Kinh Pháp Cú nói: “Trong số những người mình gặp sáng nay, có người chiều nay sẽ chết và không thể gặp lại nữa. Trong số những người mình gặp chiều nay, có người sáng hôm sau sẽ không gặp lại nữa”.
Cuộc đời vô cùng mong manh, giống như bọt nước, có thể bể tan bất cứ lúc nào. Chúng ta thấy con nít chơi trò thổi bong bóng nước. Dù cái bong bóng nước có thể an ổn bay lên không trung, nhưng không biết bao giờ nó sẽ đụng phải vật gì chướng ngại và bị bể tan. Tình hình của chúng ta hiện nay cũng vậy, người xưa có nêu một thí dụ: Thí dụ từ đỉnh núi cao chúng ta rớt xuống đất, trong khi còn đang lơ lửng trong không trung chưa chạm xuống đất, chúng ta vẫn vui sướng, cảm thấy dường như chẳng có chuyện gì, chẳng biết phải mau niệm Phật, chẳng biết bao giờ sẽ chạm mặt đất và bị tan xương nát thịt. Kể từ sau khi chúng ta thọ sanh, cũng giống như con dê đang bị dẫn đến lò sát sanh, chuẩn bị làm thịt, trong từng sát na bị dẫn đến chỗ chết chóc. So với tháng trước, tháng này gần kề cái chết hơn một chút. So với hôm qua, hôm nay càng gần cái chết một chút. So với ban ngày, ban đêm gần cái chết hơn một chút. So với sát na trước, sát na này càng gần cái chết hơn một chút. Cái chết sẽ chẳng đến chậm rãi và có đủ quy luật như bạn tưởng tượng. Phương thức, nhân duyên và thời gian nó xuất hiện chẳng có cách nào xác định được! Do vì kỳ hạn chết bất định, bạn làm sao bảo đảm năm nay, ngày mai, hoặc một thời khắc sau, chính mình không chết đi và đọa vào trong ác đạo rên xiết chịu khổ hay sao? Cho nên cái chết sẽ chẳng chờ đợi ai lãng phí một thời gian dài, hoặc thong thả chuẩn bị nghinh tiếp rồi nó mới từ từ đến trễ. Trên thực tế, quý vị thấy cái chết xảy đến rất nhanh chóng, mãnh liệt. Sau khi hiểu rõ và sợ chết, chúng ta sẽ buông xuống hết thảy những sự truy cầu và chấp trước trong thế gian, nỗ lực tu hành hòng sửa đổi vận mạng.
Ngày nay, tai nạn xe cộ xảy ra với mức độ rất cao, chúng ta có thể bảo đảm khi ra khỏi cửa chính mình chẳng gặp phải tai nạn xe cộ hay không? Chẳng có cách gì bảo đảm! Mấy năm trước, có một người đi đón con tan học về nhà. Đứa con vừa ra khỏi cổng trường, nhìn thấy cha mình liền vui mừng chạy tới. Ngay lúc đó, có một chiếc xe hàng chạy qua tông vào rồi cán đứa con chết tươi. Người cha chứng kiến cảnh tượng thảm khốc đó, kinh hoảng, ngây dại, vừa khóc vừa chạy về phía đứa con. Ngay lúc đó, một chiếc xe từ phía sau chạy tới đụng ông ta chết luôn tại chỗ. Vợ ông nghe tin cả chồng lẫn con đều bị chết thảm ngoài đường như vậy, chẳng thể nào chịu đựng nổi, hết sức tuyệt vọng, uống thuốc độc tự sát. Bà nội ở nhà, trong một ngày mất đi đứa con trai, con dâu và đứa cháu, bịnh tim bộc phát, khi đưa đến bệnh viện, chẳng cấp cứu được nên cũng chết theo.
Lại nghĩ thêm, ta có thể bảo đảm khi ta ở trong tư thế nào, oai nghi nào sẽ chẳng chết không? Khi đang đi bộ cũng có thể chết, khi đứng cũng có thể chết, ngồi cũng có thể chết, ngủ cũng có thể chết, miệng đang ăn cũng có thể chết, đang cười cũng có thể chết. Có người đang đi bộ, đột nhiên ngã quỵ xuống đất rồi chẳng đứng dậy được nữa. Có người đang đứng ở trạm đợi xe lửa, vì quá đông người ở đó nên bị người ta chen lấn bị đẩy lên đường rầy xe lửa rồi bị xe lửa đè chết. Có người đang ăn rồi bị thức ăn nghẹn ở cổ họng mà chết. Có một người làm quan vào đời Thanh, gạt lấy hết tiền cứu tế dân chúng đang bị thiên tai. Một hôm ông ta đang nằm ngủ đột nhiên ngồi dậy, miệng ộc máu rồi chết. Trong những kiếp trước, chúng ta đã tạo ra quá nhiều nghiệp ác, làm sao có thể bảo đảm một khắc sau chắc chắn sẽ không chết? Hoàng Bá thiền sư nói: “Ta hỏi ông, nếu giờ phút lâm chung đến một cách thình lình, lúc đó làm sao ông chống chọi với sanh tử? Phải chuẩn bị trong lúc nhàn hạ thì lúc cần gấp mới dùng được, đỡ tốn sức. Đừng đợi khát nước mới đi đào giếng, lúc lâm chung sẽ tay chân cuống quýt, đoạn đường trước mắt mờ mịt, quờ quạng, khổ lắm, khổ lắm!”
Đoạn trên nói lúc gần kề cái chết, chúng ta có nắm chắc được gì hay không? Dựa trên tình huống của phần đông người ta hiện nay để nói, sau khi chết đi chẳng nắm chắc rằng mình không đọa vào ba đường ác! Nhưng chỉ cần chúng ta nhất tâm nương dựa A Di Đà Phật, phát nguyện tha thiết, chân thành niệm Phật, lâm chung sẽ có thể vãng sanh Tịnh độ, triệt để thoát ly biển khổ luân hồi. Cho nên niệm Phật sớm một ngày, lúc chết sẽ có thêm một phần nắm chắc không đọa ba đường ác.
Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu 2014
Báo cáo tâm đắc của học sinh lớp Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú
Thích Tự Liễu soạn
Hòa thượng Tịnh Không giám định
Bích Ngọc chuyển ngữ
Như Hòa giảo duyệt
Cô bác anh chị xin giải đáp khúc mắc giùm em về việc ăn trứng gà ạ. Nếu em ăn trứng vào những ngày trai thì có phạm giới không ạ? A Di Đà Phật.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Diễm,
Trong nghiệp sát có: tự mình làm; sai, bảo người làm; khuyến khích, hoan hỉ khi thấy người làm = phạm giới.
Trai = thanh tịnh. Ngày trai không phải là ngày ăn chay như nhiều người hiểu, mà là ngày phải giữ trọn giới cấm của Phật thật thanh tịnh. Muốn thanh tịnh thì 10 nghiệp đều phải trọn giữ:
Thân: không sát, đạo, dâm
Khẩu: không nói lưỡng thiệt, không nói đâm thọc, không nói dối, không nói sân giận
Ý: không tham, sân, si.
Giữ trọn 10 nghiệp này = 1 ngày trai tịnh. Ngày trai mà ý còn khởi niệm muốn ăn trứng = chưa thực thanh tịnh, vì tâm còn sợ ăn chay không đủ chất; hai tâm (ý) còn móng khởi ý sát, cho dù là gián tiếp.
Chúc bạn tinh tấn.
TN
Dạ con dùng trứng công nghiệp không trống thì không phạm giới sát đúng không ạ?
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Diễm,
Giai đoạn sơ phát tâm sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong chuyện làm quen với nghi thức tu học, trì giới, chuyển đổi ăn uống cho bản thân và người thân.v.v…Vì vậy theo TN, bạn đừng quá câu chấp trong chuyện ăn chay hay ăn mặn, bởi ăn chay chưa nói lên điều gì cả, bởi nhiều người ăn chay, nhưng tâm không tu học, không trì giới của Phật thì viêc ăn chay chỉ là một chút duyên lành với chúng sanh thôi. Nhưng khi bạn quyết tâm tu học để chuyển đổi tâm thức, đi theo con đường chánh đạo của Phật, nhằm chuyển hoá những túc nghiệp bất thiện từ vô lượng kiếp tới nay thì bạn phải có sự dấn thân thật dũng mãnh thì mới vượt qua được sự chi phối của các pháp thế gian.
VD: bạn muốn thực hành ăn chay = trai tịnh 3 ngày trong tháng. Như TN đã chia sẻ: trai = thanh tịnh = tịnh hoá thân tâm = chỉ làm các việc lành, không làm các việc bất thiện, chứ hoàn toàn không phải ăn chay là bạn đang tu. Vì vậy nếu bạn quyết tâm tu học theo chánh pháp của Phật thì ngay lúc này phải dũng mãnh để vượt qua những ham muốn về chuyện ăn uống. Nếu chuyện nhỏ bạn không vượt qua được thì những chuyện khó hơn bạn sẽ khó mà vượt qua.
Ăn trứng vẫn còn tốt hơn là giết thịt để chiên, xào, nấu nướng. Nếu việc ăn trong ngày trai của bạn nhất thiết phải có trứng thì bạn dùng; ngược lại nếu thấy không cần thiết thì nên không ăn. Do vậy ăn hay không; lợi hay hại đều do bạn tự quyết.
Quan trọng: không nên ép mình phải ăn chay khi thực sự tâm mình chưa muốn. Nhưng nếu bạn thực muốn tu thì buộc phải dấn thân, dũng mãnh chuyển hoá phàm tâm. Được vậy sự tu mới có lợi lạc.
Chúc bạn tinh tấn an lạc.
TN
PB ăn chay trường, k có ăn trứng vì nó tanh nhưng nếu nhìn rộng ra thì Phật không có yêu cầu khắt khe như vậy. Nếu ăn trứng giúp bạn có sức khỏe thì bạn cứ ăn bình thường và đừng suy nghĩ nhiều về điều đó. Quan trọng nhất là giữ giới, giữ tâm thanh tịnh và có sức khỏe để Tu, để làm việc – bên Nam tông họ ăn mặt nhưng PB thấy tâm xả họ rất tuyệt vời, không chấp nê hình thức.
Dạ con xin tri ân hai vị thiện hữu tri thức đã nhín chút thì giờ quý báu để trà lời khúc mắc của con. Kính chúc các vị nhiều sức khỏe ạ, A Di Đà Phật.