Chị Huệ, pháp danh Diệu Ân, nhà ở Biên Hòa, Đồng Nai đã kể cho tôi nghe câu chuyện nhiệm mầu Phật pháp của bạn chị như thế này. Vợ chồng Liên là bạn thân của Diệu Ân, theo đạo Công giáo, họ đã có một bé trai. Ngày nọ, Liên thấy mình càng ngày mập ra, vòng bụng cứ to dần lên, đầu óc bần thần hay choáng. Liên đi khám bệnh thì bác sĩ cho uống thuốc tâm thần. Tình hình vẫn không thuyên giảm nên có một hôm không chịu nổi nữa cô lên bệnh viện tỉnh để kiểm tra tổng quát.
Vì Liên hay buồn nôn nên bác sĩ cho là bộ tiêu hóa cô có vấn đề. Ông cẩn thận kiểm tra, chẩn khám rất kỹ, cuối cùng phát hiện ra Liên đã có thai bốn tháng. Nghe kể đến đây tôi không kềm được đã ngạc nhiên hỏi lại:
– Lạ vậy, Liên đã từng sinh con, lẽ nào bản thân có thai mà lại không biết?
Diệu Ân cười đáp:
– Vậy mới có chuyện đáng nói! Bởi vì chu kỳ phụ nữ của Liên vẫn xảy ra đều đặn hàng tháng nên Liên không hề nghĩ rằng mình có thai. Khi phát hiện ra thì thai nhi đã được bốn tháng rồi, không thể phá. Nhưng do ảnh hưởng của thuốc an thần Liên đã dùng trong đợt điều trị vừa rồi nên đã ảnh hưởng đến não của thai nhi, khiến cho em bé bị dị tật, không bình thường.
Liên rất lo lắng, nhất là khi đi siêu âm, bác sĩ quả quyết chắc chắn đứa bé sinh ra sẽ bị dị dạng. Cô buồn lắm, quyết định sẽ bỏ thai. Cô nói với Diệu Ân:
– Nhà em kinh tế đã không khá, sinh thêm một đứa nữa lấy gì mà nuôi? Đã vậy đứa bé còn mang dị tật, có khả năng bị liệt rất là cao. Làm sao em dám giữ em bé lại chứ?
Diệu Ân vốn là một Phật tử thuần thành, có niềm tin rất sâu với Phật pháp, nên đã trấn an bạn:
– Em cứ niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm và lễ bái Đức Phật Dược Sư cầu cho bé đi. Bồ-tát Quán Âm rất linh, còn Phật Dược Sư vốn từ bi, có đại nguyện chữa lành bệnh cho chúng sinh. Không những vậy, ai chịu tụng niệm, lễ bái Ngài thì đời sau sẽ có dung nhan xinh đẹp. Em cứ làm như lời chị khuyên đi, an tâm sẽ sinh con ra bình thường. Nếu em đã làm y như lời chị dặn mà cháu bé sinh ra bị dị tật, chị hứa sẽ nuôi dùm cho em!
Nghe vậy Liên yên lòng. Anh chồng đạo Công giáo, nhưng thấy tình trạng thai nhi như vậy đành để vợ tùy ý thực hiện theo lời của Diệu Ân khuyên thử. Thế là suốt năm tháng ròng rã, Liên ngày đêm khẩn thiết niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát và lễ sám Phật Dược Sư. Kết quả tới ngày khai hoa nở nhụy, một bé trai khôi ngô tuấn tú chào đời. Chẳng những dung mạo xinh đẹp, mà mỗi ngày một lớn, bé rất thông minh, vượt xa hẳn anh mình về sắc vóc lẫn trí tuệ. Chồng Liên sau biến cố này, anh liền đi thỉnh tượng Phật Dược Sư về thờ. Còn Liên thì luôn bảo với thằng bé:
– Này con, con phải biết ơn má Huệ, nhờ có má Huệ mà con mới được sinh ra đó nhé!
Hạnh Đoan
Người thiếu căn lành thì một chữ “Phật” cũng không thể đọc nổi huống hồ niệm Phật.
Quý Phật tử từng xem hát, có lẽ cũng biết về một tấn tuồng tên Phong Ma Tảo Tần. Nội dung vở tuồng nói về Ðịa Tạng Vương Bồ Tát muốn giáo hóa Thừa Tướng Tần Cối ở nước Nam Tống.
Thuở xưa Tần Cối rất hiếu thảo với cha mẹ. Vì hiếu thảo với cha mẹ nên ông tạo được một ít công đức. Do đó đời này ông được giàu sang. Nhưng được giàu sang rồi ông không biết tiếp tục tạo căn lành như trước để vun bồi quả tốt cho tương lai và, ông ta đã tạo rất nhiều tội lỗi.
