Người Tu Tịnh Độ Nên Mở Máy Niệm Phật Trước Khi NgủTử Bách đại sư, Liên Trì đại sư, Ngẫu Ích đại sư, và Hám Sơn đại sư được người đời sau tôn xưng là Tứ Đại Cao Tăng cuối đời Minh. Có một vị xuất gia đến thăm Tử Bách đại sư, đại sư hỏi: “Ông xuất gia vì mục đích gì?”

Đáp: “Vì muốn thoát khổ”

Đại sư hỏi: “Dùng pháp nào để cầu thoát khổ?”

Đáp: “Tôi thuộc hạng độn căn, chỉ niệm Phật.”

Sư hỏi: “Ông niệm Phật có thường gián đoạn không?”

Đáp: “Lúc nhắm mắt ngủ bèn quên không niệm.”

Sư nghiêm mặt, quở: “Nếu nhắm mắt liền quên thì niệm Phật như vậy dù có niệm một vạn năm cũng vô ích! Từ nay trở đi, ông cần phải trong lúc ngủ cũng niệm Phật chẳng gián đoạn thì mới có phần thoát khổ được!

Nếu trong giấc ngủ chẳng niệm Phật được, quên mất đi thì khi mở mắt ra liền buồn khóc, nhỏm dậy ngay, đến trước đức Phật dập đầu đến chảy cả máu, hoặc niệm ngàn tiếng, vạn tiếng, dốc cạn hết sức chính mình mới thôi. Làm như thế chừng hai ba chục lần, tự nhiên trong khi ngủ mê mệt, niệm Phật cũng chẳng bị gián đoạn.

Người đời niệm Phật hoặc là hai, ba chục năm, hoặc suốt đời niệm Phật mà đến lúc lâm chung lại thành vô dụng là do lúc ngủ nghỉ chẳng hề có ý niệm nhớ đến Phật. Người sống như đang tỉnh, người chết như nằm mộng. Bởi vậy, người nào trong mộng vẫn niệm Phật, lúc lâm chung sẽ tự nhiên chẳng loạn vậy!”

Tử Bách đại sư dạy chúng ta: “Lúc ngủ bèn quên Phật hiệu, niệm Phật như vậy một vạn năm cũng không thể vãng sanh. Phải trong lúc ngủ cũng niệm Phật không gián đoạn thì mới có hy vọng thoát khổ được”.

Từ chỗ này chúng ta mới biết vấn đề nghiêm trọng cỡ nào! Đừng nói lúc ngủ Phật hiệu đã gián đoạn, chúng ta ngay trong lúc tỉnh giấc Phật hiệu cũng thường gián đoạn. Người thế gian niệm Phật suốt cuộc đời, đến lúc lâm chung không thể khởi câu Phật hiệu, đây là vì trong lúc nằm mộng chưa từng niệm Phật bao giờ. Con người lúc sống cũng giống như lúc tỉnh giác, lúc chết cũng giống như nằm mộng, cho nên trong mộng có thể niệm Phật thì lúc lâm chung gần chết sẽ tự nhiên chẳng loạn.

Câu Phật hiệu này phải thường niệm chẳng dứt, không chỉ là lúc tỉnh giấc mà ngay trong giấc mộng cũng phải thường niệm chẳng dứt. Thử hỏi mỗi sáng lúc chúng ta tỉnh giấc, ý niệm đầu tiên có phải là nghĩ đến A Di Đà Phật hay không? Cho nên lúc ngủ mở máy niệm Phật có một lợi ích, nửa đêm tỉnh giấc nghe tiếng niệm sẽ nhắc nhở chính mình niệm Phật. Nghe nói người có công phu thành phiến ngủ nghê rất ít; hơn nữa, lúc họ ngủ, Phật hiệu vẫn miên miên mật mật từng câu tiếp nối lẫn nhau, dường như đang ngủ mà chẳng ngủ.

Chúng ta hãy bình tâm tỉnh táo, suy nghĩ thử coi: Ban đêm lúc mình đang ngủ, có thể làm chủ được hay không? Lúc hoan hỷ vui cười, lúc sợ hãi, có thể vì mộng cảnh kích thích làm cho tâm khởi lên câu Phật hiệu hay không? Giả sử không thể làm chủ, thì đến ngày Ba Mươi tháng Chạp (ví dụ lúc lâm chung), vợ con nhiễu loạn, bịnh tật hôn mê, phong đao cắt thịt, đau khổ bức bách, thêm vào những sự kiện trải qua lúc sanh tiền, và những trói buộc vương vấn chưa dứt sau khi chết, mỗi thứ này đều nổi dậy trong tâm, làm sao có thể làm chủ để niệm Phật cầu sanh Tây Phương cho được? Phải biết: Nếu ban ngày có thể làm chủ, lúc nằm mộng làm chủ một nửa cũng không nổi. Dù lúc nằm mộng có thể làm chủ, lúc chết làm chủ một nửa cũng không được. Vì lúc nằm mộng là hôn mê một nửa, lúc chết là hoàn toàn hôn mê!

Các vị đồng tu đã đích thân thấy rất nhiều người niệm Phật lâu năm, đến lúc lâm chung bị bịnh khổ quấy nhiễu, chẳng thể niệm Phật, thậm chí không chịu nghe tiếng Phật hiệu, hoặc chỉ nghĩ nhớ người thân, không chịu nghĩ nhớ Phật, niệm Phật, hoặc hôn mê bất tỉnh, chẳng thể niệm Phật, nghe Phật. Nếu không nghĩ nhớ duyên thế gian, bèn lưu luyến tài sản nhà cửa. Nếu không lâm vào tình trạng bịnh khổ khó chịu, bèn hôn mê chẳng tỉnh táo. Do vậy, tuy người ấy muốn vãng sanh, nhưng không biết lại lưu lạc sanh tử đến chốn nào?

Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu 2014
Báo cáo tâm đắc của học sinh lớp Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú
Thích Tự Liễu soạn
Hòa thượng Tịnh Không giám định
Bích Ngọc chuyển ngữ
Như Hòa giảo duyệt