Trung Ấm (1) là thức thần, không phải là thức thần biến thành Trung Ấm, thế tục thường gọi [thức thần] là “linh hồn” vậy. Còn như nói Trung Ấm “cứ bảy ngày lại sống chết một lần, bốn mươi chín ngày bèn đầu thai” v.v… chớ nên câu nệ, chấp trước [những thuyết ấy]. Nói đến sự sống chết của Trung Ấm chính là nói đến những tướng sanh diệt được hiện trong cái tâm vô minh của Trung Ấm; chẳng thể ngờ nghệch đem những tướng sanh tử của người đời để luận [sự sống chết của Trung Ấm]. Trung Ấm thọ sanh nếu nhanh thì như trong khoảng khảy ngón tay liền vào trong tam đồ lục đạo; chậm thì bốn mươi chín ngày hoặc hơn bốn mươi chín ngày v.v…
Kẻ mới chết có thể cho người quen biết trông thấy trong ban ngày, ban tối, hoặc tiếp xúc cùng người khác, hoặc nói năng, chuyện này không phải chỉ Trung Ấm mới như vậy. Dẫu đã thọ sanh trong đường lành, nẻo ác, cũng vẫn có thể hiện hình trước người quen biết hay thân thiết. Tuy điều này do ý niệm của chính người đó biến hiện, nhưng thực ra do những vị thần kỳ chủ trì quyền tạo hóa làm ra, ngõ hầu tỏ rõ con người chết đi thần minh bất diệt và quả báo thiện – ác chẳng dối vậy.
Nếu không, người dương gian chẳng biết chuyện cõi âm, cái lý luận mù quáng “con người chết đi thân hình đã mục nát thì thần thức cũng phiêu tán” ắt sẽ được người đời xúm nhau phụ họa; người cả cõi đời bị hãm trong hầm sâu tà kiến “không nhân, không quả, không đời kế tiếp, đời sau”, khiến cho người trông thấy điều thiện chẳng thêm dè dặt, gắng sức tu đức, kẻ ác càng cùng hung cực ác muốn tạo ác!
Thiên địa, quỷ thần muốn cho con người biết rõ điều này, nên mới có chuyện người chết hiện thân trong nhân gian, người cõi dương xử án chốn U Minh v.v…đều nhằm để phù trợ Phật pháp, giúp đỡ, khen ngợi đạo bình trị. Lý này rất vi tế, quan hệ rất lớn. Những chuyện này xưa nay được ghi chép rất nhiều, nhưng chưa thuật rõ quyền ấy là do đâu mà có, cũng như chưa nêu lên mối quan hệ lợi ích của những chuyện ấy.
Sau khi chết đi, khi chưa thọ sanh trong sáu đường, thì gọi là Trung Ấm. Nếu đã thọ sanh trong lục đạo thì chẳng gọi là Trung Ấm. Những hồn dựa vào người khác để nói chuyện khổ, chuyện vui, đều là tác dụng của thần thức. Đầu thai ắt phải do Thần Thức hòa hợp với tinh huyết của cha mẹ, lúc thọ thai, Thần Thức đã trụ trong thai. Lúc sanh nở, đã từng có trường hợp tận mắt thấy người ấy (tức người sẽ đầu thai làm con) đi vào nhà mẹ, vì lúc cha mẹ giao cấu đã có Thức khác thay thế thần thức của người ấy nhập thai. Đến lúc thành thai, Bổn Thức (tức Thức của người thật sự sẽ đầu thai làm con nhà ấy) đến, cái Thức thay thế mới ra đi. Bà mẹ của sư Viên Trạch (2) mang thai ba năm chính là vì lẽ này. Đấy là luận theo lẽ thông thường.
Phải biết nghiệp lực của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn, như người Tịnh nghiệp đã thành, dẫu thân chưa chết nhưng thần thức đã hiện nơi Tịnh Độ; kẻ ác nghiệp sâu nặng, thân còn nằm trên giường bệnh nhưng thần thức đã bị xử phạt nơi U Minh. Mạng tuy chưa tận, Thức đã đầu thai. Đợi đến lúc sắp sanh, toàn phần tâm thức mới gieo vào trong thai ấy. Lý này cũng chẳng phải là hoàn toàn không có; nên thông thường, đa phần là có Thức thay thế để thọ thai vậy. Các pháp trong tam giới duy tâm sở hiện. Chúng sanh tuy mê, nhưng nghiệp lực của họ chẳng thể nghĩ bàn chính là do tâm lực chẳng thể nghĩ bàn, cũng là do thần thông đạo lực của chư Phật chẳng thể nghĩ bàn.
