Vạn sự vạn vật trong trời đất vũ trụ này đều do nhân duyên hoà hợp mà thành. Duyên tụ hội gọi là sinh, duyên tan rã gọi là diệt. Tan tụ có lúc sinh diệt vô thường. Chúng ta có duyên gặp nhau một chỗ để học Phật, đều do duyên nhiều đời đến nay, trồng xuống vô số nhân duyên Bồ-đề. Chúng ta mỗi người đều nên khéo léo, nuối tiếc nhân duyên thù thắng khó gặp này. Chỉ niệm vô thường, khéo léo lắm lấy cơ duyên tu học. Phải nỗ lực tinh tấn, không giải đãi lười biếng để một đời thành tựu việc lớn giải thoát sinh tử.
Đức Bồ-tát Phổ Hiền nói kệ rằng:
Ngày nay đã qua
Mạng sống giảm dần
Như cá cạn nước
Có gì là vui?
Phải siêng tinh tấn
Cứu lửa cháy dầu
Chỉ nhớ vô thường
Chớ có buông lung.
Bồ-tát Phổ Hiền dạy chúng ta trong từng giờ khắc, luôn luôn nhớ đến giặc vô thường. Nhân vì mạng sống con người trong hơi thở, khi hơi thở không đến nữa, trước đường hiểm luân hồi biết rời về đâu?
Mỗi tối trước giờ lên giường ngủ, chúng ta cần phải hỏi lại lương tâm của mình: ngày nay việc lớn sinh tử của mình đã chuẩn bị được bao nhiêu? Hay là bỏ phí trọn ngày? Đời người luôn biến chuyển vô thường. Học Phật niệm Phật cần phải chuẩn bị trước, bởi lẽ đại hạn vô thường đều có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Vậy phải sớm lo tích cực chuẩn bị việc lớn sinh tử cho chính mình.
Trích Liên Trì Cảnh Sách
Thích Quảng Ánh dịch
Hòa thượng Hải Hiền có khai thị : tất cả mọi việc ở thế gian đều là giả duy chỉ có niệm phật là thật! Hy vọng tất cả các đồng tu học tập và làm theo tấm gương của Đại Sư Hải Hiền! Cùng nắm tay nhau về quê nhà Tây Phương Cực Lạc thân cận với đức từ phụ A Di Đà!Dù cho đi,đứng, nằm, ngồi, nói năng động tĩnh, mặc áo, ăn cơm, đi đại tiểu tiện luôn giữ một câu A Di Đà Phật ở trong tâm!
Bình thường con tinh tấn lắm, đến khi gặp chuyện con không áp dụng được vẫn phiền não. Con biết buông bỏ là hết khổ, nhưng lí trí buông được mà tâm con còn y nguyên. Thầy cho con lời khuyên nhe thầy, con cám ơn thầy. A Di Đà Phật
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Nguyễn Thị Kim Chi,
*Có lẽ bạn đã hiểu chưa chuẩn xác về cụm từ “tinh tấn” nên đã lầm nghĩ hàng ngày mình công phu rất tinh tấn nhưng khi đối cảnh, tiếp vật lại bị cảnh vật lôi kéo. “tinh tấn” được hiểu bạn luôn sống trong chánh niệm, nói khác đi là niệm niệm luôn tỉnh giác. Vì thế khi công phu bạn tỉnh giác, nhưng rời bồ đoàn tâm tỉnh giác lại biến mất, đồng nghĩa hàng ngày bạn mới chỉ tu theo hình tướng.
Cổ Đức nói: Chiếc áo cà sa không làm nên một nhà tu. Ý nói hàng này tu học tụng kinh, niệm Phật, trì chú, toạ thiền…nhiều khi 2-3 thời, mỗi thời 1-2 tiếng đó mới chỉ là hình tướng tu học chứ chưa nói lên thực tướng. Thực tướng là khi bạn đối cảnh, tâm bạn vẫn an nhiên, tự tại, hoặc chí ít khởi phiền não, nhưng ngay đó biết mình sai, rồi kịp thời sám hối để lần sau không lặp lại=thực tu, thực tinh tấn.
*Chúng ta tu là sửa đổi trong từng ý niệm. Câu: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm” luôn nhắc nhở chúng ta: tâm phàm phu là luôn khởi phiền não, nhưng ngay khi khởi phiền não đó chúng ta giác (nhận biết) được, chuyển hoá kịp thời niệm này, lập tức phiền não đã biến thành an lạc.
*”buông bỏ” chưa hẳn đã là xả và nó không phải ở nơi miệng, mà phải buông (xả) ở nơi tâm. Chủng tử phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, phân biệt, chấp trước vốn ăn sâu trong tâm chúng ta, nay nói buông bỏ, nhất thời chẳng thể, nhưng hàng ngày, hàng giờ, mỗi niệm chúng ta thường quán chiếu, thường tỉnh giác để nhận biết khi chúng khởi lên, ngay đó chúng ta mới có thể xả được.
Ví thử: Bạn ngồi niệm Phật 2 tiếng, mỗi câu vang ra từ miệng đều là A DI ĐÀ PHẬT. Đó mới chỉ là tu miệng hay còn gọi là tu tướng, bởi thực tế khi bạn niệm Phật, tâm bạn đang làm gì mới là quan trọng. Cho nên 2 từ buông bỏ bạn nên hiểu ở nơi tâm chứ không ở nơi hình tướng.
Chúc bạn tỉnh giác và an lạc.
Con muốn hỏi con sinh ra là để trả ơn hay là đòi nợ của cha mẹ, còn ko cần giàu sang, không cần lấy vợ, học Phật mà không đi tu.con có phải người vô giá trị trong kiếp này không?
Bạn Nguyễn Đăng Kiêm thân mến,
Bạn đến để làm con của cha mẹ bạn, theo mình nghĩ là bạn biết rõ hơn ai hết, là bản thân mình đến để báo ân hay là đến để đòi nợ! Dù gặp bất cứ nghịch cảnh nào bạn cũng làm cho cha mẹ bạn vui vẻ hạnh phúc…v.v.., đó chính là bạn đến để báo ân; còn ngược lại là bạn đến để đòi nợ.
Bạn có thắc mắc rằng “ông trời” hơn hay kém Phật gì đó… Nhưng cho mình mình hỏi “ông trời” mà bạn đang nói đến là ai vậy? Chứ theo mình hiểu như trong Kinh Phật dạy thi “trời” chỉ là chúng sanh phàm phu cấp cao, hưởng nhiều phước đức hơn cõi người( phước này do chính họ tạo ra khi còn ở cõi người); nếu đem so với những vị đã vãng sanh cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà thì những vị trời này thấp kém vô cùng bạn ạ!
Bạn có từng nghe:” Đức Phật là thầy dạy của Trời Người” hay chưa vậy?
Nam Mô A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật
Chào bạn Đăng Kiêm bạn có suy nghĩ giống mình. Mình cũng học Phât chỉ ở nhà làm việc nhà phụ giúp ba mẹ lúc rảnh thì học ngoại ngữ tối mình ko làm gì lại niệm Phật mình định sẽ ở vậy niệm Phật mà vãng sanh nhưng lại không quyết tâm vì sợ nếu ko lấy chồng sanh con mà mình niệm Phật ko tốt ko vãng sanh thì sợ cảnh cô đơn về già ko ai bên cạnh. Nói chung mình đang mắc kẹt trong vấn đề này ko biết mình nên dũng mãnh buông hết một lòng niệm Phật cầu vãng sanh hay là cứ thuận theo cuộc đời lấy chồng sanh con.Mong các liên hữu cho lời khuyên.
