Phật hiệu của chúng ta cứ thường bị vọng tưởng cắt đứt, chẳng thể thường niệm chẳng dứt. Ấn Quang đại sư dạy: “Con người ở trong thế gian chẳng thể siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử đều do vọng niệm gây ra. Hiện nay lúc niệm Phật hãy nghĩ là mình đã chết và chưa vãng sanh. Trong mỗi ý niệm, hết thảy những ý niệm tình chấp trong thế gian đều gạt hết ra ngoài. Ngoại trừ một câu Phật hiệu này, chẳng để cho có một niệm nào khác! Làm sao có thể thực hiện điều này? Hãy nghĩ mình đã chết rồi, hết thảy vọng niệm đều chẳng cần thiết. Nếu có thể nghĩ như vậy, ắt sẽ có lợi ích lớn.
Còn lúc thường ngày có quá nhiều vọng tưởng, muốn có thần thông, có danh tiếng, có pháp duyên, đắc đạo… Như vậy là dùng vọng tưởng làm bổn tâm của mình, càng dõng mãnh tinh tấn, các vọng tưởng ấy sẽ càng lớn, càng nhiều. Nếu không giác chiếu dập tắt vọng niệm ấy, sau này sẽ bị ma dựa phát cuồng, đâu phải chỉ là vọng tưởng mà thôi! Do vậy, phải gấp buông bỏ những vọng tưởng quá mức ấy.
Phàm những lúc có ý niệm phẫn nộ, dâm dục, háo thắng, uất ức tình cờ khởi lên, lập tức hãy nghĩ: ‘Mình là người niệm Phật, sao lại khởi lên những ý niệm như vậy?’ Khi ý niệm ấy vừa khởi lên liền bị dập tắt, lâu ngày, phàm những ý niệm mệt óc, tổn thân sẽ chẳng khởi lên nữa. Cả ngày do được công đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật gia trì thân tâm, tôi dám bảo đảm, không đầy mười ngày, liền thấy hiệu quả to lớn tức khắc. Nếu lâu lâu mới niệm một câu, hai câu, mà muốn có hiệu quả, đó là tự gạt mình và lừa dối người”.
Liên Trì đại sư dạy: “Vọng niệm là bịnh, niệm Phật là thuốc. Bịnh lâu ngày chẳng thể chỉ dùng một thang thuốc liền trị lành được! Vọng niệm tích lũy lâu ngày chẳng thể dùng một ý niệm tạm thời mà có thể diệt trừ, cùng một đạo lý! Đừng để ý lo nghĩ về những vọng niệm lung tung này, chỉ quý ở chỗ niệm Phật tinh tấn, thiết tha. Từng chữ rõ ràng, từng câu nối tiếp nhau, ra sức chấp trì thì mới có phần xu hướng. Tích lũy chân thật lâu ngày đến một ngày nào đó hoát nhiên thành tựu, ví như mài chày thành kim, luyện sắt thành gang, nhất định sẽ chẳng sai. Nhập đạo có nhiều cửa, chỉ có một cửa này là đường tắt. Không thể chểnh mảng coi thường!”
Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu 2014
Báo cáo tâm đắc của học sinh lớp Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú
Thích Tự Liễu soạn
Hòa thượng Tịnh Không giám định
Bích Ngọc chuyển ngữ
Như Hòa giảo duyệt
NGƯỜI DỐT NIỆM PHẬT, CHẤP TAY ĐỨNG VÃNG SANH
Vào thời nhà Thanh, có ông Vương đạo sĩ, người Trực Lệ, là người rất ngu
dốt, thân nhân chẳng còn ai. Hằng ngày ông ăn không đủ no, ngủ lều tranh nát,
không nghề nghiệp, hoặc có người nào đó cho tiền ông cũng chẳng biết đó là
nhiều hay ít. Có một vị tu sĩ họ Trần thấy vậy thu ông Vương làm đệ tử, bảo ông
hằng ngày quét chùa, lượm củi, ban đêm công phu niệm Phật vài trăm câu, thắp
nhang lạy Phật qua ngày. Ông Vương niệm Phật không thành tiếng, thường hôn
trầm ngủ gật. Thầy Trần hay dùng gậy đánh vào ông Vương và nói:
– Ông ngu dốt thế này còn không biết tinh tấn tu hành?
