Cư sĩ dựng cầu xong có thể nói là không công nào lớn hơn, nhưng tâm cư sĩ ham làm lành không chán; vừa xong một việc lành này đã làm ngay việc lành khác, đã hay càng hay hơn! Còn việc lớn sanh tử thì như thế nào? Nếu chẳng coi việc lớn sanh tử là gấp, cứ cắm cúi làm lành thì sự lành dù to như núi Tu Di cũng đều là nghiệp duyên sanh tử cả, biết đến ngày nào xong? Thiện sự càng lắm, sanh tử càng rộng! Một niệm ái tâm bao kiếp trói buộc, có đáng sợ chăng?
Cư sĩ tham cứu thấu đạt công án thế gian từ lâu, đã tu tập Tịnh nghiệp Tây Phương từ lâu, nhưng cái tâm sanh tử chẳng thiết, gia duyên chưa buông xuống được, tạ tuyệt nhân tình chưa nổi, tâm niệm Phật chẳng chuyên là vì sao vậy? Vì gốc lợi danh chưa đoạn chăng? Vì ái niệm lôi kéo, ràng buộc chăng?
Đối với hai điều ấy, ông nên để tâm suy xét kỹ. Nếu như chẳng thể chặt đứt hết thảy gia duyên, thế sự, tận lực vâng giữ sáu chữ hồng danh mà mong thoát khỏi Sa Bà, mong sanh về An Dưỡng thì khó lắm đấy!
Chẳng sanh về An Dưỡng mà muốn thoát khỏi sanh tử; đã chẳng thoát khỏi sanh tử mà muốn khỏi bị đọa lạc thì xét ra càng khó hơn nữa! Ví dù một đời, hai đời chẳng đánh mất thân người, liệu có kham nổi mãi không?
Than ôi! Cư sĩ huệ tâm lanh lợi, sáng suốt như thế, gia duyên sung túc như thế, con cháu hiền năng như thế, việc gì cũng vừa ý mà còn chẳng thể buông nổi vạn duyên, nhất tâm niệm Phật thì là trời phụ người hay người đã phụ trời vậy? Chẳng lấy việc niệm Phật làm gấp, chỉ lấy chút điều lành nhỏ trong đời làm gấp, chẳng lấy việc lớn sanh tử làm đầu, chỉ coi phước báo nhân thiên là trọng thì là hạng chẳng hiểu trước, sau vậy!
Tuy cư sĩ chẳng cầu phước nhưng thường làm phước, tuy muốn thoát sanh tử nhưng lại bị trở vào trong sanh tử đều là do ông chẳng biết rằng mình đã lơ là cõi kia, đặt nặng cõi này đến nỗi bánh xe đã xoay ngang mà vẫn cứ mong tiến lên được! Bây giờ, việc chính của cư sĩ là nên tạ tuyệt việc đời, nhất tâm niệm Phật, kèm thêm hai chữ “trì trai” mới thật là tận mỹ!
Nói chung, chẳng thể dùng tán thiện khơi khơi để đạt đến cõi Phật Tây Phương, chẳng thể cậy vào lười biếng để thoát khỏi vạn kiếp sanh tử được! Vô thường nhanh chóng, ngày đêm tới ngay, há chẳng sớm lo liệu hay sao?
Tạ tuyệt việc đời nhất tâm niệm Phật kiêm thêm hai chữ “trì trai” chính là nhiệm vụ quan trọng nhất của hạng người già niệm Phật chúng ta vậy!
Thư viết cho cư sĩ Mâu Tịnh Viễn
Đại sư Phạm Thiên Tỉnh Am Tư Tề đời Thanh
A DI ĐÀ PHẬT. TP làm điều lành xong hồi hướng cho chúng sinh và hồi hướng về Tây Phương, chọn Tây Phương Cực Lạc là nơi thọ báo tốt kia.
Mình không hiểu rõ lắm ý bài đăng này. Làm nhiều việc lành rồi hồi hướng đến Tây Phương bình thường thôi mà ở đây nói là nghiệp duyên sanh tử không coi sanh tử là việc gấp gì gì đó là sao? Với lại thế nào là ham làm phước làm nhiều việc thiện thì tốt mà?
