Trong xã hội ngày nay, chúng ta dễ dàng thấy được đồng là mở quán ăn như nhau, chất lượng cũng chẳng có khác nhau, nhưng có quán thì rất đông khách đến ủng hộ, còn quán thì rất ít người đến ủng hộ. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Đối với quán ăn đông khách là vì trong đời quá khứ hoặc đời này người chủ đã rộng kết thiện duyên với những người khách này. Nên giờ đây họ đến để ủng hộ, cũng tức là những người khách này vì có duyên mà đến. Còn đối với quán ít khách là vì trong đời quá khứ hoặc đời này người chủ đã không rộng kết thiện duyên với mọi người. Nên giờ đây không có được mấy người đến để ủng hộ, cũng tức là vì không có duyên nên mọi người không đến. Đạo lý chính là ở chổ này vậy.
Chúng ta cũng nhìn thấy có rất nhiều đại gia xí nghiệp, họ đích thật là đã phát tài một thời. Thế nhưng không bao lâu thì nghe nói họ đã vỡ nợ, họ đã phá sản, và đến cuối cùng là biệt vô tăm tích. Đây là vì sao? Tại vì họ đã hưởng hết phước báo. Vì sao phước báo của họ lại tiêu hết nhanh chóng vậy? Bởi vì trong lúc hưởng thụ phước báo, họ đã lơ là không chịu tu phước, không tiếp tục rộng kết thiện duyên với chúng sanh. Tại vì sao họ không chịu tu phước? Đó là vì họ không tin vào Nhân-Quả, cứ luôn cho rằng Nhân-Quả sẽ không bao giờ xảy đến với họ. Đây thì thật là đáng tiếc.
Cho nên, bất luận là quý vị làm ngành nghề nào nếu muốn cho sự nghiệp của chính mình phát đạt thì cần phải tu phước. Nếu không chịu tu phước mà muốn làm ăn phát đạt, sự nghiệp thăng tiến thì rất khó. Vậy tu phước là tu những gì? Chính là rộng kết thiện duyên với tất cả mọi người. Chỉ khi nào quý vị kết được cái thiện duyên này với mọi người thì mới được mọi người tôn trọng, được mọi người ủng hộ, thì mới có thể không bại không suy.
Vậy phải làm sao để rộng kết thiện duyên với tất cả chúng sanh? Chúng ta thường thấy có những nhà hảo tâm mỗi khi nơi nào đó xảy ra thiên tai lũ lụt, họ thường đem thức ăn, vật dụng cần thiết đến những nơi này để cứu tế cho mọi người. Hoặc họ tìm đến các bệnh viện để nấu cháo, nấu thức ăn để phân phát cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Hoặc mỗi khi nhà chùa có tổ chức pháp hội, họ vào chùa để phụ giúp nấu thức ăn cho mọi người, hoặc quét dọn sân chùa nhằm làm cho cảnh già lam thêm phần sạch sẽ trang nghiêm, khiến cho tất cả mọi người khi đến chùa đều cảm thấy thật thoải mái, thật vui vẻ. Hoặc họ quyên góp xây cầu, đắp lộ, đào giếng, xây nhà tình thương. Hoặc khi gặp những người nghèo khó, những người hoạn nạn cần giúp đỡ, họ luôn mở rộng tấm lòng của mình để giúp đỡ mọi người.
Trong việc tu phước, chúng tôi luôn đề xướng: “Rắp lòng tốt, làm việc tốt, nói lời tốt, và làm người tốt”. Nếu như quý vị hội đủ những yếu tố này thì nhất định phước báo mà quý vị tu được đó sẽ vô cùng thù thắng, thiện duyên mà quý vị rộng kết với chúng sanh đó sẽ càng kết càng thù thắng.
Lão pháp sư Tịnh Không
CON GÀ TRONG MÂM CÚNG – RỤNG RỜI KHI BIẾT SỰ THẬT ĐẰNG SAU
Câu chuyện lạnh xương sống này do một sư cô pháp danh là Diệu Thanh ở Đà Lạt, kể lại chuyện chính trong gia đình của cô.
