Niệm Phật cầu nhất tâm bất loạn, chỉ lấy một câu Phật hiệu cực lực truy đảnh, đã mạnh mẽ lại càng mạnh mẽ hơn, tinh thành một phiến thì chẳng suy lường đến chuyện quá khứ, chẳng đoái hoài đến chuyện vị lai, chẳng nắm giữ tâm thức hiện tại. Ba tâm đoạn sạch tức là đoạn cả tiền tế lẫn hậu tế. Ðây là do xét đến cùng, niệm đến cực, thấy, nghe, chạm cảnh, gặp duyên, cắt đứt nẻo tâm, đạt đến mức cõi hư không nát như bột, đại địa chìm lỉm, vật lẫn ta cùng tiêu, một pháp chẳng lập, [sự việc] trước mắt như sâm la vạn tượng hiện bóng trong tấm gương tròn lớn, trọn không có lấy một điểm để diễn bày, phân biệt. Thân tâm rỗng rang như mây bồng bềnh. Tình cảnh này gọi là “nhất tâm bất loạn”. Ðến mức này thì chẳng còn có tâm gì để mà loạn cả!
Nếu chưa đạt đến cảnh giới này thì dù có tạm thời thanh tịnh cũng chỉ là tạm ngưng lặng mà thôi: lúc thanh tịnh thì có, lúc động loạn bèn mất, huống hồ là lúc lâm chung cực thống khổ, mê man ư? Ðủ thấy tịnh cảnh cỏn con lúc bình thường chỉ là chuyện bên lề của tâm ý thức, đến lúc mê man thì ý thức thông minh chủ tể trọn chẳng dùng làm gì được! Kinh dạy: “Nhất tâm bất loạn” là đức Phật chỉ ngay vào công phu cùng tột, bất quá là chấp trì bốn chữ Phật danh, câu này gối lên câu kia, tiếng nọ đuổi theo tiếng kia như mãnh tướng vung gươm đuổi giặc, nỗ lực thẳng tiến, không chút nào thong dong. Hành trì như vậy nhất định sẽ bắn ngựa, bắt vua.
Công phu như vậy nào phải đâu là cứ thong dong năm chồng tháng chất rồi sẽ đạt được, cũng chẳng phải là đến lúc già nua, sắp chết bèn gấp gáp hành trì mà có thể thành tựu nổi. Chỉ là lúc mạnh khỏe, mỗi ngày mỗi hành trì sao cho đoạn được tâm thức, buông bỏ, ngưng nghỉ được quang cảnh trước mắt thì đến lúc mê man đau đớn cùng cực, [tâm niệm] mới giống hệt lúc đoạn được cả tiền tế lẫn hậu tế khi trước. Trở về cội, hợp vào thể như nước trở về với nước, tựa hư không hòa lẫn vào hư không, chẳng phải là tự tại hay sao?
Hãy tự biết rằng công phu này chẳng phải do bám vào công đức của Phật hiệu mà được thành tựu, mà là do cực lực truy đảnh bốn chữ Phật hiệu mà được thành công vậy! Khuyên thiện hữu đồng môn hãy theo đúng pháp mà niệm một ngày. Nếu một ngày chưa thành thì nghỉ một ngày rồi lại niệm, hoặc niệm liên tiếp hai ngày, hoặc niệm liên tiếp ba ngày, bốn ngày cho đến bảy ngày, hoặc trong một tháng dũng mãnh niệm một ngày. Bảy ngày là thời hạn do đức Phật ước chừng một cách rộng rãi vậy. Nếu niệm chẳng khẩn thiết, đến hết bảy ngày chẳng thành tựu thì nên điều dưỡng tinh thần, sau bảy ngày lại niệm bảy ngày nữa, lấy việc đạt nhất tâm bất loạn làm hạn.
Ðể thực hành công phu truy đảnh niệm Phật thì chẳng luận là tăng, ni, đạo, tục, ai nấy đều có thể dũng mãnh tu tập được, nhưng phải phân chia đàn tràng nam nữ riêng, chẳng được xen tạp. Ngay từ đêm hôm trước ngày bắt đầu hạn kỳ [truy đảnh niệm Phật] thì vợ chồng ngủ riêng, ngủ thanh tịnh trên giường nhỏ. Canh năm tắm gội vào đàn, rỗng không tâm thức, ngăn chặn ngoại duyên, đóng cửa tuyệt sự. Lễ ba lạy xong, chẳng cần lễ nhiều. Suy cử một kẻ có trí làm thủ lãnh để dẫn dắt đại chúng, đề khởi bốn chữ A Di Ðà Phật, niệm nghiêm nhặt câu nọ tiếp đuổi theo câu kia.
