Niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ là muốn rốt ráo đại sự sanh tử. Nếu chẳng biết cội gốc sanh tử thì biết hướng về đâu để giải quyết trọn vẹn cho được? Cổ nhân nói:
Nghiệp chẳng nặng chẳng sanh Sa Bà
Ái chẳng đoạn chẳng sanh Tịnh Ðộ.
Thì biết là Ái chính là cội rễ của sanh tử. Từ khi có sanh tử đến nay, đời đời kiếp kiếp xả thân, thọ thân đều là trôi lăn theo ái dục. Nay niệm Phật thì trong từng niệm phải đoạn ái căn ấy; tức là trong những cảnh duyên tiếp xúc hiện hữu hằng ngày, người tại gia niệm Phật mắt nhìn thấy con cái, cháu chắt, gia duyên, tài sản, không gì là chẳng yêu mến; không một niệm nào, không một sự gì chẳng phải là kế sách để tăng trưởng sanh tử.
Ngay trong lúc niệm Phật nếu trong tâm chưa từng có một niệm buông bỏ được ái căn thì như vậy chỉ càng niệm Phật, ái chỉ càng thêm lớn. Nếu như có lúc khởi tâm quyến luyến con cái thì hãy hồi quang xem xét một câu niệm Phật có thật sự địch nổi ái niệm ấy hay không? Có thật sự đoạn nổi ái đó hay không? Nếu chẳng thể thật sự đoạn nổi ái ấy thì làm sao rốt ráo thoát khỏi sanh tử được nổi?
Do ái duyên quen thói đã từ nhiều đời, còn niệm Phật thì chỉ mới phát tâm nên còn sơ sài. Lại do niệm Phật chẳng chơn thật, thiết tha nên chẳng đủ sức. Nếu chẳng thể khống chế nổi ái cảnh hiện tiền thì lúc lâm chung sẽ chỉ thấy sanh tử ái căn hiện tiền, trọn chẳng thể làm chủ cảnh duyên được nổi! Vì thế khuyên người niệm Phật:
Ðiều quan trọng nhất là tâm sanh tử tha thiết. Muốn thiết tha đoạn cái tâm sanh tử tha thiết, trong mỗi niệm phải đoạn dần gốc sanh tử thì mỗi niệm đều là lúc liễu sanh tử. Nghĩa là: Những việc trước mắt đều là chuyện sanh tử, trước mắt thấu rõ sanh tử là không. Niệm niệm chơn thành, thiết tha như thế; [giống như] từng nhát dao cắt xuống đều tuôn máu. Nếu [tu tập như thế mà] chẳng được thoát khỏi sanh tử thì chư Phật đều mắc tội vọng ngữ hết!
Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích yếu Mộng Du Tập của đại sư Hám Sơn Ðức Thanh đời Minh
Nhật Ký Những Ngày Nhập Thất (*)
Trạng thái an lạc trong thất khi điều phục được tâm quả là “bất khả tư nghì”, không thể miêu tả được, chỉ có chính hành giả mới biết. Người nhập thất điều tâm tốt, khi ra thất rồi, vẫn có được khả năng thấy tâm rất rõ, giúp ích rất nhiều cho đời sống tu tập hằng ngày. Nhập thất là một phương pháp tu tập tối thiết của người tu để tiếp cận chân lý giải thoát.
Đối với các mối quan hệ hằng ngày thầy hay xuề xòa, dễ dãi cho qua: “thôi kệ…” đó là câu cửa miệng mà thầy hay nói, nhưng trong tu học thầy luôn nghiêm khắc với chính mình. Để chuẩn bị cho ngày nhập thất, thầy tìm đọc, nghiên cứ kỹ các tài liệu sách vở một cách riết ráo và chú ý tham hỏi ý kiến những huynh đệ nhập thất trước đó.