A Di Đà Phật! Bạn Ly Ly thân mến,
Làm nhiều việc thiện tất nhiên là tốt rồi nhưng chỉ được phước báo nhân thiên mà thôi. Khi được hưởng phước báo nhân thiên thì mình sẽ khởi tâm tham luyến không muốn rời bỏ cho nên mới không thoát được lục đạo sanh tử luân hồi. Do vậy nếu làm việc thiện rồi nguyện mang công đức hồi hướng cầu sanh Cực Lạc đó là mình chuyển từ phước thế gian sang xuất thế gian là điều đáng quý, lại càng tốt hơn nữa.
Đối với hành giả tu Tịnh Độ thì buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật mới là chánh hạnh còn làm việc từ thiện chỉ là trợ hạnh, nên để tùy duyên. Bởi vì ” vong phát bồ đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp” ( nếu quên mất tâm bồ đề dù làm nhiều việc thiện cũng chỉ là ma nghiệp ). Bạn có thể lên youtube vào kênh Tịnh Độ Pháp Âm, lúc trước mình nhớ HT Tịnh Không có giảng, người ta cắt thành nhiều clip ngắn có những tiêu đề như là: ” làm việc thiện nhưng tâm chưa thiện thì vẫn là ác ” và ” nếu làm việc thiện mà tâm sanh phiền não thì thà là không làm ” … còn ở trang duongvecoitinh.com lúc trước cũng có đăng bài ” người niệm Phật tâm sanh tử không tha thiết công phu không thể thành một khối ” rất hay nhé.
Vài dòng chia sẻ, hy vọng giúp ích phần nào cho bạn, chúc tinh tấn! A Di Đà Phật!
Bạn Ly Ly thân mến,
Theo mình hiểu thì ý bài này muốn nói rằng chúng ta đam mê làm việc thiện mà lơ là việc giải thoát sinh tử (cầu về Tây Phương Cực Lạc) thì sẽ vẫn mãi mãi ở trong vòng sinh tử luân hồi.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Đại ý bài này là nếu chỉ lo tu phước (bố thí, xây cầu…) mà không lo tu huệ (niệm Phật, thiền quán…) thì đó chỉ là nghiệp sanh tử luân hồi ở 3 cõi mà thôi.
Xin cảm ơn tất cả quý anh chị đã dành thời gian giải đáp thắc mắc của em ạ. A Di Đà Phật.
Hỏi: phước đức và công đức khác nhau như thế nào?
Đáp:
– Phước đức là những việc làm lành thiện được làm ở bên ngoài hình tướng như bố thí, cúng dường, từ thiện, giúp ích cho mọi người…
– Công đức là sự xoay nhìn lại nội tâm, dùng trí sáng suốt, thấu rõ sự thật, dứt trừ mê lầm phiền não.
Hiện có rất nhiều người tuy làm phước rất nhiều, nhưng vì chưa có sự tu tập trí huệ, cho nên vẫn còn bị khổ đau phiền não chi phối. Hoặc có khi bám chấp vào những việc phước thiện đã làm của mình và làm gia tăng phiền não.
Tuy tu tập phước báo ở bên ngoài là một điều tốt, nhưng chưa thể giúp mình thoát khỏi khổ đau sinh tử luân hồi. Chỉ có người biết tu tập công đức mới có thể vượt thoát sinh tử. Hơn nữa, tuy phước báo ở bên ngoài trợ giúp rất nhiều cho sự tu tập nội tâm, nhưng không thể vì đó mà có được công đức.
Khi xưa, tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ vượt biển sang Trung Quốc nhằm vào thời vua Lương Võ Đế. Ông ta nổi tiếng là người rất sùng mộ đạo Phật. Ông đã đem rất nhiều tiền của để cất chùa, dựng tháp, in ấn kinh điển cũng như giúp đỡ Tăng Ni xuất gia tu hành và làm rất nhiều việc phước đức khác. Khi nghe tin Tổ từ phương xa đến, ông bèn cho thỉnh vào cung để đãi tiệc. Vì muốn Tổ biết rằng ông đã làm được nhiều việc có ích cho Tam Bảo, cho nên ông đã hỏi:
– Bạch Hòa thượng! Trẫm đây in kinh, tạo tượng, xây chùa, dựng tháp, độ cho Tăng Ni xuất gia rất nhiều. Như vậy có công đức chăng?
Tổ đáp:
– Không có công đức.
Nhà vua hỏi thêm:
– Thế nào là công đức?
Tổ chỉ đáp:
– Tự tánh thanh tịnh, lặng lẽ trong sáng, không thể đem những việc làm hữu vi, hữu lậu ở bên ngoài mà tìm cầu.
Như vậy, nhưng việc làm phụng sự Tam Bảo ở bên ngoài của vua Lương chỉ có phước đức, mà không có công đức. Bởi vì những việc làm ở bên ngoài làm sao có thể so sánh với cái tâm tỉnh sáng, thấy rõ sự thật kia. Khi nhìn thấy các pháp đều giả dối, không còn chạy đuổi thì tâm sẽ được tỉnh sáng, tỏ rạng. Cái trí sáng, nhìn thấy mạng sống này chỉ tồn tại trong một hơi thở, thì liệu ai có thể cho mình? Chỉ tự mình xoay lại, nghiền ngẫm, thực hành tu tập và tự mình nhận được.
Làm phước đức quý ở chỗ nó là cách để xả bó tánh tham tài, buông xả dần những cám dỗ vật chất của thế gian. Phước Huệ song tu, đó là con đường chư Tổ dạy người đời thoát ly sanh tử.
Con thì chẳng biết đến kiếp nào thì được vãng sanh Tây Phương vì tham – sân – si trong lòng còn nhiều lắm, nghiệp từ kiếp trước tích tụ lại vẫn còn nhiều lắm. Nhưng con tin một điều rằng tất cả các chúng sinh như chúng con sẽ được cha mẹ hiền, từ bi “Phật Di Đà” và “Quán âm Bồ tát” độ hết cả về Tây Phương. Vì đại nguyện của cha mẹ là độ tất cả chúng sinh cõi ta bà chúng con sẽ trở thành “Phật đà”, sống “vô sanh bất thối luân hồi”, an vui ngàn đời bên cạnh cha mẹ. Nhưng mỗi lần nghĩ về điều đó con lại cảm thấy cổ nghèn nghẹn, nước mắt chảy ra. Nỗi nhớ cha mẹ bởi xa cách quê hương quá lâu rồi biết đến bao giờ có thể trở về được, mặc dầu cha mẹ đã cho chúng con rất nhiều phương tiện để tu tỉnh, nhưng chúng con lại cứ mãi mông muội, vô minh, chạy theo thú vui của cõi tạm này nên phải chịu khổ đau, phiền não, gây nhiều nghiệp chướng và phải chịu cảnh sinh tử luân hồi. Sống gần nửa đời người con mới ngộ ra tất cả mọi người đều là anh, là chị, là em với mình vì tất cả đều là con của Phật Di Đà và mẹ hiền từ bi Quán thế âm Bồ tát. Vậy mà chúng con cứ mãi ghanh đua, thù ghét lẫn nhau, vô tâm trước nỗi đau của anh, chị, em mình. Giờ đây con hối hận bội phần. Con xin được sám hối ăn năn. Con mong cầu có kiếp nào đó tội lỗi của con sẽ không còn và con sẽ được trở về với vòng tay của cha và mẹ hiền từ bi, dấu yêu.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô Đại bi Quán Thế âm Bồ tát!
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Viêttb,
*Những lời sám hối của bạn sẽ trở nên vô nghĩa và nó sẽ trở thành những lời biện minh cho việc thoái tâm, không biết hồi đầu để tu học của bạn. Bạn thử quán xét xem chúng sanh trong cõi này có ai không vô minh? Ai không có tội lỗi và ai không có phiền não? Nếu những điều này không có thì chúng sanh không có mặt trong cõi này và cõi ta bà này đã gọi là Tịnh Độ cõi rồi. Vấn đề bạn nên nhận biết rõ ràng, minh bạch:
– Bạn từ đâu đến? và
– Khi chết sẽ đi về đâu?
