Phật Bồ tát từ bi giúp cho chúng ta có được hoàn cảnh tu học, hoàn cảnh làm việc rất tốt, cơ duyên này thật là vô cùng khó gặp, trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được. Nhưng thường chúng ta đều bỏ lỡ chẳng coi trọng, ngay trước mặt mà luống qua, thật là đáng tiếc!
Nếu biết cơ hội tốt rất khó gặp, thời gian gặp được thường thường rất ngắn ngủi, cho nên khi người ta có trí huệ, gặp được liền mau nắm lấy, nhất định sẽ chẳng buông thả, lợi dụng cơ hội này thành tựu cho mình, lợi ích chúng sanh. Cổ kim Trung ngoại, phàm những người thành tựu trong thế gian, xuất thế gian cứ quán sát kỷ thì sẽ thấy họ đều biết nắm lấy cơ hội, phàm những người thất bại đều vì họ đánh mất thời cơ tốt đẹp. Do đó có thể nhận biết cơ hội tốt là trí huệ học vấn, nắm lấy cơ hội tốt là phước báu chân thật.
Trong thời thế ngày nay ở đâu cũng động loạn chẳng an, từ trước đến giờ trong lịch sử chưa từng xảy ra. Trong kinh Đức Thế Tôn nói về “ngũ trược ác thế”, chúng ta ngày nay có thể ý thức được, hơn nữa lại còn trược ác đến cùng cực, trong hoàn cảnh như vậy mà chúng ta có thể gặp được Phật pháp, vẫn còn có được một hoàn cảnh tu học tốt đẹp, đây là phước báu tu được từ vô lượng kiếp đến nay.
Nhiều người muốn thật sự tu hành trên thế gian nhưng tìm chẳng ra hoàn cảnh tu học. Thật sự dụng công nhưng tìm chẳng ra hoàn cảnh để tu học là duyên chẳng đủ. Có hoàn cảnh tu học nhưng chẳng chịu dụng công là thiện căn phước đức chẳng đủ. Trong kinh Di Đà nói: “chẳng thể dùng ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh cõi ấy”. Chúng ta có nhân duyên nhưng thiện căn phước đức chẳng đủ, sức mạnh của tín nguyện không mạnh là thiện căn chẳng đủ, chẳng chịu làm thật sự là phước đức chẳng đủ, người như vậy dù có gặp nhân duyên nhưng đời này cũng sẽ luống uổng.
Lúc trước tôi ở Đài Trung cầu học, số người thân cận lão cư sỉ Lý Bỉnh Nam có đến mấy chục vạn người, có được bao nhiêu người thành tựu? Thầy Lý thường nói, trong một vạn người chỉ có hai ba người thật sực thành tựu mà thôi, đây là sự thật bày trước mắt. Chúng ta muốn thành tựu ngay trong đời này thì nhất định phải nắm lấy cơ hội, hơn nữa nhất định phải nhận thức rõ ràng, nếu đời này chẳng thể thành tựu thì sẽ chẳng tránh khỏi luân hồi lâu dài vô số kiếp, lần sau muốn gặp được cơ hội này chẳng phải ở đời sau, chẳng phải đời kế tiếp, sợ là phải nhiều đời nhiều kiếp sau này.
Thế nên đại Thanh Văn, đại Bồ Tát vô cùng trân quý cơ duyên. Nếu chúng ta thường đọc kinh thấy Phật, Bồ Tát coi trọng cơ duyên như vậy, nói thật ra chúng ta gặp được mà bỏ lỡ cơ hội lại cũng chẳng tiếc, cứ tưởng là những cơ hội này thường xuất hiện. Hôm nay làm biếng một chút cũng chẳng sao, vẫn còn ngày mai, năm nay phóng dật cũng chẳng sao vẫn còn năm tới, tư tưởng này vô cùng sai lầm, đó là nghiệp chướng hiện tiền, không phải chỉ là nghiệp chướng mà là ma chướng hiện tiền, ngày mai sẽ còn có cơ hội này hay sao? Năm sau vẫn còn có cơ hội này hay sao? Không chắc đâu.
Năm đầu Dân quốc Âu Dương Cánh Vô tiên sinh lập ra China nội học viện, cũng tính là sẽ tiếp tục lâu dài, nhưng sau hai năm liền chấm dứt, vì lúc đó quân phiệt phân chia chiếm cứ đất đai, chiến tranh dồn dập, không thể không giải tán, không thể không chấm dứt. Ngày nay thế giới động loạn chẳng an, ngày an ổn chẳng nhiều, càng phải nên nắm lấy cơ hội dụng công nổ lực tu học. Trong kinh luận có nói, “sanh tử đại sự, mạng người vô thường, cõi nước mong manh” đây đều là lời chân thật, là trí tuệ cao độ, cảnh giác cao độ.
