đều là niệm Phật. Vì thế, trong 12 thời công phu niệm Phật mới có thể chẳng bị gián đoạn.
Nếu quý vị có thể uyển chuyển áp dụng việc niệm Phật Nhất Tâm Bất Loạn vào trong đời sống của chính mình, thì Phật pháp lẩn thế gian pháp quý vị đều làm được viên mãn, chẳng có chướng ngại. Qua đó, niệm Phật mới có cống hiến đối với toàn xã hội, mọi người mới cảm thấy Niệm Phật là thật sự cần thiết và hữu ích.
A Di Đà Phật!
Pháp sư Tịnh Không
ĐỜI NGƯỜI ĐÚNG LÀ MỘT GIẤC MỘNG
Đời người mấy mươi năm ngắn ngủi, chớp mắt đã trôi qua mất. Trẻ nhỏ còn ngây thơ, không biết gì, đến Tết rất vui mừng, náo nhiệt, chúng nó thường mong Tết đến, nhưng mỗi năm phải rất lâu mới đến Tết. Còn người lớn, làm việc cực nhọc, hy vọng ngày tháng trôi qua chậm một chút, nhưng lại cảm thấy mỗi năm đều trôi qua rất nhanh.
Đời người đúng là một giấc mộng, lão hòa thượng thường dạy các bạn đồng tu quán tưởng, phải quán như thế nào? Trước lúc đi ngủ và lúc thức dậy, chúng ta hãy suy nghĩ cặn kẽ lúc ngủ mê có khác gì đã chết rồi hay không? Lúc chúng ta ngủ mê, nếu người ta khiêng thân thể chúng ta đi, chúng ta cũng không hay biết gì hết. Do vậy trên thế gian này có một vật gì là vật của chúng ta hay không? Đúng là ngay cả thân thể này cũng không phải của mình, còn thứ gì là của mình nữa? Có vật gì chúng ta có thể giữ chắc được, có thứ gì chúng ta có thể cất giữ được? Tất cả đều là giả tạm, đều là nhọc lòng lo lắng uổng công! Chúng ta thường gọi đó là “dụng tâm sai lầm”. Khi tỉnh giấc nghĩ lại giấc mộng đêm qua, nghĩ về những cảnh giới trong mộng, sau đó lại nghĩ tới cảnh giới hiện tại có khác gì không? Nếu thường nghĩ như vậy, mỗi ngày đều nghĩ về chuyện này, đối với vạn sự vạn vật trong thế gian này tự nhiên chúng ta sẽ hiểu rõ, sẽ cảm thấy lợt lạt, sẽ chẳng chấp trước nặng nề nữa, sẽ chẳng tranh chấp nữa. Từ đó, sẽ có thể tùy duyên sống qua ngày, thật thà niệm Phật.
[Trong một buổi giảng khác, lão hòa thượng có dạy quán tưởng trước khi ngủ như sau: “Khi đức Phật đến tiếp dẫn, trước hết Phật sẽ phóng quang gia trì quý vị, giúp quý vị nâng cao công phu lên gấp đôi. Quý vị hoàn toàn không có công phu sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ, chuyện gì cũng không buông xuống, nhưng khi lâm chung phải buông xuống tất cả. Lúc lâm chung nếu không buông xuống thì Tây Phương Cực Lạc thế giới quý vị sẽ không có phần. Dù có nhiều người trợ niệm, nhưng quý vị không chịu đi, quý vị còn lưu luyến [con cái hoặc tài sản trên thế gian này], quý vị vẫn sẽ tiếp tục luân hồi trong lục đạo, sẽ bỏ lỡ cơ hội vãng sanh trong đời này. Chớ nên không biết chuyện này. Do vậy lâm chung phải buông xuống!
Chuyện lâm chung này thật sự là rất khó, lúc bình thường phải luyện tập. Luyện tập như thế nào? Mỗi tối lúc đi ngủ phải quán tưởng. Quán tưởng như thế nào?
Đêm nay tôi ngủ trên giường này sẽ vãng sanh, tôi còn việc gì chưa buông xuống được?
Cái gì cũng không mang theo được, ngay cả thân thể này cũng không mang theo được. Mỗi đêm đều phải quán tưởng như vậy, dần dần sẽ trở thành một thói quen, đến lúc lâm chung nhất định sẽ có hiệu quả.
Chẳng có gì có thể mang theo được hết. Tài sản chẳng mang theo được. Quyền thế, địa vị chẳng mang theo được. Danh vọng, tiếng tăm, lợi dưỡng chẳng mang theo được. Tình thân chẳng mang theo được. Trong tâm quý vị phải hiểu rõ. Những thứ quý vị lưu luyến hoàn toàn là vọng tưởng. Nếu quý vị có thể tưởng, nếu tưởng là thiệt, quý vị còn có thể mang theo, vậy thì cũng nên tưởng. Đằng này tưởng cũng vô dụng, hà tất phải tưởng! Thời thời khắc khắc phải nghĩ Phật sẽ đến tiếp dẫn, tôi sẽ đi theo Ngài, hết thảy mọi chuyện trên thế gian này tôi không màng tới, những chuyện đó chẳng liên can gì với mình. Một khi tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, muốn gì được nấy, chẳng cần phải bận tâm gì hết. Vật gì tốt đẹp trên thế gian này quý vị cũng mang theo không được. Vật xấu nhất ở Cực Lạc thế giới cũng tốt hơn vật ở đây, không biết là tốt hơn bao nhiêu lần; do vậy Cực Lạc thế giới đích thật rất hấp dẫn, quyến rũ.”]