Có lẽ vào một đời nào đó trong quá khứ, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát có quan hệ bạn bè với Tần Cối, cho nên Ngài nghĩ rằng người này nên được cứu độ. Nguyện lực của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát rất lớn. Ngài bèn phát tâm độ ông Tần Cối này.
Ngài độ ông Tần Cối bằng cách nào? Ngài hóa thân làm một vị Tỳ-Khưu, viết chữ “Phật” trong lòng bàn tay rồi đến đưa cho Tần Cối xem. Chỉ cần Tần Cối nhận ra chữ này và nói đó là chữ Phật, thì tất cả tội lỗi mà Tần Cối đã tạo từ trước Ngài sẽ giúp được xá miễn. Ðịa Tạng Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo này để độ Tần Cối. Nhưng khi Tần Cối gặp Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, ông chẳng sanh tâm cung kính. Vì ông không sanh tâm cung kính nên Ðịa Tạng Vương Bồ Tát dùng đại oai thần lực, lấy phất trần phủi một cái khiến ông tự động quỳ xuống, muốn đứng dậy cũng chẳng được. Ðịa Tạng Vương Bồ Tát chìa tay ra và hỏi ông rằng: “Ông hãy xem chữ gì trong lòng bàn tay tôi.”
Tần Cối liếc qua rồi nói: “Tôi đậu Trạng Nguyên, nay làm Tể Tướng, văn tự các nước tôi đều thông, văn tự các nước mang đến xứ này đều qua tay tôi duyệt, hà huống chỉ có một chữ trong lòng bàn tay Ngài? Ngài cho rằng tôi không biết chữ đó hay sao? “Biết thì tôi biết đấy, nhưng tôi không muốn đọc cho Ngài nghe!”
Quý Phật tử nghĩ xem! Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đầy lòng từ bi, muốn ông Tần Cối chỉ đọc một chữ “Phật” mà thôi. Ông ta biết chữ “Phật” đó nhưng chẳng thốt ra tiếng được, lại còn nói: “Tôi biết nhưng tôi không đọc cho Ngài nghe.” Kết quả nghiệp chướng của y chẳng được tiêu trừ mà lại còn bị đọa địa ngục. Câu chuyện này đủ chứng minh niệm Phật chẳng phải là việc dễ dàng.
Giả sử cái tâm chúng sanh của mình “ức Phật niệm Phật,” nhớ Phật niệm Phật. Tâm luôn tưởng nhớ Phật, miệng luôn niệm Phật, thì hiện tiền và trong tương lai nhất định sẽ được thấy Phật. Mình nhớ Phật, niệm Phật, hễ chuyên nhất tất sẽ có linh ứng, tâm phân tán thời linh ứng khó hiển hiện. Tâm niệm được chuyên nhất, niệm Phật một cách khẩn thiết, chí thành, đến nỗi nước chảy cũng là niệm Phật, gió thổi cũng là niệm Phật, niệm cho đến độ mọi âm thanh chung quanh đều là “A Di Ðà Phật,” như vậy mới gọi là “Nhớ Phật niệm Phật”.
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng
Trích từ bài giảng Chương Ðại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông
Thế nào là Nhất Tâm Bất Loạn?
Pháp Sư Tịnh Không trả lời vấn đáp ở phút thứ 39:48
https://youtu.be/CYZPp3YOTg8?t=2388
TỤNG CHÚ VÃNG SANH SIÊU ĐỘ OAN HỒN VẤT VƯỞNG
Bài Chú Vãnh Sinh được trích từ kinh Bạt Nhất Thế Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sinh Tịnh Độ Đà Ra Ni. Tụng chú này tức là diệt các tội nặng ngũ nghịch, thập ác và báng pháp. Tụng chú này là ủng hộ không cho các oan hồn nhiễu hại, được yên ổn vãng sanh, được diện kiến Đức Phật A Di Đà. Chú vãng sanh công năng thật huyền diệu, nhưng cũng thật là bí mật, đúng với danh xưng “mật chú”, khó mà cảm nhận được sự hiển linh của lời chú này.
Câu chuyện được một Phật Tử sống tại California kể lại.
