Có một cặp vợ chồng ở Tân Trang học Phật đã đôi ba năm, ở cách chúng ta rất xa, do vậy, chỉ nghe băng thâu âm, nghe rất hoan hỷ. Ngày hôm qua, ông ta kể với tôi nguyên nhân khiến ông ta học Phật.
Ông ta làm bác sĩ, biết nhân quả báo ứng, nên hễ khám bệnh cho người khác bèn lấy tiền công rất ít. Người nhà chẳng thông cảm với ông ta, kêu ca ông ta thu tiền khám bệnh mà ngay cả dùng để mua thuốc theo giá vốn cũng chẳng đủ! Cha và vợ ông ta đều chẳng vui lòng, chẳng thông cảm cho lắm.
Do bà vợ cũng học Phật, tôi bảo bà ta: “Tích tài chẳng bằng tích đức! Nay chồng bà làm như vậy, ông bà sẽ có phước mai sau, ông ta làm không sai. Chỉ cần có thể sống qua ngày là được rồi, cần gì phải kiếm nhiều tiền? Chẳng bằng tích đức cho nhiều”. Ông ta cho tôi biết: Ông ta học Phật là do nghe băng thâu âm bèn dấy tín tâm, còn nguyên nhân xa là do bà nội của ông ta đã tạ thế từ mấy năm trước [phát khởi].
Thuở đó, cả nhà đều chẳng tin Phật, bà nội niệm Phật, do mọi người trong nhà không tin, nên chỗ nào cũng gặp chướng ngại. Bà cụ niệm thầm trong tâm, chưa bao giờ niệm ra tiếng, cụ niệm theo cách như vậy. Khi mất, cụ tỉnh táo, sáng suốt. Cụ bị bệnh ung thư, nói theo người khác thì sẽ rất đau khổ; nhưng cụ chẳng bị đau khổ. Khi cụ mất, chẳng bị đau khổ, dẫu bị bệnh cũng chẳng đau khổ.
Khi sắp mất, cụ biết sẽ mất lúc nào, biết trước lúc mất. Khi đã chết, khuôn mặt còn hồng hào, còn dễ nhìn hơn vẻ mặt lúc sống. Cha ông ta gọi người trong nhà đến xem, ông ta chẳng biết niệm Phật, nhưng biết mẹ mình là người tu hành, bèn nói: “Người tu hành khác hẳn, nhất định là cụ sanh lên trời, tướng mạo trang nghiêm dường ấy”.
Thuở ấy, ông ta chẳng tin tưởng cho lắm, nay do nghe Phật pháp, bèn biết đó là sự thật, [bà cụ] quyết định vãng sanh! Khi cụ sắp mất đã bảo con cái: “Phật đã đến, đang đợi ta ở cửa”. Nói xong cụ qua đời.
Khi ấy, vì họ chẳng tin Phật, ngỡ bà cụ quáng mắt, chẳng bình thường cho lắm, ăn nói nhăng nhít. Nay suy nghĩ biết là thật, Phật đến tiếp dẫn. Vì vậy, quyết định chẳng thể dùng cảm tình, vì tình thức chẳng tương ứng, nhất định là phải có trí huệ, phải có lý tánh, chẳng phải là chấp tướng, mà là thật sự khế nhập diệu lý, đó là tu hành chân thật.
Thật sự lý giải pháp thế gian và pháp xuất thế gian, biết lấy bỏ, cái nào đáng nên lấy, cái nào chẳng nên giữ lấy. Trong thế gian này, ngũ dục, lục trần, lục đạo luân hồi đều là giả, chẳng có gì là chân thật, quyết định chớ nên tham luyến. Nhất tâm nhất ý cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó là đúng.
Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới là thành tựu viên mãn đạo nghiệp của chính mình. Chính mình đã có năng lực, bèn quay lại thế giới này để hóa độ chúng sanh. Đó là người thật sự thông minh, thật sự có trí huệ.
Lão pháp sư Tịnh Không
Thưa các thiện hữu tri thức: Tôi thường niệm Phật theo cách trì danh, niệm Phật câu nào nghe câu đó. Nhưng nghe sư Tịnh Không giảng rằng niệm Phật trong tâm phải có Phật, điều này tôi chưa thấu đáo cho lắm. Vừa niệm Phật mà trong tâm cũng phải có Phật, như vậy có giống với cách quán tưởng niệm Phật không? Tức vừa niệm Phật vừa phải nghĩ đến hình ảnh Phật thì trong tâm mới được gọi là có Phật, hay nhớ Phật? Xin các vị khai tri cho.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật- Xin chào bạn Nguyễn Chí Tâm,
Theo như chỗ mình hiểu thì câu nói trong tâm có Phật bao hàm nhiều ý nghĩa và tùy vào căn cơ của mỗi người mà có thể lãnh hội không giống nhau. Lãnh hội càng cao thì lợi ích sẽ càng nhiều.
1) PHẬT TÁNH: Phật là giác, còn gọi là giác ngộ hay tỉnh thức. Do vậy trong tâm có Phật là tâm mình phải giác ngộ, phải tỉnh thức. Như vậy ở đây ý nói trong tâm có Phật chính là Phật tánh. Chúng sanh nào cũng đều có Phật tánh và đều sẽ thành Phật, chỉ là vì vô minh che mờ nên không nhận ra. Khi phá được vô minh thì Phật tánh sẽ hiển lộ. Đây là nói về lý tánh, chỗ này cao siêu khó lường, chúng sanh thời mạt pháp chắc là sẽ không lãnh hội được chỗ này đâu. Chỉ có thể nghe qua để có chút khái niệm hay ấn tượng vậy thôi.
2) PHẬT TƯỚNG: Trong tâm có Phật là trong tâm mình phải thấy rỏ tướng của Phật giống như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ đã nói. Tuy nhiên chỗ này thì Thiện Đạo đại sư (hóa thân của Phật A Di Đà) có khai thị như sau:
3)DANH HIỆU PHẬT: Trong tâm có Phật là trong tâm mình luôn có danh hiệu Phật. Tức là như bạn đã nói:” Tôi thường niệm Phật theo cách trì danh, niệm Phật câu nào nghe câu đó…” Chỗ này thì Vĩnh Minh đại sư (hóa thân của Phật A Di Đà) có khai thị như sau:
4)HÌNH ẢNH PHẬT, TƯỢNG PHẬT: Trong tâm có Phật là ý nói trong tâm mình luôn có hình ảnh Phật, tượng Phật, có người gọi đây là pháp quán tượng niệm Phật. Hình ảnh Phật và tượng Phật thì hiện tại có nhiều kiểu dáng khác nhau. Có người bảo là khi mình nhớ nghĩ hình tượng Phật như thế nào thì đến lúc lâm chung Phật sẽ thị hiện hình tướng giống như vậy để hằng thuận tâm chúng sanh. Với phương pháp này thì theo mình thấy hơi khó vì chỉ duy trì được một thời gian ngắn mà thôi chứ không giử được lâu bằng phương pháp trì danh hiệu Phật.
