Thượng Nhân pháp danh Trí Hiền, pháp tự Thiền Tâm, biệt hiệu Vô Nhất, bút hiệu Liên Du, thế danh là Nguyễn Nhựt Thăng, sanh năm Ất Sửu (1926) tại làng Bình Xuân, quận Hòa Ðồng, tỉnh Gò Công. Là con thứ mười của cụ Nguyễn Văn Hương, một bậc túc nho, và cụ bà Giác Ân Trần Thị Dung. Trong khi mang thai Ðại Sư, cụ bà đột nhiên chăm lo làm công quả tại ngôi chùa nhỏ trong làng. Có lẽ đó là do phước nghiệp của Ðại Sư chiêu cảm nên điều này.
Từ thuở nhỏ, Ðại Sư đã không thích chạy giỡn, chơi đùa mà thường thích thắp hương, bái xá, và theo thân phụ học chữ Nho. Ðến năm lên chín tuổi, Ðại Sư đã có thể đọc trôi chảy các sách Nho học như Tứ Thư, các bộ truyện Tàu và viết chữ Hán khá lưu loát. Song song với việc học chữ Hán, Ðại Sư còn học tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ.
Từ năm lên bảy tuổi, nhân mục kích cái chết rất trẻ của một thiếu niên trong xóm, Ðại Sư đã bắt đầu có những ưu tư về lẽ sống chết. Vào khoảng năm 1935, lúc lên mười tuổi, trong lúc đang cắt cỏ ruộng với thân phụ, chợt Hòa Thượng Phật Ấn, trụ trì chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), đi ngang. Ðại Sư liền chạy tới ba lượt đảnh lễ Hòa Thượng. Hòa Thượng liền huyền ký về sau đứa trẻ kỳ lạ này sẽ xuất gia và nhắc nhở gia đình không nên ngăn cản.
Cuối năm 1937, sau khi hoàn tất bậc Tiểu Học, Ðại Sư xin phép cha lên Mỹ Tho, ngụ tại chùa Vĩnh Tràng để tiếp tục học chữ và Ðông Y. Chính trong thời gian này, Ðại Sư đã tận dụng thời gian rảnh rỗi để tự trau giồi nội điển cũng như tham học Phật pháp với Bổn Sư Hòa Thượng Phật Ấn. Hòa Thượng đặt cho pháp danh cho Ðại Sư là Trí Hiền. Do cơ duyên, Ðại Sư cũng được học theo nghề thuốc với một vị Ðông Y Sĩ nổi tiếng ở Mỹ Tho thời đó là thầy Tế An Ðường và các vị đại phu nổi tiếng khác.
Ðến năm 1943, Ðại Sư đã lấy được bằng Thành Chung (tương đương Trung Học Ðệ Nhất Cấp sau này). Trở về quê nhà, Ðại Sư vừa hốt thuốc cho thân mẫu đang lâm bịnh vừa giảng dạy Phật pháp cho song thân và người anh thứ năm. Dưới sự khuyến hóa của Ðại Sư, gia đình ngài đã biết thờ Phật và tu niệm.
Năm 1945, sau khi cầu thỉnh xin xuất gia không được song thân chấp nhận, ngài đã lén trốn đi, tìm đến chùa Sắc Tứ Linh Thứu ở Xoài Hột để xin xuất gia với Hòa Thượng thượng Thành hạ Ðạo. Ðại Sư được thọ Sa Di Giới với pháp tự là Thiền Tâm.
Nhận thấy sa di Thích Thiền Tâm sẽ là một bậc long tượng cho Phật Giáo Việt Nam sau này, Hòa Thượng Linh Thứu đã thuyết phục Ðại Sư lên Sài Gòn, tìm đến Hòa Thượng viện chủ Tổ Ðình Ấn Quang thượng Thiện hạ Hòa để xin gia nhập Phật Học Viện Liên Hải (chùa Sùng Ðức) hầu thụ học chương trình Trung Ðẳng Phật Học từ năm 1948 đến năm 1950.
Năm 1950, Ðại Sư thọ Cụ Túc Giới và cầu pháp nơi Viện Chủ Tổ Ðình Ấn Quang kiêm đốc giáo Phật Học Ðường Nam Việt là Hòa Thượng Thiện Hòa. Khi chương trình Cao Ðẳng Phật Học khóa 1 được khai giảng, do thành tích học tập xuất sắc, Ðại Sư được chọn vào lớp Tăng Sinh đầu tiên. Dù chỉ mới 24 tuổi, Ðại Sư đã được ban giáo thọ tin cậy, giao đảm nhiệm chức vị Tri Chúng (tức là trưởng tràng). Trong quá trình học tập, Ðại Sư luôn nổi bật về mọi phương diện học vấn, tài đức, khả năng, thiện chí.
Khi khóa học hoàn tất vào năm 1954, trong số hơn 100 học tăng, chỉ có 13 vị được tốt nghiệp, Ðại Sư được xếp hạng Tối Ưu. Sau khi tốt nghiệp, Ðại Sư được ban giảng sư Phật Học Ðường Nam Việt giao trách nhiệm hoằng dương Tịnh Ðộ. Ðại Sư đã khẩn nài các vị tôn túc cho ngài được nhập thất chuyên tu Tịnh Ðộ một thời gian để có thể hoàn thành trọng trách ấy; nhưng các vị tôn sư chỉ hứa khả cho ngài nhập thất trong một thời gian ngắn và phải xuất quan bất cứ khi nào giáo hội cần đến ngài.