“Năm 2005 tôi có một người em bị bệnh nặng được đưa lên chữa tại bệnh viện Stanford. Sau thời gian chữa trị tại bệnh viện, em tôi được xuất viện. Được xuất viện nhưng không phải là về nhà, mà phải ở lại trong 3 tháng tại một căn chung cư thuê ngay trong khuôn viên bệnh viện để hàng ngày phải có mặt tại bệnh viện cho Bác sĩ theo dõi tình trạng, và với một điều kiện là phải có một thân nhân luôn túc trực bên cạnh. Thế là anh chị em chúng tôi phải chia nhau mỗi người một thời gian đến ở coi người bệnh. Tôi đã nghỉ hưu nên xin nhận coi 2 tuần lễ. Căn phòng thuê là một căn nhà nhỏ ở lầu 3, có phòng khách phòng ăn và phòng ngủ, nhưng muốn cho người bệnh được yên tĩnh, tôi ngủ ngoài phòng khách trên ghế sofa. Hai tối đầu tôi ngủ êm dễ chịu, bỗng tối thứ ba vừa đặt mình xuống, tắt đèn một chút, còn đang mơ màng chưa ngủ thì chợt thấy rất đông người đi từ xa tới. Tôi chợt nghĩ như có đám biểu tình, song giật mình ngay mà nhớ ra là mình đang ở lầu 3, làm sao có đông người đi như vậy được. Tôi hơi sợ, vội niệm Phật, từ từ đám người dãn dần ra, như tản bớt đi, nhưng vẫn còn thấp thoáng. Tôi bèn tụng chú vãng sinh, 1,2, 3, 4, 5 lần thì hết hẳn không còn một bóng nào nữa.
Tuy có linh nghiệm nhưng tôi vẫn chưa dám nghĩ là bài chú vãng sinh đã giúp cho các bóng đen tan biến. Nhưng rồi một lần nữa tôi lại được thấy sự linh ứng của thần chú vãng sinh, một lần nữa tôi phải tin là quả thật có âm có dương, và bài chú vãng sinh quả thật là kỳ diệu.
Cách đây khoảng 2 năm tôi có theo một khóa tu học tại một nơi cách xa thành phố chừng hai tiếng đồng hồ lái xe. Khóa học bắt đầu từ trưa thứ Năm tới trưa Chủ Nhật, tức là 2 ngày 2 đêm. Nơi tu học là một trung tâm rất rộng lớn bao gồm hai tòa nhà, một nơi gồm các phòng rộng rãi có đầy đủ tiện nghi để các khóa sinh ở, và ăn uống. Xa xa là tòa nhà thứ hai có một sảnh đường rộng làm nơi tu học. Sau khi ghi tên đóng tiền, chúng tôi bọn 4 người được chia ở một căn phòng rộng rãi, giường nệm sạch sẽ, cửa kính bao quanh nhìn ra xa chỉ thấy toàn đồng trống mênh mông. Ổn định xong nơi ở, chúng tôi hối hả băng qua một lối đi rộng khá xa để sang bên sảnh đường làm lễ. Chiều về ăn tối xong, ai nấy đều mệt nhoài, vội vàng thu xếp đi ngủ vì ngày mai, thứ sáu khóa lễ bắt đầu từ 5 giờ sáng.
Bốn giờ sáng hôm sau chuông báo thức reo, chúng tôi hớn hở gọi nhau dậy sửa soạn đi sang sảnh đường. Ra khỏi phòng gió lạnh căm căm, tuy vậy đã thấy đông đảo các bạn “đồng tu” túm năm tụm ba hăng hái lên đường tu học. Thế rồi suốt ngày thứ sáu, từ 5 giờ sáng cho tới tối, trừ hai lần nghỉ ăn, chúng tôi bận rộn liên tiếp, nào theo khóa lễ, nghe giảng, thiền hành, nào nghe thuyết pháp, tuy rất vui nhưng khi về đến phòng là chúng tôi… mệt bở hơi tai, nên bảo nhau đi ngủ sớm lấy sức ngày mai vừa theo khóa học, vừ lo sửa soạn lễ… mãn khóa.
Đèn trong phòng vừa tắt, vừa đặt mình nằm xuống, tôi còn đang suy nghĩ đến buổi học ngày mai, thì chợt thấy có mấy bóng đen đi lại quanh phòng, rồi thấy thêm mấy bóng đen to lớn mặc toàn đen đi ra xa rồi lại trở vào. Cả người tôi như lặng đi, mắt nhìn mà chân tay như tê cứng, thì chợt một bóng đen to cúi xuống nhìn vào mặt tôi. Tôi chợt tỉnh vội đọc theo thói quen “Nam Mô A Di Đa bà dạ, đa tha già đa dạ đa điệt gia tha…” rồi nhớ ra là mình đang tụng chú vãng sinh. Thế là tôi tụng liên tiếp không ngừng “A di rị đô bà tỳ, A di rị đa tất đam bà tỳ..” rồi cứ thế tôi đọc không ngừng, 1 lần, 2 lần, rồi 3-4-5 bao nhiêu tôi cũng không nhớ, tới khi mở mắt ra thì không còn bóng nào nữa. Yên tâm tôi ngủ thiếp đi cho tới chuông báo thức reo mới tỉnh dậy.
