Vua A Kỳ Ðạt lúc lâm chung bị người hầu [chuyên giữ việc] đuổi ruồi dùng phất trần phất qua mặt, vì khởi lên một niệm sân hận nên bị đọa làm rắn độc. Một người đàn bà vượt sông, xẩy tay, đứa con rơi xuống nước; do cứu con nên cùng bị chìm. Vì bà từ tâm nên được sanh lên trời.
Chỉ do một niệm Từ hay Sân mà phân ra trời và súc sanh. Như vậy, há đâu chẳng dè dặt một niệm duyên sanh lúc lâm chung sao? Nếu như đem tâm này duyên niệm đức Phật Di Ðà, cầu sanh Tịnh Ðộ thì lẽ đâu chẳng được thấy Phật vãng sanh? Nhưng nhất niệm ấy chẳng thể cầu may mà có được, cần phải dốc tấm lòng thành, giữ cho tinh thuần.
Vì vậy, chúng ta phải ngàn niệm, vạn niệm một câu A Di Ðà này, niệm suốt ngày, suốt năm, không gì là chẳng vì để một niệm này được thuần thục mới thôi. Nếu quả thật đã đạt một niệm thuần thục thì lúc lâm chung sẽ chỉ có một niệm này, không còn niệm nào khác.
Trí Giả đại sư nói: “Hễ lâm chung tâm tại định thì tâm ấy là tâm thọ sanh Tịnh Ðộ”. Chỉ một niệm này, không niệm nào khác, há chẳng phải là tâm định hay sao? Nếu quả thật niệm được như thế mà chẳng thấy A Di Ðà Phật thì sẽ thấy ai đây? Chẳng sanh Tịnh Ðộ sẽ sanh cõi nào đây? Chỉ sợ chúng ta chẳng tự tin nổi đấy thôi!”
Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích yếu Ngữ Lục của đại sư Mộng Ðông Triệt Ngộ đời Thanh
Cứu Cha Mẹ Thoát Địa Ngục Nhờ Tạo Tượng Phật A Di Đà
https://www.youtube.com/watch?v=8GY_Ky7c_iM
A Di Đà Phật.
1.Cho con hỏi niệm kinh bằng tiếng Việt và Tiếng Pali khác nhau như thế nào.Tại vì con ở miền Tây ở chùa người dân tộc Khmer đọc kinh bằng tiếng Pali. Ở đây các sư không ăn chay họ vẫn ăn mặn bình thường.Với lại con đọc ở đâu đó nói rằng Pali là ngôn ngữ phật giáo nguyên thủy nên dễ ứng nghiệm hơn.Vậy ngôn ngữ nào tốt hơn?
2.Mỗi ngày niệm phật và tụng chú đại bi.Vậy có phải tạp tu không và con nên chuyên 1 cái thôi hay là vẫn giữ thế này.
Nam mô a di đà phật.
A Di Đà Phật
Chào bạn Đại Từ Bi!
1. Nếu chúng ta nghĩ rằng dùng tiếng Pali để trì Kinh niệm Chú ứng nghiệm hơn tiếng Việt, vậy thì chúng ta biết Phật mà chẳng hiểu gì về Phật. Phật chỉ có tâm từ bi, trí huệ; nay ta lại cho rằng Phật chấp vào ngôn ngữ, nghĩ như vậy thì cho dù có niệm Kinh trì Chú đến khô hơi khản tiếng chẳng ứng nghiệm thật. Nên nhớ Phật “xét” cái tâm, hãy dùng cái tâm chân-thành-kính mà hành trì ắt được cảm ứng.
2. Xưa Phật còn tại thế, lúc đầu Phật không chế giới ăn chay cho hàng tu sĩ, chỉ vì Ngài không muốn gây sự phiền hà cho thí chủ cúng dường, ai cúng dường thức gì thì thọ thực thức ấy. Đến khi một tỳ kheo bị ốm vì quá thèm thịt, một nữ tín đồ không tìm ra thịt đã hiến thịt của mình mà cúng dường vị tỳ kheo ấy. Từ đó Phật mới chế ra giới ăn chay cho hàng xuất gia.
Ta là hàng tại gia, đừng phân vân thắc mắc vấn đề chay mặn của hàng xuất gia. Hiện nay vẫn còn một số vị xuất gia tu hạnh đầu đà, các vị ôm bát khất thực ai cho gì ăn nấy. Với họ thức ăn là duyên duy trì thân mạng, họ chẳng tham luyến vào hương vị của vật thực. Còn chúng ta khi cho vào miệng một miếng thịt thì thấy thơm ngon hơn là một miếng rau thì ăn chay là việc rất nên. Bởi sự tham luyến hương vị thơm ngon của miếng thịt nên ta là nơi tiêu thụ thịt của các lò sát sinh, là gián tiếp sát sinh haị mạng, nợ mạng chúng sanh vậy.
