Chúng ta ngày nay khi tiếp xúc với Phật pháp có thể tin được, có thể hiểu được, có thể nương theo những lời dạy của Phật trong kinh điển mà tu hành, thì đều chẳng phải tầm thường. Đức Phật nói đó đều là do đã từng tu hành trong nhiều kiếp thuở quá khứ. Đặc biệt là những người trong đời này có thể tiếp nhận pháp môn Tịnh Độ, nghe được Kinh điển của Tịnh Độ cùng với danh hiệu A Di Đà Phật liền sanh lòng vui mừng mà phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, đây là do từ vô lượng kiếp quý vị đã từng cúng dường vô lượng chư Phật Như Lai. Quý vị thử nghĩ xem cái thiện căn này có sâu dày hay không? Rất sâu dày, chính vì thiện căn của quý vị rất sâu dày cho nên dẫn tới đời này quý vị mới có cơ hội gặp được Tịnh Độ mà tu hành.
Chúng ta khi nghe xong điều này liền cảm thấy thật yên lòng. Thế nhưng quý vị có nghĩ qua chưa? Từ đời đời kiếp kiếp về trước tu hành ta đã từng thân cận rất nhiều chư Phật Như Lai, tại vì sao ngày nay vẫn còn ở trong luân hồi? Nghĩ đến điều này thì trong lòng cảm thấy thật xót xa và bi ai quá đỗi. Vì sao? Vì nay thật sự đã hiểu rõ, cái cửa ải luân hồi này không dễ dàng gì đột phá được. Chỉ cần có lưu luyến 1 chút thì quý vị ra không khỏi Tam Giới. Tuy A Di Đà Phật có lòng từ bi, lúc quý vị lâm chung Ngài đến tiếp dẫn quý vị, nhưng trong tâm quý vị vẫn còn lưu luyến cõi thế gian này, vẫn không muốn đi theo Phật, vậy thì Phật không có cách nào tiếp dẫn quý vị được, xem như quý vị đã mất phần vãng sanh.
Nguyên nhân chúng ta trong đời quá khứ không thể vãng sanh chính là chưa đoạn hết lòng tham luyến cõi này, hoặc là không bỏ được tài sản của quý vị, hoặc là không bỏ được thân nhân là con, là cháu của quý vị. Chỉ cần trong tâm của quý vị vẫn còn bịn rịn lưu luyến không muốn lìa khỏi họ thì dù quý vị có tinh tấn niệm Phật đi nữa, nguyện của quý vị có tha thiết đi nữa cũng không thể vãng sanh. Vì sao? Vì chính cái tâm bịn rịn lưu luyến này sẽ kéo quý vị ở lại.
Nay chúng ta đã tìm ra nguyên nhân tại sao chúng ta mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi rồi, thì trong đời này phải tiêu trừ đi cái nguyên nhân này, khiến cho trên con đường Bồ Đề chẳng còn chướng ngại nữa, có thể thuận lợi mà cầu sanh về Tịnh Độ. Cho nên, chúng ta cần phải buông bỏ, phải buông bỏ triệt để, phải buông bỏ sạch sẽ rốt ráo, quyết không thể có chút mảy may lưu luyến nào. Nếu quý vị vẫn còn có lưu luyến vậy thì quý vị đành phải tiếp tục luống qua đời này. Hễ luống qua đời này, quý vị lại nghĩ: “Ta đời sau vẫn có thể tiếp tục tu”. Vậy tôi hỏi quý vị: Quý vị có chắc chính mình đời sau lại có được thân người hay không? Nếu không được thân người thì làm sao tiếp tục tu? Cho dù quý vị có được thân người, thì quý vị có bảo đảm mình gặp được Chánh pháp của nhà Phật hay không?
Ngày nay trên địa cầu chúng ta có khoảng 5 tỷ người, vậy có bao nhiêu người gặp được Phật pháp? Huống chi là Phật pháp ngày nay có rất nhiều nhãn hiệu giả mạo Phật pháp, nếu không có đủ trí tuệ thì không cách nào phân định được thật, giả, đây thật là khó trong khó, quý vị nghĩ xem chính mình có được bao nhiêu cơ hội? Cho nên, tôi rất hy vọng quý vị hãy biết trân trọng cái Thiện Căn-Phước Đức-Nhân Duyên của mình trong đời này mà ra buông bỏ vạn duyên dốc sức niệm Phật, có như vậy thì mới không uổng phí cho 1 đời học Phật của chính mình.
Pháp sư Tịnh Không
LÀM GÌ ĐỂ GIÚP CÁC VONG LINH SIÊU THOÁT?