A Di Đà Phật
Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc
Bạn Phan Thị Hạ: Hãy nổ lực niệm Phật suốt 3 năm, sau đó bạn sẽ tự có câu trả lời cho chính mình. Nhớ nhé, phải thật thà niệm Phật. Lợi dụng thời gian chưa vướng bận này mà hết sức thật niệm trong 1000 ngày.
Khi ấy tâm sẽ trở nên trong sáng như bầu trời không một gợn mây. Bạn sẽ tự biết mình sẽ làm gì. Xin hãy nhớ.
A Di Đà Phật.
Sau 1 năm tu học cô gái từ bỏ ý định lấy chồng
Một ngày nọ, A Nan ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực. Trên đường về tôn giả thấy khát nước. Nhân đi ngang một cái giếng, tôn giả thấy một cô gái dòng hạ tiện đang đứng kéo nước, liền ghé vào nói:
– Thưa cô! Xin cô vui lòng cho tôi gáo nước!
Cô gái quay lại nhìn, thấy một vị tì kheo trẻ tuổi, tướng mạo uy nghiêm, liền nhận ra đó là tôn giả A Nan. Cô nhìn lại trang phục của mình thì tự lấy làm xấu hổ. Cô nói:
– Bạch Đại Đức! Không phải con tiếc gì một ít nước, nhưng sự thật là con vốn thuộc dòng hạ tiện, nên không có tư cách để cúng dường Đại Đức.
– Thưa cô! Tôi là kẻ tu hành. Trong tâm tôi không bao giờ có niệm phân biệt về sang hèn, trên dưới.
Cô gái nghe nói thế thì lòng rất vui, liền dâng nước cúng dường. Tôn giả uống xong, nói lời cám ơn, rồi lặng lẽ bước đi, nhưng cũng trong lúc ấy, mối tình đầu bỗng như vùa chớm nở trong lòng cô thiếu nữ! Bất giác nàng đưa mắt đắm đuối nhìn theo bóng dáng xa dần của A Nan. Ôi, cái dáng vẻ của con nhà vua chúa trông cao sang quí phái như thế kia! Giọng nói nhỏ nhẹ, êm ái như thế kia! Tất cả như một nét bút vừa vẽ đậm lên trái tim trong trắng của nàng, không làm sao xóa nhòa được. Nàng mơ màng mong ước: “Giá mình được gả cho người ấy thì hạnh phúc biết chừng nào!”
Nàng về nhà mà tâm trí cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, cơm nước không màng, việc nhà biếng nhác, suốt ngày chỉ nằm để tưởng nhớ bâng khuâng. Bị mẹ cật vấn, lúc đầu nàng không chịu nói. Nhưng hỏi đến lần thứ ba thì nàng xin mẹ phải mời cho được tôn giả A Nan về nhà, vì nàng tin rằng, thế nào tôn giả cũng chịu làm chồng nàng. Bà mẹ cảm thấy việc này vô cùng khó khăn, – một người đã xuất gia làm tì kheo, mà lại là người thuộc dòng vua chúa, thì làm sao có thể làm rể nhà này được! Nhưng vì lòng bà quá thương con, không làm cũng không được! Bà bèn nhờ một vị “thầy pháp” giỏi ma thuật giúp cho một câu thần chú. Cứ chờ đến khi A Nan đi khất thực qua nhà thì liền đọc thần chú, làm cho tâm trí tôn giả mê loạn.
Thần chú có linh nghiệm hay không thì không biết, nhưng sự thật là A Nan đã bị mê hoặc vì cô thiếu nữa này Khi tôn giả đi ngang qua nhà nàng thì nàng đứng trước nhà nhìn tôn giả mỉm cười, rồi vẫy tay mời gọi. Tôn giả như mê như tỉnh, bước thẳng vào nhà thiếu nữ. Nàng vừa mừng, vừa thẹn, cứ cuống cả lên, chưa biết phải làm gì. Giữa lúc đó thì tôn giả bừng tỉnh, tự biết mình là tì kheo, đã thọ đại giới. Tôn giả nghĩ ngay đến Phật, Nhờ oai lực của Phật gia hộ, trí tuệ tôn giả sáng hẳn lên, và như là Phật đang cho nổi một luồng gió mạnh để bảo hộ và đưa tôn giả trở về tu viện Kì Viên.
Ngày hôm sau, với tâm trí hoàn toàn định tĩnh, tôn giả lại ôm bát vào thành khất thực. Nhưng thật lạ lùng, hôm nay cô thiếu nữ kia lại mặc áo mới, đeo tràng hoa, đứng sẵn bên đường tự lúc nào để chờ tôn giả! Khi tôn giả vừa đi tới thì nàng liền bám sát theo sau, như con thiêu thân bu theo ngọn đèn, không rời nửa bước. Tôn giả quýnh quáng, nhất thời chưa biết làm cách nào, bèn quay về tu viện trình sự việc lên Phật. Phật bảo tôn giả đi gọi thiếu nữ đến gặp Ngài, vì Ngài muốn nói chuyện thẳng với nàng. Tôn giả vừa ra đến cổng thì đã thấy nàng đứng đợi ngay ở đó. Tôn giả hỏi:
– Sao cô theo tôi hoài vậy?
– Thầy thật là một anh chàng ngốc mới hỏi một câu hỏi như vậy!
– Phật cần gặp cô. Mời cô hãy theo tôi!
Nghe nói đến Phật, nàng cảm thấy lo sợ. Nhưng vì quyết phải chiếm được A Nan nên nàng cố mạnh dạn lên, theo A Nan vào yết kién Phật, Phật hỏi:
– A Nan là một người tu hành. Muốn được làm vợ A Nan thì trước hết cũng phải đi tu một năm, con có bằng lòng không?
Nàng ngạc nhiên quá, đâu có dè Phật lại hiền từ đến độ đó! Nàng nghĩ, chuyện này quá dễ, chẳng qua chỉ làphương tiện để thành toàn cho mình mà thôi. Cho nên nàng chịu liền:
– Bạch Thế Tôn! Con bằng lòng!
Theo pháp chế của ta thì việc xuất gia của con phải được cha mẹ chấp thuận. Vậy con có thể mời cha mẹ đến đây để chứng kiến việc xuất gia của con hay không?
Nàng lại nghĩ, Phật không chút gì làm khó mình. Điều kiện của Người thật quá dễ thực hiện. Nàng bèn chạy một mạch về nhà mời mẹ cùng lên tu viện. Trước mặt Phật, mẹ nàng rất hoan hỉ, muốn con gái bà đi tu một năm cũng chẳng sao, miễn là sau đó được làm vợ A Nan thì thôi.
Với niềm vui sẽ cùng A Nan thành chồng vợ, nàng vô cùng hân hoan được cạo tóc, mặc áo cà sa để trở thành tì kheo ni. Ni cô mới mẻ này rất siêng nghe Phật nói pháp, rất tinh tấn trong việc tu tập. Cô hoàn toàn hòa nhập vào nếp sống sinh hoạt tu học cùng với bao sư tỉ, sư muội khác trong ni chúng. Từ đó, tâm si tình đầy dục vọng của cô mỗi ngày lắng xuống dần. Không đầy nửa năm từ ngày xuất gia, một hôm chợt nhớ lại hành vi đầy ái dục của mình ngày trước, cô cảm thấy hổ thẹn vô cùng! Phật thường nhắc nhở, năm thứ dục vọng đều là pháp bất tịnh, là nguồn gốc của mọi khổ đau. Loài thiêu thân vì không hiểu biết nên tự gieo mình vào lửa để bị chết cháy! Loài tằm không hiểu biết nên cứ nhả tơ để trói lấy mình! Nếu không vướng mắc vào năm thứ dục vọng kia thì tâm ý sẽ được thanh tịnh, cuộc sống sẽ được tự tại an vui.