3. Với hành gia tu Tịnh độ nên lấy việc niệm Phật làm chính. Đọc Kinh, trì Chú nếu giúp tăng trưởng tín tâm thì đó gọi là trợ hạnh. Còn giả như niệm Phật, trì Chú song hành thì thật không nên. Một niệm lúc lâm chung quyết định sự thác sinh, nếu lúc ấy một niệm Chú […] hiện khởi liền mất phần vãng sanh. Bởi thế ngay từ bây giờ niệm niệm đều là A Di Đà Phật. Phút lâm chung chẳng niệm nào ngoài A Di Đà Phật thì nắm chắc vãng sanh.
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Sinh về cõi nào do phước báu, nghiệp lực đã tu tạo, tích luỹ cả đời này (và cả nhiều đời trước) mà định thành. Sao lại chỉ một niệm lúc lâm chung vậy phước báu, nghiệp lực và quá trình tu tập cả cuộc đời không tạo ra thiện căn đủ sâu dày để quyết định chốn vãng sinh?
Có điều chưa tỏ tường, kính mong các thầy và các liên hữu hoan hỉ giải thích,
Chào bạn Tịnh Hiếu,
Xin được chia sẻ với bạn như sau, bạn hãy tham khảo nhé.
Chắc bạn đã biết có 4 loại nghiệp chi phối cảnh giới tái sanh của một chúng sanh, đó là Trọng yếu nghiệp, Cận tử nghiệp, Thường hành nghiệp và Nghiệp thường. Bài viết trên đây nhắc đến Cận tử nghiệp, là nghiệp thiện/ác do chúng sanh nhớ lại hoặc tạo ra ngay khi lâm chung. Vì tính chất quan trọng quyết định của loại nghiệp này mà người tu nào cũng phải dè dặt và gắng tu hết sức. PH cho rằng chúng ta trong bao nhiêu đời kiếp đến nay vẫn còn luân hồi, trong quá khứ chắc chẳng có nghiệp ác nào mà mình không làm, chẳng qua mình không nhớ thôi, cho nên trong một số trường hợp, có thể những nghiệp thiện mà ta đã tu tập trong đời hiện tại không đủ sức tạo thành nghiệp thiện Trọng yếu, nên bị nghiệp cận tử này chi phối.
Nếu một hành giả tu Tịnh Độ có đủ Tín Nguyện và công phu đạt đến mức nhất tâm bất loạn, thì như vậy đã tạo ra nghiệp thiện Trọng yếu và sẽ tự tại vãng sanh mà không e ngại bị Cận tử nghiệp chi phối. Còn với những vị công phu chưa đạt được mức đó, thì có lẽ cũng đừng quá lo lắng bởi vì như đại sư Ngẫu Ích đã dạy, “vãng sanh hay không là ở nơi tín, nguyện”. Trong pháp môn Tịnh Độ có một lực rất quan trọng đối với người tu, đó là tha lực, là nguyện lực tiếp dẫn của đức Phật A Di Đà. Chính nhờ tín, nguyện thiết tha, chân thật, thường xuyên niệm Phật không quên (là Thường hành nghiệp), cảm ứng với nguyện lực tiếp dẫn của đức A Di Đà mà người tu niệm Phật sẽ được vãng sanh như nguyện. Mặc dù không quá lo, nhưng như đại sư Mộng Đông Triệt Ngộ trong bài viết trên đã dạy, chúng ta cần phải dè dặt mà gắng tu, gắng thực hành trong mỗi lúc có thể, đó mới gọi là chân thật tín, nguyện, hành.
Chúc bạn thường tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
TH xin hoan hỉ cám ơn khai ngộ của cư sỹ Phước Huệ.
Chào các bạn đồng tu .
Nam Mô A Di Đà Phật .
Vì có 1 bạn cũng lấy cùng danh hiệu Thiện Tâm , và sợ rằng bất đồng quan điểm sẽ gây ra những hiểu lầm nên từ nay tôi sẽ lấy danh hiệu là Trở Về Chân Tâm . Tôi chỉ có 1 mục đích duy nhất là muốn tất cả các bạn tin sâu vào pháp môn Tịnh Độ và niệm Phật tinh tấn để chúng ta cùng vãng sanh cõi Cực Lạc , tu tới khi được Vô Sanh Nhẫn , rồi trở lại trần thế này để cứu độ vô số chúng sanh khác nữa, ngõ hầu đáp lại phần nào Ân Đức sâu nặng của Đức Thích Ca Mâu Ni và Đức A Di Đà Phật .