Thầy thường xuyên lên chánh điện lạy Phật cầu gia bị. Tập ngồi thiền lâu hơn thường ngày. Thầy ý thức đây là dịp tu tập quan trọng cho mình, không phải là sự đối phó hay khoa trương, do vậy thầy chuẩn bị cho mình thật kỹ về tinh thần cũng như kiến thức. Tu tập phải dụng công toàn diện, không thể phiến diện nghĩ rằng chỉ có tu tâm là đủ.
Đi quả là bằng chân nhưng nếu chỉ có hai chân cử động thôi thì không thể về đích được. Phải có ý muốn đi, có mắt nhìn đường và cả người cùng chuyển động hỗ trợ cho chân bước đi thì mới tới đích được. Phải khiêm cung nhận biết khả năng mình, không thể ngã mạn so mình với những bậc tuệ giác cao, chỉ cần một cành hoa, một tiếng hét là có thể hốt nhiên đại ngộ. Thầy luôn ý thức học hỏi một cách cẩn thận, bất cứ làm việc gì cũng chu đáo chuẩn bị.
Đến ngày thầy nhập thất. Y Hậu trang nghiêm thầy lên chánh điện lễ Phật, lễ Tổ. Thầy Minh Thanh được phân công hộ thất, cũng y hậu chỉnh tề đưa thầy vào. Dù đã chuẩn bị kỹ nhưng thầy vẫn cảm thấy hồi hộp, xúc động. Thầy đã từng nghe nhiều câu chuyện kể lại tâm trạng khi ở trong thất: rất nhiều những biến hiện của tâm khi nó ở yên không có cảnh và duyên tiếp xúc.
Đối với người nhập thất có phương pháp điều tâm thích hợp, hiệu quả thì trạng thái rất an lạc. Nhưng nếu người nhập thất chưa quen, điều tâm chưa tốt thì rất nhiều chướng ma quấy phá. Trước khi vào thất thầy cũng như các huynh đệ đều đã được nghe hòa thượng giải thích dặn dò: “Tâm ta như con vượn, lúc nào cũng muốn leo trèo, nhảy nhót suốt ngày, không thể ngồi yên cho nên khi để tâm không là nó sanh khởi vọng niệm, người tu phải biết nhận ra nó để mà điều phục.
Khi nhập thất phải lưu ý không nên sợ hãi khi gặp ma ấm hoặc Phật cảnh hiện ra, lúc đó phải trụ tâm, thân đâu tâm đó không nên xao động cũng như tham đắm. Phải biết bớt việc từ bên trong lẫn bên ngoài, phải giữ tâm hiện tiền không để cho nó chạy theo tập khí, việc đi đứng nằm ngồi chấp tác trong khi nhập thất cũng phải biết hạn chế”…
Qui định ở trong thất: ngoài những dụng cụ cá nhân và y hậu…không đựợc mang vào thất bất cứ vật gì kể cả kinh tụng. Thầy tự phân thời khoá cho chính mình:
Ba giờ khuya thầy thức dậy ngồi thiền niệm Phật. Lúc đầu thầy ngồi được khoảng một giờ và vài ngày sau bắt đầu tăng dần lên. Sau giờ tọa thiền là thể dục đi thiền hành quanh thất. Khi ngồi thiền, thầy nhận rõ những hoạt động tâm thức di chuyển. Tâm càng lắng chừng nào thì những hoạt động của tâm càng thấy rõ từng li từng tí, giống như mặt nước vậy, nước càng yên mặt hồ càng hiện rõ bóng dáng của sự vật. Tám giờ thầy lại ngồi thiền niệm Phật. 12 giờ thọ trai rồi chỉ tịnh đến 13g30. 14giờ lại ngồi thiền niệm Phật. Buổi chiều thì đi thiền hành quanh thất.
Vào buổi tối cảnh vật xung quanh yên lặng và tâm cũng dễ tĩnh. Có lúc thầy cảm giác mọi vật quanh mình mất hết, chỉ có mình đối diện với mình, lòng nhẹ tênh nhưng trạng thái đó chỉ thoáng đến, bước đầu chưa giữ được lâu.
