Hết thảy chúng sinh, vì vọng động từ vô thỉ kiếp mà có vô minh, mê lầm đã trải qua số kiếp nhiều như cát bụi. Khởi tâm động niệm tạo biết bao ác nghiệp nên che mất Phật tánh của mình. Nghiệp chướng không trừ thì Phật tánh không thể hiện tiền. Vì thế Ðức Thích Ca Mâu Ni đã tuyên dương pháp môn niệm Phật này, dạy người tiêu trừ nghiệp chướng. Kinh rằng: “Một câu niệm Phật có thể tiêu trừ trọng tội của 80 ức kiếp”. Sao niệm một câu Phật hiệu mà diệt được tội nặng nhiều đời đến thế? Ðã phát tâm niệm Phật tức đại trí huệ hiện tiền vậy. Thí như ánh sáng của một ngọn đèn, xua tan được bóng tối đã nghìn năm, niệm Phật diệt tội cũng lại như thế.
Cho dù nghiệp nặng chướng sâu đến mấy, thiết tha niệm Phật cũng có thể đánh tan. Còn nếu niệm Phật mà tâm vẫn quay cuồng trong nghiệp thức cũ, vọng tưởng tạp loạn tới tấp, đây đều do phát tâm không tha thiết, niệm lực không sung mãn, nên không địch lại nghiệp chướng. Kinh rằng: “Chúng sinh nghiệp chướng nhiều, cần phải niệm thân Phật, báo thân Phật, pháp thân Phật” (niệm Phật quán). Nếu hay nhất tâm xưng niệm thì sẽ được sự hộ niệm của chư Phật, được ánh sáng của Phật A Di Ðà phóng chiếu, tự được Minh huân gia bị (minh huân: còn gọi nội huân, là chân như trong bổn giác, minh minh huân tập vọng tâm, khiến cho phát sinh tâm Bồ đề) nghiệp chướng dần được tiêu trừ, thiện căn ngày một tăng trưởng.
Triều nhà Tấn phụng chỉ (vâng lệnh vua) đào thải Tăng chúng, vua kính mộ đức của Viễn Công ở Lô Sơn nên sắc lệnh trừ Lô Sơn ra, Tăng sĩ các nơi bắt hoàn tục hết. Thời có hai vị Tăng, một bị chột mắt, một thọt chân, đây đều là quả báo nghiệp chướng sâu nặng, sợ bị thải nên hai vị trốn vào Lô Sơn, khẩn thiết xin Viễn Công thâu nạp, y giáo tu hành cho trọn đến già. Viễn Công dạy phát nguyện rộng, tu trì pháp môn niệm Phật để tiêu trừ nghiệp chướng. Tăng chột mắt phát nguyện đời sau sinh làm đại thiện tri thức, để hoằng dương tông Tịnh độ. Tăng thọt chân phát nguyện đời sau sẽ làm vua để hưng long Phật pháp. Hai vị Tăng này chỉ nhờ vào công đức niệm Phật mà được tiêu trừ nghiệp chướng, đời sau mỗi người đều được như sở nguyện. Thân sau của Tăng chột mắt là Ðại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, một đại cao Tăng, lấy Vạn thiện (Vạn thiện là gọi tắt của các tập sách Vạn Thiện Tiên Tứ tập, Vạn Thiện Ðồng Quy tập, Vạn Thiện Ðồng Quy giáo của Ðại sư Diên Thọ trước thuật) trang nghiêm Tịnh độ. Thân sau của Tăng thọt chân là vua nước Cao Ly, một đời tin sâu Tam bảo, hết mình hộ trì Phật pháp, sau đến Trung Quốc hộ trì pháp của Ðại sư Vĩnh Minh, pháp môn Tịnh độ thịnh hành một thời vậy.
Xưa lại có chàng đồ tể, sống bằng nghề mổ heo, người vợ tu trì pháp môn niệm Phật, thường khuyên chồng sát sinh nghiệp nặng, nhất định phải chịu ác báo, nên niệm danh hiệu Phật A Di Ðà để tiêu trừ nghiệp chướng. Người chồng lúc đầu không tin, sau nhiều lần khuyên bảo, chàng ta có chút tín kính, nhưng vì căn cơ thiển bạc nên thường hay quên, không nhớ niệm Phật. Người vợ thông minh, khéo léo nghĩ ra một cách, trên các cửa bà đều treo một cái chuông nhỏ, khi gió khua vào kêu leng keng. Bà khuyên chồng mỗi khi nghe chuông kêu một tiếng thì niệm một câu Phật hiệu, ngày ngày như thế, nghe tiếng chuông người chồng bèn nhớ niệm Phật. Mấy năm sau, người chồng bệnh chết, thần hồn bị bắt xuống vua Diêm La, theo nghiệp định tội, phạt làm súc sinh để đền trả nợ cũ, Diêm La sai quỷ tốt cho nhập vào thai heo. Quỷ tốt cầm nĩa sốc tới, vòng đồng trên nĩa rung lên kêu leng keng, chàng đồ tể vừa nghe liền niệm lên một tiếng “Nam mô A Di Ðà Phật”. Lúc ấy trên đầu mũi nĩa bỗng hóa một hoa sen, nên nĩa không chạm được vào thân, nhờ công đức niệm Phật nên được vãng sinh Tịnh độ tức thì, đây tức niệm Phật tiêu được nghiệp chướng.
Nghiệp chướng là một trong ba chướng. Nương vào hoặc chướng mà tạo nghiệp chướng, vì nghiệp chướng mà phải thọ báo chướng, chúng ta mỗi người luân hồi trong sáu đường đều đủ ba chướng. Nếu nghiệp nhiều đời được tiêu trừ, lại không tạo nghiệp mới thì sẽ không thọ quả báo. Ðức Phật dạy chúng ta niệm Phật tức là pháp tiêu trừ nghiệp cũ không tạo nghiệp mới vậy. Chuyên tâm hệ niệm, không dừng nghỉ trong câu danh hiệu A Di Ðà, niệm niệm ánh sáng tâm chiếu vào danh hiệu Phật, thời thời ánh sáng Phật đều chiếu vào người hành trì, ánh sáng tâm và ánh sáng Phật giao nhau, tâm lực với Phật lực khó nghĩ bàn, tức đây được tiêu nghiệp chướng, như ánh sáng mặt trời phá được bóng tối ngàn năm, sức gió có thể quét sạch mây đen ngàn lớp.
Những người phát tâm tu hành, không tin pháp môn Tịnh độ, không chịu niệm Phật thì cho dù có đắc năm món thần thông cũng khó tiêu trừ nghiệp chướng. Xưa có bốn anh em cùng tu hành, mỗi người đều chứng được ngũ thông. 1/ Thiên nhãn thông: Thấy được hết thảy các thế giới. 2/ Thiên nhĩ thông: Nghe được hết thảy các âm thanh trong thế giới. 3/ Tha tâm thông: Biết hết mọi ý nghĩ của người khác. 4/ Túc mạng thông: Biết được các việc trong ba đời. 5/ Thần túc thông: Có thể bay khắp mọi nơi, đi lại tự tại. Một ngày, người anh lớn biết được, ngày mai vào giờ ngọ vô thường sẽ đến viếng bốn anh em, cả bốn người đều phải chết. Người anh bèn hỏi: “Các em có biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì chăng?”. Các em đều trả lời: “Ðúng ngọ ngày mai, bốn anh em chúng ta bị quỷ vô thường đến thăm hỏi”. (Vô thường là không thể thường trụ, là tên khác của cái chết). Người anh cả nói: “Phải làm cách nào để tránh?”. Các người em đáp: “Chúng ta có thần thông, quỷ vô thường chẳng làm gì ta được!”. Sau khi quyết định, người anh nói: “Anh sẽ vận thần thông trốn trên hư không”. Người em thứ hai nói: “Em sẽ trốn tuốt dưới đáy biển sâu”. Người em thứ ba nói: “Em sẽ dùng thần thông trốn trong vực núi”. Người em út: “Em sẽ vào chợ, ở đó đông người, thần chết sẽ không tìm ra em”. Hôm sau bốn anh em đều vận thần lực để trốn chết, nào ngờ nghiệp chướng chưa trừ, đúng ngọ thì bốn anh em đều mất hết thần lực. Người bay lên trời thì rơi xuống đất mà chết; người dưới biển sâu thì bị cá ăn thịt; người trốn trong vực núi thì bị hổ đói nuốt sống; người trốn trong chợ thì vì chen chúc bị đạp lên thân mà chết. Như Ðại sư Hám Sơn nói: “Cõi này vốn là nơi giả tạm, huyễn thân sao thoát khỏi vô thường. Thành tâm khuyến thỉnh mọi người, không nên tham cầu thần thông, chỉ cần thành tâm niệm Phật, nguyện sinh Tịnh độ thì nghiệp chướng ắt được tiêu trừ, lâm chung được Phật Bồ Tát cầm đài vàng tiếp dẫn, vĩnh viễn thoát khỏi vô thường và chứng được niềm vui của chân thường, như vậy há không tốt sao!”.
