Cần phải biết rằng khởi niệm chính là vọng, ý niệm niệm Phật cũng là vọng chứ chẳng phải là chơn, vì sao vậy? Vì tánh của Chơn Như vốn là vô niệm. Nhưng vì phàm phu nhiễm niệm chẳng hề ngơi nên bất đắc dĩ phải mượn tịnh niệm của việc niệm Phật để trị cái nhiễm niệm trụ trần.
Ấy là vì ý niệm niệm Phật tuy chẳng phải là bổn thể của Chơn Như, nhưng nó xu hướng diệu dụng của Chơn Như. Vì sao vậy? Chơn Như là tâm thanh tịnh, Phật niệm là thanh tịnh niệm, cùng là thanh tịnh cho nên được tương ứng. Bởi vậy, dùng ý niệm niệm Phật niệm niệm chẳng ngơi thì có thể đạt đến vô niệm, cho nên bảo là phương tiện thù thắng. Thế giới Cực Lạc cũng là huyễn tướng, nhưng chẳng thể không cầu nguyện vãng sanh vì tịnh huyễn chẳng giống như nhiễm huyễn. Vì sao thế? Cõi thanh tịnh vốn do tâm thanh tịnh hiển hiện, vì thế mới bảo là tâm tịnh thì cõi tịnh vậy.
Cần phải biết rằng Di Ðà đến đón vốn chưa từng đến đón, vãng sanh Tây Phương cũng là chưa từng sanh qua. Tuy chưa từng sanh nhưng nào có trở ngại gì chuyện thị hiện đến đón, sanh về!
Vì sao vậy? Chẳng đến đón, chẳng sanh về là xét về Lý Thể; có đến đón, có sanh về là Sự Tướng. Lý – Sự vốn dĩ chẳng hai, phải hiểu tánh – tướng một cách viên dung thì dù cho chẳng đến đón, chẳng vãng sanh cũng chẳng ngại có đến đón, có vãng sanh. Dù có đến đón, có vãng sanh nhưng thật sự là chẳng có đến đón, chẳng có vãng sanh.
Ðiều tối khẩn yếu là phải nhận thức được không có đến đón, không có vãng sanh nơi chuyện có đến đón, có vãng sanh; và chuyện có đến đón, có vãng sanh chính là từ không đến đón, không vãng sanh mà thành. Ðấy chính là yếu quyết để niệm Phật cầu vãng sanh.
Hiểu được yếu quyết này thì sẽ nhất định vãng sanh gặp Phật. Chớ bảo là tu Tịnh Ðộ thì khỏi cần phải học Bát Nhã nữa; lại nghi Bát Nhã gây trở ngại cho Tịnh Ðộ hay sao?
- Nhận định:
Vạn duyên buông xuống chính là chẳng trụ vào Có; nhất tâm niệm Phật chính là chẳng trụ Không, tức là: Bát Nhã và Tịnh Ðộ đồng tu. Tuy Bát Nhã là theo cửa Không mà vào, ly tướng, ly niệm để đạt đến vô niệm; Tịnh Ðộ theo cửa Có mà vào, dùng niệm để dứt niệm, niệm mà vô niệm, khác đường nhưng cùng về một chỗ. Chẳng phải là Bát Nhã chẳng hiển lộ được chỗ nhiệm mầu của Tịnh Ðộ, Tịnh Ðộ khó thành hạnh Bát Nhã đâu!
Vì thế, Quán kinh dạy bậc Thượng Phẩm Thượng Sanh phải đọc tụng kinh điển Ðại Thừa. Cụ cư sĩ đây cả một đời học đủ Giáo, Tông, Bát Nhã, nhưng hạnh đặt nơi Di Ðà, thật đáng là một cách tu học hữu hiệu.
Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích yếu tác phẩm Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Thắng Quán Diệu Hú Giang Vị Nông thời Dân Quốc
Hỏi: Xin hỏi thế nào gọi là nhất tâm bất loạn? Có phải là một ý niệm cũng không khởi mới tính là nhất tâm bất loạn không? Khi niệm Phật, trong tâm nghĩ đến A Di Đà Phật có phải là vọng niệm không ạ?
Hòa Thượng Tịnh Không trả lời: Nhất tâm bất loạn đối với người mới học mà nói, trong tâm nghĩ đến A Di Đà Phật là đúng rồi, từ chỗ này mà hạ thủ. Nhất tâm bất loạn có cạn sâu không như nhau, điều mà Tổ sư Tịnh Tông chúng ta đã nói: “Có lý nhất tâm, có sự nhất tâm, có công phu thành phiến”. Trong tâm nghĩ đến có A Di Đà Phật, niệm niệm tiếp nối, đây là công phu thành phiến. Có công phu này thì có thể vãng sanh, đây là công phu nhất tâm bất loạn sơ bộ. Thật sự đạt được sự nhất tâm, sự nhất tâm là Thánh A La Hán; Lý nhất tâm chính là Bồ Tát. Cảnh giới lý nhất tâm so với phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân trong Thiền tông là tương đồng. Cho nên lý nhất tâm là Pháp Thân Bồ Tát. Ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là Bồ Tát Sơ Trụ của Viên Giáo, ở trong Biệt Giáo là Bồ Tát Sơ Địa, điều đó thật không dễ gì đạt được. Thế nhưng công phu thành phiến thì dễ, chẳng niệm gì cả, chỉ niệm A Di Đà Phật, vậy thì nhất định chính xác.
Lão hòa thượng Tịnh Không
Dù Mình Đúng Người Khác Nói Sai Cũng Gật Đầu
Tu thì đừng nói thị phi, ai đúng ai sai. Dù mình đúng lý mà người khác nói mình sai, mình cũng cứ tiếp nhận ý kiến ấy. Hễ bạn tự nhận mình sai – dù mình đúng – thì phiền não sẽ không khởi; bằng ngược lại, tâm bạn sẽ không an, phiền não sẽ kéo tới.
Trên đường tu, có rất nhiều thứ không giống với đường đời, thế tục; do đó, đừng nên tranh chấp “đúng” với “không đúng.” Tu hành không phải là tranh chấp “đúng” với “sai.” Tu hành cần phải có công phu nhẫn nhục; dù mình đúng mà bị trách là sai, mình cũng phải nhận chịu.
Trích: Cẩm Nang Tu Đạo của cố Hoà Thượng Quảng Khâm
Khi Chết 6 Giác Quan Mất Hết Thì Làm Sao Chúng Ta Nhận Biết Được Gì?
Lúc lâm chung, thức thứ sáu là Ý Thức không hoạt động nữa, tập khí trong thức thứ tám loạn động, nên gọi là “loạn tâm vị” (địa vị tâm tán loạn). Đó chính là tướng trạng của tâm điên đảo vậy. Vì sao bị điên đảo khi lâm chung? Kinh điển của Pháp Tướng Tông giảng tình huống con người khi lâm chung rất tường tận. A Lại Da Thức (tức thức thứ tám) “tiên lai hậu khứ tác chúa công” (đến trước đi sau làm ông chủ). Lúc đầu thai, thức này đến trước tiên. Lúc đứa bé đã phát triển toàn vẹn, được sanh ra thì tám thức đều có đủ, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý đều có đủ. Nhưng lúc mới nhập thai thì không có, chỉ có thức thứ tám. Thức thứ tám được gọi là “thần thức”, nó đến đầu thai. Khi người ta chết đi, bảy thức trước dần dần chẳng thể khởi tác dụng nữa, tợ hồ đều không có; nhưng thức thứ tám vẫn còn, thức thứ tám rời đi sau cùng.