5)NHỚ PHẬT: Trong tâm có Phật là ý nói tâm mình luôn nhớ Phật. Tức là giống như Đại Thế Chí Bồ Tát nói:” Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật thì hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật không xa …“. Như vậy thì chúng ta phải nhớ Phật như thế nào? Hồi mấy năm về trước mình nhớ cũng có ví dụ giống như người bị thất tình đang nhớ người yêu. Lúc đó các đạo hữu cũng không có ai nêu ý kiến trái chiều, có một đạo hữu rất thích cái ví dụ đó. Nhưng thôi! Chỗ này nên dành lại cho phần khai thị của HT Tịnh Không như sau:
Ngoài ra trong tâm có Phật nếu nói đơn giản ngắn gọn cho người mới bắt đầu học Phật thì có lẻ chỉ nên hiểu đại khái là: Trong tâm mình không được có tham lam, sân hận, ngã mạn… mà tâm mình phải có lòng từ bi thuơng yêu hết thảy chúng sanh, luôn vì chúng sanh mà hết lòng phục vụ, trong khi phục vụ cho chúng sanh lại phải tôn kính họ chứ không được xem thuờng họ như câu nói:” phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật “.
Vài dòng chia sẻ, hy vọng giúp ích phần nào cho bạn nhé! Rất mong nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung từ chư vị đồng đạo để chủ đề này được sáng tỏ hơn.
Nam Mô A Di Đà Phật
Cảm ơn thiện hữu tri thức Viên Trí rất nhiều. Sau khi đọc xong thì tôi nghĩ thế này: khi trong tâm tôi khởi lên câu Phật hiệu, kế đến là miệng liền niệm, tai nghe rõ ràng. Tâm khởi câu Phật hiệu tức là trong tâm đã có Phật rồi. 🙂
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật – Xin chào bạn Nguyễn Chí Tâm
Cám ơn bạn rất nhiều nhé! Bạn biết rồi mà vẫn hỏi chắc là vì người khác mà hỏi, thật là đáng quý. VT vì câu hỏi của bạn mà phải suy tư rất lâu rồi tra cứu kinh điển, truy tìm thông tin nhiều nơi mới đúc kết thành phần trả lời nên đối với VT thì chỉ là hình thức học rồi trả bài mà thôi. Do vậy xin bạn đừng gọi VT là “ thiện hữu tri thức “, VT không dám nhận nỗi 4 chữ này. Thật là đáng hổ thẹn vì trước đây VT có tật hay thích tự khen mình chê người. VT sẽ cố gắng để sửa khuyết điểm này vì HT Tịnh Không cũng đã nói:” … khen mình chê người không phải là thiện tri thức …” A Di Đà Phật 🙏
https://youtu.be/ppFECWuFgsg
A Di Đà Phật. Giải đáp của liên hữu đã xóa đi sự mơ hồ trong tôi. Một lần nữa xin cảm ơn liên hữu Viên Trí. Kính chúc liên hữu thân tâm thường an lạc.
LI KỲ CHUYỆN OAN GIA ĐÒI NỢ, BỊ ĐƯA XUỐNG ĐỊA NGỤC – NHỜ NIỆM PHẬT MÀ ĐƯỢC CỨU RỒI VÃNG SANH.
Ông Lưu Thừa Diệp là ông nội của em rể tôi, tôi cũng gọi ông là ông nội. Khi xưa, ông là quân nhân hơn hai mươi tuổi ông đã tin Bồ Tát Quán Thế Âm, hễ gặp ách nạn là cầu Bồ Tát phù hộ. Có một lần nọ, ông bị viên đạn bắn vào ngực, may nhờ hai đồng tiền Tây Dương dội ngược trở ra thoát nạn.
Lại một lần khác, cấp trên ra lệnh cho ông bảo vệ cây cầu (lúc đó ông là trung đội trưởng), không cho bất kỳ ai qua cầu, bộ đội qua xong là cho nổ phá cầu. Gặp lúc dân làng muốn qua lánh nạn, họ đều quỳ xuống cầu xin ông nội. Ông hiểu rằng nếu cho họ qua cầu thì mang tội trái lệnh, cầm chắc cái chết; nhưng đối mặt với bao nhiêu dân làng, ông nội đành mềm lòng. Ông nghĩ: “Dùng một mạng của tôi đổi bao nhiêu mạng cũng đáng”.
Ông bảo dân làng:
– Mọi người hãy mau đứng dậy, nghe tôi chỉ huy, sắp hàng ngay ngắn, bồng chắc em bé, bịt mắt gia súc lại.
Vì cầu làm bằng dây sắt nên sợ gia súc thấy nước sông chảy sẽ hoảng sợ, đi không vững. Như thế, phải mất hết một giờ đồng hồ mới đưa hết dân làng qua cầu an toàn. Ông nội lúc đó rất mệt, định nằm trên đống cỏ nghĩ mệt giây lát, đang lúc mơ màng nửa tỉnh nửa mê, ông nội thấy một ông già đầu tốc bạc phơ, tay cầm phất trần dài. Ông nội hỏi:
– Ông tìm ai?
Ông kia đáp:
– Chính là tìm ông, ông đã làm giúp tôi một việc tốt to lớn bằng trời, cứu được nhiều mạng người dân thế, tôi đã lên trời trình tấu rồi. Tuổi thọ của ông chỉ tới ba mươi tuổi thôi, bây giờ thì tuổi thọ của ông đã tăng lên rồi. Ông già đó nói xong liền biến mất. Hiện nay, ông nội đã được 93 tuổi.
Sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 âm lịch năm nay, con rể của ông nội gọi điện cho em gái tôi nói:
– Ông nội tối hôm qua tinh thần bấn loạn, miệng cứ liên tục gào lên “A Di Đà Phật” vật lộn suốt cả buổi tối, đồ đạc trên bàn đều rớt vung vãi dưới đất. Hãy đón ông ấy về nhà em nghỉ vài hôm đi.