Sức của nghiệp rất lớn, hết thảy chúng sinh đều bị nghiệp chuyển, chỉ có niệm Phật mới tiêu trừ được nghiệp. Con sáo niệm Phật cũng còn được đới nghiệp vãng sinh. Xưa có một người nuôi một con chim sáo biết nói tiếng người, một hôm một vị Tăng đến nhà chơi, niệm Nam mô A Di Ðà Phật, con sáo liền nói theo Nam mô A Di Ðà Phật, vị Tăng niệm nữa, con sáo cũng niệm. Sau khi vị Tăng ra về, ngày nào con sáo cũng thường niệm Phật, người chủ thấy thế bèn biếu con sáo cho chùa. Vị Tăng thấy con sáo thật lạ, bèn khai thị hai môn công phu hữu niệm niệm Phật và vô niệm niệm Phật, sáo tợ như có lãnh hội. Một ngày, vị Tăng thấy con sáo sắp chết bèn trợ niệm cho nó, sau khi chết vị Tăng cũng chôn cất đàng hoàng. Vài ngày sau, trên mộ bỗng mọc lên một hoa sen, vị Tăng lập tức quật ngôi mộ lên để xem thử hoa sen mọc từ chỗ nào, thì ra hoa sen mọc ở đầu lưỡi sáo. Sau có người tụng rằng:
Có một con chim sáo
Theo Tăng niệm Di Ðà
Tăng thương nên khi chết
Chôn cất hẳn hòi a
Vài ngày sau trên đất
Mọc lên một Liên hoa
Bọn người chúng ta há không biết?
Nên biết rằng sáo chỉ là loài cầm thú, nhân học theo lời Tăng, niệm Phật còn được vãng sinh, lưỡi sinh hoa sen, đó đủ để chứng minh. Và chúng ta là con người, là vật tối linh của vạn vật, nếu không phát tâm niệm Phật thì chưa khỏi trên phụ ân Phật, dưới phụ tánh linh của mình. Cho nên La trạng nguyên nói: “Muôn vật trên đời đều mộng huyễn, chi bằng hãy sớm niệm Di Ðà”.
Trích Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật
Biên soạn: Viên Anh Pháp Sư
Việt dịch: Thích Nguyên Anh
Loài Vật Báo Ân Bồ Tát
Xưa, bồ tát là một người giàu có, của cải vô lượng, thường cung phụng tam bảo và có lòng thương xót chúng sinh.
Một hôm đi qua chợ, bồ tát thấy một con ba ba bị bắt đem bán, động lòng trắc ẩn, bồ tát bèn hỏi mua.
Người bán ba ba biết bồ tát có lòng từ bi nên nói thách:
– Giá một trăm vạn tiền.
Bồ tát nói:
– Được, tôi mua.
Thế rồi, bồ tát đem ba ba về nhà, thả xuống dòng sông. Nhìn nó bơi đi mà lòng bồ tát vô cùng vui vẻ, phát thệ nguyện: “Mong cho những chúng sinh gặp nạn được an toàn như ngươi hôm nay”. Phát nguyện lớn ấy xong, ngài được các Đức Phật khen ngợi.
Vào nửa đêm hôm sau, ba ba đến gặm vào cánh cửa nhà bồ tát. Nghe tiếng lạ, bồ tát bèn mở cửa ra xem thì thấy ba ba.
Ba ba nói với bồ tát:
– Tôi mang ơn của ngài nên được bảo toàn thân mạng mà nay không biết lấy gì để đền đáp. Là loài ở dưới nước, tôi biết được sự lên xuống của nước. Nạn hồng thủy sắp xảy ra, nó sẽ gây thiệt hại rất lớn. Mong ngài mau chuẩn bị thuyền, đến lúc ấy tôi sẽ đến đón.
Bồ tát nói:
– Tốt lắm!
Sáng hôm sau, bồ tát vào cung trình bày hết sự việc cho vua nghe. Vua cho rằng bồ tát trước đây vốn nổi tiếng là người tốt nên tin lời bồ tát. Liền đó, vua ra lệnh cho di dời từ chỗ thấp đến chỗ cao.
Nước dâng cao, ba ba bơi đến, nói với bồ tát:
– Ngài hãy mau lên thuyền đi theo tôi sẽ được an toàn.
Thuyền của bồ tát liền theo sau ba ba. Đi được một đoạn, thấy có con rắn bơi đến thuyền, bồ tát nói:
– Hãy cứu con rắn.
Ba ba đáp:
– Vâng.
Đi thêm một đoạn, lại gặp một con cáo đang bị nước cuốn trôi, bồ tát nói:
– Hãy cứu con cáo.
Ba ba cũng đáp:
– Vâng!
Tiến đến đoạn nữa lại gặp một người bị nước cuốn trôi, mặt mày tái nhợt, ngửa mặt lên trời luôn gọi cứu mạng.