Khi duyên cảnh bên ngoài bị cắt thì cũng là lúc nội tâm bắt đầu hoạt động, nhưng nhờ trước đây thầy đã học rất kỹ Kinh Lăng Nghiêm nói về ngũ ấm ma nên thấu rõ phần nào vọng khởi từ bên trong.
Ngày đầu tâm rất yên, qua ngày thứ hai, thứ ba thì lại lăng xăng nhớ tới việc này việc nọ. Sống trong thất có lúc khởi lên ý mong muốn cho mau hết ngày giờ nhưng mỗi lần như vậy thầy biết tâm mình đang duyên bên ngoài nên tỉnh giác kéo nó trở về. Phương pháp nầy người xưa gọi là “chăn tâm”. Có những lúc theo dõi tâm, thầy cảm thấy nhức đầu và sau đó thầy thả lỏng thân tâm không trụ một chỗ nữa. Đây là giai đoạn con khỉ bị trói chặt quá nên nó vùng vẫy, phải buông dây ra từ từ không nên cột chặc. Có đêm sau khi tọa thiền niệm Phật xong, đặt lưng nằm xuống mới vừa chợp mắt ngủ là sa vào những giấc chiêm bao triền miên. Mới hay giữ được chánh niệm thật khó. Thầy nhớ đến bài kệ trong kinh Người biết sống một mình:
Đừng tưởng nhớ quá khứ
Đừng lo lắng tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới.
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chải và thảnh thơi
…
Bài kệ đã phần nào giúp thầy trở về chánh niệm. Thầy bắt đầu dụng công ngay vào cả những sinh hoạt cá nhân, khi rửa mặt đánh răng, khi nghỉ ngơi đều theo dõi tâm mình, không để những tạp niệm sinh khởi, dẫn dắt.
Chú tâm và dành nhiều thời gian thực hiện pháp môn niệm Phật để choán chỗ, không để những vọng tưởng len vào tâm. Khi đi thiền hành, thầy đưa mắt nhìn vào khuôn viên Huệ Nghiêm, thế là những nhớ nghĩ đủ thứ ập đến. Thầy biết ngay và bắt đầu áp dụng phương pháp sơ đẳng làhạn chế cái nhìn.
Sau nhiều ngày, khi đã làm chủ được tâm hơn, thầy mới từ từ thả lại ánh mắt. Thầy nhìn vào khuôn viên Huệ nghiêm nhưng tâm không lung tung nhớ nghĩ nữa. Trước đây khi sống trong chúng, thầy cũng đã từng thực tập thiền hành, nhưng chỉ là sự thực tập đơn giản. Bây giờ, sống trong thất, qua nhiều ngày lắng rõ tâm, thầy mới thực sự cảm thấy có những bước thiền hành an lạc, khác hẳn với trạng thái thư giãn khi thiền hành trước kia. Rồi những lúc nghỉ ngơi, nằm lắng nghe tiếng gió, tiếng con chim nào đó kêu thánh thót… tiếng hót như mở ra cảnh vật ở quê nhà thời thơ ấu.
Thầy cũng lập tức nhận thấy và nhẹ nhàng khởi tâm niệm Phật. Khi ăn cơm, nhận thấy bữa ăn hôm nay không ngon, tâm bắt đầu dấy tưởng ý niệm phân biệt, lần đầu thì thầy ngưng ngang bữa ăn, niệm Phật sám hối, nhưng lần sau thì thầy có thể vẫn tiếp tục ăn, không quá khắc khe với tâm mình nữa, nhưng biết cảnh giác hơn.
Cứ như thế, dần dần thầy điều phục, từ việc làm chủ được lục căn đến làm chủ tâm thức và càng ngày càng cảm thấy nhẹ nhàng, tự tại, không khẩn trương, khổ công như trước nữa.