Trở về Mỹ Tho, Ðại Sư lập cốc tại Cái Bè để chuyên tu Tịnh Nghiệp suốt năm năm (1955-1960). Trong thời gian ẩn cư này, dù gặp nhiều chướng duyên khảo đảo, Ðại Sư vẫn tinh cần tu tập, đồng thời biên dịch hai tác phẩm quan trọng làm tư lương cho Tịnh Ðộ học nhân Việt Nam:
* Trích tuyển những bài văn quan trọng trong cuốn Ấn Quang Văn Sao, soạn thành tác phẩm Lá Thư Tịnh Ðộ (hoàn tất năm 1956) nhằm phá nghi, hóa đạo chúng sanh tin tưởng, hành trì Tịnh nghiệp.
* Soạn thuật bộ Tịnh Ðộ Tân Lương, 2 quyển, dày 800 trang để chỉ dạy cặn kẽ sự lợi ích thiết thực của pháp môn Tịnh Ðộ cũng như cách thức tu hành sao cho xứng hợi với từ bi nguyện hải của đức Từ Phụ Di Ðà.
Từ năm 1960-1962, Thượng Nhân tiếp tục nhập thất tịnh tu tại Vang Quới (Bến Tre) và soạn thuật những tác phẩm quan trọng sau đây như Hương Quê Cực Lạc, Tịnh Ðộ Thập Nghi Luận, Tịnh Ðộ Pháp Nghi. Tiếp đó, trong thời gian nhập thất tịnh tu tại tịnh thất Giác Duyên (Chợ Gạo, Mỹ Tho), ngài đã phiên dịch kinh Phật Thuyết Thiện Ác Nhân Quả Báo Ứng theo thể văn vần và soạn thuật bộ Quán Vô Lượng Thọ Sớ Sao. Ðây là một công trình đặc sắc tổng hợp các ý kiến phán giáo và chú giải kinh Quán Vô Lượng Thọ của các vị Tổ Sư lỗi lạc như Thiên Thai Trí Giả, Linh Chi Nguyên Chiếu, Liên Tông Nhị Tổ Thiện Ðạo v.v…
Năm 1963, sau cơn Pháp Nạn, viện Trung Ðẳng Chuyên Biệt Phật Học được thành lập để đào tạo tăng tài tại chùa Huệ Nghiêm (Phú Lâm, Sài Gòn). Hòa Thượng Thiện Hoa đã triệu Ðại Sư về Sài Gòn giữ chức Viện Trưởng kiêm Ðốc Giáo với sự phụ tá của hai vị Thượng Tọa Bửu Huệ và Thanh Từ. Học Viện sau được đổi tên thành Viện Cao Ðẳng Phật Học Huệ Nghiêm. Ðể việc đào tạo được toàn diện, Ðại Sư đã quyết định mở thêm việc học ngoại điển theo chương trình văn hóa phổ thông theo quy định của Bộ Giáo Dục. Ngoài việc giảng dạy tại Huệ Nghiêm, Ðại Sư còn được cung thỉnh làm giảng sư giảng dạy môn Duy Thức cho Phân Khoa Phật Học của viện đại học Vạn Hạnh và làm giáo thọ cho các ni trường Dược Sư và Từ Nghiêm.
Tuy rất bận rộn, Hòa Thượng vận tiếp tục soạn thuật các tác phẩm quan trọng sau đây: Phật Học Tinh Yếu, Niệm Phật Thập Yếu, Duy Thức Học Cương Yếu, Ðại Bi Tâm Ðà Ra Ni (Ðại Chánh Tạng, quyển 20, kinh số 1060, bản Hán dịch của ngài Già Phạm Ðạt Mạ). Riêng cuốn Niệm Phật Thập Yếu là một tác phẩm cực quý cho hành giả Tịnh Nghiệp, luận về mọi phương diện sự lý của pháp Trì Danh Niệm Phật, cách thức tu tập, ngăn ngừa chướng duyên cho hành giả Tịnh Ðộ. Vì thế, tác phẩm này đã liên tục được tái bản, tục ấn. Ngay cả Tịnh Tông Học Hội Ðài Loan cũng đã trùng ấn tác phẩm này với số lượng lớn (10.000 cuốn).
Tiếc thay, Ðại Sư đảm nhận trách nhiệm đào tạo Tăng tài cho Giáo Hội nhằm ngay thời kỳ đấu tranh kiên cố của thời Mạt Pháp. Ngay trong số những học tăng đang theo học tại Huệ Nghiêm, không ít vị đã bị lôi cuốn vào những cuộc đấu đá, sách động nhằm tranh giành quyền lực vô bổ. Chủ trương chuyên tâm nghiên cứu Phật học, tuyệt đối không tham gia vào những cuộc tranh chấp thế tục khoác mỹ hiệu bảo vệ đạo pháp của Hòa Thượng bị chống đối và ngài bị chỉ trích là khiếp nhược, cầu an, thiếu tinh thần tương trợ để tăng thêm “sức mạnh” cho Phật Giáo Việt Nam!
Nhận thấy không thể làm gì khác hơn được để vãn hồi tình trạng hỗn loạn nay biểu tình, mai tuyệt thực chống đối chính phủ được cầm đầu bởi những tăng sĩ hoạt đầu đầy tham vọng thời ấy, Ðại Sư đành chọn con đường từ nhiệm để kết thất ẩn tu. Năm 1967, nhân một người tục gia đệ tử là Minh Thiện đến thăm và nhắc đến ấp địa danh Phú An, thấy địa danh này phù hợp với lời tiên triệu của Cố Bổn Sư mình trong giấc mộng nên vào tháng 12 năm đó, Hòa Thượng đã quyết chí tạ từ Hòa Thượng Phó Tăng Thống Thiện Hòa để xin về Ðại Ninh ẩn tu, giao Phật Học Viện Huệ Nghiêm lại cho Thượng Tọa Bửu Huệ quản trị. Tuy vậy, Ðại Sư vẫn phải lưu Học Viện một thời gian để giúp đỡ Thượng Tọa Bửu Huệ theo lời yêu cầu của Hòa Thượng Phó Tăng Thống. Mãi đến năm 1968, việc xây cất Hương Quang tịnh thất ở Phú An đã xong, Hòa Thượng liền chính thức ẩn tu vào năm 43 tuổi!
Ðại Ninh là một vùng hoang vu nằm cách quốc lộ 20 chừng ba cây số, cạnh sông Ðại Ninh thuộc khu vực thủy điện Ða Nhim. Hương Quang tịnh thất được dựng trên một vùng đất hoang vu toàn gò mối, rắn rết thuộc thôn Ðại Ninh, thôn Phú An, xã Phú Hội, quận Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng. Thôn Phú An chỉ có chừng 50 nhà và chỉ có 10 nhà là người Kinh. Hương Quang tịnh thất chỉ là một căn thất nhỏ lớn chừng 2 phòng ngủ gồm 2 tầng: tầng trên để thờ Phật, tầng dưới để ở và làm việc. Về đây, Ðại Sư chỉ lo chuyên tu trì niệm, rảnh rỗi thì làm vườn, dọn rẫy. Ðức hạnh của Sư đã cảm nhiều loài dị loại đến nghe kinh, hộ thất. Hòa Thượng đã thực hành pháp Du Già Thí Thực để hồi hướng công đức đến cho chúng. Theo các đệ tử của ngài, những loài linh xà thường hiện thân trong giấc mộng xin quy mạng, thọ giới. Hòa Thượng đều hoan hỷ lập đàn truyền giới cho họ.
Tuy đã quyết chí ẩn lánh thế tục, nhưng tứ chúng vẫn mến mộ đức hạnh của một bậc cao tăng đức hạnh nên lần lượt đổ dồn về Ðại Ninh lập thất tu học. Chỉ trong vòng một năm từ 1969 đến 1970, vùng Ðại Ninh hoang vắng đã trở thành một “làng tu” nổi tiếng ở Lâm Ðồng. Do tứ chúng vân tập quá đông đảo, chẳng đặng đừng, Ðại Sư phải xuất quan theo lời thỉnh cầu của mọi người để lãnh đạo công việc kiến thiết một tu viện cho tứ chúng có nơi an cư tu học. Nhờ phước lực của Hòa Thượng, một đại đội công binh chịu trách nhiệm tu bổ kiều lộ trong vùng đã hoan hỷ đứng ra góp phần xây cất tu viện.
Ðầu năm 1971, Hương Nghiêm tịnh viện được hoàn thành, trở thành đạo tràng Tịnh Ðộ đầu tiên trong vùng. Cuối năm 1971, Ðại Sư giao việc quản trị Hương Quang Tịnh Thất và Hương Nghiêm Tịnh Viện cho đại chúng quản trị để nhập thất vĩnh viễn tại Phương Liên tịnh xứ ở gần đó. Hòa Thượng dành trọn thời gian để tụng niệm, quán tưởng, lễ bái, dịch thuật. Trong thời gian này, Ðại Sư đã phiên dịch các tác phẩm quan trọng sau đây: Phật Ðảnh Tôn Thắng Ðà Ra Ni (Ðại Chánh Tạng quyển 19, kinh số 967), Ðại Nhựt Kinh Sớ (do ngài Nhất Hạnh trứ tác, Ðại Chánh Tạng quyển 39, kinh số 1796 gồm 20 quyển), Mấy Ðiệu Sen Thanh (lược dịch Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục), chú giải 100 bài kệ Niệm Phật của Tổ Triệt Ngộ, Liên Tông Thập Tam Tổ, Tam Bảo Cảm Ứng Yếu Lược Lục, Nhơn Quả Luân Hồi Tạp Lục Ký, Tây Phương Nhật Khóa và nhiều bản kinh Mật Tông quý giá khác.
Tháng Giêng năm 1989, nhận biết thân mẫu mình sắp mãn phần, Hòa Thượng đã cho người đón mẹ lên Phương Liên Tịnh Xứ để dùng phương tiện thiện xảo khuyến hóa mẹ nhất tâm niệm Phật. Ngày mồng 2 tháng 5, cụ bà đến chào từ biệt Hòa Thượng để đi xa. Biết mẹ đã biết trước ngày quy tịch, ngày hôm sau, Hòa Thượng đã nhóm chúng hộ niệm cho cụ. Ðến 12 giờ trưa ngày 3 tháng 5, cụ bà đã ngỏ lời chào vĩnh bệt và thoát hóa trong tiếng niệm Phật của đại chúng, thọ 98 tuổi.
Kể từ năm 1989, thân tứ đại của Ðại Sư đã không điều hòa, nhưng Ðại Sư cương quyết khước từ bao lượt thỉnh cầu về Sài Gòn chữa bịnh của các môn đồ. Dù thân bịnh trầm kha, Ðại Sư luôn tinh tấn và tùy cơ nhiếp hóa chúng sanh không mệt mỏi. Mồng Hai tháng Tám năm 1992, biết trước ngày vãng sanh, Hòa Thượng đã viết di chúc dặn dò hậu sự và chính thức chỉ định Ni Sư Thanh Nguyệt làm trưởng tử và là người chịu trách nhiệm chính lo liệu hậu sự cho Ðại Sư vào ngày 12 tháng 10 năm 1992 để tránh những tranh chấp có thể xảy ra sau khi Hòa Thượng viên tịch. Trong di chúc, Hòa Thượng dặn các môn nhân hoặc bỏ xác ngài trong rừng hoặc quăng xuống vực thẳm để thí cho các loài chim, thú, thủy tộc; hoặc bó chiếu chôn sâu, khỏa bằng, trên trồng thơm chuối. Cùng lắm là đóng sơ mấy tấm gỗ tạp, trong độn lá chuối, trên để tấm pháp y, xây ngôi mồ cỏ đơn sơ. Trên mộ, dựng tấm bia: “Bất huệ nạp tăng Thích Thiền Tâm hiệu Vô Nhất mai cốt xứ” (Chỗ vùi xương của ông sư thiếu trí huệ là Thích Thiền Tâm hiệu Vô Nhất).