Bồ tát nói:
Hãy vớt người ấy lên.
Ba ba trả lời:
– Đừng vớt! Người phàm tâm dối trá, ít giữ chữ tín, ưa chạy theo quyền thế, vong ân bội nghĩa, làm chuyện phản nghịch.
Bồ tát nói:
– Loài vật ta còn cứu vớt, huống hồ là con người mà ta khinh rẻ thì sao gọi là nhân từ? Ta không thể nhẫn tâm!
Thế rồi, bồ tát vớt người ấy lên.
Ba ba nói:
– Rồi ngài sẽ hối hận!
Thuyền của bồ tát đã đến được một nước an toàn. Ba ba bèn từ biệt và nói với bồ tát:
– Ân nghĩa đã đền xong, tôi xin từ biệt.
Bồ tát nói:
– Khi thành tựu được Như Lai, Vô Sở Trước, Chí Chân, Đẳng Chính Giác, ta sẽ độ ngươi.
Ba ba đáp:
– Vâng!
Ba ba đã cáo biệt, rắn và cáo cũng tạ từ, mỗi con đi mỗi đường.
Cáo đào một cái hang để ở, chợt nó phát hiện có một trăm cân vàng ròng của người xưa chôn cất. Nó vui vẻ nói:
– Ta sẽ lấy số vàng này dâng cho bồ tát để đền ơn. Nói rồi, cáo đi đến chỗ bồ tát thưa:
– Tôi mang ơn ngài cứu giúp mà được bảo toàn thân mạng. Khi tôi đào hang để ở gặp được một trăm cân vàng. Hang này không phải gò mã, không phải là nhà. Cho nên số vàng này chẳng phải ăn trộm, cũng chẳng phải cướp giựt. Tôi xin thật lòng mang đến dâng lên hiền giả.
Bồ tát suy nghĩ: “Ta không nhận thì cũng vất bỏ một cách vô ích, chi bằng tạm nhận rồi đem chia cho những người nghèo, cứu giúp họ, chẳng phải tốt lắm sao!”.
Ngài bèn nhận lấy số vàng ấy. Người được bồ tát cứu thấy thế nói:
– Hãy chia cho tôi một nửa.
Bồ tát bèn lấy mười cân vàng chia cho người ấy. Ông ta lại nói:
– Ngài đào mồ để ăn cắp vàng, tội này phải chết, vì sao không chia cho tôi một nửa? Tôi sẽ báo quan!
Bồ tát nói:
– Ta muốn chia đều số vàng này cho những người nghèo khổ, ngươi muốn giành về cho mình, chẳng phải không công bằng sao?
Người kia đi báo quan. Bồ tát bị bắt, ngài không biện bạch, chỉ hướng về tam bảo sám hối lỗi lầm của mình, ăn năn tự trách. Với lòng từ bi ngài nguyện: “Mong cho chúng sinh sớm lìa được tám nạn, không bị oán kết như tôi ngày nay”.
Rắn và cáo họp lại bàn:
– Làm thế nào để giải quyết việc này?
Rắn nói:
– Tôi sẽ đi cứu bồ tát.
Nói rồi, nó liền ngậm một viên thuốc quý bò vào ngục, thấy bồ tát thân thể tiều tụy, trong lòng đau xót, liền nói với bồ tát:
Nay tôi trao viên thuốc này, ngài hãy mang nó bên mình. Tôi tìm cách cắn vào ngón tay thái tử, chất độc của tôi là cực độc, không ai có thể giải được. Lúc đó, ngài trình lên vua và lấy viên thuốc này xin giải độc cho thái tử thì độc liền được giải và ngài nhờ đó được thoát nạn.
Bồ tát im lặng làm theo lời của rắn.
Lúc bấy giờ, mạng sống của thái tử đang lâm vào tình huống nguy kịch, vua bèn ra lệnh:
– Nếu có ai trị được chất độc cho thái tử, ta sẽ phong làm thừa tướng và cùng ta cai trị đất nước.
Bồ tát xin vua được trị độc cho thái tử, thái tử liền hoàn toàn bình phục. Vua rất vui mừng, hỏi duyên cớ. Bồ tát kể hết sự việc cho vua nghe. Vua buồn bã tự trách:
– Ta thật ngu muội.
Sau đó, vua lệnh bắt người kia chém đầu, rồi ra lệnh ân xá cho tội nhân trong cả nước. Đúng như lời hứa, vua phong bồ tát làm tướng quốc, cầm tay bồ tát dắt vào cung, đàm luận Phật pháp. Từ đó, đất nước hưởng cảnh thái bình thịnh trị.