Chớ nên niệm to tiếng tổn khí, chẳng nên miễn cưỡng niệm quá cấp bách trong một hơi thở khiến tâm bức rức, chẳng nên thầm niệm quá sức khiến bị tổn huyết, chẳng được niệm một cách thong dong, dưỡng thần, chẳng được trầm tịnh, hôn trầm. Mỗi lần niệm đứng, ngồi, hay đi đều phải trong khoảng thời gian [cháy hết] nửa cây hương nhỏ, niệm xong lại quay lại từ đầu, nối tiếp chẳng ngớt. Ăn uống, vào nhà xí, thay áo .v.v. đều nhất luật niệm Phật, chẳng được nói chuyện.
Bữa cháo sớm, bữa lót dạ, bữa ngọ và bữa cháo tối, tùy thời dùng các thứ thức ăn thô dở, chẳng được sanh tâm bày vẽ, tốn kém. Chỉ giữ cho bốn chữ Phật hiệu như nước từ núi cao đổ xuống, sức mạnh ngùn ngụt, chẳng ngăn trở được, buông bỏ chẳng được, từ trong tâm tưởng tự nhiên tuôn ra, tâm thức chẳng nương đậu vào đâu. Niệm đến hai canh giờ, nếu mệt mỏi, cứ đi ngủ một chút cũng chẳng ngại gì. Thức dậy lại niệm như cũ.
Niệm suốt một hai ngày, nếu thân lẫn tâm đều mỏi mệt thì nghỉ suốt một ngày một đêm cũng chẳng ngại gì, ngủ sâu cho đến khi tỉnh. Nếu thức dậy thấy tinh thần phấn chấn lại bắt đầu kỳ niệm mới, niệm một hai ngày nữa. Hành dần dần, niệm niệm tiếp nối, tâm tâm chẳng dời. Nếu như niệm suốt cả bảy ngày hoặc thấy mệt mỏi thì ngưng niệm cũng chẳng hại gì, chờ đến lúc khỏe khoắn lại niệm tiếp.
Tu tập công phu này thì chẳng nên để hôn trầm, tán loạn, lao chao nhiễu động mình. Nếu vì sợ hôn trầm, tán loạn, lao chao bèn cố sức bài trừ, đối đầu trực tiếp với hôn trầm, tán loạn, lao chao thì càng đương cự càng lại bị nhiều. Chẳng bằng buông mình ngủ một giấc thì hôn trầm, tán loạn, lao chao sẽ tự diệt, tinh thần tươi tỉnh bội phần, đề khởi hồng danh mười phần sáng suốt, chuyện trước mắt sạch làu như tuyết, một sắc, một hương chính là chỗ cắt đứt tâm thức, mầu nhiệm khôn bàn, nhưng chẳng được tham ngủ!
Phải biết rằng: Thực hành công phu này đến chỗ cùng cực, nếu chẳng buông nghỉ, bị ấm ma sanh khởi hoặc đổ bệnh thì đều là do thực hành quá mức, không hiểu cách điều nhiếp. Người chủ trì công phu tu tập này phải nên lưu ý.
- Nhận định:
Niệm Phật quý tại bình thời dụng công. Nếu trước đã có điều thành tựu thì sẽ được làm người khoái hoạt cả đời, lúc lâm chung quyết định vãng sanh. Pháp này tối diệu, tối ổn, xin hãy nhân lúc mạnh khỏe dũng mãnh thực hành hầu lúc lâm chung khỏi lâm cảnh chân tay luống cuống! Tuy tuổi già thân suy, khí lực chẳng đủ thì cũng nên khéo điều nhiếp để thực hành thử!
Lược trích “Cách truy đảnh niệm Phật” của Tam Phong đại sư
Cụ Bà Nghèo Cố Niệm Phật Thoát Khổ 3 Năm Sau Biết Trước Ngày Vãng Sanh Về Với Phật
Thời Dân Quốc tại Chiết Giang có một phụ nữ lớn tuổi, gia cảnh nghèo khổ, con trai lại bất hiếu, có một hôm bà bị con trai chửi mắng, bà rất đau lòng, xong bà đi tìm vị thầy xuất gia để than thở. Thầy nói:
– Bà biết thân mình mang nỗi khổ, vì sao không bán nó đi?
Bà hỏi:
– Làm cách nào để bán?
Thầy nói:
– Bà chuyên niệm A DI ĐÀ PHẬT cầu sanh Tây Phương, lâm chung Phật đến đón bà về Tây Phương, sẽ đoạn dứt mọi thứ khổ, chỉ hưởng niềm an vui, như vậy là đem cái khổ bán đi rồi.