Phật pháp thật là cao siêu , nhiệm mầu và khó hiểu cho phàm phu tục tử chúng ta . Lại càng khó hiểu hơn nữa khi các kinh sách đều được dịch từ chữ Phạn qua chữ Hán , rồi mới dịch qua chữ Việt . Một bản kinh chữ Phạn được dịch sang nhiều bản kinh chữ Hán , rồi những bản kinh chữ Hán đó được dịch sang nhiều bản kinh chữ Việt . Vì vậy , những lời vàng ngọc của Phật chắc chắn sẽ không còn đúng y như Ngài muốn nói và do đó , đôi khi sẽ tạo ra hiểu lầm ý Phật . Các kinh đạo Chúa được dịch từ chữ Do Thái sang chữ Anh , rồi mới dịch sang chữ Việt , và cũng tạo ra hiểu lầm ý Chúa . Tuy nhiên , Đức Phật thường hay dùng nhiều lời khác nhau để diễn tả ý Ngài ở nhiều nơi khác nhau trong cùng 1 kinh , và ở nhiều kinh khác nhau nữa . Vì thế , nếu ta chịu khó đọc nhiều bản dịch chữ Việt của cùng 1 kinh , và đọc thêm nhiều kinh khác nữa , và nếu có khả năng đọc thêm các bản tiếng ngoại ngữ như chữ Hán hay chữ Anh , thì ta có thể hiểu được phần nào ý Phật muốn nói . Để chứng minh , tôi trích 2 phần trong 2 bản dịch chữ Việt của kinh Đại Bát Niết Bàn . Sau đây là phần 1 trong phẩm Bốn Tướng , Tuệ Khai cư sĩ dịch trong link này http://tangthuphathoc.net/kinhtang/375-7.html
{ Này Thiện nam tử ! Ông chẳng nên đồng sở kiến của bọn Ni Kiền kia ! Như Lai đã chế ra tất cả cấm giới đều có ý khác. Ý khác nên cho phép ăn ba thứ tịnh nhục; tưởng khác nên đoạn tuyệt mười thứ thịt; tưởng khác nên tất cả đều đoạn và tự chết (?). Này Ca Diếp ! Ta từ hôm nay chế các đệ tử chẳng được ăn tất cả thịt nữa. }
Sau đây cũng là phần kinh đó , hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch trong link http://tangthuphathoc.net/kinhtang/374-7.html
{ Nầy Ca Diếp! Chẳng nên có kiến chấp đồng với bọn lõa thể ngoại đạo kia. Bao nhiêu giới cấm của Như Lai chế ra đều có dị ý. Vì dị ý nên cho ăn ba thứ tịnh nhục. Vì dị ý nên cấm ăn mười thứ thịt. Vì dị ý nên cấm tất cả thứ thịt đều không được ăn, dầu là thịt của con vật tự chết. Nầy Ca Diếp! Từ nay Như Lai cấm các đệ tử không được ăn tất cả thứ thịt. }
Ta thấy hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch đúng và hợp lý hơn ( ” dầu là thịt của con vật tự chết ” , thay vì ” nên tất cả đều đoạn và tự chết”)
Đây là phần 2 trong phẩm Bốn Tướng , Tuệ Khai cư sĩ dịch trong link http://tangthuphathoc.net/kinhtang/375-7.html :
{ Sau khi ta Niết Bàn vô lượng trăm năm, ở bốn đường, Thánh nhân đều lại Niết Bàn, sau khi chánh pháp diệt, ở trong đời tượng pháp, sẽ có Tỳ kheo với dáng vẻ giữ gìn luật mà ít đọc tụng Kinh, ham thích ăn uống, nuôi lớn thân mình. }
Đây cũng phần kinh đó , hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch trong link http://tangthuphathoc.net/kinhtang/374-7.html :
{ Sau khi Như Lai nhập niết bàn, các bực tứ quả Thánh Nhơn đều lần lượt nhập niết bàn. Sau khi chánh pháp diệt, trong thời tượng pháp, sẽ có các Tỳ Kheo in tuồng trì luật, ít đọc tụng kinh, tham ưa ăn uống, lo bồi bổ thân thể . }
Ta thấy hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch đúng và hợp lý hơn ( ” các bực tứ quả Thánh Nhơn ” , thay vì ” ở bốn đường, Thánh nhân” ) . Các kinh khác cũng có sự dịch sai chút ít như thế . Tuy nhiên , ta có thể tin phần lớn các kinh đều đúng cả . Phật đã biết rõ các chướng ngại và khó khăn của chúng sinh trên đường tu tập thời nay nên Ngài dạy rằng ” y nghĩa , bất y văn ” . Hơn nữa , vì rất thương chúng sinh , và sợ rằng chúng sinh tu thiền sai lầm sẽ lọt vào ma đạo nên Ngài đã dạy pháp môn niệm Phật vô cùng đơn giản và dễ dàng . Chỉ cần tín , nguyện , hạnh và thường xuyên trì danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật là đủ , và chẳng phải lo ngại kinh Phật dịch đúng hay sai gì hết .