Các vong linh trong thế giới vô hình cực kì khốn khổ. Nên họ rất cần sự giúp đỡ. Cách hay nhất để giúp cho họ thoát khỏi cảnh dày vò trong siêu hình, không phải là cúng đồ ăn hay vàng mã, đó chỉ là giải pháp tạm thời, xoa dịu nỗi khổ trước mắt, chứ không phải giải quyết triệt để vấn đề.Việc quan trọng nhất đó là giúp họ nương vào tiếng tụng kinh, trì chú, niệm Phật mà được siêu thoát lên những cảnh giới cao hơn, thoát ra khỏi kiếp sống ngạ quỷ khổ sở.
Bản thân các vong linh không thể tự mình tụng kinh niệm Phật được, vì vọng tưởng của họ quá mạnh, cực kì khó tập trung, chỉ có thể nhờ vào những người tu hành chân chính mà tu theo.
Nội oai lực của những âm thanh kinh chú cũng khiến cho họ được an lành rất nhiều.Và người nào tu hành, bất luận là xuất gia hay tại gia, càng thành tâm, càng có đạo lực, thì càng giúp cho các vong linh được thoát khổ, được an lạc, được siêu thoát nhiều hơn.
Vì thế những người tu thành tâm, tự nhiên sẽ chiêu cảm nhiều vong linh đến nương nhờ tu theo. Đây là một công đức lớn, vì không chỉ là tụng kinh chú cho bản thân mình, mà còn giúp siêu độ vong linh.Khi các vong linh đến nghe kinh chú, sẽ khiến ta có một số hiện tượng lạ, nếu vong còn nhiều tập khí xấu, oán niệm, sân hận.v.v… thì thường ta sẽ thấy nổi gai ốc, rờn rợn. Tu theo ta một thời gian sẽ hết.
Nếu vong linh biết tu, tâm tính sẽ được chuyển hóa, thiện lương hơn, thì sẽ có hiện tượng ngáp, chảy nước mắt, nước mũi. Nói chung việc này không gây ra nguy hại gì đáng kể.
Nếu có các vong linh kéo về nghe, thì các vong ấy cũng đều là những vong muốn hướng thiện, (còn các vong mang từ trường xấu, cố chấp không hướng thiện nghe tiếng kinh sẽ thấy kinh sợ mà bỏ ra xa) họ được nghe kinh rồi tâm thức sẽ được thăng hoa, siêu thoát lên cảnh giới cao hơn, tỏa ra những từ trường tốt hơn. Thậm chí có nhiều vong nhờ nghe kinh chú mà được đầu thai về cõi lành, hoặc siêu sinh lên thiên giới, vãng sinh về Tịnh Độ, phước đức, công đức của người tụng kinh vì thế mà càng tăng thêm nhiều lần, trở nên lớn lao vô biên vô lượng.
Quang Tử
7 LỖI NHỎ NHẶT KHIẾN BẠN THƯỜNG GẶP XUI XẺO
Trên đời có rất nhiều người thường tự tin cho rằng mình thuộc dạng : ” Ăn hiền ở lành”, luôn ” chẳng hại ai bao giờ”, thế nhưng họ không ngừng than rằng : ” Sao số tôi khổ thế này? Trời thật bất công..”. !
Nếu nhìn nhận thoáng một chút, thì họ cũng thuộc dạng người tốt, vì họ cũng không làm gì ác lắm, không lừa lọc, hãm hại ai, không trộm cướp, hoặc có khi cũng giúp người này người kia…được mọi người xung quanh thương mến.
Tuy nhiên, quy luật Nghiệp báo thì rất khắc nghiệt, chẳng bỏ sót lỗi nào cả.Tội nặng chịu báo ứng đã đành, tội nhẹ cũng chẳng được thoát, chúng âm thầm tạo ra đủ thứ xui xẻo trong cuộc sống mỗi chúng ta.
Trong kinh Địa Tạng, ngài Địa Tạng Bồ Tát từng nói, chúng sinh trên thế gian này, khởi tâm động niệm, không gì là không tội.Vì rằng có rất nhiều điều chúng ta những phàm phu cho là không tội, nhưng thực chất là có tội, dù chỉ là tội nhỏ.
Những tội như thế, kể hết ra chắc cũng 7 ngàn, 7 vạn …thứ tội. Nhưng tôi chỉ dám đơn cử 7 thứ tội nho nhỏ, mà chúng ta hay gặp. ( Lưu ý, đây chỉ là tội thuộc dạng ” be bé, xinh xinh” thôi, những trọng tội ở đây không bàn đến).
🌺1- Vô cớ giết hại côn trùng, động vật nhỏ…
Đây thuộc vào tội sát sinh. Dù những sinh mạng như giun, dế, ruồi, muỗi, kiến, gián, thằn lằn… với con người thì quá nhỏ bé, nhưng chúng vẫn là một sinh mạng, cũng biết đau đớn, biết sợ chết, biết oán thù…như con người không khác.
