Phật hiệu của chúng ta cứ thường bị ngoại duyên cắt đứt, chẳng thể thường niệm chẳng dứt. Lúc trước có một vị cư sĩ, ông ta là một người rất tốt, tổ chức rất nhiều Niệm Phật Đoàn, khuyên rất nhiều người niệm Phật. Nhưng chính ông ta chẳng có thời gian niệm Phật, mỗi ngày đều có người đến mời ông sắp xếp công chuyện ở đạo tràng, hoặc mời ông đi thăm bịnh nhân, hoặc mời ông đi hoằng pháp lợi sanh. Cả ngày chạy tới chạy lui, ngoại duyên quá nhiều, thường bận rộn đến nỗi chẳng có thời gian ngủ nghỉ. Lúc đó có người cảnh cáo ông ta: “Nếu ông không lắng lòng niệm Phật sẽ chết rất khó coi!” Đợi đến khi ông muốn từ chối các ngoại duyên, muốn đóng cửa tĩnh tu, căn bản là không thể nào yên tĩnh được. Có một lần ông ngã bịnh, trong tâm nghĩ thừa lúc dưỡng bịnh ở nhà an tĩnh mấy ngày để niệm Phật, không ngờ điện thoại từ sáng tới tối cứ reo hoài chẳng ngừng. Cắt dây điện thoại liền có người gõ cửa kiếm ông, nườm nượp chẳng dứt, ngoại duyên nhiều đến nỗi chẳng thể nào cự tuyệt. Cuối cùng trong một lúc gặp tai nạn ngoài đường ông chết đột ngột. Lúc chết chẳng có một người thân hoặc đạo hữu nào ở kế bên. Sau khi chết liền bị đưa đến phòng đông lạnh trong bệnh viện. Đợi đến lúc người thân đến mở tấm vải che mặt ông, thật đúng như lời người đã cảnh cáo ông lúc trước “chết rất khó coi”.
Chuyện này là một “tấm gương của chiếc xe đằng trước bị đổ” rất sâu sắc, đáng cho chúng ta suy gẫm, hy vọng chúng ta sẽ không đi theo dấu vết xe trước. Rất nhiều người bận rộn tối ngày, họ không biết chuyện gì mới là chuyện lớn nhất, quan trọng nhất trong đời này. Trong tâm chúng ta tự mình phải phân biệt rõ ràng. Người thượng căn đương nhiên có thể thường niệm chẳng dứt trong hết thảy các cảnh duyên bên ngoài. Nhưng chúng ta là kẻ hạ căn, nếu muốn thành tựu tâm nhất định phải kiên quyết, tạm thời phải cự tuyệt ngoại duyên. Tốt nhất là chẳng có ngoại duyên, đừng chủ động phan duyên! Một khi vướng vào các ngoại duyên, nó sẽ làm cho quý vị chẳng có cách nào chạy thoát.
Do vậy, Tây Phương Xác Chỉ có đoạn chép: “Tám chữ ‘cưỡng thuận nhân tình, miễn tựu thế cố’ (miễn cưỡng thuận theo nhân tình, gượng ép thuận theo thế nhân), đã lầm lẫn đại sự của đời bạn. Đạo nghiệp chưa thành, vô thường đã đến nhanh chóng. Hãy nên ẩn giấu tông tích, cất giấu tài năng, nhất tâm hướng về đạo, không thể lầm lẫn nữa”.
Lúc ngài Tỉnh Am còn tại thế, cư sĩ Mao Tĩnh Viễn là một vị thường được tán thán là một nhà đại từ thiện. Tỉnh Am đại sư viết một lá thơ khuyên ông niệm Phật như sau:
“Cư sĩ dựng cầu xong có thể nói là không công nào lớn hơn, nhưng tâm cư sĩ ham làm lành không chán. Vừa xong một việc lành này đã làm ngay việc lành khác, hay thì hay đấy, nhưng việc lớn sanh tử thì như thế nào?
Nếu chẳng coi việc lớn sanh tử là gấp, cứ cắm cúi làm lành thì sự lành dù to như núi Tu Di, cũng đều là nghiệp duyên sanh tử, biết đến ngày nào xong? Thiện sự càng lắm sanh tử càng rộng! Một niệm ái tâm muôn kiếp trói buộc, có đáng sợ hay chăng? Cư sĩ tham cứu thấu đạt công án thế gian từ lâu, đã tu tập Tịnh nghiệp Tây Phương từ lâu, nhưng cái tâm sanh tử chẳng thiết, gia duyên chưa buông xuống được, tạ tuyệt nhân tình chưa nổi, tâm niệm Phật chẳng chuyên là vì sao? Vì gốc lợi danh chưa đoạn đó chăng? Vì ái niệm lôi kéo, ràng buộc đó chăng?
Ðối với hai điều ấy, ông hãy nên để tâm suy xét kỹ. Nếu như chẳng thể chặt đứt hết thảy gia duyên, thế sự, tận lực vâng giữ sáu chữ hồng danh mà mong thoát khỏi Sa Bà, mong sanh về An Dưỡng thì khó lắm đấy! Chẳng sanh về An Dưỡng mà muốn thoát khỏi sanh tử, đã chẳng thoát khỏi sanh tử mà muốn khỏi bị đọa lạc, xét ra, càng khó hơn nữa! Ví dù một đời, hai đời chẳng đánh mất thân người, liệu có kham nổi mãi không?
Than ôi! Cư sĩ huệ tâm lanh lợi, sáng suốt như thế, gia duyên sung túc như thế, con cháu hiền năng như thế, việc gì cũng vừa ý, mà còn chẳng thể buông nổi vạn duyên, nhất tâm niệm Phật thì là trời phụ người, hay người đã phụ trời vậy? Chẳng lấy việc niệm Phật làm gấp, chỉ lấy chút điều lành nhỏ trong đời làm gấp, chẳng lấy việc lớn sanh tử làm đầu, chỉ coi phước báo nhân thiên là trọng, thì là hạng chẳng hiểu trước, sau vậy!
Tuy cư sĩ chẳng cầu phước, nhưng thường làm phước, tuy muốn thoát sanh tử, nhưng lại bị trở vào trong sanh tử, đều là do ông chẳng biết rằng mình đã lơ là cõi kia, coi trọng cõi này, đến nỗi bánh xe đã xoay ngược mà vẫn cứ mong tiến lên! Bây giờ, việc chính của cư sĩ là hãy nên tạ tuyệt việc đời, nhất tâm niệm Phật, kèm thêm hai chữ “trì trai” thì mới thật là tận mỹ!
Nói chung, chẳng thể dùng tán thiện khơi khơi để đạt đến cõi Phật Tây Phương, chẳng thể cậy vào lười biếng để thoát khỏi vạn kiếp sanh tử được! Vô thường nhanh chóng, ngày đêm xảy tới ngay, há chẳng sớm lo liệu hay sao?”
Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu 2014
Báo cáo tâm đắc của học sinh lớp Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú
Thích Tự Liễu soạn
Hòa thượng Tịnh Không giám định
Bích Ngọc chuyển ngữ
Như Hòa giảo duyệt
Các Phúc Đáp Gần Đây