Một hôm, trong lúc tâm ý đã trở nên thật tĩnh lặng, cô chiêm nghiệm lại và thấy rõ tư tưởng luyến ái của mình đối với tôn giả A Nan là hoàn toàn lầm lỗi, bèn đi tìm Phật để tỏ lòng sám hối:
– Bạch Thế Tôn! Con thấy là con vừa tỉnh một cơn mộng. Không ngờ là ngày trước con lại ngu si dại dột đến mức đó. Con nay đã chứng thánh quả, còn vượt cả tôn giả A Nan. Con vô cùng cảm kích ân đức của Thế Tôn, vì lũ chúng sinh ngu si chúng con mà Thế Tôn phải nhọc lòng và đã dùng biết bao phương tiện để hóa độ. Từ nay con nguyện suốt đời làm tì kheo ni, nguyện theo gót Thế Tôn mà làm sứ giả của chân lí.
Sự giáo hóa khéo léo của Phật cuối cùng đã chuyển hóa được tâm tham dục của cô thiếu nữ, làm cho cô tỉnh ngộ và trở về với bầu trời trong sáng, trở thành một vị tì kheo ni mẫu mực. Người ta thường gọi cô là con gái của dòng họ Ma Đăng Già (Matangi). Đó là cô gái đầu tiên thuộc dòng hạ tiện đã được Phật chấp thuận cho xuất gia. Với chế độ giai cấp khắt khe của xã hội Ấn Độ thời ấy, khi sự việc này được truyền ra ngoài, rất nhiều người phê bình, phản đối, nhưng Phật vẫn chủ trương của mình là tất cả mọi người đều bình đẳng; như trăm sông chảy vào biển cả, tất cả mọi người thuộc mọi dòng giống, khi đã xuất gia thì đều cùng một họ Thích Ca. Con gái của dòng Ma Đăng Già, vì yêu mến dung mạo đẹp đẽ của tôn giả A Nan mà đã chuyển họa thành phúc. Đó là một câu chuyện đẹp đã được lưu truyền và nhắc nhở trong tăng đoàn từ mấy nghìn năm!
MƯỜI VỊ ĐỆ TỬ LỚN CỦA PHẬT
Nguyên tác Hán Văn: Tinh Vân Pháp Sư
Việt dịch: Cư Sĩ Hạnh Cơ và biên soạn phần Phụ Lục
Hiệu đính: Nữ Cư Sĩ Tịnh Kiên
Chùa Liên Hoa, Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County xuất bản 2005
TÌNH ÁI VÀ DỤC VỌNG LÀ TẢNG ĐÁ BUỘC CHÂN NGƯỜI TU ĐẠO
Trong nghiệp sinh tử, tình ái và dục vọng là gốc chướng Ðạo. Là người tu Ðạo, bất luận đối với người hoặc đồ vật, nếu sinh ra lòng ái dục thì sẽ chướng ngại sự tu hành, làm mình không phát triển được. Nói một cách rõ ràng hơn, ái dục là sinh tử, sinh tử chính là ái dục. Ái dục là nguồn gốc của sinh tử. Nếu không phá vỡ tình ái dục vọng vô minh, thì mình sẽ không thể ra khỏi biển lớn sinh tử. Làm sao để thoát sinh tử? Rất giản dị, chỉ cần “đoạn dục khử ái,” nghĩa là dứt dục vọng, trừ ái tình, chẳng cách nào khác hơn.
Người tu Ðạo đừng nên suy nghĩ về tình ái dâm dục, càng không nên có hành vi yêu đương. Ðối với bất cứ người nào, không nên sinh lòng yêu đương; hễ có lòng yêu đương thì gốc khổ không thể tránh được; vì có lòng yêu đương thì khó thoát vòng sinh tử.
Có người nói: “Con người là động vật có tình cảm, chuyện ăn uống và dâm dục là việc tự nhiên.” Chính bởi vì nhân duyên đó, nên cần phải tu Ðạo. Trong Kinh Tứ-Thập-Nhị-Chương có dạy rằng:
Mình xem những người già như mẹ mình, những người lớn tuổi như chị, những cô trẻ là em và những đứa nhỏ là con. Hãy Sinh ra lòng độ thoát họ và diệt trừ những niệm ác.
Là kẻ tu đạo mình phải luôn luôn quán tưởng như vậy. Nếu quả không có ái, phải chăng khi gặp người khác mình cứ ngậm miệng chẳng để ý đến họ? Không đúng! Mình không chấp trước vào tình ái, không sinh lòng yêu đương, nhưng không sinh ra lòng ruồng ghét kẻ khác, cũng không thể nói rằng: “Bởi vì tôi không thương người ta nên tôi phải ghét họ.” Ðó là điều sai lầm. Như vậy thì thế nào là đúng? Tức là không thương mà cũng chẳng ghét ai. Không thương, không ghét chính là Trung-đạo.
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Đi tu đi bạn .đi tu sẽ giúp cho mọi người biết pháp môn tịnh độ hơn nữa .A Di Đà Phật
Ông Vương Trung người Gia Hòa là quan Triều Tán Đại phu nhà Tống. Ông từng đến tham học với Tiểu Bổn Thiền sư, mà chưa được ngộ nhập. Một hôm nghe ông Tăng tụng Kinh Di Đà, trong lòng cảm động, ông bèn chuyên tu Tịnh độ. Mỗi ngày, ông định khóa tụng bảy biến Kinh Di Đà, niệm Phật một vạn câu, ngót 16 năm không một ngày biếng trễ, ông lập hội niệm Phật tại nhà, không luận kẻ Tăng người tục, kẻ sang hay người hèn đều được dự hội.
Về sau, ông vẫn khỏe mạnh như thường, tắm gội thay y phục, xoay mặt về hướng Tây, ngồi kiết già mà tạ thế.
Trích ở các bộ: Phật Tổ Thống Kỷ & Lạc Ban Văn Loại
RỬA MẶT TẮM RỬA KHÔNG NÊN SỬ DỤNG NHIỀU NƯỚC LÀ TÍCH PHƯỚC
Chúng ta rửa mặt, bao gồm tắm rửa cũng không thể sử dụng nhiều nước, đây là tích phước. Một người không thể không có phước báo, có phước báo, thì bạn tu hành mới thuận lợi, không có phước báo, thì bạn tu hành gặp chướng ngại trùng trùng. Cho nên phước báo của chúng ta đều nên dùng giúp đỡ cho đường tu của chúng ta, chính mình càng tích phước, càng tiết kiệm càng tốt. Hiện nay chúng ta cũng biết tài nguyên nước rất thiếu thốn, khí hậu toàn cầu đang nóng lên, nguồn nước ngọt càng ngày càng khan hiếm, tương lai sẽ càng ngày càng ít đi. Nên có lần các nhà khoa học đã nói một câu, thực sự làm chấn động mọi người, nói là : tương lai những giọt nước cuối cùng của trái đất là giọt nước mắt của con người. Tại sao vậy? Tất cả khô cạn rồi, chỉ có nước mắt của bạn là nước thôi. Nên bạn thấy được như vậy thì cần phải quý tiếc nước, chúng ta tắm rửa không thể sử dụng nhiều nước.
