Người xưa nói, niệm Phật là pháp môn mà vạn người tu thì vạn người được vãng sinh. Nhưng vì sao ngày nay chúng ta thấy cả vạn người tu niệm Phật mà khó có được một hai người vãng sinh, nguyên do vì sao?. Có phải là người xưa nhìn sai, nói sai? Kỳ thật thì chư vị cổ đức không nói sai, cũng không nhìn sai. Người niệm phật cầu vãng sinh mà không được vãng sinh Tịnh độ, nguyên do ở tại bản thân mình. Nói một cách cụ thể thì nguyên do đó không ngoài hai điều sau:
Một là do trình độ nhận thức về tông Tịnh độ, về phương pháp niệm Phật và về cảnh giới Tây phương không được rõ ràng, chính xác. Thêm nữa là quá trình tu tập hành trì còn có tâm nghi ngờ, còn tạp niêm, còn gián đoạn, công phu tu tập chưa thuần nhất, chưa nổ lực tinh tấn.
Hai là, mặc dù đối với pháp môn Tịnh độ đã có nhận thức, đã có phương pháp và cũng hiểu biết về cảnh giới Tây phương rõ ràng, nhưng không thể buông bỏ một cách dứt khoác các duyên nợ của cuộc đời, vẫn còn có tâm tham luyến thế gian, cho nên đến giờ phút lâm chung sinh lòng luyến tiếc, làm trở ngại việc vãng sinh. Đây là điều rất đáng tiếc!
Có một cuốn sách đang lưu hành trong thế gian, mà bản cũ có tên gọi là: “Chuẩn bị cho cái chết”, sau này người ta viết lại cuốn này bằng văn bạch thoại với tên gọi mới là: “Những điều cần biết trước khi chết”, mọi người đều có thể tìm đọc. Cuốn sách này rất quan trọng, nó chỉ dạy cho người niệm Phật biết, trước lúc lâm chung, tất cả những người thân trong gia đình điều tốt nhất cần phải làm là tránh gây sự xúc động tình cảm, vì như vậy có thể làm cho người chết mất cơ hội vãng sinh, rất đáng tiếc!
Đó là chưa kể đến những chướng duyên khác. Chẳng hạn, không cần phải nói đời trước, ngay đời này, chúng ta cùng với chúng sanh đã gây cho nhau biết bao ân oán. Những ân oán oan trái này nó tiềm ẩn bên trong tâm thức, luôn luôn thúc đẩy sự báo thù, cho nên nơi nào cũng có ma chướng. Công phu tu tập của bản thân mình nếu không đủ định lực, không đủ niệm và định, thì lúc lâm chung những ân oán, những oan trái, hiềm hận ở trong tâm trở thành ma lực làm chướng ngại sự vãng sinh của ta.
Vì vậy, lúc bình thường chúng ta phải nổ lực tu tập, đến lúc lâm chung mới vượt qua được chướng ngại, đạt được mục đích vãng sinh Tịnh độ, tức cũng được gọi là giác ngộ. Cần phải nhận thức được thế giới Ta bà và sáu nẻo luân hồi là khổ đau, cho nên đặt quyết tâm không ở lại trong đó, quyết tâm giải thoát. Phải nhận thức việc niệm Phật cầu vãng sinh sang thế giới Tây phương cực lạc là quan trọng nhất, là phương pháp đạt được hạnh phúc tuyệt đối, là con đường đưa chúng ta thoát khỏi sinh tử luân hồi trong ba cõi, vĩnh viễn xa lìa khổ đau, thành tựu quả vị Phật. Phải tin rằng trong một đời này nhất định chúng ta sẽ được chứng đắc. Phải đem cái tâm tham đắm thế giới buông bỏ và làm cho cái tâm thanh tịnh của mình hiển lộ, trong tâm thanh tịnh không có bóng dáng của sự ô nhiễm.
Cái mà người đời ai cũng tham luyến là của cải vật chất, tiền bạc, công danh, giàu sang, địa vị, quyền lực; và ai cũng có tinh thần hưởng thụ; cho đến những tình cảm trong gia đình, tất cả đều là những ma chướng. Những thứ này không thể không từ bỏ, không thể không buông xả. Làm được như vậy thì cái mục đích mong muốn được vãng sinh Tịnh độ của chúng ta mới không bị trở ngại.
Trong cuốn “Niệm Phật luận”, phần cuối, pháp sư Đàm Hư có ghi lại rất nhiều trường hợp người niệm Phật được vãng sanh do chính mắt Ngài chứng kiến, chỉ kể ra những trường hợp đặc biệt, còn kèm theo lời khai thị của lão pháp sư trong Phật thất. Trong đó có hai vị đệ tử của pháp sư Đế Nhàn, một vị tham thiền, một vị niệm Phật; còn có lão pháp sư trú trì chùa Đầu Đà, trong chùa này còn có sự tích của một đôi gà trống niệm Phật được vãng sanh. Đó là những trường hợp vãng sanh thời cận đại, được tập hợp lại in chung trong một cuốn sách nhỏ để phổ biến xa gần.
Chúng ta quan sát kỹ càng những vị thiện tri thức này, vì sao họ được vãng sanh một cách tự tại an nhàn như vậy? Chẳng có gì khác, vì họ đã buông bỏ được tất cả mọi duyên ràng buộc của cuộc đời. Cho nên, không những họ biết trước được giờ chết, mà thân còn không mang bệnh tật, có người đứng mà vãng sanh, có người ngồi mà vãng sanh. Đó thật sự là đại sự nhân duyên hy hữu, khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay. Điều này thì Đại Phạm Thiên, vua của ba cõi, tuyệt đối không thể so sánh được. Chúng ta phải nhận thức rõ điều này để phát tâm chân thật, lấy những bậc thiện tri thức ấy làm gương, nổ lực tu tập như họ. Họ có thể tu tập thành tựu, vì sao chúng ta không thể làm được? Nhất định phải tìm cho ra nguyên nhân nào đã khiến cho bản thân mình tu tập không thành tựu để kịp thời sửa đổi. Đồng thời phải học hỏi, xem xét nguyên nhân nào đã khiến người ta tu tập thành công. Chúng ta phải học tập, nghiên cứu cho tường tận. Như vậy mới hy vọng trong một kiếp này quyết định vãng sanh Tịnh độ. Thực hiện được lý tưởng này, trong Phật pháp gọi là thành tựu viên mãn “đại sự nhân duyên”.
Bản thân mình tu tập thành tựu thì sẽ cảm hoá được chúng sanh, bản thân mình thực hành thì người khác sẽ noi theo. Cho nên, thân giáo là hiện thân thuyết pháp, so với dạy bằng lời thì có hiệu quả hơn nhiều, có thể khiến kẻ thấy người nghe đều khởi tâm giác ngộ, phát đại nguyện cầu sanh Tịnh độ. Công đức này thật là vô lượng vô biên, phước huệ tự nhiên đều nằm trong đó.
Trích Tâm Không Vướng Bận
Nguyên tác: Tịnh Không Pháp sư
Việt dịch: Thích Nguyên Hùng
Nam mô a di đà phật
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ TÂY PHUƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI ĐẠI TỪ ĐẠI BI TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT