Bằng phương pháp nào để ta niệm Phật có kết quả mau chóng? Niệm phật gồm có bốn cách: thật tướng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, quán tượng niệm Phật và trì danh niệm Phật. Nhưng với thời mạt pháp hiện tại, chúng sanh phần nhiều chạy theo ngoại cảnh; pháp môn trì danh niệm Phật là hợp cơ hợp thời đối với mọi người. Trì danh niệm phật là pháp dễ thực hành cho mọi tầng lớp già trẻ, sang hèn…mau đạt thành kết quả dễ nhất tâm. Nhưng phải trì danh bằng cách nào? Hằng ngày ta thường xuyên niệm : “A Di Đà Phật” hoặc “ Nam Mô A Di Đà Phật” công đức đạt thành không gì khác nhau. Tại sao ta không niệm thêm nhiều danh hiệu của các đức Phật khác mà ta chỉ niệm riêng danh hiệu của Phật A Di Đà? Vì niệm nhiều danh hiệu thì tâm ta sẽ phân biệt và tán loạn, nếu chuyên tâm một danh hiệu của đức Phật thì ta dễ được nhất tâm hơn. Và, ta chỉ chuyên tâm niệm danh hiệu của Phật Di Đà là vì cõi Tây Phương Cực Lạc do thanh tịnh tâm của chúng hội Bồ Tát tạo thành; nên khi ta được sanh vào thì liền được vị bất thối đồng với chúng hội Bồ Tát khác; do công đức thù thắng này mà đức Thích Ca khuyên ta nên niệm danh hiệu Phật Di Đà để cầu sanh về cảnh Cực Lạc. Chư Tổ sư cũng dạy: “Chuyên tâm niệm Phật vạn người tu vạn người vãng sanh”. Hôm nay, chúng ta niệm Phật sáu chữ hay bốn chữ không có gì khác nhau, nhưng điều chủ yếu là khi niệm mỗi chữ mỗi chữ phải rõ ràng, phải nhất tâm cung kính. Miệng niệm tai nghe, tâm suy nghĩ từng chữ từng câu cho thật rõ, cứ như vậy mà tiếp tục niệm, từ một câu cho đến ngàn vạn câu cũng đều rõ rang thông suốt trong tâm. Ngày nay niệm như vậy, ngày mai cũng niệm như vậy, năm này tháng nọ cũng niệm như vậy, năm tới tháng tới cũng niệm như vậy; cho đến mười năm, hai mươi năm, một trăm năm cũng tiếp tục niệm như vậy không gián đoạn, không thay đổi. Thường xuyên niệm như vậy, tâm không thay đổi mà bảo rằng không được vãng sanh Tây Phương là điều không thể xảy ra.
Chúng ta niệm Phật giống như ăn cơm uống nước hằng ngày. Nếu một ngày ta không ăn không uống thì cơ thể tâm thần ta không được yên ổn. Cũng vậy, chúng ta niệm Phật đến khi nào nếu thỉnh thoảng bị quên không niệm mà cảm thấy thiếu thốn khó chịu như thiếu ăn thiếu uống thì đã có kết quả. Chúng sanh sanh vào thế giới dục giới này là dochúng ta ghiền ăn, ghiền uống, ghiền tình ái, ghiền tham dục phiền não… nay ta muốn cầu sanh Tây Phương thì phảicai những thứ bệnh ghiền của thế giới Ta Bà không hợp với chúng sanh Tây Phương; vì bệnh ghiền của chúng sanhTây Phương là ghiền niệm Phật, nghe pháp.
Niệm Phật cầu sanh tây Phương không phải chỉ niệm một ngày hai ngày, mà phải chuyên cần thường xuyên niệm cho đến ngày lâm chung. Sau khi sanh về Tây Phương thấy Phật nghe pháp, tiến tu chứng được quả vị bất thối BồTát ở nơi thường Tịch Quang Độ đồng với pháp thân Chư Phật. Bây giờ ta có thể ở trong thanh tịnh pháp thân mà thị hiện khắp mười phương thế giới để hoằng hóa cứu độ chúng sanh, trong đó có thế giới Ta Bà mà ta muốn đến. Đừng lo không duyên với thế giới Ta Bà mà hãy lo rằng tự ta niệm Phật không tinh chuyên đến chỗ nhứt tâm.
Trích từ sách Niệm Phật Thành Phật
Tác giả: Hòa thượng Thích Phước Nhơn
A Di Đà Phật! Mong các bạn đồng tu chỉ bảo cho mình, số là mình hay nằm mơ thấy mấy giấc mơ tà dâm mà bản thân không tự chủ được, mình không có muốn như vậy, rồi mình hay mơ đến người mình thích khi trước nữa, mặc dù mình đã tự nói là “hết duyên” rồi không để ý nữa, thường ngày mình không có nghĩ tà dâm, hay nhớ cô ấy nhưng về đêm ngủ thì hay mơ thấy mấy giấc mơ tà dâm ạ, từ ngày mình niệm Phật là mình đã dần dần bỏ bớt những thứ bậy bạ rồi! Mình lo lắng quá ạ, nhỡ khi sắp lâm chung mà nó hiện ra thì mình nguy to, mong các vị đạo hữu hoan hỉ chỉ bảo ạ! A Di Đà Phật!
Xin chào bạn,mình có đôi lời chia sẻ cùng bạn như sau.Trước tiên rất vui và tán thán tinh thần tu tập của bạn.Mình có thấy bạn viết là bản thân bạn tự nghĩ là hết duyên,không muốn mơ giấc mơ tà dâm,không nghĩ tà dâm mà cứ mơ.Theo ý kiến của mình thì đó cũng là vọng tưởng mà thôi,mình không cần cưỡng ép hay kiểu phan duyên ý,chỉ niệm phật mà chẳng để ý đến nó làm gì,quan trọng là niệm phật ,thật thà niệm phật thôi nhé,rồi khi công phu tăng lên thì vọng tưởng sẽ lui thôi.Còn bạn lo khi chết sợ nó hiện ra thì là tại mình chưa tu tốt thôi,tu đến công phu thành phiến hồng danh liên tục nối tiếp nhau chẳng có chỗ cho vọng tưởng chen vào thì lo gì.Mình xem nữ cư sĩ lưu tố vân vãng sanh ý,bà nói với con trai khi con bà muốn báo hiếu bằng cách cho bố mẹ đi du lịch,bà bảo con và bố cứ đi mẹ phải niệm đạt được công phu thành phiến đã,đạt được là bà tự tại ra đi.Thế nên bạn đừng lo lắng quá nhé,những lúc khó khăn mới là lúc xem bản thân mình tu đến đâu rồi,lúc đó mà vẫn niệm được phật thì rất tốt,còn mà lại đi hoài nghi bản thân khiến niệm phật gián đoạn thì mình chưa đạt rồi.Chúc bạn tinh tấn nhiều trong việc niệm phật .Có gì mình gặp nhau ở bên đấy thì quả là việc vui đời người nhỉ,chúc mọi người cùng nhau cố gắng tu tập tốt nhé.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
A Di Đà Phật! Cảm ơn đạo hữu beonhi nhé, chắc chắn chúng ta cùng các liên hữu sẽ gặp nhau ở Tây Phương Cực Lạc mà! Nghe đạo hữu nói vậy mình cũng bớt lo hơn rồi, mong đạo hữu ngày càng tinh tấn hơn!
Đây là facebook của mình, https://www.facebook.com/hoa.roi.3975 rất mong được kết bạn với đạo hữu beonhi cùng các bạn khác! A Di Đà Phật!