“Nếu chúng ta không buông xuống được, hãy coi những mục cáo phó này suốt
nửa năm, xem thử chúng ta có buông xuống được hay không!”
Kinh Kim Cang dạy “hết thảy pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt bóng”, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng có thứ nào chân thật. Lão hòa thượng nói lúc còn trẻ Ngài đã có một chút trí huệ, trí huệ từ đâu đến? Lúc lão hòa thượng còn chưa học Phật, mỗi ngày coi báo, trước hết là coi các mục cáo phó, coi hôm nay có người nào qua đời, trong số đó có người già, có người rất trẻ, thật đúng là “trên đường đến suối vàng, già cũng có mà trẻ cũng không ít”. Coi họ đã qua đời, lúc đến thế gian này họ đem theo cái gì, lúc ra đi họ mang theo được gì? Lúc tới trắng tay, lúc đi cũng tay trắng, một chút gì cũng không mang theo được, thế gian này có gì đáng tranh giành, có gì đáng mong cầu? Mỗi ngày coi báo, coi những mục cáo phó này sẽ mở mang trí huệ, công phu niệm Phật sẽ đắc lực. Nếu chúng ta không buông xuống được, hãy coi những mục cáo phó này suốt nửa năm, xem thử chúng ta có buông xuống được hay không!
Hết thảy đều buông xuống, tâm sẽ thanh tịnh, trong tâm trống rỗng, chẳng có gì hết. Biết được tiền tài, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ, ngũ dục lục trần trong thế gian này đều là giả, đều là một giấc mộng! Ngay bây giờ chúng ta đang nằm mộng, biết rằng chúng ta đang nằm mộng. Nếu không biết chúng ta đang nằm mộng, coi mộng là thật, thì ngày tháng đó sẽ rất đau khổ. Biết mình đang nằm mộng sẽ giống như Phật, Bồ Tát du hý thần thông, có gì chẳng tự tại? Thật sự có thể tùy duyên, thật sự có thể hằng thuận chúng sanh, thành tựu đạo nghiệp của chính mình. Đạo nghiệp là gì? Tâm thanh tịnh là đạo nghiệp, vạn duyên buông xuống là đạo nghiệp.
NHÌN THẤU LÀ TRÍ HUỆ CHÂN THẬT
Pháp Sư Tịnh Không
Trích lục từ giảng ký của Lão Hòa Thượng Thượng Tịnh Hạ Không.
Tường thuật cuộc vãng sanh của Lão Cư sĩ Lý Phúc Duyên
Lão Hòa thượng Hải Hiền. Lão Cư sĩ Lý Phúc Duyên (Tổ mẫu của Pháp sư Định Hoằng). Một người đại diện cho chúng xuất gia vãng sanh, một người đại diện cho chúng tại gia vãng sanh. Làm ra mẫu mực tốt đẹp cho chúng ta noi theo. Vì đại chúng biểu pháp.
Hòa Thượng Tịnh Không nói: “Cho nên trong 12 thời khắc, niệm niệm phải quay về A Di Đà Phật, chúng ta nhìn thấy, khắp nơi đều có thể nhìn thấy, chỉ cần quí vị tỉ mỉ, quí vị đi quan sát, rất nhiều đạo tràng quí vị đến thăm niệm Phật đường, những bà già, ông già ở đó cầm xâu chuỗi niệm Phật, họ đích thực chỉ có một câu danh hiệu Phật, họ không có tạp niệm. Quí vị hỏi họ điều gì, họ đều là A Di Đà Phật; quí vị nói với họ điều gì họ vẫn là A Di Đà Phật. Toàn bộ họ đều quy về A Di Đà Phật. Người niệm Phật như vậy, lúc lâm chung sẽ biểu pháp cho chúng ta, tướng lành hi hữu, thực sự vãng sanh rồi. Người thông minh một đời cuối cùng cũng không bằng họ, họ như thế nào? Họ một đời đều nắm vững đức bổn này. Công đức họ tu tập được chúng ta không nhìn thấy, nhưng quả báo công đức của họ, chúng ta nhìn thấy. Tướng lành trong lúc lâm chung chúng ta thấy được. Người này đến cõi này không vô ích. Chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, phải biết cách ngưỡng mộ, phải biết học tập người khác, không nên để cuộc đời này trôi qua trong lãng phí.”
Chuyển ngữ: Tuệ Minh, Thuần Thiện, Thuần Tịnh
Biên tập: Thuần Tịnh
Người đọc: Nguyên Thanh
Nguồn Hoa ngữ: https://goo.gl/PbKc4M
https://www.youtube.com/watch?v=KX_QCziqY8Q
Quý huynh đệ tỷ muội vui lòng cho em hỏi hơi ngốc tí: kinh Hoa Nghiêm và kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh hay là hai bộ kinh khác nhau vậy? Theo em biết thì Phật thuyết kinh Hoa Nghiêm trong định ngay sau khi ngài vừa thành Phật. Còn kinh Lăng Nghiêm thì sao ạ? A Di Đà Phật.
Chào đạo hữu, theo mình tìm hiểu thì kinh Lăng Nghiêm và kinh Hoa Nghiêm là 2 kinh hoàn toàn khác nhau. Kinh Lăng Nghiêm được Phật nói ra khi ngài A Nan bị Ma Đăng Già sử dụng tà thuật để quyến rũ ngài ấy. Nam Mô A Di Đà Phật
Dạ cảm ơn đạo hữu rất nhiều đã cho biết ạ. A Di Đà Phật.