Chúng sanh là Phật chưa ngộ, Phật là chúng sanh đã ngộ. Bản thể tâm tánh bình đẳng như một, không hai, không khác, nhưng khổ – vui, thọ dụng cách biệt như trời với đất là do xứng tánh thuận tu hay trái tánh nghịch tu mà ra! Lý ấy rất sâu, chẳng dễ tuyên nói. Muốn chẳng tốn lời nên bèn dùng thí dụ để giảng. Chư Phật tu đức đến cùng cực, triệt chứng Tánh Đức, ví như tấm gương báu tròn lớn, thể chất bằng đồng(*), biết nó có quang minh, hằng ngày chuyên chú chùi, mài, đổ công chẳng ngừng thì khi bụi hết, ánh sáng sẽ hiện, dựng trên đài cao, hễ có hình [soi vào gương, thì trong gương] ắt sẽ có bóng: Lớn như trời đất, nhỏ như hạt bụi nơi đầu sợi lông, sâm la vạn tượng đều hiện rành rành. Trong lúc vạn tượng cùng hiện ấy, gương vẫn trống rỗng, thông suốt, trọn chẳng có một vật gì. Tâm chư Phật cũng giống như thế: Đoạn hết phiền não Hoặc nghiệp, đức tướng trí huệ sẽ phơi bày trọn vẹn, đến tận cùng đời vị lai an trụ trong Tịch Quang, thường hưởng pháp lạc, độ chín giới thoát lìa sanh tử, cùng chứng Niết Bàn.
Chúng sanh hoàn toàn mê Tánh Đức, không có mảy may Tu Đức, ví như gương báu phủ bụi, chẳng những không có mảy may quang minh nào, mà ngay cả chất đồng cũng bị phủ lấp chẳng còn hiện ra. Tâm chúng sanh cũng giống như thế. Nếu biết tấm gương bị bỏ phế chẳng hiện chất đồng ấy sẵn có quang minh chiếu trời soi đất, từ đấy chẳng chịu buông bỏ, ngày ngày chăm chú lau chùi, mài giũa. Thoạt đầu hơi lộ chất đồng, tiếp đó, gương dần dần tỏa quang minh. Nếu vẫn cực lực mài sạch thì một mai hết sạch trần cấu, tự nhiên gặp hình bèn hiện bóng, chiếu trời soi đất.
Nhưng quang minh ấy gương vốn sẵn có, chẳng phải đến từ bên ngoài, chẳng phải do mài mà được; nhưng không mài thì cũng không có cách nào đạt được! Chúng sanh trái trần hiệp giác, bỏ vọng theo chân cũng giống như thế! Dần dần đoạn Phiền Hoặc, dần dần tăng trưởng trí huệ. Đến khi nào công hạnh viên mãn sẽ đoạn được cái không thể đoạn, chứng được cái không thể chứng, viên mãn Bồ Đề, trở về chỗ không thể đạt được thần thông, trí huệ, công đức, tướng hảo, hoàn toàn chẳng khác gì với mười phương ba đời hết thảy chư Phật. Tuy vậy chỉ là khôi phục cái sẵn có, hoàn toàn chẳng có gì là mới đạt được! Nếu chỉ ỷ vào Tánh Đức, chẳng khởi Tu Đức thì đến hết đời vị lai sẽ thường chịu nỗi khổ sanh tử luân hồi, vĩnh viễn chẳng có ngày khôi phục cái gốc hoàn lại cái nguồn.
Trích Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục
(*)Thuở xưa, cổ nhân dùng những tấm đồng tròn mài bóng làm gương soi.
Nam mô a di đà phật.
Nếu có người nói giác rồi không cần giữ giới. Vậy con có nên tin không ạ?
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Nhiệt Não,
Người thực giác ngộ quyết không nói lời trái đạo như vậy. Bạn hãy cảnh giác cao độ những người như vậy.
TN
Dạ thưa, mọi người cho con hỏi, thường ít trường hợp có người bị Mộng du, một hiện tượng thần kinh phức tạp và kỳ bí mà cho đến nay con người vẫn còn chưa lý giải nổi một cách đầy đủ.
Vậy nguyên nhân tại sao mà 1 con người bị bệnh Mộng du ? Phải chăng đằng sau đó là có ý nhân-quả gì đó ạ ?
Con xin cảm ơn !
Bạn phải hiểu mộng du là gì trước đã. Là du hành trong mộng, là chính bạn và tôi đang sống trong sanh tử đại mộng đấy thôi. Vậy bạn phải tự nỗ lực niệm Phật cầu thoát ly cõi mộng này mỗi thời thời khắc khắc, thay vì đi tìm hiểu nguyên nhân mộng du của người khác làm gì
A di đà phật
Kính gửi các vị Thiện nhân!