Như trong đạo tràng này của chúng ta, vì đông người nên điều kiện không bằng ở nhà của các bạn, tôi nghe nói có một đồng tu trong số những bạn nhỏ, là con trai của Bộ trưởng, có thể đời sống ở nhà đều rất là sung túc, đầy đủ, đến tại đây rất khó thích nghi. Nhưng đã đến đây rồi, thì bạn phải nỗ lực để theo tiêu chuẩn của người tu, nếu không thì bạn cần chi đến đây? Bạn muốn thoải mái hơn, thì bạn về nhà, cần chi đến nơi này? Chúng ta đây còn có hạn chế số lượng, bạn nhường vị trí cho người khác thì tốt. Bạn đã đến thì phải tu hành, tức là lấy khổ làm thầy, bỏ đi những tập khí không tốt của mình, tập khí ham muốn hưởng thụ, không tích phước, lãng phí, đem chúng tiêu trừ đi, như vậy liền đạt hiệu quả. Thật sự cổ Đại đức, các Ngài tắm rửa, mỗi ngày dùng hạn định là 8 ly nước, rửa mặt, đánh răng, tắm rửa, tổng tất cả không quá lượng nước đó. Giặt y phục cũng dùng nước đó, nước tắm xong thì dùng giặt quần áo, đó là tiếc nước.
Ngoài tiết kiệm nước ra, những thứ khác cũng đều tiết kiệm, vì vật phẩm của thường trụ có được không dễ dàng, dựa vào tín chúng cúng dường,nếu bạn lãng phí quá mức, thì sao bạn đủ khả năng chịu được? Cổ Đại đức nói: “tam tâm chưa thành, giọt nước khó tiêu”, tam tâm đó là tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm tương lai; chưa thành tức là bạn không có khai ngộ, thì uống nước đều khó tiêu hóa, vì sao vậy? Bởi vì tương lai bạn phải trả nợ “đời này không liễu đạo, mang lông đội sừng trả”. Người tu đạo có tâm cảnh giác cao như vậy, thì không thể thành công ư? Cho nên nơi nơi đều tích phước, thì đó là tu hành, như điện, vật dụng, thức ăn của thường trụ, chúng ta đều không được lãng phí. Như chúng ta ăn, mỗi ngày thọ trai xong, đem tất cả thức ăn trong bát ăn sạch hết, không thể để lại hạt cơm, cơm đổ trên bàn, thậm chí trên đất, đều phải lượm lên ăn hết. Những đồng tu hành đường của chúng ta rất vất vả, lúc đem cơm, thức ăn cho người, không cẩn thận làm rơi ít xuống đất, thì họ liền lượm lên để ăn, điều này rất đáng được tán thán! Đó đều là để tích phước, tiết kiệm, tiết chế để dưỡng đức.
Pháp sư TỊNH KHÔNG
Tu Tịnh Thấy Phật Luôn 3 Năm Không Rời
Ngô Thị vợ của Lữ Hoằng, hại vợ chồng đều thông Phật pháp và đồng hiệp chí thanh tu. Cả hai người tớ gái cũng đều trai giới. Một người thích thiền lý, không bao lâu phải bệnh, vẫn cười nói vui vẻ đoan tọa mà mất. Một người giữ giới khổ hạnh, hoặc có lúc trọn ngày không ăn chỉ uống một chén nước cúng Phật, một hôm người tớ gái ấy bỗng thấy hoa sen vàng lớn hiện ra trước mặt. Trên hoa chỉ thấy dạn dạn chân người ngồi kiết già. Vài ngày sau thấy rõ đến gối, vài ngày sau thấy rõ đến bụng và ngực. Lại ít hôm sau thấy rõ cả đầu mặt, tướng hảo đều hiện đủ. Thì ra, vị ngồi giữa là Đức Phật A Di Đà, bên tả là Quan Thế Âm Bồ Tát, bên hữu là Đại Thế Chí Bồ Tát. Không bao lâu cả cung điện, cây ao và Thánh chúng đều hiện ra trước mặt rõ ràng, luôn ba năm như vậy không một giây phút ẩn rời. Có người hỏi có nghe được Đức Phật thuyết pháp không ? Tớ gái đáp: “Tôi chỉ được thiên nhãn chưa được thiên nhĩ, nên chưa được nghe lời Phật thuyết pháp”. Không bao lâu cô ấy tự nói trước ngày giờ vãng sanh rồi từ trần.
Ngô Thị thờ đức Quan Thế Âm rất thành khẩn. Trong tịnh thất để vài chục cái bình đựng nước trong, mỗi ngày tụng chú Đại Bi, bèn thấy đức Quan Thế Âm phóng quang chiếu vào những bình ấy. Ai có bệnh thỉnh nước ấy uống liền được lành. Nước ấy dầu để lâu năm mà mùi sắc vẫn không biến đổi. Đến mùa Đông tiết Đại hàn, nước khác bị hơi lạnh đông đặc, mà nước ấy vẫn y như thường. Vì thế nên người thời ấy gọi Ngô Thị là “Quan Âm Huyện Quân”.
Trích ở bộ Tịnh Độ Văn
Cháu là chú tiểu. Các cô bác cho con hỏi có chùa nào ở tp HCM tu theo pháp môn tịnh độ mà có chú tiểu ko? Cảm ơn cô bác nhiều
Con muốn tu học theo quý thầy tu Tịnh Độ theo đường lối của các vị tổ Tịnh Độ Tông, hoặc theo đường lối của Lão PS Tịnh Không, Cố HT Thích Trí Tịnh. Cô bác phật tử nào biết chùa nào nhận chú tiểu thì cho con biết với ạ. Con năm nay 12 tuổi đang sống tại TP HCM. Con cảm ơn ạ! A Mi Đà Phật!
A Di Đà Phật
Chùa Pháp Tạng do thầy Thích Trí Huệ làm trụ trì ở Bình Chánh có đạo tràng niệm Phật Diệu Âm Pháp Tạng,chùa này chắc tu theo Tịnh Độ đó em,còn ở Bình Dương có chùa tên là Niệm Phật ,pháp môn tu tập được đặt tên cho chùa
http://baophapluat.vn/dan-sinh/bi-an-xa-loi-dai-sen-tam-canh-cua-dai-lao-hoa-thuong-o-binh-duong-235226.html
LÒNG THÀNH CẢM QUAN ÂM
Vương Bá Nương người Minh Châu thuở bé mồ côi, khi vừa mới có chồng lại phải ở góa, bèn sống nhờ nơi nhà người cậu là ông Trần An Hành. Mùa Hạ năm Thiệu Hưng thứ hai, Bá Nương bỗng mắc bệnh điếc và câm. Khi cô muốn việc chi, chỉ viết chữ trên giấy. Ông Hành bảo quy thành nơi Quan Thế Âm Bồ Tát, Bá Nương bèn sớm tối lễ lạy.
Một hôm Bá Nương ngủ gật, chợt thấy Bồ Tát hiện thân dạy cho tu hành pháp môn mau tắt : mỗi ngày hướng về Tây phương lễ Đức A Di Đà Phật. Bồ Tát lại truyền cho bài kệ rằng : “Tịnh Độ châu sa giới, vân hà độc lễ Tây ? Đản năng hồi nhứt niệm. Xúc xứ thị Bồ-đề !”. Bồ Tát lại căn dặn nên khuyên mọi người trì tụng bài kệ ấy. Sau đó chưa đầy một tháng, Bá Nương hết câm điếc mà thêm được niệm lực thuần thục, trí huệ khai phát ứng đáp như lưu.
Vì muốn người đời phát tâm, Trần An Hành bèn khắc việc trên để truyền cho mọi người cùng biết.
Trích Di Kiên Chí
LÀM NGHỆ SĨ CÓ PHƯỚC HAY KHÔNG?
