Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Ở cõi nước của Phật A-di-đà, tất cả giảng đường, tinh xá đều tự nhiên hình thành bằng bảy món báu. Lại có bảy món báu làm thành lầu đài, lan can… thù thắng hơn gấp trăm ngàn lần so với cung điện của Thiên đế ở cõi trời Tha hóa tự tại nơi thế giới Ta-bà này. Ngoài ra, những cung điện của các vị Bồ Tát, Thanh văn ở thế giới Cực Lạc cũng đều như thế.
“Chư thiên và con người ở đó mỗi khi cần đến y phục, thức ăn uống, âm nhạc mầu nhiệm… đều được tùy ý hóa hiện ra. Đối với cung điện để cư trú, các vị chỉ cần tùy ý nói ra màu sắc, mức độ cao thấp, lớn nhỏ, muốn làm bằng một món báu, hai món báu cho đến vô số các món báu, liền sẽ lập tức hóa hiện đúng như ý muốn.
“Tuy nhiên, có những vị được tùy ý hóa hiện cung điện lớn nhỏ như thế, lơ lửng giữa hư không, lại cũng có những vị không thể tùy ý hóa hiện, và chỉ có cung điện ở trên mặt đất bằng các món báu. Đó là do trong đời trước khi các vị cầu đạo, tu tập phước đức có khác biệt nhau. Chỉ riêng các thứ y phục, thức ăn uống thì tất cả đều bình đẳng như nhau.
“Bên trong và bên ngoài các cung điện cũng tự nhiên hóa hiện các dòng suối, ao hồ, hoặc làm bằng một, hai món báu, lớp cát bên dưới đáy cũng bằng một, hai món báu, chẳng hạn như hồ bằng vàng ròng thì cát ở đáy hồ bằng bạc trắng, hồ bằng thủy tinh thì cát ở đáy hồ bằng lưu ly… Nếu ao hồ được làm bằng ba, bốn cho đến bảy món báu thì cát ở đáy hồ cũng hóa hiện tương tự như vậy. Bên trong các ao hồ ấy đều chứa loại nước có đủ tám công đức, trong sạch thơm tho, mùi vị như nước cam lộ.
“Giữa những nơi ấy lại có trăm loài hoa lạ, mỗi cành đều có hàng ngàn chiếc lá, tỏa ra màu sắc, ánh sáng đã khác lạ mà hương thơm cũng khác lạ, ngào ngạt tỏa lan, không thể mô tả hết bằng lời.”
- Nhạc trời, mưa hoa
Kinh A-di-đà chép rằng: “Ở cõi Phật ấy thường có nhạc trời, mặt đất toàn bằng vàng ròng. Suốt ngày đêm đều có mưa hoa mạn-đà-la từ trời rơi xuống. Chúng sinh ở cõi ấy thường vào mỗi buổi sáng sớm dùng vạt áo trước nâng lên hứng lấy hoa trời xinh đẹp, rồi mang đi cúng dường mười vạn đức Phật ở các phương khác. Khi đến giờ ăn thì quay về dùng cơm rồi đi kinh hành.”
- Cây báu ven hồ
Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Ven bờ các ao hồ báu đều có vô số cây thơm chiên-đàn, hoa quả tốt lành, hương thơm lan tỏa. Lại có hoa sen đủ các màu che kín mặt nước. Lại có cây bằng bảy món báu mọc thành hàng lối. Những cây thuần một món báu thì từ thân cây cho đến cành lá hoa quả đều thuần một món báu. Những cây bằng hai món báu thì tất cả đều bằng hai món báu. Cứ như vậy mọc thành hàng lối ngay ngắn, cành nhánh chuẩn mực, trổ hoa hài hòa, kết quả đều đặn, cho đến bao bọc khắp cả thế giới ấy, không thể dùng mắt nhìn thấu hết.”
- Cây báu, lưới báu phát âm vi diệu
Kinh A-di-đà chép rằng: “Ở thế giới Cực Lạc, khi gió lay động các hàng cây báu cùng những tấm lưới báu, liền phát ra âm thanh vi diệu, giống như trăm ngàn tiếng nhạc đồng thời vang lên. Bất kỳ ai được nghe âm thanh hòa hợp ấy đều tự nhiên sinh tâm nhớ nghĩ đến Phật, Pháp và Tăng-già.”
