Thuở trước có ông Đàm Hiếu Khanh, nhà giàu có. Đã năm mươi tuổi mà không có một đứa con nào cả. Các cháu trong gia tộc tranh nhau kế thừa và chia của. Lòng ông buồn lắm.
Nỗi khát khao có được một đứa con để nối dõi tông đường đã thôi thúc Đàm Hiếu Khanh làm rất nhiều việc thiện, ngay cả đi xin xâm bói quẻ. Ông cũng đích thân đi hết núi này, núi nọ, chùa lớn chùa nhỏ, thắp hương lễ Phật cầu xin cho được một đứa con.
Hôm nọ, có một vị Tăng đi khất thực ngang nhà. Nhìn thấy dung mạo đoan chánh, ông sinh tâm hoan hỷ thỉnh Tăng vào nhà cúng dường. Nhìn dáng vẻ tiều tụy của Đàm công vị Tăng nhân hỏi:
– Chẳng biết bần Tăng có thể giúp được gì cho thí chủ không?
Đàm công ngập ngừng đáp:
– Bạch Hòa thượng, con vốn thuộc hàng danh gia vọng tộc. Bao đời tin sâu Phật pháp, làm việc phước lành không mong cầu chi cả, chỉ mong có được một đứa con để nối dòng nối dõi. Cúi mong Hòa thượng từ bi giúp cho, con xin đội ơn Ngài.
Tăng nhân nói:
– Tôi rất cảm thông cho tình cảnh của ông nhưng ngặt nỗi không cách nào giúp được. Nay tôi khuyên ông nên lập đàn sám Đại bi, chuyên tâm trì niệm hồng danh Quán Thế Âm Bồ-tát, may ra sẽ có kết quả.
Trải qua bốn mươi chín ngày đêm tu sám. Đêm nằm ngủ người vợ mơ thấy đức Quán Thế Âm lấy mâm đựng đứa con trai đem cho. Người vợ liền đưa tay tiếp nhận thì ngay khi đó có một con bò chạy xốc tới người vợ giật mình thức giấc, liền có mang. Đàm công nghe vợ nói mừng như mở hội, hai vợ chồng lại xuất ra một ngàn đồng để xây dựng Quán Âm các, thỉnh tượng Bạch Y Quán Âm phụng thờ.
Thời gian sau người vợ hạ sinh được một cậu trai, chưa được mấy ngày, đã bị yểu vong.
Nỗi mừng chưa thỏa thì nỗi đau ập đến. Đàm thị vì quá đau buồn nên sinh bệnh. Đàm công thì than trời trách đất, quyết đi đến gặp Hòa thượng hỏi cho ra lẽ. Trông thấy Đàm công, Hòa thượng đã nói:
– Tôi đợi ông từ sáng đến giờ, thôi vào trong rồi hãy nói.
Không cần Đàm công trình bày, Hòa thượng giải thích:
– Gia đình ông vốn ưa ăn thịt bò, tuy làm việc thiện nhưng không trì trai giữ giới, sự việc xảy ra là lời cảnh báo cho ông. Thôi, hãy cố gắng có cầu tất có ứng.
Trở về ông tiếp tục làm các việc thiện như: bố thí, phóng sinh, trì trai, giữ giới. Hai năm sau người vợ có thai. Lần này bà hạ sinh được một cậu con trai, nằm trong bọc trắng sinh ra, khôi ngô tuấn tú, thông minh lạ thường. Từ đấy về sau, cả gia đình cùng nhau trai giới, chuyên lòng trì niệm hồng danh Quán Thế Âm Bồ-tát.
- Lời bàn:
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Phổ môn nói: “Nếu có người nữ, giả sử muốn cầu con trai, lễ lạy cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát, liền sinh con trai phước đức trí huệ; giả sử muốn cầu con gái, bèn sinh con gái có tướng xinh đẹp, trước đã trồng cội phước đức, mọi người đều kính mến”.
Đoạn này nói người nữ muốn sinh con trai, con gái, cúng dường, lễ lạy Quán Thế Âm Bồ-tát thì được thành tựu như ý muốn.
Điều này bấy lâu nay chúng ta hiểu trên chữ nghĩa, chấp vào văn tự nên bị kẹt. “Cúng dường” là cúng như thế nào? “Lễ lạy” là lạy ra sao? Nếu chỉ có cúng dường và lễ lạy đơn thuần mà sở cầu như ý thì giá trị của Bồ-tát quá rẻ!
