Ðại sư Quang Minh Thiện Ðạo, Tổ thứ hai Liên Tông nói: “Tu các pháp môn khác, quanh co rất khó thành; duy chỉ pháp môn này, rất nhanh siêu ba cõi”. Chúng sinh ở cõi Ta bà này, căn cơ ám độn, chướng nạn sâu dầy, người phát tâm tu hành rất ít, và những người phát tâm mà kiên cố bất thoái lại càng ít hơn. Hoặc vì quá trọng tấm thân năm ấm này, sợ khó khổ, trước tinh tấn về sau biếng nhác, nên công phu không đủ để tiến tới; hoặc vì hoàn cảnh xấu ác, duyên trợ đạo ít, duyên chướng đạo nhiều, vừa mới phát tâm tu hành thì gặp ngay những điều chướng ngại, không đủ sức đả phá bèn thoái sơ tâm; hoặc do tứ đại bất hòa, bệnh hoạn phát sinh liên tục; hoặc vì ngoại ma làm chủ, hiện muôn hình sắc để phá hoại, hoặc bởi nội ma nhiễu loạn, tin theo tà giải. Xưa nói: “Ðạo cao một thước, ma cao một trượng”. Những nhân duyên thoái đọa nhiều không thể kể xiết.
Cho dù một đời tinh tấn tu hành, nhưng khi duyên đời đã mãn mà đạo nghiệp chưa thành thì khi chuyển sang thân khác vẫn bị mê mờ, không nhớ nghiệp tu hành đời trước nên không thể tiếp tục. Hễ rơi vào cõi bụi trần, tham dục sinh thì vẫn cứ mãi trầm luân trong khổ hải, không thể siêu bạt.
Tu hành ở cõi này mà muốn bất thoái thật vô cùng khó. Bồ Tát tu tập ở địa vị thập tín, tiến lên thoái xuống gọi là phàm phu. Như sợi lông bay trong không trung, vì gió mà khi tung lên khi hạ xuống, phải trải qua một vạn kiếp tín tâm tu hành đầy đủ mới được thiện căn thuần thục, vào chánh định mới lên Sơ trụ, được quả vị bất thoái. Ðến thập hạnh được thập bất thoái, từ đó mặc ý tu hành, niệm niệm lưu nhập trong biển nhất thiết trí. Và pháp môn niệm Phật người xưa gọi là con đường tắt trong con đường tắt, nếu có niềm tin sâu xa, phát nguyện cầu sinh Tịnh độ, niệm Phật không ngừng thì lúc mạng chung quyết định vãng sinh, chứng đủ tam bất thoái. Kinh A Di Ðà nói: “Những chúng sinh sinh lên cõi ấy, đều là bất thoái chuyển”. Bất thoái có ba:
1. Vị bất thoái: Dự vào dòng thánh, không còn đọa lại phàm phu.
2. Hạnh bất thoái: Luôn thường độ sinh, không rơi vào nhị thừa.
3. Niệm bất thoái: Nhậm vận tăng tiến, chứng nhập Như Lai địa.
Chẳng phải là lên cõi ấy tu lâu mới được tam bất thoái, mà là chúng sinh hạ phẩm mới sinh lên cũng được tam bất thoái. Cho đến lúc lâm chung, mười niệm không rời, người đới nghiệp vãng sinh cũng đắc chứng tam bất thoái vậy. Phương tiện thù thắng như vậy, nếu không có đại nguyện của Phật A Di Ðà, công trì danh to lớn há đến được cõi ấy sao!
Trích: Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật
Biên soạn: Viên Anh Pháp Sư
Việt dịch: Thích Nguyên Anh
Mình hay niệm Nam Mô Phật A Di Đà thì thấy dễ nhất niệm.Mong các đạo hữu cho mình xin ý kiến.
A Di Đà Phật hay Phật A Di Đà cũng đều là một vị Phật cả. Nên cách niệm của bạn không sao cả.
A Di Đà Phật.
Một Ý Niệm Cuối Cùng Quyết Định Ta Đi Về Đâu, Ý Niệm Cuối Cùng Quyết Định Đời Sau. Ý Niệm Cuối Cùng là A Di Đà Phật thì ta được Vãng Sanh Tây Phương Cực Lạc.
Người niệm Phật có ánh sáng 40 dặm chiếu thân, ma quỷ không thể xâm phạm được
‘Ma’ có nội ma và ngoại ma, nội ma chính là ma phiền não, cũng chính là ma trong tâm. Có câu nói: “Ma do tâm sanh, yêu do người khởi; chánh tâm thành ý, trăm tà chẳng xâm phạm được”, thường thường nếu nội tâm không có chánh tri chánh kiến, theo đuổi tìm cầu sự cảm ứng linh dị, sẽ dẫn tới ngoại ma.
Cái gọi là ‘ngoại ma’ bao gồm cả oan gia trái chủ của chúng ta, kinh khủng nhất là Thiên ma của trời thứ sáu cõi Dục.
Bất kể là oan gia trái chủ, hoặc là ma ác thần ác quỷ, cho đến Thiên ma, chỉ cần chuyên nhất niệm Phật thì trên thân sẽ phóng ánh sáng, mà điểm tốt của việc phóng ánh sáng chính là ‘ma quỷ không thể xâm phạm được’, không thể đến quấy nhiễu, làm chướng ngại, làm rối loạn được.
Có câu nói: “Thà nghìn năm không ngộ, không thể nhất thời vướng ma”, cho nên trong việc học Phật tu hành, hướng đạo, điều đáng sợ nhất là dựa vào ma. Người niệm Phật không thể có ngoại ma đến quấy rầy, gây rối loạn; cái đáng sợ nhất là tâm ma, chính là thấy biết không chính xác, hoặc là ma phiền não, xử lí công việc theo cảm xúc, không dùng lí tánh, như vậy sẽ làm chướng ngại bản thân. Mục đích của việc tu hành là để giải thoát luân hồi sanh tử, đáng sợ nhất là ma quấy nhiễu, có ma quấy nhiễu thì không thể giải thoát luân hồi sanh tử được.
Nếu dùng pháp môn tự lực để tu hành, đến cuối cùng ắt phải vượt qua cửa Thiên ma, nhưng người có thể vượt qua được, trong nghìn vạn ức người khó được một người. Thật ra, Thiên ma sẽ không tùy tiện đến tìm người tu hành, tại sao vậy? Ắt hẳn người tu hành đó khiến cho nó thấy mới đến quấy rầy. Tu hành tùy tiện, không có sức tinh tấn lớn, không tu hành mạnh mẽ, Thiên ma sẽ không thấy mà đến quấy rầy.
Nếu không giống như Phật Thích-ca lúc sắp thành đạo, Thiên ma chẳng có chút động tâm, sẽ không làm kinh động Thiên ma đến để quấy nhiễu. Bất kể là loại ma nào, chỉ cần niệm Phật, tất cả đều chẳng có vấn đề gì cả, không thể quấy nhiễu được, hoàn toàn không có trở ngại. Người niệm Phật có ánh sáng 40 dặm chiếu thân, cũng giống vậy, bất kể người nào, bất kể lúc nào, bất kể nơi nào, bất kể duyên gì, bất kể tâm ra sao, ngay lúc họ niệm Phật thì sẽ phóng ánh sáng. Không cần tự cầu, tự nhiên sẽ hiện ra.
Pháp sư Huệ Tịnh