Đức Phật bảo các tì kheo:
– Người giàu có lúc ấy nay là Ta. Vị vua của đất nước ấy là Di-lặc; ba ba là A-nan; cáo là Xá-lợi-phất; rắn chính là Mục-kiền-liên; người sắp chết đuối ấy là Đề-bà-đạt-đa.
Bồ tát từ bi, trí tuệ thực hành bố thí ba-la-mật như thế.
Theo: Lục Độ Tập Kinh.
Người ăn chay đừng nên ăn trứng gà
https://www.youtube.com/watch?v=FmD-aoF26v0
TRẢI QUA ĐỊA NGỤC RỒI MỚI THẤY KINH HOÀNG NHƯ THẾ NÀO
(Câu chuyện có thật của một sĩ quan tại TP. HCM năm 2021)
Khi nhắc đến hai từ “Địa ngục”, nhiều người vẫn thường nghĩ đây là một khái niệm không có thật. Họ cho rằng nhân loại tự nghĩ ra nơi này để răn đe những kẻ độc ác, bất lương, gian tham, hại người.
Thế nhưng trên thực tế, tôi lại thấy rất nhiều câu chuyện người thật việc thật xảy ra. Những người đó kể lại họ đã từng tới thăm địa ngục, biết rõ các ngục và sự tra tấn hành hình nơi đó ra sao. Như cô Ba Cháo Gà, ni sư Diệu Hân, cư sĩ Hứa Ngọc Thủy, nữ họa sĩ người Hàn Quốc Me Kyeoung Lee …
Đặc biệt, cho tới khi chính bản thân tôi tự mình được trải nghiệm, thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Địa ngục hoàn toàn là có thật. Cho đến giờ này, bản thân tôi vẫn còn chưa hoàn hồn vì nó quá đáng sợ. Không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được.
Tôi vốn là một sĩ quan công tác tại trường quân sự Quân Khu 7, tên đầy đủ của tôi là Lê Ngọc Tú, hiện sống tại 479 đường Tô Ký phường Trung Mỹ Tây quận 12 TP HCM. Hành trình chỉ vừa mới xảy ra đêm qua. Lúc 0h rạng sáng ngày 13/09/2021, trong cơn chiêm bao, tôi đã được dẫn tới địa ngục.
Đầu tiên, họ dẫn tôi tới một con đường vô cùng tăm tối, nơi đây tôi thấy có rất nhiều người chết nằm la liệt trên đường. Thấy vậy, tôi mới suy nghĩ: “tại sao người ta lại chết nhiều quá vậy?”.
Tôi chẳng hề nói ra lời nào, chỉ nghĩ trong tâm như thế. Ấy vậy mà bỗng từ trên hư không có tiếng đáp: “Những người này do khi còn sống phạm nghiệp sát quá nặng nên phải chết ở trên đường”.
Kì lạ thay, không hề có âm thanh nào phát ra, nhưng câu trả lời đó lại như ghim thẳng vào tâm tôi. Hóa ra ở cõi này, chúng sinh không giao tiếp bằng ngôn ngữ, mà bằng tâm. Nhìn cảnh tượng người chết như ngả dạ đầy đường như thế trông không khác gì ngày tận thế vậy. Thật xót xa.
Nghiệp sát chẳng phải chỉ có giết người. Những ai khi còn sống hay giết hại, mổ xẻ các loài động vật cũng chính là phạm phải sát nghiệp. Nghĩ tới đây, tôi chợt tỉnh ngộ ra. Vậy thì nhân loại chúng ta ngày ngày vẫn tàn sát nặng nề.
Chiến tranh, bạo động làm chết bao nhiêu người. Những người làm nghề đồ tể chuyên xẻ da, cắt thịt, tước đoạt mạng sống của động vật. Ngay cả trong căn bếp của mỗi gia đình, chúng ta vẫn nuôi thân mình, nuôi gia đình bằng mạng của các con vật đó thôi.
Thế mà chúng ta cứ u mê chả biết gì, còn lấy những món ăn từ sinh mạng ấy làm khoái khẩu. Dần dần con người sát sinh loài vật không phải để sống nữa, mà còn để thỏa mãn cái miệng, để vui chơi nhậu nhẹt tiệc tùng. Mà dù để làm gì thì cũng là sai trái. Vậy nên số người chết kia mới la liệt đầy ắp cả con đường. Nếu nhân loại không sớm tỉnh ngộ mà dừng lại nghiệp sát, thì đều phải chịu quả báo như thế và hơn thế nhiều lần.
Tiếp theo, họ đưa tôi đến một con đường khác. Trên đường có rất nhiều xe. Xe nào cũng như xe nào, chứa rất nhiều tiền và vàng, đầy ắp cả. Mỗi người đều có một chiếc xe riêng của mình. Xe của ai thì người đó lên. Tôi cũng có một chiếc xe như vậy. Tôi lại nghĩ: “ Tiền, vàng này ở đâu mà nhiều quá?”