Trích Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục
(1) Còn gọi là Trung Hữu, là khoảng tồn tại trung gian sau khi đã chết, trước khi thọ sanh. Câu Xá Tông cho nhất định là có Trung Ấm, Thành Thật Tông bác quan điểm này. Còn Đại Thừa cho rằng Trung Ấm có hay không chẳng nhất định: Người cực thiện hay cực ác sẽ không có thân Trung Ấm vì sanh thẳng vào thân sau. Còn những người khác sẽ có thân Trung Ấm. Sách Đại Thừa Nghĩa Chương giảng: “Khi mạng báo đã hết, thì gọi là Vô Hữu. Sau khi sanh ra, trước khi chết đi thì gọi là Bổn Hữu. Giữa hai thân ấy thì hình dáng hiện trong cõi Âm gọi là Trung Hữu”.
(2) Viên Trạch: Trong lần khai thị tại pháp hội Tức Tai Hộ Quốc ở Thượng Hải, tổ Ấn Quang đã kể chuyện thiền sư Viên Trạch đời Ðường như thế này: Do cha của Lý Nguyên làm quan trấn thủ Ðông Ðô bị An Lộc Sơn làm phản, giết chết. Lý Nguyên chẳng muốn làm quan, bèn biến căn nhà mình ở Lạc Dương thành chùa Huệ Lâm, thỉnh Viên Trạch làm Hòa Thượng; Lý Nguyên cũng tu hành ngay tại đấy. Qua mấy năm, Lý Nguyên muốn triều bái núi Nga Mi, mời Viên Trạch cùng đi. Viên Trạch muốn đi theo đường Thiểm Tây, nhưng Lý Nguyên chẳng muốn đến kinh đô nên nhất định theo đường thủy Kinh Châu. Viên Trạch đã tự biết mình chẳng trở về được nên liền dặn dò hậu sự, rồi cùng Lý Nguyên ngồi thuyền đi. Thuyền bơi đến thượng du Kinh Châu, sắp gần đến Giáp Sơn, thế nước chảy xiết, chưa đến tối đã phải cắm thuyền. Chợt có một người đàn bà mặc quần gấm, ra kéo nước bên sông. Viên Trạch vừa trông thấy, hai mắt ứa lệ. Lý Nguyên hỏi nguyên do, Viên Trạch đáp: “Ta chẳng chịu đi theo đường này là vì sợ bà ta. Bà ta mang thai đã ba năm, chờ ta sanh làm con. Chẳng thấy bà ta còn có thể trốn lánh, chứ nay đã thấy, không cách nào không làm con bà ta được! Ông nên tụng chú, giúp ta mau sanh. Ðến ngày thứ ba, hãy đến nhà thăm ta. Ta trông thấy ông, cười một tiếng làm tin. Mười hai năm sau, đêm Rằm tháng Tám, đến bên bờ giếng Cát Hồng tại Thiên Trúc ở Hàng Châu gặp lại ta”. Nói xong, Viên Trạch tọa thoát. Bà nọ liền sanh con. Ngày thứ ba, Lý Nguyên đến thăm, đứa bé liền cười. Sau đấy, Lý Nguyên quay về chùa Huệ Lâm, thấy trong quyển kinh đã viết sẵn lời dự ngôn về hậu sự, càng thêm tin Sư Viên Trạch chẳng phải là thường nhân. Mười hai năm sau, Lý Nguyên đến Hàng Châu. Tới đêm Rằm tháng Tám, ông đến chỗ ước hẹn chờ đợi; chợt thấy bên sông có đứa bé trai chăn trâu, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, dùng roi gõ sừng trâu, hát:
Trên đá ba sinh, vẫn nguyên hồn
Ngâm gió, thưởng trăng lọ phải bàn
Thẹn thấy cố nhân tìm đến gặp
Thân này tuy khác, tánh thường còn.
Lý Nguyên nghe xong bèn đến chào hỏi. Hàn huyên xong xuôi, đứa bé lại đọc:
Thân trước, thân sau sự vấn vương
Bàn chuyện nhân duyên luống đoạn trường
Ngô Việt giang sơn chơi khắp cả.
Gác chèo mây khói, ẩn ao chuôm.
Rồi ruổi trâu đi mất.
Kính ngưỡng mọi người cùng niệm Phật, cùng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc: Nam mô A Di Đà Phật.
NGƯỜI ĂN MÀY BIẾT HỌC CÁCH TẠO MẠNG
Có một gã ăn mày tên là Kỷ Đại Phúc thường lui tới chòi rơm lễ bái Hòa thượng Tuyên Hóa. Gã thỉnh vấn Hòa thượng:
– Tại sao đời này con lại bần cùng như vậy?.
Ngài giải thích đạo lý nhân quả ba đời, và dạy:
…Do nhân gì mà đời này ông chịu cảnh nghèo hèn? Là bởi đời trước keo kiệt, không muốn cứu tế người nghèo.