Ðêm 20 rạng 21 tháng 11 năm Nhâm Thân 1992, Ðại Sư trì niệm suốt buổi trước bàn Phật. Ðến 3 giờ sáng, sư sai ni sư thị giả triệu đại chúng nhập thất hộ niệm. Ðại Sư thay y hậu tề chỉnh, an tọa ngồi niệm Phật giữa tiếng hộ niệm tha thiết của đại chúng. Ðại Sư an ủi:
– Hãy bình tâm lại, đừng có khóc nữa. Ta được về Tây là điều hân hạnh, các con hãy theo đó mà cố gắng niệm Phật chuyên cần. Nếu được như vậy, ắt một ngày kia sẽ cùng hội ngộ nhau nơi miền An Dưỡng.
Rồi ngài đọc kệ thị tịch:
Ðời ta chí gởi chốn Liên Trì
Trần thế vinh hư sá kể gì
Bốn tám năm dài chuyên lễ niệm
Mừng nay được thấy đức A Di.
Nói xong, Ðại Sư yên lặng nhập định. Ðến 6 giờ 15 phút, Ðại Sư bỗng mở mắt, chắp tay nói:
– Ta đi đây! Ðại chúng nên bảo trọng.
Rồi tay vẫn kết ấn Di Ðà định, an nhiên tọa hóa quy Tây ngay trên bản tọa. Ðại Sư thọ 68 tuổi đời, 48 tuổi đạo, hạ lạp 42.
Lễ di quan, nhập tháp hoàn tất vào khoảng 8 giờ sáng ngày 25 tháng 11 năm Nhăm Thân (tức 18 tháng 12 năm 1992). Trong lễ khai mộ vào ngày 21 tháng 12, 1992, đại chúng thấy có một cặp rắn vàng óng bò đến nằm trước mộ một lúc lâu, rồi ngẩng đầu, gật đầu chào ni sư Thanh Nguyệt ba lần trước khi bò mất dạng. Theo các môn nhân, đó là cặp vợ chồng rắn đã từng quy y với Hòa Thượng trước kia. Ðại Sư có lưu lại một kim cang nha xỉ xá lợi (tức là một cái răng rất chắc chắn, sáng đẹp, không ai cưa cắt nổi).
Xét công hạnh, Ðại Sư không những chỉ giáo hóa bằng ngôn giáo mà còn bằng cả thân giáo. Bao nhiêu người nhờ vào những tác phẩm của ngài hay được gặp gỡ ngài mà được lợi lạc nơi pháp môn Tịnh Ðộ. Ðiểm qua những dịch phẩm và trước tác của ngài, điểm nổi bật là một trình độ Phật học uyên thâm, một mức độ hiểu biết sâu xa các nền triết học ngoài Phật giáo được trình bày bằng một văn pháp giản dị, chính xác, trong sáng, trau chuốt, nhẹ nhàng, thanh thoát, bóng bảy nhưng không hoa mỹ, cầu kỳ, ý tứ thâm trầm nhưng dễ hiểu. Có nhiều đoạn Ðại Sư chỉ dịch ý để cho hàng hậu học dễ lãnh hội được ý nghĩa của từng văn bản cổ thay vì bám chặt theo mạch văn khiến cho người đọc có cảm giác những tác phẩm ấy vừa được viết ngay trong thời đại này, thay vì đã được viết ra vào thời Ðường, thời Tống cách đây cả ngàn năm.
Có đọc những dịch phẩm ấy, ta mới thấy kiến văn của Ðại Sư vô cùng quảng bác, không những chỉ đọc hết những kinh điển Tịnh Ðộ trong Ðại Tạng và Tục Tạng, Ðại Sư còn đọc rất nhiều tác phẩm Tịnh Ðộ cận đại nữa. Tuy chuyên chú nơi Tịnh Ðộ, Ðại Sư vẫn bác lãm các kinh điển của chư Tông, mà điển hình nhất là Ðại Sư đã được cung thỉnh dạy môn Duy Thức cho học tăng và sinh viên ngành Phật Học tại Ðại Học Vạn Hạnh khi còn rất trẻ.
Không những là một vị tôn sư của Tịnh Ðộ, Vô Nhất Thượng Nhân còn là một hành giả thành tựu trong Kim Cang Thừa. Tuy chỉ dùng Mật chú làm trợ hạnh để hỗ trợ cho Tịnh nghiệp, Ðại Sư đã đạt những thành tựu lớn lao trong Mật tông. Rất nhiều hành giả Mật Tông được pháp ích khi đến cầu học với ngài. Qua những dẫn giải thi thoảng đây đó trong các tác phẩm giảng dạy về Tịnh Ðộ, ta thấy Vô Nhất Thượng Nhân là một trong số rất ít những đại sư thâm hiểu tột cùng giáo pháp phức tạp, vi diệu của Ðông Mật, nhất là hai hệ thống giáo nghĩa Kim Cang và Thai Tạng. Cùng với A Xà Lê thượng Viên hạ Ðức, Ðại Sư Thiền Tâm được xưng tụng là tối thượng Kim Cang A Xà Lê của Mật tông Việt Nam. Khi chọn các bản kinh Mật Tông để dịch, Hòa Thượng cũng thận trọng chọn lấy những bản hoàn chỉnh nhất để dịch và chú giải tỉ mỉ khiến cho dịch phẩm của ngài dễ hiểu, dễ thực hành, vượt xa các dịch phẩm của những vị hoằng truyền Mật tông khác.
