Xưa có một nhóm các nho sinh đến tham vấn hòa thượng Trung Phong, thưa hỏi rằng: “Nhà Phật đưa ra thuyết nhân quả báo ứng như bóng theo hình, nhưng nay thấy người kia làm việc thiện mà con cháu họ không được hưng thịnh, lại thấy người nọ làm việc ác mà con cháu họ sung túc thịnh vượng. Như vậy, thuyết của nhà Phật thật chẳng lấy gì để làm bằng cứ cả.”
Hòa thượng Trung Phong đáp: “Khi cảm xúc trần tục chưa dứt sạch thì con mắt chân chánh chưa thể khai mở. Đối với việc thiện mà xem là ác, đối với việc ác lại xem là thiện, những việc như thế rất thường gặp. Sao các ông không tự trách chỗ thấy biết điên đảo sai lầm của mình mà ngược lại oán trách sự báo ứng của đạo trời cho là sai lệch?”
Các nho sinh liền hỏi: “Thiện và ác [là hai điều trái ngược nhau], sao có thể nhận biết điên đảo như thầy nói?”
Hòa thượng liền bảo họ mỗi người hãy đưa ra sự mô tả để phân biệt thiện ác.
Một người nói: “Mắng nhiếc, nhục mạ người khác là ác; cung kính, lễ phép với người khác là thiện.” Hòa thượng Trung Phong nói: “Chưa hẳn đã là như vậy.”
Một người khác nói: “Tham muốn tiền của, làm bậy để lấy của người khác là ác; ngay thẳng thanh bạch không lừa gạt lấy của người khác là thiện.” Hòa thượng Trung Phong lại nói: “Chưa hẳn đã là như vậy.”
Mỗi người trong nhóm nho sinh đều nói ra cách hiểu của mình, hòa thượng Trung Phong đều bảo là chưa đúng. Cuối cùng, cả nhóm cùng thưa thỉnh ngài nói ra lý lẽ đúng thật.
Hòa thượng bảo họ: “Việc làm mang lại lợi ích cho người khác, đó gọi là thiện; việc làm chỉ mưu lợi ích riêng cho bản thân mình, đó gọi là ác. Nếu có thể mang lại lợi ích cho người, thì việc mắng nhiếc, nhục mạ người cũng đều là thiện. Nếu chỉ vì lợi ích riêng tư cho bản thân mình thì việc cung kính, lễ phép với người khác cũng đều là ác.
Vì thế, người làm việc thiện lấy sự lợi ích cho người khác làm việc chung, thì việc chung ấy là chân thật; xem lợi ích của bản thân mình là việc riêng tư, việc [mưu lợi] riêng tư ấy ắt là giả dối.
Làm việc thiện xuất phát từ tâm chân thành là chân thật, không xuất phát từ bản tâm, chỉ bắt chước làm theo là giả dối.
Làm việc thiện mà hoàn toàn không vướng chấp vào hình tướng là chân thật, vướng mắc nơi hình tướng phân biệt là giả dối.
Đối với hết thảy những việc tương tự khác, các ông đều nên [dựa theo các nguyên tắc nêu trên mà] tự mình khảo xét [phân biệt giữa thiện hay ác, chân thật hay giả dối].”
Trích Chuyển Họa Thành Phúc
Nguyễn Minh Tiến soạn dịch và chú giải
CHÚNG TA NẰM NGỦ CÓ THỂ NIỆM PHẬT ĐƯỢC CHĂNG?
Niệm Phật chớ nên câu thúc. Chúng ta nằm ngủ có thể niệm được chăng? Niệm được. Nằm ngủ chớ nên niệm ra tiếng, vì sao? Niệm ra tiếng thương tổn thân, khí, [niệm thầm] có công đức giống hệt như [niệm ra tiếng]. [Niệm Phật] trong nhà vệ sinh dường như chẳng cung kính? Chẳng cung kính thì chẳng niệm ra tiếng! Nếu không niệm ra tiếng mà chẳng thể nhiếp tâm thì quý vị niệm ra tiếng là được rồi. Niệm ra tiếng có phải là thiếu cung kính hay chăng? Thiếu cung kính là chuyện nhỏ, vì sao? Phật, Bồ Tát chẳng quở trách quý vị, chính quý vị nhiếp tâm mới là chuyện lớn! Lớn tiếng niệm Phật trong nhà vệ sinh mà Phật quở trách chúng ta, Ngài sẽ chẳng phải là Phật, Ngài sanh phiền não, làm sao Phật có thể sanh phiền não? Đâu có đạo lý ấy! Phật chỉ mong quý vị thành tựu, mong câu Phật hiệu này thật sự có thể khống chế phiền não của quý vị. Niệm Phật chẳng có gì khác, mà vì lẽ này! Quý vị chẳng niệm Phật, vọng niệm nổi lên, dùng câu Phật hiệu này để thay thế vọng niệm, vọng niệm chẳng còn nữa, toàn là câu Phật hiệu này. Vậy thì quý vị đã công phu thành phiến, thật sự đạt công phu thành phiến, có thể vãng sanh bất cứ lúc nào. Trong công phu thành phiến cũng có ba bậc chín phẩm, ba phẩm thuộc bậc thượng vãng sanh tự tại, muốn đi lúc nào bèn đi lúc đó, muốn ở lại thêm mấy năm cũng chẳng trở ngại. Đấy là kỳ vọng của A Di Đà Phật, chư Phật, Bồ Tát đối với chúng ta, đó gọi là gì? Đó là cung kính thật sự!
Trích: TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA TẬP 027
Chủ giảng: PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG
XEM TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU LÀ A DI ĐÀ PHẬT THÌ CÔNG PHU NIỆM PHẬT CỦA BẠN, MỚI CÓ LỰC.
Trong tất cả pháp môn, pháp môn niệm Phật là thù thắng nhất, một ngày từ sớm đến tối không có ý niệm nào khác, khởi tâm động niệm đều là A Di Đà Phật. Tôi dạy mọi người câu Phật hiệu này làm thế nào để niệm được có lực?
Xem tất cả mọi người đều là A Di Đà Phật thì niệm Phật của bạn mới có thể niệm được tốt, công phu mới có lực. Không cần phải thấy đây là Trương Tam, kia là Lý Tứ, vậy thì phiền. Đây là A Di Đà Phật, kia là A Di Đà Phật, thảy đều là A Di Đà Phật, bạn xem, bạn vĩnh viễn là A Di Đà Phật, bạn liền thành Phật rồi.
Không chỉ tất cả mọi người là A Di Đà Phật, tất cả mọi vật cũng là A Di Đà Phật, tất cả mọi việc cũng là A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật thì không có bất cứ thứ gì, đều là A Di Đà Phật biến hóa ra hết. Bạn xem, thế giới Tây Phương Cực Lạc bảo thọ thành hàng, các chim nói pháp. Bảo thọ, các chim đều là A Di Đà Phật biến hoá ra.
Thế giới Tây Phương như vậy, thế giới trước mắt này của chúng ta không là như vậy hay sao? Cũng là như vậy, chỉ là bạn chính mình không chịu thừa nhận, bạn nhất định phải vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vậy thì còn cách nào đâu? Cho nên làm thế nào chuyển đổi được cảnh giới, then chốt chính ngay chỗ này.
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
Con nghe nói người tu hành không nên đi du lịch đó đây vì ảnh hưởng đến tâm thanh tịnh. Nhưng con có con nhỏ, đôi lúc chúng muốn đi chơi xa, vậy thỉnh thoảng con đưa chúng đi du lịch có được không ạ? A Di Đà Phật.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Diệu Âm Phương Trinh,
Bạn vẫn có thể đi được cùng các con, tuy nhiên sẽ có sự khác biệt với người không tu là không phóng tâm theo dục lạc thế gian và không để những dục lạc này lôi kéo để mất chánh niệm. Làm được vậy bạn có thể đi khắp nơi mà không ảnh hưởng gì đến sự tu học.
Chúc bạn an lạc.
TN
Bỏ tiền ra cứu người phụ nữ tự tử trên sông, người đàn ông không thể ngờ ngay trong đêm đó, anh ta thoát chết
Vương Chí Nhân, trú tại An Huy là một thương nhân thành đạt, nhưng đã ngoài 30 vẫn không có con nối dõi. Vợ của anh ta vì cầu tự mà dốc hết tâm trí, cả ngày cầu khấn rồi xem bói. Việc không có con nối dõi tông đường khiến Vương Chí Nhân cảm thấy vô cùng chán nản.
Một hôm, thông qua bạn bè nhiệt tình giới thiệu, Vương Chí Nhân tìm thấy một thầy tướng số xem mệnh rất giỏi. Sau khi trình bày ý nguyện, thầy tướng số liền đưa ra một tràng dự đoán, rồi luận giải số mệnh cũng như những chuyện trong quá khứ của anh ta vô cùng chuẩn xác. Vương Chí Nhân ngày càng tin tưởng nể phục năng lực xem bói của vị thầy này.
Nhưng rồi thầy bói kết luận: “Chỉ tiếc thay ông không có con.”
Nét mặt Vương Chí Nhân đột ngột tràn đầy vẻ thất vọng, người trùng xuống, đang muốn thỉnh giáo xem có cách gì cứu vãn hay không, không ngờ đây mới chỉ là khúc dạo đầu, phía sau thầy còn tiết lộ sự việc nghiêm trọng hơn nữa.
Thầy bói mặt mày nghiêm túc, nói: “Tháng 10 năm nay, anh sẽ gặp phải một đại nạn liên quan tới tính mạng.”
Vương Chí Nhân nghe xong khuôn mặt biến sắc, vội vàng thỉnh giáo vị thầy xem nên ứng phó ra sao. Thầy trả lời, ý trời khó tránh, thầy chỉ có thể bày một vài cách, biết đâu có thể tránh được đại nạn.
Sau khi về nhà, Vương Chí Nhân tính toán, sắp xếp thỏa đáng công việc trong thời gian nhanh nhất, thu nốt toàn bộ số tiền hàng cũng như tiền nợ, rồi nhanh chóng trở về. Vốn dự tính đóng cửa trong nhà một thời gian, hy vọng có thể bình an tránh khỏi kiếp nạn.
Cứu một mạng người
Tính ra vẫn còn cách tháng 10 khá lâu, Vương Chí Nhân bèn lặn lội mấy trăm dặn đến Tô Châu thu tiền hàng, buổi tối ở trong một quán trọ. Một hôm trời tối, anh ta ủ rũ tản bộ ở bờ sông, đột nhiên thấy một người phụ nữ bất thình lình nhảy xuống dòng nước.
Anh ta lòng như lửa đốt, cứu người như cứu hỏa, thế là cuống quýt rút 10 lượng bạc giơ cao, hô hoán mấy thuyền chài bên sông: “Bên kia có cô gái rơi xuống nước, nhà ai cứu được, tôi xin tặng 10 lượng bạc.” Lái đò nghe thấy, vội vàng chèo qua cứu người.
May thay có người kịp thời cấp cứu. Người lái đò vớt cô gái lên bờ, Vương Chí Nhân nhanh chóng gửi tặng 10 lượng bạc.
Vương Chí Nhân trông coi người phụ nữ, cho tới khi cô tỉnh táo, thần sắc trở lại. “Chị gì ơi, chị gặp phải chuyện gì mà lại nghĩ quẩn tới vậy?”
Người phụ nữ khóc lóc mà rằng: “Chồng tôi làm mướn, vì tiền công ít ỏi, nên sống rất nghèo khổ. Đã vậy gần đây chủ mướn không có tiền trả công nên dùng một con heo để bù vào tiền công. Hôm qua có người tới mua lợn, tôi bán với giá 10 lượng, nhưng không ngờ chỗ bạc đó lại là giả.”
Vương Chí Nhân cảm thông nhìn người phụ nữ. Cô khóc không thành tiếng, tiếp tục kể: “Tôi sợ sau khi chồng quay trở lại sẽ trách mắng, lại nghĩ trên người mình chẳng có đồng nào, những ngày sau biết sống làm sao. Đột nhiên cảm thấy không còn thiết sống, chi bằng chết quách đi cho xong.”
Nghe xong, Vương Chí Nhân dâng lên lòng trắc ẩn, trong bụng thầm nghĩ đã cứu người thì cứu cho trót. Anh không nói gì, liền lấy ra số tiền gấp đôi số tiền bán lợn, cứu giúp người phụ nữ.