Kỷ Đại Phúc nói:
– Con thường tự nghĩ, đời này con đã không làm chuyện gì thiếu lương tâm, mà giờ đây chịu cảnh cùng khốn…,vậy chắc là do đời trước con đã keo kiệt, bủn xỉn, không biết bố thí. Ngài có biện pháp nào cứu vãn cho đời sau này của con không?.
Hòa thượng đáp:
– Quân tử học cách tạo mạng, chỉ cần ông bắt đầu từ đây, nỗ lực làm việc thiện, quảng tích âm đức, tức ông có thể tự tạo cho mình một vận mạng mới, vậy có phúc nào mà cầu không được?
Kỷ Đại Phúc nghe xong rất đỗi vui mừng, phát nguyện…, thỉnh cầu quy y Tam Bảo.
Từ đó về sau, lúc đi ăn xin, miệng ông niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” không gián đoạn. Khi xin được tiền, gạo ông đem đến trại tế bần để giúp người . Qua nhiều năm tháng tinh tấn, vào mùa đông năm Dân Quốc thứ 29 (1940), ông biết trước ngày giờ vãng sinh, an tường qua đời trong tiếng niệm Phật.
Như vậy, ông đã thay đổi tận gốc rễ số mạng (cho dù kiếp sau có được làm vua hay thành tiên cũng không thể sánh với cõi Cực Lạc được).
Theo dharmasite
Nam mô a di đà Phật
Vợ chồng con có đứa con thứ 3là con trai.khi lỡ có bầu là cháu con có ý muốn bỏ trên đường đi làm hôm nào con cũng xin lỗi nó và rồi con quyết sinh chau.chau được 5,5tháng da trắng hồng môi đỏ trông cháu đáng yêu lắm, 22/12/2017 âm cháu mất vì đau miệng không ăn được mà lại đi tiêu chảy đêm đó lạnh lắm con chờ đến sáng đưa cháu đi khám, có lẽ cháu mất trên đường đi đến bệnh viện nên cấp cứu không kịp nua.ngày mai đã là 1tháng rồi, gđ con có lập bàn thờ nhưng không để ảnh cháu vì sợ con nhớ thương cháu quá ảnh hưởng đến sk,con vẫn thắp hương cháo, sữa, nước, hoa quả cho cháu nhưng mẹ chồng và chồng con nói từ nay đến mùng 1và rằm hãy thăp,đừng quyến luyến nó nữa để nó sớm được siêu thoát,giờ con nên làm gì mới tốt được cho con của con. Cháu mất khi vẫn đang là trẻ sơ sinh vậy cháu có sớm được siêu thoát không ạh,cháu có được thăng thiên hay cũng phải chọn đi vào 6con đường luân hồi kia .xin các bậc cao tăng chỉ dạy cho con với ah,con đau lòng lắm vì sự chậm trễ của con màcon con chết đau đớn khiến con phải ân hận cả đời, còn muốn chết theo mà còn2 đứa nhỏ con biết bỏ cho ai đây.
Chào bạn Nguyễn Thị Ngọc,
PH không phải là tăng, ni xuất gia, nhưng xin được chia sẻ vài điều cùng bạn. Thứ nhất, bạn hãy bình tâm, đừng nên nghĩ là sự chậm trễ của bạn đã gây ra cái chết của con. Đó là bởi vì do thọ mạng của con bạn đã hết, chứ chẳng phải do bạn. Thọ mạng của một chúng sanh là tùy vào nghiệp lực của chúng sanh đó, nên bạn đừng tự trách mình nữa. Điều thứ hai, bạn phải gắng sống cho thật tốt thì bé đã mất mới yên lòng, thanh thản bước vào đời sống khác. Bên cạnh đó, bạn còn trách nhiệm to lớn đối với hai cháu nhỏ và chồng. Ngoài ra, tự sát là một hành động rất xấu ác nên sẽ phải chịu quả báo nặng nề. Nên bạn hãy bỏ ý định mê muội đó đi nhé.
Dù cháu mất khi còn nhỏ, nhưng vẫn sẽ tái sanh theo nghiệp lực (nghiệp này có từ quá khứ nhiều đời, chứ không chỉ trong đời hiện tại). Có thể thấy duyên mẹ con giữa bạn và cháu rất ngắn ngủi, bạn đừng nên quá quyến luyến vì sẽ không tốt cho cháu. Những điều bạn có thể làm cho con là: Thành Tâm phóng sanh, bố thí, Nhiếp Tâm đọc tụng kinh Phật, niệm Phật, thực hành tu tâm, hạn chế các điều xấu ác ở ba nghiệp thân, khẩu, ý..rồi đem công đức, phước báo đó hồi hướng đến cháu và toàn thể chúng sanh. Những việc này cần nên làm thường xuyên và dài lâu thì cả bạn và con đều được lợi lạc. Đó chính là cách giúp con hiệu quả, thiết thực nhất.
Mong bạn sớm bình tâm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nam Mô A Di Đà Phật.