Thị hiện chỉ 68 năm trên cõi trần gian này và thực sự hành hóa chỉ 42 năm nhưng Ðại Sư đã đóng góp rất lớn lao vào kho tàng văn hóa Phật Giáo Việt Nam. Chỉ bằng những tác phẩm của mình, Ðại Sư đã hóa độ bao nhiêu tứ chúng hữu duyên, huống hồ là những ai có cơ duyên gặp gỡ, đích thân lãnh thọ sự giáo hóa của ngài. Thế mà, Ðại Sư vẫn khiêm tốn chỉ xưng mình là Vô Nhất, lấy ý từ câu “Nhất sự vô thành, thân tiệm lão” (không có chuyện gì làm cho ra hồn hết mà thân đã già dần mất rồi). Ðức hạnh, phong thái khiêm tốn ấy càng làm cho tứ chúng ngưỡng mộ, khâm kính. Ngưỡng mong hàng Phật tử Việt Nam ta sẽ luôn được giác linh ngài thầm gia hộ, dìu dắt để cùng được hội ngộ chốn Lạc Bang.
Theo: “Vô Nhất Ðại Sư Thích Thiền Tâm, một cao tăng cận đại của Bảo Ðăng do chùa Pháp Hoa ấn hành”
Kỳ tích vãng sanh tại Sa Đéc, Việt Nam
Xin chào Viên Trí ạ. Xin cho N hỏi đạo Thiên Tâm gần đây nghe nói nhiều.. chồng N trước tin Phật lắm, giờ cũng vậy chỉ là nghe anh Ngô Tuấn Kiệt bên Mỹ nói sau này đạo TT cai quản hết các đạo khác v..v. rồi đeo sợi dây chuyền hình của đạo ấy.N có khuyên nhưng coi bộ ổng tin lắm, nói cũng là Phật chứ đâu..N lo là ổng đi sai đường mà mình đã tin tưởng mấy chục năm nay.. vậy thì tiếc lắm..Xin cho lời khuyên giúp N với VT ạ.Xin cảm ơn n 🙏🙏 A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Thân chào tái ngộ cùng chư liên hữu! Cũng đã lâu lắm rồi VT không có ghé trang DVCT để đọc nhưng hôm nay câu hỏi của Nhung đã được Addmin gửi về e mail nên VT cũng đành tùy duyên vậy.
Ở vào thời mạt pháp thì tà ma ngoại đạo có rất nhiều, chánh tà khó phân biệt, cho nên Đức Phật dạy chúng ta phải biết “y pháp bất y nhân”. Tức là chỉ nương theo lời Phật dạy trong kinh điển mà hành trì chứ đừng nên vội tin lời người khác nói. Những gì người khác nói mình muốn biết đúng hay sai thì phải đối chiếu lại với kinh điển của Phật. Nếu không có kinh điển thì phải dùng lý trí để phân biệt, cái gì thiện là chánh, ác là tà.
Trước đây VT tình cờ có xem được vài video trên kênh Ngô Tuấn Kiệt thì thấy chú ấy trước khi bắt đầu video cũng có chắp tay niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Chú ấy đã mua một quả núi rồi mua cây cổ thụ về trồng, sau đó thỉnh rất nhiều tượng Phật Bồ Tát, thần thánh các loại về để cho bà con chiêm bái.
Chú ấy cho biết là đã có gặp Phật A Di Đà, Phật Dược Sư… và có thể giao tiếp với rất nhiều vị thần thánh ở cõi trên. Có rất nhiều người hiếu kỳ nên thích nghe chú ấy “tiết lộ thiên cơ”. Có rất nhiều người tin tưởng và thích nghe chú ấy chuyển lời của bề trên nhưng cũng có vài người cho rằng chú ấy bị ma dựa. Thật hư như thế nào thì phàm phu trí của mình rất khó để phân biệt.
Nếu như chồng của bạn có chia sẻ những bài pháp của chú ấy thì bạn chớ nên phỉ báng mà cũng đừng có tin vội. Cách tốt nhất là bạn chắp tay lại nói:” A Di Đà Phật! ” thế là đủ rồi. Bởi vì nếu bạn có ý kiến trái chiều thì vợ chồng sẽ mất hòa khí, gia đình không còn hạnh phúc nữa. Còn nếu như bạn biểu dương tán thán thì chắc hẳn là chồng bạn sẽ vui lắm đó nhưng cũng không nên làm thế vì bài pháp đó chưa được kiểm chứng nên không bảo đảm.
Đạo Thiên Tân là đạo gì? Giáo pháp như thế nào? Làm sao để cai quản các đạo khác? Đây là chuyện của chú Ngô Tuấn Kiệt, chuyện của “bề trên”, bạn không cần phải biết. Bạn chỉ cần biết A Di Đà Phật là đủ rồi, như vậy thì bạn sẽ được cứu.
Ấn Quang đại sư dạy:”…khi tỉnh tọa thuờng nghĩ đến điều lỗi của mình, lúc nhàn đàm đừng bàn điều sai trái của người…hãy luôn xem mọi người là bồ tát mà ta chỉ là kẻ phàm phu…” Do vậy bạn hãy xem chú Ngô Tuấn Kiệt ấy như một vị bồ tát thị hiện ra nơi đời để giáo hóa chúng sanh trong đó có chồng của bạn. Chính bởi vì chúng sanh thích nghe chuyện thiên cơ nên bồ tát mới nói chuyện thiên cơ để làm phương tiện dẫn dắt chúng sanh. Đây gọi là hằng thuận tâm chúng sanh vậy.