Ngày nay người thế gian đối với danh văn lợi dưỡng đều tranh dành từng giây từng phút, chúng ta cũng phải có tinh thần này, từng giây từng phút nhất định phải tranh thủ thành tựu đạo nghiệp lợi ích chúng sanh. Chúng sanh có tai nạn, chúng sanh chẳng đạt được lợi ích chân thật là vì chúng ta chẳng tu hành hoàn hảo, trách nhiệm nhất định phải qui về mình, vì mình ngu muội vô tri chẳng thể y giáo phụng hành, chẳng thật sự chịu làm, tương lai tiền đồ đen tối. Tiền đồ ở tại đâu? Tại tam ác đạo chẳng phải tam thiện đạo. Nếu chúng ta chẳng thể nắm lấy thời gian, cơ duyên luống uổng hết, vậy thì đáng tiếc biết bao? Chẳng những là chuyện đáng tiếc trong đời này có thể nói là chuyện vô cùng đáng tiếc từ vô lượng kiếp đến nay, chẳng còn chuyện gì đáng tiếc hơn chuyện này nữa đâu. Hy vọng các bạn đồng tu đều có nhận biết cảnh giác như vậy, phải hết lòng nổ lực hy vọng trong một đời có thể thành tựu. Trong kinh Di Đà nói rất hay: Nếu một ngày, nếu hai ngày đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn, người lợi căn một ngày có thể thành tựu, người độn căn bảy ngày cũng có thể thành tựu, chúng ta phải có tinh thần và nghị lực này.
Trên thế gian này tuy có tiền tài to lớn, nhưng sau khi chết đi một đồng xu cũng chẳng mang theo được, đúng là muôn vật đem chẳng nổi chỉ có nghiệp đi theo mà thôi. Mang gì theo được? Có thể mang theo công đức giúp đỡ chúng sanh có cơ duyên được độ hóa. Trong xã hội ngày nay rất nhiều người có địa vị, nhưng chẳng biết đạo lý và sự thật này, chẳng có trí huệ, chẳng biết căn nguyên thật của kiết hung họa phước, cho nên vẫn chẳng thể giữ kiết tránh hung. Những việc nhân quả báo ứng này không những cổ đức ghi chép rất nhiều, nếu chúng ta lưu ý một chút trong xã hội ngày nay thì chổ nào cũng có thể thấy được.
Ngày nay chúng ta may mắn gặp được duyên phần này thiệt là trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được, nếu chúng ta còn không biết nắm lấy cơ hội, vẫn chẳng biết tu phước trái lại còn tạo nghiệp chướng ngại nhân duyên này, tội ấy rất nặng. Thế nên gặp được duyên phần thù thắng này rốt cuộc là tốt hay xấu thì cũng khó nói, phải coi bạn dùng tâm gì? Bạn dùng tâm thiện, chịu thành tựu cho chúng sanh thì đó là việc tốt. Nếu tự mình có ý niệm muốn khống chế chiếm giữ, thì duyên phần này sẽ giúp bạn đọa vào địa ngục A tỳ, đây đều là sự thật, hoàn toàn sai khác trên sự nhận biết.
Khai thị của pháp sư Tịnh Không
NGAY ĐÊM NIỆM PHẬT, VONG CHA THOÁT KHỔ
Lúc còn ở quê nhà Đông Bắc, tôi không hề tin Phật, khi đến Thượng Hải ngày đầu tiên, chị ba của tôi, Vương Hằng Mai đã bảo tôi niệm Phật, tôi mới bắt đầu niệm Phật. Khoảng năm, sáu ngày sau, ngày nào tôi cũng mơ thấy cha tôi chịu khổ, lại không có tiền xài.
Cha tôi mất đã hơn 10 năm trời, khi tôi còn ở Đông Bắc, chưa bao giờ mơ thấy ông, tại sao khi đến Thượng Hải xa như thế, mà ngày nào cũng mơ thấy? Tôi hỏi chị ba, chị nói: “Cha của cậu đang chịu khổ, cần cậu cho công đức để cứu ông. Trước kia cậu không niệm Phật, không có công đức, cha tìm cậu cũng chẳng có ích gì; bây giờ cậu niệm Phật, thì có công đức rồi, nên cha mới đến tìm cậu, mỗi đêm đều báo mộng cho cậu, đây gọi là cảm ứng, không phân biệt đường xa, không cần biết cậu ở nơi nào, cũng đều tìm thấy được” .
Chị ba hạn cho tôi trong vòng bảy ngày, mỗi ngày niệm 21 xâu chuỗi tràng 108 hạt, rồi hồi hướng công đức cho cha tôi. Ngay cái đêm tôi bắt đầu niệm Phật, cha tôi không xuất hiện trong mơ nữa, cho đến hôm nay, tôi vẫn không mơ thấy cha tôi nữa.
Nhân vì anh tôi cũng đồng thời có đốt giấy tiền vàng bạc cho cha, nên anh cho rằng do anh đốt giấy tiền mà có tác dụng, không nhất định là do niệm Phật. Thế nhưng, nếu đốt giấy tiền có tác dụng, thì tại sao mỗi năm đến ngày giỗ, Thanh minh, Đông chí…, đốt rất nhiều giấy tiền vàng bạc, đốt tới mười mấy năm, tại sao cha còn đến tìm tôi? Sau khi nghe tôi nói như vậy, thì hai anh em tôi đều cho rằng, cha chắc chắn được Phật cứu rồi, cho nên mới không đến tìm tôi nữa.
(Ngày 30 tháng 10 năm 2004, Thượng Hải, Tần Diễm Quyền thuật, pháp sư Thích Tịnh Tông ghi).
Trích: 100 truyện niệm Phật cảm ứng