Bà nói:
– Hai mẹ con chúng con ở chung một căn nhà, trong đó vừa có giường lại thờ ông Táo, dưới giường là chuồng heo hôi thối như vậy làm sao mà niệm Phật được?
Thầy nói:
– Đều không sao cả, bà chỉ lo niệm thường xuyên không gián đoạn, lúc rỗi rảnh thì vào chùa lạy Phật.
Bà lão sau khi về nhà y giáo phụng hành, một lòng cầu thoát khổ niệm Phật không hề gián đoạn. Ba năm trôi qua trước vài tháng lâm chung, bà nói với con trai là:
– Tháng mấy, ngày ấy mẹ đi Tây Phương con đừng ra ngoài, ở nhà lo hậu sự cho mẹ xem như tận hiếu của người làm con.
Con trai của bà không hề tin chuyện này, qua một thời gian bà nhắc lại một lần nữa, con trai bà vẫn không tin. Đến trước vài ngày lâm chung con bà bỗng dưng ngửi được mùi thơm kỳ lạ, đi tìm khắp nơi cũng không biết từ đâu bay tới. Lúc đó mới tin lời của mẹ là thật, vào đúng ngày đó con bà ở nhà trông chừng, chỉ thấy mẹ tắm rửa thay quần áo ngồi đoan trang niệm Phật rồi vãng sanh.
Như bà lão này gia đình nghèo khổ, con lại bất hiếu, theo thường lệ, tuổi già mà gặp hoàn cảnh như thế thật là đau khổ vô cùng. Thế nhưng bà biết mình khổ, một lòng muốn thoát khổ nên hết lòng nương tựa A DI ĐÀ PHẬT, kết quả được giải tỏa hết mọi thứ đau khổ.
Thưa các bác lớn tuổi, chỉ cần một lòng một dạ niệm câu Phật hiệu không lúc nào bỏ quên, cho dù phải làm nhiều việc nhà cũng sẽ không thấy khổ cực, khi niệm Phật tâm ta hoan hỷ thì làm bất cứ việc gì cũng cảm thấy vui, nhìn thấy ai cũng vui, mỗi ngày mỗi đêm, không việc gì mà không vui. Cho nên, tuổi già muốn được an vui thì không nên rời câu Phật hiệu, vừa rời khỏi Phật, trong tâm khởi lên vô minh phiền não liền rơi vào cái khổ ngay.
Nếu như có thể chuyên nhất, có thể kiên trì mà niệm, không cần thời gian lâu lắm là có thể đạt đến chỗ vừa làm vừa niệm không gián đoạn, được như vậy nỗi khổ trong tâm sẽ càng lúc càng ít, nhất định càng ngày càng an lạc hơn. Cho nên cần phải suy nghĩ kỹ, nên dùng câu Phật hiệu để sống qua tuổi già hay không?
Trích Trời Đã Xế Bóng Đường Về Còn Xa
Pháp Sư Tự Liễu
CÂU NIỆM PHẬT GIÚP ÂM HỒN ĐẦU THAI SAU 300 NĂM
Vào năm 1992, khu cư trú chung quanh thành phố Bắc Kinh mới lập, có một hộ ba người dời đến đây ở chưa lâu. Vào buổi chiều nọ khoảng hơn 6h tối, cặp vợ chồng đang dùng cơm tại nhà bếp thì bỗng nghe có tiếng gõ cửa.
Con gái họ liền hỏi:
– Ai đó? – Và cô chạy ra mở cửa.
Sau khi cô gái mở cửa ra thì bỗng thét lên một tiếng “Á”.. kinh hoàng, rồi té nhào xuống ngất xỉu, mặt lộ vẻ hãi hùng.
Cha mẹ vội chạy ra cứu con tỉnh lại.
Khi cô gái tỉnh dậy liền kể:
– Con thấy ngoài cửa có một tướng quân mặc khôi giáp thời cổ đại nhưng không có đầu, làm con sợ chết khiếp.
Người cha nghe vậy nghĩ thầm: “Chắc là bọn xấu nào giả dạng như thế để hù dọa đây, thế là ông liền cầm dao xông ra ngoài xem, nhưng không thấy ai. Ông liền chạy lên sân thượng quan sát kiếm tìm cũng không thấy gì.
Thế là ông trách con hoa mắt nhìn sai. Nhưng hôm sau con gái ông tan học xong do quá sợ nên không dám về nhà, cô đành qua ngủ nhờ bên nhà bà ngoại. Đêm đến, khi ngủ cô vẫn còn bị ám ảnh nên thấy ác mộng kinh hoàng, hãi hùng tỉnh giấc.