Sáng ngày ra tôi cứ nghĩ đến cảnh tượng đêm qua, nhưng không dám nói cho mấy đạo hữu cùng phòng vì họ còn nhỏ tuổi hơn tôi, không muốn làm mấy cô ấy sợ.
Hôm sau thứ bẩy, ngày thứ hai của khóa học mà cũng là ngày cuối, thời khóa biểu học vẫn như ngày trước, nhưng thêm mục văn nghệ mãn khóa nữa nên ai nấy đều có vẻ bận rộn thêm. Và buổi tối sau giờ học, sau màn trình diễn văn nghệ, chúng tôi về phòng khá khuya, nên ai nấy vội vàng thu xếp hành lý, rồi tắt đèn ngủ sớm để sáng mai ra về.
Đêm thứ bẩy thật êm ả, tôi đang mơ màng nghe tiếng thở đều đều của mấy cô bạn nhỏ nằm giường bên thì bỗng lại thấy có nhiều bóng trắng ẩn hiện, họ đến khá đông, nhẹ nhàng quanh quẩn chung quanh phòng, có bóng như mặc áo sơ mi trắng, có bóng như mặc nguyên bộ đồ tây, tôi hiểu ra rằng… họ đã đến thăm. Tôi không thấy sợ như tối hôm qua nữa, bình tĩnh tụng chú vãng sinh và thầm khấn nguyện cho họ được siêu sinh tịnh độ. Kỳ này tôi chỉ tụng có ba lần thì các vị ấy… đã ra về hết. Tôi yên tâm ngủ đến sáng.
Vì là đêm cuối tôi mới kể cho mấy cô nghe chuyện có… khách đến thăm mình hai đêm liền. Có thể họ là những oan hồn quanh quẩn nơi đây, thấy người lạ nên họ đến thăm, may mắn tôi đã có chút kinh nghiệm nên bình tĩnh trì tụng chú vãng sinh giúp họ được siêu thoát, đúng theo ý nghĩa của sự trì tụng chú vãng sinh:
“Tụng chú vãng sinh tức là diệt các tội nặng ngũ nghịch, thập ác và báng pháp, là ủng hộ không cho các oan hồn nhiễu hại, là được yên ổn vãng sinh, được diện kiến Đức Phật A Di Đà.”
Qua lần thoát chết trong trận bão Katrina, qua mấy lần thấy những bóng đen bóng trắng ẩn hiện mà lần nào cũng vì tụng Chú Vãng Sinh mà thấy được sự linh ứng nhiệm mầu, tôi không biết nói gì hơn là thành kính tin nhận lời người xưa “Có cầu có ứng” quả thật không sai, và cúi đầu kính cẩn hết lòng tin sự linh nghiệm kỳ diệu của các lời chú.”
Bài Chú Vãnh Sinh được trích từ kinh: “Bạt Nhất Thế Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sinh Tịnh Độ Đà Ra Ni”.
Nam-mô a di đa bà dạ
Ða tha dà đa dạ
Ða địa dạ tha
A di rị đô bà tỳ
A di rị đa tất đam bà tỳ
A di rị đa tì ca lan đế
A di rị đa, tì ca lan đa
Dà di nị dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha. (3 lần)
Tụng chú này tức là diệt các tội nặng ngũ nghịch, thập ác và báng pháp. Tụng chú này là ủng hộ không cho các oan hồn nhiễu hại, được yên ổn vãng sanh, được diện kiến Đức Phật A Di Đà. Chú vãng sanh công năng thật huyền diệu, nhưng cũng thật là bí mật, đúng với danh xưng “mật chú”, khó mà cảm nhận được sự hiển linh của lời chú này.
Như vậy, Bồ tát Phổ Hiền trong pháp hội tại Linh Sơn đã vì chúng sanh đời mạt pháp về sau mà xin phép Thế Tôn tuyên thuyết thần chú Vãng sanh. Theo lời dạy của Bồ tát, nếu có người nào phát nguyện sanh về Cực lạc nhưng vì phước mỏng nghiệp dày, niệm Phật chưa đạt đến nhất tâm thì có thể nương nhờ công đức của thần chú Vãng sanh để được như nguyện. Hành giả thực hành trai giới, giữ ba nghiệp: thân, miệng, ý thanh tịnh; mỗi ngày trì niệm 6 thời, mỗi thời 21 biến thì chắc chắn tiêu trừ tất cả nghiệp chướng, cho dù là ngũ nghịch hay thập ác tội chướng.