Nhiều bạn thắc mắc rằng mình phải tu niệm Phật như thế nào mới được vãng sanh ,và nếu không được vãng sanh thì có phải uổng công niệm Phật hay không ? Để biết rõ câu trả lời , ta cần biết quá trình tái sanh diễn tiến như thế nào và cái gì đi đầu thai . Đức Phật dạy rằng thân xác tứ đại của ta sẽ chết đi , và thần thức ( còn gọi là A Lai Da thức , vong linh , hay linh hồn ) trong thân sẽ xuất ra và bị nghiệp kéo đi đầu thai 1 trong 6 cõi . Có 4 loại nghiệp là trọng nghiệp , tích lũy nghiệp , thói quen nghiệp và cận tử nghiệp . Nhiều người nói rằng trọng nghiệp nếu có , là quan trọng nhất và sẽ lôi ta đi đầu thai , bất chấp các nghiệp kia mạnh hay yếu . Thật ra không phải vậy , cận tử nghiệp là quan trọng nhất và sẽ kéo ta đi đầu thai bất chấp các nghiệp kia mạnh hay yếu . Giống như khi ta mở cửa chuồng bò , con nào gần cửa nhất sẽ ra trước , dù cho nó có yếu nhất đi nữa . Tổ Ấn Quang nói ” Lúc người sắp chết chính là lúc phân biệt giữa thánh phàm, người, quỷ, tình trạng khác nào ngàn cân treo đầu sợi tóc; khẩn yếu cùng cực .Chỉ nên dùng Phật hiệu khai thị, dẫn dắt thần thức người ấy “, và Ngài khuyên ta hộ niệm cho các người sắp chết . Trong gương vãng sanh ta thấy Trương Thiện Hòa và Trương Chung Quỳ là 2 đồ tể giết vô số trâu , bò , gà , tạo ra trọng nghiệp rất nặng . Lúc lâm chung họ thấy các trâu , bò , gà đó tới cắn xé , vô cùng đau đớn và sắp đọa địa ngục. Nhưng nhờ có thiện tri thức dạy niệm Phật và do cận tử nghiệp này đánh bại trọng nghiệp sát sanh nên họ được vãng sanh . Ngược lại , có người ăn chay niệm Phật hơn nửa đời , nhưng lúc sắp chết khởi ý niệm ác nên tái sanh làm heo , như trong link này : http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2015/09/khi-lam-chung-ac-niem-sanh-khoi-se-tai-sanh-vao-canh-ac/ . Nếu ta thường xuyên niệm Phật mỗi ngày tới khi chết, thì tích lũy nghiệp , thói quen nghiệp và cận tử nghiệp đều là thiện nghiệp niệm Phật , nên ta sẽ dễ được vãng sanh .
Khi thần thức rời xác và trước khi tái sanh thì gọi là trung ấm . Trung ấm cũng có tình kiến và hiểu biết ( Ngũ uẩn ) y như lúc còn sống . Đây là 1 đoạn trong Ấn Quang Gia Ngôn Lục do Như Hòa dịch , Phần 5 , chương VIII , Luận về Trung Ấm { Trung Ấm tuy lìa thân xác, nhưng vẫn có tình kiến về thân xác giống như khi chưa chết. Đã có tình kiến về thân xác, đương nhiên [nảy sanh ý niệm] phải có cơm áo để sử dụng. Do phàm phu nghiệp chướng quá nặng, chẳng biết Ngũ Uẩn vốn là không, nên [người trong trạng thái Trung Ấm] chẳng khác gì với người sống.} . Tức là , lúc sống nghiền rượu , khi chết cũng thế . Lúc sống tham sắc dục , chết cũng thế . Lúc sống hay sân hận , chết cũng vậy . Tóm lại , lúc sống tham sân si thế nào , khi chết cũng đầy những tham sân si đó . Trung ấm cũng có thần thông như : thiên nhãn thông (thấy xa vô cùng và không bị ngăn che ), thần cảnh thông (nghĩ tới đâu là hiện ra ở đó ngay lập tức và đi xuyên qua mọi vật cản ) . Một đoạn trong kinh Đại Bửu Tích , phẩm Phật thuyết nhập thai tạng { Phàm thân trung ấm thì đều có thần thông đi trong hư không, như thiên nhãn ở xa thấy chỗ thọ sanh.