Cha mẹ bèn dẫn cô đi khám bệnh, nhưng không tìm ra nguyên nhân. Trong lúc bối rối không biết làm sao, thì họ chợt nhớ đến người bà con là Bác sĩ Hoàng (nhân vật chính trong câu chuyện “Phụ thân cầu siêu độ” trong cuốn “ Báo ứng hiện đời 1”). Ông này cũng từng bị quái bệnh, nhờ được cư sĩ Quả Khanh hướng dẫn tụng kinh, niệm Phật mà trị lành.
Bác sĩ Hoàng liện gọi điện cho Quả Lâm (con gái cư sĩ Quả Khanh, cũng là người có thiên nhãn thông, thấy được các cảnh giới siêu hình) kể rõ tình hình. Ông vừa thuật xong thì Quả Lâm đã bảo ông:
– Lúc chú đang kể thì vị tướng quân không đầu này đã tìm tới đây, hiện đang ở trước mặt con nè!
Quả Lâm liền hỏi tướng quân vì sao lại hiện ra khiến nhiều người sợ chết giấc? Ông ta kể mình từng ở địa phương này đánh trận, bị địch cắt mất đầu, nên rất cần tìm ra đầu để đầu thai chuyển thế (Ông ta nghĩ rằng phải nguyên vẹn thân xác mới đầu thai được, nhưng đó chỉ là cái chấp của ông ta thôi).
Quả Lâm bảo:
– Ông bị chặt đầu từ thuở đó tính đến nay đã mấy trăm năm trôi qua rồi, đầu bây giờ cũng đã hóa thành bụi đất, làm sao mà tìm được?
Tướng quân không đầu nghe nói vậy thì bật khóc to, lộ vẻ sầu khổ thảm thiết và than là xem như ông vĩnh viễn không có ngày đầu thai nữa!
Quả Lâm bảo ông:
– Đừng khóc, chỉ cần ông niệm Phật theo tôi thì Phật sẽ gia hộ giúp cho ông.
Rồi Quả Lâm dạy ông niệm : “Nam mô A Di Đà Phật !”.
Vị tướng quân kia chỉ mới thành thâm niệm một câu “ Nam mô A Di Đà Phật” thì Quả Lâm đã thấy một cái đầu kim sắc hiện ngay trên cổ ông. Ông mừng rỡ đưa hai tay ôm đầu và nhảy cỡn lên, sau đó thì mọp xuống lạy Quả Lâm ba lễ tạ ân, rồi đi đầu thai tái sinh làm người…
Sau này đứa bé (tướng quân đầu thai) lớn lên nhất định sẽ tìm đến Phật pháp quy y tu hành, bởi vì tướng quân không đầu kia kiếp trước đã từng đã có cúng dường Phật, lễ Phật, nhờ nhân lành này mà trong giây phút tuyệt vọng đã gặp được Thiện tri thức chỉ ông niệm Phật, nhờ đó mà được tái sinh.
Quả Lâm bảo bác sĩ Hoàng:
– Cô gái kia hiện thời lòng đã hết hoảng sợ, tối nay sẽ về nhà cha mẹ mình.
Quả nhiên tối đó gia đình họ gọi điện báo tin cho bác sĩ Hoàng hay là con gái họ đã về nhà rồi.
Qua chuyện này có thể thấy, chí thành niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật” uy lực cảm ứng rất nhiệm màu (với người trần nhiều khi không thấy gì rõ ràng, nhưng trong thế giới siêu hình thì đã chuyển biến rất nhiều). Nếu thường niệm danh hiệu Phật công phu chẳng uổng, phúc chẳng thể tiêu mất, gặp lúc nguy nan ắt sẽ được Phật gia hộ.
Quả Khanh
Hình Ảnh Ngọc Xương Xá Lợi Giác Linh NGUYÊN ÂN, thế danh Huỳnh thị Yến Cư, xã báo thân lúc 5 giờ 21 phút chiều ngày 28 tháng 3 năm 2022 tại Nhà Vãng Sanh Làng A Di Đà Indio, California.
Sau khi Sư Phụ làm Phowa độ nóng cuối cùng trên đỉnh đầu là 96.8 độ F (36 độ C).
Vào đời Tống có người tên Oánh Kha, xuất gia học đạo ở Dao Sơn, Tráp Xuyên, nhưng lại tha hồ ăn uống rượu thịt. Bỗng một hôm, ông sực nhớ phạm hạnh của mình không vẹn toàn, sợ bị đọa lạc luân hồi sinh tử. Ông bảo những người ở chung đọc cuốn Tịnh độvãng sinh truyện do thiền sư Giới Châu biên soạn cho ông nghe. Đọc truyện nào ông cũng đều gật đầu đồng ý. Sau đó, trong phòng của mình, ông đặt một cái ghế xoay về hướng tây rồi tuyệt thực và ngồi niệm Phật suốt ba ngày. Một đêm, ông nằm mộng thấy Phật đến nói:
– Ông còn sống được mười năm nữa, phải nên siêng năng niệm Phật.