- Nước tắm, hương hoa đều mầu nhiệm
Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Người được sinh về thế giới Cực Lạc, mỗi khi bước xuống ao hồ để tắm rửa, nếu muốn nước ngập chân thì được vừa ngập chân, nếu muốn nước lên đến đầu gối, đến lưng hoặc đến cổ, đều lập tức được như ý muốn. Nếu muốn nước ấm hơn hoặc lạnh hơn cũng đều được như ý.
“Sau khi tắm xong, mỗi người đều lên ngồi giữa tòa hoa sen, tự nhiên có gió lành vi diệu nhẹ thổi qua, lay động các hàng cây báu, vang lên tiếng âm nhạc. Gió lay các đóa hoa sen báu tỏa lên hương thơm khác lạ vây quanh các vị Bồ Tát, Thanh văn đang ngồi bên trên.
“Nhìn mút tầm mắt, mọi thứ đều sáng đẹp lộng lẫy. Hương hoa thơm lan tỏa không gì sánh bằng. Đến lúc hoa nào chớm tàn thì lập tức có gió xoáy cuốn đi ngay.
“Trong đại chúng có người muốn nghe thuyết pháp, có người muốn nghe âm nhạc, có người muốn ngửi hương hoa, cho đến có người không muốn nghe gì cả, tất cả đều được như ý muốn mà không hề gây trở ngại cho nhau.”
- Chim hót pháp âm
Kinh A-di-đà chép rằng: “Ở thế giới Cực Lạc có đủ các loài chim kỳ diệu đủ màu sắc như bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá-lợi, ca-lăng-tần-già, cộng mạng… Các loài chim này, suốt ngày thường xuyên phát ra âm thanh hòa nhã. Những âm thanh ấy diễn đạt đầy đủ các pháp như năm căn lành, năm sức, bảy phần Bồ-đề, Tám thánh đạo. Những chúng sinh ở cõi ấy được nghe âm thanh như vậy rồi đều tự mình nhớ nghĩ đến Phật, nhớ nghĩ đến Pháp, nhớ nghĩ đến Tăng-già.”
Kinh lại chép rằng: “Các loài chim ấy đều do đức Phật A-di-đà vì muốn cho tiếng thuyết pháp được truyền ra khắp nơi nên mới biến hóa tạo thành.”
- Cảnh tượng thù thắng
Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Các vị thượng thiện nhân ở thế giới Cực Lạc đều có tuổi thọ vô lượng vô số kiếp, có khả năng nhìn xa nghe khắp, quan sát từ xa, nghe tiếng nói từ xa. Tướng mạo các ngài đều đoan nghiêm tốt đẹp, không ai có các tướng xấu. Thể tánh các ngài đều trí tuệ dũng kiện, không có ai tầm thường, ngu si. Hết thảy những ý niệm của các ngài không bao giờ trái với đạo đức, nên biểu lộ ra những lời bàn luận đều là chính trực, tốt đẹp, người người đều thương yêu kính trọng nhau, không hề có sự ganh tỵ ghen ghét. Các vị đều rõ biết những việc đời trước, dù trải qua đã hàng vạn kiếp cũng đều nhớ biết rõ ràng. Các vị cũng rõ biết cả những chuyện quá khứ, hiện tại và vị lai trong khắp các thế giới mười phương, lại cũng rõ biết cả tâm ý của hết thảy chúng sinh trong khắp thiên hạ, cũng biết cả việc mỗi chúng sinh ấy đến kiếp nào, năm nào sẽ được độ thoát thành người, được sinh về thế giới Cực Lạc.”
