Câu Phật hiệu của chúng ta cứ thường bị tình chấp cắt đứt, chẳng thể thường niệm chẳng dứt. Đối với người khác chúng ta đương nhiên là có tình chấp, đối với sự, đối với vật, chúng ta cũng có tình chấp. Hành Sách đại sư dạy:
“Nếu như sự nghiệp Sa Bà vẫn còn vương vấn, một nóng mười lạnh, tâm chẳng chuyên dốc, lúc gặp ngũ dục bèn như keo, như sơn, khi gặp phải nghịch cảnh sẽ kết oán nuôi hận, mà muốn lúc mạng chung đức Phật đến tiếp dẫn, ắt chẳng thể được cứu! Há chẳng phải là chuyện khó ư?
Xét theo đó, pháp môn Tịnh Độ là thuốc, nhưng tham ái Sa Bà là chất kỵ thuốc ấy. Chúng sanh nghiệp bệnh tuân lời uống thuốc của đấng y vương, vừa uống thuốc ấy xong liền ăn no ứ chất kỵ thuốc, có nên hay chăng? Lúc mạng sắp hết, tâm đặt nặng vào đâu sẽ đọa về đó. Do tịnh nhân yếu nhỏ, khó thoát khổ luân, bèn đổ ngược y vương khiến người lầm lạc, Phật pháp chẳng linh! Xót thay! Bọn họ điên đảo đến cùng cực vậy! Sao chẳng nghĩ đến pháp xã nơi núi Khuông Lư, mười tám vị cao hiền, một trăm hai mươi ba người lưu hiện điềm lành chép đầy trong sách vở. Cổ kim nhật nguyệt, cổ kim sơn hà, họ đã là trượng phu, sao ta chẳng được như họ? Phải biết rằng ta chẳng được như họ chỉ vì còn chưa buông xuống được những điều mình đặt nặng đó thôi!
Nhưng tôi xem ra, hiện thời những kẻ phú quý, lanh lẹ, thành đạt, thì hoặc là tham mến thanh sắc thô tệ, chẳng biết gốc khổ, hoặc tham luyến danh tiếng nhỏ tí như cái sừng con ốc, chẳng biết là hư huyễn, hoặc lại thích trồng trọt, buôn bán kiếm lợi, toan tính kinh doanh. Phí hèn suốt cả đời này, tương lai theo nghiệp lưu chuyển; chẳng biết, chẳng nghe đến y báo, chánh báo trang nghiêm thắng diệu trong cõi Phật kia, từ sống đến chết chưa từng khởi một tâm niệm hướng đến vãng sanh, chẳng bằng kẻ tối ngu cùng quẫn, phần nhiều biết niệm Phật, từ chỗ tối vào chỗ sáng, chuyển sanh vào nơi thù thắng!
Vì thế, nay tôi kính khuyên các bạn: Ai đã ghi danh vào Liên Xã, người ấy chính là hoa Ưu Đàm trong nhà lửa, hãy nên đầy đủ ý nguyện chân thật, phát tâm ưa – chán, coi tam giới như lao ngục, coi vườn nhà như gông cùm, coi thanh sắc như trầm độc (*), coi danh lợi như xiềng xích, coi cảnh ngộ cùng quẫn – hanh thông trong mấy mươi năm hệt như giấc mộng đêm qua, coi một kỳ thọ báo trong cõi Sa Bà như nơi quán trọ, ngủ qua một đêm liền bỏ đi, chỉ lấy việc trở về nhà làm trọng. Như ý cũng được, chẳng như ý cũng xong, bỏ được những chuyện chỉ tồn tại trong chốc lát, nhất tâm niệm Phật. Nếu thật sự làm được như thế mà chẳng sanh Tịnh Độ thì chư Phật đều thành nói dối. Xin hãy cùng gắng sức!”
Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu 2014
Báo cáo tâm đắc của học sinh lớp Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú
Thích Tự Liễu soạn
Hòa thượng Tịnh Không giám định
Bích Ngọc chuyển ngữ
Như Hòa giảo duyệt
(*) Trầm độc: người Trung Hoa thời cổ tin có một loại chim rất độc tên là Trầm (còn đọc là Chậm), lông nó rớt xuống nước cá liền chết tươi.
Hôm qua tui xem được tiểu phẩm Phật giáo này, thấy mang lại nhiều lợi ích & tăng trưởng tín tâm của những ai đang tìm hiểu về pháp môn Niệm Phật. Câu chuyện dựa vào một nhân vật có thật là ông Hoàng thợ rèn, tức Hoàng Đả Thiết, được ghi trong truyện tích Vãng Sanh Lục. Chuyện được các Phật tử và chư tăng tại một đạo tràng bên Trung Hoa dựng lại. Ai chưa xem thì rất nên xem. Ai xem rồi thì vẫn nên xem lại vẫn thấy hay vô cùng.
À mà cũng cảm ơn anh “thông dịch” với giọng đọc rất truyền cảm. Giọng của anh tui nghe rất nhiều, đặc biệt trong các video pháp thoại của lão hòa thượng Tịnh Không. Nhờ vậy mà việc học pháp của tui dễ dàng hơn nhờ giọng đọc dễ nghe của anh.
https://m.youtube.com/watch?v=aq9nzBtjFG8&list=FL2QZR8uhv5fY_8hRt7CtpZw&index=2&pp=gAQB