Bà Xuân mẹ ông Thanh đã già lắm rồi. Tuổi đại lão đáng lẽ chỉ hưởng nhàn và nghỉ ngơi. Vậy mà cả xóm xôn xao khi hay tin bà Xuân bị quỷ nhập: Con quỷ này cực kỳ hung dữ, mỗi lần nó nhập vào luôn cử động mạnh khỏe và chuyên môn đòi ăn gà.
Ông Thanh năn nỉ quỷ: Má tui già yếu lắm, không chịu nổi bị nhập hành hạ như vậy đâu, làm ơn xuất ra đi.
Con quỷ cười hô hố: Làm gà cho ta ăn rồi ta xuất.
Cực chẳng đã ông Thanh đành bảo vợ làm gà. Con quỷ ăn xong thì xuất ra. Nhưng rồi tuần nào nó cũng nhập vào bà Xuân, quậy tưng cả nhà và ồn ào đòi ăn. Nhẫn nhịn hết nổi, ông Thanh phản kháng và cương quyết không làm gà cho quỷ ăn nữa. Thế là quỷ tuyên bố:
– Không chịu làm gà cho ta ăn thì ta sẽ giết chết gà nhà mi!
Sáng hôm sau, ông Thanh hãi hùng khi chứng kiến bầy gà mình nuôi bị lăn đùng nằm chết la liệt… chỉ còn gà con là được toàn mạng. Con quỷ còn nhập vào xác mẹ ông, khoe khoang:
– Thấy chưa, ta vừa giết chết đám gà của nhà ngươi đấy!
Chịu hết thấu, ông Thanh đành đi thỉnh một thầy pháp chuyên trị ma. Nghe đồn thầy này rất giỏi. Thầy tới, con quỷ vẫn ngồi trên ván, tỏ vẻ ngông nghênh, ngó thầy nửa mắt, nó cất giọng đàn ông khàn khàn thách thức:
– Làm gì được ta nào? Ta không sợ trời, không sợ Phật. Trời đánh ta còn không chết, có phép gì giỏi hãy cho ta xem?
Con quỷ xưng nó là giao liên, bị địch treo lên cây me đầu làng xử bắn, khiến nó bị gãy một chân và chết. Giờ nó thành là quỷ cụt giò, không biết ngán hay sợ bất cứ gì.
Thầy lập bàn hương án, vẽ bùa, vòng tay đi đường quyền như các đạo sĩ hay diễn cách tập trung năng lực trong phim, rồi thầy hướng về phía con quỷ chưởng một cái… (lúc này mọi người bu xem đông nghịt ngoài cửa) ai cũng thấy tuy thầy chưởng vô hình, nhưng áo bà Xuân lai bị hất tung lên rất mạnh. Con quỷ liếc mắt nhìn chỗ bị chưởng trên thân mình, cười khẩy, rồi tỏ vẻ thản nhiên khinh thường.
Thầy bèn rút ra một lá bùa, vừa vẽ vừa đọc chú, xong thầy tiến tới đặt trên đầu bà Xuân. Mọi người đều thấy khói đen bốc nghi ngút trên đầu bà Xuân, con quỷ hét một tiếng rồi xuất ra, bà Xuân ngã xuống xỉu, hồi lâu tỉnh dậy, bà lộ vẻ yếu lão như thường ngày và hoàn toàn không nhớ gì. Thầy bảo gia đình ông Thanh:
– Con yêu tinh này do là quỷ lâu năm nên hung tợn lắm. Sức tôi không trị nổi hắn. Tạm thời bùa của tôi chỉ có thể trấn áp, cản không cho nó nhập vào bà Xuân khuấy phá trong mười ngày thôi.
Nhưng qua ngày thứ 11, con quỷ sẽ trở lại và nhập vào tác quái, chừng ấy quý vị hãy đi tới chùa X mà thỉnh chư Tăng đến thu phục nó. Nói xong thầy cuốn gói từ giã, nhất quyết từ chối không chịu lấy một xu.
Đúng như lời thầy phán, sau mười ngày yên ổn thì con quỷ lại nhập vào tiếp. Lần này ông Thanh vội đến chùa X, kể lễ tình cảnh nhà mình và xin Sư trụ trì mở lòng từ bi cứu giùm mẹ ông. Khi Sư trụ trì tới, con quỷ vẫn ngồi trên ván ngó Sư nửa mắt tỏ vẻ khinh thường và tuyên bố:
– Có phép gì giỏi thì bày ra hết đi! Ta đây không ngán ai, dù là trời hay Phật gì ta cũng chả sợ!