Con là một phật tử sơ cơ. Khi biết tới Phật Pháp và pháp môn tịnh độ, Con có phát tâm tu hành, và hàng ngày duy trì thời khóa đọc kinh Vô Lượng Thọ và niệm Phật vào buổi tối. Nhưng thời gian này do con nhỏ ốm hay quấy, cùng với việc mọi người trong nhà có khuyên nên chuyển thời khóa vào thời gian khác vì lo sợ buổi tối thắp hương, đọc kinh, niệm Phật sẽ khiến các vong hồn lảng vảng quanh nhà, không tốt cho bản thân và mọi người. Nên thời khóa của con bị ảnh hưởng, có ngày hoàn thành được thời khóa, có ngày lại làm dở chừng, có ngày không tiến hành được thời khóa và con sinh tâm giải đãi.
Cảm giác hoang mang lo sợ rất nhiều, con phải làm sao bây giờ, xin các vị Thiện nhân cho con một lời khuyên.
A Di Đà Phật
Bạn Huyền,
Thời khóa công phu nên giữ ổn định hàng ngày đừng thay đổi xáo trộn. Buổi tối không ổn thì chuyển qua buổi sáng sớm đi bạn. Chịu khó dạy sớm một chút, lúc đó không ai tác động đến bạn cả, không gian yên tĩnh mát mẻ. Sáng sớm dậy mà lạy Phật, niệm Phật, đọc Kinh thôi thì ..nhất hi!
Chúc bạn tinh tấn!
Nam Mô A Di Đà Phật
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Minh Huyền,
Tâm dụng công phu bạn chưa trong sáng và còn hoảng loạn. Bạn tụng kinh, niệm Phật mà còn lo các vong hồn lảng vảng sẽ gây trở ngại cho bạn và thân quyến, đó là vì bạn và người thân mà dụng công chứ không vì lợi tha.
Tâm tịnh cõi Phật tịnh. Khi tâm không thanh tịnh thì thường khởi sanh phiền não, lo mình, lo người. Những chúng sanh vô hình họ không đáng sợ như bạn khởi nghĩ, trái lại họ là những thiện tri thức giúp bạn vững tin mà tinh tấn tu hành. Vì thế bạn chẳng nên khởi nghĩ họ là những ma chúng gây tổn hại cho bạn. Khi ý niệm này dấy khởi, lập tức sẽ chiêu cảm tâm bất thiện trong họ trỗi dậy, đương nhiên thay vì bạn giúp họ chuyển nghiệp bất thiện, để họ giác ngộ và sẽ quay lại để trợ duyên cho bạn, nay họ trở nên đối kháng với bạn. Như vậy là hành pháp mà chẳng lạc pháp. Bạn phải thận trọng khi dụng công, cho dù bất cứ nơi nào.
Mới phát tâm tu bạn chớ nên đặt quá nhiều áp lực tu, ví thử: thời gian phải 2-3 tiếng; niệm Phật phải 5000-10000 ngàn tiếng… Trái lại, hãy phát tâm thanh tịnh để tu học. Thuận duyên thì tụng kinh kết hợp niệm Phật; duyên không thuận (không đủ, không nhiều thời gian) thì phát tâm niệm Phật là đủ. Chư Tổ nói: Tụng kinh không bằng trì chú; trì chú không bằng niệm Phật. Niệm Phật là niệm Kinh, niệm chú. Trong câu Phật hiệu bao hàm cả vạn pháp. Bạn chớ lo ngại không tụng kinh thì chẳng thành kính, chẳng đủ pháp lực tu hành. Thành kính hay không ở ngay chính tâm bạn. Đối tr ước bàn thờ Phật mà tâm sanh vọng tưởng, tán loạn, dẫu bạn ngồi cả ngày, cả đêm, cả năm… cũng chỉ là dối mình, gạt người và gạt cả chư Phật. Điều này hệ trọng, bạn phải tỉnh giác để không đi lạc đường.
Chúc tinh tấn và thường tỉnh giác.
TN
Con xin cảm ơn chú Thiện Nhân. Và con xin chú cho con một lời khuyên về việc trình tự tu học như thế nào để đạt được tâm thanh tịnh như chú nói mà không lạc đường ạ.
Ví như việc con mới phát tâm tu học thì nên nghe nhiều bài pháp, đọc nhiều sách của các Tổ, rồi sau đó mới dành thời gian nhiều hơn cho việc tụng kinh niệm phật, hay vẫn nên giữ thời khóa như cũ và lúc nào rảnh thì nghe pháp và đọc sách ạ.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Minh Huyền,
Tu học là cả đời, chẳng phải phút chốc đã thành tựu, vì thế bạn chớ khởi tâm nôn nóng mà đi lạc đường và gặp ma sự.
*Nếu thời gian quá hạn hẹp, bạn nên phát tâm chỉ niệm Phật là công khoá chính, niệm mọi nơi, mọi chốn, mọi hoàn cảnh (nơi bất tịnh, quá huyên náo hay phải tập trung làm việc thì nên thầm niệm là đủ). Niệm Phật chính là tu Thiền, bởi nhờ nhiếp tâm mọi thời khắc nên tâm phan duyên và phiền não không có cơ hội dấy khởi, từ đó tâm bạn sẽ dần được an lạc.
*Khi rảnh, bản ráng phát tâm đọc kinh Vô Lượng Thọ để hiểu tường tận những gì Phật Thích Ca dạy khi tu học pháp niệm Phật, đồng thời cũng hiểu thêm về hạnh nguyện, cõi nước, những yếu chỉ quan trọng nào người niệm Phật cần có để được sanh về Tịnh Độ. Đoạn kinh văn nào quan trọng, bạn nên ghi chép ra một quyển sổ riêng, để khi gặp chướng ngại, đối cảnh, tiếp vật, mình có ngay cơ hội để rà xét và sửa sai kịp thời.
*Tu không gì khác bỏ ác, hành thiện, giữ tâm thanh tịnh. Muốn thế bạn phải thường niệm Phật. Người thường niệm Phật sẽ được 10 phương chư Phật và Bồ tát gia hộ. Do vậy bạn có thể hoàn toàn yên tâm và chỉ cần bạn phát tín-nguyện-hạnh (tin sâu-nguyện thiết-thực tâm hành) là bạn sẽ chuyển hoá được tâm phiền não của mình.
TN tặng bạn câu này làm cương lĩnh niệm Phật: Niệm Phật – Niệm tâm – Tâm niệm Phật. Nghĩa là dùng cái tâm chân thành-thanh tịnh-bình đẳng-giác của chính mình để niệm Phật, tất sẽ lợi lạc.
Chúc thường tinh tấn.
TN
A Di Đà Phật
Bạn Huyền,
Những câu trả lời của Tiền bối Thiện Nhân là tuyệt vời rồi. Mình chỉ xin có thêm chút chia sẻ.
Để việc tu hành của mình đi đúng hướng bạn nên kết hợp đồng thời vừa nghe Pháp vừa hành trì. Kiến-Giải-Hành-Chứng, nghe Pháp chính là Giải những Kiến, nghi thắc mắc trong quá trình tu học của mình, để việc Hành của mình có hiệu quả hơn. Hành trì thì ấn định vào thời khóa nào đó trong ngày, nếu còn gia duyên thế sự nhiều thì có thể linh động tăng giảm ít nhiều khi nhà có việc, nói chung là tùy duyên mà bất biến. Ngoài thời khóa chính thì lúc đi đứng nằm ngồi sinh hoạt không dụng trí óc luôn niệm A Di Đà Phật. Còn việc nghe Pháp thì bất cứ lúc nào thấy có thời gian là nghe, không cần thời khóa nào cả. Người học Phật nên nghe Pháp nhiều, càng nhiều càng tốt, càng có lợi cho đường Đạo của mình. Chọn nghe Pháp của các Ngài Đại Đức, Cao Tăng mà nghe, tránh nghe dàn trải đâm ra mất phương hướng. Những đĩa hay nhiều ý nghĩa nên nghe đi nghe lại nhiều lần cho thật thấm, chính những điều ấy một thời gian dài sau này mới bắt đầu phát huy tác dụng với Đạo tâm mình. Còn cứ nghe phớt qua một hai lần những điều hay lý phải của các Ngài thì thật lãng phí, khó khởi tác dụng.
Một vấn đề nữa là tu hành mình phải luôn kiểm soát cái Ngã của mình. Cài này rất quan trọng. Thông thường khi tu nhiều, thời gian dài rồi, hiểu nhiều biết nhiều hành nhiều rồi thì cái ‘tôi’ cũng lớn dần. Như thế là tu chưa đúng, lạc đường rồi. Nên thường xuyên quán xét tự kiểm tra xem cái Ngã mình đang ở đâu, còn ở mặt đất hay đã trên ..núi cao rồi. Nguy hiểm lắm bạn. Không có cái gì nguy hiểm bằng cái này. Mọi trở ngại chướng duyên trên đường hành Đạo phần lớn là do cái Ngã lớn này gây ra, nó làm tổn hại hết phước đức, tâm lượng thu nhỏ, chiêu cảm nghiệp chướng, tâm chân thành thanh tịnh bình đẳng đâu hết rồi,…Nói chung là đường Đạo ngày càng tụt lùi mà không hay. Tu hành không thành tựu toàn do cái này, HT Tịnh Không nói. Vậy làm thế nào để kiểm soát nó? Rất đơn giản, cứ tự quán xét, nếu càng tu hành thấy mình càng trở nên nhỏ bé kém cỏi thì đúng, còn tu một thời gian thấy mình thật ‘vĩ đại’ thì thôi rồi, phải chấn chỉnh lại ngay. Lúc này chắc bạn sẽ nghĩ, vậy thì tôi tu bao nhiêu năm trời hành trì miên mật rồi đọc tụng bao nhiêu Kinh sách, nghe giảng của bao nhiêu bậc Thánh hiền rồi, không lẽ không ‘lớn’ lên được chút nào sao? Sao cứ phải chịu cảnh ‘phàm phu lè tè sát đất’ như Ngài Ấn Quang nói. Xin thưa với bạn rằng, không phải là bạn không lớn lên nhưng những hiểu biết kiến thức của bạn lúc này chỉ là hạt cát trong sa mạc, giọt nước trong đại dương mà thôi, biển học thì mênh mông vô tận. Mình còn ngồi ở đây, còn trôi lăn trong lục đạo luân hồi này chỉ còn biết nương nhờ Nguyện lực của Phật mà liễu thoát, cậy sức mình sao thoát nổi. Nếu không dẹp được cái Ngã thì cũng phải thu hẹp lại ở mức tối thiểu nhất thì mới mong có niềm tin chân thật hoàn toàn vào Ngài. Những người có cái tôi lớn họ nói họ có niềm tin chân thật vào Phật là họ nói dối hoặc họ đang có sự giả tín nhưng họ không hay biết. Vì sao vậy? Đơn giản vì niềm tin họ đã sẻ chia phần lớn vào chính bản thân họ rồi thì làm gì còn chỗ cho sự tin tưởng hoàn toàn vào các thứ khác. Nên những người này rất khó tiếp nhận những cái mới, khó giáo dục, khó cảm được với Chư Phật, tu hành khó có chứng. Hãy tin tưởng tuyệt đối vào Phật. Người không tin Phật thì làm sao tin vào Nguyện Lực của Ngài. Thế thì không hỏng sao? Mình nhớ HT Tịnh Không có kể lại rằng khi Ngài lần đầu gặp Ngài Lý Bỉnh Nam để thọ giáo, câu đầu mà Ngài Lý nói với Ngài là: Ông phải tin Phật! Lúc đó là Ngài đã 37t, đã là bậc xuất gia rồi đấy. Những người lúc nào cũng nghĩ mình giỏi rồi thì bình thường thì có vẻ tin Phật thật nhưng khi đụng chuyện hữu sự đến thì chắc chắn họ sẽ trông cậy vào chính họ để thoát ra khỏi nghịch cảnh chứ nào họ nghĩ đến Phật mà xin Ngài cứu giúp, vì họ tin tưởng họ hơn do bình thường họ luôn nghĩ họ đủ khả năng, họ giỏi. Thật ra đôi khi gặp hữu tình vì người diễn nói mình đành phải có chút ‘thể hiện’ gì đó giúp họ tăng niềm tin, cốt mang lợi lạc cho họ thôi nhưng sau đó thì phải xả hết. Người học Phật không phải là người yếu đuối, thường tu càng lâu họ càng mạnh mẽ. Người đời trong vẻ ngoài nhu thuận của họ thường nghĩ họ yếu đuối thậm chí tội nghiệp quá. Sức mạnh của họ là sức mạnh nội tâm, bằng tín nguyện hạnh cầu giải thoát, sức mạnh là sức mạnh này, dám xem nhẹ mọi thế sự, tránh mọi đối đầu không cần thiết, sức mạnh của họ thể hiện bằng tâm chân thành, từ bi đủ để áp chế những phiền não tham sân si; niềm tin của họ thể hiện với Phật Pháp Tam Bảo, với con đường cầu giải thoát mà họ đang đi, rất rõ ràng dứt khoát, không bao giờ thay đổi.
—
Vài dòng chia sẻ dông dài thôi. Chúc bạn tinh tấn!
Nam Mô A Di Đà Phật
A DI ĐÀ PHẬT
A DI ĐÀ PHẬT
A DI ĐÀ PHẬT _()_
Con cám ơn thầy THIỆN NHÂN
A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật.