“Cúng dường”: nói cho đúng là “cung dưỡng”. Cung tức là cung cấp. Dưỡng tức là nuôi dưỡng. Tóm lại “cúng dường” là cung cấp những thứ cần thiết (quần áo, thuốc men, thức ăn, giường chiếu) để lấy đó làm phương tiện nuôi dưỡng, bảo tồn thân mạng.
Đối với người nhỏ hơn mình (em, cháu, con) thì gọi là “cho”. Ngang hàng (bạn bè) gọi là “tặng”. Lớn hơn (cha mẹ, ông bà) thì gọi “biếu, dâng”. Ở đây, sở dĩ nói “cúng dường” là chỉ cho việc làm của người Phật tử đối với ba ngôi Tam bảo. Vì trên thế gian này không chi hơn Tam bảo, không chi quý giá bằng ngôi Tam bảo (Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo).
Cúng dường Tam bảo tức là đem của cải vật chất lương thiện mà mình có, hoặc đem tinh thần sức lực bảo hộ, hoằng truyền chánh pháp khiến cho Tam bảo trường tồn mãi mãi ở thế gian. Cúng dường với tâm thanh tịnh, không mong cầu, không vụ lợi, không ích kỷ. Đó là chân thật cúng dường.
“Lễ lạy” phải chí thành chí kính. Năm vóc (đầu, hai tay, hai chân) gieo sát đất, ví như quả núi lớn đổ sập xuống, cốt là để bẻ gãy tâm cống cao ngã mạn. Khi lạy thân tâm đoan chánh, luôn luôn an trụ trong chánh niệm, buông bỏ muôn duyên, nhất tâm đảnh lễ. Tuyệt đối chẳng nên tham khoái tham nhiều là vọng tưởng, có tư tưởng phân biệt, thời tâm bị rối loạn, phải năng quán tưởng rằng: Bồ-tát là Bồ-tát trong tâm chúng sinh, tức là lễ bái Bồ-tát nơi tự tính; chúng sinh là chúng sinh ở trong tâm Bồ-tát. Đem chúng sinh ở trong tâm Bồ-tát mà đảnh lễ Bồ-tát ở trong chúng sinh. Nên phải quán sát:
“Năng lễ sở lễ tánh không tịch Cảm ứng đạo giao nan tư nghì”
Nghĩa là: người lạy (ta) và được lạy (Phật) đều cùng một tâm thanh tịnh không sai khác, ngay khi đó liền được cảm ứng không thể nghĩ bàn. Được như thế mới là đem chân tâm lễ bái, cúng dường Bồ-tát vậy.
Tuy nhiên, chư Phật, chư Bồ-tát không câu nệ vào hình thức cúng dường, lễ lạy đó. Thế nhưng để tỏ lòng kính trọng, chúng ta phải một dạ chí thành lễ lạy, cúng dường vì “kính Phật mới được thành Phật”. Mượn ông Phật giả bên ngoài làm phương tiện quay về với ông Phật thật bên trong tâm hồn của mình. Lạy Phật chính là thừa nhận, kính trọng ông Phật tâm của chúng ta. Hiểu, và hành đúng như thế mới thực sự có công đức!
Đức Quán Thế Âm đâu còn nhu cầu những thứ: bông hoa, bánh, trái, cao lương mỹ vị ấy nữa mà đem cúng dường? Chúng ta sở dĩ cúng dường là vì cầu phước vậy. Có phước mà không có huệ thì gọi là si huệ, chỉ cho hạng người giàu có mà ngớ ngẩn, ngu ngốc. Còn có huệ mà không có phước thì gọi là cuồng huệ. Chỉ cho hạng người thông minh lanh lợi nhưng nghèo cùng khốn khổ.