Triết gia Descartes lý luận: “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”; có thiền sư cho rằng càng tư duy chúng ta càng không có mặt, vì khi tư duy chúng ta đánh mất sự sống trong dòng tư duy.
Tư duy trở thành một chướng ngại khiến ta không tiếp xúc thực sự được với sự sống. Phái Thiền Tào Động cũng nói: “Phi tư duy thị thiền chi yếu giả” (không tư duy là điểm thiết yếu của thiền). Có nhập thất và điều được tâm mới thấy và hiểu rõ điều này.
Tuy những ngày sống trong thất “chăn tâm” rất khó, nhưng những lúc chăn được thì tâm rất khinh an (nhẹ nhàng). Có sống những giờ phút theo dõi tâm mình như thế mới thấy được những cái hay cái dở của chính mình để mà điều phục. Điều phục được tâm bình thường mới có được an lạc.
Trạng thái an lạc trong thất khi điều phục được tâm quả là “bất khả tư nghì”, không thể miêu tả được, chỉ có chính hành giả mới biết. Người nhập thất điều tâm tốt, khi ra thất rồi, vẫn có được khả năng thấy tâm rất rõ, giúp ích rất nhiều cho đời sống tu tập hằng ngày. Nhập thất là một phương pháp tu tập tối thiết của người tu để tiếp cận chân lý giải thoát.
Thu Nguyệt
Chú thích:
(*): Câu chuyện được trích từ Truyện kỳ “Bóng áo nâu”.
Tiêu đề do người đăng thay đổi
CỨU VẬT TRONG LÒ SÁT SINH ĐƯỢC SANH THIÊN
Ngày xưa, tại một vùng kia, có một viên tiểu lại họ Trương vốn là người phụ tá cho quan Huyện. Ông Trương tính tình ôn hòa nhưng cương trực, ưa làm việc thiện, thường dùng số tiền lương của mình đến lò sát sinh, mua những con vật sắp bị giết đem về để nuôi chúng.
Tuy là một viên quan tiểu lại, nhưng gia cảnh của ông cũng khá giả, mỗi ngày trở nên giàu có, con cháu đông đúc vui vầy. Do đó, việc làm phúc thiện của ông không bị gián đoạn mà càng ngày càng thêm gia tăng. Về sau, đến tuổi về hưu, ông trở về sống với gia đình, mỗi khi thấy con vật nào chết, ông liền đem chôn cất tử tế. Những người hàng xóm thấy thế, cho ông là một tên gàn điên, nhưng ông vẫn thản nhiên, mặc cho thiên hạ đàm tiếu, chẳng cần quan tâm đến. Trái lại, ông thường dạy con cháu không được sát sinh, và khuyên cả nhà đều ăn chay lạt.
Vì ông đã từng cứu sống sinh vật rất nhiều nên đến tuổi cổ lai hy (bảy mươi tuổi) mà sức lực của ông vẫn khang kiện như người còn trẻ. Về cuối đời, lúc ông răm tuổi, một hôm ông cho gọi người nhà tập họp lại, với gương mặt tươi sáng, tinh thần quắc thước, ông nói với mọi người: “Cả đời ta từng phóng sinh rất nhiều, chứa đức sâu dày, nên nay Thiên đế cho người đến rước. Nhà họ Trương ta từ nay trở đi ngày càng thịnh vượng, con cháu đều đựơc vui hưỡng tuổi trời. Sau khi ta qua đời, các ngươi phải vâng lời di chúc, không được hại vật sát sinh”.
Nói xong thì từ từ nhắm mắt. Mọi người nghe trên không trung tiếng nhạc kêu vang, âm thanh rất êm tai. Tiếng nhạc ấy mỗi lúc mỗi gần, con cháu trong nhà đều ngước mắt lên xem. Thế rồi, chẳng mấy chốc, tiếng nhạc lại xa dần. Mọi người nhìn lại ông, thì thấy ông đã vĩnh viễn an giấc ngàn thu nhưng dung nhan vẫn như người còn sống. Tin ông chết loan đến triều đình, nhà vua bèn gia phong ông tước hiệu Viên ngoại lang. Về sau, con cháu ông nhiều đời đều dốc long làm theo lời di huấn.