Giống như khi quét nhà ta lôi rác và bụi bẩn ra khỏi góc tối mà thôi, khi ta niệm Phật có chút công phu thì “rác” tức là những thứ bạn thấy trong mơ nó được lôi ra từ trong góc tối sâu thẳm trong tâm dù hàng ngày không hề nghĩ tới những chuyện đó. Cho nên bạn không cần lo lắng. Chúc bạn tinh tấn. A Di Đà Phật
Cảm ơn đạo hữu Quốc Huy ạ, mình nhất định sẽ tinh tấn, bạn cũng vậy nhé! A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật
Bạn Thanh Tịnh thân mến,
Cổ nhân nói:” Ái bất trọng bất sanh Ta Bà, Niệm bất nhất bất sanh Tịnh Độ”. Theo chỗ mình hiểu thì ở câu này ý nói muốn sanh về Tịnh Độ thì phải nhất tâm niệm Phật tức là ngoài cái tâm hân nguyện Tịnh Độ ra thì mọi thứ ở Ta Bà đều phải buông xã (yểm ly Ta Bà) đặc biệt nhất muốn nhấn mạnh chính là ái dục. Nếu như còn có tâm ái dục thì sao có thể gọi là nhất tâm được? Tâm ái dục còn nặng thì sẽ sanh trong cõi Ta Bà. Do vậy Người Niệm Phật Phải Dứt Tâm Ái Để Vãng Sanh. Trong Hai Điều Kiện Cần Có Để Vãng Sanh Tây Phương Cực Lạc thì Một là Chân Tín + Thiết Nguyện, Hai là Buông Xuống Vạn Duyên. Do vậy nếu còn có tâm ái dục thì sao gọi là Buông Xuống Vạn Duyên được. Cho nên nếu tâm ái dục còn thì chính nó sẽ ngăn cản không cho mình về Tây Phương.
Bình thường bạn không có ý niệm về tà dâm là điều đáng quý. Tuy nhiên điều này giống như học mà không có kiểm tra nên không biết tâm ái dục của bạn có còn hay không? Khi ngủ nằm mơ thấy giấc mộng đẹp như vậy chính là bài kiểm tra trắc nghiệm, qua đó bạn đã biết kết quả là như thế nào rồi chứ? Nếu như bài kiểm tra trắc nghiệm mà điểm không cao thì kỳ thi cuối cùng làm sao đậu được đây? Do vậy nếu như Nằm Mộng Không Niệm Phật Được Khó Vãng Sanh.
Chính vì thế cho nên Ngài Hám Sơn dạy:” Lúc bình thường tự chủ được thì khi ngủ mới tự chủ được. Khi ngủ mà tự chủ được thì khi lâm bệnh nặng, khi lâm chung mới tự chủ được”. Do vậy lúc bình thường giống như đi học, khi ngủ là bài kiểm tra trắc nghiệm, khi lâm bệnh nặng là kỳ thi thử, khi lâm chung là kỳ thi cuối cùng.
Như vậy thì ngay bây giờ mình phải nên bắt đầu bằng việc Quán Thân Bất Tịnh và y theo lời Ấn Quang Đại Sư Khai Thị. Sau đó mỗi khi tiếp xúc với các cô gái xinh đẹp, ăn mặc hở hang khêu gợi, mình hãy xem tâm mình có còn lay động hay không? Nếu như không dám nhìn chứng tỏ đạo hạnh còn quá yếu. Do vậy cần phải tu luyện thêm. Trong đời sống hàng ngày, nếu có cơ hội gặp các cô gái đó chính là dịp để thử thách tâm mình. Nếu như không có thì hãy lấy một tấm hình hay một đoạn phim ngắn để xem thử. Đến bao giờ mà gặp phim, ảnh hay người thật dù đẹp như tiên mời mình đi khách sạn mình cũng không động lòng và từ chối thì đó mới chính là chỗ mà Ngài Hám Sơn nói: LÚC BÌNH THƯỜNG TỰ CHỦ ĐƯỢC.
Ngài Hám Sơn nói không sai đâu vì lúc xưa mình còn ăn mặn nên khi ngủ nằm mơ gặp món gì mình cũng ăn. Từ lúc ăn chay trường được nhiều năm, gặp đồ mặn là muốn nôn mửa, không thể ăn được nên khi ngủ gặp thức ăn mặn mình cũng không ăn. Cho nên đối với ái dục thì cũng tương tự như vậy. Nếu như bình thường không tự chủ được thì khi ngủ chắc chắn sẽ không tự chủ được và khi lâm chung cũng sẽ không tự chủ được vì hình ngay thì bóng mới thẳng. Điều này cũng đã được chứng minh thêm một lần nữa qua câu chuyện chết đi sống lại của thiền sư Seong Chol Sunim.
Vài lời chia sẽ, hy vọng giúp ích phần nào cho bạn nhé.
Nam Mô A Di Đà Phật _()_
A Di Đà Phật! Cảm ơn đạo hữu Hướng Đạo nha, mình cảm thấy bản thân vẫn còn sanh tâm động niệm với phụ nữ nhiều lắm, cảm thấy bản thân thật đáng khinh bỉ, mình đã cố gắng quán bất tịnh rồi mà còn động tâm, mình nhất định sẽ thử cách của bạn, không tham đắm như vậy nữa, mong đạo hữu tinh tấn và tất cả chúng ta sẽ gặp nhau ở Tây Phương! A Di Đà Phật! Mong đạo hữu hoan hỉ cho mình facebook để kết bạn!
A Di Đà Phật – Xin chào bạn Thanh Tịnh,
Thành thật xin lỗi bạn nhé vì mình ít khi lên facebook lắm, chỉ ở lòng vòng trong trang DVCT này mà thôi. Nếu bạn muốn tìm mình thì cứ ghé lại đây, thỉnh thoảng sẽ gặp. Chúc bạn luôn tinh tấn và an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật
Cảm ơn đạo hữu Hướng Đạo nha A Di Đà Phật! Lời khuyên của bạn thật bổ ích.
A Di Đà Phật. Chào bạn sen Thanh Tịnh,
Bạn cần gì phải cưỡng ép cho vọng tưởng động tâm với phụ nữ biến mất chi vậy. Khi các niệm đó khởi lên là chuyện bình thường do tập khí trong quá khứ đã tích tụ bao vây theo bạn như bóng theo hình. Hiểu được vậy thì bạn nên bình tĩnh lắng nghe chúng nó diễn ra trong tâm rồi theo tự tánh khởi lên câu “A Di Đà Phật” thay thế lắng nghe thôi. Tuỳ theo tập khí (nghiệp chướng) nặng hay nhẹ lâu ngày cứ bình tĩnh tập hạnh lắng nghe khéo xoay chuyển âm thanh trong tâm thì sẽ thành thói quen.
Tuy nhiên khi mới tập thì ai cũng dễ bị mất bình tĩnh khó khắc phục chuyển sang nghe câu Phật hiệu. Khi gặp các phái nữ xinh đẹp thì Huệ Tịnh vẫn còn dính mắc động tâm (bị chúng tí ma chưởng) nhưng quan trọng là có giữ sức bình tĩnh biết dụng tâm lắng nghe câu Phật hiệu (hạ thủ đều hoà) để trở lại trạng thái bình an vô sự hay không?
Còn về vấn đề nằm ngủ mộng bậy bạ thì theo cá nhân trải nghiệm, bạn nên thử trước khi đi ngủ, ngồi thế kiết già bán già tùy theo bạn, chắp tay quay mặt về hướng Tây mà niệm thầm như sau:
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật (1 lần – xá)
Nam Mô A Di Đà Phật (10 lần)
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát (3 lần)
Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát (3 lần)
Nam Mô Thanh Tịnh Đại Chúng Bồ Tát (3 lần)
(Trong vòng 1 phút xong)
Thực hành như vậy trước khi đi ngủ và ngay khi thức dậy hàng ngày trên giường. Khi nằm xuống ngủ cứ lắng nghe câu Phật hiệu trước khi đi vào giấc mộng. Quan trọng là ở chỗ tâm bình tĩnh, mà muốn được vậy thì nó đồi hỏi lòng TIN nơi Bổn Nguyện Di Đà của bạn sâu hay không mà thôi.