Vậy tại sao giết người, ai cũng cho là tội. Giết những loài như chó, mèo, trâu, ngựa… cũng rất nhiều người học Đạo lí cho là phạm tội sát sinh. Còn giết những loài bé nhỏ thì ít ai cho rằng đó là tội và mặc sức giết hại ?
🌺 2- Lấy những thứ không phải của mình :
Có rất nhiều thứ lặt vặt, đến nỗi nếu ta cứ sang nhà hàng xóm, tự ý lấy về dùng, cũng chẳng ai nói gì ta, như bút, giấy, gạch, đá… hay mấy trái xoài xanh chẳng hạn.
Nhưng không vì thế mà ta được ” vô tội”, vì chúng vẫn cứ là tội ” trộm cắp”, hay nói như trong kinh điển, là ” lấy của người ta không cho”. Luật pháp không ai xử, nhưng luật Nghiệp báo vẫn xét xử, “kiến tha lâu đầy tổ”, nghiệp nhỏ tích chứa lâu ngày cũng thành những quả báo lớn.
🌺 3- Hứa rồi quên :
Người hay phạm lỗi này, hay được mệnh danh là “con ma nhà họ Hứa”, dù rằng không phải khi nào thất hứa cũng gây ra hậu quả to tát. Nhưng điều đó vẫn khiến mọi người xung quanh cảm thấy những sự thất vọng.Trước mắt thì những người hay hứa “lèo” sẽ nhanh chóng mất uy tín với bạn bè, người thân, đồng nghiệp… nhưng về lâu dài, thì phước báo của họ đều bị tổn giảm, cuộc sống hay gặp những nỗi thất vọng, điều mong muốn thường không được toại nguyện.
🌺 4- Nói tục chửi thề :
Đây phạm vào lỗi ác khẩu, rất nhiều người cảm thấy khó chịu khi ở gần người hay nói tục chửi thề. Không chỉ đơn thuần là bất lịch sự, loại khẩu nghiệp này khiến ta tổn phước liên tục, vì chúng rất dễ phạm. Và điều nguy hiểm là, trong rất nhiều kiếp sau, những câu chửi tục sẽ khiến ta chịu những quá báo thê thảm, ít ai ngờ tới.
Ví dụ như người hễ chửi người khác, là văng ra :” Đồ đĩ !” Rất tiếc, nhưng nếu không sám hối, không có phước gì bù lại, thì sau nhiều kiếp nữa, người đó sẽ phải làm nghề “mua hương bán phấn” mà chẳng ai muốn này.
🌺 5- Luôn nghĩ xấu, nói xấu người khác :
Đành rằng khi ở gần những người xấu tính, ta rất khó mà không nghĩ xấu, và nói xấu về họ. Nhưng nếu cả ngày nhìn đâu ta cũng thấy người này xấu tính, người kia xấu nết, anh này bê tha, chị kia không ra gì… rồi luôn mồm rêu rao tật xấu của họ, thế thì, chính ta đang trở thành “rất xấu” trong mắt mọi người. Ngoài việc không thu được bất cứ lợi ích gì từ việc ” nghĩ xấu, nói xấu” người khác, ta đang tự tay phá hủy phước và đức của mình. Vì rằng, chê bai ai lỗi gì, chính ta rồi cũng sẽ phạm vào lỗi đó.
🌺 6- Hoang phí thực phẩm, vật phẩm :
Tôi từng đăng một câu chuyện, kể về một người giàu có trong làng, khi tiền bạc dư giả, thì thường xuyên tiệc tùng, nấu ra rất nhiều, ăn chẳng bao nhiêu, và hễ còn thừa thì đổ bỏ. Nhiều năm sau, ông ta mất dần phúc báu, cuộc sống nghèo túng đi dần dần. Cuối đời, ông bị một chứng bệnh lạ, đó là, chỉ sau khi ăn no một lúc, ông ta lại thấy đói cồn cào ngay. Nhà không khá giả gì nữa, nên không phải cứ đói là có đồ ăn ngay, thế nên ông ta thường trực phải chịu cảnh đói dày vò, mãi cho đến lúc chết.
Đó là một định luật về nhân quả : khi ta coi thường thứ gì, thứ đó sẽ dần trở nên khan hiếm đối với ta.
Hiện nay, trên thế giới xuất hiện nhiều sự khan hiếm, như thiếu lương thực, thiếu nước sạch ở những nước chưa phát triển, nặng nề nhất là ở châu Phi, mỗi năm có đến hàng ngàn người chết vì đói khát, đều có nguyên nhân từ sự hoang phí thức ăn, nước uống… từ những kiếp trước.