- Thức ăn uống tự nhiên hóa hiện
Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Những người được vãng sinh về thế giới của đức Phật A-di-đà, khi đến giờ ăn nếu muốn dùng chén bát bằng bạc liền có chén bát bằng bạc, hoặc có người muốn dùng chén bát bằng vàng, hoặc bằng lưu ly, cho đến được làm bằng hạt châu minh nguyệt hay hạt châu ma-ni, đều lập tức được hóa hiện theo ý muốn. Trong bát ấy lại hiện ra đầy đủ thức ăn có trăm mùi vị, dù nhiều cũng không thừa, dù ít cũng không thiếu. Sau khi ăn xong thì tất cả đều tự nhiên tiêu tán hết, không hề còn lại những thức ăn thừa. Hoặc cũng có trường hợp chỉ cần nhìn thấy màu sắc, ngửi thấy mùi hương thì tự nhiên no đủ. Mỗi khi ăn xong thì chén bát tự nhiên mất đi, đến lúc muốn ăn lại tự nhiên hiện ra như trước. Sự khoái lạc mầu nhiệm ở thế giới ấy chỉ kém hơn cảnh giới Niết-bàn mà thôi.”
- Sự tu tập thích hợp
Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Ở thế giới Cực Lạc, nhân dân có những người ở trên mặt đất giảng kinh, tụng kinh, nghe kinh, hoặc suy ngẫm đạo lý hay ngồi thiền. Lại có những người ở trên hư không giảng kinh, tụng kinh, nghe kinh, hoặc suy ngẫm đạo lý hay ngồi thiền. Những người chưa chứng đắc quả Tu-đà-hoàn sẽ nhân đó được chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, những người chưa chứng đắc quả Tư-đà-hàm sẽ nhân đó được chứng đắc quả Tư-đà-hàm, cho đến những người chưa chứng đắc quả A-la-hán hoặc Bồ Tát bất thối chuyển, đều sẽ nhân đó được chứng đắc quả A-la-hán hoặc Bồ Tát bất thối chuyển. Mỗi vị như thế đều tùy theo tư chất riêng của mình mà đạt được sự vui vẻ thích ý.”
- So sánh dung mạo
Đức Phật hỏi ngài A-nan: “Ví như có người ăn mày đứng cạnh một vị đế vương thì hình tướng, dung mạo có thể sánh cùng nhau chăng?”
Ngài A-nan thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, người ăn mày dung mạo xấu xí, làm sao có thể sánh được với vị đế vương?”
Đức Phật dạy: “Vị đế vương kia tuy cao quý, nhưng nếu lại so sánh với vị Chuyển luân Thánh vương thì cũng chẳng khác gì một kẻ ăn mày. Chuyển luân Thánh vương tuy cai trị bốn cõi thiên hạ, nhưng nếu so với Đao-lợi Thiên vương thì kém hơn đến trăm ngàn vạn lần, thật không thể sánh kịp. Đao-lợi Thiên vương nếu đem so với vị Thiên vương của cõi trời Tha hóa tự tại thì lại kém xa đến trăm ngàn vạn lần, thật không thể sánh kịp. Thế nhưng vị Thiên vương cõi trời Tha hóa tự tại nếu đem so với các bậc thượng thiện nhân cùng chư Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà thì lại kém xa đến trăm ngàn vạn lần, thật không thể nào sánh kịp.”
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Niệm Phật Cầu Sinh Tịnh Độ
Nguyên tác Hán văn: Tây Quy Trực Chỉ
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến
Mình niệm Phật khi vọng tưởng khởi lên mình nhủ ” thành Phật đi con, trong sáng, trong sạch đi con” vì mình hiểu rằng vọng tưởng cũng là chúng sinh tìm đến mình cho độ. Khi mình độ hết chúng sinh vọng tưởng trong tâm thành Phật thì mình đủ công đức thành Phật phải không ạ?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Lan Chi,
*Phật dạy vọng không có khởi nguồn và cũng không có kết thúc, nghĩa là vọng cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai vốn luôn là vậy. Làm cách nào để bạn độ vọng thành Phật?
*Bạn phải thận trọng với ý niệm vọng đến mình sẽ niệm vọng, giúp vọng thành Phật, bởi làm vậy là bạn đang có vọng niệm: độ vọng thành Phật. Vọng là mê, giác là Phật. Ngay khi vọng khởi, không chấp, không bị vọng lôi kéo, ngay niệm đó bạn đang giác = một Niệm tương ưng với Phật = chuyển vọng thành chân. Ngược lại bạn đang bị vọng chuyển và đang sống trong vọng.