Thuở xưa biết niệm Phật, hiểu đạo lý, đời nay có trí tuệ. Kiếp trước hay bố thí, trì giới, ăn chay, phóng sinh, đời nay có phước lộc. Hai điều này phải luôn đi đôi, hỗ trợ cho nhau. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni được tôn xưng là bậc “Lưỡng túc tôn” đầy đủ phước và trí, sinh ra trong gia đình vua chúa, uy quyền, dung nhan thanh lịch, tài nghệ song toàn, đức hạnh viên mãn. Như vậy nếu muốn cầu con trai, con gái phước đức, trí huệ đầy đủ thì người nữ phải thực hành lễ lạy, cúng dường đúng như pháp. Năng trì niệm hồng danh Bồ-tát thời sở cầu như ý. Xã hội ngày nay nam nữ bình đẳng. Nữ giới cũng có quyền như nam giới. Hiện nay, nữ nhân đã có mặt trong hầu hết các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thậm chí họ đông cả về số lượng lẫn chất lượng.
Nữ nhân chẳng cần đài các, trâm anh mà chỉ cần phẩm hạnh đoan chính, tướng mạo trang trọng, nhìn qua là biết người ấy có phước đức và trí tuệ. Năm căn chẳng khuyết, diện mạo nhã chính, nên gọi là đoan chính. Phẩm hạnh chẳng cẩu thả, nết na thùy mị, lời nói từ hòa, hành vi trang trọng, gọi là hữu tướng. Nếu đoan chánh mà vô tướng thời chẳng được người kính mến. Trái lại có tướng mà chẳng đoan chính chắc chắn bị người khinh rẻ. Cho nên nhứt định là phải: đoan chính mới được người mến, có tướng mạo người chịu kính trọng. “Đời trước trồng cội đức” tức là đời trước đã vun trồng cội gốc hiền đức ngày nay lại thành kính niệm Phật, nghe kinh vun trồng cội đức cho thêm chắc rễ vững gốc, mới có thể cảm sinh được người nữ tài đức song toàn, được nhiều người yêu kính. Nên biết người nữ được yêu mà chẳng kính thì gọi là khinh rẻ, kính mà chẳng yêu thì gọi là xa bỏ. Cho nên, quyết phải đầy đủ hai phương diện mới được nhiều người ái kính.
Đạo Phật cho rằng thế gian vạn pháp đều là huyễn hóa. Con cái chính là món nợ tiền khiên “con là nợ, vợ là oan gia”. Nhiều con hay ít con cũng đồng nghĩa với ít hay nhiều phiền não. Những người tu hành cho việc có con cái là sợi dây trói buộc chẳng được tự tại. Thậm chí có người tu không muốn nhận đệ tử xuất gia vì sợ phiền toái, vướng bận. Điều này đối với thế gian pháp tất nhiên là trái ngược nhau.
Người thế gian muốn có nhiều con nhiều cháu, vì họ xem đó là niềm hãnh diện, niềm hạnh phúc lớn nhất trên cõi đời. Tuy nhiên, đằng sau cái hạnh phúc đó là biết bao nỗi vất vả, lo lắng, cực khổ để giành được miếng cơm manh áo, bảo đảm cho sự sinh tồn. Cái họa là ở chỗ này!
Có nhiều người khi đọc đến đoạn kinh này, rồi lầm tưởng, mắc kẹt trên ngôn ngữ nên rơi vào tà tri, tà kiến. Họ chỉ hiểu đơn thuần trên mặt văn tự mà không tìm hiểu nghĩa lý ẩn tàng bên trong, cuồng vọng van lạy cầu xin. Còn nếu cầu không được thì bảo Phật, Bồ-tát là không linh, rồi chán nản mà xa lìa cửa đạo.
Tế Công Hòa thượng có nói: “Tụng kinh giả minh Phật chi lý”. Nghĩa là người tụng đọc kinh Phật cốt là hiểu được cái lý bên trong mà Phật muốn nói. Bởi vì kinh điển chỉ là phương tiện, giống như chiếc thuyền chở khách qua sông, đến bờ rồi phải bỏ lại thuyền chứ không thể nào tiếp tục vác thuyền đi theo được. Cũng vậy, lấy kinh điển làm phương tiện để dẫn dắt hành giả đi vào cánh cửa giác ngộ giải thoát. Nếu rời phương tiện hoặc chấp chặt ở phương tiện thì hành giả không bao giờ đến với Thánh đạo.