Oánh Kha thưa:
– Dù cho con sống thêm một trăm năm thì cũng sống trong cõi Diêm-phù nhơ uế này, mà ở cõi này dễ mất chính mạng. Con chỉ nguyện sớm được sinh về An Dưỡng để hầu hạ các bậc Thánh.
Phật nói:
-Nếu chí nguyện của ông đã như vậy thì ba ngày sau Ta sẽ đến rước ông.
Kỳ hạn ba ngày đã đến, ông tập hợp mọi người tụng kinh A-di-đà và nói: “Phật và đại chúng đều đã đến”. Nói dứt lời, ông lặng lẽ qua đời.
Trích: Người Ác Vãng Sanh
Đại Sư Châu Hoằng biên soạn
NIỆM PHẬT 7 NGÀY, 7 ĐÊM KHÔNG ĂN CƠM CÓ ĐƯỢC XEM LÀ TINH TẤN KHÔNG?
Họ nói, có người xuất gia đề xướng bảy ngày tinh tấn niệm Phật, không ăn cơm mới được xem là tinh tấn, có thể uống thức uống, khi buồn ngủ vẫn có thể ngủ. Có người đã chịu đựng được mười ngày không ăn cơm, rất nhiều người làm theo phương pháp này. Loại đề xướng này có như pháp không?
Phật Đà vô cùng từ bi, đối với 3.000 năm sau, tức xã hội ngày nay, Ngài thật sự là rõ như lòng bàn tay. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói: “Thời kỳ Mạt Pháp, tà sư thuyết pháp như hằng hà sa”. Thời Mạt Pháp mà Ngài nói chính là chỉ thời đại hiện nay của chúng ta. Chúng ta làm thế nào biện biệt pháp này là chánh hay tà? Phật trước khi nhập diệt, vì các đệ tử sau này đã làm cuộc khai thị quan trọng, chính là “Tứ y pháp”, trong đó điều thứ nhất là “Y pháp, bất y nhân”. Vậy phương pháp bảy ngày tinh tấn niệm Phật này có như pháp hay không? Chúng ta thử xem trong kinh điển có nói hay không? Nếu trong kinh điển không có thì đó chính là họ nói, không phải Phật nói. Điều mà họ nói, chúng ta nhất định không được làm theo, đó là bạn y nhân bất y pháp rồi. Chúng ta phải “y pháp, bất y nhân”.
Kinh điển Tịnh Độ rất dễ dàng tra. Kinh điển Tịnh Độ thuần chân là ba kinh và một luận. Các bạn thử xem trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh A Di Đà”, “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” có cách nói này hay không? Có nói không ăn cơm mới được xem là tinh tấn hay không? Điều này tôi mới nghe nói lần đầu tiên, trước đây tôi chưa từng nghe bao giờ. Không ăn cơm mới được xem là tinh tấn, đâu có loại đạo lý này!
Tinh tấn niệm Phật, trước đây tôi ở Đài Loan, lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam đã làm hai lần Phật thất. Sau hai lần thì không làm nữa. Tôi hướng về thầy thỉnh giáo tại sao không làm nữa? Thầy nói, hiện nay chúng sanh không phải loại căn cơ này. Sao gọi là “Tinh tấn niệm Phật”, “Phật thất tinh tấn” vậy? Niệm Phật 24 giờ không gián đoạn; niệm Phật bảy ngày bảy đêm không gián đoạn, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, đây gọi là tinh tấn. Tôi biết là bảy ngày bảy đêm không có ngủ, nhưng mà chưa từng nghe nói là không ăn thức ăn. Điểm tâm đều có hộ pháp chuẩn bị chu đáo, khi bạn đói thì có thể ăn bất cứ lúc nào, nhưng không có ngủ. Họ thì làm ngược lại, họ có thể ngủ, không được ăn thức ăn, điều này chưa từng nghe nói bao giờ. Trên kinh luận đã không có phép tắc này, tổ sư cũng không có cách nói này, thì đây không đủ để tin nhận.
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
Người Niệm Phật Bị Vong Dựa Thì Phải Làm Thế Nào?
https://www.youtube.com/watch?v=UkSfflqoOvs
CUỐI CÙNG TÔI ĐÃ HIỂU, THẾ NÀO GỌI LÀ ” SÁM HỐI”.