Ba năm như thế trôi qua, bỗng một tối nọ đang lúc công phu ông Vương bật
cười ha hả. Thầy Trần lại dùng gậy đánh ông, ông Vương nói:
– Hôm nay thầy không được đánh tôi.
Thầy Trần hỏi vì sao, ông Vương đáp:
– Thầy cứ ngồi trơ ra suốt mười tám năm mà chẳng biết pháp tu. Nếu có thể
như tôi chân thật niệm Phật thì đã sớm vãng sanh Tây Phương gặp Phật rồi.
Thầy Trần lấy làm lạ nhưng không đoán được việc gì sẽ xảy ra. Sáng hôm
sau thấy ông Vương leo lên vách núi chót vót, đứng chấp tay quay mặt về
hướng Tây mà chết. Sau khi hỏa táng thu được hai viên xá lợi.
(Nhiễm Hương Tập – Tịnh Độ Thánh Hiền Lục)
Lời bình:
Thánh Đạo môn trực trí huệ chứng Niết Bàn, Tịnh Độ môn còn ngu si sanh
Cực Lạc. Thánh Đạo môn tự lực khó thực hành, vạn người không được một.
Tịnh Độ môn tha lực dễ thực hành, trăm người vãng sanh cả trăm. Thánh Đạo
môn cho dù căn tánh bậc Thánh cũng cần phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp mới
có thể chứng quả. Tịnh Độ môn ngay cả bà Thôi hay Vương đạo sĩ ngu dốt, chỉ
nương nhờ vào sáu chữ danh hiệu cũng được vãng sanh thành Phật.
Trích: 100 truyện niệm Phật cảm ứng
Bị Ép Làm Việc Ác Niệm Phật Vẫn Được Phật Tiếp Rước Vãng Sanh
Vừa mở đầu Vãng Sanh Luận Chú Đại sư Đàm Loan đã nói đến việc “Tự lực
tu hành là nan hành Đạo” (Đạo khó thực hành) và nêu lên năm điều khó khăn
mà hành giả thường gặp phải, trong đó có điều thứ ba là:
“Kẻ ác vô lại phá tha thắng đức”, có nghĩa là chỉ nhờ vào tự lực tu hành mà
không có lực nhiếp trì của Bản Nguyện Phật A Di Đà, cho dù có trí khôn khéo,
biết Pháp trọng yếu, có lòng Đại Bi phát tâm Bồ Đề. Nhưng đến khi thực tế thực
hiện việc tu hành, thì lại phải gặp nghịch cảnh ác duyên, người ác nghiệp ác phá
hoại, không thành tựu được các công đức thù thắng, vẫn phải luân hồi trong
vòng sanh tử.
Kế đến Đại sư nói đến việc niệm Phật vãng sanh là “Dị hành Đạo” (Đạo dễ
thực hành), vì nương vào Nguyện Lực của Phật, tất cả chướng nạn không thể
cản trở việc vãng sanh tự tại vô ngại. Đối lập với điều thứ ba trong Nan hành
Đạo “Kẻ ác vô lại, phá hoại người khác”, thì trong Pháp môn Dị hành Đạo là “Tuy
gặp nghịch cảnh duyên ác, người ác, nghiệp ác làm trở ngại, do công đức niệm
Phật vượt hơn hẳn tất cả công đức, nên không bị phá hoại. Vì thế có thể vãng
sanh một cách tự tại.
Ân sư Quy Y cho tôi, lão Hòa Thượng Trấn Minh ở chùa Pháp Nguyên, Bắc
Kinh, là người đồng hương với tôi, cùng là người ở huyện Tứ Đồng, tỉnh Tứ
Xuyên. Ngài suốt đời chuyên tu Tịnh Độ.
Năm 1992, lúc đó tôi vẫn chưa xuất gia. Vì để khuyên tôi chuyên hạnh niệm
Phật, Ngài thường hay dắt tay tôi, chỉ trên vách tường một đoạn Pháp ngữ của
Đại sư Liên Trì và đọc cho tôi nghe. Đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ đoạn Pháp ngữ
đó: “Những điều trong Đại Tạng Kinh trình bày giải thích chẳng qua là Giới –
Định – Huệ mà thôi. Niệm Phật tức là Giới – Định – Huệ, cần gì phải tìm cầu văn
tự. Thời gian qua mau, mạng sống không bền lâu, mong các hành giả lấy Pháp
Môn Tịnh Độ làm việc tu khẩn cấp”. Đồng thời chính miệng Ngài kể cho nghe
một câu chuyện thực tế, tuy gặp kẻ ác phá hoại, niệm Phật vẫn vãng sanh như
thường, xảy ra lúc Ngài còn nhỏ ở quê nhà, tại trấn Tự Cường, huyện Tử Đồng.