Đón ông nội về đây rồi, ông mới kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện ly kỳ xảy ra vào rạng sáng đêm hôm đó. Ông kể:
– Khoảng một giờ sáng, nội còn đang đọc sách chưa ngủ, thì có một ông già đi vào, nội mời ông ấy ngồi, ông ấy không ngồi, mà hình như tìm kiếm một vật gì đó, cuối cùng thì ông tìm thấy cây gậy và nói:
– Thôi thì lấy cây gậy này vậy.
Vừa nói ông ấy vừa đưa vây gậy cho nội. Nội nói:
– Đêm hôm khuya khoắt, tôi không ra ngoài nên không dùng đến nó.
Ông ấy bảo:
– Ông cứ lầm lấy, lát nữa sẽ dùng đến nó đấy.
Nội nhận lấy cây gậy. Ông già kia nói:
– Tôi sẽ ở trên cây gậy này.
Nói xong, thoáng một cái ông chui vào thân ông thọ trên đầu gậy. Chẳng mấy chốc, quả nhiên có rất nhiều người từ cửa sổ, cửa lớn xông vào, từng đợt từng đợt, chia làm bốn đợt. Còn có rất nhiều trẻ em, chúng ăn mặc rách rưới, áo bông đều đã lộn bông gòn ra hết.
Lúc đó, nội rất tội nghiệp chúng, nghĩ rằng ngày mai sẽ đốt mớ tiền vàng bạc cho chúng mua áo mới mặc. Ngoài ra, còn có rất nhiều người mang ủng da, đội nón rộng vành, bọn người này và những đứa trẻ đó đều dùng tay bắt lấy ông nội, lấy chiếc võng cột nội lại, muốn đem nội đi. Nội hoảng quá, liền dùng cây gậy này quơ đánh bọn chúng. Bọn chúng kéo đến cá cả nghìn người, nội thấy đánh khổng nổi chúng, bèn lấy tượng Bồ Tát Địa Tạng Vương ra, thì thấy có vài người ôm mặt chuồn mất dưới chân tường, nhưng vẫn còn rất nhiều người muốn bắt nội, nội lấy cây gậy quơ ngang, miệng thì lớn tiếng hét: “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật …” Gào lên mười mấy tiếng. Do vì nội hét nhanh quá, răng cửa lại rụng gần hết, nên hét không được rõ, có một tên cầm đầu đến gần nội, kề sát lỗ tai nghe cho kỹ, khi nghe rõ nội hét lên câu A Di Đà Phật, kẻ đó lập tức bảo bọn chúng mau dừng lại đừng bắt nội nữa. Khi kẻ đó thấy ông già ở trên đầu gậy, nó xá ông ta một cái và hỏi:
– Sao ông lại đến đây?
Ông già trên đầu gậy nói:
– Tôi cũng phụng chỉ thị bên trên đến bảo vệ ông ấy, ông ấy có tên trong danh sách.
Nói xong, ông già khoát tay bảo bọn chúng đi, đám người đó liền biến mất. Cả một quá trình như trên từ 1 giờ khuya đến 5 giờ sáng mới kết thúc.
Ông nội lại nói tiếp:
– Niệm A Di Đà Phật rất hay, đám người đó không dám bắt nội nữa. Lúc đó, nội nhận ra hai người quen. Một người nữ họ Ưng, chết lúc 80 tuổi, một người họ Trương. Nội cầu xin hai người đó nói tốt cho nội, tha cho nội, nhưng chẳng có tác dụng.
Vừa nói đến đây nội lại nói tiếp:
– Hai người này hiện đang ở phía trên đầu của nội. Nội có hỏi họ:
“Các ngươi sao lại ở đây?” thì bọn họ nói là thay phiên nhau đến để giữ chừng nội.
Bây giờ là hơn chín giờ sáng, em gái tôi đem cơm đến cho ông nội, ông còn mời hai người họ ăn. Thấy tình cảnh như thế, tôi liền bảo em gái mở máy niệm Phật, treo sáu chữ danh hiệu Phật trên vách tường. Chúng tôi hướng dẫn ông nội niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Niệm được một lúc ông nội lại nói:
– Hai người ở phía trên đầu nội hỏi:
“Những người này liên quan gì với ông, họ đang niệm cái gì la la la, nghe chẳng hiểu gì cả”.
Ông trả lời:
“Họ đều là quyến thuộc và bạn đạo của tôi”.
Chúng tôi nghe không được hai người đó nói chuyện với ông, cũng không có cách nào giao tiếp với nhau được, nên chúng tôi nói với nội:
– Nội hãy mau bảo hai người họ, bọn con đang niệm Nam Mô A Di Đà Phật, kêu họ cũng niệm câu Phật hiệu này, sau này có thể cùng với bọn con đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, không còn ở địa ngục chịu khổ nữa.
Ông nội nói lại những lời tôi vừa nói cho hai người họ nghe.
Ngay đêm đó, nội bị sốt nhẹ, chúng tôi vừa truyền nước biển cho nội, vừa mở máy niệm Phật. Cháu gái của nội không tin Phật, vì muốn để ông mình ngủ mà tắt máy niệm Phật đi. Lập tức, đôi mắt của ông trợn tròn, đang truyền nước biển, đột nhiên ông nói với chúng tôi:
– Tiêu rồi, tiêu rồi, sao lại dẫn nội đến chỗ này? Đây là nhà máy ở dưới âm phủ, có một ông già lớn hơn nội trên lưng vác đồ rất nặng đi qua đi lại làm việc. Nội hỏi ông ấy:
“Ông lớn tuổi rồi, không nên làm việc nặng như vậy, nên nghỉ hưu đi”.
Ông già kia nói:
“Ở đây cũng có chỗ của ông, ông ở đằng kia kìa”.
Ông sợ lắm, ông bảo:
“Tôi thì chẳng thèm đến đây, tôi phải đến chỗ của Phật A Di Đà thôi”.
Rồi ông nội lại nói:
– Ở đó còn có người nước ngoài, đều có người canh họ làm việc, không ai nói chuyện. Còn những đứa trẻ đến nhà nội sáng sớm hôm nay, chúng nó đều mặc áo mới màu xanh lục. Hai người mà nội quen, cũng đều nói với nội:
“Nhờ ông nói giúp mà chúng tôi cũng được tự do rồi”.