Sám hối không phải là một bài tụng đọc cho nhiều, cho thuộc, ngân nga lên bổng xuống trầm cho hay. Mà đơn giản là: kiểm tra lại những hành động vô tình hay cố ý của mình đã gây hại cho con người hay các sinh vật khác dù vì bất cứ lý do gì, rồi xin được Sám Hối (nghĩa là khởi tâm ăn năn, hối hận vi những sai trái mình đã làm, nguyện không tái phạm nữa)
Ngày nhỏ, tôi có người em kém năm tuổi rất còi cọc. Thương em, chỉ mong mưa để đi bắt cóc về chặt đầu lột da làm cho em ăn, mong em cao lớn bằng bạn, bằng bè.
Hậu quả, cho đến năm 40 tuổi em vẫn chỉ cao 1.4m ( mọi người cần suy nghĩ về điều này khi mua cóc vàng làm trà bông). Cả cuộc đời bệnh tật vô cùng cực khổ. Đến lúc ra đi, hoàn cảnh bi thương, ngã từ tầng tám xuống mà chẳng ai biết vì sao. Có kẻ ném xuống, hay em tự vẫn cho mẹ thoát khổ, vì suốt đời phải lo lắng cho con và cũng là giải thoát cho mình.
Bản thân tôi cũng lận đận, thăng giáng, lên chó xuống bùn biết bao lần. Khả năng không kém ai bao giờ, vậy mà lận đận mãi không thôi.
Như người ta nói: Con người nhìn thấy khuyết điểm của người khác rất rõ nhưng mấy ai nhìn thấy khuyết điểm của mình.
Tôi thường làm lễ cúng siêu độ oan gia cho bao người, họ vì oan gia trái chủ nhiều đời, kiếp trước hành mà họ lận đận ( vốn tôi có chút khả năng tâm linh, hay nghe & nhìn thấy các vong hồn). Có những người vì sát sinh, vì tàn ác mà gặp hết họa này đến họa khác, thậm chí liệt giường, liệt chiếu nhiều ngày không đi được.
Một ngày kia trong khi đang làm lễ cầu an cho mọi người, cầu cho các oan gia trái chủ của họ được giải thoát, tiêu trừ hận thù, cầu cho tâm được nhẹ nhàng siêu thoát không còn hành hạ các gia chủ nữa. Bỗng nhiên tôi nghe thấy một giọng nói: “Thầy sao không cầu cho chính thầy, quanh thầy biết bao oan nghiệp đang kêu gào đòi mạng, máu chẩy đầu rơi vương vãi khắp nơi.”
Nếu trước đây, chắc chắn tôi cãi cho bằng được, nhưng lần này tôi lặng im suy ngẫm mãi mà không hiểu. Chắc có lẽ đã đến lúc được giải thoát. Tôi bỗng nhìn thấy trong tâm tưởng (hay vị nào đó gia hộ cho tôi nhìn thấy) cảnh bao nhiêu cóc, nhái, ếch bị chặt đầu lột da đang dẫy dụa trong chậu, máu, thịt nhầy nhụa.
Tôi bỗng nhìn thấy trong tâm tưởng “ hay các ngài cho nhìn” cảnh bao nhiêu cóc, nhái, ếch bị chặt đầu lột da đang dẫy dụa trong chậu, máu, thịt nhầy nhụa. ( Ảnh minh họa )
Tôi thấy vong hồn người em tôi, tàn tạ, với khuôn mặt đẫm nước trong một khung cảnh rất ghê sợ. Em tôi nói:
-Em là người hưởng thụ từ vô vàn sự sát sinh ấy, nên phải chịu nghiệp quả, báo oán, đầy đọa mấy mươi năm trời, nay phải vào nơi này không biết đến bao giờ. Anh tuy không ăn nhưng là người trực tiếp giết, và cũng đang bị chịu quả báo đầy đọa đấy. Hãy cứu em và cứu chính anh đi.
Mọi việc như bừng sáng, giờ thì tôi đã hiểu; bao nhiêu năm tôi lận đận, khốn khổ chính vì những tội lỗi mình gây ra, không phải kiếp trước mà chính từ kiếp này. Vậy là tôi bắt đầu sám hối và chuộc lỗi những ác nghiệp năm xưa.
Có thể các bạn không tin nhưng với tôi, từ đó mọi việc đã nhẹ nhàng trôi chảy hơn trước rất nhiều. Vẫn những con người ấy, ngôi nhà ấy, trong gia đình, nhưng giờ đã êm ấm, hạnh phúc hơn. Tiền bạc, kinh tế cũng thuận lợi hơn. Nhất là những bệnh nhân, những người được mình cầu cúng, giúp đỡ đều thể hiện sự quý mến trân trọng của họ. Điều đó trước đây hầu như không có, mặc dù tôi đã cứu sống, giải thoát cho mọi khó khăn của họ.
