Vào khoảng niên hiệu Đại Nghiệp ở Lạc Dương có một người họ Vương thường giữ năm giới, nói trước được những việc chưa xảy ra, xóm làng đều rất kính trọng tin cậy. Một sớm kia bỗng Vương bảo với mọi người rằng: “Hôm nay chắc chắn rằng sẽ có người mang đến cho tôi một con lừa”. Tới giữa trưa quả nhiên có người dắt đến cho một con lừa, sụt sùi khóc lóc mà rằng: “Tôi mồ côi cha từ sớm, mẹ tôi ở góa nuôi hai anh em tôi một trai một gái. Cô em gái đã lấy chồng và mẹ tôi mất đã hai năm. Nhân ngày hàn thực vừa rồi, tôi có mang cơm rượu đi tế mộ. Tôi cưỡi lừa đi viếng mộ, định qua sông Y Thủy mà lừa không chịu đi, tôi bèn đánh lừa vỡ đầu chảy máu. Tới mộ thả lừa ra để tế thì thoáng một cái đã mất lừa, hồi lâu mới thấy trở lại chỗ cũ”. Cũng hôm đó người em gái một mình ngồi ở nhà anh, bỗng thấy mẹ xộc vào, mặt mũi máu me ròng ròng, hình dáng tiều tụy, gào khóc bảo rằng: “Lúc sống tao giấu anh mày năm thăng gạo, bị gánh tội này, phải làm thân con lừa, trả nợ cho anh mày năm năm rồi. Hôm nay định vượt sông Y Thủy, sông sâu tao sợ. Anh mày đã lấy roi đánh tao, đầu mặt đều bị toạc hết. Anh mày còn định lúc về sẽ đánh tao đau hơn nữa. Tao phải chạy đến báo với mày. Nay tao đã làm trả nợ gần xong rồi, sao lại hành hạ tao cực kỳ phi lý như vậy”. Nói xong mẹ liền đi ngay.
Lát sau không tìm thấy nữa. Người anh về đến nhà rồi, cô em trước hết ngắm đầu lừa, mặt lừa bị đánh toạc máu, như thấy mẹ bị thương liền ôm lấy mà hò khóc. Người anh lấy làm lạ hỏi, em mới thuật lại đầu đuôi. Anh cũng nói lại chuyện lừa lúc đầu không chịu vượt sông và sau đó đi mất rồi lại như thế nào, thấy rất phù hợp với nhau. Anh em liền ôm nhau khóc lóc thảm thiết. Lừa cũng ứa nước mắt chẳng chịu ăn cỏ uống nước. Hai anh em bèn quỳ xin: “Nếu quả là mẹ xin hãy ăn cỏ”. Lừa liền ăn cỏ, lát sau lại thôi. Hai anh em không còn biết làm sao bèn mang thóc đưa lừa đến chỗ Vương ngũ giới, lúc đó lừa mới chịu ăn. Sau khi lừa chết, hai anh em bèn mang đi chôn cất.
Trích: Lục Đạo Tập
Tác giả: Thượng tọa Thích Viên Thành
Kẻ trọng lợi thì tất sẽ khinh nghĩa
Khi xưa, lúc Lão Tử rời đi thì gặp một vị quan. Vị quan này đã hỏi Lão Tử: “Tôi có hai đứa con nhưng không biết về sau tôi nên nhờ vào đứa con nào?”. Lão Tử lấy một số tiền để lên trên bàn, sau đó nói với hai người con của vị quan này. Ông nói với đứa con lớn trước: “Con chỉ cần đánh cha con một cái thì số tiền này sẽ là của con”. Đứa con lớn trông có vẻ ngốc nghếch, nhưng nó cúi đầu và nói: “Không được! Sao lại có thể đánh cha của mình được!”. Nói sao nó cũng không làm. Tiếp theo, Lão Tử lại nói với đứa con trai nhỏ hơn. Đứa trẻ này tương đối thông minh lanh lợi, đầu óc rất nhanh nhạy. Hầu hết cha mẹ đều cảm thấy đứa con nào tốt hơn? Có thể là đi đâu cũng đều khen ngợi: “Anh xem, đứa con nhỏ này của tôi thông minh biết bao”. Lão Tử liền nói với nó: “Con chỉ cần đánh nhẹ một cái thôi, số tiền này sẽ là của con”. Đứa con liền đi đến đánh người cha một cái, sau đó nhanh chóng lấy tiền bỏ vào túi của mình. Lão Tử liền quay sang nói với người cha rằng: “Bây giờ ông đã biết sau này nên nhờ vào ai rồi đấy!”.
Sau này, khi vị quan này về già, quả thực chỉ có đứa con lớn luôn ở bên cạnh chăm sóc ông, đứa con nhỏ thì đi đến một nơi khác để làm ăn. Khi vị quan này qua đời, tin người cha qua đời truyền đến tai của người con nhỏ, người con này nghĩ: “Mình vừa đi vừa về phải mất hết một khoảng thời gian, không biết mua bán sẽ tổn thất biết bao nhiêu tiền”. Sau cùng, ngay cả lễ tang của người cha mà người con này cũng không về. Cho nên Lão Tử Ngài rất có trí huệ, có thể từ trên hành vi của một đứa trẻ mà suy đoán ra được nội tâm của chúng. Bởi vì “kẻ trọng lợi thì tất sẽ khinh nghĩa”, chỉ cần có xung đột với lợi ích của họ, họ nhất định sẽ không quan tâm, nhất định phải đem lợi đặt lên hàng đầu. Cho nên hầu hết mọi người đối với con cái đều đặc biệt xem trọng đứa con thông minh lanh lợi hơn, nhưng thường thì đến cuối đời, những đứa con chân chất thật thà mới là người chăm sóc cho họ.
Trích Hạnh Phúc Nhân Sinh do Thầy Thái Lệ Húc giảng giải
ĐÃ BIẾT ĐỜI LÀ VÔ THƯỜNG SAO VẪN CÒN PHIỀN NÃO?
Tất cả mọi thứ trên thế gian này đều là hư giả, là vô thường. Đối với những được mất của chính mình cần phải BUÔNG XUỐNG, không nên vì những được mất này mà tự tạo lấy phiền não cho chính mình.
Chúng ta đã biết tất cả mọi thứ trên thế gian này cả thẩy đều là hư giả, là vô thường vậy sao vẫn còn ra sức muốn níu giữ, vẫn còn muốn cái này, vẫn còn đòi hỏi cái kia, vẫn còn muốn đi tranh đi đoạt cùng người, vẫn còn cố chấp muốn giữ lấy những thứ không thuộc về mình, để rồi chính mình tự chuốc lấy phiền não?
Chúng ta dành hết thời gian của mình để chạy đuổi theo những danh lợi, tiền tài, vật chất hư giả của thế gian đến cuối cùng ta có được gì? Chỉ là 1 màn trống rỗng mà thôi.
Từ dòng lịch sử ta thấy được ngày xưa biết bao nhiêu vua chúa, công hầu khanh tướng đều dành cả đời mình để chạy theo những thứ hư giả, có được rồi sao? Đến khi chết đi vẫn phải để lại hết cho đời. Biết bao nhiêu cung điện huy hoàng, ngày nay đều trả lại hết cho hư không, chẳng thể giữ lại được gì cả.
Những tiền của, danh lợi mà ngày nay ta đang hưởng đó có phải thật sự là của ta hay không? Không phải, là do VẬN MẠNG CHO CHÚNG TA MƯỢN ĐỂ XÀI TẠM trong một giai đoạn nhất định nào đó mà thôi. Thế nhưng chúng ta lại cứ luôn rằng những tiền của này là CỦA CHÍNH MÌNH để rồi luôn cứ lao tâm khổ tứ suy nghĩ đủ phương kế làm sao để giữ cho thật chặt, 1 đồng cũng chẳng để cho sứt mẻ. Nhưng rồi có giữ được không?
Cho nên, đối với những được mất của chính mình cần phải BUÔNG XUỐNG, không nên vì những được mất này mà tự tạo lấy phiền não cho chính mình. Có thời gian rãnh rỗi 1 phút thì cố gắng ra sức niệm Phật 1 phút, có thời gian 1 giờ thì cố gắng niệm 1 giờ, cho đến 1 ngày, 1 tháng, 1 năm, 1 đời… Phải vì sanh tử của mình mà ra sức niệm Phật để thành tựu cho chính mình.