——————————————
Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân
40) Không để ý đến thiện ác của bản thân, chỉ một lòng cầu vãng sinh mà Niệm Phật. Đó gọi là Tha Lực Niệm Phật. Cho rằng bản thân bị tội chướng khó được vãng sinh là điều sai lầm rất lớn.
41) Chẳng cần để ý là tâm mình thiện hay ác, tội chướng nặng hay nhẹ, mà chỉ nên dùng miệng xưng NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT và phát khởi cái tâm quyết định! Nương Phật Thệ Nguyện chắc chắn vãng sinh!!!
42) Hạng vô trí, tội chướng Niệm Phật mà vãng sinh là ý chánh (mục đích chính) của Bổn Nguyện.
43) Thâm tâm tức là cái tâm tin sâu. Tin sâu điều gì? Tin rằng: Hạng phàm phu phiền não sâu dày, nghiệp chướng nặng nề, thiện căn thiếu kém, nhờ tin vào Nguyện Lực Đại Bi của Đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu, hoặc 100 năm, hoặc 45 năm, 20 năm, 10 năm, cho đến một hai năm. Từ khi phát tâm cho đến lúc lâm chung không thối chuyển. Hoặc 7 ngày, hoặc 1 ngày, cho đến 10 niệm, 1 niệm. Dù nhiều hay ít, người xưng danh Niệm Phật chắc chắn được vãng sinh.
Tóm lại, đối với chuyện vãng sinh mà không nghi ngờ thì gọi là “Thâm Tâm”. (Tâm lý quan trọng)
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật! Cảm ơn đạo hữu nhiều lắm! Mình có đọc qua bài Niệm Phật Tông Yếu của ngài Pháp Nhiên Thượng Nhân rồi mà mình lại quên mất, nay bạn nhắc lại một số điểm quan trọng làm mình chợt tỉnh ra. A Di Đà Phật! Mong bạn tinh tấn niệm Phật!
A Di Đà Phật! Xin lỗi ạ mình gõ nhầm kính xin đạo hữu Huệ Tịnh thứ lỗi vì gõ nhầm nick của bạn!
A Di Đà Phật. Chào bạn sen Thanh Tịnh,
Chuyện bạn gõ nhầm tuỳ duyên không sao đâu bạn. Hoan hỷ hoan hỷ. 🙂
Huệ Tịnh đưa ra hai thí dụ này cho bạn tư duy để hiểu thêm về thật tướng của nghiệp thiện hay ác nhe.
1. Người A ưa thích làm việc thiện như cúng dường Tam Bảo, phóng sanh, ấn tống kinh điển, v.v.. Nhưng anh ấy dụng tâm ngã chấp cầu danh tiếng hình thức hơn là cầu dụng tâm giải thoát.
2. Người B tuy bị nghiệp lực chi phối phạm tội tà dâm nhưng có tâm sám hối muốn dứt trừ nghiệp chướng. Tuy có tâm sám hối nhưng vẫn còn bị nghiệp lực làm chủ vì đạo lực còn kém cho nên vẫn mặc cảm thấy hạ thấp.
Theo bạn suy nghĩ người A hay B sẽ dễ có ngày giác ngộ trước?
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật! Cảm ơn đạo hữu Huệ Tịnh nha, mình cảm thấy 2 ví dụ của đạo hữu đưa ra thật hay, mình không dám so đo ai giác ngộ trước nhưng mình nghĩ “Trường hợp mà có tâm ăn năn sám hối thì vẫn hay hơn nhỉ.” Mình còn ngu muội lắm nên được đạo hữu chỉ bảo thêm là mình mừng lắm rồi! A Di Đà Phật! Mình cảm thấy an tâm hơn phần nào rồi! Chúc đạo hữu cùng các bạn đồng tu tinh tấn niệm Phật vãng sanh tịnh độ!
A Di Đà Phật…
Xin chào Phước Huệ:
Nhờ bạn giải nghĩa dùm pháp danh của bạn (phước huệ). Thế nào là tu Phước? Thế nào là tu Huệ? Làm sao để tu Phước và Huệ? Tu Phước Huệ có cần thiết hổ trợ cho chúng sanh Vảnh sanh Tây Phương cực lạc không? Chân thành cảm ơn bạn…
A Di Đà Phật…
Xin chào huynh Tịnh Độ,
Ngày xưa khi ba mẹ PH dẫn mấy anh em đến chùa để xin quy y Tam Bảo, vị bổn sư quy y ban cho pháp danh Phước Huệ, lúc đó PH không hiểu ý nghĩa Phước Huệ mà lại không hỏi, cho nên cũng không biết cái ý giải thích sau đây có đúng ý với vị sư phụ quy y không. Sau này PH may mắn đủ phước duyên được nghe bài giảng của cố hòa thượng Thích Giác Khang trên mạng nên mới hiểu được ít nhiều. Ở đây phần giải nghĩa xin được giới hạn, dựa trên tâm ý của một phàm phu thông thường, còn tâm ý của chư vị Thánh thì PH không tài nào biết được nên không dám nói đến (các vị Thánh họ cũng thực hiện việc giống như phàm phu mình nhưng do tâm ý của các vị đã giác ngộ, nên mọi việc sẽ khác).
-Phước: Nghĩa là phước báo. Có gieo nhân và gặt quả và là quả hữu lậu, có thể đo lường được, và vì vậy khi mình xài thì sẽ hết.
-Thế nào là tu Phước: các việc làm từ thiện, bố thí, xây chùa, phóng sanh,… đều là tu phước.
-Huệ: Thực sự đây là phần rất khó để giải thích, vì như chư tổ đã dạy, càng nói thì càng đi xa, mà bản thân PH lại chưa có được chút trí huệ nào nên chắc sẽ làm “tù mù” thêm. PH chỉ xin được đưa ra một số thông tin quanh cái trí huệ này, chứ những giải thích này hoàn toàn không phải là trí huệ. Huệ là trí huệ giải thoát, hay còn gọi là Phật tánh. Xin đừng nhầm lẫn với trí thông minh thông thường như ở ngoài đời, và cũng xin đừng nhầm lẫn với những kiến thức về giác ngộ,.. Những bậc Thánh là người có trí huệ giải thoát, quả Thánh đầu tiên là quả vị Tu đà hoàn hay còn gọi là Nhập lưu (nhập vào dòng Thánh). Trí huệ này không đo lường được, vượt qua tất cả các kiến giải thông thường, không thể dùng trí thông minh mà hiểu được và dĩ nhiên là vô lậu, không bao giờ bị mất đi. Cố hòa thượng Thích Giác Khang đã giải thích rõ giữa Phước và Huệ trong câu chuyện về đối đáp giữa vua Lương Võ Đế và tổ Bồ Đề Đạt Ma, huynh có thể tìm thấy phần giảng này trong nhiều bài giảng của cố hòa thượng Thích Giác Khang trên trang PhatAm.
-Làm sao để tu Huệ: nói thiệt là “bó tay”, vì nếu biết làm sao thì chắc người đạt được quả Dự lưu rất nhiều rồi. Phật tánh vốn đã sẳn có trong ta, chỉ là nhận lại, không phải tìm bên ngoài, cũng không phải tìm bên trong, đã có sẳn đó rồi. Khởi công tìm, có nghĩa là đi xa rồi. Nói như ngài Thích Giác Khang… nhận lại thì nhập vào dòng Thánh, chưa nhận lại thì mãi là phàm phu, vậy thôi… Xin đừng nhầm lẫn là cứ ngồi Thiền thì sẽ nhận lại được Phật tánh (PH đã từng bị nhầm lẫn về điều này). Mặc dù để có thể nhận lại Phật tánh, tâm trí của người tu phải đạt được mức độ thanh tịnh trong sáng nhất định (trình độ Sơ thiền, Nhị thiền,..), nhưng không có nghĩa là cứ tu thiền đến Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền là nhận lại được Phật tánh. Cho nên các vị tu Thiền dù được trình độ cao, có thần thông (ngũ thông) mà chưa nhận lại được Phật tánh thì vẫn còn là phàm phu điên đảo, luân hồi theo nghiệp.