Họ đáp: “Tiền vàng này là của mỗi người tích góp được khi còn sống. Nhưng khi qua hết một kiếp mà chưa dùng hết, nên mới để đó.”
Chúng tôi lên xe đi một đoạn đường rất lâu. Sau đó, họ bảo: “của cải trên xe, ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy”. Tôi bước xuống xe nhưng không cầm theo tiền vàng gì cả.
Họ có hỏi tôi sao chẳng lấy gì hết vậy. Tôi đáp rằng tôi không cần những thứ đó. Rồi họ dẫn tôi đi tiếp. Nhưng ôi thôi, khi tôi quay đầu trở lại để nhìn, thì mới thấy một cảnh tưởng hãi hùng như trong phim. Người nào như tôi chẳng lấy gì thì bình an vô sự. Còn người nào lấy tiền vàng thì thân thể họ cháy đen như vừa bị tắm xăng, châm lửa, bốc cháy. Cháy đen như vậy rồi biến mất luôn.
Đúng là khi chết đi rồi, tiền bạc đâu có ý nghĩa gì nữa. Chúng ta chẳng thể mang theo được. Vậy thì tham tiếc tài sản làm gì, để làm cho con đường siêu thoát thêm nặng nề, khó khăn hơn.
Nhân loại ngày nay trọng tiền tài danh vọng. Kiếm sống nuôi thân chưa đủ, còn muốn có thật nhiều tiền để thỏa mãn đủ thứ dục vọng, chạy đua theo xu thế trọng vật chất.
Thậm chí nhiều người còn bất chấp phạm tội, gây nghiệp ác để kiếm được thật nhiều tiền. Cuối cùng, cả đời cũng tiêu không hết. Chết đi rồi, đống tiền đó thì chẳng đem theo được, mà ác nghiệp thì theo ta như bóng với hình, gây ra bao nhiêu quả báo thống khổ.
Sau đó, tôi được đưa tới ngục dành cho những người nghỗ nghịch bất hiếu. Trước khi vào ngục này, họ có dặn tôi, khi bị tra khảo, phải nói đúng sự thật, không thêm không bớt. Có thì nói có, không thì nói không. Nếu nói sai sự thật, thì tội bị tăng lên gấp đôi. Nhớ lời ấy, tôi tiến vào trong ngục.
Khi vừa bước vào, ngục tốt hỏi tôi:
-Ở trần gian, ông có bất hiếu, nghỗ nghịch không?
Tôi đáp:
-Tội bất hiếu thì tôi không có. Nhưng tội nghỗ nghịch thì có. Những lúc nóng giận quá, tôi hay nói những lời khó nghe, làm mẹ tôi phải buồn lòng.
Nói đến đó, ngục tốt chỉ vào cái gông xiềng và bảo nó là của tôi. Nhìn thấy cái gông của mình đang chờ sẵn mà tôi sợ hãi, rụng rời hết cả chân tay. Bỗng trên hư không lại nhắc tôi niệm Phật. Tôi y theo niệm Phật thì tự nhiên chỗ gông xiềng của tôi biến mất.
Tôi đưa mắt quan sát ngục này, thấy các tội nhân bị tra tấn vô cùng khủng khiếp. Họ lấy móc sắt móc lưỡi tội nhân ra rồi đổ nước đồng sôi sục vào lưỡi. Đổ tới đâu thịt rớt tới đó vì quá nóng. Còn hơn cả như lấy axit mà đổ lên lưỡi vậy.
Tội bất hiếu với cha mẹ là tội rất nặng. Cha mẹ là người cho chúng ta sự sống, hình hài, mang nặng đẻ đau, nuôi nấng, lo lắng cho con cái từng phút, từng ngày. Công lao cha mẹ vô cùng to lớn, có lẽ cũng không phải nói nhiều nữa. Vậy nên ai phạm tội bất hiếu nghỗ nghịch thì sẽ phải vào địa ngục chịu tội đau đớn khổ sở không thể nói hết.
Qua ngục Bất hiếu, tôi được dẫn tới ngục Trả quả. Ngục này dành để hành hình những kẻ phạm tội sát sinh. Vào tới đây, tôi nghe thấy tiếng rên la thất thanh, thảm thiết vang dội khắp cả ngục.
Khi còn sống, tội nhân nào đã giết hại chúng sinh như thế nào, thì nay phải chịu cảnh bị giết y như vậy, không khác. Ai đã từng chặt đầu, xẻ bụng, lột da chúng sinh. Thì nay cũng bị chặt đầu, xẻ bụng, lột da để thấm thía nỗi đau ấy.
