Triều đại nhà Tống có một anh chàng tên là Tống Giao. Một hôm, anh ta đến nhờ ông thầy xem tướng số bói cho anh một quẻ trước khi lên kinh dự thi. Ông thầy tướng số chế giễu mà bảo anh rằng: “Ngươi là một kẻ hèn hạ, vì thế đừng nên mơ mộng công danh.”
Song, Tống Giao không hề thoái chí. Sau 5 năm, cuối cùng anh ta cũng đậu trạng nguyên. Thế là anh ta trở lại tìm ông thầy tướng số, vì muốn cho ông ta biết rằng việc xem tướng của ông lúc trước đã hoàn toàn không đúng, vậy mà còn dám khinh thường chế giễu anh ta.
Nhưng khi ông thầy tướng thấy anh ta đến liền hỏi: “Không biết trong mấy năm qua anh đã làm được những việc thiện gì mà tướng trạng của anh bây giờ đã thay đổi hoàn toàn so với lần trước anh đến đây?”
Tống Giao liền đáp: “Năm trước, sau một trận mưa lớn, tôi đã cứu sống hàng vạn con kiến, châu chấu… khỏi bị nước cuốn chết.”
Sau khi nghe xong, thầy tướng mỉm cười nói rằng: “Tôi rất vui mừng và kính trọng việc làm của anh. Cái bản chất hèn hạ của anh xưa kia đã biến thành tướng mạo giàu sang quyền quý. Thế nào anh cũng được thăng tiến trên đường công danh. Anh nên biết: sanh mạng của các loài vật như kiến, châu chấu, giun dế… cũng giống như mạng sống của con người. Bởi thế, công đức cứu mạng của anh đã khiến cho tướng mạo, cốt cách của anh thay đổi nhanh chóng. Vậy kính chúc anh gặp nhiều may mắn.”
Về sau, quả nhiên Tống Giao được làm một chức quan lớn trong triều. Quả đúng như lời tục nói rằng: “Phước đức sâu dày có thể xoay chuyển trời đất”.
Tống Giao có lòng từ bi cứu sống hàng vạn sanh mạng. Việc làm tuy nhỏ nhưng phước đức rất lớn. Chính nhờ phước đức đó mà anh ta được tướng mạo đoan trang, cốt cách phi phàm. Do đó, chúng ta có thể biết được: phước đức luôn đến với những ai làm thiện và những kẻ làm ác chắc chắn sẽ bị trừng phạt.
Trích: Nhân Quả Báo Ứng
Tác giả: Văn Xương Đế Quân
Quảng Tráng lược dịch
Hòa thượng Tịnh Không nói về một người kém phước báu nhưng vẫn được vãng sanh:
Hạng này xem như thiện căn kém cỏi nhất, nhưng còn có tư cách vãng sanh. Nếu chúng ta dựa theo cấp bậc Giáp, Ất, Bính, Đinh thì những người này thuộc loại Đinh. Hạng Đinh còn có thể vãng sanh. Thấp hơn hạng Đinh sẽ chẳng thể vãng sanh. Họ tin tưởng “người có nguyện thì không một ai chẳng vãng sanh”. Ta phát nguyện, phát nguyện thì sẽ vãng sanh, đúng như vậy đó!
Hôm nay, có đồng học đến nói với tôi, tại Đạm Thủy[2] có một người niệm Phật vãng sanh, suốt đời chưa hề tiếp xúc Phật pháp. Đã thế, [người ấy] phẩm tánh chẳng tốt, ác khẩu, suốt đời tạo tội nghiệp rất nhiều. Khi lâm chung, đầu óc ông ta rất tỉnh táo, có hai vị xuất gia khuyên người ấy niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Người ấy tiếp nhận, nghiễm nhiên cũng biết trước lúc mất, nói với pháp sư: “Lúc bốn giờ, A Di Đà Phật sẽ đến tiếp dẫn tôi”. Họ bèn niệm đến bốn giờ. Tới bốn giờ, Phật chẳng đến tiếp dẫn, liền hỏi người ấy: “Sao ông lại lừa người xuất gia?” Ông ta nói: “Bốn giờ sáng”. Họ nghĩ là bốn giờ chiều. Đến ngày hôm sau ư? Được rồi, lại tiếp tục niệm. Quả nhiên chẳng sai, đến bốn giờ sáng ngày hôm sau, ông ta vãng sanh. “Do có lòng tin mà phát nguyện, không một ai chẳng vãng sanh”, người ấy thuộc về loại này. Thụy tướng vãng sanh là các đồng tu trợ niệm đều ngửi thấy mùi hương lạ. A Di Đà Phật đến tiếp dẫn người ấy, người khác chẳng trông thấy, nhưng chính người ấy trông thấy. Đã thế, A Di Đà Phật còn bảo bốn giờ sẽ đến tiếp dẫn ông ta, tức là cách lúc được tiếp dẫn mười mấy tiếng đồng hồ, cũng coi như là ông ta biết trước lúc mất. Đây là khi bệnh nặng, gặp thiện hữu chỉ dạy, ông ta mới biết.
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA Tập 206
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Hồn người mất trở về nhà sắp xếp lại đồ đạc
Giáo sư Cố Cát Cương ở Yến Kinh Đại Học, là một học giả kiên quyết chủ trương vô thần, vô quỷ. Ông chẳng những không tin quỷ thần, cõi hư vô, mà kể cả các danh nhân trong lịch sử như Nghiêu Tấn Hạ Vũ mấy nghìn năm nay mọi người đều công nhận, ông cũng có nhiều điều công kích, cho rằng không hề tồn tại những nhân vật này.
Trước ngày 13 tháng 8, giới Học Thuật Bắc Kinh có một tổ chức rất lớn là Nghi Cổ Tập Đoàn – G.S Cố Cát Cương và Tiển Huyền là hội viên trung kiên trong tập đoàn này.
Sau khi địch chiếm Bắc Kinh, Cố Cát Cương cùng vợ và các con theo Chính Phủ sơ tán đến miền Tây. Khi đến Tứ Xuyên thì ở tại Bắc Bội Trấn.
Mùa Thu năm Dân Quốc 33 (1944), vợ ông mất tại Bắc Bội. Vợ chồng ông tình cảm rất sâu đậm. Sau khi vợ mất, ông rất đau buồn. Từ đó ông không bước vào phòng mà trước kia hai vợ chồng ở chung nữa. Ông đem cửa phòng đó khóa trái lại. Ông và con gái, cùng một người làm và người bà con đến giúp việc thì ở các phòng bên ngoài.
Từ khi vợ ông mất, những tiếng động kỳ lạ và sự kiện kỳ quái liên tục xảy ra ở phòng ông khóa trái bỏ trống đó. Ông và mọi người trong nhà đều mắt thấy tai nghe. Việc này không thể không làm lung lay sự chủ trương vô thần, vô quỷ trước đây của ông. Các sự kiện kỳ quái liên tiếp sảy ra làm cho tinh thần ông bị giao động đến gốc rễ…
Sự việc xảy ra như sau: Từ sau khi khâm liệm Cát Phu Nhân xong thì cứ đến 12 giờ đêm, trong phòng nghe rõ tiếng người đi lại. Tiếng đóng và mở cửa các tủ áo và ngăn kéo. Tiếng di động của ghế, như có người thu dọn và sắp xếp, cho đến sáng hôm sau mới yên tĩnh. Cố Cát Cương và mọi người trong nhà đều nghe rất rõ. Sáng hôm sau, ông mở cửa vào xem thì thấy mọi thứ vẫn như cũ, không có gì khác thường cả.
Cứ như vậy liên tục ba ngày. Đến đêm ngày thứ Tư, ông ở ngoài phòng thắp mấy ngọn nến. Cách thức này là ông học được ở một cuốn sách cổ, cho rằng nếu có ánh sáng mạnh thì ma không dám đến gần. Nào ai biết rằng, sau nửa đêm, hình như ở nóc nhà có vật nặng gì rơi xuống. Một lúc sau lại nghe có tiếng như người mở tủ quần áo, kéo và đóng ngăn kéo, như có tiếng động thu dọn đồ đạc. Từ hôm đó trở đi thì không nghe tiếng động gì nữa.
Có người nói rằng:
“Ba đêm đầu vong linh (ma) từ ngoài phòng đi vào, ngày thứ tư vì tránh ánh sáng nên vào nhà từ trên nóc. Từ nay ra vào từ trên nóc nhà thấy không tiện nên ít về nhà nữa…”.
Cũng có người cho rằng:
“Hồn người chết về sắp đặt dọn dẹp bốn ngày, mọi việc đã xong nên không về nữa…”.
Đến một đêm hồn về trở lại, theo tục lệ của Tứ Xuyên đó là rắc bột vôi xung quanh và trong phòng rồi đóng cửa lại. Hôm sau mở cửa vào xem trên bột vôi có dấu vết gì không, thì có thể biết là hồn ma có về hay không? Cố Cát Cương bèn bố trí theo lời người địa phương. Sáng hôm sau mở cửa vào phòng kiểm tra thì thấy có nhiều dấu chân người đi giày da. Những hoa văn ở đế giày in rất rõ trên nền nhà có rắc bột vôi, ông nhận ra ngay hoa văn ở đế giày in trên nền nhà kia là của vợ ông, đôi giày mà vợ ông đã mua tại Thượng Hải từ mấy năm về trước. Đôi giày này đã được đi vào chân của vợ ông lúc khâm liệm vào quan tài khi vợ ông chết. Kiểu giày này ở Tứ Xuyên không có.
Câu chuyện này, những người bạn của chúng tôi tại Thượng Hải đều nghe nói, nhưng tôi vẫn không tin lắm. Tháng trước ông Cát về, gặp mặt nhau, tôi liền hỏi ngay chuyện này. Ông tỉ mỉ kể cho tôi nghe. Tôi liền hỏi ông:
– Đối với việc có vong linh (ma) hay không, ý kiến ông hiện nay ra sao?
Ông trả lời:
– Tôi không dám nói là không có vong linh (ma) nữa, việc này khoa học hiện nay vẫn chưa giải thích được…
Căn cứ vào ông Dương Âm Duy cư sĩ ở Vô Tích, là bạn rất thân với ông Cố Cát Cương, Tôi cũng có hỏi ông về việc này, mới biết rằng quả là chuyện trên không sai.
Trích “Địa Tạng Bồ Tát Bản Tích Linh Cảm Lục”.
Người học Phật không nhất định là phải ăn chay. Tuy nhiên, người ăn chay trong đời sống sẽ có nhiều lợi ích.
Lúc bắt đầu học Phật, không ai bắt buộc tôi ăn chay, song sáu tháng sau tôi mới bắt đầu ăn. Vì tôi đọc được lời khai thị về lợi ích của việc ăn chay. Lúc nhỏ tôi có đọc một quyển sách của một người bạn thân, anh này là một tín đồ của Hồi giáo. Trong đó họ cho rằng, ăn chay là giữ vệ sinh.
Người bình thường cũng nói như vậy. Ăn chay là giữ vệ sinh về sinh lý, ngoài giữ vệ sinh về sinh lý ra, ăn chay còn giúp con người giữ vệ sinh về tánh tình.
Tánh tình thì có thiện có ác. Họ cho rằng ăn uống có quan hệ và ảnh hưởng đến tánh tình của một người. Người không lương thiện thì sẽ không ăn chay, đây là một điểm mà tôi biết được từ đạo Hồi. Đối với đạo Phật, ăn chay có ba lợi ích.
1 – Một là nuôi dưỡng tâm từ bi. Chúng ta nghĩ xem, có ai sống trên đời này lại không ham sống sợ chết. Dù là một con vật, nó cũng có cha, có mẹ như chúng ta, vậy sao chúng ta nỡ lòng nào cướp lấy sự sống của nó mà nuôi dưỡng sự sống cho mình ?
2 – Hai là tránh quả báo. Đời nay chúng ta giết nó, đời sau nó giết lại chúng ta, oán oán chồng chất biết đời nào có thể giải trừ. Nguyên nhân chiến tranh ngày nay trên thế giới cũng là do nghiệp sát mà chiêu cảm lấy. Vì thế cổ nhân có nói:
“Hàng ngày trong bát cơm ăn
Oán sâu bể thẳm hận bằng non cao
Muốn hay binh lửa thế nào
Hãy nghe hàng thịt tiếng gào đêm khuya”.
3 – Nguyên nhân thứ ba Phật dạy ăn chay là để giữ tâm bình đẳng. Chúng ta ham sống sợ chết, không muốn bị người ta giết hại, làm tổn thương đến những người thân yêu của mình, vậy chúng ta phải lấy mình để suy ra người, chớ giết và đừng sai người khác giết dù là những con vật. Phàm làm bất cứ việc gì, nhân quả đều đi theo như bóng theo hình. Vì vậy, ăn chay là giữ vệ sinh cả về thân thể và tánh tình.
Sau khi nghe được lời khai thị như vậy, tôi bắt đầu ăn chay vào lúc hai mươi sáu tuổi, đến nay đã hơn bốn mươi mấy năm, mà thân thể tôi ngày càng tráng kiện, một người bình thường bằng tuổi tôi không thể có được.
Năm trước, bác sĩ khám và đo huyết áp cho tôi. Họ nói độ thuần khiết máu và nhan sắc của tôi giống như người ba mươi tuổi. Từ đó họ đi đến kết luận ăn chay rất tốt. Cho nên, ăn chay đối với thân thể tuyệt đối được tráng kiện, hơn nữa tâm được thanh tịnh, không bị nhiễm trước.
Cố hòa thượng Tịnh Không