Cho nên ở đoạn kinh trên, mang ý nghĩa: nếu chúng sinh nào còn mang đầy “ái nhiễm”, như lời dụ trong kinh là “người nữ”, mà muốn thoát khỏi ái nhiễm để “trí tuệ” phát sinh, hay muốn cầu con trai hoặc muốn có phước đầy đủ, hay muốn cầu con gái mà lễ lạy cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát hay quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” thì phước huệ kia sẽ được viên mãn. Bởi Quán Thế Âm Bồ-tát là tượng trưng cho “bản tâm thanh tịnh” mà chúng sinh biết quy hướng thì “vọng tưởng hư minh” không còn là áng mây che mờ tính giác nữa. Sở dĩ đó nên Phật Thích-ca, một lần nữa, gọi Vô Tận Ý mà nói: “Quán Thế Âm Bồ-tát có sức oai đức như vậy đó, chúng sinh nào năng cung kính lễ bái, phước chẳng luống bỏ”. Ý nói chúng sinh lễ bái cúng dường quyết chẳng luống uổng. Cầu nam cầu nữ chắc có thù ứng cho sở nguyện của mình. Nếu chưa có ứng nghiệm tức khắc, nhưng đã trồng căn lành, một mai nhân duyên khi thành thục, quyết chẳng luống mất vậy.
Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Tác giả: Thích Tâm Hoà
LÚC CÒN CƯỜNG TRÁNG SAO KHÔNG NỖ LỰC TU TẬP ĐỢI ĐẾN LÚC NÀO ?
“Thọ mạng được bao nhiêu”, đây cũng là điều chúng ta phải thường nghĩ đến. “Trăm năm ngắn ngủi, vô thường nhanh chóng, thân mạng con người chỉ trong hơi thở, thở ra không thở vào đã thành người thiên cổ”. Đây là điều mỗi người học Phật chúng ta cần phải cảnh giác, chúng ta có thể sống ở thế gian này bao lâu? Đừng cho rằng còn trẻ, thọ mạng còn rất dài, là giả.
Lúc tôi còn trẻ, chưa tiếp xúc đến Phật pháp, đối với vấn đề này cảnh giác rất cao. Lúc trẻ xem báo chí, mỗi ngày đều xem tin tức, tôi không coi trọng tin tức lắm. Tôi không giống với mọi người, cầm báo lên tôi xem mục nào đầu tiên? Xem thông báo tin buồn, hôm nay ai đã ra đi, xem trên báo đăng những tin buồn. Bởi thế rất nhiều người cảm thấy kỳ lạ, hỏi tôi sao lại xem những thứ này? Tôi thấy người chết có già có trẻ, nam nữ già trẻ đều có. Ba bốn mươi tuổi đã ra đi, hai ba mươi tuổi đã ra đi. Tôi xem điều này có tâm cảnh giác, dần dần tôi cũng phải ra đi, khi nào đến phiên tôi? Ai cũng không dám nói. Đồng học, đồng sự, bạn tốt, có người cùng tuổi với tôi, có người lớn hơn tôi vài tuổi, cũng có người nhỏ hơn tôi vài tuổi, hiện nay đều không còn.
Năm 1977, lần đầu tiên tôi đến HongKong giảng kinh, mỗi buổi giảng, một ngày giảng hai tiếng. Pháp duyên không tệ, thính chúng đều ngồi chật hết, rất nhiều pháp sư đều đến nghe. Hiện nay đều đã ra đi, chỉ còn được mấy người. “Đời người đau khổ ngắn ngủi, quả thật là vô thường nhanh chóng, con người chỉ hơn thở ra không thở vào là thành người thiên cổ”.
Mấy câu này đại sư Ấn Quang, ngày ngày đặt chữ chết ngay trước trán. Tuổi già đại sư bế quan, tôi từng đến phòng ngài bế quan xem. Nơi thờ Phật trong phòng rất đơn giản, chỉ có một cái bàn vuông thờ tôn tượng Phật Di Đà. Chỉ một tượng Phật, một lư hương, một ly nước, một cặp chân đèn, bên cạnh một cái khánh, một cái mỏ nhỏ. Sau bức tường treo một chữ “tử”, tự tay ngài viết, ngày ngày đối diện với chữ tử này, như vậy có thể không buông bỏ ư? Đây là ngài thị hiện cho chúng ta thấy, nói cho chúng ta biết chân tướng sự thật.
“Nhưng người thế gian điên đảo, không biết khổ không vô thường, chỉ cầu niềm vui hư huyễn, như con thiêu thân lao vào lửa, tự đốt thân mình”.
Trích Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 525