Vì câu chuyên đầy sức thuyết phục, gợi mở lòng người, cho người niềm tin. Nên
đến nay tôi vẫn nhớ mãi không quên. Nhưng vì lúc đó chỉ quan tâm đến câu
chuyện quá cảm động, quên để ý đến tên người, mà lão Hòa Thượng thì đã
vãng sanh vào năm 1996, nên không thể hỏi và ghi lại tên người cụ thể, thật
đáng tiếc.
“Có một cặp vợ chồng nông dân ở huyện Tử Đồng, tỉnh Tứ Xuyên, khoảng
trên dưới 40 tuổi, không có con cái. Một hôm người vợ từ ngoài đi về mừng rỡ
nói với chồng bà:
– Nói cho ông nghe một tin vui lớn.
Chồng bà hỏi:
– Tin vui gì?
Hôm nay tôi nghe người ta khuyên bảo, nên tôi sẽ chuẩn bị ăn chay niệm
Phật để cầu vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc ở Tây Phương. Người chồng xưa
nay vốn không tin Phật Pháp, những tưởng là tin vui có được vàng bạc của cải
châu báu. Nghe vợ ông nói thế, trong lòng ông chẳng vui tí nào. Ông nghĩ thầm:
– Vợ mình phải giống mình mới được, làm sao có thể giống một số người
mê tín như thế? Tin Phật cái gì, không được! Mình sẽ tìm cách cản trở bà ta.
Ông chồng trong bụng đã có sẳn chủ ý, ngoài miệng thì nói với vợ:
– Chúng ta hai miệng ăn, cùng một nồi một bếp, bà muốn ăn chay, chẳng lẽ
lại phải chia nồi chia bếp ra nấu sao? Dù thế nào tôi cũng phải ăn thịt. Bà làm vợ
tôi thì bà phải nấu cho tôi ăn.
Bà vợ nói:
– Ông yên tâm, tôi không làm ảnh hưởng đến ông đâu.
Khi làm cơm, bà làm thức ăn của chồng xong xuôi rồi dọn lên bàn, sau đó
mới làm phần cơm chay cho mình. Ông chồng thấy vậy liền rưới một muỗng mỡ
heo lên thức ăn chay của vợ để bà không ăn được tịnh chay. Mỗi lần ăn xong
ông còn cố ý chùi chùi miệng và nói:
– Người ăn thịt không có tội, người làm thịt mới có tội.
Hai ba lần như thế, vợ ông đành phải từ bỏ việc ăn chay. Ông chồng thấy thế
đắc chí vui mừng hớn hở, tự lẩm bẩm trong miệng:
– Thế thì đúng rồi. Hai người đang sống yên lành, ăn chay cái gì, niệm Phật
cái gì! Tin Phật đến nổi vợ chồng không thể nói chuyện chung được, chẳng có ý
nghĩa gì hết.
Ông lại nghĩ:
– Bà ăn chay thì đã bị mình ngăn lại rồi, mình còn phải tìm cách chặn bà ấy
niệm Phật. Nhưng mà niệm Phật thì mọi lúc mọi nơi đều có thể niệm. Thật sự
không có cách gì tốt để ngăn chặn.
Nghĩ tới nghĩ lui cuối cùng ông cũng nghĩ ra một cách:
– Có rồi, mình sẽ bắt bà ấy làm chuyện xấu tạo tội thì bà ấy sẽ không niệm
Phật được.