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
Những hiểu lầm nghiêm trọng khi nghe pháp
https://www.youtube.com/watch?v=DPSqeWj_IJg
Làm việc thiện kéo dài tuổi thọ
Vào thời Quang Tự nhà Thanh, có một thầy bói nổi tiếng tên là Trần Kỳ sống ở Hàng Châu. Thuật coi tướng của ông rất hiệu nghiệm nên người ta gọi ông biệt danh là “Kỳ mắt ma”.
Thời gian đó, ở Hàng Châu có một doanh nhân giàu có tên là Tiết Nhĩ. Một hôm, anh ta mời hai người bạn cùng đi xem bói. Người thầy bói là Kỳ mắt ma đã nói với một trong hai người bạn của Tiết Nhĩ rằng: “Anh sẽ được thăng chức vào mùa thu!”. Ông nói với người bạn còn lại: “Trong thời gian một tháng, anh sẽ nhận được cả một gia tài!”.
Rồi ông nhìn Tiết Nhĩ và ngạc nhiên nói: “Mặt của anh trông đen như vữa, tôi sợ rằng anh không thoát khỏi cái chết trong 50 ngày nữa – anh sẽ không sống được đến Trung Thu!”
Người bạn đầu tiên của Tiết Nhĩ là một viên quan triều đình. Một ngày nọ trong khi đi dạo trên núi, nghe tin quan tổng đốc đang đi săn, nên anh dừng lại để nhìn xung quanh. Anh ta nhanh chóng trông thấy một con gấu xám đang đuổi theo một người đàn ông. Để cứu người đàn ông, anh nhặt lấy cành cây bên đường và lao vào đánh nhau với con gấu xám. Một lát sau, vài người lính đến giúp anh giết con gấu. Lúc đó anh ta mới nhận ra người đàn ông bị gấu đuổi là quan tổng đốc. Để cảm ơn người cứu mạng mình, quan tổng đốc hứa sẽ thăng chức anh làm quan phủ.
Người bạn thứ hai của Tiết Nhĩ là một học giả. Khi ông của anh ta sắp chết, các con cháu ở xa được yêu cầu chuẩn bị đám tang cho cụ. Ông cụ bảo với người nhà: “Ai về nhà trước tiên sẽ được 5.000 lạng vàng chôn ở sân sau”. Vì là người hiếu nghĩa, khi biết tin ông nguy kịch, ngay trong đêm đó người bạn đó đã đi về nhà. Lúc anh quay về, ông của anh vẫn chưa chết và ngay lập tức cho anh 5.000 lạng vàng.
Sau khi chứng kiến lời tiên đoán về hai người bạn của mình trở thành sự thật. Tiết Nhĩ nghĩ rằng mình sẽ không thoát được điềm gở được báo trước. Nên anh lấy tiền của mình đi làm nhiều việc thiện: xây cầu và bố thí cho người nghèo khó. Anh nghĩ rằng cái chết của mình sẽ đến không sớm thì muộn, nên không có gì để lo lắng hay cảm thấy bất an.
Một ngày nọ, Tiết Nhĩ đi đến sông Tiền Đường, anh nhìn thấy một người đàn ông có ý định nhảy sông tự vẫn. Lập tức anh chạy đến và ôm chặt người đàn ông, rồi hỏi lý do vì sao tự tử. Người đàn ông kể rằng tên là Hồ Thanh, sinh ở Dương Châu. Ông đã cầm tiền của mấy người anh em trai đến Hàng Châu mua hàng, nhưng trong đêm đó một cơn bão đã làm chìm thuyền. Mặc dù thoát chết nhưng tiền thì mất hết, ông không dám về nhà và định nhảy sông tự vẫn. Nghe xong câu chuyện, Tiết Nhĩ ân cần khuyên bảo và đưa ông ta 2.500 lạng bạc. Hồ Thanh hỏi tên Tiết Nhĩ để sau này có thể trả lại số tiền, nhưng Tiết Nhĩ không cho biết tên.