Chúc bạn an lạc và tỉnh giác. TN
CHUYỆN LẠ CỦA NGƯỜI NIỆM PHẬT
Vào đời nhà Thanh, niên hiệu Quang Tự năm thứ hai và thứ ba, nhiều tỉnh miền Bắc Trung Hoa bị nạn hạn hán lớn. Tại Úy Châu có vị tăng tu Tịnh độ, pháp hiệu có chữ Liên. Ông sống trong một miếu nhỏ bên ngoài thôn xóm.
Một hôm, có người dân đói ở Sơn Đông đột nhiên xông vào miếu, quát la rằng đói quá, đòi ăn cơm.
Vị tăng nói:
“Cơm tôi đã ăn hết rồi, không còn dư chút nào cả.”
Người ấy vẫn đòi hỏi, thúc bách rất gấp, vị tăng liền nói:
“Được rồi, tôi sẽ nấu cho ông một ít.”
Vị tăng ấy hành trì mỗi thời khóa niệm Phật trong ngày là sáu vạn câu Phật hiệu. Vì thế, miệng tuy đã hứa nấu cơm nhưng vẫn còn muốn tiếp tục niệm cho xong chuỗi hạt đủ số.
Người kia thấy vậy, trong ý cho rằng vị tăng không muốn nấu cơm cho mình ăn, giận quá liền cầm một cái búa trở ngược bề sống đập mạnh vào đầu vị tăng, khiến ông té nhào xuống.
Người kia vẫn chưa thôi, chộp lấy cái vá múc than, múc vào chỗ vết thương ấy, múc ra hai vá cả thịt lẫn não, vùi trong bếp than rồi mới hả giận bỏ đi.
Vị tăng khi ấy hôn mê bất tỉnh. Hồi lâu dần tỉnh lại, cố gắng bò đến chỗ đại hồng chung, khua liền một hồi mấy chục tiếng lớn.
Trong thôn ấy, mỗi khi có việc quan vẫn thường dùng tiếng đại hồng chung làm hiệu lệnh triệu tập, nên mọi người nghe tiếng chuông liền kéo nhau đến miếu, thấy vị tăng đã nằm bất động ở chỗ bị đánh, máu chảy lênh láng quanh đó, lại thấy đoạn đường từ trong miếu đến chỗ đại hồng chung cũng đầy vết máu.
Xem kỹ thấy vị tăng vẫn còn thở, liền đỡ dậy lay gọi. Vị tăng tỉnh lại, nói: “Tôi bị người ta đánh.”
Dân làng lập tức cử ra mấy chục người, chia nhau bốn hướng đuổi tìm, cuối cùng bắt được người kia. Ông ta nhận tội, xin đền mạng. Khi giải người ấy về đến miếu, vị tăng liền nói:
“Tôi với người này đời trước nhất định từng có thù oán, nên hôm nay ông ta mới đánh tôi. Nay nếu các vị làm khó cho ông ta, chẳng phải đã khiến tôi chịu đánh vô ích rồi sao ?
Vì như thế chẳng những không giải trừ được oán thù ngày trước, lại còn gây thêm mối thù oán hôm nay. Tôi không thể nào chịu được sự thiệt thòi như vậy. Hiện tôi còn được một ngàn đồng, xin đưa ông ấy rồi thả cho đi.”
Không lâu sau, vết thương trên đầu vị tăng đã lành, chỗ ấy vẫn cứng chắc như bình thường không khác. Chỉ có điều cả đỉnh đầu không còn mọc sợi tóc nào nữa, mà chung quanh chỗ vết thương vẫn còn nhìn thấy sẹo. Quả là một sự việc hết sức lạ thường !
Vào niên hiệu Quang Tự năm thứ 13, Ấn Quang tôi cùng với sư đệ của vị tăng ấy, pháp hiệu Liên Như, đi từ núi Hồng Loa đến núi Ngũ Đài, trên đường về ghé qua ngôi miếu của vị tăng ấy.