} trong link này http://tangthuphathoc.net/kinhtang/310-4.2.html . Nhưng khi trung ấm nhập vào thai mẹ thì mất hết thần thông và không thể thoát ra được . Nhiều người hiểu lầm rằng sau khi chết thì tùy theo tội nặng nhẹ , Diêm Vương sẽ quyết định cho ta đầu thai vào 1 trong sáu cõi luân hồi . Thật ra các Diêm Vương là những Bồ Tát , có nhiệm vụ y như các Thẩm Phán trên dương thế . Họ chỉ phán xét khi có chúng sinh kiện cáo . Những nghiệp thiện ác ta tạo lúc sống đều được ghi lại trong thần thức ( vong linh ) của ta , và sẽ được chiếu lại khi ta đứng trước Nghiệt Kính đài của Diêm Vương . Vì thế ta không thể nào chối cãi các tội nghiệp được . Nhưng phần lớn chúng ta đều bị nghiệp ( kẻ thù, tức là người hay các sinh vật mà ta đã hãm hại và không siêu thoát ) kéo đi đầu thai , chẳng phải Diêm Vương quyết định . Tôi trích 1 đoạn kinh Địa Tạng trong link này http://tangthuphathoc.net/kinhtang/412nt-8.html :
{ Những người làm thiện ở Diêm-phù-đề đến lúc lâm chung cũng còn có trăm ngàn quỷ thần trong ác đạo, hoặc biến làm cha mẹ, cho đến hàng quyến thuộc và dẫn dắt người chết khiến sa vào ác đạo. Huống chi là người vốn đã tạo ác.} . Đức Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm : “nhất thiết duy tâm tạo” nghĩa là tất cả đều do tâm tạo ra . Do đó , tâm ta nghĩ tới điều gì lúc chết thì ta sẽ thấy cảnh giới tương ứng hiện ra và dẫn ta đi đầu thai . Bạn nào lúc sống hay tà dâm thì khi chết , nếu bạn là nam sẽ thấy có 1 nữ đẹp tuyệt vời đến dẫn bạn đi chơi . Tới 1 lâu đài nào đó , và khi vào trong , vì dâm tánh nổi lên nên bạn ôm chặt người nữ đó , hay đè người nữ đó xuống giường hành dâm . Nhưng bỗng nhiên , bạn thấy rằng mình đang ôm cột đồng nóng đỏ , hay đang nằm trên giường lữa đốt cháy da thịt và không thể thoát ra được . Bạn đã tự ý mình lọt vào địa ngục mà không hề hay biết . Nếu bạn là nữ thì sẽ thấy 1 người nam rất đẹp trai rủ bạn đi , và cũng bị lừa vô địa ngục y như trên . Hầu hết chúng ta tái sanh vì tham dâm dục . Khi trung ấm nghĩ tới dâm dục sẽ thấy 1 đôi nam nữ(cha mẹ tương lai) đang hành dâm , liền đến coi . Nếu tái sanh làm nam thì sẽ ghét người cha , thích người mẹ và nghĩ mình đang hành dâm với người mẹ , liền bị thu nhập vào thai mẹ . Nếu tái sanh làm nữ thì ngược lại , nghĩ mình hành dâm với người cha và cũng nhập vào thai mẹ . Tôi trích 1 đoạn kinh Đại Bửu Tích trong link này http://tangthuphathoc.net/kinhtang/310-4.1.html : { Trung ấm ấy lúc muốn thọ thai trước phát khởi hai quan niệm điên đảo. Lúc cha mẹ hòa hiệp, nếu trung ấm nam thì đối với mẹ sanh lòng yêu, với cha sanh lòng giận, lúc cha chảy tinh thì cho là của mình. Nếu trung ấm nữ thì đối với mẹ sanh lòng giận, với cha sanh lòng yêu, lúc mẹ chảy nhớt thì cho là của mình. Nếu trung ấm không khởi lòng yêu giận ấy thì không thọ sanh.} . Tuy thấy 2 người nam nữ hành dâm , nhưng khi nhập thai cũng có thể là thai của súc vật tùy theo nghiệp của mình . Dù không dâm dục , ta cũng vẫn bị nghiệp kéo đi đầu thai . Tôi trích 1 đoạn khác của kinh Đại Bửu Tích trong link này http://tangthuphathoc.net/kinhtang/310-4.2.html : { Đời quá khứ vì tạo các nghiệp mà sanh vọng tưởng có tâm niệm hiểu sai lầm, tưởng lạnh rét, tưởng gió lớn mưa lớn mây mù; hoặc nghe tiếng đông người ồn ào, tưởng như vậy rồi tùy theo nghiệp đời trước ưu hay liệt mà sanh mười thứ vọng tưởng: Nay tôi vào nhà, tôi muốn lên lầu, tôi lên đài điện, tôi lên giường ghế, tôi vào nhà cỏ, tôi vào nhà lá, tôi vào lùm cỏ, tôi vào trong rừng, tôi vào lỗ vách, tôi vào trong rào. Nầy Nan Đà! Lúc trung ấm niệm tưởng như vậy liền nhập thai mẹ.