Có một lần, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến hóa duyên ở nước Ma Kiệt Đà, ngài ở trong tinh xá Trúc Viên Già Lan Đà, phía bắc thành Vương Xá.
Ngày nọ, có một chủ gánh hát nổi tiếng thời bấy giờ đến tinh xá Trúc Viên Già Lan Đà. Ông hành lễ với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cung kính hỏi rằng:
– Trước đây, con từng nghe các bô lão thế hệ trước trong giới văn nghệ nói rằng:
“Nếu như nghệ nhân có thể ra sức biểu diễn ca hát, mang niềm vui đến cho mọi người, khiến cho người ta vui cười thỏa thích, thì với nhân duyên này, người nghệ nhân sau khi chết sẽ có thể được chuyển sinh lên cõi trời”.
Nói như vậy, Ngài xem có đúng không?.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bèn đáp lại rằng:
– Đoàn chủ! Chúng ta không cần phải bàn luận chuyện này, không nên hỏi tôi cách nhìn đối với sự việc này.
Người chủ gánh hát vẫn không nản lòng, đã hỏi liên tục ba lần, Đức Phật đành phải trả lời:
– Để tôi hỏi ông, ông hãy trả lời theo đúng những gì mình nghĩ. Trước đây, thế gian chưa có người giải thoát, mọi người đều chưa rời bỏ khỏi tham sân si, cũng không biết rằng cần phải rũ bỏ tham sân si, đều vẫn bị trói buộc ở trong đó. Lúc bấy giờ nghệ nhân biểu diễn ca múa hí kịch, nội dung cũng không rời khỏi tham sân si, như vậy mới có thể phù hợp với thị hiếu của khán giả, thu hút mọi người đến xem.
Khi mọi người xem nghệ nhân biểu diễn, vui cười tùy thích, chẳng phải là làm mạnh thêm tham sân si trong mình, khiến cho bản thân càng bị trói buộc trong tham sân si hơn hay sao?
Đoàn chủ, việc này giống như một người có hai tay bị dây gai trói ngược ra đằng sau lưng, lại có người ôm tâm muốn làm khó dễ y, muốn khiến y càng đau đớn hơn, nên không ngừng tưới nước lên sợi dây gai. Dây gai hễ hút nước sẽ nở ra, dây trói sẽ càng chặt. Như vậy, chẳng phải là khiến cho người đó bị trói càng chặt, càng đau khổ hơn sao?.
Người chủ gánh hát trả lời.
– Quả đúng như vậy, thưa Đức Phật!
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại nói:
– Đoàn chủ! Vậy nên chúng sinh còn chưa thoát khỏi sự trói buộc của tham sân si, lại còn chịu sự kích động của ca múa hí kịch kia, chẳng phải là càng làm tăng thêm tham sân si trong họ sao?.
Người chủ gánh hát nghe xong cũng phải thừa nhận Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói có đạo lý.
Đức Phật giảng tiếp:
– Vậy nên, đoàn chủ! Các bô lão thế hệ trước trong giới văn nghệ xưa nay nói rằng, nghệ nhân biểu diễn ca múa hí kịch, mang niềm vui đến cho mọi người, khiến cho mọi người vui cười hả hê, với nhân duyên như vậy, sau khi chết có thể được sinh vào cõi trời vui vẻ, quan điểm như vậy, là tà kiến sai lầm! Thành thật mà nói, những người ôm giữ tà kiến, sau khi chết chỉ có đọa vào hai nẻo ác là địa ngục hoặc súc sinh, làm sao còn có thể thăng thiên được đây!.
Sau khi người chủ gánh hát nghe Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Pháp xong, lập tức minh tỏ, sau đó đã quy y theo Đức Phật. Tương truyền rằng vị đoàn chủ gánh hát này về sau đã tu thành quả vị A La Hán.
*****
Kỳ thực, nếu dùng các loại hình nghệ thuật để đi tuyên dương các loại tà kiến, quan điểm sai lầm, tuyên truyền vô thần luận, và các thứ làm bại hoại đạo đức nhân loại, các thứ văn hóa phẩm đồi trụy hạ lưu, các thứ kích động dục vọng … những thứ đó đều có hại đối với con người.
Ngày nay, thuận theo sự bại hoại của nhân loại, đại đa số tác phẩm văn nghệ đều có chứa hoặc nhiều hoặc ít những thứ bất chính, khiến người ta không còn phân biệt được đâu là nghệ thuật chân chính nữa.
Trái lại, nếu như là dùng văn hóa nghệ thuật truyền thống để ca ngợi Phật, ca ngợi những người tu luyện chân chính, ca ngợi vẻ đẹp của Phật Pháp, vạch trần việc xấu ác, thức tỉnh con người thế gian … những điều này đối với nhân loại, đối với chúng sinh đều là rất tốt, thậm chí là một việc đại thiện công đức vô lượng.
Theo tinhhoa.net
Tiểu Thiện dịch từ zhengjian.org
BỊ BẮT NHẦM VÀO ÂM PHỦ.
Đó là câu chuyện tôi được nghe cha mình kể lại. Chuyện kể cách đây đã hơn 30 năm, hơn nữa cha tôi cũng vừa mới qua đời, cho nên có một số chi tiết nhỏ nhặt không thể khảo chứng, nhưng tôi vẫn muốn đem nó viết ra. Chính là vì muốn nhắn nhủ mọi người hãy sống thật tốt, để đến lúc chết còn có một nơi tốt đẹp mà đi về.
Tôi sinh ra ở ở một nông trường thuộc tỉnh Đông Bắc ( TQ ) , cha tôi lúc ấy phụ trách đội sản xuất. Tôi còn nhớ rõ một đêm của năm đầu 80, lúc đó tôi khoảng 11 -12 tuổi. Đêm đó kế toán Hậu đến đội sản xuất chơi, lại đúng lúc mất điện, nên cha tôi phải thắp đuốc soi.
Tôi lúc đấy còn nhỏ, nhưng rất tin chuyện tâm linh, chăm chú theo dõi cuộc trò chuyện của cha mình, cuối cùng họ nói đến vấn đề trên đời này rốt cuộc có Quỷ Thần hay không. Kế toán Hậu liền kể rằng cha của ông trong một buổi tối đi xe ngựa về nhà bị quỷ truy đuổi đến chết. Cha tôi cũng kể trước đây ở quê cũ Sơn Đông từng nhìn thấy quỷ và nghe được nhiều chuyện ma quái. Rồi cha tôi kể về một người bà con xa bị quỷ lấy mạng sau đó sống lại. Người bà con này vốn rất giàu có, nhà có nhiều tài sản, nên người trong thôn gọi ông là Tôn thiếu gia.
1. Quỷ vô thường lấy mạng
Chuyện xảy ra vào những năm cuối thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, ở một thị trấn huyện Vũ Thành, tỉnh Sơn Đông. Năm ấy Tôn thiếu gia chừng 30 tuổi. Một ngày, ông đi sang bên thôn bên cạnh ăn cỗ, ở nhà người ta ăn uống no say cho đến nửa đêm. Nhà đó vì lo lắng trên đường về đêm hôm không an toàn, hơn nữa đêm đó lại là đêm 15/7 Âm lịch, cũng lo sợ ông gặp tà ma, nên giữ Tôn thiếu gia nghỉ lại qua đêm. Nhưng mà giữ mãi không được, đành đưa cho Tôn thiếu gia một cái roi da nhỏ, nói là có thể trừ tà. Cứ như vậy Tôn thiếu gia đi xe đạp về nhà.