Trích: Truyện cổ Sự tích cứu vật phóng sinh
Đàn chị bàng hoàng khi nghe tin Hoa hậu gốc Việt đột tử ở tuổi 22. Đừng đợi đến già mới niệm Phật.
“Hoa hậu Việt Nam Toàn cầu 2017” Jacqueline Đặng vừa qua đời vào lúc 1h chiều ngày 08/04 (giờ Mỹ – pv), hưởng dương 22 tuổi. Sự ra đi đột ngột của Jacqueline Đặng sau khi ngất xỉu ngay trên lớp học đã khiến cho người thân, bạn bè vô cùng bàng hoàng và xót xa.
Từng tham gia nhiều show diễn với Jacqueline Đặng, “Hoa hậu Phu nhân Canada 2013” Mỹ Vân đau buồn khi nghe tin của đàn em.
“Quá đỗi thương tiếc. Đến giờ này chị vẫn chưa hết bàng hoàng em gái ạ. Có phải em đã ra đi thật rồi không? Mình mới nói chuyện với nhau đây mà? Em còn chia sẻ nhiều dự án từ thiện sắp tới, hỏi chị có tham gia chung với em không? Em đi thật rồi sao em?
Ra đi khi mới 22 tuổi, ở cái tuổi đẹp nhất đời con gái. Dịch bệnh như vậy lại càng buồn hơn khi không thể tới đưa tiễn em lần cuối em ơi.
Chị mong nếu có kiếp sau em vẫn là hoa hậu xinh đẹp như vậy em nhé. Thương và nhớ em” – Mỹ Vân viết trên trang cá nhân.
“Hoa hậu Quý bà” Amy Lê Anh buồn bã cho biết: “Cuộc đời như cái chớp mắt… Nghe tin em mất chị thẫn thờ quá, em đi ở độ tuổi đẹp nhất của thời con gái. Cầu xin cho em được sống một kiếp đời thật đẹp khác và cũng sẽ là hoa hậu nhé”.
Ngoài Mỹ Vân, Amy Lê Anh… rất nhiều bạn bè ngoại quốc cũng gửi lời tiễn biệt và chia buồn với gia đình Jacqueline Đặng.
Jacqueline Đặng sinh năm 1998 tại California, Mỹ và theo học tại đại học bang Arizona. Năm vừa tròn 19 tuổi, cô dự thi và đăng quang “Hoa hậu Việt Nam Toàn cầu”.
Năm ngoái, người đẹp tham gia cuộc thi “Miss Planet International – Hoa hậu Quốc tế Hành tinh” tại Campuchia và giành được ngôi vị “Miss Humanitarian 2019 – Hoa hậu nhân ái”, đồng thời lọt top 16 chung cuộc.
Dịp cuối năm, Jacqueline Đặng cũng đã về Việt Nam để tham gia một số hoạt động từ thiện. Theo nhận xét của người thân, Jacqueline Đặng là cô gái rất hiền lành, thân thiện và thích giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Dù có tiểu sử liên quan đến tim mạch và sức khỏe không tốt, nhưng những ngày tháng cuối đời cô vẫn chăm chỉ học tập và ấp ủ nhiều kế hoạch thiện nguyện ý nghĩa.
Ngọc Anh (theo soha.vn)
PHÁP TU CỦA VỊ BỒ TÁT CẢ ĐỜI CỨU LOÀI CHẤY RẬN
Tại miền Đông Himalaya, không xa một tu viện nọ có một tu sĩ khất thực đã già, biệt danh là “Mũi ngựa”. Không ai ưa nổi vị tu sĩ này, từ dáng điệu cho đến thái độ hàng ngày. Ông chỉ làm được công việc duy nhất là tìm chấy rận trong lông chó và quần áo của đám người ăn xin nhưng không để giết mà cứu sống chúng.