Những điều ông nội thấy, nghe, chúng tôi đều không nghe, không thấy, chỉ nghe ông kể lại. Chúng tôi nghĩ rằng đó không phải là do nội nói giúp, mà do vì sau khi nghe được danh hiệu Phật, các vong hồn kia đều được tự do. Và còn những đứa trẻ, nội chưa đốt giấy tiền cho chúng, mà chúng đã được mặc áo mới, đó cũng là tác dụng của việc niệm danh hiệu Phật. Trong kinh Vô Lượng Thọ ghi: Chúng sanh ở ba đường dữ đau khổ tột cùng, nương nhờ ánh sáng và danh hiệu của Phật A Di Đà, đều được giải thoát, không còn khổ não, chính là như vậy.
Ngày hôm sau nội nói với chúng tôi:
– Chao ôi, con người sau khi chết không phải là hết, còn phải đến âm phủ làm khổ sai!
Thì ra là nội không hề biết rằng con người sau khi chết còn phải luân hồi trong lục đạo. Không biết rằng sau khi chết còn có địa ngục đang chờ sẵn chúng ta. Phật A Di Đà quá từ bi, đã cho nội thấy cảnh địa ngục là như thế nào. Cuối cùng thì nội cũng biết được thế giới sau khi chết, và cũng rất quan tâm đến chốn đi về sau khi chết.
Sau khi nghe nói ở âm phủ có dành sẵn chỗ cho ông làm khổ sai, ông nội cứ lo lắng mãi. Tôi khuyên nội nên quy mạng đức Phật A Di Đà, chuyên xưng danh hiệu ngài, chắc chắn vãng sanh thế giới Cực Lạc, không còn phải đi âm phủ chịu khổ nữa. Nhưng mấy hôm nay nội cứ buồn rầu, không biết mình còn phải đến cái nơi đó để chịu khổ nữa không. Sáng mồng Tám nội nói:
– Hồi hôm khoảng 2 giờ rưỡi khuya, có một bà lão đến trước mặt ông, đặt tay lên vai nội nói:
“Ông không cần đến nơi đó nữa, ông đã làm rất nhiều việc tốt cho Phật A Di Đà rồi. Phật A Di Đà đều biết rõ, bây giờ ông còn phải làm việc cho Phật A Di Đà nữa.” Nói xong rồi đi mất.
Tôi và em gái đều cho là Bồ Tát Quán Thế Âm đến khai thị cho ông, chúng tôi rất vui mừng. Được Bồ Tát khai thị, ông nội yên tâm nhiều rồi. Bây giờ tinh thần của ông nội rất tốt, ông nói:
– Ông ở trong mơ cũng niệm Phật. Sáng, trưa, chiều, tối trong lòng ông cũng niệm Phật. Nhất tâm quy mạng Phật A Di Đà, sau khi ông về Tây Phương thành Phật sẽ nói với Phật A Di Đà đến rước mọi người.
Tôi kể chuyện xảy ra với ông mấy ngày nay cho bạn đạo nghe, họ rất cảm động, bảo tôi viết lại chuyện này cho sư phụ, để càng nhiều người biết được việc niệm Phật là không thể nghĩ bàn. Hiểu được sự từ bi cứu độ của Phật A Di Đà, chỉ cần xưng danh niệm Phật, bất kể hạng người nào, Phật đều cứu độ một cách bình đẳng. Như ông nội của tôi, khi trước cũng chẳng thường niệm Phật, đến lúc nguy cấp đột nhiên hét lên vài câu danh hiệu Phật liền được cứu, oan gia trái chủ đến đòi nợ mà không thành, những kẻ ở địa ngục nghe danh hiệu Phật cũng được cứu. Do vì nương nhờ đại nguyện đại lực của Phật A Di Đà, hiện đời đều được an ổn lợi lạc, mạng chung vãng sanh Cực Lạc thành Phật bình đẳng như nhau. Câu chuyện của ông nội hoàn toàn chứng thật chân lý khải định từ nghìn xưa.
Kính thưa sư phụ Tịnh Tông: Tuân theo trong bài tựa “Niệm Phật Cảm Ứng Lục” của pháp sư Huệ Tịnh một là một, hai là hai không khuếch đại, không thêm bớt, không vọng ngữ, con viết lại bốn câu chuyện thật trên đây theo lời của ông nội. Do vì con học thức kém cỏi, viết không hay, không được suông sẻ, xin sư phụ lượng thứ.
Ngày 26/07/2001 Thẩm Dương cư sĩ Thôi Diệu Âm ghi.
Trích: 100 Truyện Niệm Phật Cảm Ứng của Pháp Sư Huệ Tịnh.
Tôi đến với nghề chăn nuôi Gà công nghiệp như thế nào?
… Xuất gà xong, tôi tuyên bố với công nhân: Gà công nghiệp lợi nhuận đấy, nhưng tôi sẽ dừng vĩnh viễn không bao giờ tôi nuôi nữa. TÔI THẤY THẬT THẤT ĐỨC!.. Các bạn thử nghĩ xem… Gà 45 ngày ngậm thuốc cả 45 ngày không sót ngày nào.
LỢI NHUẬN, ĐỘC TỐ, Ủ BỆNH, NHỮNG CON GÀ CÔNG NGHIỆP KHÔNG PHẢI LÀ GÀ NỮA
…Theo như chủ cũ nói: gà công nghiệp lợi nhuận cao, giống nuôi ngắn ngày ( 45 ngày xuất chuồng ), lúc xuất gà đạt trọng lượng trung bình 3.75 – 4kg . Một lứa chủ cũ thường xuất 25.27 tấn gà x giá giao động từ 25 – 35k/kg thì bỏ rẻ cũng đút túi được 100 – 200 triệu sau khi đã trừ chi phí mà chỉ sau 45 ngày ! Ôi ai nào không ham? Ai nào không mê ?????
Và tôi bắt đầu đón 7 nghìn con gà công nghiệp về nuôi thử. Còn kĩ thuật nuôi thì tôi chả biết gì nên phụ thuộc 100% vào đội công nhân của chủ cũ bởi họ làm lâu năm nên rất lành nghề. Và tôi bắt đầu quan sát từng ngày ….. Còn mọi việc để công nhân chủ động như guồng làm việc của chủ cũ.
Những ngày đầu, các chú gà con liếp nhiếp như những cục bông xinh xắn chỉ bé bằng quả chanh leo … Ấy thế mà ăn cám ( 45 ngày xuất nên buộc phải ăn cám theo mình hiểu là tăng trọng ) như tằm ăn rỗi nên chỉ sau 45ngày, gà đạt 3.75 – 4kg như tôi nói phía trên đó. Thật khủng khiếp đúng không ạ?!