} . Nếu trung ấm lúc sống thích săn bắn nai , thì khi chết cũng thích thế . Trung ấm sẽ thấy nai hiện ra , liền đuổi theo nó để bắn . Nai chạy vô rừng , trung ấm đuổi theo sau . Khi vào trong rừng thì trung ấm liền nhập vào bụng nai cái , tái sanh làm nai để rồi sẽ bị quả báo là người khác bắn chết . Nếu trung ấm lúc sống thích ăn tiết canh vịt thì sẽ thấy có nhà hàng bán tiết canh vịt , nên tới ăn . Vừa vào nhà liền bị nhập vào thai vịt để rồi sẽ bị quả báo là người khác giết chết ăn thịt . Nếu trung ấm lúc sống thích câu cá hay lưới bắt cá , thì sẽ thấy bà con hay bạn quen rủ mình ra biển đánh cá . Khi vừa bước lên thuyền thì trung ấm liền nhập thai cá và sẽ bị quả báo là người khác bắt ăn . Do đó, nếu ta tạo ra ác nghiệp nào thì khi chết ta sẽ gặp cảnh giới tái sanh tương ứng , và tâm ác của ta sẽ kéo ta đi đầu thai để chịu quả báo y như thế . Nếu ta thường niệm Phật và nghĩ đến Cõi Cực Lạc, thì lúc lâm chung ta sẽ thấy hóa thân Phật , Bồ Tát cùng Thánh Chúng đến rước ta về Cực Lạc . Nếu ta tu thiền và xả bỏ được hết tham sân si thì khi chết , không ma quỷ nào có thể dụ dỗ ta được ( tâm ta không bị chuyển bởi cảnh trần) , ta sẽ chứng Vô Sanh Nhẫn và nhập Niết Bàn như các A La Hán . Tuy nhiên , rất ít người bỏ hết được tham sân si , nhất là tâm tham sắc dục và tâm kiêu căng . Vì vậy tu thiền dễ bị dụ vào ma cảnh và bị ma nhập .
Sau đây tôi sẽ dùng những lời Phật và Tổ dạy trong các kinh và luận để các bạn tự biết rõ mình có thể vãng sanh hay không mà chẳng cần phải hỏi ai hết.
Kinh A Di Đà dạy rằng: { Này Xá-lợi-phất! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào nghe nói về Đức Phật A-di-đà rồi chấp trì danh hiệu, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày với nhất tâm không tán loạn. Người ấy đến lúc lâm chung, Đức Phật A-di-đà cùng chư Thánh chúng sẽ hiện ra ở trước mặt. Khi người này mạng chung, tâm họ sẽ không điên đảo và liền đắc vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà.} . Nghĩa là nếu ta xưng danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật liên tục không ngừng thì trong vòng từ 1 tới 7 ngày ta sẽ được nhất tâm bất loạn và bảo đảm được vãng sanh khi chết . Phật không nói 8 ngày hay nhiều hơn vì Ngài biết rõ trong vòng 7 ngày chắc chắn ta sẽ đạt nhất tâm bất loạn . Những người thượng căn thì chỉ 1 ngày , và những người thấp kém hơn thì 7 ngày . Tuy nhiên , rất ít người có thể ngày đêm niệm Phật liên tục không ăn , không uống ,không ngủ , trong 7 ngày liền ( vì nếu ăn uống thì tâm bị gián đoạn nên không được nhất tâm) . Chỉ những người có nghị lực rất cao mới làm được . Hoặc những người bịnh nan y có tín tâm mãnh liệt và ý chí cao cường mới đạt được .
Tổ Thiện Đạo dạy trong sách Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật của Tổ Pháp Nhiên Thượng Nhân rằng : { Nếu niệm niệm liên tục, lấy chết làm kì hạn, thì mười người tu mười người vãng sanh, trăm người tu trăm người vãng sanh. Vì sao? Vì không có tạp duyên nên được Chánh Niệm, tương ứng với bản nguyện của Đức Phật, không trái giáo Tịnh độ, thuận theo lời Phật. Nếu bỏ chuyên tu mà theo tạp tu thì trăm người không được một, ngàn người chẳng được năm, ba. Vì sao? Vì tạp duyên loạn động làm mất Chánh Niệm, không tương ứng với bản nguyện của Phật, trái với giáo Tịnh độ, không thuận theo lời Phật, niệm không liên tục, tâm có gián đoạn, hồi hướng phát nguyện không khẩn thiết và chân thật, các phiền não tham sân đến làm gián đoạn, không có tâm hỗ thẹn để sám hối, không luôn luôn nghĩ đến việc báo Đáp ân Phật. Khởi tâm khinh mạn, tuy tu tập mà luôn chạy theo danh lợi, tâm nhân ngã che mờ, khiến không thể gần gũi bạn lành đồng hạnh đồng tu. Thích gần gũi tạp duyên, làm chướng ngại chính mình và chướng ngại người khác.} . Chánh niệm ở đây nghĩa là chỉ nghĩ tới Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc lúc lâm chung , còn tất cả các ý nghĩ khác đều là vọng niệm . Chuyên tu là chỉ niệm danh hiệu Phật thôi , không tu gì khác hết . Tạp tu là niệm danh hiệu Phật và làm các việc thiện khác như bố thí , làm công quả ở chùa , giúp các hội từ thiện … Ví dụ như bạn thường niệm Phật 2 tiếng mỗi ngày , rồi tới chùa làm công quả và tới giúp các hội từ thiện khác thì lúc lâm chung bạn sẽ vừa nghĩ đến Cực Lạc , vừa nghĩ đến các hội từ thiện . Nếu phút giây cuối cùng bạn nghĩ tới công quả ở chùa hay hội từ thiện thì sẽ có cảnh chùa hay tòa nhà từ thiện hiện ra , bạn vui mừng bước vô trong , liền tức khắc tái sanh làm người hay chư thiên trên trời (tùy theo công quả nhiều hay ít) , và bạn không được vãng sanh . Nếu bạn thật lòng muốn vãng sanh Cực Lạc thì bạn phải niệm Phật ít nhất là 10 tiếng mỗi ngày , không cần thời khóa , chỉ cần đi đứng nằm ngồi niệm là đủ . Còn về bố thí hay làm từ thiện thì tùy ý bạn, nếu thích thì làm , nhưng làm ít thôi , làm xong hồi hướng công đức rồi quên đi đừng nghĩ tới nữa. Dành nhiều thời gian để niệm Phật tốt hơn . Tại sao phải niệm Phật nhiều ( hơn 10 tiếng mỗi ngày ) ? Để chứng tỏ lòng tin của ta , để diệt nhiều ác nghiệp trong quá khứ , để được nhiều phước đức cho ta tránh khỏi tai nạn bịnh tật trong đời này và có cuộc sống an vui , để ta thường nghĩ đến Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc nên tránh ác làm lành , và để lúc lâm chung tâm ta có chánh niệm được Phật A Di Đà cùng Thánh Chúng tới đón ta về Cực Lạc vì ta sẽ không có các vọng niệm hay ảo cảnh nào lôi ta đi đầu thai lại trong cõi Ta Bà này .
Dưới đây là 2 lời dạy của Tổ Pháp Nhiên Thượng Nhân .
45/ Đệ tử của thầy chớ nên chuộng nghĩa lý, ưa lý luận. Người tu xưng danh Niệm Phật thì nên trở thành Kẻ Một Chữ Chẳng Biết, Thị Phi Chẳng Hay Để Sáng Tối Niệm Phật.
65/ Tuy biết rằng ‘dù tội ngũ-nghịch cũng không chướng-ngại vãng-sinh’ nhưng phải cẩn thận ngay cả tội nhỏ cũng chớ phạm.Tuy biết rằng ‘một niệm cũng đủ’ nhưng gắng niệm cho nhiều. Tin rằng một niệm cũng vãng-sinh mà niệm suốt một đời.
Ngài cũng dạy ta không nên để ý đến chuyện đời ( Thị Phi) mà ráng niệm Phật cho nhiều và suốt đời .
Đây là lời khuyên của Tổ Ấn Quang :
{ Bất luận là người tu tại gia hay xuất gia, cần phải trên kính dưới hòa, nhẫn nhục điều người khác khó nhẫn được, làm những việc mà người khác khó làm được, thay người làm những việc cực nhọc, thành tựu việc tốt cho người.
Khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người.
Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn: hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm.
Ngoài việc niệm Phật, đừng dấy khởi một niệm nào khác. Nếu khởi vọng niệm, phải tức thời bỏ ngay.
Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hối.
Nếu đã tu trì, phải tự hiểu là công phu của ta hãy còn nông cạn, chẳng nên tự kiêu căng, khoa trương.
Chỉ nên chăm sóc việc nhà mình, đừng nên dính vào việc nhà người.
Chỉ nên nhìn đến những hình dạng tốt đẹp, đừng để mắt tới những hình dạng xấu xa bại hoại.
Hãy coi mọi người đều là Bồ Tát, mà ta chỉ là kẻ phàm phu.