Cha mẹ cô, mọi người vẫn gọi là ông bà Mười, có tính tình đối lập nhau. Mẹ cô thì hiền lành, thích đi chùa tu học theo đức hiếu sinh của Phật. Còn cha cô thì ngược lại, ham thích sát sinh, ông có thói quen mời bạn bè về nhà chơi, rồi giết vật để đãi khách, mẹ cô hết lời khuyên cha cô nên ăn chay niệm Phật nhưng ông không nghe theo.
Có một lần vào kỳ nghỉ hè, ông bà Mười cùng người cháu ngoại tên Hòa ra Vũng Tàu để nghỉ mát. Ngoài Vũng Tàu có nhà đứa cháu bà con tên là Bê gọi bà bằng dì.
Tối hôm đó khi ngủ ở khách sạn, bà Mười nằm chiêm bao thấy cậu Bê đến mời hai ông bà đến nhà ăn đám giỗ mẹ mình. Trong giấc mơ, bà thấy hai vợ chồng bà đến nhà cậu Bê dự tiệc giỗ, khi đó cậu Bê đem ra chén nước có in hình bông súng nói:
– Dì với dượng súc miệng đi rồi vô bàn ăn tiệc với tụi con, hôm nay đám giỗ mẹ con.
Bà Mười nhìn sau bếp mới nói:
– Bữa nay tụi bây nấu gì để cúng giỗ cho mẹ tụi bây vậy?
Vừa nhìn ra sau thì bà thấy mẹ cậu Bê bị cắt cổ ngang và bị cắt đứt hết một cánh tay, còn một cánh tay treo ở xà ngang. Bà Mười mới hoảng hốt la lên:
– Trời ơi, sao mày giết mẹ để cúng giỗ cho mẹ mày vậy Bê?
Nói xong rồi bà la lên thất thanh. Mộng đến đây, do sợ quá nên bà tỉnh giấc. Lúc tỉnh dậy, bà kể toàn bộ giấc mơ cho chồng nghe:
– Ông ơi, sao tôi nằm chiêm bao thấy kỳ lạ quá, thấy thằng Bê nó mời hai vợ chồng mình đi ăn đám giỗ. Nó đem chén nước có hình bông súng cho mình súc miệng. Tui ra bếp thấy vợ nó cắt cổ mẹ nó làm giỗ ông à, chỉ còn một cái tay, cái tay kia vợ nó xé làm gỏi rồi….
Ông Mười bảo:
– Chỉ là mơ không có thật, thức dậy là tỉnh rồi còn gì phải sợ nữa, bà suốt ngày toàn chiêm bao bậy bạ.
Bà Mười kể thấy chồng vẫn không nghe, nên bà mới gọi cháu ngoại kể cho nó nghe để giải tỏa chút tâm lí, kiếm thêm đồng minh.
Không ngờ đến 7 giờ sáng hôm sau thì cậu Bê đến khách sạn, thưa rằng:
– Dì Mười dượng Mười ơi, bữa nay là đám giỗ mẹ con. Con mời dì dượng đến nhà con dự tiệc giỗ.
Bà Mười nghe qua mới giật mình sao mà giống trong mơ quá. Trong khi đó, hai ông bà chỉ vô tình đi Vũng Tàu nghỉ mát cùng cháu ngoại chơi mùa hè thôi, chớ không hề biết ngày giỗ kỵ của mẹ cậu Bê này. Bà liền kéo ông ra nói :
– Đó, thấy chưa ông, thấy chưa, chiêm bao tui thấy hay chưa…..
Ông Mười quay sang khều bà:
– Thôi bà, bà giữ dùm cái miệng bà lại đi, đừng có nói bậy nói bạ. Người ta nghèo khổ, đến ngày giỗ mẹ người ta. Người ta có lòng mời thì mình nghĩ tình nhín chút thời gian đến dự, chứ khước từ thì người ta tủi thân.