Câu chuyện minh chứng đạo lý “Cứu người là cứu mình”
Người phụ nữ cầm tiền về nhà, đem câu chuyện kể từ đầu chí cuối cho chồng nghe. Nhưng người chồng không dám tin trên đời lại có người tốt tới vậy, thậm chí còn nghi ngờ vợ làm chuyện gì mờ ám, mới có được nhiều bạc đến vậy. Cực chẳng đã, người phụ nữ đành dẫn chồng tới quán trọ mà ân nhân đang ở, hy vọng làm sáng tỏ chân tướng sự thật.
Khi họ tới cửa phòng trọ, người phụ nữ gõ cửa nói: “Tôi là người phụ nữ nhảy xuống sống được cứu vớt, tôi đặc biệt tới đây để cảm ơn ân công! Xin ân công hãy mở cửa.”
Vương Chí Nhân nghe xong, lập tức đáp lại lạnh lùng: “Đã muộn vậy rồi, cô một mình tới phòng tôi, cô nam quả nữ thụ thụ bất thân, không khỏi người ta bàn tán.”
Người chồng nghe xong, nỗi nghi hoặc cũng tan biến, vô cùng cảm động, tin rằng Vương Chí Nhân chắc chắn là một chính nhân quân tử: “Xin ngài đừng hiểu nhầm, vợ chồng chúng tôi cùng tới đây, cảm tạ ân đức của ân công.”
Nghe tới đây, Vương Chí Nhân mới ra khỏi giường, mặc quần áo chỉnh tề, nhanh chóng đi ra cửa phòng. Giây phút anh giơ tay mở cửa, sau lưng vang lên âm thanh đùng đoàng như sấm nổ, ngoảnh đầu nhìn lại mới thấy tường phòng đột nhiên đổ xuống, chiếc giường anh ta vừa nằm bị đè vỡ vụn.
Vương Chí Nhân bị một phen hú vía, ngây người chết lặng, không nói nổi câu nào.
Sau khi hít một hơi dài, Vương Chí Nhân trong lòng vẫn còn hoảng hốt, nói với hai vợ chồng: “Hai vợ chồng tới để cảm ơn tôi, giờ tới lượt tôi phải cảm ơn hai vị rồi. Nếu hai người không tới gọi tôi dậy mở cửa, thì tôi hiện tại chắc đã bị nghiền thành bánh thịt mất rồi.” Tiếp đó, Vương Chí Nhân kể khái quát cho hai vợ chồng họ nghe câu chuyện của mình.
Người chồng nói: “Người ta nói cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp, xem ra quả không sai. Tôi nghĩ kiếp nạn của ân công có lẽ đã qua rồi.”
Vương Chí Nhân vui vẻ đáp lại: “Nói như vậy, rõ ràng là cứu người, kết quả người được cứu lại chính là tôi.”
Người chồng nói: “Ân công nhân từ, không chỉ cứu vợ tôi một mạng mà còn hào hiệp cứu trợ chúng tôi nhiều ngân lượng, chúng tôi xin được bái tạ đại ân đại đức của ân công tại đây.”
Sau khi giải quyết xong mọi chuyện ở Tô Châu, Vương Chí Nhân lập tức lên đường trở về quê An Huy. Bởi vì không chắc chắn kiếp nạn của mình đã được hóa giải hay chưa, nên vẫn không bước ra ngoài nửa bước, chờ tới khi tháng 10 qua đi. May thay không có gì xảy ra.
Một hôm, Vương Chí Nhân gặp thầy tướng số trên đường. Thầy tướng số vô cùng ngạc nhiên: “Mấy tháng không gặp, nhưng tướng mạo anh đã hoàn toàn thay đổi. “Nét âm chất” đầy tràn trên mặt (các đường nét xuất hiện trên mặt sau khi tích đức), chắc hẳn anh đã làm việc thiện cứu mạng người. Xem tướng mạo bây giờ của anh, chắc chắn có hậu phúc vô kể!”
Câu chuyện này được ghi chép lại trong sách “Thọ Khang Bảo Giám” do Ấn Quang đại sư nhà Thanh chọn lọc biên soạn. Trong sách có bổ sung: “Sau đó, vợ Vương Chí Nhân sinh liên tiếp 11 người con trai, những người này đều hiếu hiền có đức. Ông Vương cũng hưởng họ 96 tuổi, sống an khang hạnh phúc tới cuối đời.”
Theo Bí mật Trung Hoa