Một ngày nọ, đến cả tu viện cũng xua đuổi ông vì xem ra ông không chịu học tập kinh sách gì cả. Ông đành ngồi trước cửa tu viện, miệng lẩm nhẩm tụng kinh và bắt chấy cho chó. Sau đó, miền Đông Himalaya chịu một nạn dịch khủng khiếp và các đại y cho rằng bệnh này do một loại bọ đen gây ra. Thế nhưng cả đại y lẫn các Lạt-ma cao cấp đều bó tay, không ai chặn đứng được nạn dịch lan tràn. “Mũi ngựa” cũng lâm bệnh nặng và nhiều người thấy rằng ông lâm bệnh sau khi thực hành pháp Tonglen suốt ngày đêm bên đống lửa của mình.
Tonglen là một pháp tu đòi hỏi sự chú tâm cao độ và cầu nguyện để mình được chịu thay mọi đau khổ và ác nghiệp của người khác, để các ác nghiệp đó thể hiện lên thân thể của chính mình. Đây là một pháp tu bí mật của các vị Bồ Tát, các vị đã thệ nguyện không màng đến sự giải thoát của bản thân mình trước khi mọi loài hữu tình khác đạt được giác ngộ. Người ta đồn rằng “Mũi ngựa” đã hành trì pháp tu Tonglen với lòng vị tha tuyệt đối vì ông chỉ vừa lâm bệnh thì loài bọ đã biến mất và bệnh dịch cũng chấm dứt. “Mũi ngựa” đã chịu nhận toàn bộ ác nghiệp của cả vùng và mọi người chuẩn bị cho cái chết của ông bằng một buổi lễ long trọng. Các vị Lạt-ma cao cấp tụng các kinh luận “Bardo” và cầu nguyện cho tâm thức của “Mũi ngựa” được tiếp dẫn về cõi Tịnh độ. Nhờ nhiều dấu hiệu đặc biệt mà các Lạt-ma ấn chứng rằng “Mũi ngựa” đã được Đức Liên Hoa Sinh tiếp dẫn trong khoảnh khắc lâm chung. Cũng nhờ thiên nhãn, các Ngài thấy rằng “Mũi ngựa” đã được thác sinh về cõi Tịnh độ phương Tây Nam và Báo thân của chư Phật, Bồ Tát đại bi đã bao bọc chung quanh tâm thức “Mũi ngựa”.
Đức Liên Hoa Sinh hỏi ngay thần thức “Mũi ngựa”: “Ngươi đã giúp cho những ai được giác ngộ, kể từ ngày ta gửi ngươi đi đến vùng Himalaya?” “Mũi ngựa” mở bàn tay ra và chỉ cho Đức Liên Hoa Sinh hàng ngàn con chấy. Nhìn thấy như thế, các vị đại sư và Bồ Tát bỗng tỏa hào quang rực rỡ như mặt trời từ bi, biến thành ánh sáng thuần tịnh và đưa “Mũi ngựa” vào cõi Vô lượng quang, nơi Ngài còn an trú tới ngày hôm nay.
Theo pháp tu Tonglen, hành giả phát tâm nguyện Bồ đề rộng lớn xin nhận về mình khổ đau của vô số chúng sinh, đồng thời trao tặng vô biên chúng sinh toàn bộ tài sản, công đức, thân thể, thậm chí tính mạng bản thân mình. Mỗi hơi thở vào là tâm nguyện đón nhận mọi đói khát, khổ đau của chúng sinh. Mỗi hơi thở ra là tâm nguyện hồi hướng, giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau hướng tới hạnh phúc giác ngộ.
Lược trích ấn phẩm: “Sư tử tuyết bờm xanh”
Nguyên tác: “The Snow Lion’s turquoise mane”