Và tôi cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn gà lớn như thổi từng ngày. Và kinh hồn khi nhìn công nhân ngày nào cũng phải cho gà dùng thuốc. Bởi giống gà này cực yếu, ngày nào không dùng thuốc là chết như ngả dạ được ngay. Nào tiêm thuốc, nào nhỏ thuốc, nào cho uống thuốc … Tròn vo 45ngày như vậy. Tên thuốc thì liệt kê ra cả gang ➡➡➡ Đại loại sơ sơ có các thuốc: KHÁNG SINH, long đờm, hen, đi ngoài, bổ gan, thải độc gan, vitamin C, hạ sốt, canxi, IG bổ, VỖ BÉO , men , điện giải, khử nước , độ li ngoại, cầu trùng, flo 30%, VACCINE, thuốc cúm, cầu trùng anticoc, ……. Còn rất nhiều loại thuốc mà chữ công nhân xấu tôi không dịch nổi để viết tiếp vào đây … SHOCK TẬP 1!
Gà lớn nhanh đến mức mà hệ cơ xương không kịp lớn, kịp khỏe để cõng thân hình của nó. Nó chỉ ăn rồi lại nằm, nằm chán lại đứng dậy thò mỏ lên máng ăn mổ. Xong lại nằm. Công nhân cật lực trong chuồng 18/24h thậm chí 22/24 giờ những 10 ngày cuối trước khi xuất gà … Để cầm tải khua khua cho gà phải sợ mà đứng dậy cử động cho cơ xương phát triển. Để bế những con gà nặng nề bị ngã không tự đứng dậy nổi vì nó tăng cân nhanh, thịt lưng thịt bụng bằng lì, chân thì yếu …
Nên nếu công nhân không kịp phát hiện ra kịp sẽ bị các con khác dẫm vào là chết! Gà dùng thuốc như vậy mà tỉ lệ chết của gà công vẫn rất cao. Lí do chết thì nhiều vô vàn … Như lạnh quá chết, nóng quá chết, đi ỉa chết, bệnh gan phù chết, mà chết có thể chết cả trăm con vài trăm con sau một đêm …
Vấn đề tôi muốn nói ở đây, chết thì thiệt hại năng suất đã đành. Nhưng tôi lại một lần nữa KINH HOÀNG khi thấy gà chết rồi mà loáng cái đội công nhân đã gọi các thương lái đến nhanh như một cơn gió. Tôi hỏi công nhân: GÀ CHẾT HỌ MUA LÀM GÌ???
– Ôi em ơi, trong chăn nuôi thì của có cái gì là bỏ cả, cái gì cũng ra tiền, chỉ là giá nào thôi : họ mua về, phân loại, con nào chết tím người rồi thì họ cho chó ăn. Con nào kịp cắt tiết cho bớt thâm thì họ lọc thịt ra làm giò gà, xuc xích, pha vào thịt làm viên mọc lợn, nói chung con gà công này ú ụ thịt nên họ lọc ra làm được đủ thứ rồi bán ra ngoài cho các hàng ăn đó 😓.
Lời giải thích của công nhân quen việc lâu năm đã làm tôi SHOCK TẬP 2! Nhưng nào đã hết…
Thế rồi 45 ngày được xuất gà cũng đã đến. Lứa gà tôi đầu tư bị chết gần 800 con … Các thương lái đánh oto đến cân gà nhanh như một cơn gió. Từ khâu bắt vào từng lồng, gánh ra cân, nhấc lên xe thùng rất chuyên nghiệp và khâu nào cũng nhanh như thể đang rất vội vã. Tôi lại hỏi nhỏ công nhân: SAO HỌ THU MUA VỘI VẬY?
– Ôi em, gà này phải thế. Gà yếu, họ fai nhanh tay thu mua để chở về các lò mổ… Nếu không đi đường nó chết mất. Về lò mổ họ mổ xong phân loại đóng khay đóng hộp rồi đưa đi khắp nơi đó : nào siêu thị, nào chợ, nào các nhà hàng KFC, LOTTERIA, MAC DONAL, GÀ RÁN POPEYE, DON CHICKEN, nói chung tất cả các loại gà chiên rán trên thị trường đó em ….
SHOCK TẬP 3! Ôi cha mẹ ơi, bảo sao các cổng trường học bán gà bó xôi chiên mà chỉ 5k/cái. Thử hỏi tại sao không UNG THƯ – căn bệnh mà bây giờ như một bệnh hot trend đến vậy!!!
Mọi thứ diễn ra chóng vánh sau 45 ngày, tôi chẳng biết gì về chăn nuôi tập tành nuôi thử và phụ thuộc vào tay nghề của đội công nhân cũ … Chính vì vậy sau khi trừ hết chi phí tôi lãi được gần 70 triệu ( chứ không lãi được nhiều như chủ cũ nuôi ) . Và ám ảnh trong tôi là đàn gà NGẬM THUỐC ĐỦ 45 NGÀY, chúng ục ịch đi không vững và khua bắt chúng dậy vận động định kì thì chúng chỉ đứng dậy bại bại chân đi từng bước chậm rãi quanh chỗ nó đứng đường kính 1 gang tay… Nhìn không khác gì sự cự động của một cụ già 80 bị tai biến mà con cháu cứ động viên, dìu các cụ tập đi cả….
Rồi tôi cũng ám ảnh cả tiếng kêu của nó khi bị bắt vào lồng để cân. Thay gì gà ta cứ kêu quang quác loạn xạ thì gà công này yếu đến mức chỉ ” é é é ” và cánh chả đập nổi để mà giãy theo phản xạ khi bị con người bắt. Kết luận của việc tập tành lần đầu tiên này của tôi là SHOCK TOÀN TẬP & TUYỆT ĐỐI NÓI KHÔNG VỚI GÀ CÔNG NGHIỆP BẰNG MỌI CÁCH!!!