Đến giữa một cánh đồng hoang, Tôn thiếu gia đang từ từ đạp xe, đột nhiên từ xa tiến đến hai bóng người. Dưới ánh trăng sáng, nhìn thấy hai người kia trên thân khoác áo choàng dài, đội mũ nhọn cao, một đen một trắng, cầm trong tay khóa sắt, đứng chặn giữa đường. Tôn thiếu gia đột nhiên ớn lạnh, lông tơ dựng đứng: “Hỏng rồi, đây chẳng phải quỷ vô thường đến đòi mạng hay sao?”. Vừa nghĩ xong, xe đạp đã tiến đến trước hai người kia, trong đó một người giữ tay lái, một người giơ xiềng xích lên quấn vào đầu ông.
Tôn thiếu gia lúc này sợ hãi vô cùng, liền theo bản năng sinh tồn, vung tay lấy roi da nhắm thẳng Quỷ vô thường mà quất, sau đó dùng hết sức đạp xe tiến lên. Lúc này chỉ nghe “rầm” một tiếng, Quỷ vô thường từ phía sau ném sợi dây xích về phía cổ Tôn thiếu gia. Trong ánh sáng nhập nhoạng, Tôn thiếu gia bắt lấy sợi dây xích ném trở lại, tiếp tục thục mạng lao xe về phía trước, cứ như thế lặp lại vài lần. Ông đạp xe như bay, lại nghe tiếng “loảng xoảng, loảng xoảng”, dây xích sắt quất mạnh vào phía sau xe. Tôn thiếu gia vẫn không dám quay đầu lại nhìn, ông biết quỷ vô thường vẫn đuổi theo ở phía sau, chỉ cần tay của bọn chúng với được chỗ ngồi đằng sau xe thì coi như là tiêu rồi.
Lúc ấy ông gần như mất hết ý thức, chỉ là theo bản năng gắng sức đạp xe chạy trối chết. Cứ như thế dưới ánh trăng, hai người đuổi một người trốn, cuối cùng đã chạy đến đầu thôn.
Lúc này đã là khoảng 3-4h sáng, vừa hay đầu thôn có một nhà dân mở cửa sáng đèn. Tôn thiếu gia nhìn thấy ánh đèn, nghe thấy tiếng người, rồi bỗng nhiên “ầm” một tiếng ngã nhào xuống đất, ngất lịm đi.
Người nhà kia nghe thấy tiếng động liền chạy tới xem, chỉ thấy Tôn thiếu gia mắt nhắm chặt, miệng trào bọt trắng, hôn mê bất tỉnh, vội kêu người đưa ông vào trong nhà.
Hôm đấy người nhà Tôn thiếu gia lo lắng chạy vạy khắp nơi, tìm đến mấy thầy thuốc cứu chữa nhưng cũng đều vô dụng. Tôn thiếu gia vẫn hôn mê bất tỉnh, cũng không biết bị bệnh gì, cứ như vậy suốt một ngày. Đến chiều tối muộn, trong hôn mê Tôn thiếu gia nhìn thấy Hắc Bạch Vô Thường cầm xiềng xích từ ngoài phòng tiến vào, đến trước mặt ông, nhìn ông nói: “Người như thế này làm sao mà chạy thoát”. Nói xong lấy xích sắt trói đầu ông lại, lôi ông ra khỏi phòng. Tôn thiếu gia vừa mới bước ra khỏi phòng, chợt nghe thấy trong phòng có tiếng khóc lớn, ông biết “xong rồi, lúc này là chết thật rồi”.
2. Du lịch âm phủ
Tôn thiếu gia bị quỷ vô thường lôi đi ra khỏi thôn. Trong giây lát, một tòa thành cao lớn đứng sừng sững trước mặt ông. Đi vào trong thành, lại thấy là ban ngày, ngựa xe như nước, tiếng người ồn áo náo nhiệt. Chưa kịp nhìn kỹ, Tôn thiếu gia bị lôi đến trước cửa phủ, trên cửa kia có dán ba chữ to “Phủ Hoàng Thành”. Trong phủ có một vị lão hòa thượng đang ngồi, Tôn thiếu gia nhìn kỹ, kinh ngạc nói: “Ô, chẳng phải sư phụ đây sao”. Rồi bước lên phía trước cung kính chào. Hòa thượng kia cũng cảm thấy bất ngờ, nói: “Đồ nhi à, tại sao lại là ngươi, làm sao mà ngươi đến được nơi đây?”.
Nguyên là, ở bên ngoài thị trấn có một ngôi miếu, mà lão hòa thượng này khi còn sống là trụ trì của ngôi miếu này. Tôn thiếu gia trước đây đã bái lạy lão hòa thượng làm thầy, cho nên giờ mới nhận ra. Tôn thiếu gia vội trả lời: “Là Quỷ vô thường đem con đến nơi đây”.
Lão hòa thượng kia vội vàng gọi quỷ sai mang ra bộ sách sinh tử để xem xét, xem xong nói với Tôn thiếu gia: “Đồ nhi à, ngươi dương thọ chưa hết, xem ra bắt nhầm người rồi. Nhưng nếu đã đến đây rồi, hãy ở lại chơi một ngày, sau đó sẽ cho ngươi trở về”.
Tôn thiếu gia liền đồng ý, bèn hỏi thành này là nơi đâu. Lão hòa thượng nói: “Tòa thành này chính là ngôi miếu ở bên ngoài thị trấn trên dương gian, sau khi ta chết được phong làm Thần Thành Hoàng ở đây, trông coi thành này và các hồn phách của thế nhân các vùng lân cận. Nơi này cũng chưa thực sự là âm tào địa phủ, toàn bộ tội hồn vừa mới chết đều bị giam giữ lại trong thành đây, trước tiên trải qua màn xét hỏi nghiêm khắc, sau đó bị tra tấn, rồi mới được giải đến Diêm Vương điện, đó mới là âm phủ thật sự. Trong thành ban ngày thì trên dương gian là ban đêm, ngoài đó ra, còn lại là giống với dương gian”.
Nói chuyện một lúc, Thành Hoàng dẫn Tôn thiếu gia đi dạo trong thành. Tôn thiếu gia đi lang thang trong thành, thấy nơi này có người, có chợ mua bán, cuộc sống sinh hoạt không khác mấy với dương gian.
Đang đứng giữa các quầy hàng, Tôn thiếu gia đột nhiên nhìn thấy đứa con trai chừng 8 tuổi của mình từ trong đám đông chạy tới, ông kinh hãi nói: “Thằng nhóc này sao lại theo ta đi tới đây”. Rội vội gọi tên đứa bé, nhưng cậu bé kia vẫn lờ đi, Tôn thiếu gia đưa tay ra túm lấy, nhưng đứa trẻ đã chạy vào đám đông lẩn trốn mất, tìm không thấy nữa. Lúc sau, Tôn thiếu gia lại nhìn thấy ba vị là người cùng thôn với ông, ông hỏi họ nhưng họ cũng lại lờ đi, 3 người này trên người đều lộ vẻ bị bệnh. Tôn thiếu gia nhớ rõ ràng ba người họ trên thế gian đều là những người sống tốt, tại sao lại gặp ở chỗ này, thật là kỳ quái.
Trời dần dần tối, Tôn thiếu gia trở lại phủ Thành Hoàng. Thành Hoàng nói mấy người kia dương thọ sắp hết, đều là bị bệnh mà chết. Tôn thiếu gia vốn muốn cứu lấy đứa con của mình, Thành Hoàng lấy bộ sách sinh tử đưa cho ông xem, Tôn thiếu gia xem xong thì đành phải từ bỏ ý định.