Tôi nhìn thấy cảnh tội hình, máu chảy thành sông như lũ cuốn. Mùi tanh hôi thối bốc lên khó có thể diễn tả nổi. Rồi họ cũng chỉ vào một chỗ và nói chỗ đó là của tôi. Tôi khi ấy lại nhớ niệm Phật, nên chỗ đó đã biến mất.
Thử ngẫm mà xem. Con người bị sứt tí da, chảy chút máu, đã cảm thấy xót, thấy đau, khó chịu, khổ sở. Vậy mà trước cảnh chúng sinh bị cắt tiết, phanh thây, lột da, xẻ thịt, trụng nước sôi … vẫn không hề mảy may thương xót. Như thế có phải là vô cùng nhẫn tâm hay không?
Nếu đã không thể cảm nhận được nỗi đau của chúng sinh, tàn nhẫn với chúng sinh như vậy, thì nay tất phải vào địa ngục để tự trải nghiệm và trả nghiệp mà thôi.
Sang ngục tiếp theo, tôi thấy một cảnh tượng có phần êm ả hơn. Nhưng đã là địa ngục thì chẳng có nơi nào mà tội nhân không phải chịu thống khổ đâu. Nơi đây có một con sông rất lớn màu xanh. Trên sông có một chiếc bè bảy màu sắc rất đẹp.
Đặc biệt ở ngục này, tội nhân còn nhiều hơn cả nước sông, đầy khắp cả. Tôi thấy có cả thầy sư, nên bèn hỏi
-Thầy sư mà cũng có tội sao?
Họ đáp rằng tuy mang danh xuất gia tu đạo, nhưng thực chất lại không thật tâm tu hành, còn phạm trọng tội, không có việc gì mà không dám làm.
Người khi xuất gia, nghĩa là đã được nương nhờ phước đức của Đức Phật, của Tam Bảo. Đáng nhẽ cần phải tu tập tinh tấn, hành theo đúng lời Phật dạy, siêng năng trau dồi trí tuệ, hoằng pháp độ người thế gian.
Nhưng ngày nay đã vào thời mạt pháp, số lượng người giả danh thầy tu để chuộc lợi, lừa gạt chúng sinh không phải là ít. Những “con sâu” này đã làm ảnh hưởng đến uy tín, sự trong sạch thanh cao của Phật Pháp, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, khiến những người không hiểu thì sinh tâm phỉ báng Tam Bảo, thành ra tội rất lớn, phải đọa vào Vô Gián địa ngục.
Khiến những người tín căn thấp kém có thể vì vậy mà bỏ tu, mất đi con đường giải thoát. Thêm nữa, nó còn làm cho Phật Pháp bị suy thoái, hủy hoại mà biến mất dần. Khi ấy, chúng sinh không còn biết nương tựa vào đâu.
Dứt lời, ngục tốt đuổi hết chúng tôi lên bè. Ai không có bè mà bị rớt xuống sông thì lập tức biến thành nước cả. Khi tôi lên được bè rồi, từ trên hư không bảo tôi phải nhắm mắt lại và nhất tâm niệm Phật thì mới qua sông được.
Khi tôi niệm thì thấy chiếc bè chìm xuống đáy sông rồi lại chồi lên mặt nước là sang tới bờ. Nhưng một nghìn vạn người chỉ có một, hai người qua được sông. Số còn lại bị chìm xuống đáy rồi chồi lên lại chỉ còn là bộ xương trắng như tuyết.
Vừa lên bờ, tôi cảm thấy khát nước vô cùng. Không chần chừ, họ đưa tôi tới ngay ngục Trả Mạng. Từ trên hư không lại nhắc tôi rằng:
-Khi ngục tốt múc nước dừa trong chậu đưa cho, thì không được uống. Ở đó có người đang cắt cổ con gà. Hãy lấy nước đó tưới lên chỗ vết thương của nó, đừng để cho nó chết.
Tôi nhớ và làm theo. Còn những người khác, vì không biết, lại đang khát khô cả cổ, thấy được bát nước dừa, liền uống lấy uống để. Thì ôi thôi, trên cơ thể có những lỗ nào thông ra ngoài như mắt, mũi, tai, miệng v.v… là máu tươi chảy ra ồng ộc. Tôi nhìn cảnh tượng đó mà như muốn ngất, không còn đứng vững nổi.
Sau đó, ngục tốt đưa cho tôi một cái bánh giống như bánh gai vậy, bảo tôi cầm lấy mà ăn đi. Nhưng tôi chưa dám ăn. Lúc này, tôi được đưa sang ngục Tà dâm.