-Tu Phước Huệ có cần thiết hổ trợ cho chúng sanh Vảnh sanh Tây Phương cực lạc không?: PH nghĩ dù là tu pháp môn gì thì cũng đều cần cả hai. Người tu Tịnh Độ rất cần phước báo, không phải để “xài” cho cuộc sống giàu sang dư dả, sự nghiệp thành công,… mà là cho việc gặp được thiện tri thức, cuộc sống yên ổn, thuận lợi cho việc tu hành, ít gặp chướng ngại trên đường tu, lâm chung ít bị bệnh tật, gặp được thiện tri thức nhắc nhở niệm Phật,.. Đối với những vị có tâm dũng mãnh thì càng chướng ngại, họ càng phấn đấu vượt qua chướng ngại, chứ còn với PH thì chỉ mong càng ít chướng ngại càng tốt vì PH biết mình chưa có đủ sự dũng mãnh, bản lĩnh. Câu hỏi là với người tu Tịnh Độ thì tu Phước Huệ như thế nào? Thưa rằng chỉ một câu Nam Mô A Di Đà Phật đặt vào trong tâm, vậy là đủ (quan trọng là “đặt vào trong tâm”, chứ không phải chỉ niệm suông trên miệng). Phước báo của câu Nam Mô A Di Đà Phật chắc huynh đã rõ. Các việc thiện khác để tạo phước báo như phóng sanh, bố thí,.. đủ duyên thì làm. Câu Nam Mô A Di Đà Phật chứa vô lượng phước báo, nên thường niệm trong tâm là có đầy phước báo. Còn Huệ thì trong kinh Niệm Phật Ba La Mật đã có giảng rõ. Xin được trích một phần nhỏ như sau..
“Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ, nên biết rằng danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật chính là Pháp-thân Viên-mãn Chu-biến Nhất-thiết-xứ, là Phật-tánh thậm thâm có đầy đủ mọi năng lực vô úy bất khả tư nghị, có đầy đủ diệu dụng vô ngại bất tư nghị. Là cứu cánh siêu việt tối thượng, có đầy đủ năng lực bất khả thuyết, bất khả xưng tán, để chuyển hóa vô minh thành ra giác ngộ, sinh tử thành Niết-bàn. Là phương tiện vi diệu bật nhất, thường cải biến hết thảy Sở-y và Sở-hành của mọi chúng sanh, đưa tất cả tướng trạng hữu lậu, trói buộc, trở về với Bản-tánh Vô-lậu, Giải-thoát.
Cho nên, nếu chúng sanh nào đem Tâm-thể của mình mà duyên với danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, thì Tâm-thể của người ấy dần dần trở nên vô cấu nhiễm, dần dần phát sanh vô lượng vô biên đức tướng Như-Lai. Do vậy, tự nhiên thấy mình ở trong thế giới Cực-Lạc trang nghiêm, thù thắng. Cùng một lúc, cái niệm tưởng Nam-mô A-Di-Đà Phật sẽ phát khởi thân lượng, oai nghi, tướng hảo và quang minh của đức A-Di-Đà cùng chư vị Thánh-chúng.
Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ, người ở nơi ý nghĩa ấy phải nên hiểu rõ như thế !”
Cho nên may mắn, hi hữu làm sao, phước báo thiện căn sâu dày lắm, chúng ta mới gặp được pháp môn Tịnh Độ, được nghe, rồi tin theo rồi thực hành.
Hy vọng phần giải thích phía trên ít nhiều trả lời được câu hỏi của huynh.
Chúc huynh thường tinh tấn, an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Tinh Do, L trich tu ” NHÌN THẤU LÀ TRÍ HUỆ CHÂN THẬT” cua PS Tinh Khong.
“Người niệm Phật phải kiêm tu phước huệ. Phước là gì? Huệ là gì? Chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Tâm thanh tịnh là Phước, trong tâm chúng ta có rất nhiều vướng bận, đó không phải là phước. Do vậy, chúng ta phải biết phước báo không phải là ngũ dục, lục trần, chẳng phải là “tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ”, những thứ ấy chẳng thể nào mang theo, chỉ gây thêm rắc rối cho chúng ta, chẳng đem lại ích lợi gì cả. Do vậy, trong kinh đức Phật dạy: “Tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ là năm cội rễ của địa ngục”, chẳng phải là chuyện tốt, nhất định phải giác ngộ. Phước báo là thân tâm thanh tịnh, tại sao? Được vậy thì tâm chúng ta mới không điên đảo. Tâm hiện nay không điên đảo, lúc lâm chung tâm cũng sẽ không điên đảo. Huệ là gì? Huệ là có thể nhìn thấu, Phước là có thể buông xuống. Nhìn thấu buông xuống là phước huệ. Tịnh Nguyện là có đầy đủ Tín Nguyện Hạnh, đầy đủ tam tư lương.
Chúng ta đừng thấy hai chữ Phước Huệ liền nghĩ Phước là phước báo, tiền bạc của cải nhiều là có phước báo; Huệ là thông minh, vậy thì chúng ta phải học nhiều thứ, nghĩ vậy là hoàn toàn sai lầm. Thật ra, Phước là buông xuống, buông xuống liền có phước, nhìn thấu liền có Huệ, đó là Phước Huệ thật sự. Đích thực có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề lớn, vấn đề lớn là vấn đề đời đời kiếp kiếp chưa từng giải quyết xong. Đời này chúng ta có thể giải quyết, do vậy, phước huệ đó không thể nghĩ bàn! Người đó sẽ được tự tại, hạnh phúc, hưởng thụ, tức là thân tâm thanh tịnh, thân tâm vô sự là người có phước huệ hạng nhất trong thế gian và xuất thế gian. Lão pháp sư Viên Anh làm gương, thị hiện cho chúng ta.”
A Di Đà Phật. Xin chào Độ,
Trích từ – Bất đồng quan điểm giữa Đạt Ma Tổ Sư và Lương Võ Đế.
Chỗ bất đồng quan điểm giữa vua Lương và Tổ được Đức Lục Tổ Huệ Năng (638-713) giải thích trong Pháp Bửu Đàn Kinh, phẩm Quyết Nghi.
Lương Võ Đế hỏi suốt đời nhà vua làm những việc cất chùa, cúng tăng, bố thí, v.v. như vậy có công đức chi không.
Tổ sư nói: Thật không có công đức.
Theo tôn ý của Tổ, vua Lương Võ Đế thực hành hạnh bố thí, hạnh đứng đầu của sáu phép Ba La Mật, là tạo nhân phước để hưởng quả phước ở thiên nhân mà thôi, tuyệt nhiên không phải là chơn công đức vô lậu giải thoát.
Theo Kim Cang Kinh, bố thí trụ tướng chẳng khác chi vào chỗ tối, không trông thấy chi cả. Trái lại bố thí ly tướng ví như có được mắt sáng lại còn nhờ thêm ánh mặt trời chiếu soi tỏ rạng, trông thấy rõ rệt các vật. Vua Lương Võ Đế bố thí nhưng còn vọng tâm trụ tướng, không khế hợp với pháp “tam luận thể không” của Phật. Pháp tam luận thể không gồm có ba điều dưới đây :
1. Không nghĩ mình là người năng thí.
2. Không nghĩ người nhận là kẻ thọ thí.
3. Không nghĩ vật đưa ra là vật sở thí.
Vua Lương Võ Đế hành bố thí như vậy là việc tạo nhân phước để hưởng quả phước ở thiên nhân mà thôi. Bậc Bồ Tát bố thí không bao giờ trụ trước nơi sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, tức là lìa tất cả tướng và hành đúng theo “Tam luận thể không” nên phước báu cao cả không thể suy lường được.