Con chào các cô chú.
Dạo gần đây con có chút vướng mắc trong quá trình tu tập nghĩ chưa thông, các cô chú có thời gian rảnh và đọc được, xin hoan hỉ giải đáp giúp con với ạ.
Trong quá trình hành trì, thời gian đầu sức khỏe và cơ thể con có sự biến chuyển rất tích cực ạ, ăn ngủ tốt hơn, tự nhiên cũng ăn giảm thịt cá, thích ăn rau hơn (cái này rất tự nhiên ạ, ngày trước có khi con chỉ gẩy gẩy vài cọng ) vân vân… Mừng quá con càng tinh tấn hơn. Tuy nhiên ko hiểu sao khoảng nửa tháng nay con lại thường nằm mộng thấy cảnh sợ hãi và kì lạ, nhiều giấc mơ như đang lạc vào cõi âm (trước đây bị như vậy buổi sáng con thường đọc kinh là sẽ hết). Vấn đề là hai ba hôm nay vì nhiều việc nên con có giải đãi hơn thì ko hiểu sao tình trạng trên cũng tự nhiên giảm.
Con hoang mang quá ko biết mình bị sao và đang thực hành sai ở đâu mất rồi. Tâm phàm phu của con này còn loạn và nhiều tạp niệm, xin các cô chú chỉ dạy giúp con.
Con cảm ơn ạ.
A Di Đà Phật.
Chào bạn Hạt Bụi,
Có thể là do Tín-Nguyện của bạn chưa được rõ ràng, vững chắc vậy. Bạn có thể vào trang này tham khảo qua xem sao.
Niệm Phật Thập Yếu – Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
http://thuvienhoasen.org/a449/niem-phat-thap-yeu
——————————–
Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân
http://www.khanhanh.fr/phathoc/baiviet/niemphat.htm
“29) Không cần để ý đến vọng niệm, tán loạn… mà chỉ chuyên cần xưng Danh hiệu. Nếu thường xưng Danh hiệu thì do công đức của Phật Danh, vọng niệm tự dừng, tán loạn tự yên, tam nghiệp (thân, khẩu, ý) tự điều hòa, nguyện tâm tự phát. Bởi thế:
“Khi nguyện tâm còn yếu, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tâm tán loạn nhiều, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi vọng niệm sinh khởi, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi thiện tâm phát sinh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi bất tịnh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi thanh tịnh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm còn thiếu kém, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm hiện khởi, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm thành tựu, cũng Nam Mô A Di Đà Phật ”.
Đây là phương tiện để chắc chắn được vãng sinh, xin ghi khắc vào tâm can chớ quên.”
———————–
Chúc bạn niềm tin vững chắc, cố gắng tinh tấn niệm Phật vượt qua mọi thử thách.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Con cảm ơn chú Huệ Tịnh ạ.
Con thấy mọi người nói các thầy khuyên nên niệm kèm thêm danh hiệu mẹ Quan Âm, ví như niệm 1000 câu Phật hiệu thì niệm Quan Âm 500 câu.
Vậy con xin hỏi và tham khảo trong thời khóa của các cô chú ngoài thời khóa chính, trong ngày có cần phải chia ra như sáng niệm Phật, chiều niệm Quan Âm ko ạ? Hay là vào thời khóa chính thì niệm kèm, còn trong ngày thì niệm Phật thôi ạ.
Con cảm ơn.
A Di Đà Phật.
Chào bạn Hạt Bụi,
Trong thời khóa thì khi niệm 1000 câu Phật hiệu thì niệm Quan Âm 500 câu, hay 500 câu Phật hiệu thì niệm Quan Âm 108-250 câu, v.v.. Cứ như vậy mà tùy theo hoàn cảnh, thời gian và sức của bạn thực hành.
Ngoài thời khóa ra chỉ “nên chuyên” hễ nhớ thì niệm Phật hiệu mọi lúc mọi nơi, tùy duyên căn lành đã từng trồng của bạn. Phần nhiều hoàn cảnh bắt buộc bạn phải niệm thầm vì sự cung kính đối với nơi không thanh tịnh và bất tiện.
Ấn Quang Đại Sư – Lá Thư Tịnh Độ – Trang 7
http://www.tinhdo.net/sachdao/160-lathutinhdo.html?start=6
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Con cảm ơn chú Huệ Tịnh, các nguồn chú chia sẻ hay quá ạ. Con mong chú luôn thường xuyên vào trang để những người mới như con được học hỏi thêm nhiều từ chú ạ.
A Di Đà Phật.