Thầy bèn gọi điện thoại, lịnh cho hai đệ tử mang tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và tượng Hộ pháp tới. Khi hai đệ tử thỉnh tượng tới, cả ba thầy trò cùng lập bàn hương án, trân trọng làm lễ cung thỉnh chư Phật, Bồ tát, hộ pháp xong, thì đồng tụng chú Đại Bi. Mới đầu con quỷ còn tỏ vẻ ngông nghênh, sau đó nó hét lên:
– Trời ơi, nhức đầu quá! Đừng tụng nữa! Đừng đánh nữa! Tôi sợ rồi!
Lúc ấy con quỷ tỏ vẻ rất sợ hãi, hai tay nó ôm đầu, không ngừng rên rỉ, van xin thầy đừng tụng nữa.
Thầy hỏi: Bây giờ có chịu về chùa nghe kinh, tập tu… để siêu thoát không?
Con quỷ liền nhào tới trước tượng Quan Âm, lễ như giã gạo, mồm rối rít thưa:
– Con chịu! Con chịu! Con sợ rồi! Con xin theo Sư về chùa tu. Từ nay không dám quậy phá nữa, xin hãy tha cho con! Xin đừng tụng nữa!
Vừa nói nó vừa lạy tượng Quan Âm không ngừng.
Thế là con quỷ ngoan ngoãn theo quý thầy về chùa tu. Từ đó nhà ông Thanh được yên, cảnh quấy phá không còn xảy ra nữa.
(Kể theo tâm sự độc giả và lời thuật của My Su. Chuyện có thật nhưng tên các nhân vật đã tạm đổi và địa danh không tiết lộ)
Ni sư Hạnh Đoan lượt thuật
HÀO QUANG CỦA BỒ TÁT CHIẾU SÁNG ĐƯỜNG ĐI
Pháp hội của Vạn Thọ Đường rất hưng thịnh, sau khi pháp hội kết thúc thì tất cả đều được dọn dẹp bố trí lại như cũ, khi trở về am Đại Từ thì trời đã bắt đầu tối, khu vực ở núi có nhiều rắn, đường tối nhìn không rõ sợ đạp nhầm chúng, vì thế, mỗi khi trên đường về am Đại Từ, Sư Hòa, Sư Đoan thường niệm: “Địa Tạng Vương Bồ Tát! Địa Tạng Vương Bồ Tát!”. Cầu mong các loài rắn nghe thánh hiệu của Bồ Tát, hiểu được và lánh mình để khỏi bị đạp nhầm, cũng để nó khỏi cắn mình, hai bên khỏi hại nhau.
Ngày 6/10, sau giờ ngọ 2 tiếng, có một đàn tràng niệm Phật một ngày ba thời, pháp hội kết thúc viên mãn, sau khi đã thu xếp dọn dẹp xong thì đã bảy giờ tối, ngoài trời tối đen, đưa năm ngón tay cũng không thấy rõ, đèn đường lại không sáng, nhìn quanh bốn phía cũng tối tăm không có ánh sáng, muốn đi phải mò trong đêm mà đi. Hai người để ý cẩn thận nắm nhau mà đi, đôi giày tuy hư rách cũng không dám rời chân, cả hai dấn mình vào đêm tối, bốn bề yên lặng, gió chiều thổi nhẹ, cành trúc lào xào, tiếng trúc, tiếng chân, tiếng niệm Phật, từng tiếng vào tai. Ôi! Tất cả đều không nói một lời nào…
Đi hồi lâu, Sư Đoan không giữ ý, nói: “Bồ Tát Địa Tạng Vương, xin ngài từ bi cho chúng con một chút ánh sáng để đi”. Nói xong bỗng nghe một tiếng “phạ”, trên đường đi bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chiếu rõ. Úy! Hai người không hẹn cùng la lên một tiếng đầy kinh ngạc và vui mừng: “Cảm ơn Địa Tạng Vương Bồ Tát, cảm ơn Địa Tạng Vương Bồ Tát”. Chúng tôi đi nhanh qua một đoạn đường quanh co như ruột dê, hội quán Triêu Sơn đã lên đèn, ẩn hiện có thể thấy được. Bấy giờ, đèn sáng trên đường hốt nhiên phát lên một tiếng “phạ” rồi tắt mất, ngạc nhiên, tôi quay đầu nhìn lại, thấy phía sau con đường nhỏ tối đen, mới kinh ngạc không biết