Đạo Đức Kinh của Đức Lão Tử cũng dạy (chương 38: Thiên hạ): “Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức; hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức.”. Có nghĩa là người đức cao không có ý cầu cái đức cho nên có đức; người đức thấp thì chấp cái đức của mình tạo ra, nên không có công đức. Như vậy lời nói của Đức Lão Tử không khác “tam luật thể không” của Đức Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Xin thầy Tịnh Thái trả lời giúp con. Con bị bệnh nên quyết định ăn chay trường. Nhưng gia đình con bảo là không đủ chất dinh dưỡng, phản đối vô cùng. Người thân con còn bảo là họ sẽ chết cho con hối hận. Họ phản đối quyết liệt lắm. Con biết là con không ăn chay thì nghiệp chồng nghiệp, con niệm Phật 1 thời gian nên giờ không nỡ ăn thịt chúng sanh nữa. Chắc con đã gây oán thù với họ từ nhiều kiếp trước. Xin thầy cho con biết bây giờ con phải làm sao?
Ăn chay rất tốt nhưng phải ăn chay một cách khoa học, tránh cực đoan ăn uống quá đơn giản, xuề xòa thì sẽ ko đủ chất dinh dưỡng. Bạn nên thỏa thuận với gia đình hãy để cho bạn ăn chay 6 tháng – 1 năm thì bạn sẽ chứng minh cho gia đình thấy là bạn sẽ khỏe hơn lúc ăn mặn, và lên ký, cơ thể sẽ tròn trịa hồng hào hơn…Và khi chia sẻ với gia đình thì bạn cũng chỉ nên chia sẻ lợi ích của ăn chay trên tinh thần khoa học và tốt cho sức khỏe, chứ ko nên đề cập nhiều về chuyện ăn chay là từ bi, là ko sát sanh,v.v…Việc đó họ chưa tiếp nhận thì mình ko nên nói, kẻo khiến người nhà càng thêm chống đối với mình bạn nhé.
Bạn nên bổ sung thêm sữa và yaourt + trái cây trong khẩu phần ăn mỗi ngày, nhớ uống nhiều nước và tập thể dục thường thì sẽ tốt hơn.
Còn chuyện oán thù thì cũng chưa hẳn, vì gia đình thật ra họ cũng thương mình, nhưng họ thương theo tình chấp thế gian, họ chưa hiểu được lợi ích chân thật của việc ăn chay, học Phật. Chỗ này mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi cây mỗi hoa, cần phải khéo léo nhẫn nại mà vượt qua…Nhiều khi họ giận mình là do mình ko khéo, hay quá cứng ngắc, hoặc mình cũng bực bội khi không thấy người khác thuận theo ý mình, chỗ này thì mình rất dễ mắc sai lầm mà nhiều khi mình ko hay…mà mình lại thường chỉ thấy lỗi người khác thôi à, chứ ko thấy lỗi mình trong đó…Chỗ này bạn nên phản tỉnh thêm.
Chúc bạn sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này mà thành tựu được tâm nguyện của mình.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Chào bạn Huệ Khánh Thúy,
Nếu bạn không kén ăn, bạn có thể tham khảo cách ăn của mình, mình ăn rất đơn giản. Để bảo đảm đầy đũ dưỡng chất, mình đã dùng đậu lăng(lentils) và đậu nành để thay thế cho đạm của thịt cá . Đậu lentils rất dễ nấu, chừng 10 phút là chín mềm, gia vị xong để nguội cất tủ lạnh, khi nào ăn múc ra hâm nóng. Đậu nành thì ngâm nước rồi nấu lữa nhỏ cở 2 tiếng cho mêm rồi nêm tí muối cho măng mẳng, có thể ăn không hay ăn với cơm, đôi khi đem xay làm sinh tố hay kem đậu nành cũng rất ngon, hoặc xay thật nhuyển làm sữa đậu nành mà không cần lược. Hai thứ này chẳng kém thịt bò, thịt gà là bao đâu bạn. Mình không dùng nguyên liệu đồ chay đã chế biến sẵn trong siêu thị vì e ngại chất bảo quản, cũng như không biết chắc họ làm bằng thứ gì trong đó. Mình cũng từng nghe kể là có một vị thầy từng đi du lịch Đài Loan về kể lại là thầy có đi tham quan một xưởng sãn xuất đồ chay, và thấy rằng nguyên liệu để làm không thực sự là chay tịnh.
Vài lời chia sẽ với bạn, và chúc bạn thân tâm thường lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật
Mình thắc mắc là cõi Cực Lạc tiếp nhận chúng sinh mười phương đến vãng sanh mà ai cũng sống lâu vô lượng ko chết thì chỗ đâu ở cho xuể. Mong quý liên hữu giải đáp giùm ạ. Cảm ơn quý liên hữu rất nhiều ạ.
Cõi đó không thuộc về vật chất nên đừng dùng lí lẽ ở cõi vật chất để suy lường
A Di Đà Phật
Chào bạn.Sở dĩ bạn có thắc mắc như vậy là vì bạn vẫn chưa biết được sự khác nhau của thế giới Cực Lạc và thế giới Ta Bà mà ta đang ở.
Thế giới ta đang ở là do vi trần họp lại mà thành.Vi trần là hạt cực nhỏ,nhỏ hơn cả hạt bụi,không thể nhỏ hơn được nữa thì gọi là vi trần.Khi có duyên thì các vi trần tụ lại một chỗ thành thế giới,thành chúng sanh,khi đó gọi là sanh.Khi hết duyên thì các vi trần tản ra,khi đó gọi diệt.Thế giới và chúng sanh cõi này là do vi trần hợp và tan nên có sanh và có diệt.
Cõi Cực Lạc chẳng phải do vi trần hợp lại mà thành nên gọi là vô vi. Cực Lạc chính là từ Như Lai diệu tâm hiển hiện, là do cõi mầu nhiệm pháp tánh biến hiện ra, nên chẳng giống với các thế giới khác, toàn thể Cõi Cực Lạc là Như Lai diệu tâm, là tự tánh của đương nhân nên chẳng sanh chẳng diệt, chẳng suy, chẳng biến, lặng lẽ thường trụ như ‘tánh của vô vi’.
Để cho dễ hiểu mình xin lấy ví dụ như sau
-Như bây giờ bạn nhìn vào hư không rộng vô biên tế,trong hư không cũng có ánh sáng trắng chiếu soi cùng khắp hư không.Ai học vật lý,chắc cũng biết nếu ta đặt trong hư không 1 cái lăng kính,thì ánh sáng trắng khúc xạ qua lăng kính sẽ bị phân tách thành một dải màu 7 sắc như cầu vồng. Dải màu 7 sắc này so với ánh sáng trắng nhỏ hẹp hơn rất nhiều.Hoặc nếu như bạn chưa học vật lý,thì khi trời mưa xong,lúc tạnh, ánh sáng trắng khúc xạ qua giọt nước thì thành cầu vồng 7 sắc.Bạn hãy so sánh cầu vồng này so với hư không thì như thế nào.Nó quá nhỏ bé,chỉ như 1 phiến mây nổi lên giữa hư không vô biến tế.
Gỉa sử như bây giờ,bạn chui vào cái lăng kính hoặc là bạn chui vào giọt nước thì khi ấy bạn sẽ không còn thấy được hư không rộng vô biên tế và ánh sáng trắng nữa đâu,mà lúc bấy giờ bạn chỉ thấy trước mắt mình là 1 dải cầu vồng 7 sắc,bởi vì cái thấy của bạn đã bị giới hạn trong lăng kính.Chỉ khi nào bạn chui ra ngoài lăng kính thì bạn sẽ thấy được hư không rộng vô biên.Lúc bấy giờ bạn mới biết rằng cái thấy 7 sắc của mình trong lăng kính là vô cùng nhỏ bé.