Ông quay sang nói với cậu Bê:
– Không sao đâu con, con về đi. Khoảng 9-10 giờ dì dượng sẽ ghé qua dự giỗ.
Đến hơn 9 giờ sáng, ông Mười kéo bà Mười đi đến nhà cậu Bê thì bà bảo:
– Thôi tui sợ lắm, rõ ràng tui thấy là đám giỗ má thằng Bê, tụi nó giết má nó để cúng giỗ cho má nó mà. Tui sợ lắm, tui không đi đâu, ông đi một mình đi.
Ông Mười nói:
– Chiêm bao chỉ là mộng, đâu có thật đâu mà bà lo. Đi đi, có tui đây nè bà đừng có sợ gì cả.
Sau cùng thì ông cũng dẫn được bà Mười cùng cháu ngoại ghé sang nhà cậu Bê dự đám giỗ. Vừa đến nhà, ngồi vào ghế thì cậu Bê mới rót nước vào hai cái tách:
– Con mời dì dượng uống miếng nước xúc miệng rồi vô bàn ăn cơm với tụi con.
Nhìn vào tách nước, quả nhiên trên tách có in hình bông súng. Bà Mười lên tiếng:
– Đó ông thấy chưa, hồi hôm tui nói rồi, y hệt như vậy luôn.
Ông Mười khều nhẹ:
– Bà làm ơn giữ cái miệng lại dùm tui đi.
Bị chồng nói hoài nên bà hậm hực:
– Vậy để tui ra đàng sau coi tụi nó làm cái gì để cúng má nó?
Khi bà đi ra phía sau nhà bếp thì thấy ở cây xà ngang nhà bếp treo tòn ten một con gà đã bị cắt cổ, chỉ còn một cánh. Còn cánh gà kia thì bị cô vợ cậu Bê đem xé phay trộn gỏi rồi. Bà sợ quá, la lên:
– Ông Mười ơi, đúng rồi đó, con gà này chỉ còn có một cánh à. Trong chiêm bao tui thấy rõ ràng, nó làm thịt mẹ nó rồi nó cắt cổ treo ở trên xà ngang, chỉ còn một cánh tay, cánh tay kia bị vợ thằng Bê nó xé trộn gỏi rồi. Bây giờ xảy ra y hệt như vậy luôn rồi.
Bà vội kể hết sự tình trong giấc chiêm bao cho gia đình cậu Bê này nghe. Vừa nghe xong thì cậu này rùng mình toát mồ hôi lạnh, dẹp luôn, không ăn không uống gì nữa cả.
Cậu chỉ bới ba chén cơm trắng lên cúng mẹ, còn lại thịt gà gì bỏ hết. Cũng từ ngày hôm đó thì cậu Bê cũng ăn chay niệm Phật luôn, vì không ngờ chính mình lại “giết mẹ để cúng giỗ cho mẹ”.
Sau này cả ông Mười cũng phát tâm ăn chay niệm Phật.
Một câu chuyện có thật khác tại TP HCM, rùng rợn không kém, do sư cô Thích Nữ Như Lan kể lại.
MẸ ĐẦU THAI THÀNH VỊT, BỊ CON CẮT CỔ
Ở đường Dương Bá Trạc, quận 8, TP. HCM, vào khoảng những năm 1970, có một người chuyên bán cháo vịt, tên là cô Hai. Quán cháo vịt của cô bán rất chạy, khắp vùng ai cũng biết tiếng “cô Hai cháo vịt”. Khách tới ăn đông đến mức một buổi chiều có thể bán hết 20 con vịt .
Do sợ mua vịt làm sẵn ở bên ngoài không được ngon, nên cô Hai luôn tự tay mình ra chợ lựa từng con vịt còn sống về làm thịt.
Do có kinh nghiệm nhiều năm, cô Hai chỉ cần cầm con vịt lên là biết được con nào da nhiều, con nào mỡ nhiều, con nào thịt dai, con nào thịt bở… Sau đó đem về đích thân cắt cổ từng con làm thịt.