Lúc đó ngài đã được hơn sáu mươi tuổi, dung mạo rỡ ràng dường như tỏa sáng, vừa thoáng nhìn đã biết ngay là bậc chân tu. Thầy Liên Như lấy tay chỉ rõ chỗ vết thương trên đỉnh đầu sư huynh, kể lại sự việc này cho Ấn Quang được nghe.
Nay xin được ghi thêm vào sách Tây Quy Trực Chỉ này, nhằm giúp thêm việc khai mở và củng cố niềm tin.
Thích Ấn Quang kính ghi
[Đại sư Ấn Quang khi ngài 50 tuổi]
Người thật sự cầu vãng sanh, chỉ nói miệng suông không được, phải có hành động
chỉ nói miệng suông không được, phải có hành động, hành động là gì? Đối với thế gian này, thật sự chẳng có một mảy may lưu luyến nào, thật sự buông xuống, đấy mới là chân tín, chân nguyện. Nếu còn tham luyến thế gian này, còn có một mảy may chẳng buông xuống được, sẽ chẳng phải là chân tâm, chẳng phải là chân nguyện. Chân tâm, chân nguyện là triệt để buông xuống, chẳng có lưu luyến mảy may nào, người ấy quyết định vãng sanh.
Trong hiện tiền, chúng ta sống trên quả địa cầu này, hiện thời tai nạn rất nhiều, pháp môn này giúp đỡ quý vị, bất luận tai nạn nghiêm trọng nào, tâm địa quý vị bình an, chẳng mảy may bị ảnh hưởng bởi tai nạn, tâm quý vị bình thản, tĩnh lặng, chẳng kinh sợ, chẳng hoảng hốt. Quý vị thấy đó, kinh giáo này có sức mạnh to lớn dường ấy. Tâm địa an định, chẳng bị ảnh hưởng, dẫu tai nạn bên ngoài to lớn đến mấy vẫn chẳng thể ảnh hưởng quý vị. Dẫu là tử vong trong khi tai nạn, quý vị sanh ngay về thế giới Cực Lạc, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn. Chẳng tìm được lợi ích thù thắng như thế trong các pháp môn khác. Chẳng phải là các pháp môn khác không có những lợi ích ấy, nhưng công phu đó rất khó thành tựu. Tịnh Tông dễ dàng, chỉ cần quý vị chịu hành, chỉ cần quý vị chịu buông xuống, ai nấy đều có thể làm được. Buông xuống chẳng phải là buông đằng miệng, mà phải thật sự làm, làm từ đâu? Từ trì giới, chịu khổ. Trước lúc ra đi, Thích Ca Mâu Ni Phật đã dạy chúng ta hai câu, Ngài bảo tất cả các đệ tử: “Lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”. Hiện thời, cuộc sống vật chất rất phong phú, chúng ta có cần truy cầu hay chăng? Chẳng cần, cuộc sống khổ sở một chút sẽ tốt hơn! Nếu có dư dả, hãy giúp đỡ kẻ nghèo khổ nhiều hơn một chút. Chúng ta sống tiết kiệm một chút sẽ có thể giúp rất nhiều người nghèo khổ, đó là lòng dạ Bồ Tát. Như trong Liễu Phàm Tứ Huấn có kể, vợ tiên sinh Viên Liễu Phàm vào mùa Đông may áo bông cho con, dùng loại bông vải thông thường. Tiên sinh Liễu Phàm thấy vậy, hỏi: “Trong nhà ty miên rất nhiều, sao nàng lại dùng bông vải?” Bà ta nói: “Ty miên đắt tiền, bông vải rẻ hơn, thiếp đem ty miên bán đi, mua nhiều bông vải, may nhiều bộ quần áo, con cái có áo mặc, mà những người nghèo cũng được mặc”. Tiên sinh Liễu Phàm nghe nói rất hoan hỷ, con cái thật có phước. Phước do đâu mà có? Người bị thua thiệt bèn có phước, kẻ chịu khổ bèn có phước. Ý nghĩa ấy rất sâu, đó là chân lý!