Lăng kính là minh họa cho cái vi trần hợp thành,hư không minh họa cho cái vô vi.Hiện nạy cái tâm của bạn đang dính mắc vào cái thân vi trần xác thịt,nên cái thấy bị giới hạn bởi cái mắt,cái nghe bị giới hạn bởi cái tai cho nên thế giới mà bạn nhìn thấy hết sức nhỏ bé.
-Chúng sanh cõi Cực Lạc không phải do thai sanh,không phải do vi trần mà họp lại.Mà họ hóa sanh từ liên hoa trong áo bảy báu,họ đều có thân hư vô,thể vô cực.Thân hư vô là vì có mà như không,tuy là có thân nhưng lại không bị thân làm cho chướng ngại,họ có thể phi thân đi khắp mười phương,không giống như chúng ta bị thân làm cho chướng ngại chẳng đi được đâu xa.Thể vô cực là vi chẳng cần uống,chẳng bệnh già chết.
Về câu hỏi của bạn trong Kinh Vô Lượng Thọ,Phật Thích Ca cũng đã nói rồi
Chánh kinh:
Trong cõi Phật ấy thường như nhất pháp, chẳng tăng thêm nhiều. Vì sao vậy? Ví như biển cả là vua trong các dòng nước. Các dòng nước chảy đều đổ vào biển mà nước biển cả chẳng hề tăng, giảm.
Giải:
Nếu có kẻ ngờ rằng mười phương phàm, thánh đều sanh về Cực Lạc thì một cõi như vậy làm sao chứa đựng hết nổi? Chẳng phải như vậy. Cõi nước Cực Lạc ‘thường như nhất pháp, chẳng tăng thêm nhiều’.
Chữ ‘nhất pháp’ Phật nói đó ý nghĩa rất sâu, chúng sanh khó lãnh hội nổi nên Phật dùng biển cả làm thí dụ để giảng nghĩa ấy. Biển cả ví như Cực Lạc, các dòng nước ví như chúng sanh trong mười phương. Các dòng nước đổ vào biển, biển cả chẳng tăng thêm. Cũng thế, chúng sanh trong mười phương vãng sanh Cực Lạc nhưng số người nơi Cực Lạc cũng chẳng tăng thêm.
Hơn nữa, con số các vị Ðại Sĩ cõi ấy lại trở vào uế độ cứu độ quần sanh là vô lượng, nhưng thánh chúng cõi Cực Lạc vẫn chẳng tăng, giảm.
Tôi tạm dùng toán học của thế gian để biện giải ý nghĩa này. Trong toán học có khái niệm ‘lớn vô cực’ hoặc ‘lớn vô hạn’, thường được ký hiệu là ∞, nghĩa là con số rất lớn vượt khỏi mọi hạn lượng nên gọi là ‘lớn vô hạn’.
Nếu cộng thêm bất cứ con số hữu hạn vào ∞ thì nó vẫn là ∞ vì ∞ đã biểu thị con số lớn vô lượng nên nếu cộng vào ∞ mà được con số lớn hơn ∞ thì ∞ chẳng còn là số lớn vô hạn nữa! Hơn nữa, dù có trừ bớt ∞ bất cứ con số hữu hạn nào thì nó vẫn bằng ∞ vì nếu ∞ bị giảm nhỏ đi thì chẳng còn là con số lớn vô hạn nữa! Vì vậy, ∞ ‘thường như nhất pháp… nào có tăng giảm’.
Cõi Cực Lạc là lớn vô hạn nhất trong những thứ lớn vô hạn nên vượt ngoài hết thảy số lượng của thế gian vậy. Hơn nữa, kinh này hiển thị cảnh giới sự sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn, thù thắng vi diệu. Cực Lạc chính là Hoa Tạng nên rộng hẹp tự tại, một chính là nhiều, nhiều chính là một, dung thông nhiếp thủ lẫn nhau, không thể dùng ngôn ngữ, tư duy thấu triệt nổi!
Bạn đừng sợ Cực Lạc không có chỗ cho bạn ở,chỉ sợ bạn không niệm Phật thôi. Nói tóm lại bạn cứ niệm Phật cầu sanh Cực Lạc đi.
A Di Đà Phật
Chúng ta đang sống trong cảnh giới của cõi dục vì thế rất khó bỏ.giống như mèo sống gần với cá
A Di Đà Phật ,Bài viết của Bạn Loanna thật hay ,Mình xinTánThán Công Đức .Nam mô A Di Đà Phật
Bạn ánh quang chấp vào sự tướng nhiu quá, hãy đọc cuốn cực lạc du kí của PS Khoan Tịnh bạn sẽ rõ, trong thế giới ta bà này chúng sinh nhiều hơn tây phương. Có ngã quỷ, Địa ngục, nhưng bạn có nhìn thấy không? Không nhìn thấy không có nghĩa là không có. Tận hư không này nơi nào cũng có chúng sinh.
Đường Về Cõi Tịnh: A Di Đà Phật! Mong bạn hoan hỉ viết tiếng Việt có đủ dấu và không viết tắt để các liên hữu có thể hiểu rõ nghĩa bạn muốn trao đổi. Tri ân công đức của bạn.
Nam Mô A Di Đà Phật,
Con xin kính chào các vị cư sĩ.
Mấy hôm nay con thắc mắc về vấn đề này xin các vị giải đáp giúp con ạ.
Trước đây khi đi chợ thấy người ta bán ốc, cua, cá… con thường mua về để phóng sinh. Dạo gần đây trên đường con đi làm về xuất hiện 1 người ngày nào cũng có 1 chậu cua, ốc, cá bày bán cho khách đi đường. Thấy vậy nên mới đầu con cũng mua để thả chúng đi, nhưng gần đây con nghĩ nếu con cứ mua như thế liệu có phải là động lực để người ta đi bắt nhiều thêm về để bán không, vì càng nhiều người mua, hàng của họ bán được nhiều, họ càng đi bắt nhiều hơn. Con đang phân vân xem có tiếp tục mua để thả chúng đi không, con sợ ngày nào con cũng mua thì người bán sẽ càng bắt về nhiều hơn. Con xin các thầy giải đáp giúp con vấn đề này ạ.
Con xin cảm ơn các thầy ạ.
A Di Đà Phật
Bạn Diệu Vy thân mến,
Bạn có tấm lòng muốn mua vật phóng sanh là điều đáng quý, mình cũng xin được tùy hỷ công đức của bạn nhé.
Theo mình nghĩ thì việc phóng sanh mình nên tùy duyên, tức là nếu gặp người ta bán, có dư tiền và có thời gian thì trong khả năng có thể mua được bao nhiêu thì mua bấy nhiêu. Việc phóng sanh này có nhiều ý nghĩa rất là cao quý. Thứ nhất là vì giải cứu sanh mạng cho những con vật sắp bị giết hại. Thứ hai là tăng trưởng lòng từ bi của mình. Thứ ba là bố thí tiền (tài thí) cho người bán (vì con vật là của thiên nhiên chứ không phải của người bán). Thứ tư là nhờ bố thí tiền như vậy mà tâm mình bớt đi sự tham tiền. Thứ năm là sau khi mua về mình sẽ làm lể quy y cho chúng rồi niệm Phật cho chúng nghe để gieo duyên với Phật Pháp đó cũng là giải cứu “huệ mạng” sau này của chúng. Thứ bảy là khi mình làm công tác phóng sanh mà người khác thấy được rồi sanh lòng hoan hỉ, phát tâm làm theo thì đó chính là mình đang dùng đạo hạnh của mình để làm biểu pháp giúp người ta biết quý trọng sinh mạng cũng có thể xem như là pháp thí vậy…
Nếu như bạn không mua thì người khác sẽ mua nhưng nếu người khác mua thì biết đâu chừng chúng sẽ bị “vô nồi”. Nếu như bạn không mua thì người đó bị ế thì họ sẽ mang về để ăn thịt, nếu ăn không hết thì để tự nó cũng chết chứ chưa chắc gì người bán đó đã chịu mang ra sông mà thả.