Thật đáng buồn, ít ai ngờ đến rằng, bi kịch ấy xuất phát từ thói quen “ăn một nửa, bỏ một nửa”, “uống một ngụm, bỏ cả ly” mà chúng ta vẫn bắt gặp hàng ngày ở khắp mọi nơi.
🌺 7- Mơ tưởng chuyện dâm dục với người không phải phu thê của mình. Đây được xếp vào tội ” tà dâm”, dù rằng thân ta không phạm, nhưng trong tâm âm thầm nghĩ đến, vẫn kết thành quả báo. Trước tiên là thường nghĩ tưởng chuyện tà dâm, ta sẽ phát ra một làn sóng, thu hút các loại quỷ Hấp tinh, các loại hồn ma dâm loạn… bu xung quanh mình.
Kế đó, ” kho” phước báu như tuổi thọ, công danh, sự nghiệp của ta đều bị tiêu trừ . Nếu ngày này qua ngày khác, ta đều mải miết chạy theo những ” mơ tưởng dâm dục” với những người không phải vợ, hay chồng mình, thì ” kho phước báo” vốn đã mong manh của ta, liệu còn được nhiều sao? Có những người cuộc đời cứ xuống dốc dần dần, dù không thấy phạm tội gì khác, chính là do lỗi dâm ý này.
Nguồn: Nhân quả- luân hồi
TRÊN HOA SEN CÓ TÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Thế giới đó là thế giới Liên Hoa. Đến đâu cũng thấy hoa sen, hoa sen từ đâu đến? Mỗi người trong mười phương thế giới, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, khi họ phát tâm này liền có một đóa sen.
Trong thế giới Cực Lạc, đến đâu cũng thấy ao Thất Bảo, trong ao Thất Bảo có hoa sen, có người phát tâm niệm Phật, thì hoa của họ càng lớn, càng to. Tương lai vãng sanh, Phật A Di Đà dùng đóa hoa này của họ, trên hoa sen đó có tên của họ, cầm đóa hoa đó đi tiếp dẫn họ, ánh sáng màu sắc hoa lớn, hay nhỏ đều do công phu niệm Phật của mỗi người mà thành tựu. Chúng tôi thấy hoa sen người khác lớn, ánh sáng màu sắc đẹp hơn của mình, là do người ta niệm Phật thâm sâu hơn mình.
Hoa sen từ đâu mà có? Đến đâu cũng đều nhìn thấy hoa sen thì sẽ biết số người trong mười phương vãng sanh đến thế giới cực lạc là bao nhiêu? Là Liên Hoa Hoá Sanh.
Chủ Giảng: Hoà Thượng Thượng Tịnh Hạ Không
Lúc Lạy Phật Không Nên Niệm Phật Ra Tiếng
Có một năm tôi ở Los Angeles, có một vị đồng tu thân thể không khỏe, ông ấy đến hỏi tôi, ông đã 60 tuổi rồi, tôi bảo ông ấy lạy Phật. Tôi nói mỗi ngày ông nên lạy 100 lạy, buổi sáng lạy 50 lạy, buổi tối lạy 50 lạy, cứ kiên trì không gián đoạn. Năm sau tôi đến Los Angeles, ông ấy đến thăm tôi, ông rất vui vẻ, ông nói “thưa Pháp sư thân con đã hết bịnh rồi”. Ông nói lạy Phật tốt vô cùng, mỗi ngày lạy 100 lạy, trong khi lạy Phật, trong tâm niệm thầm A Di Đà Phật, không nên niệm ra tiếng. Trong lúc bạn đang lạy Phật niệm ra tiếng sẽ tổn khí. Trong lúc niệm Phật khi chỉ tịnh thì không được niệm ra tiếng, lúc nào thì mới niệm Phật ra tiếng? Là lúc kinh hành nhiễu Phật, đi nhiễu Phật niệm ra tiếng thì tốt. Chỉ tịnh và khi ngủ thì Phật hiệu trong tâm không gián đoạn, nhưng không niệm ra tiếng. Bồ-tát Thiên Thân mỗi ngày lạy Phật. Rốt cuộc là lạy bao nhiêu lạy? Phải xem thời gian của chúng ta, xem công việc của chúng ta, xem ta có bao nhiêu thời gian, không tính số lượng cũng không sao. Ta lạy 20 phút, ta lạy nửa giờ đồng hồ, hoặc là lạy một giờ đồng hồ. Người xuất gia thì lạy hơn nửa cây nhang, lạy trong vòng một cây nhang, cây nhang ở Trung Quốc dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Buông bỏ tất cả ý niệm, lạy Phật là cách tu hành tốt nhất, tương ưng với pháp môn của Tịnh Tông.
Trích: PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH – Tập 348
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không