Suốt khoảng 20 năm bán cháo vịt như vậy, số lượng vịt bị cô giết quả là một con số …toát mồ hôi, trên 140.000 con
Một hôm, sau khi làm thịt mấy chục con vịt xong, cô cảm thấy đau đầu nên để việc cho các con làm tiếp, còn cô đi vào trong nhà nằm ngủ một giấc.
Trong giấc mơ, cô thấy mẹ của mình ( đã chết mấy chục năm về trước) trở về tìm cô. Điều kinh ngạc là cổ của bà bị ai cắt không rõ, đầu không đứt ra hẳn mà lủng lẳng trên cổ, máu chảy đầm đìa , nhìn rất kinh dị.
Bà hằm hằm tiến đến nắm lấy đầu cô Hai, giọng xuống bàn, và oán trách rằng:
– Tao nuôi mày khôn lớn, trưởng thành … để bây giờ mày cắt cổ tao !
Cô Hai liền nói:
– Con cắt cổ mẹ hồi nào mà mẹ nói như vậy ? Mẹ chết rồi, mẹ chết mấy chục năm rồi mà giờ má nói con cắt cổ mẹ ? Mẹ chết vì bệnh mà sao đổ thừa là con cắt cổ chứ ?
Bà mẹ liền nắm đầu cô đập xuống giường và lớn tiếng :
– Tại mày không biết nên mày nói như vậy. Mày mới cắt cổ tao đây, tao đau đớn chừng nào. Giờ tao về tao trả thù mày.
Khi đó cô Hai giật mình thức giấc, quá sức kinh hoàng, cô liền ngồi hồi tưởng lại, và nhớ ra. Quả là hồi trưa , trong số mấy chục con vịt bị cô giết , có một con vịt, sau khi bị cô cắt cổ xong, do cô đưa dao hơi quá tay nên cái đầu nó gần đứt giống như treo lủng lẳng trên cổ. Vậy mà con vịt này không chịu chết ngay, mà nó giãy giụa, vùng ra chạy được một đoạn mới ngã vật ra chết. Giờ cô nhớ lại mới thấy cái cổ con vịt ấy lủng lẳng y hệt cổ của mẹ cô trong giấc mơ.
Xâu chuỗi lại sự việc, cô Hai kinh hoàng hiểu ra rằng, mẹ mình đã đầu thai thành con vịt đó, và chính tay cô chứ không ai khác đã cắt cổ mẹ mình.
Nhận thấy luân hồi này thật là oan trái, nghiệt ngã, nghiệp sát thật đáng sợ, từ đó cô bỏ nghề bán cháo vịt , thương hiệu “ Cô Hai Cháo Vịt” dần chìm vào quên lãng, nhưng ác nghiệp cô đã gây ra, cùng những mối oán hận, những sự trả thù của những con vật bị giết trong những kiếp sau, sẽ còn theo cô không biết đến khi nào mới dứt.
Tĩnh Am Đại Sư có nói trong bài văn Khuyến Phát Tâm Bồ Đề:
“Đánh lừa bật máu ai hay cái bi thảm của mẹ ta
Dắt lợn vào lò đâu biết cha ta đau đớn.”
Hai câu thơ này là một lời cảm thán của Đại sư từ hai câu chuyện có thật ở Trung Quốc. Câu chuyện thứ nhất:
Khi xưa ở Nam Kinh có một gia đình có truyền thống nuôi lừa, cha truyền con nối. Rồi người cha mất đi, để lại 2 mẹ con phải sống cảnh mẹ quá con côi. Mẹ nuôi con khôn lớn rồi cũng tạ thế, người con tiếp tục truyền thống nuôi lừa.
Một thời gian sau, người con có nuôi một con lừa cái. Ròng rã 18 năm, con lừa đã cống hiến tất cả sức lực cõng vác cho chủ không nề hà gian khổ.