(Tá Điền)
Các bạn ơi,
Trong Kinh Vô Lượng Thọ đức Phật nói hễ ai được sanh về nước Cực Lạc liền có thần túc thông và có thể đi cúng dường vô lượng chư Phật ở mười phương. Nghe đến đây mình thích quá. Nhưng mà trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ lại nói ai sinh vào phẩm thấp, ví dụ như Hạ Phẩm Hạ Sanh thì phải ở trong hoa sen đợi đến 12 đại kiếp hoa sen mới nở. Vậy là sao ạ? Nếu phải ở trong hoa sen như vậy thì sao có thể đi cúng dường chư Phật mười phương được ạ? A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Mỹ Oanh,
Bạn tịnh tâm đọc kỹ đoạn kinh văn này nhé: Ðức Phật bảo A Nan và Vi Ðề Hi: “Hoặc có chúng sanh tạo nghiệp bất thiện ngũ nghịch, thập ác, đủ các bất thiện. Người ngu như vậy, do các ác nghiệp phải đọa ác đạo, trải qua nhiều kiếp thọ khổ vô cùng. Người ngu ấy, lúc lâm chung, gặp thiện tri thức dùng nhiều lời an ủi, vì nói diệu pháp dạy bảo niệm Phật. Người ấy bị khổ bức không rảnh niệm được. Thiện hữu bảo rằng nếu người chẳng phải niệm Phật kia được, thì ngươi xưng danh hiệu Phật A Di Ðà, như vậy chí tâm khiến tiếng xưng danh chẳng dứt đủ mười niệm. Nên xưng như vầy: Nam Mô A Di Ðà Phật. Do xưng danh hiệu Phật, nên trong mỗi niệm trừ tám mươi ức kiếp tội sanh tử. Lúc mạng chung, thấy kim liên hoa dường như mặt nhựt trụ trước người ấy. Như khoảng một niệm, liền được vãng sanh Cực Lạc thế giới, ở trong hoa sen mãn mười hai đại kiếp hoa sen ấy mới nở. Quán Thế Âm Bồ Tát và Ðại Thế Chí Bồ Tát dùng âm thanh đại bi vì người ấy diễn nói Thiệt Tướng các pháp, nói pháp trừ diệt tội. Người ấy nghe pháp rồi, rất vui mừng liền phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề. Ðây gọi là người Hạ Phẩm Hạ Sanh vậy”. (Trích kinh Quán Vô Lượng Thọ)
TN
A Di Đà Phật!
Bạn Mỹ Oanh thân mến,
Sau khi sanh về Cực Lạc thì có thể đi cúng dường mười phương chư Phật. Tuy nhiên nếu là người ở hạ phẩm hạ sanh thì phải đợi 12 đại kiếp thì hoa sen mới nở. Phải công nhận đây là phương tiện rất khéo của Phật. Bởi thế gian có nhiều người cùng hung cực ác phạm nhiều trọng tội khi lâm chung niệm 10 tiếng Phật được vãng sanh, vậy khi về đó tánh xấu ác chưa trừ, nếu họ ra khỏi hoa sen liền thì sẽ làm loạn thế giới Cực Lạc sao? Cho nên họ phải ở trong hoa sen để dần dần tiêu trừ tánh xấu ác. Có người cho rằng việc này giống như ở tù. Nhưng thật ra ở trong hoa sen sướng như ở cõi trời vậy. Do vậy những người ở trong hoa sen mình tin chắc là họ đợi mãn hạn rồi ra chứ ít có ai nghĩ đến chuyện ra sớm.
Cũng giống như ở thế gian này mình chỉ được hưởng phước báo của người thôi chứ chưa phải phước báo của trời mà đại đa số hành giả Tịnh Độ phát nguyện khi thọ mạng đã tận, đến giờ phút lâm chung rồi mới theo Phật về Tây phương Cực Lạc chứ nếu Phật tới ngay lập tức, ngay bây giờ thì chắc là họ sẽ không đi đâu. Tại vì nếu tuổi đời còn trẻ, còn khoẻ mạnh thì họ lo công danh sự nghiệp chứ có ai muốn vãng sanh liền đâu? Chỉ có vị nào tuổi già nhiều bệnh, thấy khổ quá nên chán thế gian mới tha thiết cầu sanh Tịnh Độ. Còn trường hợp như sư Oánh Kha, còn dư tuổi thọ tới 10 năm mà muốn theo Phật về Tây phương liền thì Phật vẫn đến để tiếp dẫn, những trường hợp này rất hiếm gặp.
Qua đó chứng minh cho thấy mặc dù Tây phương Cực Lạc là thù thắng vi diệu nhưng người ta đa phần đều muốn ở lại thế gian đợi đến cuối đời rồi mới về chứ không chịu đi ngay lập tức. Vui thú của thế gian không có gì nhiều mà người ta đa số đều không muốn bỏ thì đối với sự vui thú giống như cõi trời há lại dể dàng bỏ được sao?
Cho nên cũng tương tự như thế, khi ở trong hoa sen ở hạ phẩm hạ sanh mình tin chắc rằng đại đa số đều đợi mãn hạn kỳ rồi mới ra chứ không ai muốn ra sớm đâu. Người bên ngoài nghĩ là họ đang ở tù nhưng họ ở trong đó lại vui như ở cõi trời, họ sẽ không muốn ra đâu trừ phi mãn hạn kỳ, thú vui đã hưởng đến chán và thói hư tật xấu của họ cũng đã tiêu trừ.
Tại vì khi hoa khai kiến Phật là ngộ “vô sanh“ mà, có phải không? Thế thì ngộ “vô sanh” là ngộ cái gì thì đợi khi đó sẽ biết chứ bây giờ có nói, có hiểu thì cũng không ngộ được. Cũng giống như ở thế gian nhiều hoà thượng đã từng giảng: tiền tài, vật chất, danh lợi… chỉ là vô thường giả tạm nhưng người ta nghe thì nghe vậy nhưng vẫn không chịu buông bỏ. Phải đợi đến khi hồn lìa khỏi xác rồi thì họ mới tự nhận ra.
Vài dòng chia sẻ, hy vọng giúp ích phần nào cho bạn. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp bổ sung từ chư vị đồng đạo để chủ đề này càng minh bạch hơn. A Di Đà Phật!
Cảm ơn hai huynh Thiện Nhân và Hướng Đạo đã cố gắng giải thích cho em. Điều em thắc mắc là trong Kinh Vô Lượng Thọ, nguyện thứ mười: Nguyện được thần túc thông.
“Khi con thành Phật, nếu có chúng sanh sanh về cõi con, được thần thông tự tại Ba la mật đa. Trong khoảnh khắc nếu không đi khắp trăm ngàn vạn ức cõi Phật để cúng dường, thề không thành Chánh giác.”