Khi bạn lý giải được hai điều này thật rốt ráo thì lời sám hối của bạn mới thực có ý nghĩa. Sám là đoạn lỗi trước; Hối là nguyện trừ lỗi sau không phạm. Hàng ngày bạn thấy thế thời điên đảo mà tâm không dũng mãnh để đoạn trừ nghiệp tội của mình thì ngay cả cuộc sống đời thường bạn cũng chưa an lạc, nói gì đến về Tịnh Độ?
*Bạn phải phá bỏ ý niệm: tôi nhiều tội lỗi quá, tôi vô minh quá, căn cơ tôi thấp kém quá, đời nay tôi chắc chẳng thể tu nổi, chẳng thể giải thoát nổi. Hiểu cho đúng đó chỉ là lời biện bạch chứ không phải là sự hồi đầu và giác ngộ. Nói khác đi bạn đang tự đào một chiến luỹ, rồi ẩn mình trong đó và nói rằng tôi không thể vượt qua nổi chiến luỹ trước mặt. Phật dạy: Vô vô minh, diệc vô vô minh tận! nghĩa là không có cái vô minh cũng không có hết cái vô minh. Lý do? Vì vô minh là căn bản tánh của chúng sanh. Thế nào là vô minh? Thấy khổ nhưng vẫn tham đắm=vô minh; thấy tham, sân, si là tam độc nhưng vẫn để tâm tham đắm trong tam độc=vô minh; thấy đời là vô thường gang tấc nhưng không tìm cách mau lẹ chuyển hoá tâm vô thường=vô minh; biết thân người khó được, phật pháp khó gặp mà không dũng mãnh phát tâm tu đạo để ngay một đời này vĩnh ly sanh tử luân hồi=vô minh…
*Bạn đừng mong cầu một kiếp nào đó bạn sẽ có cơ hội để về Tịnh Độ. TN nói thật để bạn hiểu: Một người nợ chồng chất, kiếp này không lo trả, không chịu trả, khi chết sẽ mang theo món nợ đó đến kiếp sau; kiếp sau khởi điểm sẽ là món nợ cũ chất chồng, tư lương (vốn-nền tảng) không có=khởi điểm không thể sáng lạn=tiếp tục sống trong cảnh nợ nần và sẽ tiếp tục xoay vần trong cảnh đó. Nợ cũ nợ mới chồng chồng, chất chất sẽ mang theo cho đến chết… vòng luân hồi luẩn quẩn của chúng ta nó chính là chỗ đó. Phật gọi đó là: người đi từ tối vào tối.
Nợ để dụ cho nghiệp tội. Chồng chất nợ dụ cho tạo nghiệp vô cùng tận. Một chúng sanh sanh ra trong bối cảnh nghiệp chướng chồng chất để thoát ra khỏi là điều vô cùng khó, nhưng khó hơn cả là chúng sanh đó có dũng mãnh để nhận ra mình đang tiếp tục tạo nghiệp hay không?
Bạn phải tịnh tâm để quán xét lại mình thì mới có thể bứt phá ra khỏi những ý niệm luẩn quẩn được. Thời gian không chờ bạn mà nghiệp tội tạo từ vô thỉ và con ma vô thường sẽ luôn nghênh đón bạn từng thời khắc.
Mong bạn tỉnh giác để phát tâm tu học.
Con xin cảm ơn lời dạy bảo của thầy Thiện Nhân. Con thấy xấu hổ với những lời yếu đuối thiếu trách nhiệm của mình và đã suy nghĩ rất nhiều. Con xin hứa sẽ cố gắng tu học để quyết trong đời này được vãng sanh về thế giới Tây Phương. Chúc thầy và mọi người luôn mạnh khỏe và tinh tấn trong bước đường tu hành.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát!