Nhà nhà đều có cửa, cửa đóng hay mở đều do ý của ta, mở cửa để đón khách vào, đóng cửa để không cho người lạ và trộm cắp vào. Nhưng họa và phúc thì không có cửa, mà do lòng người tự gây. Làm ác thì chuốc lấy họa, muốn tránh cũng không được. Hành thiện thì gặp phúc, dù không cầu nhưng phúc vẫn đến. Người xưa nói : “Hành thiện như cây cỏ mọc trong vườn xuân, tuy không thấy cây cao, nhưng mỗi ngày đều có sự tăng trưởng. Hành ác như đá mài dao, dù không thấy đá mòn trong một lúc nhưng càng mài càng giảm”.
Có người cho rằng nhiều kẻ làm ác mà vẫn giàu sang, không bị báo ứng. Chẳng phải là không có báo ứng, chỉ là thời cơ chưa đến, có biết đâu đức của tổ tiên hay của chính người đó vẫn còn, một khi đức hết rồi báo ứng sẽ đến. Cũng lẽ này, người hành thiện mà không được phúc báo là còn mang nặng nghiệp của tổ tiên hay của chính người đó, một khi nghiệp trước hết rồi thì phúc sẽ đến.
Đời Tống có vị quan Vệ Trọng Đạt, một hôm bị bệnh nặng, trong lúc mơ màng , linh hồn bị quỷ vô thường dắt đi gặp Diêm Vương. Diêm Vương sai Phán Quan lật sổ công quá của Vệ Trọng Đạt ra. Lúc đầu nhìn thấy phần lỗi quá nhiều Diêm Vương nộ rằng:
– Tội ác của ngươi quá nhiều , tuổi thọ bị giảm là phải.
Nhưng khi xem đến phần công lại phán rằng:
– Nhà ngươi có thể hoàn dương, vì công nhiều hơn tội, số trong dương gian chưa mãn.
Vệ Trọng Đạt ngạc nhiên hỏi:
– Tôi chưa từng làm chuyện ác nào sao lại phạm nhiều lỗi đến thế?
Diêm Vương đáp:
– Dù ác chưa làm nhưng khi có ý niệm bất chính thì quỷ thần đều ghi lục tội ác và gửi đến đây.
Vệ Trọng Đạt lại hỏi:
– Tôi cũng chưa làm một việc thiện nào tại sao có công đức lớn như vậy?
Diêm Vương đáp:
– Ngươi đã từng lên sớ tâu cho nhà vua giảm thuế cho dân trong làng. Mặc dù không được vua chấp thuận nhưng quỷ thần đã ghi công và gửi tới đây.
Sau đó , Vệ Trọng Đạt được hòan dương, và kể lại câu truyện của mình cho mọi người. Hình với bóng đi đôi với nhau, nhân quả báo ứng cũng thế.
Trích Thái Thượng Cảm Ứng Thiên
Lão pháp sư Tịnh Không giảng
NGHE LỜI BỒ TÁT ĐỊA TẠNG KHUYÊN NIỆM PHẬT LIỀN ĐƯỢC VÃNG SANH
Hồi triều nhà Đường, có một vị tăng, hiệu là Pháp Thượng, xuất gia lúc ba mươi tuổi, ở chùa Huệ Nhật, châu Hoa, thuộc về nước Tàu. Khi Pháp Thượng chưa tu hành, thì thường đi săn bắn.
Một ngày nọ, đang rượt theo mấy con thú ở giữa chốn rừng xanh, bỗng thấy trên một vuông đất cao ráo, cây cỏ tươi tốt, mà có ánh sáng chói lòa, làm cho ông phải ngừng lại xem mà trong lòng cũng lấy làm lạ, không hiểu điềm gì, bèn nhảy xuống đất, dẫn ngựa lại cột vào gốc cây, rồi đi đến chỗ ánh sáng ấy mà quan sát một hồi lâu, cũng không thấy vật gì khác hơn là một khúc gỗ đã mục hết, chỉ còn cái lõi dài một thước, nằm ở trong đám cỏ ấy thôi. Ông Pháp Thượng thấy vậy mà không để ý làm gì, bèn lại mở dây cương ngựa mà trở về nhà, vì trời cũng đã tối.
Lần sau, cũng nhân dịp rượt theo một con thú chạy về hướng đó nữa, thì ông Pháp Thượng cũng thấy có hào quang sáng rực như khi trước vậy. Trong lòng ông ôm lấy làm kì, bèn xuống ngựa, lại gần vác cái lõi cây đem gác lên chảng hai của một loại cây đại thọ ở gần đó, rồi quay ngựa trở về.
Bỗng đâu đang đi giữa đường, ông lại gặp một con cọp rượt theo, giương nanh múa vuốt làm cho con ngựa hoảng kinh nhãy trớ, còn ông thì té nhào xuống đất, thấy con cọp chực vồ tới muốn chụp ông. Đang cơn khủng hoảng làm cho ông thất thần, bỗng đâu thấy có một vị Sa Môn từ đàng xa đi tới, ra sức đánh đuổi, con cọp hoảng sợ chạy vào rừng.
Ông Pháp Thượng được thoát khỏi nạn bèn quỳ xuống đất mà lạy tạ ơn vị Sa Môn kia và hỏi rằng:
– Bạch Thầy! Chẳng hay Thầy là ai, có việc chi phải trải qua rừng này mà gặp sự tai nạn của tôi và ra sức cứu hộ tôi như vậy?
Vị Sa Môn ấy đáp lại rằng:
– Ta là Địa Tạng Bồ Tát, hồi xưa ông tằng tổ của ngươi lập chùa tại rừng này và có tạo tượng của ta để thờ, trải qua lâu đời không ai kế thừa mà tu bổ nên chùa hư nát, chẳng còn chút chi cả, tượng của ta thì mục nát, nên chỉ còn một cái lõi mà thôi. Vì ngươi có lòng cung kính, đem cái lõi ấy gác lên chảng cây thì cũng chút công đức trong Tam Bảo nên ta thị hiện đến đây mà cứu độ cho ngươi thoát khỏi nạn hùm tha đó!
Vị Sa Môn nói vừa dứt lời liền biến mất, còn ông Pháp Thượng thì rất vui mừng và phát tâm sám hối, đem lòng tín ngưỡng Phật pháp và bỏ nghề săn bắn. Sau ông đem thợ đến nền chùa cũ mà cất lại một căn chùa mới để hiệu là Huệ Nhật, và lấy cái cốt tượng Địa Tạng bằng cây đã mục còn cái lõi đó, tô sửa lại để thờ rất long trọng.
Khi ông được 78 tuổi, nhằm ngày 24 tháng 02 đang cơn không có bệnh chi mà ông mời các vị đạo hữu tụ đến và nói rằng:
– Đức Địa Tạng Bồ Tát đã tỏ cho tôi biết như vầy: “Ngươi chính là người đắt đạo trong hội thuyết pháp lần thứ 2 cả đức Từ Thị Như Lai. Vậy nên sau khi xả thọ, ngươi được vãng sanh nơi cõi Trời Đao Ly.”
Tôi bèn đáp lại rằng cõi Trời ấy là một cảnh giới đủ năm thứ dục, khoái lạc vô song, nên sợ mê theo mà thất Bồ đề tâm, chẳng bằng hiện thời đây tôi nguyện vãng sanh về Tây phương.
Nghe tôi tỏ bày đại ý như thế, thì đức Địa Tạng Bồ Tát nói rằng: “Mặc ý ngươi! Nếu muốn vãng sanh về cõi Tịnh Độ ngươi phải chuyên niệm A Di Đà Phật thường ngày cho được nhất tâm bất loạn, thì mới có hy vọng đặng về cõi ấy.”
Tôi vâng lời khai thị mà niệm Phật hoài hiện giờ tôi sắp vãng sanh Tịnh độ, vậy khuyên thiện hữu tri thức ráng niệm Phật!
Nói mấy lời ấy vừa dứt, ông Pháp Thượng ngồi quay mặt về hướng Tây chắp tay niệm Phật rồi viên tịch.
Trích: Những mẩu chuyện linh ứng Địa Tạng Vương Bồ Tát