Còn giả sử như chú Ngô Tuấn Kiệt là bị ma dựa, lúc đầu cũng nói chánh pháp nhưng về sau dẫn dắt đi vào con đường tà đạo trầm luân thì sao? Đây là nghiệp của chúng sanh nên mới bị chiêu cảm như thế. Với năng lực của phàm phu như mình thì không thể cứu vãn mà cũng không thể can thiệp được. Phải đợi khi nào về Tây Phương Cực Lạc rồi thì mình mới có đủ năng lực để làm chuyện đó. Chuyện đó tạm thời để cho Phật và Bồ Tát xử lý, mình không cần phải lo, vì có lo cũng không giúp được gì, có phải không?
Nói tóm lại, Muốn Độ Người Ngoại Đạo Nên Tu Pháp Môn Tịnh Độ. Vài dòng chia sẻ, hy vọng giúp ích phần nào cho bạn. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung từ quý chư vị đồng đạo nhé. Nếu có sơ sót hay mạo phạm đến chư vị nào thì VT cũng xin được thành tâm sám hối.
Nam Mô A Di Đà Phật
Các sư huynh cho tui hỏi điều này xíu. Có chuyện này khiến tui cứ băn khoăn suy nghĩ mãi chưa thông. Đó là gần đây do tuổi tác cũng hơi nhiều nên các khớp xương của tui bắt đầu có dấu hiệu suy thoái do chất nhờn giữa các khớp ít dần. Vì vậy nên thường hay bị đau khớp xương. Tui đành phải dùng thuốc glucosamine để giảm đau. Glucosamine loại đầu tiên tui dùng dành cho người ăn chay không có thành phần động vật, nhưng hiệu quả không cao nên dù tăng gấp đôi liều sử dụng cũng vẫn bị đau. Còn loại glucosamine có thành phần động vật (thường là xương hay vỏ của các loài thủy tộc như cua, ốc…) thì thấy đa phần người bị đau xương khớp như tui hay dùng tới. Nhưng tui ăn chay nên ngại không muốn dùng đến. Vậy theo các sư huynh tui có thể thử loại thuốc này để giảm đau không? Tui băn khoăn vì thấy khi người bệnh bắt buộc phải uống thuốc thì các loại thuốc sẽ giết chết vi trùng hay vi khuẩn trong người giúp người bệnh khỏi bệnh. Còn tui thì tuy không dùng thuốc để giết vi trùng nhưng trong thuốc lại có thành phần động vật, không biết vậy có phạm giới không các huynh? A Di Đà Phật.
Chào bạn Hai Lúa
Theo như mình nghe pháp thoại từ thầy mình thì có lần thầy bảo giới cũng không phải là cứng nhắc trong những trường hợp đặc biệt. Nếu thuốc đó là cần thiết để trị bệnh thì cứ sử dụng không sao đâu. Còn nếu cảm thấy có lỗi với các động vật đấy thì thường phóng sinh, tu tập các công đức hồi hướng cho chúng, thường có tâm niệm biết ơn đối với chúng.
Nam mô A Di Đà Phật
Xin tri ân lời giải đáp của huynh Đạt Châu. Hiện giờ tui cứ cầm cự dùng “thuốc chay” tới một lúc nào đó đau quá chịu không thấu chắc cũng sẽ phải chuyển qua dùng loại có thành phần động vật. Khổ cái là cái loại này dùng là dùng đến suốt đời chứ xương cốt bị nhức do tuổi tác thì làm sao mà hết được? Lần nữa cảm ơn huynh đã phần nào giúp giải tỏa thắc mắc của tui bấy lâu nay. A Di Đà Phật.
NIỆM PHẬT THEO TIẾNG XE KÉO CHỈ
Trần phu nhân người ở Thường Thục làm nghề dệt vải. Trần phu nhân quy tín Phật pháp, niệm Phật theo tiếng xe kéo chỉ luôn cả ngày không ngớt tiếng, ba mươi năm như vậy.
Một ngày nọ, phu nhân kêu người con trai lại mà nói rằng: “Con không thấy bảo cái tràng phan đó ư! Mẹ vãng sanh đây!”.
Dứt lời, phu nhân vỗ tay cười lớn. Sau khi đi pha nước tắm gội xong, phu nhân liền chắp tay mà mất. Bấy giờ nhằm năm Thuận Trị thứ 10.
Thượng Thư Ông Thúc Ngươn lúc đó còn hàn vi, được tin, đích thân đến xem, vẫn thấy Trần phu nhân còn ngồi ngay thẳng vững vàng, khắp nhà mùi hương lạ ngào ngạt. Về sau, khi trứ tác bộ “Tịnh Độ Ước Thuyết”, Thượng Thơ ghi việc ấy vào để làm bằng chứng.
Trích: Tịnh Độ Ước Thuyết.
Xin cảm ơn cư sĩ VT rất nhiều..VT dạy rất đúng, rất hay ạ… A Di Đà Phật 🙏🙏🙏
Huynh Viên Trí ơi, cho em hỏi là khi em làm việc nhà như nấu ăn, quét dọn… em vừa nghe pháp có mang tội thất lễ không ạ. Dẫu biết rằng khi nghe pháp của các hòa thượng giảng em phải ngồi trang nghiêm lắng nghe, nhưng thời gian eo hẹp lại muốn nghe pháp nhiều giờ trong ngày. Vậy phải làm sao cho đúng vậy huynh?