Vì thế, tuy khoa học kỹ thuật hiện thời phát triển, thứ gì cũng đều thuận tiện, nhất định phải biết tiết kiệm tài nguyên. Phải biết tiết kiệm, chớ nên lãng phí, lãng phí sẽ có tội lỗi. Thứ gì cũng phải ăn hết, chẳng thể ăn chớ nên vứt bỏ, hễ vứt bỏ sẽ mắc tội. Vì sao? Phải nghĩ, thứ này ăn không ngon, nhưng trong thế gian hiện thời vẫn còn rất nhiều người đang lâm vào tình cảnh đói khát, chẳng có gì để ăn. Nếu họ gặp được thứ ấy, sẽ coi như của báu, mà chúng ta còn chê ỏng chê eo, chê ỏng chê eo là tạo nghiệp! Chớ nên có phân biệt, đừng nên có chấp trước, nhất định phải biết tiết kiệm, thường có chủ tâm giúp đỡ người khác, đó là điều tốt đẹp. Người thật sự tu hành, có đức hạnh, ở nơi nào, nơi ấy có thiên long thiện thần gia hộ, ít tai nạn. Người thật sự có đức hạnh có thể làm được, chúng ta có thể phát tâm ấy hay không? Làm một người thật sự có đức hạnh hay không? Phải biết thánh hiền là do con người tu thành, Phật, Bồ Tát cũng do con người tu thành. Người ta có thể thành thánh, thành hiền, thành Phật, thành Bồ Tát, vì sao ta chẳng làm được? Vì sao người khác làm được? Họ buông xuống vạn duyên nên làm được, vì sao ta chẳng buông xuống được? Hễ buông xuống liền làm được. Buông xuống không được, còn có tham, sân, si, mạn, tức là phàm phu. Buông tham, sân, si, mạn xuống, trước hết phải buông xuống từ đối tượng, tức là buông tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ xuống. Nhục thân của chúng ta ở trong thế gian này chẳng thể không có những thứ ấy, nhưng vừa phải là được rồi, chớ nên có tâm tham.
Trích đoạn : Tịnh Độ Đại Kinh, giải diễn nghĩa tập 112
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
https://www.youtube.com/watch?v=R6uTFr4kTIg
Người tu phải để ý đến mối tham nhiễm ẩn sâu vi tế trong tâm
Có bà lão nhiều đạo tâm, cất ngôi tịnh am lo đầy đủ tứ sự cúng dường ủng hộ một vị tham thiền tu niệm. Qua hai chục năm, một hôm bà lão dặn bảo cô con gái rằng:
– Bữa nay, sau khi đem cơm cho Sư thọ trai xong, con thừa lúc bất ngờ ôm ngay sư mà hỏi: “Lúc này như thế nào?”. Sư trả lời ra sao, con vào đây thuật lại cho mẹ rõ.
Cô con gái y như lời, ôm sư gạn hỏi. Sư đáp: “Khô mộc ỷ hàn nham, tam đông vô noãn khí”. Ý sư muốn bảo: “Mình chẳng mảy may động tâm về sắc dục, ví như cây khô nương tựa gộp đá lạnh, lại ở vào ba tháng mùa đông, tìm một chút hơi ấm cũng không có”.
Cô con gái trở vào thuật lại, lão bà không vui, bảo:
– Thật uổng công ta hai mươi năm lo lắng, không ngờ chỉ ủng hộ một kẻ phàm phu!
Nói xong, lão bà ra đuổi nhà sư đi, rồi châm lửa đốt luôn cái am…
Thật ra, tu đến trình độ của Sư, đời nay cũng ít có. Còn lão bà vốn một vị Bồ Tát, hành động đốt am là muốn khai ngộ cho thiền sư. Tại sao thế? Bởi sư tuy không động tâm về sắc dục, nhưng còn thấy mình thanh tịnh, còn trụ tâm nơi tướng vắng lặng không không của thiền định, tức chưa được đại triệt đại ngộ. Để phân tích thêm cho rõ, thiền môn có ba cửa ải phải vượt qua là: Bản Tham quan, Trùng quan và Lao quan. Người tu thiền tham thoại đầu đến khi phá được nghi tình, tỏ suốt ý tây lai, nhìn rõ mặt mày trước khi cha mẹ chưa sanh, tức đã vượt qua cửa ải thứ nhất, gọi là “Phá Bản Tham”. Đến trình độ này, dù đã dứt được tưởng tâm hư vọng từ vô thỉ, nhưng còn cảnh giới năng sở đối đãi của quán trí, hãy chưa tuyệt tướng quên tình. Cho nên tuy đã vô tâm cùng thế sự, nhưng đối với đại đạo vẫn cách một lớp cửa dày dặn trập trùng.