Thần chú Vãng sanh có tầm quan trọng như thế, nên người tu pháp môn Tịnh độ luôn trì niệm nhằm thú hướng Lạc bang.
LỜI CHÚ NHIỆM MẦU – Thanh Thái
Niệm Phật mướn!
Bạch Ẩn Thiền sư ở Nhật Bản có một người đệ tử. Người này thường đến than thở rằng cha của y dù tuổi đã cao, mải mê làm việc kiếm tiền không chịu tu niệm gì cả. Mỗi lần nhắc nhở thì ông quả quyết: “Nếu chuyện tu hành mà ra tiền ra bạc thì hãy nói với ta, bằng không thì đừng hòng!”
Hôm nọ, nghe xong nỗi băn khoăn của người đệ tử, Thiền sư Bạch Ẩn bảo: “Chiều nay con về bảo với cha con rằng: Hòa thượng Bạch Ẩn bận bịu công việc quá đỗi nên không thể tu hành như ý muốn được. Ngài nhờ con tìm một người tu mướn. Cứ mười chuỗi niệm Phật là một quan tiền. Cần chọn người tuổi cao như cha. Người làm mướn có thể lĩnh tiền mỗi ngày hoặc hàng tuần cũng được”.
Người đệ tử y lời về thưa với cha mình. Nhận thấy rằng đây là một công việc làm ăn ra tiền, ra bạc hẳn hoi, ông lão sốt sắng nhận lời. Thêm vào đó, ngoài mười xâu chuỗi niệm Phật ăn tiền, ông còn hoan hỷ biếu không cho Hòa thượng thêm hai xâu nữa.
Giao kèo đã ký kết, ông cụ cứ đến chùa lĩnh tiền hàng ngày. Về sau để khỏi mất thời giờ, cụ để dồn hàng tuần mới lĩnh.
Bẵng đi một thời gian không thấy cụ đến lĩnh tiền. Người con theo lời dạy của Hòa thượng, cứ để cha già làm theo ý muốn. Ngoài ba bữa ăn, ông cụ ngồi ngay ngắn trước điện Phật mà “làm mướn”. Cho đến một hôm, thấy cha mình cơ hồ đã ngưng lần chuỗi, mắt khép nhẹ, hơi thở điều hòa, nhẹ nhàng. Người con liền đến báo tin Hòa thượng hay.
Thiền sư Bạch Ẩn đến tận nơi quan sát. Thấy cụ già có dáng người có hơi nghiêng, do tuổi tác cao, nhưng mặt mũi hồng hào. Gương mặt ông phảng phất một niềm bình thản khinh an. Ngài nói khẽ với người con như một hơi gió thoảng: “Cha con đã nhập vào chánh định”
Khi xuất định, ông già đỉnh lễ và nói với thiền sư: “Con xin tri ân thầy đã tế độ mà các chướng ngại của con được tiêu trừ, giờ con cảm thấy hạnh phúc và an lạc.Trước khi niệm Phật, con nghĩ là niệm thuê cho thầy để thầy lấy công đức còn con thì lấy tiền.
Nhưng ngày hôm nay khi con niệm Phật và trải nghiệm sự nhất tâm này, con thấy Giáo Pháp quý báo là thứ cần thiết nhất trong cuộc đời của con, vì vậy con xin lấy lại hết tất cả công đức mà con đã hồi hướng cho thầy, con xin trả lại thầy tiền”.
Lời bàn: Bạn thân mến!Tuy động cơ đầu tiên của ông lão là vì tiền nhưng nương năng lực danh hiệu của Đức Di Đà mà ông đã tịnh hoá được tất cả chướng ngại của mình và đạt đến cấp độ một lòng chuyên niệm và đạt được Nhất tâm bất loạn, an trụ trong tự tính Phật. Khi đạt được trạng thái này thì nhất định sẽ vãng sinh vào bậc thượng phẩm chứ không phải hạ phẩm.Chúng ta niệm Phật với động cơ khác nhau nhưng nếu tinh tấn niệm Phật thì sự gia trì là rất lớn. Thế mới biết nguyện lực, thần lực của Đức Phật A Di Đà thật chẳng thể nghĩ bàn!
Trích: Truyện cổ Phật giáo Nhật Bản