Theo em hiểu là khi được sanh về Cực Lạc, người ấy nhờ Phật lực gia hộ liền có được được thần túc thông, nhờ đó mới có thể đi cúng dường chư Phật mười phương. Phật không nguyện rằng phải ở trong hoa sen hết thời hạn, xong hoa nở mới có thần túc thông. Vậy thì những ai sanh về Cực Lạc thuộc phẩm hạ ở trong hoa sen một thời gian rất lâu (12 đại kiếp) thì làm sao có thể đi cúng dường chư Phật khắp nơi được ạ?
A Di Đà Phật!
Bạn Mỹ Oanh thân mến!
Trước đây mình nghĩ người ở trong hoa sen là ý nói còn đang mang thai chứ chưa sanh ra. Tuy nhiên nếu bạn đọc kỹ Nguyện thứ 10 mà HT Tịnh Không giảng thì sẽ thấy người ở hạ phẩm hạ sanh dù là trong hoa sen vẫn có thể nuơng nhờ Phật lực của Đức Từ Phụ trong khoảnh khắc có thể cúng dường 10 phuơng chư Phật, tức là đi bằng hóa thân:
Như vậy tức là nếu khởi một ý niệm muốn cúng dường 10 phuơng chư Phật thì nuơng nhờ Phật lực, người trong hoa sen ở hạ phẩm hạ sanh vẫn có thể cúng dường 10 phuơng chư Phật được, tức là dùng hóa thân để đi cúng dường.
Người trong hoa sen hưởng vui thù thắng như cõi trời thì không biết có nhớ và có muốn đi cúng dường 10 phuơng chư Phật không nữa nhưng theo lời HT Tịnh Không giảng thì nếu họ khởi lên một ý niệm muốn cúng dường 10 phuơng chư Phật thì nuơng nhờ Phật lực, họ có thể biến hóa ra trăm nghìn muôn ức hóa thân trong khoảng một niệm là cúng dường tất cả 10 phuơng chư Phật rồi. Cám ơn bạn đã nêu câu hỏi rất hay, chỗ này đúng là bất khả tư nghì, chỉ nuơng nhờ Phật lực chứ công phu tu hành không biết tới khi nào mới làm được nữa.
Nam Mô A Di Đà Phật
Dạ cảm ơn huynh Hướng Đạo rất nhiều. Phần trả lời của huynh và trích dẫn của HT Tịnh Không đã giải đáp đúng thắc mắc của em. Xin tri ân công đức của huynh.
Khi phân thân cúng dường chư Phật 10 phương, hành giả cúng dường Phật xong sẽ được Phật thuyết pháp cho nghe. Mỗi vị Phật thuyết một bài pháp. Vô lượng chư Phật sẽ thuyết vô lượng pháp. Cho nên cư dân ở cõi Cực Lạc có thể thực hành “pháp môn vô lượng thệ nguyện học” trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Do thế ở Cực Lạc hành giả sẽ thành Phật sớm hơn rất nhiều so với tu ở các cõi khác. Vừa cúng dường Phật (được phước) vừa được nghe pháp (trí tuệ mở mang) cũng là phước huệ song tu. Vì vậy em nghĩ đó chính là lý do Phật A Di Đà phát ra lời nguyện này.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật. Trong lần giảng kinh Vô Lượng Thọ, pháp sư Tịnh Không cũng có trả lời một câu hỏi của đồng tu tương tự như trên. Ngài nói ai sanh về Cực Lạc ở hạ phẩm phải ở trong hoa sen hết 12 đại kiếp nếu như không có Phật lực gia trì. Chứ khi có sự gia trì của Phật trong 48 đại nguyện thì sẽ mau hơn nhiều. Câu trả lời của ngài ở phút thứ 39 như vầy:
https://www.youtube.com/watch?v=s-QW76VvN0g&list=PL62F112A07CCBAAFA&t=2354s
Có nhiều đồng tu đến hỏi tôi: “Quán Vô Lượng Thọ Kinh” nói hạ hạ phẩm vãng sanh phải 12 đại kiếp mới hoa nở thấy Phật, vậy chúng ta sanh đến cõi Phàm Thánh Đồng Cư phẩm vị đều không cao, nghiệp chướng quá nặng chính mình biết được, có phải là sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc ở trong Hoa sen còn phải đợi 12 đại kiếp không?”. Ngay chỗ này các vị tu Tịnh Độ nhất định phải nên hiểu, 48 nguyện là pháp cơ bản của Tịnh Độ, bất cứ cách nói nào đều không thể so được với nó, có so cũng không thể so bằng. Bốn mươi tám nguyện là tối thắng nhất, là pháp cơ bản. Vậy “Quán Vô Lượng Thọ Kinh” nói có phải là sai không? Không sai! Thực tế mà nói không có xung đột. Nói hạ hạ phẩm vãng sanh phải 12 đại kiếp là không nói Phật lực gia trì. Bốn mươi tám nguyện là A Di Đà Phật oai thần bổn nguyện gia trì. Trên Kinh nói “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh” là địa vị gì? Là đăng địa, Bồ Tát Sơ Địa. “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh” là cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Thế nhưng trên thực tế, mỗi một người hạ hạ phẩm vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Điểm đặc biệt của Tây Phương Tịnh Độ, là “Kỳ Đặc Pháp”, bốn độ là một chỗ, cõi Đồng Cư, cõi Phương Tiện, cõi Thật Báo, cõi Tịch Quang là ở một nơi, không như các thế giới chư Phật khác, bốn cõi không chung nhau. Như hiện tại chúng ta ở thế gian này là cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Tuy là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, nhưng người phàm chúng ta không thấy được thánh nhân.
Thí dụ rõ ràng nhất, Bồ Tát Văn Thù là thánh nhân đang ở Núi Ngũ Đài, nhưng bạn đến Núi Ngũ Đài để tìm Bồ Tát Văn Thù thì không thể tìm ra. Vào thời xưa có Pháp sư Pháp Chiếu, ông rất may mắn tìm được đạo tràng của Bồ Tát Văn Thù bảy báu trang nghiêm ở Núi Ngũ Đài. Ông còn vào trong đạo tràng để tham bái, nghe Bồ Tát Văn Thù giảng Kinh được một hội. Khi rời khỏi, đi đến đâu còn làm ký hiệu, sợ lần sau quên mất đường. Đi được không bao xa, quay đầu lại nhìn thì không thấy, chỉ thấy một mảng núi hoang, muốn nhìn lại cũng không nhìn thấy. Cõi Phàm Thánh Đồng Cư, phàm phu vẫn là không thể thấy được thánh nhân.