Cổ đức bảo:
“Chớ gọi vô tâm nguyên thật đạo.
Vô tâm còn cách một trùng quan!”
Chính là ý này. Nhà sư trên tuy đã đạt đến cảnh giới khá cao, nhưng hãy còn trụ tâm nơi tịnh tướng. Đây cũng là một sự tham nhiễm vi tế, mà người tu cần phải dứt trừ. Người niệm Phật cũng thế. Phải rõ tất cả sắc tướng đều như huyễn, dù tu đến cảnh giới nhất tâm, thấy hoa sen báu, các tướng tốt, hoặc chư Phật, Bồ Tát hiện thân, nên biết đó chẳng qua là do nhân lành cảm quả lành, cứ an nhiên đừng đắm nhiễm tham trước, cũng không nên phủ nhận. Như vậy mới gọi là hiểu ngộ lý: “Như thật bất không” của tạng tâm.
Trích Niệm Phật Thập Yếu
Cố hòa thượng Thích Thiền Tâm
Mình ăn chay mà người nhà thích ăn hải sản thì làm cách nào? Đây là giải pháp ổn thỏa nè. 😛
Bạn có thật sự quyết tâm cầu sanh Tây Phương không?
Lời Ấn Tổ quả quyết là: “Phàm tu tịnh nghiệp, phải lấy việc quyết chí cầu vãng sanh làm gốc”.
Xin hỏi: bạn đã hạ quyết tâm cầu vãng sanh hay chưa? Nếu như bây giờ hỏi mọi người: “bạn có muốn vãng sanh hay không?” chắc chắn là mọi người sẽ nói: “muốn vãng sanh”.
Thế nhưng quan sát tỷ mỷ, đại đa số chúng ta là “miệng niệm Di Đà, tâm luyến Ta Bà”. Một mặt muốn đi Thế Giới Cực Lạc, mặt khác lại không buông nổi những việc của Ta Bà, như vậy sẽ không vãng sanh được, không phải là hạ quyết tâm cầu vãng sanh. Thế nào là tướng trạng của người hạ quyết tâm cầu vãng sanh?
Đối với Thế Giới Ta Bà hoàn toàn buông xã, không một tơ hào tham luyến, không một tơ hào tiếc nuối, nhất định sẽ giống như Ngài Hải Hiền một câu Phật hiệu tranh thủ niệm từng giây từng phút, chưa từng quên lãng, so ra chúng ta mới biết giữa mình với Ngài còn cách xa rất xa!
Nguyện vãng sanh không phải mỗi ngày ở trước Phật hát xướng: “nguyện sanh Tây Phương Tịnh độ trung” gọi là nguyện vãng sanh, đó chỉ là ngoài miệng, còn trong tâm thì sao? Trong tâm thì tham chấp một cách kiên cố về nhân, sự, vật của luân hồi, cam tâm tình nguyện trầm luân trong biển ái dục, hoàn toàn chẳng muốn thoát ly chút nào, đây là cái bệnh chung của nhiều người.
Trích lớp học tập Tịnh Độ Vô Lượng Thọ Khoa Chú (lần thứ tư)
tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Người Dịch: Cư Sĩ Diệu Hà
https://www.youtube.com/watch?v=vpWUpxPD-xQ
Thưa các thầy các cô cho con hỏi, vì sao niệm phật trị được bệnh mất ngủ? Con xin cảm ơn!
Chào bạn Sương sương
Thường thì mất ngủ là do căng thẳng stress, hoặc là do tâm chạy theo các dòng suy nghĩ miên man không dừng làm mình không ngủ được. Nên việc niệm Phật giúp tâm ta định lại trên câu niệm Phật, khi tâm được định tĩnh lại thì sẽ giúp đầu óc được thư giãn giảm căng thẳng từ đó dễ ngủ hơn thôi.