Người Niệm Phật Lâm Chung Tâm Không Bấn Loạn Là Nhờ Phật Lực Gia HộPháp sư Linh Chi đời Tống nói: “Phàm người lâm chung thần thức chẳng thể làm chủ. Hạt giống nghiệp thiện hay ác không gì chẳng phát hiện. Hoặc khởi ác niệm hoặc khởi tà kiến, hoặc sanh luyến ái hệ lụy hoặc phát ngông cuồng. Ác tướng chẳng giống nhau hết thảy đều là điên đảo”.

Nghĩa là phàm phu lúc lâm chung tâm chẳng thể làm chủ, hạt giống thiện ác nghiệp tập trong thức điền khởi lên tơi bời. Có người khởi ác niệm có người khởi tà kiến, chửi bới Phật phỉ báng Pháp. Có người tham luyến tài sản, quyến thuộc, có người tâm thần phát cuồng. Mọi thứ ác tướng này đều là điên đảo. Người lúc bình sanh tạo trọng tội, lúc lâm chung do ác nghiệp lực, thấy các ác tướng khủng bố, lông tóc dựng đứng, tay chân bấn loạn, không thể khống chế đại tiểu tiện, tay quờ quạng vào hư không, hai mắt trắng bệch, miệng sùi bọt… Hơn nữa, tứ đại phân tán đau khổ cùng cực, giống như con trâu sống bị lột da, con rùa bị lột mai (con rùa bị lột mai rồi bỏ vào nước đun sôi). Trong tình trạng như trên ai có thể tâm không điên đảo, chánh niệm phân minh? Vì thế, đức Phật A Di Đà bố thí đại từ bi. Trong khi hành nhân bị khốn đốn lúc lâm chung Ngài dùng Phật lực gia trì chúng sanh, làm cho tâm người ấy không điên đảo, lại được đại chúng vây quanh, khiến cho tâm người đó được an ổn, trong niềm hoan hỷ ấy bèn vãng sanh cõi Cực Lạc.

Trong kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ, đức Phật dạy: “Lúc mạng lâm chung, Vô Lượng Thọ Phật và và vô lượng Thanh Văn đệ tử, Bồ Tát chúng cùng đến, trước sau vây quanh, đến trước người ấy, từ bi gia hựu khiến cho người ấy tâm bất loạn”. Từ câu “từ bi gia hựu khiến cho tâm người ấy bất loạn”, có thể thấy những kẻ bình phàm lúc lâm chung đều nương cậy Phật lực gia trì, khiến cho tâm người đó được bất loạn, chánh niệm phân minh.

Sách Viên Trung Sao nói: “Tuy chúng sanh trong thế giới Sa Bà có thể niệm Phật, nhưng Kiến Tư phiền não mạnh mẽ mênh mông chưa thể phục đoạn. Lúc lâm chung có thể tâm chẳng điên đảo, vốn chẳng phải do tự lực có thể an trụ mà hoàn toàn nhờ Phật Di Đà cứu bạt. Vốn chẳng có chánh niệm, nhưng có thể sanh khởi chánh niệm. Do vậy có thể tâm chẳng điên đảo, cho nên liền có thể vãng sanh ngay trong lúc ấy”.

Kinh Bi Hoa nói còn rõ ràng hơn, đức Phật A Di Đà dạy: “Lúc người ấy lâm chung, ta và đại chúng vây quanh, hiện ra trong tâm người vãng sanh. Người ấy thấy Ta đến tiếp dẫn nội tâm hoan hỷ. Lúc ấy ta nhập Vô Ế Tam Muội, do tam muội lực bèn ở trước người đó thuyết pháp. Nhờ nghe pháp, người đó lập tức đoạn hết thảy khổ não, tâm sanh đại hoan hỷ, bèn đắc Bảo Trí tam muội. Do sức tam muội ấy khiến cho tâm trụ trong chánh niệm và Vô Sanh Pháp Nhẫn, sau khi mạng chung, ắt sanh về cõi nước của ta”.

Vì thế, chỉ có người tu hành đầy đủ công năng đặc thù mới có thể dựa vào tự lực để lúc lâm chung tâm bất điên đảo, chánh niệm phân minh như nhập Thiền Định. Chuyện này hạng bình phàm nghiệp nặng không có cách nào làm nổi, do vì lúc ban ngày không thể làm chủ, lúc nằm mộng bèn không thể làm chủ. Trong mộng không thể làm chủ, lúc mang bịnh bèn không thể làm chủ. Trong lúc bị bịnh không thể làm chủ, lúc chết sẽ không thể làm chủ, vì lúc chết nỗi thống khổ sâu nặng nhất. Nhưng nương nhờ nguyện lực thù thắng của Phật gia trì, hành nhân Tịnh nghiệp lúc lâm chung tâm thức có thể thanh minh, an tường, chẳng điên đảo, chẳng bấn loạn, chẳng trải qua thân Trung Ấm, hóa sanh trong hoa sen nơi thế giới Cực Lạc. Người tu Tịnh Độ được nhiều an lạc! Lúc sanh ra đã an lạc, lúc chết còn an lạc hơn, chẳng phải trải qua thân Trung Ấm. Người tu hành tốt đẹp có thể biết trước thời giờ vãng sanh, có thể ngồi, thậm chí đứng vãng sanh. Do nguyên nhân này, Phổ Hiền đại sĩ dạy đại chúng trong thế giới Hoa Tạng phát nguyện:

“Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời
Tận trừ nhất thiết chư chướng ngại
Diện kiến bỉ Phật A Di Đà
Tức đắc vãng sanh An Lạc sát.”

(Nguyện con lúc mạng sắp kết thúc
Diệt trừ hết thảy các chướng ngại
Trông thấy đức Phật A Di Đà
Liền được vãng sanh cõi An Lạc.)

Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu 2014
Báo cáo tâm đắc của học sinh lớp Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú
Thích Tự Liễu soạn
Hòa thượng Tịnh Không giám định
Bích Ngọc chuyển ngữ
Như Hòa giảo duyệt