Cuối cùng đã đến giờ, Thành Hoàng và Quỷ vô thường tiễn Tôn thiếu gia ra về. Đi ra cửa thành, chỉ nhìn thấy một mảng tối đen, đang do dự, chợt Tôn thiếu gia cảm thấy bị đẩy mạnh sau lưng, kinh hãi kêu một tiếng rồi ngã nhào về phía trước.
3. Kỳ tích sống lại
Tôn thiếu gia cảm thấy mình bị đẩy ngã về phía trước, kêu to một tiếng, sau đó mở mắt ra nhìn, lại phát hiện mình đang nằm trong quan tài rồi, chỉ nghe thấy tiếng khóc rên rỉ xung quanh. Ông biết người nhà mình đang túc trực bên linh cữu, vì thế đập mạnh quan tài kêu to: “Tôi chưa chết, mau đưa tôi ra ngoài đi”.
Người nhà ông đang đau thương, chợt nghe ông từ trong quan tài kêu lớn, thì sợ đến mức hồn bay phách lạc. Mọi người xung quanh đều nghi nghi hoặc hoặc, may là lúc này trời hãy còn sáng, có mấy người gan lớn vừa nơm nớp lo sợ vừa mạnh dạn tiến đến, mở nắp quan tài ra. Tôn thiếu gia ngồi dậy, nhắc lại: “Tôi thực sự chưa chết, mau đưa tôi ra ngoài đi”. Người nhà nhìn thấy ông bộ dạng cũng không có gì bất thường, liền vội vàng bế ông lên giường.
Tôn thiếu gia nói: “Tôi đói chết mất, mau cho tôi ăn chút gì đi”, người trong nhà lại được một phen sợ đến rụng rời chân tay. Sau khi ông ăn uống no nê, hồi phục lại tinh thần, mới bắt đầu kể lại đầu đuôi trải nghiệm của mình. Mọi người nghe xong thì nửa tin nửa ngờ, cũng lại vừa kinh sợ. Điều làm cho họ không thể không tin chính là, đêm đó Tôn thiếu gia bị Quỷ vô thường truy đuổi, dùng xích sắt quất lên chỗ ngồi phía sau xe đạp, nay vẫn còn để lại dấu vết rõ ràng.
Mấy ngày sau, con trai của Tôn thiếu gia bỗng nhiên bị bệnh nặng, người nhà cuống quít tìm thầy y cứu chữa. Tôn thiếu gia vì đã biết trước sự tình nên cũng không lấy làm quá bất ngờ, chỉ khuyên người nhà đừng quá đau buồn; vài ngày sau đứa trẻ qua đời.
Tôn thiếu gia tìm gặp ba người cùng thôn, nói cho họ biết rằng bọn họ bị bệnh gì, khi nào thì chết, khuyên bọn họ nên tranh thủ vui sống, và chuẩn bị hậu sự. Không lâu sau, quả nhiên ứng nghiệm, ba người kia lần lượt qua đời. Từ đó, chuyện Tôn thiếu gia từ cõi âm trở về truyền rộng khắp nơi. Cũng từ đó, Tôn thiếu gia sống thảnh thơi nhàn nhã, không còn mấy quan tâm đến sự đời.
Về sau Tôn thiếu gia lại nói với mọi người rằng, cửa thành kia mỗi năm sẽ mở cửa một lần vào ngày 14/7 Âm lịch, người trong thành sẽ đi ra ngoài, có ai muốn nhìn thấy thì đi cùng ông. Ngoài người nhà của ông ra thì không ai dám đi cùng. Nghe nói con chó nhà ông cứ đến ngày rằm lại sủa ầm ỹ. Từ đó, Tôn thiếu gia trở thành một người thần bí trong mắt mọi người xung quanh.
Sau này, vào thời Đại Cách mạng Văn hóa, ngôi miếu đó đã bị phá hủy, tin tức về Tôn thiếu gia ra sao tôi cũng không biết rõ nữa.
Lời kết:
Đối với những câu chuyện về âm gian, từ xưa đến nay, đều có ghi chép hoặc kể lại. Vậy những câu chuyện này muốn nhắn gửi điều gì đây?
Ở bề ngoài là chuyện Âm ty bắt nhầm người, kỳ thực đều là được Thần an bài. Cứ đến mỗi thời điểm khác nhau, Thần liền an bài một số người đến Âm phủ, địa ngục du ngoạn, sau đó sống lại đem kể lại sự tình cho mọi người nghe. Mục đích chính là làm cho người ta tin tưởng rằng sau khi chết sẽ có luân hồi báo ứng, do đó khi còn sống phải hiểu được thiện ác có báo là chân thật, tích đức làm việc thiện mới có phúc báo về sau.
Nhưng mà, ngày nay ở nhiều nơi con người bị truyên truyền và đầu độc bởi thuyết vô Thần và các loại văn hóa độc hại, khiến người ta không còn tin Quỷ Thần, bất kính với Trời Đất, đạo đức ngày càng bại hoại. Không tin thiện ác có báo quả thật rất đáng sợ, nó khiến cho người ta có thể vì tiền mà không điều ác nào không dám làm.
Đối với những ai không tin chuyện Quỷ Thần, có lẽ sẽ nghi ngờ những câu chuyện như trên. Kỳ thực trên đời này, đối với mọi sự tình mà nói, có thật thì có giả, có đúng thì có sai; đối với con người mà nói, có thiện thì có ác, có tốt thì có xấu; đối với vạn vật trong vũ trụ mà nói, có người thì có quỷ, có Phật thì có ma. Tin hay không, cũng không thể cưỡng cầu.
Bảo An, theo epochtimes.com
Thầy còn pháp môn nào thoát khỏi sanh tử kg thầy.con niệm phật kg giác ngộ vẫn còn tham sân si và phiền não.kg thấy bình an thanh thản gì cả
A Di Đà Phật
Bạn Lục Mỹ Hầu,
1/ Nếu bạn niệm Phật mà có thể lập tức giác ngộ thì bạn đã không phải là người phàm nữa rồi. Điều này có thể hiểu vì sao bạn vẫn còn đầy dẫy tham, sân, si, vì đó là điều bình thường của một người phàm như chúng ta. Các bậc giác ngộ trong đó có có Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật khi các Ngài tu hành trong nhân địa cũng đều phải trải qua từng bước để chuyển hoá tâm phiền não, cũng có những lúc cảm thấy bất an, niềm tin không vững chắc cũng dấy khởi. Nhưng khác là ngay khi những ý niệm không chân chánh đó khởi lên, lập tức các ngài đã nhận biết và chuyển hoá và thanh tịnh niệm đã hiện tiền. Điều này có thể lấy pháp niệm Phật để làm một hình thức so sánh cho bạn dễ hiểu.
Khi chưa niệm Phật, chúng ta đều nghĩ chúng ta sống rất OK, còn gọi là rất bình thường. Đúng hay sai. Rất đúng! Nhưng là lẽ đúng của phàm phu sanh tử, nghiệp chướng sâu nặng. Từ nhiều đời, nhiều kiếp huân tập những niệm sanh tử luân hồi này và sống với nó nên chúng ta quen và coi nó là bạn. Nay có người bảo: Quý vị sai rồi. Sống như vậy là vô minh, mê mờ, không thấu nhân quả, sống như vậy sẽ tiếp tục trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Để tin và tin tuyệt đối vào lời chỉ bảo này thật không dễ và chúng ta cũng không nên quá vội vã để tin tưởng, bởi niềm tin phải có sự kiểm chứng. Bằng cách nào? Hãy dùng 6 hay 4 câu Phật hiệu làm pháp kiểm chứng cái tâm vô minh, điên đảo, mê mờ nhân quả của chúng ta, bằng cách ngồi xuống, dành cho mình 3-5 phút thôi. Hãy dùng 6 hay 4 câu Phật hiệu, niệm liên tục không gián đoạn và các bạn hãy dõi theo trong quá trình niệm Phật hiệu đó có bao nhiêu niệm vô minh, điên đảo dấy khởi? Nếu ai đó nói: tôi niệm cả 5-10 phút, ngoài Phật hiệu ra, không mảy may có niệm nào khác dấy khởi. TĐ xin chúc mừng bạn. Thiện căn của bạn với pháp niệm Phật là khá sâu dày, nhưng đừng vội mừng rỡ mà hãy biến thử nghiệm đó thành thực nghiệm hàng ngày, bằng cách lập thời khoá tu học và niệm Phật mọi lúc, mọi nơi. Nếu kết quả cũng tương ưng như khi thử nghiệm, có thể nói các bạn là người đầy đủ thiện, căn, phước đức, nhân duyên để một đời này vĩnh ly sanh tử.