Chồng bà tuy không tin Phật, nhưng cũng biết người niệm Phật phải hành
thiện tích đức, phải làm người thiện. Nếu bà ấy không làm người thiện, thì chẳng
phải bà ấy chẳng còn tư cách niệm Phật hay sao? Không ăn chay, không làm
việc thiện, chỉ niệm Phật thôi thì Phật Tổ cũng chẳng độ bà. Vậy thì bà phải tự
động buông bỏ việc niệm Phật thôi. Nghĩ thế, ông chồng liền đổi sang nghề giết
heo bán thịt. Mỗi buổi sáng sớm, ông ép buộc vợ giúp ông kềm giữ chân heo lại,
không để cho heo giãy dụa. Bất đắc dĩ bà phải làm theo lời, vừa làm bà vừa kinh
sợ. Mổ heo xong rồi, ông lại cố ý nói:
– Người giết heo không có tội, người kềm giữ heo mới có tội.
Bà vợ nghe thấy đau lòng tựa như đứt ruột đứt gan. Quả nhiên ngay hôm đó,
ông chẳng còn nghe tiếng niệm Phật của bà vợ nữa. Ông chồng đắc ý cho rằng
chiêu này linh nghiệm. Và cứ thế mỗi lần ông giết heo lại bắt vợ phải kềm giữ
heo. Từ đó về sau, tiếng gào thét thê thảm của những con heo bị giết đã thay thế
tiếng niệm Phật. Người ta không còn nghe dù chỉ một tiếng niệm Phật của bà vợ
nữa.
Ba năm như thế trôi qua, một hôm người vợ giặc giũ ra giường, chăn nệm,
quét dọn trong ngoài sạch sẽ, gòn gàng như chuẩn bị đón tết, đầy vẻ vui mừng.
Ông chồng cảm thấy kỳ lạ liền hỏi vợ:
– Thấy bà giống như phải đi xa, bà làm cái gì vậy?
Bà vợ trả lời:
– Tôi sắp trở về nhà rồi.
Ông chồng ngơ ngác hỏi:
– Ba mẹ của bà đã mất lâu rồi, bên ngoại chẳng còn ai hết. Ở đây là nhà
của bà. Bà còn muốn về nhà nào nữa?
Bà vợ trả lời:
– Tôi nói thật cho ông nghe. Tôi sắp về nhà, nhà đây không phải là nhà bình
thường như ông nói, mà tôi sắp về Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Ông là người
quá xấu bụng, tôi vốn dĩ muốn làm người ăn chay niệm Phật. Ông không cho tôi
ăn chay, không thể ăn chay thì tôi niệm Phật cũng được. Ông lại bắt tôi giữ chặt
heo để ông giết. Mỗi lần ông lại nói: “Người giết heo không có tội, người giữ chặt
heo mới có tội”. Chính là ông cố ý muốn phá hoại tôi niệm Phật. Tôi thấy ông xấu
hết chỗ chê, không biết còn làm ra việc xấu ác nào nữa. Nên ở trước mặt ông tôi
không niệm Phật nữa. Mấy năm nay, tôi một mực niệm Phật trong lòng. Khi tôi
giữ chặt một con heo thì trong lòng tôi đều niệm Phật khẩn cầu: “Heo ơi, tao thật
sự tội chướng sâu nặng không cứu mày được. Thôi thì để Phật A Di Đà mau
mau đến rước mày vãng sanh Tịnh Độ nhé”, và cứ thế mà niệm Phật đến khi
con heo tắt thở mới thôi. Thế mà tôi nghìn lần không thể ngờ rằng, mỗi một con
heo do tôi kềm chặt khi bị giết mấy năm qua đều đã vãng sanh về Thế Giới Cực
Lạc. Để cảm tạ cái ơn mà tôi niệm Phật cho chúng, ba ngày sau, toàn bộ chúng
sẽ theo Phật A Di Đà đến đây để rước tôi về Thế Giới Tây Phương Cực Lạc.
Ông chồng nghe xong cho đó là chuyện hoang đường. Ông còn nghĩ rằng
thần kinh của vợ ông không bình thường, liền lấy tay sờ lên trán vợ và nói:
– Có phài bà bị sốt cao rồi mê sảng nói mớ, hay là ba năm không niệm Phật
khiến bà bị bí tức đến khùng rồi. Nói ai khác thì tôi không biết, chứ bà thì tôi quá
rõ rồi, tôi giết heo, bà kềm giữ chân của chúng, vậy mà bà còn muốn về Thế Giới
Cực Lạc hay sao?
Rồi ông xem lời đó như chuyện cười, đem kể khắp đầu làng cuối xóm cho
mọi người nghe:
– Bà vợ tôi đầu óc không bình thường. Bà nói ba ngày sau sẽ về Thế Giới
Cực Lạc. Còn nói những con heo cũng được vãng sanh về đó rồi. Chúng sẽ theo
Phật đến rước bà ấy. Thật là chưa từng nghe bao giờ! Ai cũng không muốn chết,
ai cũng muốn sống khỏe mạnh. Ở đâu ra loại người sắp chết lại còn vui vẻ ra đi.
Dân ở quê rất hiếu kỳ, nghe xong lời này họ đều trông đợi lúc đó xem thử, rốt
cuộc việc thực hư thế nào?
Ngày thứ ba, người chồng vừa thức dậy, thì đã ngửi thấy mùi thơm lạ thường
trong phòng. Cảm thấy hơi lạ, tìm khắp nhà nhưng không biết mùi thơm đâu ra.
Ông chợt nhớ ra hôm nay chính là ngày vợ ông nói sẽ ra đi, chẳng lẽ đúng vậy
sao? Ông len lén nhìn vợ, thấy vợ ông đang ngồi ngay ngắn, chải tóc gọn gàng,
chẳng có gì khác thường. Thế nhưng trong cái bầu không khí bình thường đó, lại
có một chút gì đó khiến ông cảm thấy không bình thường. Ông nghĩ thầm:
– Cả đời mình chưa bao giờ tin vào lời nói của bà ấy, hôm nay thử tin một
lần xem bà ấy về quê hương Thế Giới Cực Lạc như thế nào?
Nghĩ thế, ông chồng âm thầm theo dõi vợ mình, hàng xóm láng giềng đến
xem náo nhiệt nên chắc chắn là nhớ rõ ngày. Sáng sớm hôm đó đã có người giả
bộ đi ngang qua, họ thò đầu thò cổ qua khe cửa tường chắn nhìn dáo dát. Bà vợ
chải tóc xong im lặng không nói lời nào, tự mình xách chiếc ghế để ngay giữa
cửa nhà, ngồi hướng mặt ra ngồi trước đám người bu xem, hai chân để bằng
trên đất, chắp hai tay lại, nhắm mắt niệm Phật. Niệm chưa đến mười câu thì sắc
mặt bà ửng hồng rực sáng. Ngay tại đó bà ngồi vãng sanh.
Ông chồng thấy vậy chỉ biết ngơ ngác dương mắt nhìn. Ông nghĩ rằng vợ
mình chỉ nói cho vui mà thôi, không ngờ bà ấy lại làm thật, cứ thế bỏ mình mà đi
rồi. Sự thật rành rành trước mắt và quá đột ngột khiến ông chẳng biết làm gì
nữa. Bổng chốc việc tồn tại chân thật và từ bi vĩ đại của Đức Phật như một tia
sáng lóe lên, soi chiếu vào trong tâm ông, hiển hiện rõ ràng tất cả các tội ác của
ông, tàn sát sinh linh, phá hoại người khác tu hành, chê bai và không tin Phật
v.v…
– Rồi, loại người như tôi chẳng phải là rơi thẳng xuống Địa Ngục hay sao?
Tôi phải làm sao đây?
Nhưng rồi ông lại nghĩ:
– Vợ mình không ăn chay, còn kềm giữ heo cho mình giết chúng, bà ấy
niệm Phật như thế còn đến được cõi nước Phật, thế thì mình niệm Phật, chẳng
phải cũng được vãng sanh về đó hay sao? Thôi thôi, mình sẽ không làm cái
nghề giết heo này nữa, xuống Địa Ngục đáng sợ lắm! Mình muốn đi theo bà ấy
đi về Thế Giới Cực Lạc.
Từ đó về sau ông chồng cũng trở thành người niệm Phật.
Tôi chẳng mảy may giấu diếm mà đem bữa ăn Pháp vị thịnh soạn mà tôi
nghe khi xưa được dâng hiến hết cho những hành giả cùng hạnh niệm Phật,
cùng hưởng thọ sự cứu độ không cần bất kỳ điều kiện nào của Phật A Di Đà.
Người ác tột cùng nhưng hồi đầu niệm Phật thì chắc chắn được cứu độ. Đây
chính là lòng từ bi của Phật A Di Đà.
(Ngày 18 tháng 5 năm 2001, Pháp sư Diễn Minh ghi)
Trích: 100 truyện niệm Phật cảm ứng