Giờ tôi đã hiểu; sám hối không phải là một bài đọc cho nhiều, cho thuộc, ngân nga lên bổng xuống trầm cho hay. Mà đơn giản là: kiểm tra lại những hành động vô tình hay cố ý của mình đã gây hại cho con người hay các sinh vật khác dù vì bất cứ lý do gì. Rồi xin được sám hối.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hùng
https://www.youtube.com/watch?v=K0wbeiMEdoQ
Thưa chư vị Tiền bối!
Con có hai nghi vấn chưa thông nên mong được chư vị giải đáp:
1. Thứ nhất: đối với giới trộm cắp thì của người khác không cho mà lấy thì phạm tội trộm cắp nhưng đối với vùng ven sông, suối, núi hoang…thuộc của nhà nước mà rau, cỏ thuốc….mọc lên, mình đến hái thì có phạm giới không? Bởi muốn hỏi nhưng không biết phải hỏi xin ai vì không có người, hay các loại rau dại mọc trên bờ ruộng, chủ ruộng không cần, nhưng không có họ ở đó, mình đến hái thì cũng có mang tội không? Có người bảo không vì chủ ruộng họ không cần tới, không phải do chính họ trồng.
2. Thứ hai: Khi người A bị người B đánh, mà người A báo cảnh sát, người B bị phạt hành chánh một số tiền, như vậy có phải người A đã gieo nhân sau này cũng bị người khác báo cảnh sát không?
Chào bạn Lê Kim Thúy
Về vấn đề thứ nhất nếu những rau cỏ đó ở núi hoang, rừng, ven sông, không thuộc sở hữu của ai thì bạn có thể yên tâm mà lấy không sao cả. Có chăng là sợ các chúng thần sông thần núi ở trú xứ đó họ cho rằng đó là của họ thì cần khấn xin với họ trong tâm. Còn những rau dại nằm trong phạm vi ruộng do chủ ruộng đó quản lí sở hữu thì bạn cần phải hỏi trước xin trước thì mới không phạm trộm cắp dù rằng họ không dùng đến.
Về vấn đề thứ 2, xét về A bị B đánh thì nhân quả nó còn có nhân duyên. Phải xét xem A bị B đánh có phải do đời trước họ có oán thù với nhau hay không, hoặc đời này A gây hấn với B nên bị B đánh hay không. Nếu như thế thì A đang ngày càng làm cho nhân mâu thuẫn giữa 2 người ngày càng tăng trưởng. Còn nếu B là 1 người xấu ác, thường thích gây sự đánh người thì việc A làm là không sai. Người Phật tử là phải biết ngăn ác diệt ác, sinh thiện và tăng trưởng thiện. Giống trong chuyện tiền thân Phật Thích Ca có 1 câu chuyện Ngài đã giết 1 kẻ xấu xa vì biết rằng tên này có ý định mưu hại tất cả những người đi cùng Ngài vậy.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Dạ xin cảm ơn lời chỉ dạy của tiền bối Đạt Châu!
Con cũng nghĩ các loại rau dại,cỏ thuốc mọc ven trên bờ ruộng mà chủ họ không cần, có khi còn phun thuốc cho chết, mà mình tự ý hái thì cũng phạm giới nhưng mà có vị kia bảo là mặc dù là có chủ nhưng mà chủ không nói gì thì lấy cũng không sao. Con đa nghi nên mới hỏi bởi vì mẹ chồng hay hái ngải cứu trên bờ ruộng của người ta, bà cũng không nghĩ đó là trộm cắp vì như con nói ở trên vì họ nghĩ là chủ không cần đến.
2. Còn chuyện thứ hai thì do A và B cãi vã nhau nên A bị B đánh.
Bạn Lê Kim Thúy nghi vậy cũng là đúng đắn, khi học Pháp và hành Pháp chúng ta phải tư duy, tìm hiểu cho rõ ngọn ngành thì mới phá nghi để rồi cầu chứng quả được chứ. Không nên mù mờ nghe người ta bảo thế này thì vội tin ngay được. Trong kinh tạng Nikaya Phật cũng dạy về 10 điều chớ vội tin, nên quán xét xem những điều đó có phù hợp với giáo pháp hay không. Có như vậy mới sinh ra được chánh kiến, có chánh kiến rồi mới có chánh tư duy. Có 2 điều đó rồi mới có những thứ khác chân chánh ở trong Bát Chánh Đạo được.