Thực tế thì rất ít trong chúng ta có và đạt được thiện căn đó, mà phải trải qua quá trình cần mẫn tu học, đúc kết không mỏi mệt may ra chúng ta mới gặt hái được.
TĐ nói vậy để bạn hiểu rằng pháp môn niệm Phật chính là pháp đưa bạn ra khỏi con đường sanh tử luân hồi, ngoài pháp này ra bạn không còn pháp nào khác. Bởi tu thiền, tu mật bạn phải thực có thiện căn thật sâu dày từ vô thỉ kiếp, bên cạnh phải luôn có minh sư hướng dẫn, chỉ dạy kịp thời, may ra bạn đi đúng đường, nhưng đến được cõi nào, đây là câu hỏi không nhỏ. Nhưng pháp niệm Phật thì chỉ cần bạn phát khởi niềm tin tưởng tuyệt đối, không chao đảo, không hoài nghi và quyết tâm hành trì không thoái chuyển, ngày qua ngày sẽ có kết quả như nguyện.
2/ Cái khó của chúng ta tu thời này vì nghiệp chướng quá sâu dày, tâm háo cầu, háo thắng, hám danh, hám lợi, mong mau chóng đắc quả luôn dấy khởi, vì thế mới tu ít ngày nhưng đã cầu đắc quả. So với nhân quả là hoàn toàn trái ngược. Bởi một hạt thóc muốn nảy mầm bạn ắt phải gieo xuống đất, phải chăm sóc nó để không bị sâu dày phá hại, kế đó hạt thóc mới lên thành cây mạ. Từ mạ đến trổ đòng, kết bông lúa, chín hạt là một hành trình dài lâu mới có được. Bạn vừa gieo thóc mà đã mong có lúa để gặt, khác nào nhấc mạ kéo lên khỏi ruộng buộc nó trổ đòng?
3/ Niệm Phật chẳng dễ như mọi người hiểu. Điều này phải đi vào hành trì kiên định mới có thể nhận ra. Tuy nhiên đó là pháp dễ nhất trong các pháp bởi nương pháp này chúng ta có thể tu học bất cứ thời gian, không gian và hoàn cảnh nào. Lý là vậy, nhưng Sự thì cũng như thiền, mật, các pháp đều phải trải qua 3 giai đoạn:
– Văn tự bát nhã.
– Quán chiếu bát nhã.
– Thực tướng bát nhã.
Bát nhã là trí huệ. Muốn sanh huệ, trước nhất chúng ta phải tìm hiểu, học hỏi thật kỹ văn tự, tức kinh pháp liên quan tới pháp mình tu học. Kế đó tiến bước thứ 2 là quán chiếu những điều đã học, áp dụng vào thực tế cuộc sống tu học. Thứ 3 nhờ áp dụng kiến thức và đúc kết tu học, dần dần chúng ta thấy được thực tướng của các pháp đang diễn ra xung quanh chúng ta và tự tánh không sanh diệt của bản thân. Ba giai đoạn này bắt buộc chúng ta phải đi qua, bỏ 1 trong 3 chúng ta không thể thành tựu. Điều này giống như chúng ta xây nhà lầu, muốn vững chắc thì nền móng phải vững chắc và phải xây theo thứ tự từng tầng lầu một, chẳng thể không móng mà cất lầu ngay trên không được.
TĐ hy vọng bạn có cách nhìn sâu sắc hơn với pháp mình đang tu thì sự tu mới có kết quả. Phật dạy: các pháp chỉ là thuyền, chèo thuyền phải là chính chúng ta. Nhưng đến được bờ hay không phải do sự khéo léo và tinh tấn của mỗi người.
Mong bạn sáng suốt và tinh cần tu học.
Các cô các chú cho con hỏi một chút ạ
Con là người đi xuất khẩu lao động đang làm việc ở Đài Loan, con muốn hỏi là các cô chú có biết có Phật đường hay hội quán nào ở Khu vực Đài Bắc Đài Loan thường tổ chức niệm Phật hoặc giảng kinh không ạ. Con muốn ngày nghỉ đến Phật đường để học hỏi ạ. Con xin cảm ơn ạ.
A Di Đà Phật
Thưa mọi người xin cho con hỏi một chuyện. Chẳng là con sắp phải đi xa nhà vài ngày và phương tiện là tàu hỏa và máy bay. Đó giờ con là người sợ độ cao và phương tiện giao thông lớn. Xin mọi người chỉ con cách niệm Phật để được an toàn và bình tĩnh trong suốt hành trình ạ. Con xin cảm ơn!
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Khúc Mắc,
Nếu nhà có bàn thờ Phật, trước ngày lên đường, bạn đối trước bàn thờ thưa cùng Tam Bảo những lời như sau:
Con họ, tên…pháp danh (nếu có) có duyên sự xin thưa trước Tam Bảo. Ngày…tháng…năm con phải đi xa nhà 4 ngày bằng phương tiện (tên phương tiện như máy bay, tàu…). Nhưng do tâm con luôn thường hoảng sợ mỗi khi phải sử dụng phương tiện này, nay con đối trước chư Phật, chư Bồ tát, chư Hiền Thánh Tăng, chư Hộ pháp, nguyện mong các Ngài gia hộ cho con vượt qua được nỗi sợ hãi này trong suốt quãng hành trình, giúp cho con hoàn thành được những công việc mà con phải hoàn tất. Con xin nguyện niệm hồng danh Quán Thế Âm Bồ Tát trong suốt quãng hành trình, nguyện mong đức Quán Thế Âm khởi tấm lòng từ giúp con tịnh hoá thân tâm trong suốt hành trình từ ngày…tới ngày. Con xin nguyện trong suốt hành trình chỉ làm việc thiện, quyết không làm việc ác và nguyện đem phước thiện này hồi hướng tận hư không giới chúng sanh, đồng sanh về Tịnh Độ.
Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát ( 3 lần / một lạy)
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát tác đại chứng minh. ( 3 lần / một lạy).
Khi đã phát nguyện rồi, bạn phải thực hành theo đúng lời nguyện thì mọi chuyện đều như ý.
Chúc bạn an lạc.
Cho em hỏi cái này được không ạ, nếu mà em lỡ đốt nhang bị gãy phần thân dưới thì tội có nặng không ạ? Hổm em không biết em cắm mạnh quá cái cây nhang bị gãy phần thân cắm phía dưới, em thấy bình thường em vẫn cắm vào ly hương. Rồi ly hương nhà em bị cháy vì phần thân dưới nó bắt lửa với các tàn nhang cũ, em không biết tội có nặng không? Xin hãy giải đáp giúp em . Em cảm ơn rất nhiều ạ.