Nhưng đến khi già quá rồi, mỗi lần chở hàng nặng ra chợ để bán, nó không nhanh nhẹn được như xưa, nên người con thường dùng roi đánh vào lưng lừa rất mạnh để nó đi nhanh hơn.
Mỗi lần đánh như vậy, con lừa 2 hàng nước mắt chảy dài. Thực chất vì tuổi già nên con lừa không đủ sức kéo. Người chủ cứ tưởng con lừa này ăn no rồi làm biếng nên đánh cho nó sợ. Một hôm nọ, người con này nằm mộng thấy người mẹ đã khuất từ lâu đứng bên đầu giường nói:
– Trước kia ân oán nợ nần giữa con với mẹ vốn đã trả đủ, nhưng sau đó, mẹ lại ăn trộm của con 18 đồng tiền vàng, nên mẹ phải đầu thai trở lại làm thân lừa để trả nợ cho con suốt 18 năm. Con có biết suốt 18 năm qua mẹ đau khổ biết dường bao? Mỗi lần con dùng roi đánh vào thân lừa, mẹ đau thấu xương. Đau đớn hơn nữa là chính đứa con ruột của mình đánh đập tàn nhẫn mà mẹ không nói cho con nghe được.
Giờ đây mẹ đã trả xong nợ cho con rồi. Ngày mai này mẹ ra đi. Trước khi ra đi mẹ về báo mộng cho con. Mẹ khuyên con rằng kể từ nay con dừng tay lại, đừng nhẫn tâm giết hại các loài vật vì biết đâu đó là cha mẹ của con nhiều đời nhiều kiếp. Chính mẹ của con đầu thai đây mà con nào hay nào biết, lại đánh đập tàn nhẫn mẹ suốt 18 năm qua đó.
Giật mình thức dậy, người con không biết hư thật ra thế nào, cậu ta mới chạy ra chuồng lừa thì biết rằng con lừa già đó đã chết rồi. Sau đó anh ta bán hết lừa và đi tu.
Câu chuyện thứ hai:
Có một tên đồ tể hằng ngày dắt heo đến lò mổ, mỗi ngày giết ít nhất 3 con. Một hôm nọ, anh ta ngủ dậy trễ, đang trên đường dẫn heo đến lò thịt để mổ, con heo bỗng ghì lại không chịu đi. Anh ta đánh đập tàn nhẫn mà con lợn vẫn không chịu đi. Có một khách bộ hành đi ngang qua, bắt gặp cảnh đó nên bảo:
– Anh cứ để đó tôi sẽ có cách cho nó đi. Nói rồi người này liền gọi: “Lý Đẩu, Lý Đẩu! Lại đây!”
Tức thì con heo liền lại gần người khách. Người chủ bất ngờ hỏi:
– Anh có biết Lý Đẩu là tên ai không mà anh gọi vậy? Lý Đẩu chính là tên của người cha đã khuất của tôi đấy. Anh không phải là dân vùng này, vậy tại sao anh biết và gọi tên con heo là Lý Đẩu?
Người khách bảo:
– Lý Đẩu là con heo này, và cũng chính là cha của anh. Do cha anh kiếp trước sát sanh quá nhiều, bây giờ tái sanh lại làm heo để trả nghiệp.
Tên đồ tể kinh ngạc nhìn con heo, cứng lưỡi không nói được gì, chỉ biết đứng ngây dại ra đó. Khi quay lại thì người khách biến mất, hoá ra người khách ấy chính là Bồ Tát hoá thân để chỉ rõ nhân quả, điểm hóa cho người đồ tể.
Có một sự thật quan trọng mà 99% người đời nay không tin, không biết. Đó là bất kì ai, sau khi chết rồi sẽ đều phải đầu thai chuyển thế trong 6 nẻo, là cõi Trời – cõi A Tu La – cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ và địa ngục. Khi có phước kha khá một chút thì sinh lại làm người, kém hơn thì làm cô hồn ngạ quỷ, nếu nghiệp nặng, phước ít, thì đầu thai thành súc sinh, cũng là bình thường.
Và khổ một điều, nếu đầu thai thành súc sinh, sẽ không đi đâu xa, mà thường sẽ đầu thai quanh quẩn chỗ những người thân quyến, bằng hữu, những người có duyên nợ với mình như con cháu, họ hàng, bạn bè.v.v… hay những người chủ nợ mà khi còn sống chưa trả hết nợ cho họ.
Điều đó có nghĩa là những con vật quanh ta, như chó mèo, trâu bò, gà vịt.v.v… nuôi trong nhà, thường là thân bằng quyến thuộc bằng hữu của ta nhiều kiếp trước, phước hết nghiệp nặng, nên đầu thai thành súc sinh, vì có duyên nên sinh trong nhà ta, hoặc cách này cách khác, được ta đem về nuôi.
Thậm chí không cần nuôi trong nhà, ta ra chợ chọn mua những con vật ngoài đó về làm thịt thôi, do nhân duyên sắp đặt, ta cũng sẽ chọn đúng những con vật có duyên nợ từ tiền kiếp với mình mà mua, chứ không duyên thì cũng sẽ không gặp.
Và như những câu truyện trên các bạn đã thấy, giết thịt những con vật ấy để ăn, để bán, để đãi khách, thậm chí là để làm đám giỗ, cũng chính là giết hại những người thân bằng quyến thuộc từ nhiều kiếp của chính mình. Đó là một sự thật hết sức đau lòng mà không phải ai cũng biết.
Vì rằng đại đa số các con vật không có năng lực báo mộng như trong truyện trên đây cho ta biết. Chỉ có rất ít những con vật trong kiếp xưa có gieo một chút ít công đức nào đó, mới đủ năng lực tâm linh để báo mộng mà thôi.
Vì lẽ đó, Đạo Phật vẫn luôn chọn không sát sinh là giới luật đầu tiên mà người đệ tử nào cũng phải giữ gìn. Và luôn hướng cho tất cả mọi người ăn chay, để tránh cho mọi người nghiệp chướng nặng nề, tránh đi thảm cảnh oan oan tương báo, cốt nhục tương tàn trong lục đạo luân hồi.
Mong rằng ngày sẽ càng nhiều người thấu hiểu được điều này mà dừng tay tạo nghiệp, từ bỏ sát sinh, tránh gieo rắc khổ đau cho chúng sinh, cũng là cho chính mình.
Diệu Âm Lệ Hiếu tổng hợp từ bài giảng của Sư cô Thích Nữ Như Lan
Nguồn: Quang Tử
UỐNG THUỐC ĐỘC TỰ TỬ – NHỜ UY LỰC PHI THƯỜNG CỦA CÂU NIỆM PHẬT MÀ KHÔNG CHẾT
Tôi vốn là người tu bên Tịnh độ, chuyên niệm Phật và phát nguyện vãng sinh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà. Câu chuyện sau đây của tôi, nếu ai muốn kiểm chứng thật hư, có thể liên hệ với tôi theo địa chỉ của tôi: Lâm Duy Tùng, số 16 đường Nguyễn Tri Phương, tổ 9, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam.
Câu chuyện của tôi là một việc rất đáng tiếc, có lẽ đọc xong sẽ có rất nhiều người trách mắng tôi, tôi xin nhận. Xong tôi vẫn kể, để nhân đó các bạn có thể thấy được, sức oai lực phi thường mà câu niệm Phật mang lại.
Thời gian năm 2016, tôi chìm đắm trong bế tắc không lối thoát, từ công việc, gia đình, tình cảm… nói chung là mọi thứ như đều đổ xô vào, dồn tôi đến chân tường. Vậy nên, trong cơn “bần cùng sinh dại dột”, tôi uống thuốc diệt cỏ (còn gọi là thuốc cỏ cháy) để tự sát.
Hôm đó là ngày 8/3/2016, tôi uống khoảng 1/4 chai thuốc cỏ cháy loại nhỏ, từ lúc 2h, mãi đến gần 5h gia đình tôi mới biết và đưa tôi lên bệnh viện, lúc đó là đã hơn 5h.
Mấy tiếng đồng hồ đau đớn quằn quại, ấy vậy mà tôi vẫn còn lì lợm. Bệnh viện Đức Trọng muốn súc ruột nhưng tôi không cho, vì tôi quyết chết bằng được.
Thế là họ chuyển tôi lên trên bệnh viện thành phố Đà Lạt. Lên đó, thì bác sĩ lắc đầu, bảo về nhà nằm chờ chết thôi, không cứu được nữa rồi. Tối hôm đó, do thuốc ngấm vào ruột và dạ dày nên người tôi nóng rát, bụng cứ như đang đun nước sôi ở trong, ngay cả một ngụm nước uống cũng không được, giống hệt như cảnh giới ngạ quỷ miêu tả trong Kinh.
Sáng hôm sau, các sư chú trên chùa thầy Giác Nhàn biết tin, nên xuống để đưa tôi lên phòng hộ niệm. Các sư chú bảo tôi cố gắng niệm Phật, nếu mạng còn thì Phật sẽ cứu, còn không thì Phật sẽ rước về cõi của Ngài ở Tây Phương. Suốt thời gian đó, gia đình tôi thì phóng sinh hồi hướng cho tôi. Còn tôi thì niệm Phật, tuy không được nhất tâm nhưng cũng có sự cảm ứng của chư Phật. Phải kể thêm rằng hơn một năm trước, tôi cũng thường phóng sinh, cố gắng hành thiện mong chuyển nghiệp báo của mình, nên khi nguy kịch cũng gặp được sự trợ duyên rất lớn.
Nằm ở phòng hộ niệm, không dùng bất cứ thứ thuốc gì, bụng và cuống họng lúc nào cũng nóng như lửa đốt. Tôi chỉ uống được chút nước sắn dây, ngoài ra không dùng được gì khác. Vài lần thử ăn chút cháo, nhưng rồi, hệt như nuốt sắt nóng vào bụng, muỗng cháo đi đến đâu, bụng tôi cháy đến đó, đau đớn không gì tả xiết.
Năm ngày trôi qua, người tôi bắt đầu yếu dần, mệt mỏi tưởng chừng không qua khỏi. Đêm đó tôi sốt li bì, ai cũng đinh ninh là tôi sẽ không vượt qua được. Còn tôi thì bám lấy câu niệm Phật, mong sao có chết thì cũng được sinh về cõi Cực Lạc.
Nhưng không, câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” của tôi, cùng những công đức mà mọi người hồi hướng cho tôi đã phát huy công năng vi diệu.
Đến sáng hôm sau, tôi mở mắt ra và thấy không còn đau như trước, sức lực tăng lên đáng kể, và tôi bình phục như một phép màu. Từ hôm đó, tôi khỏe dần, bắt đầu ăn được ít chuối. Và được vài hôm, các sư chú cho tôi về nhà. Khoảng một tháng sau thì tôi khỏe lại hoàn toàn.
Phật pháp vốn nhiệm màu là thế, mong qua câu chuyện này của tôi, mọi người có thêm niềm tin vào hiệu lực vô biên của câu niệm Phật nói riêng, của Phật pháp nói chung. Và, làm gì thì làm, đừng dại dột tự sát như tôi nhé, đó sẽ là điều khủng khiếp nhất bạn phải trải qua. Tìm đến cái chết không hề làm cho đau khổ dừng lại, nó chỉ làm đau khổ bùng phát mạnh hơn. Chỉ có tu hành đúng như lời Phật dạy mới chấm dứt được đau khổ mà thôi.”
(Quang Tử, viết theo lời kể của Lâm Duy Tùng – Trích sách “Bệnh Viện Trả Về, Phật Pháp Cứu Sống”).