Về giới trộm cắp thì ngày trước mình quy y Sư Phụ có nói về giới này là không lấy cả cây kim ngọn cỏ khi chưa được phép, và mình cũng tư duy lại rằng điều này là đúng đắn. Vì nếu lấy những thứ nhỏ nhặt khi không hỏi thì lại là nhân dù rất nhỏ cũng khiến chúng ta sau này dễ lấy những thứ lớn hơn mà không cần hỏi. Việc hỏi, xin phép này cũng là cách để tự nhắc nhở chúng ta về việc không được trộm cắp vậy.
Trước 1 sự việc như chuyện A và B, người Phật tử chúng ta nên xét xem nhân, duyên và quả giữa 2 người này. Tìm hiểu rõ ngọn ngành vì sao xảy ra chuyện giữa 2 người. Tránh đánh giá sự việc chỉ qua sự việc xảy ra vì có những điều tưởng là thiện nhưng không phải thiện hay có những điều tưởng là ác mà lại là thiện. Nếu chỉ đánh giá sự việc 1 cách nhanh chóng lại dễ sinh ra khẩu nghiệp.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Thưa chư vị Tiền bối! Con lại có vấn đề chưa sáng tỏa, chuyện là thời gian gần đây nhiều chậu hoa được xuất hiện như lan hồ điệp, cúc vàng, sen đá…v.v và các loại hoa khác, con thấy có người mua về để nguyên chậu lên bàn thờ cúng Phật luôn, con không biết việc làm này có đúng pháp không nên mới thưa hỏi với vị cư sĩ kia thì chú ấy bảo là không nên lười biếng thay nước bình hoa, để nguyên chậu thì hoa sẽ được tươi lâu hơn nhưng không nên. Con thì biết được câu chuyện là có cậu bé nào đó thấy người ta cúng dường cho Phật, cậu ấy đang chơi và cũng bắt chước lấy ít đất cát cúng dường cho Phật và được Phật thọ kí làm vua…
Như vậy, có phải mọi sự cúng dường, chúng ta không thể kết luận được là tội hay phước khi chỉ mới nhìn bên ngoài đúng không ạ? Như vậy thì việc để nguyên chậu lên bàn thờ cúng thì cũng chưa thể kết luận được là tội hay phước đúng không ạ?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Kim Thúy,
*Tội hay phước ở ngay nơi tâm của mỗi người. Việc dâng chậu hoa lên cúng dường trên bàn thờ Phật và bình hoa không có sự khác biệt nếu chậu hoa đó được làm sạch sẽ.
*Việc cậu bé cúng dường Phật bằng cát là biểu pháp cho chúng sanh thấy cúng dường chô dù là đồ nhỏ nhất nhưng nếu dùng tâm cung kính, chân thành, thanh tịnh thì so với những đồ lớn hơn không có sự khác biệt.
*Tại sao cúng cát cho Phật mà vẫn có phước? Vì Phật xét nơi tâm của đứa bé chứ không nhìn vào đồ vật. Vì vậy Phật dạy cúng dường phải có 3 sự thanh tịnh: không có người cúng; không có người được cúng và không có vật cúng. Làm được vậy thì sự cúng dường mới hoàn toàn đúng pháp.
Chúc bạn an lạc.
TN
Chào bạn Kim Thúy
Đức Phật có dạy trong Kinh Pháp Cú rằng:
” Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.”
Nên phải xét xem họ cúng dường với ý như thế nào mới biết được là có công đức hay không. Trong Kinh Tăng Chi Bộ, tạng Kinh Nikaya đức Phật có dạy về 6 phần công đức khi cúng dường trong đó 3 phần thuộc về người đi cúng dường như sau: “Này các Tỷ-kheo, người bố thí, trước khi bố thí, ý được vui lòng; trong khi bố thí, tâm được tịnh tín; sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ”. Chỉ sợ người đó ban đầu cúng dường với tâm ý tịnh tín nhưng sau này lâu ngày lại sinh ra tâm do lười thay hoa mới mà để đấy thì lại mất đi phúc báo mà thôi. Còn xét kĩ thì theo mình vẫn nên thay hoa thường xuyên, vừa để tránh tâm mình sinh ra sự lười biếng, vừa để quán xét được sự vô thường khi hoa đẹp rồi lại héo rồi tàn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Dạ! Con xin cảm ơn lời chia sẻ của hai chư vị Tiền bối!
Chẳng qua là con thấy có một số liên hữu mua cả chậu lan hồ điệp đem vô cúng dường trong chùa, hoặc mua những chậu hoa nhỏ cúng dường để trên bàn thờ Phật tại gia, bên trong chậu hoa thì đương nhiên là còn rễ với có khi có đất, con không biết việc làm đó là có đúng pháp hay không, bản thân mình nên làm thế nào, có nên khuyên họ đừng như vậy không..v.v nên con mới thưa hỏi cùng chư vị ạ!