Nếu quả có thể tu hành được như những điều kể trên, thì nhất định được sinh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. }
Ngài cũng dạy ta niệm Phật không gián đoạn từ sáng đến tối và đừng khởi một niệm nào khác. Tóm lại , Phật và chư Tổ dạy ta ráng niệm Phật thật nhiều mỗi ngày cho tới suốt đời để ta được chánh niệm ( nhất tâm) lúc lâm chung vì nếu không thì vọng niệm và ảo cảnh sẽ hiện ra và dẫn ta đi tái sanh trong 3 đường ác ( trừ phi ta bỏ được hết tham sân si , điều mà chỉ 1 trong tỷ người mới có thể làm được thời nay ). Ta đã thấy rõ vãng sanh hay không là do ta mà thôi . Nếu muốn được vãng sanh thì cứ làm y như lời Phật và chư Tổ dạy . Theo tôi thì phần lớn chúng ta có gia đình và bận làm ăn nên không thể niệm Phật suốt ngày được . Nhưng nếu ta ráng niệm ít nhất 1 tiếng mỗi ngày và tránh làm ác , để diệt bớt ác nghiệp quá khứ , để ít bị tai nạn bịnh tật , và được sống an lạc . Đến khi tuổi già về hưu và không còn bận gì nữa , thì lúc đó ta sẽ niệm Phật suốt ngày và ta sẽ nắm chắc phần vãng sanh . Đừng nghĩ rằng niệm Phật không đủ để vãng sanh thì sẽ uổng công . Nếu bạn ráng niệm khoảng 2 tiếng mỗi ngày , dù không được vãng sanh lúc lâm chung , bạn cũng không đọa trong 3 đường ác vì sẽ có thiện Thần giúp bạn tránh khỏi oan gia dẫn dụ . Tôi có đọc 1 truyện trên website này mà không nhớ link , nếu ban biên tập tìm được thì đăng lên giùm cho . Truyện kể 1 thanh niên khoảng 20 tuổi thường tụng kinh Kim Cang mỗi ngày . Một đêm anh mơ thấy có 6 cô gái tuyệt đẹp trên xe tới rủ anh đi chơi . Anh động lòng , liền lên xe đi theo . Tới 1 căn nhà thì các cô gái xuống xe và bảo anh đi theo vô nhà . Nhưng phải chui vào cửa rào mới vô được . Sáu cô chui vào hết rồi tới phiên anh . Khi anh đang cố chui vào thì có 1 thần Kim Cang to lớn cầm trùy hiện ra nói rằng : ” ngươi không thể chui vô đây được “. Anh không nghe lời , liền bị thần Kim Cang đập chết . Đúng lúc đó anh tỉnh giấc . Sáng dậy , anh đi tìm và thấy 1 căn nhà y như trong mộng . Anh vô hỏi chủ nhà đêm qua có 6 cô gái tới chơi không ? Chủ nhà nói không , chỉ có con heo sanh ra 7 con , 6 con cái và 1 con đực , nhưng con đực đã chết rồi . Anh hết hồn , nghĩ rằng suýt nữa mình đã đầu thai làm heo con rồi . Sau đó thì anh xuất gia đi tu .
Nhiều bạn thắc mắc rằng làm sao biết được lúc lâm chung Phật A Di Đà hiện ra rước ta là thật hay giả , và nếu ta theo Phật giả thì sẽ đọa sao . Bạn chẳng phải lo . Nếu bạn niệm Phật suốt ngày thì dù không được nhất tâm , chắc chắn Phật A Di Đà cũng tới lai nghinh như Tổ Pháp Nhiên và Tổ Ấn Quang đã nói . Còn nếu bạn không niệm suốt ngày , nhưng nhiều hơn 2 tiếng mỗi ngày thì ma sẽ không thể gạt bạn được . Vì y như truyện trên sẽ có thiện thần che chở và dẫn bạn đi tái sanh làm người . Ngoài ra , nếu bạn đã có phát tâm Bồ Đề ( nhất quyết tu thành Phật để cứu độ chúng sinh ) và cầu vãng sanh thì trong các kiếp sau chắc chắn bạn sẽ có duyên tu Tịnh Độ và vãng sanh .
Hy vọng rằng những lời trên sẽ hữu ích cho các bạn trên đường tu Tịnh Độ . Chúc các bạn Niệm Phật tinh tấn và được vãng sanh .
Trở Về Chân Tâm .
A DI ĐÀ PHẬT. ..
Xin chào các liên hữu:
Xin cảm ơn liên hữu Trở Về Chân Tâm:đã post lên bài này hoan hỷ, hoan hỷ. ..
-Vì mình không niệm A DI ĐÀ PHẬT, là mình niệm Ma? Vì mình niệm Phật, thì không niệm Ma?
Xin cảm ơn các liên hữu góp ý dùm.
A DI ĐÀ PHẬT…
Trang Đường Về Cõi Tịnh rất hay, tôi thường đăng Facebook các bài viết này, nhưng bị lỗi thường xuyên. Chọn chia sẻ bị lỗi, không hiện rõ nội dung cũng như hình ảnh.
Đường Về Cõi Tịnh: Mong bạn hoan hỉ viết tiếng Việt đủ dấu để tiện chia sẻ.
Tôi thường xuyên theo dõi trang đừờng về cõi tinh rất hay và bổ ích. Xin ban quản trị vui lòng cập nhật thông tin lên trang thường xuyên để tôi có thông tin tham khảo và có nguồn động viên tinh thần. Xin cảm ơn