Theo mình nghĩ thì cái người ngồi bên vệ đường đó có lẻ là mua đi bán lại thôi bạn à, chưa chắc gì đã là người bắt.
Bạn nghĩ người ta có tiền rồi sẽ đi bắt nữa? Người ta bắt nữa là bắt con khác chứ chưa chắc gì đã bắt được con mà bạn thả, cho dù có bắt trúng con mà bạn đã thả thì như vậy xem như con vật đó đã được cứu một mạng trước rồi, đây là mà mạng sau (xem như kiếp sau vậy).
Cho dù bạn không mua, không đưa tiền cho họ thì họ cũng đi bắt nữa để bán cho người khác hoặc ăn thịt. Đến khi nào người đó ngộ đạo thì sẽ không đi bắt nữa. Nếu như người nào cũng mua để ăn thịt thì người đó sẽ nghĩ việc làm của họ là đúng nên chẳng bao giờ có cơ hội để mà ngộ đạo. Khi biết có người mua phóng sanh thì ít nhiều gì họ cũng phải tự thấy xấu hổ vì việc làm này và thiết nghĩ nhờ những người mua phóng sanh mới chính là cơ hội giúp cho họ thức tỉnh.
Nếu như mình thật sự là người “chân tu” thì hãy xem người bán đó như là một vị bồ tát đã thị hiện để thử thách tâm đạo của mình. Dù mua để phóng sanh nhưng vẫn phải cám ơn và kính trọng người ta, chớ nên xem thường họ.
Nam Mô A Di Đà Phật _()_
Mô Phật! Xin các đạo hữu hỉ từ cho Nhân Trung được rõ:
– Sự khác biệt giữa Phật với Phật?
– Phật Thích Ca và A Di Đà có giống nhau không? Không thì tại sao? Nếu có thì tại sao mọi người lại gọi Phật A Di Đà là đệ nhất 10 phương Phật?
– Tại sao mười phương chúng sanh đều phải niệm Phật A Di Đà mà không niệm Phật Thích Ca?
Xin cảm ơn
A Di Đà Phật
Nhân Trung thân mến!
Phật Thích Ca và Phật Di Đà là 2 vị Phật khác nhau. Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ của cõi Ta Bà, Phật A Di Đà là giáo chủ của cõi Cực Lạc Quốc.
Phật Di Đà khi còn là Pháp Tạng Tỳ Kheo, đã đối trước Như Lai Thế Tự Tại Vương phát 48 lời nguyện rộng lớn nhằm xây dựng Phật quốc để nhiếp độ chúng sanh, nguyện thứ 18 của Phật Di Đà: “Lúc con làm Phật, chúng sinh mười phương, nghe danh hiệu con, chí tâm tin vui, có được căn lành, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh nước con, cho đến mười niệm, nếu không được sanh, con thề quyết không giữ ngôi Chánh Giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp”.
Cũng vì bổn nguyện này mà mười phương chư Phật xuất tướng lưỡi rộng dài, thuyết thành thiệt ngôn, ca ngợi và tán thán công đức Phật A Di Đà vậy.
Niệm danh hiệu Phật nào, công đức cũng đều không thể nghĩ bàn, nhưng tại sao ngay cả Phật Thích Ca cũng dạy chúng sanh hãy nên niệm danh hiêu A Di Đà Phật, niệm A DI Đà Phật và lúc lâm chung nhất định phải đợi A Di Đà Phật, nhìn thấy A DI Đà Phật rồi mới theo Phật mà vãng sanh.
49 năm thuyết pháp của Phật Thích Ca, với 3 tạng Kinh điển, 84.000 pháp môn tu, cũng đều quay về 1 câu A Di Đà Phật để được vãng sanh về Cực Lạc quốc độ, về nới ấy rồi tiếp tục tu hành để tiến lên quả vị Phật; không mất ba đại A tăng kỳ kiếp, chỉ cần 1 đời tu hành, giữ gìn 1 câu A Di Đà Phật.
Nam mô A Di Đà Phật- chúng con xin thường niệm.
A Di Đà Phật.
Xin cảm ơn đạo hữu Hướng Đạo, Diệu Vy đã hiểu và hoan hỷ trong việc tiếp tục phóng sinh của mình.
Cảm ơn đạo hữu rất nhiều, chúc đạo hữu tu tập ngày càng tinh tấn.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật…
Xin chào các liên hữu:
Cảm ơn các liên hữu đã hồi âm cho Độ.
Nhờ các liên hữu lý giải dùm Độ:
công đức là gì? Tu như thế nào có công? Tu như thế nào có đức? Làm sao tu công và đức để hổ trợ vãnh sanh Tây Phương Cực Lạc ???
Chân thành cảm ơn các liên hữu…
A Di Đà Phật…
A Di Đà Phật. Xin chào Độ và các liên hữu,
Theo chỗ hiểu biết nông cạn của HT thôi nhe chứ không phải mình đã thực hành được toàn vẹn gì cả để giải thích câu hỏi của bạn Độ. Nếu có lời sơ sót xin các bạn sen bổ sung chỉ giáo thêm giùm.
Đừng lưu luyến nghiệp thiện [1]
Đừng mặc cảm nghiệp chướng [2]
Giữ lòng TIN vững chắc [3]
Nương Bổn Nguyện vãng sanh. [4]
[1]: Thông thường ai làm việc thiện nào cũng dễ ưa thích chấp trước công việc ấy cho nên vẫn còn kẹt không có công đức vì ngã chấp. Chính vì còn phân biệt thiện ác cho nên thấy những người ác sanh tâm ghét chê phiền não. Nếu làm việc thiện nào xong rồi liền quên đi thì công đức tự tăng lên do không thấy mình làm gì cao cả. Chỉ nghĩ tuỳ duyên đủ sức thì làm, xong rồi tuỳ duyên cho qua bình thường. Luôn luôn nghĩ ai cũng làm được chứ không phải chỉ riêng bản thân (bớt chấp ngã mạn).
[2]: Tâm lý con người ai đã phạm vào việc ác thì đa phần thường bị mặc cảm xấu hổ đối với gia đình xã hội, sanh ra trầm cảm khó còn có niềm tin hy vọng để vương lên lại. Đối với Phật tử thì sanh tâm mặc cảm không dám đối trước tượng Phật cầu xin sám hối, nghi ngờ đủ chuyện rồi tiếp tục buông lung đi theo nghiệp chướng càng ngày càng xa Phật tánh. Nhất là người niệm Phật lỡ phạm việc ác hay thậm chí cảm thấy công phu tu hành còn kém rồi sanh lòng NGHI không được vãng sanh, sai lầm lớn.
(Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân)
“16) Chỉ biết rằng: “Bổn Nguyện của Đức A Di Đà chẳng hư dối, hễ xưng niệm danh hiệu của Ngài thì nhất định được vãng sinh”. Ngoài ra không cần nghĩ gì khác.
17) Tất cả căn cơ cứ tùy theo thiên tính mà niệm Phật để vãng sinh. Cái thân hiện nay do túc nghiệp đời trước mà có, nên trong đời này không thể thay đổi. Như người nữ mà muốn đổi thành người nam trong đời này thì không thể được.
Cứ tùy theo thiên tính mà niệm Phật. Người trí thì lấy trí mà niệm Phật vãng sinh. Người ngu thì dùng ngu mà niệm Phật vãng sinh. Có đạo tâm cũng niệm Phật vãng sinh. Không đạo tâm cũng niệm Phật vãng sinh. Người có tà kiến cũng niệm Phật vãng sinh.