Một ngày cách Trung Thu nửa tháng, khi Tiết Nhĩ đang dạo phố, anh gặp lại thầy bói Kỳ mắt ma. Vị thầy bói ngạc nhiên nói với anh: “Sắc đen trên khuôn mặt đã biến mất – anh được định số phải chết, nhưng lại không chết. Chắc chắn anh đã làm vài việc rất tốt, nên đã được kéo dài tuổi thọ”.
Nghe vậy, Tiết Nhĩ ngộ ra đạo lý “làm việc tốt có thể kéo dài mạng sống” là đúng. Anh mỉm cười và giải thích chuyện gì đã xảy ra sau lần gặp trước. Anh cảm ơn vị thầy bói về lời khuyên quý báu. Kể từ đó, Tiết Nhĩ chân thành làm nhiều điều tốt, ông sống đến năm 90 tuổi.
Trích: CẢM NGỘ NHÂN SINH
Chó Biết Quy Y
Có một bà họ Thẩm ở Thượng Hải sau khi học Phật rồi, thì dốc sức hóa độ mẫu thân chưa tin Phật. Mẹ bà họ Trương, trước khi về hưu từng là lãnh đạo cao cấp của Công ty Hàng không nọ. Bà Trương luôn miệt thị, cho Phật pháp là mê tín. Song vì chiều con, bà cũng ráng mướn xe đến Thiên Tân gặp tôi một lần.
Lúc tôi vừa bắt đầu giảng, bà quay mặt sang chỗ khác, ra cái điều “ta đây không thèm nghe, không thèm để ý tới”… Đến khi tôi kể những câu chuyện nhân quả có thực mình từng chứng kiến và đích thân trải qua, thì bà dần dần quay mặt lại, chăm chú lắng nghe, tuy cảm thấy có lý nhưng vẫn còn bán tín bán nghi…
Mấy tháng sau, bà đi Sơn Đông và ngụ nơi nhà người quen mấy ngày. Bình thường bà rất ghét và sợ chó, nhưng nhà người quen này lại nuôi một con chó săn to lớn, dữ tợn. Tất nhiên đối với bà, nó tỏ vẻ rất hung hăng. Mỗi lần bà bước ra sân, con chó luôn nhào tới sủa dữ và nhe nanh: Như muốn tấn công bà. Khi chủ nhân la mắng thì nó tạm im một chút, rồi sau đó lại gay gắt sủa tiếp…
Đang lúc muốn đối phó với con chó này, bà Trương bỗng nhớ tới lời tôi giảng (hay khuyên nên qui y cho loài vật và bày cách ứng xử với kiến, muỗi v.v…) Thế là bà liền đứng ở chỗ con chó không thể vồ tới, thử nói với nó như thế này:
– Ngươi đối với ta như vậy, có lẽ do kiếp trước ta có chỗ không phải với ngươi. Riêng phần ngươi, chắc chắn đã từng làm qua việc xấu, nếu không thì giờ này đâu phải mang thân chó, sống chẳng được thoải mái tự do? Ta thấy rõ là ngươi cũng không muốn hướng ta đòi nợ, vậy thì xin ngươi hãy niệm Tam quy theo ta, phát tâm tu hành theo Phật, để đời sau sớm được làm người mà tu hành, ngươi có chịu không hả?
Khi nói như vậy, bà phát hiện con chó khí thế đang bừng bừng hung háng bỗng lập tức dịu lại, nó không sủa nữa mà ngồi xuống nghiêng đầu, nhìn chăm chăm vào bà. Bà bèn tiến tới gần con chó, lớn tiếng niệm: “Qui y Phật, bất đọa địa ngục! Qui y pháp bất đọa ngạ quỷ! Qui y Tăng bất đọa súc sinh!”… Bà đọc liên tục ba lần, lúc này chuyện đáng kinh ngạc xảy ra: Con chó đang ngồi, bỗng nhiên nó chắp hai chân trước lại giống như người ta chắp tay, sau đó đầu nó phủ phục xuống, mọp sát đất, nó làm hét sức có quy củ, còn hướng bà đảnh lễ ba lần! Trương cư sĩ sửng sốt, đứng ngây người nhìn…
Một lúc sau bà mới hiểu ra và thấm thìa: Quả thực là loài vật cũng biết tu!