Tôi thấy nhiều người ăn cái bánh giống như tôi đang cầm, nên tôi mới mạnh dạn ăn nó. Ăn vào, ngay lập tức người tôi nhũn như cọng bún, không đi nổi nữa. Những ai không đi được tiếp thì ngục tốt sẽ xóc nách vào.
Chúng tôi bị đưa lên giàn chông sắt, mỗi người một ô, ô nào cũng có tên họ đầy đủ của từng người. Khi tội nhân vừa đứng vào, lập tức chân tay bị banh ra bốn phía như hình chữ X, khóa chặt lại không thể nhúc nhích nữa. Trước mặt mỗi người đều có một chùm giáo chĩa thẳng vào, cách mặt chỉ tầm một gang tay.
Ngục tốt đưa ra các câu hỏi cho mỗi người, ai trả lời đúng một câu thì được mở một khóa ra, ai trả lời sai thì ngay lập tức bị chông sắt đâm vào người.
Với người nam, thì có chông sắt nhọn như ngọn giáo đâm từ trên cuống họng xuống. Với người nữ, thì bị chọc ngọn giáo từ hậu môn lên. Người người rên la thống thiết, không có nhà văn nào có thể dùng ngôn từ mà diễn tả được cảnh tượng kinh hoàng này.
Bản thân tôi đã đứng vào ô của mình rồi, nhưng không bị khóa chân tay như các tội nhân khác. Chứng kiến đến đây thì tôi gần như xỉu đi, không thể chịu được nữa. Họ nói với tôi rằng những ngục mà tôi đã đi qua cũng chính là những tội nghiệp mà tôi đã phạm phải. Đáng nhẽ tôi sẽ phải chịu hành hình như vậy. Nhưng do từ lúc nhỏ, tôi đã ngộ ra, biết dừng việc sát sinh, chịu khó tích đức, hành thiện cho đến bây giờ, nên được trừ bỏ.
Họ cũng dặn tôi, từ nay về sau không được tái phạm. Nếu còn tái phạm, thì những hình phạt kia không thể biến mất được, nó sẽ lại còn đó để chờ tôi xuống lãnh.
Họ dặn tôi nhiều lắm, họ bảo rằng dù lấy một trái ớt, một chút mắm, muối mà không xin cũng mang tội trộm cắp. Chứ đừng tưởng có chút ít thì đáng bao nhiêu. Ít có quả báo của ít, nhiều có quả báo của nhiều. Nặng hay nhẹ cũng còn phải xét đến hậu quả nữa.
Họ cũng không quên nhắc tôi phải để ý miệng lưỡi của mình, khi nói gì đều phải suy xét. Những câu nói tưởng như chỉ vui đùa, bỡn cợt thoáng qua, mà làm cho người nghe được phải buồn phiền cũng là mang tội, mắc vào khẩu nghiệp.
Họ còn dặn tôi nhớ phải tích đức, hành thiện, không làm bất cứ điều gì phạm vào giới cấm của nhà Phật. Khi nào đủ lực, thì họ sẽ dẫn tôi đi nhiều chỗ nữa. Nay khí lực của tôi còn yếu, nên chỉ có thể đi được như vậy thôi. Còn nhiều điều nữa tôi được căn dặn, nhưng vì đã quá mệt và sợ hãi nên không nhớ được hết.
—
Khi tỉnh dậy, nhìn đồng hồ đã điểm hơn 12h. Tôi thấy khát nước lắm. Tôi ngồi dậy cố gắng bình tâm trở lại. Nhưng ngồi gần nửa tiếng đồng hồ mà chưa thể hoàn hồn được.
Chuyện trên đây là những trải nghiệm thật của tôi. Tôi không dám nói sai nửa lời. Nếu nói sai, tôi xin chịu tội ở địa ngục. Kể ra câu chuyện này, tôi chỉ muốn mọi người có thể nhìn đó làm gương mà tỉnh ngộ. Sớm bỏ các việc ác, mau làm các việc lành, tu tạo phước đức để tiêu trừ nghiệp chướng đã tạo.
Thế mới thấy, con người chết đi, chẳng mang theo được gì, ngoài phước và nghiệp. Người nào phước nhiều thì đường đi nhẹ nhàng, tư lương đầy đủ. Người nào nghiệp nhiều thì đường đi tối tăm, nặng nề, khó thoát.
Chúng ta thời nay phần nhiều ham mê những thứ phù phiếm, dành sức lực để đeo đuổi những thứ danh vọng tiền tài vô nghĩa. Phí phạm cả một đời người. Khi nhắm mắt xuôi tay, xả bỏ thân này, thì dù là người giàu có bậc nhất, hay người có chức vị cao sang, cũng chẳng thể cứu nổi những ác nghiệp của bản thân.
(Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của Lê Ngọc Tú)