ánh sáng trên đường khi nãy là ở đâu? Phải chăng là Phật quang ư! Đúng như kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện phẩm 12 “kiến văn lợi ích” nói: “Này các thiện nam, tín nữ, hoặc nhân sự làm ăn, hoặc vì chuyện công chuyện tư, hoặc vì sự sanh tử, hoặc vì việc gấp mà phải vào trong rừng núi, hay qua sông vượt biển, hoặc gặp nước lụt lớn, hoặc đi đường hiểm trở, người ấy trước khi đi nên niệm danh hiệu của Bồ Tát một muôn biến, thời đi qua nơi nào cũng có quỷ thần hộ vệ, đi, đứng, nằm ,ngồi đều được an ổn, vui vẻ …” Quả nhiên không sai, Địa Tạng Bồ Tát, tâm đại bi rộng lớn, cứu hộ tất cả chúng sanh. Ngài vừa độ sanh, vừa độ tử, địa ngục chưa trống, nguyện chưa thành Phật, tùy thời hiển hiện bên cạnh chúng sanh. Vì thế chư nhân giả khi đọc xong thiên linh ứng này, nguyện niệm nhiều thánh hiệu: “Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát”, thì khi gặp nạn, từ quang của Bồ Tát sẽ chiếu diệu đến, khiến cho các vị được an vui, sáng lạn.
Nguồn: Pháp Sư Vĩnh Lương-Trích từ Giác thế 11, kỳ 07, ngày 1-1-77
Ảnh: Ksitigarbha Bodhasattva
Các vị đồng tu cho tôi hỏi vì sao các bậc cao niên hay căn dặn con cái trong nhà ban đêm chớ nên khua chén đĩa lớn tiếng vậy? Trong Phật giáo có giải thích cho điều này không?
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Nguyễn Chí Tâm,
Trong bài giảng của Hoà Thượng Tuyên Hoá có dẫn chứng từ Kinh Tỳ Ni Tam Muội về các bữa ăn như sau:
“Buổi sáng là giờ chư thiên ăn, buổi trưa là chư Phật ăn, buổi chiều là súc sanh ăn, và buổi tối là giờ quỷ thần ăn. Ngày nay, để tạo nhân duyên cho sự thoát ly sáu nẻo và noi gương chư Phật ba thời, việc ăn vào lúc giữa trưa được xem là đúng lúc để ăn (chánh thời).”
Việc các bậc cao niên khuyên con cháu không nên khua chén đĩa lớn tiếng vào ban đêm vừa là kinh nghiệm dân gian, vừa có thể được căn cứ theo lời dạy trong kinh Phật, bởi ban đêm là giờ “dành cho quỷ thần ăn” vì thế, nếu trong khoảng thời gian này mà làm động chén đĩa lớn tiếng sẽ làm khuấy động đến những chúng sanh sống trong cảnh giới ngạ quỷ và sẽ chiêu dụ họ tới.
Với người tu đạo Phật, việc ăn uống luôn được tiết độ, ăn uống đúng giờ quy định, vì thế chuyện ăn đêm là điều tối kỵ, được tránh, phần vì trái với giới luật của Phật, phần khác là không làm kinh động đến những chúng sanh trong cõi vô hình.
Chúc bạn an lạc.
TN
Cảm ơn đạo huynh Thiện Nhân đã cho câu trả lời rất hay. Chúc huynh năm mới nhiều sức khỏe, gia đạo bình an. A Di Đà Phật.
SỐNG AN VUI
Cuộc đời ni ngắn lắm
Đừng bận lời thị phi
Thấy điều chi có ích
Lặng lẽ làm, rồi đi!
Ai gieo mầm san sẻ
Gặt hái về yêu thương
Người gieo nhân ích kỷ
Quả chín, buồn cô đơn.
Cứ ôm hoài sầu hận
Chỉ khiến mình ta đau,
Người vẫn cười hể hả
Còn ta tóc bạc màu.
Lá thời gian rớt vội
Tháng ngày như bóng mây
Trách chi ai lầm lỗi
Phiền chi, đời đổi thay!
Cuộc đời này đẹp lắm!
Tiếc gì ngày đã qua
Hiện tại luôn tươi thắm
Với cõi lòng bao la.
Thích Thánh Tuệ