Chúng sinh là do nhân duyên hòa hợp mà thành, từ mười hai nhân duyên mà biến thành người. Từ con kiến cho đến những thứ vi khuẩn đều là chúng sinh. Chúng ta không cần phải đi ra bên ngoài mà tìm chúng sinh, ngay trong tự tánh của mình cũng có vô lượng chúng sinh.
Khoa học hiện tại phát triển đã chứng minh rằng trong thân thể ngũ tạng lục phủ con người có vô số loại vi khuẩn và vi sinh trùng; như vậy có nghiã là có vô lượng chúng sinh. Khi con người ăn thịt loại động vật nào, thí dụ như heo, bò hay cá, thì trong đó có vô số loại vi khuẩn. Con người ăn loại thịt đó vào trong bụng thì tự nhiên sẽ có chủng tử của những thứ vi khuẩn đó; ăn càng nhiều thì mình cùng với những thứ vi khuẩn đó kết làm quyến thuộc càng mạnh, kết duyên với nó càng sâu, cho đến chỗ là mình với nó không còn phân ly, chia cách nữa!
Ăn thịt heo càng nhiều thì mình rất có cơ hội để biến thành heo, ăn thịt bò càng nhiều thì mình rất có thể sinh làm bò. Nếu mà ăn gạo càng nhiều thì mình có thể biến thành gạo chăng? Gạo là loại vô tình, còn chúng sinh là loài hữu tình. Nếu ăn loài hữu tình thì mình có thể trở thành những thứ chúng sinh hữu tình. Nếu ăn những loại vô tình (thực vật) thì mình có thể giúp cho sự phát triển của Pháp thân, Huệ mạng. Nếu con người không ăn thịt chúng sinh nào thì tức là mình độ cho chúng sinh đó, khiến chúng vượt qua khổ hải, tới bờ Niết Bàn. Con người nếu hiểu được đạo lý này thì không nên ăn thịt chúng sinh.
Khi xưa, có kẻ vì ăn thịt chúng sinh nên khi chết rồi thì bị đọa lạc xuống gặp Diêm La Vương. Lúc còn sống ông ta ăn qua những loại thịt của chúng sinh nào, thì những thứ đó bây giờ đều tới để đòi nợ. Người ăn thịt tự biện hộ như vầy: “Tôi tuy là ăn thịt nhưng tội không phải thuộc về tôi mà thuộc về người bán thịt mới đúng!”
Bấy giờ vua Diêm La mới truyền lịnh kêu người bán thịt lại; người bán thịt cũng tự biện hộ rằng: “Tôi sở dĩ mà bán thịt là vì có người mua thịt, nếu không có người mua thì bán thịt làm gì?”
Người bán thịt với người ăn thịt, hai người mới tranh luận với nhau, sau cùng thì hai người đó đổ trách nhiệm lên anh chàng đồ tể.
Diêm La Vương lại kêu anh chàng đồ tể vào. Anh đồ tể này cũng tự biện hộ rằng: “Tôi đúng là đồ tể, nhưng vì có người mua cũng như có người ăn thì tôi mới làm nghề đồ tể. Nếu chẳng có người mua cũng chẳng có người ăn thì tôi cũng chẳng làm nghề này được!”
Vì thế, mọi người đều nói lên cái lý của mình, lý lẽ mà họ nói ra đều là tạo tội nghiệp cả. Kết quả, Diêm La Vương phán rằng người ăn thịt phải bồi thường nợ máu. Cho nên, chúng ta ăn thịt một loài chúng sinh nào là kết oán với loài chúng sinh đó. Có bài thơ rằng:
“Nhục” tự lý biên lưỡng cá nhân,
Lý biên nhân thực ngoại biên nhân,
Chúng sinh hoàn thực chúng sinh nhục
Tử tế tư lượng nhân thực nhân.”
Nghĩa là:
“Ở trong chữ “nhục” có hai người,
Người bên trong ăn người bên ngoài,
Chính chúng sinh ăn thịt chúng sinh,
Nghĩ cho kỹ là người ăn người!”
Trong Kinh Lăng Nghiêm có chép: “Dương tử vi nhân, nhân tử vi dương.” (Dê chết trở làm người, người chết trở làm dê.) Con dê có thể làm người, thì con heo cũng có thể làm người. Nếu chưa có Thiên Nhãn Thông thì mình không quán sát được nhân duyên đó nên cho rằng heo là heo, dê là dê. Con người mà ăn nhiều thịt chúng sinh thì bản hữu trí huệ của họ bị che lấp, mất linh tánh và biến thành ngu si.
Bởi vậy muốn độ chúng sinh thì trước tiên đừng nên ăn thịt! Con người muốn độ chúng sinh thì phải độ tự tánh của chúng sinh, độ sinh thì phải ly tướng. Không có chấp trước thì mới thật sự là độ sinh vậy!
