Ngụy-Thù là một vị tướng tài ba của nước Tấn trong thời Chiến-Quốc, có một người thiếp là Tổ-Cơ rất trẻ và đẹp. Mỗi khi ra trận đánh giặt, Ngụy-Thù đều dặn người con trưởng là Ngụy-Khỏa rằng:
– Nếu ta ra trận không may mà chết, con nên cho Tổ-Cơ đi lấy chồng để cho nàng có chỗ nương tựa, chớ để nàng hầu của ta phải khổ sở, như thế dẫu ta ở nơi chín suối cũng được yên lòng.
Đến lúc Ngụy-Thù ốm nặng, biết mình sắp chết, lại dặn Ngụy-Khỏa rằng:
– Tổ-Cơ là người hầu thiếp yêu quý của ta, khi ta chết rồi, con phải chôn nàng ấy theo ta, để ta ở nơi suối vàng có người bầu bạn.
Khi Ngụy-Thụ chết, Ngụy-Khỏa không làm theo lời trăn trối của cha, vì cho rằng chôn một người sống theo người chết là một tội lỗi, làm người sống chết oan. Khi mai tang cho người cha xong, Ngụy-Khỏa gả nàng hầu thiếp của cha mình cho một nho sĩ. Người em là Ngụy-Kỳ hỏi tại sao không làm theo lời trăn trối của người cha? Ngụy-Khỏa đáp:
– Lúc cha còn khỏe, thường dặn là sau này phải lấy chồng cho Tổ-Cơ, đến khi bệnh nặng gần mất lại dặn phải đem nàng chôn theo, đó là lời dặn trong lúc mê sảng mà thôi. Người hiếu-tử nên nghe theo lời dặn trong lúc sáng suốt mà không nghe theo lời trăn trối trong lúc mê sảng.
Về sau Ngụy-Khỏa làm tướng nước Tần, đánh nhau với nước Tấn. Tấn có một vị tướng tài là Đỗ-Hồi, là một lực sĩ sức khỏe hơn người, nước Tần không một tướng nào địch nỗi, Ngụy-Khỏa đánh nhiều trận đều bị thua. Một đêm, Ngụy-Khỏa đang ngồi trong trại suy nghĩ về mưu kế để giao chiến với Đỗ-Hồi, bỗng nghe có tiếng người ghé vào tai nói: “Thanh thảo bì”.
Ngụy-Khỏa không hiểu ý nghĩa gì, bèn đem chuyện này nói với người em là Ngụy-kỳ. Ngụy-Kỳ nói:
– Cách đây độ mười dặm có một bãi cỏ, tên là Thanh-Thảo-Bì, hay là quân Tấn sau này sẽ phải thất bại tại nơi đây chăng? Như vậy để em đem một toán quân đến đó mai phục, và anh lấy kế để dụ quân Tấn đến, hai anh em ta hợp sức với nhau mà đánh với Đỗ-Hồi may ra có thể thắng được.
Ngụy-Khỏa dùng kế dụ Đỗ-Hồi đến Thanh-Thảo-Bì. Trong trận chiến, Ngụy-Khỏa đang ở trong thế lâm nguy, không dè thình lình thấy mỗi bước đi của Đỗ-Hồi đều bị ngã, quân Tần thấy vậy vui mừng, reo ầm cả lên. Trong lúc này, Ngụy-Khỏa trông thấy một lão già mình mặc áo vải, đầu tóc bạc phơ, chân đi giầy đay, đang kết cỏ làm dây buộc vào chân của Đỗ-Hồi. Đỗ-Hồi vì thế bị té và
bị Ngụy-Khỏa bắt được.
Đêm hôm ấy, Ngụy-Khỏa nằm mơ thấy ông già kết cỏ nơi Thanh-Thảo-Bì đến trước mặt vái chào và nói:
– Tướng-quân có biết vì cớ gì mà Đỗ-Hồi bị bắt hay không? Vì lão phu kết cỏ lại làm cho Đỗ-Hồi bị vướng chân mà té đấy.
Ngụy-Khỏa nói:
– Tôi chưa quen biết cụ bao giờ, sao cụ lại giúp tôi như thế, tôi biết phải lấy gì để đền đáp cụ?
Lão già đáp:
– Lão phu là thân-phụ của Tổ-Cơ. Tướng-quân biết theo lời dặn sáng suốt của thân-phụ mà gả chồng cho con gái của lão-phu.Vì cái ơn ấy nên lão-phu ra tay giúp tướng-quân. Sau này con cháu của tướng-quân còn được hiển vinh nữa.
Khi Ngụy-Khỏa tỉnh dậy, mới nghĩ đến chuyện củ, và biết ông già đó chính là cha vợ của thân-phụ mình.
Trích Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên
Thích nghĩa: Thương yêu cô-nhi, giúp đỡ quả-phụ, kính trọng người già, yêu thương bậc trẻ, ngay đến loài côn trùng và thảo mộc cũng không thể tổn thương đến.
Chú giải: “Cô” là người mất đi cha mẹ; “quả” là người góa chồng, đều là những người đáng thương cần phải giúp đỡ. Người già tuổi cao, thạo đời hơn ta nên kính trọng. Tuổi nhỏ ấu trí, tầm hiểu biết còn non nớt, cần phải có lòng yêu thương dìu dắt. Côn trùng lớn như sâu bọ, nhỏ như kiến đều có sinh mệnh, không nên giết hại, cây cỏ cũng thế, nếu vô cố đốt rừng phá cây, nhất là dùng thuốc giết hại cây cối lại là một tội.
Trong 4 kiểu người luôn sợ hãi cái chết, bạn là kiểu người thứ mấy?
Một hôm, có một người Bà la môn tên là Janussoni tới gặp Đức Phật. Janussoni hỏi Đức Phật rằng: “Thưa Đức Phật, chắc hẳn là ai cũng sợ chết có đúng không ạ?”
Đức Phật lắc đầu và nói: “Đúng là có những người thì sợ chết, nhưng cũng có những người không hề sợ cái chết”.
Janussoni tỏ ra rất ngạc nhiên, mới hỏi lại Đức Phật rằng: “Lại có những người không sợ cái chết hay sao, thưa Đức Phật? Họ là những ai vậy?”.
Đức Phật nói rằng, có 4 kiểu người không sợ cái chết:
Thứ nhất, đó là những người đã bỏ được ham muốn, không còn chạy theo hư vinh, vật chất hay dục sắc.
Thứ 2, đó là những người có nhận thức đầy đủ về cơ thể mình. Họ hiểu rằng cơ thể con người là thứ vật chất không thể tồn tại vĩnh viễn, và việc già đi, bệnh tật rồi cái chết sẽ là những quy luật tất yếu của tạo hóa, không có gì cần phải sợ hãi.
Thứ 3, những người thường làm việc thiện, sẽ có tâm rất thanh thản, nhẹ nhàng, không còn gì phải hối tiếc khi cận kề với cái chết.
Thứ 4 là những người đã được giác ngộ, hiểu rõ về Phật pháp, không còn hồ nghi hay băn khoăn điều gì nữa. Họ sẽ là những người hiểu được trần gian chỉ là cõi tạm mà thôi, và cái chết không phải là sự kết thúc, mà là một khởi đầu mới ở một thế giới khác.
Nếu hiểu rõ về Phật pháp, ta sẽ thấy rằng tất cả những sự vui thích mà ta cảm nhận được bằng các giác quan, cơ thể ta, suy nghĩ và tình cảm của ta, bao gồm cả nỗi sợ hãi, đều là những thứ tồn tại một cách có điều kiện, và không phải là vĩnh viễn.
“Vậy những ai thì sợ chết, thưa Đức Phật?”, Janussoni lại hỏi.
Đức Phật khoan thai nói rằng, ngược lại với 4 kiểu người nói trên sẽ là những người luôn bị cái chết ám ảnh.
Thứ nhất là những người chưa bỏ được ham muốn về vật chất và dục sắc. Họ lo sợ rằng sau khi sang thế giới bên kia, họ sẽ chẳng còn có được những thứ này.
Thứ 2 là những người tự yêu bản thân đến mức phát cuồng. Họ cho rằng thân thể đại diện cho chính họ, họ lo sợ khi thấy nó già đi, tàn tạ, bệnh tật và lo sợ cái chết sẽ làm cho họ mất đi cái thân thể ấy.
Thứ 3, đó là những người chỉ làm việc ác, chưa làm được việc gì tốt đẹp cho đời, luôn sợ bị người khác ám hại, và lo sợ sau khi chết, họ sẽ phải trả giá ở thế giới bên kia.
Thứ 4, đó là những người có tâm chưa vững, không hiểu Phật pháp, luôn sống trong sự bất an, nghi ngờ hiện tại, lo sợ tương lai.
Lời bàn: Trong cuốn Kinh Vô Úy (Abhaya Sutta), Đức Phật giải thích tại sao chúng ta nên vượt lên trên nỗi sợ về cái chết.
Khi chúng ta sợ chết là chúng ta đang tự đày đọa bản thân trong cuộc sống này. Ngược lại, khi có thể vượt qua nỗi sợ hãi muôn thuở của nhân loại là cái chết thì chúng ta sẽ luôn cảm thấy ung dung, tự tại và tận hưởng được từng khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống.
Theo Tricycle
Vì sao chúng ta hay cúng tế cô hồn mồng 1 và 15?
Cõi người là then chốt giữa thiện và ác, không gian không lớn, thời gian không dài. Thời gian của ba đường ác dài, thời gian của ba đường thiện cũng dài. Quý vị xem Tứ Vương Thiên, đây là đi lên tầng thứ nhất_Thiện đạo. Một ngày trên Tứ Vương Thiên bằng 50 năm ở nhân gian, thọ mạng 500 tuổi. Cách tính giống như chúng ta, một năm có 365 ngày, nhưng 1 ngày của họ bằng 50 năm của chúng ta, phước báo của họ lớn.
Lên thêm một tầng nữa là Đao Lợi Thiên, phước báo càng lớn, một ngày ở Đao Lợi Thiên là 100 năm ở nhân gian, thọ mạng của họ là 1000 tuổi, càng lên trên thì tuổi thọ càng tăng lên gấp đôi. Như vậy quý vị sẽ biết một ngày ở Dạ Ma Thiên bằng nhân gian 200 năm, thọ mạng 2000 tuổi. Lên nữa là Đâu Suất Thiên, chỗ ở của Bồ Tát Di Lặc, một ngày ở cõi Trời này là nhân gian 400 năm, 400 năm là một ngày của họ, thọ mạng 4000 tuổi. Nên Bồ Tát Di Lặc phải ở đó cho đến khi hết thọ mạng ngài mới hạ sanh, thành Phật ở thế gian chúng ta. Bắt đầu tính từ thời Đức Thế Tôn, tính đến lúc ngài hạ sanh thành Phật, thời gian bao lâu? 56 ức 7000 vạn năm, Bồ Tát Di Lặc mới hạ sanh. Hiện nay có người nói Bồ Tát Di Lặc đã hạ sanh, là một sai lầm, không có đạo lý này. Đức Thế Tôn tuyệt đối không có vọng ngữ.
Nên cõi người là thật, giống như là cái then chốt trong thiện và ác vậy. Nhưng cõi người vô cùng đáng quý, nó có thể để quý vị chọn lựa thiện ác. Thời gian của ba đường ác dài, ở trong đường ngạ quỷ một ngày là nhân gian một tháng, một năm ở nhân gian bằng 12 ngày ở ngạ quỷ. Nên tế bái quỷ thần là cúng mồng 1 và 15, đó chính là cúng dường cơm sáng và cơm tối cho họ, vì họ một ngày là chúng ta một tháng.
Đường địa ngục, địa ngục có rất nhiều chủng loại, thời gian đều không tương đồng. Ít nhất_trước đây thầy Lý trong giảng tòa chuyên nói về địa ngục, thọ mạng ngắn nhất là một ngày, một ngày của địa ngục bằng 2700 năm ở nhân gian chúng ta. Người Trung Quốc được mệnh danh là 5000 năm lịch sử, nhưng ở địa ngục chưa đến hai ngày. Đây đều là sự thật, nếu hiểu rồi quý vị sẽ biết, làm thân người thời gian vô cùng ngắn ngủi, là điểm chọn lựa. Chúng ta chọn lên Trời hay là chọn xuống dưới, chọn lên Trời phải tu đức hạnh. Còn nếu như tùy theo dục vọng của mình, đeo đuổi danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn, đó là đi xuống dưới, điều này có thể làm được chăng?
A Di Đà Phật
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa: [Tinh Hoa Khai Thị 菁華開示 ] Trích đoạn:TĐĐK ~ tập,517
Trong “Cảnh thế thông ngôn” có ghi lại một câu chuyện nhỏ: Vào thời cổ đại, ở phía Đông thành Vô Tích có hai vợ chồng nhà Lữ Ngọc. Hai người có một cậu con trai duy nhất tên là Hỉ Nhi. Lúc Hỉ Nhi vừa được ba, bốn tuổi, khi đi xem hội đèn lồng thì bị bọn buôn người bắt cóc.
Hai vợ chồng tìm kiếm khắp nơi trong thành phố, nhưng cũng không thể tìm thấy con.
Có một ngày đang đi trên đường thì nhặt được một bao vải màu xanh, bên trong có chứa hai trăm lượng bạc.
Lữ Ngọc mặc dù nghèo khó, nhưng biết rằng tiền tài bất nghĩa không thể lấy, liền đứng ở đó chờ đợi, cuối cùng bạc cũng được trả về cho chủ. Người mất của vô cùng cảm kích. Người mất của thấy nhân phẩm của anh ta thật đáng ngưỡng mộ, liền hỏi anh ta có con trai không, muốn cho kết đôi với con gái của mình để làm thông gia.
Nhắc tới chuyện thương tâm, Lữ Ngọc vô cùng xúc động, liền đem chuyện con nhỏ bị lạc đường, rồi phải ra ngoài tìm con như thế nào, kể chi tiết cho người kia biết.
Người mất của cũng rất đồng cảm, liền muốn giao lại đứa bé sai vặt cho Lữ Ngọc, để làm con nuôi phụng dưỡng sau này. Ông trời có mắt, đứa bé sai vặt mà người mất của giao cho Lữ Ngọc lại chính là Hỉ Nhi.
Câu chuyện kết thúc có hậu, Hỉ Nhi cùng con gái của người mất của ký kết hôn ước, sau khi hai người kết hôn, con cái của bọn họ cũng đều thành đạt.
Có thể thấy thiện tâm làm việc thiện, không chỉ ban ơn cho bản thân, còn giúp cho gia đình thịnh vượng, thậm chí tạo phúc cho con cháu đời sau.
Đây chính là: ‘Người lương thiện thì có phúc báo, người chân thành thì hay gặp may’. Trong tâm có thiện niệm tất sẽ được ông trời phù hộ, lòng mang chân thành hạnh phúc tự nhiên đến.
CẢM NGỘ NHÂN SINH