A Di Đà Phật! Xin chào Bạn Phương Thảo,
Bạn chịu nghe pháp, thích nghe pháp chứng tỏ là bạn có duyên với pháp, điều này thật đáng mừng (nếu pháp bạn đang nghe là chánh pháp). Bởi vì cổ nhân nói:”nhân thân nan đắc, Phật Pháp nan văn, nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục“, có nghĩa là:”thân người khó được, Phật Pháp khó nghe, một khi mất thân người rồi, muôn kiếp khó tìm lại được”. Cho nên bạn tận dụng thời gian của kiếp người để nghe và tìm hiểu Phật Pháp là điều đáng quý.
Tuy nhiên mạng người ngắn ngủi mà sanh tử thì vô thuờng trong khi đó Phật Pháp lại bao la. Nếu đã không có nhiều thời gian vậy thì chúng ta chỉ nên học một bộ kinh và nghe một vị thầy giảng thôi. Gọi là một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu. Cho nên có rất nhiều liên hữu ở Tịnh Tông Học Hội chỉ nghe duy nhất HT Tịnh Không giảng và học duy nhất một bộ kinh Vô Lượng Thọ thôi. Bởi vì chỉ cần đời này được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì xem như đã thành tựu viên mãn rồi.
Trở lại câu hỏi của bạn:”…khi em làm việc nhà như nấu ăn, quét dọn… em vừa nghe pháp có mang tội thất lễ không ạ” Muốn biết có hay không thì phải xem nơi tâm bạn và phải xét từng trường hợp:
Nếu như bạn thỉnh được một vị thầy đến nhà giảng pháp thì lẻ ra bạn nên ngồi trang nghiêm chắp tay cung kính lắng nghe, không nên tự ý bỏ đi làm việc khác, nếu muốn đi làm việc khác thì bạn phải xin phép thầy để tạm dừng thuyết giảng. Điều này cũng dể hiểu thôi, ví dụ như bạn đang ở sân trước tưới cây hay cắt kiểng gì đó thì bỗng dưng có một người khách lạ đến hỏi thăm đường hay một việc gì đó. Nếu như bạn tôn trọng người đó thì có phải là bạn nên dừng công việc lại để lắng nghe và trả lời họ không? Còn nếu như bạn vẫn tiếp tục làm, không nhìn họ, không nghe họ nói, không trả lời họ rồi tự ý đi vô nhà đóng cửa lại như vậy thì đúng là thất lễ thật.
Thời nay công nghệ hiện đại nên thầy giảng pháp rồi quay phim chiếu lên TV, máy tính, điện thoại… nhưng các đạo hữu mỗi khi nhìn thấy hình của thầy mình xuất hiện trên TV, máy tính, điện thoại…thì vẫn ngồi chắp tay cung kính lắng nghe, xem như đang gặp thầy thật vậy. Đây là phương tiện rất hay: vừa học được Phật Pháp tại nhà khỏi đến đạo tràng lại vừa khởi được tâm cung kính đối với ân sư. Nếu như bạn mở TV lên để hình thầy ngồi thuyết giảng rồi bạn đi làm việc khác thì không phải thất lễ với thầy mà chỉ là thất lễ với hình của thầy thôi? Như vậy thì có gì khác biệt?
Nếu là thầy thật thì khi thấy bạn bỏ đi làm việc khác không ngồi chắp tay cung kính lắng nghe thì thầy sẽ không giảng nữa nhưng vì là TV nên hình của thầy vẫn tiếp tục giảng, như vậy thì bạn vẫn nghe pháp được chỉ có điều là bạn đã thất lễ với hình của thầy. Thất lễ cũng đồng nghĩa với bất kính, tức là thiếu sự cung kính hay không có cung kính. Chắc bạn cũng đã từng nghe nói:” một phần cung kính được một phần công đức (lợi ích), mười phần cung kính được mười phần công đức “. Xét trong trường hợp này thì rỏ ràng là thiếu cung kính nên không có công đức nhưng nếu bạn vẫn lắng nghe và y giáo phụng hành những lời từ hình thầy đã giảng thì vẫn có lợi ích chứ sao lại không.
Đến đây thì có lẻ bạn sẽ hỏi : thất lễ hay bất kính với hình của thầy thì có tội gì không ạ? Như bạn cũng biết thầy là tượng trưng cho Tăng trong Tam Bảo (Phật Pháp Tăng), tức là những ai đã từng quy y Tam Bảo rồi thì mỗi khi gặp Tam Bảo đều khởi tâm cung kính lễ bái. Do vì Phật nhập Niết Bàn rồi nên người ta tạo dựng hình tượng Phật để làm phương tiện cho người khác chiêm ngưỡng lễ bái. Nếu như có ai đó lễ bái hình tượng Phật mà thành tâm cung kính xem như lễ bái Phật thật thì họ cũng có công đức y như lễ bái Phật thật vậy. Công đức phát sanh là từ nơi thân khẩu ý khởi sự cung kính có phải không? Thế thì tương tự như thế, khi bạn gặp Pháp và Tăng nếu khởi tâm cung kính lễ bái thì công đức cũng sẽ phát sanh, bằng ngược lại nếu khởi tâm khinh chê, phỉ báng… thì tất nhiên là có tội rồi, không cần phải nói.
Bây giờ xét kỹ trường hợp của bạn do vì thích nghe pháp nhiều hơn nên tranh thủ lúc làm công việc vẫn tiếp tục nghe như vậy chứng tỏ Ý của bạn không bất kính, mà Ý không có bất kính thì KHẨU cũng không nói lời phỉ báng, chỉ là cái THÂN không thể quỳ lạy hay chắp tay thì không có công đức do THÂN sanh ra mà thôi. Nói chung thì vẫn tốt đấy nhưng chưa được vẹn toàn thôi.