Hòa Thượng Tuyên Hóa
CHÓ BÁO MỘNG
(Chuyện xảy ra xảy ra vào thời Khang Hy nhà Thanh)
Tại Trấn Ô thôn Đồng, có một gia đình nuôi một con chó, nhưng con chó này rất kỳ lạ, hàng đêm nó bơi từ bên này sang bên kia sông để canh cửa cho một gia đình nọ. Chủ nhà sau khi rình xem lòng rất bất bình. Một hôm nhịn hết nổi, ông gọi con chó tới gần, tức giận nói: Tao nuôi mày cho mày ăn, nhưng đêm đêm mày lại qua sông canh gác cho nhà người? Thế thì mai tao sẽ gọi kẻ giết chó tới bán quách mày đi!
Tối đó, ông chủ mộng thấy con chó buồn bã nói với ông ta rằng:
Tôi có duyên với nhà ông. Nhưng do kiếp trước tôi nợ nhà họ tiền nên bây giờ hàng đêm phải sang đó trông nhà giúp cho họ. Hiện thời, tôi chỉ còn nợ họ mười ba quan tiền, khi nào trả xong thì tôi không cần phải qua đó nữa. Khi ấy tôi nhất định sẽ báo đáp đại ân chủ nhân đã nuôi tôi.
Hôm sau ông chủ kêu con chó tới, lấy mười ba quan tiền buộc vào cổ nó, bảo:
Tối qua ta nằm mộng nghe mi nói và ta đã hiểu. Mi hãy đem số tiền này đến trả cho nhà họ, từ rày không cần phải cực nhọc qua sông mỗi đêm nữa.
Con chó nghe chủ nói nó liền cúi đầu thật thấp trước ông, sau đó nó mang mười ba quan tiền qua sông, đến nhà người, nó bỏ tiền xuống rồi quay trở về. Kể từ đó nó không bao giờ đến nhà kia nữa.
Sau đó, ông chủ đi thăm con gái và ra về rất muộn. Do uống rượu nhiều, ông đi xiêu vẹo và té xuống cái ao cá cách nhà không xa.
Con chó thấy vậy liền chạy đến và sủa to liên hồi, thấy ông chủ không phản ứng gì, nó vội nhảy xuống nước cắn quần áo ông, lôi ông lên bờ, rồi chạy về nhà đập cửa ầm náo.
Bà chủ nghe động thức giấc, mở cửa ra thì thấy con chó, nó nhìn bà vừa nhìn vừa chạy tới ao cá, bà liền cầm đèn đi theo nó. Tới nơi mới phát hiện chồng mình đang nằm say bí tỉ nơi bờ ao.
Bà chủ liền dìu chồng về nhà, sau khi ông chồng tỉnh, ông bèn kể cho vợ nghe vụ trả nợ giúp con chó và nói:
Trong giấc mơ, nó nói rằng nó sẽ báo đáp đại ân của tôi dành cho nó. Hôm nay xảy ra chuyện này, đúng là nó đã báo ân tôi.
Mấy tháng sau, khi cả gia đình đang ngủ ngon thì hỏa lò bùng cháy to nơi nhà bếp, để đánh thức chủ nhà, con chó liều mạng làm đủ cách để đập tông vào cửa, vừa đập vừa sủa. Hai vợ chồng bị đánh thức, bật dậy xem: Thấy lửa đang bốc cao, họ vôi vàng chữa cháy.
Sau hai sự việc đó, gia đình này đối xử với con chó rất tốt, họ thương yêu và chăm sóc nó chu đáo. Sau khi con chó chết, họ bỏ nó vào quan tài, chôn cất tử tế.
Cả đời chúng ta các mối quan hệ với mọi người chung quanh đều nằm trong hai chữ báo ân và trả nợ. Mà trong việc báo ân hay trả nợ này, thường kết thúc bằng ân oán. Cho nên nguyên lai vốn là báo ân, nhưng nhân đó cũng có thể biến thành đòi nợ. Nếu chẳng nợ oán, ân… thì sẽ không gặp nhau. Hoặc bạn nợ tôi hoặc tôi nợ bạn…
Nhìn theo góc độ luân hồi, không duyên thì không tụ hội, và sự tương hội này sẽ tạo thêm nhân, nảy thành nhiều quả hơn trong tương lai. Bất kể là hận hay yêu, chỉ vì thiếu nên phải trả.
Đòi nợ là do bạn nợ người, báo ân là do người nợ bạn. Nếu như minh bạch đạo lý này, có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng buông xả mọi chấp trước oán ân, cũng có thể cư xử tốt với mọi người và muôn vật.
Kết luận: Hễ đã gặp nhau, có lẽ ta từng là người thân yêu, chỉ vì ta không nhớ ra mà thôi.
Sư ni Hạnh Đoan tuyển dịch.