Hàng phú quý, hạng bần cùng, người tham lam, kẻ tánh nóng, bậc có từ bi, hạng không có từ bi, do BỔN NGUYỆN KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN CỦA ĐỨC A DI ĐÀ, hễ niệm Phật thì đều được vãng sinh.”
——————-
[3-4]: Tại sao nói giữ lòng TIN vững chắc nương Bổn Nguyện Di Đà để vãng sanh? Con người ai không đang mang theo nghiệp chướng khác biệt trong cõi Ta Bà này. Những chuyện xảy ra đều đa phần bị nghiệp lực chi phối khó ai làm chủ toàn vẹn. Muốn tự lực chuyên hạ thủ công phu đắc quả Thánh thoát sanh tử luần hồi ai cũng biết khó vô cùng. Thậm chí đời sống thực tế hiện tại ai cũng sáng đi làm chiều về nhà tìm ra 1-2 tiếng đồng hồ để tịnh tâm tu tập còn hơi khó rồi huống chi nhập thất hạ thủ công phu ư? Còn nhiều những thứ ngũ trược ác thế cản trở đường tu hành của các hành giả khó mà thành tựu công phu đắc lực.
Đức Từ Phụ A Di Đà đã phát 48 lời Đại Nguyện không phải chỉ vì cho ai tu đắc quả vị Thánh thì Ngài mới tiếp dẫn. Phàm phu như Huệ Tịnh còn chứa nghiệp chướng, ngày nào còn sống ngày đó nếu hết duyên chết thì vẫn tuyệt đối TIN rằng Phật sẽ lai nghinh (no matter what). Ngoài việc khác ra không còn nghi, không cần suy nghĩ so đo nữa vì đó là Bổn Nguyện Tha Lực của Phật tức là giao phó tin tưởng vào Trí Vô Phân Biệt của Ngài siêu qua ngoài trí thức phân biệt phàm phu đo lường của bản thân.
(Trích từ Kinh A Di Đà – Hán Việt)
“Kỳ nhơn lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng, hiện tại kỳ tiền, thị nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ.
“Nhữ đẳng chúng sanh đương tín thị, xưng tán bất khả tư nghị công đức nhứt thiết chư Phật sở hộ niệm kinh”..
Giải: (Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân)
48) Hỏi: Niệm Phật lúc lâm chung với Niệm Phật lúc bình thường, bên nào thù thắng hơn?
Đáp: Giống nhau!
49) Phút lâm chung, nỗi khổ của cái chết bức bách, thân thể chịu vô lượng thống khổ, giống như trăm nghìn lưỡi dao đâm vào. Mắt mũi bỗng nhiên mờ mịt, muốn thấy cũng không thể thấy. Miệng lưỡi co cứng, muốn nói cũng không nói được.
Đây là tứ khổ trong tám sự khổ của kiếp người, dù người tu Niệm Phật, tin Bổn Nguyện, cầu vãng sinh chăng nữa cũng khó tránh khỏi nỗi khổ nầy. Nhưng dù mờ mịt, đến khi tắt thở, do Nguyện Lực của Đức Phật A Di Đà, sẽ thành chánh niệm mà vãng sinh.
Sát na lâm chung dễ như cắt sợi tơ, điều nầy người khác không biết được, chỉ có Phật và người tu Niệm Phật biết được mà thôi.
50) Người Niệm Phật mà có lòng cầu vãng sinh và không nghi A Di Đà Phật Bổn Nguyện thì khi lâm chung không bị điên đảo. Sở dĩ được như vậy là nhờ Phật lai nghinh.
Phật lai nghinh là để người tu Niệm Phật lúc lâm chung được chánh niệm, chứ không phải lúc lâm chung cần phải chánh niệm thì Phật mới lai nghinh.
Người không biết nghĩa nầy đều cho rằng lúc lâm chung cần phải chân chánh niệm Phật, Phật mới lai nghinh. Kiến giải như vậy là không tin vào Phật Nguyện và cũng không hiểu kinh văn nữa.
————————
Còn sống ngày nào thì tuỳ duyên tuỳ thuận theo khả năng mà niệm Phật, làm lợi ích cho mọi người mọi chúng sanh hồi hướng cho sự vãng sanh ngày đó. Cứ một ngày qua một ngày không có suy nghĩ bận tâm tu tập công đức gì đặc biệt chi cả. Tat cả tuỳ duyên, vãng sanh Phật lo.
Chúc các bạn sen giữ lòng TIN kiên cố (seatbelt) nơi Bổn Nguyện Di Đà, tuỳ duyên yên tâm niệm Phật sớm đồng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật ,bài viết của Huệ Tịnh thật là hay , Mình Thành Tâm Tán Thán Công Đức ,xin Hồi Hướng Công Đức về Tây Phương Cực Lạc cùng nhau Học Phật .A Di Đà Phật
A Di Đà Phật…
Xin chào Viên Trí:
Nhờ VT giải thích câu hỏi của Độ ngày 8/7/15 dùm. Cảm ơn Viên Trí.
A Di Đà Phật…
A Di Đà Phật – Xin chào bạn Tịnh Độ,
Công Đức là gì thì HT Tịnh Không đã có nói qua ở đây. Phần trên VT thấy bạn HT đã có trả lời bạn rồi đó mà, chủ yếu là để giúp bạn vững niềm tin. Như bạn cũng biết là pháp môn Tịnh Độ dựa trên cơ sở là Tín Hạnh Nguyện. Khi đã có niềm TIN rồi thì nên chú ý nhiều về HẠNH và NGUYỆN. VT xin mạn phép trích dẫn lại nguyên văn đoạn kinh A Di Đà kẻo nhiều người hiểu lầm:
Xá-lợi-Phất, nhược hữu THIỆN nam tử, THIỆN nữ nhơn, văn thuyết A-Di-Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn, kỳ nhơn lâm mạng chung thời, A-Di-Đà Phật dữ chư Thánh-chúng, hiện tại kỳ tiền. Thị nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sinh A-Di-Đà Phật Cực-lạc quốc độ.
Phần trên VT đặc biệt nhấn mạnh chữ “thiện” là bởi vì như đạo hữu Hãy Niệm A Di Đà Phật nói:” Muốn học Phật thì phải học làm người hiền trước”. Muốn làm người hiền thì huynh Tịnh Thái thường hay giới thiệu với chúng ta quyển sách Làm Chủ Vận Mệnh. Đây là cuốn sách quý, bạn nên đọc đi đọc lại nhiều lần và y giáo phụng hành thì sẽ được lợi ích rất lớn. Do vậy muốn “hổ trợ vãnh sanh Tây Phương Cực Lạc” thì thiết nghĩ hãy nên tập làm người hiền trước sau đó chú ý đến Tam Phúc Của Người Tu Tịnh Nghiệp nữa nhé.
Bên cạnh đó cũng nên cẩn thận xem chừng một số chướng ngại có thể xảy ra, cần nên tham khảo thêm để suy gẫm:
1. Nếu Có Tâm Sợ Chết Sẽ Không Được Vãng Sanh
2. Niệm Phật Cầu Hết Bệnh Sẽ Mất Phần Vãng Sanh
3. Nếu Tâm Còn Ghét Người Sẽ Không Vãng Sanh
4. Không Phát Tâm Bồ Đề Không Vãng Sanh
5. Không Chịu Buông Xả Không Thể Vãng Sanh
…
Ngoài ra thì có gì bạn nên tham khảo thêm ở các bài viết khác và các comment của các liên hữu ở đây. Vài lời chia sẽ, hy vọng giúp ích phần nào cho bạn.
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính mong mọi người cùng niệm: Nam Mô A Di Đà Phật