Trong “Tam Muội Thuỷ Sám” các vị đã đọc qua, Quốc sư Ngộ Đạt gặp được Ca Nặc Ca Tôn giả ở Tứ Xuyên, đó là đạo tràng của A La Hán, cũng là ông có duyên. Sau khi rời khỏi đạo tràng, quay đầu lại nhìn cũng không thấy gì, chỉ một mảng núi hoang. Đó là có chướng ngại. Cõi Đồng Cư mà còn như vậy, cõi Hữu Dư, cõi Thật Báo thì chúng ta làm sao có thể thấy được?
Thế nhưng ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không như vậy, bốn cõi cùng ở một nơi, cho nên nói “ngũ thừa cùng vào báo độ”. Báo Độ đó chính là cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Cho nên bạn đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn liền thấy được Bồ Tát Quan Âm, Thế Chí, liền thấy được Văn Thù, Phổ Hiền, những vị Bồ Tát Đẳng Giác này ngày ngày cùng ở chung với mọi người, cùng nhau sinh hoạt, cùng nhau nghe Phật nói pháp, bạn vào đoàn thể này của các Ngài. Việc này là như thế nào vậy? Đó là oai thần của A Di Đà Phật gia trì cho bạn, bạn mới vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm.
Vậy thì cách nói đó trong “Quán Kinh” là có ý nghĩa gì? Đời sống của bạn như vậy, sinh hoạt đến sau 12 kiếp thì bổn nguyện của A Di Đà Phật không gia trì bạn cũng vào được, bạn cũng ở được nơi đó, chính là cái ý như vậy. Hay nói cách khác, trước 12 kiếp, bạn cùng với những vị Đại Bồ Tát này một ngày từ sớm đến tối cùng đứng cùng ngồi, nắm tay mà đi là nhờ Phật lực gia trì. Nếu dựa vào chính bạn, thì sau 12 kiếp bạn mới có thể vào được cảnh giới này. Là ý như vậy, đều là đúng, không có nói sai. Từ 12 kiếp bạn liền sẽ cảm thấy rất là kinh ngạc. Vì sao vậy? Quá nhanh. Nếu như chiếu theo thông thường Đại Thừa mà nói, bạn muốn vào được cảnh giới này chí ít phải mãn một A Tăng Kỳ kiếp. Một A Tăng Kỳ kiếp, bạn tu xong Tam Hiền Vị. A Tăng Kỳ kiếp thứ hai mới vào Sơ Địa. Bạn thấy tu hành ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc chỉ cần 12 kiếp, bạn ở các thế giới phương khác tu hành phải qua một A Tăng Kỳ kiếp. Do nguyên nhân gì vậy? Ở thế giới phương khác có thoái chuyển, Thế giới Tây Phương không có thoái chuyển, bất thoái, viên chứng Tam Bất Thoái, đạo lý chính ngay chỗ này. Cho nên, Thế giới Tây Phương Cực Lạc thù thắng không gì bằng.
Chú Hướng Đạo cho con hỏi ở trong hoa sen bên Cực Lạc nó to lớn bao nhiêu, mà ở trong đó có gì mà “vui như ở cõi trời” vậy chú? Ở trong đó một mình không ai nói chuyện buồn thỉu buồn thiu chỉ biết tâm sự với mấy hột sen sao dzui nổi hở chú? 🙂
A Di Đà Phật
Thân chào bạn Thanh Cúc,
“Ở trong đó một mình không ai nói chuyện buồn thỉu buồn thiu chỉ biết tâm sự với mấy hột sen sao dzui nổi hở chú? “ Trường hợp bạn vừa nêu chắc là dành cho con sâu, con bọ, con kiến hay con ruồi, con muỗi, con vi khuẩn …đã hóa sanh trong hoa sen ở cõi Ta Bà rồi 🙂
Ở trong hoa sen nơi cõi Cực Lạc mà vui như cõi trời thì theo mình hiểu là : trong hoa sen đó là cả một cõi trời mà mình chính là vị vua trời ở trong đó . Vua trời có thứ gì thì mình cũng có thứ đó. Cho nên vua trời có cái gì thì ở trong hoa sen cũng phải có thứ đó hoặc giống như vậy. Phải như vậy thì người ta sống qua 12 đại kiếp dài lê thê mới không bị buồn chán. Bởi vì Phật đã nói trong kinh là “vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc” (không có những khổ, chỉ hưởng toàn vui). Cũng chính vì lẻ đó nên mới gọi là thế giới Cực Lạc ( Lạc là vui, Cực là cùng cực ).
Khi xưa Phật đã nhìn thấy trong một cốc nước có vô số vi trùng nên mới chế giới luật bảo các thầy tỳ kheo phải dùng đồ lọc nước trước khi uống mà thời đó người ta chỉ nghe lời Phật dạy rồi tin và làm theo chứ không ai biết là có thật đúng như vậy hay không. Sau này khoa học phát minh ra kính hiển vi soi vào trong nước thì thấy đúng là như vậy. Cho nên nếu là lời Phật nói thì cái gì cũng đúng, chỉ nên tin và làm theo chứ không nên kiểm chứng nữa. Tại vì khoa học chắc sẽ không đi tới thế giới Cực Lạc được đâu nhưng nếu bạn chịu niệm Phật và phát nguyện vãng sanh thì khi sanh về đó bạn sẽ thấy lời Phật nói đúng là không sai.
Vài dòng chia sẻ, hy vọng giúp ích phần nào cho bạn .
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam mô A di đà Phật.
Hàng ngày con vẫn đọc kinh A di đà, nhưng con nghe HT Tịnh Không giảng kinh Vô Lượng Thọ hay quá, con có thể nghe thêm được không ạ. Hay con vẫn chỉ được nghe giảng kinh A di đà?
Chào bạn Thanh Tịnh
Trước đây mình được nghe rằng Kinh A Di Đà hay còn gọi là Tiểu Bổn A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ là Đại Bổn Kinh A Di Đà. Có thể hiểu là Kinh Vô Lượng Thọ là 1 bản diễn giải rộng nghĩa hơn của Kinh A Di Đà nên việc bạn tìm hiểu, nghe thêm Kinh Vô Lượng Thọ cũng không sao đâu. Với cả Tịnh Độ có 5 bộ Kinh mà, đạo hữu tìm hiểu để hiểu rõ ràng cách hành trì, cách tích lũy thiện căn phước đức nhân duyên có lợi cho việc tu tập thì vẫn tốt.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Đúng rồi. Tịnh Độ có 3 kinh: Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, và Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Bạn đọc bộ kinh nào về Tịnh Độ cũng được hết. A Di Đà Phật.