Từ đó về sau, mỗi khi con chó gặp bà thì nó lắc mình vẫy đuôi, lộ vẻ vui mừng như thấy người thân, không còn nét gì là hung dữ nữa. Bà Trương cũng nhờ việc này mà tín tâm thêm kiên định, bà thực sự bước vào con đường học Phật, tu hành.
Đại chúng nên tinh tấn tu, sám hối diệt tội giải oán.
Trích Nhân quả phụ giải Lương Hoàng Sám tập 2
Cư sĩ Quả Khanh
Ni Sư Hạnh Đoan dịch.
Lúc chết còn thiếu nợ người bị đầu thai làm heo trả nợ
Thông thường trong cuộc sống, chúng ta mưu sinh đủ nghề, thường tìm mọi cách để “trên cơ”, hơn người khác cho bằng được. Có thể dùng cả thủ đoạn, hoặc mưu mô để chiếm đoạt lợi ích của người khác, vì chúng ta nghĩ rằng như thế sẽ “khôn”. Nhưng thật sự có khôn hay không? Nhân quả báo ứng tơ hào không sai. Nếu như nợ tiền thì trả theo tiền, nợ tình thì trả theo tình, nợ không đủ trả thì phải đầu thai kiếp súc sinh để mà trả. Đời vay vay trả trả, hiểu biết nhân quả rồi chúng ta có dám “mánh mung”, “thủ đoạn” đủ mọi cách để tư lợi hay không? Xin mời quý vị theo dõi câu chuyện có thật sau đây.
Cách đây mấy mươi năm, ở Thủ Ðức có một nữ Phật tử tu tại gia. Vì vợ chồng cô là tín đồ thuần thành, trọng Phật kính Tăng, nên các sư thường đến ghé thăm, có khi được mời nghỉ đêm tại nhà. Thời đó, ảnh hưởng chánh pháp chưa được lan rộng, tuy cô đã thọ quy giới nhưng chưa hiểu rõ về đạo, nên trong nhà cũng có nuôi heo để thêm rộng rãi cho cuộc sống.
Khi nọ, có một vị Hòa thượng đến nghỉ đêm tại nhà cô, nửa đêm chợt thức giấc nghe tiếng động dưới bộ ván mình nằm, và có giọng nói nho nhỏ rằng: “Tụi bây không biết, chớ tao tên là Nguyễn Thị Hòa (vì liên hệ gia đình xin giấu tên) bởi có thiếu bà chủ nhà này một số tiền, nên phải đầu thai ra thân súc vật để trả nợ”.
Hòa thượng nghe xong lấy làm lạ, sẽ lén nhẹ nhàng cúi xuống rình xem, thì thấy một heo nái nói chuyện với mười hai heo con đang bú. Sáng ra, Hòa thượng hỏi người tín nữ:
– Lúc trước có cô Nguyễn Thị Hòa thiếu cô một số tiền như thế, có phải không?
– Dạ thưa đúng như vậy. Nhưng cô ấy nghèo và bây giờ đã qua đời, nên con kể như bỏ luôn. Ủa! Mà chuyện này chỉ riêng mình con với cô ấy biết, ở nhà con cũng không hay, tại sao thầy lại hiểu rõ ràng như vậy?
Hòa thượng đem chuyện đêm hôm thuật lại. Cô chủ nhà cả kinh, vội đem bán heo mẹ lẫn mười hai heo con, thì thêm một việc lạ, số tiền thu được đúng với tiền cô Nguyễn Thị Hòa đã thiếu mình khi trước.
Trải qua sự này, cô tín nữ càng tin việc luân hồi nhân quả hiển nhiên là có thật. Từ đó cô tu hành thêm tinh tấn và cải gia vi tự, thành ra ngôi chùa Phước Trường hiện giờ.
Tại chùa này, hiện nay linh vị thờ cô vẫn còn. Tiên đức đã bảo: “Súc sanh bản thị nhơn lai tố. Nhơn súc luân hồi cổ đáo kim!” (Súc sanh kia trước là người. Xưa nay người, súc luân hồi đổi thay!) Việc trên đây là một chứng minh cho lời này vậy.
Thuật theo lời Thượng tọa Thích Thanh Từ, khi Thượng tọa đến diễn giảng và thăm chùa Phước Tường ở Thủ Ðức