Nói chung thì thân khẩu ý của chúng ta đối với Tam Bảo khởi sự cung kính thì sẽ có công đức bằng ngược lại thì sẽ bị mang tội, vấn đề đơn giản chỉ là như vậy. Cho nên thời xưa tích truyện có ghi tải có vị phát nguyện lễ bái kinh Diệu Pháp Liên Hoa một ngày cả nghìn lạy, cũng có vị xuống âm phủ mà chỉ đọc Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh cũng được thoát nạn. Do vậy có thất lễ/bất kính hay không còn phải xem bạn đối với Tam Bảo như thế nào? Chẳn hạn như mỗi khi bạn đi qua đi lại trước bàn thờ của Đức Từ Phụ, bạn có huớng về Đức Phật chắp tay đảnh lể hay không? Quyển kinh của bạn có được để nơi cao ráo sạch sẽ hay không? Đó cũng là lý do vì sao chư Tổ dạy chúng ta nên dành một phòng riêng để thờ Phật, mỗi khi nhìn thấy hình tượng Phật thì phải chắp tay cung kính lễ bái xem như Phật thật. Nếu nhà nhỏ chật hẹp thì khi không có lễ bái tụng niệm nữa thì lấy tấm vải vàng che lại để tránh tội khinh lờn.
Trong thời gian làm việc, bạn chỉ nghe mp3 thôi, có phải không? Nếu vậy thì không có video nên không có hình ảnh của thầy. Trong trường hợp này thì lại có vấn đề khác cần xem xét lại nhé! Tại vì như bạn cũng biết là nếu mãi mê nghe thuyết pháp thì chắc hẳn là công việc sẽ không được chu toàn vì mình không phải toàn tâm lo làm nên công việc chắc hẳn là sẽ không tốt bằng người chuyên tâm lo làm, có phải không? Còn đối với người chuyên tâm nghe pháp không có làm việc khác thì chắc hẳn là người ta sẽ tiếp thu được tốt hơn người vừa nghe pháp vừa làm việc khác rồi, có đúng không? Đó là còn chưa kể trong kinh Nhân Quả 3 Đời nói:
“39. Đời nay ngu điếc do nhân gì?
Kiếp trước tụng kinh chẳng lắng nghe.”
Vậy phải làm sao cho đúng vậy huynh? Đa phần thì hầu như người ta chia thời khóa biểu ra, trong ngày giờ nào nghe pháp thì tập trung chỉ lo nghe pháp thôi, khi nào tụng kinh thì chỉ tụng kinh thôi. Còn lúc làm việc thì chỉ nên niệm Phật mà thôi chứ không nên nghe pháp trong lúc làm việc!
Tuy nhiên mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Thì bạn cứ bắt chướt theo cách của người ta thử một thời gian xem sao? Nếu có thể thích nghi được, cảm thấy việc tu học mỗi ngày mỗi tiến bộ, thân tâm an lạc nhẹ nhàng, trí tuệ khai mở…thì nên bắt chướt. Còn nếu như bạn nghe pháp ít quá, chưa hiểu được pháp khiến cho quá trình hành trì gặp nhiều chướng ngại, đạo tâm suy thoái, trí tuệ lu mờ… thì nên tiếp tục nghe pháp nhiều hơn, có thể vừa làm việc vừa nghe pháp theo cách của bạn cũng được.
Nói tóm lại:” Tu mà không học là tu mù, học mà không tu thì chỉ là cái đãi đựng sách “. Cho nên thông thuờng thì người mới đến với đạo chỉ lo học thôi. Sau khi biết đạo chút chút rồi thì vừa học vừa tu. Khi đã học nhiều hiểu nhiều rồi thì chỉ chuyên tâm lo tu thôi. Học để mở mang trí tuệ còn tu là để sửa cái tâm từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện… cho nên bạn đã học đến đâu và tu đến đâu thì phải đợi khi nào có trắc nghiệm thì mới biết chứ VT không biết được. Trắc nghiệm là như thế nào? Ví dụ như có người nào đó mắng chưởi bạn hay đánh đập bạn, liệu bạn có giận rồi có mắng chưởi đánh đập lại họ không? Có buồn giận gì không? Có phát sanh phiền não không? Điều này bạn đừng vội trả lời có hay không mà phải đợi khi thật sự có điều đó xảy ra thì bạn mới biết TÂM và TRÍ của bạn sẽ xử lý việc đó như thế nào. Qua đó mới chứng minh được bạn đã tu và học tới đâu.
Vài dòng chia sẽ, hy vọng giúp ích phần nào cho bạn! Rất mong nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung từ chư vị đồng đạo nhé!
Nam Mô A Di Đà Phật
Dạ cảm ơn huynh Viên Trí rất nhiều đã cho lời khuyên rất hay và bổ ích ạ. Em bận rộn với việc nhà nên không có thời gian đến chùa nghe các thầy giảng pháp nên đành ở nhà mở YouTube lên nghe thôi ạ. Em thấy ở chùa đa số là các cụ đã lớn tuổi về hưu nên có nhiều thời gian đến chùa tu tập và nghe giảng. Còn đa số người trẻ như em ít phước hơn nên chỉ nghe ké lại từ video của các thầy thôi ạ. Em hay nghe hòa thượng Tịnh Không và một vài vị thầy khác giảng về Tịnh Độ thôi ạ vì em biết căn cơ em kém nên chỉ biết niệm Phật thôi. Lần nữa cảm ơn huynh rất nhiều đã bỏ thời giờ trả lời giảng giải cặn kẽ cho em hiểu ạ. Nam mô A Di Đà Phật.