Trong kinh, đức Phật giảng cho chúng ta biết: Sau khi con người tắt thở, thức thứ tám sẽ rời thân lúc nào? Ước chừng sau tám tiếng đồng hồ; tám tiếng sau khi tắt thở thì thức thứ tám mới rời thân; thân thể thật sự không hay biết nữa thì phải mất tám tiếng đồng hồ [sau khi tắt thở]. Nhưng tám tiếng đồng hồ là đa số, có một số người rất tham ái thân thể, không buông xuống được, rất có thể phải đến mười hai tiếng hay mười bốn tiếng đồng hồ sau thần thức mới rời khỏi thân. Có rất ít người, vô cùng ít, đã nhiều ngày mà A Lại Da Thức chẳng chịu rời đi, chúng ta gọi hạng người ấy là “thủ thi quỷ” (quỷ giữ xác). Kẻ ấy không rời được thân xác này, chấp trước quá đỗi, Ngã Chấp quá nặng. “Loạn tâm vị” chướng ngại việc vãng sanh.
Hiện tại chúng ta do vì có thức thứ 6, nên có thể phân biệt, phán đoán những chuyện gì nên làm, những chuyện gì không nên làm, những chuyện gì nên nói, những chuyện gì không nên nói. Nhưng khi đến lúc tắt hơi, thức thứ 6 sẽ theo các giác quan mà biến mất.
Thức thứ 6 mất hết tác dụng, thì A LẠI DA THỨC liền sẽ hiện nổi lên làm chủ tể việc đầu thai chuyển kiếp luân hồi.
Cũng giống như khi ta nằm mộng vậy, thức thứ 6 sẽ tương đối yếu đi, cho nên những đều mơ thấy không có thứ tự, chẳng có logic, không có thứ lớp gì cả, thời gian, không gian đều rất lộn xộn, không có một người chủ nhân có thể khống chế được. Con người ta lúc chết cũng giống như vậy.
Con người khi sắp tắt hơi, nếu như không có niệm Phật, sẽ không được Phật A Di Đà đến trước khi tắt hơi để hộ trì và tiếp dẫn chúng ta, bất kể cảnh giới tu hành của bạn có cao thâm cỡ nào? Một khi nghiệp lực đến thì không một ai có thể kháng lại nổi, chỉ còn tùy nghiệp mà thọ báo.
Khi chết ta gọi đó là ‘LOẠN TÂM VỊ’, cái tâm lúc đó là rất tán loạn, rất điên đảo.
Nếu như chúng ta có niệm Phật, Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn chúng ta, khi mạng chung tâm sẽ không điên đảo.
Sưu tập & tổng hợp từ các lời dạy của lão pháp sư Tịnh Không
TRÊN ĐẦU BA THƯỚC CÓ THẦN LINH
Chúng ta đọc kinh có thiên long quỷ thần đến nghe, người trần mắt thịt chúng ta nhìn không thấy nhưng có thể cảm nhận được; tâm bạn càng thanh tịnh thì càng dễ cảm nhận.
Dù chỉ có một người đọc kinh, người đó ở trong phòng đọc kinh chẳng có ai nhìn thấy, có thiên long quỷ thần đến, nhiều khi chúng ta sẽ ngửi được mùi hương lạ. Đây là việc thường gặp nhất.
Hương này từ đâu đến? Lúc chúng ta đọc kinh, đặc biệt là lúc bắt đầu học, lúc đó chẳng biết đốt hương. Cổ đức nói với chúng ta, có thiên thần đi ngang gặp lúc bạn đọc kinh.
Họ sẽ dừng lại chắp tay cung kính tán thán, trên thân họ có mùi hương, do đó bạn ngửi được mùi hương lạ này.
Đôi lúc vài người cùng nhau thảo luận kinh điển, tâm địa cũng rất thanh tịnh, lúc đó tâm địa từ bi, hiền thiện.
Lúc bạn nghiên cứu thảo luận như vậy, có thiên long quỷ thần đi ngang nhìn thấy họ cũng sẽ dừng lại, sẽ chắp tay cung kính chào.
Lúc đó những người này cũng sẽ ngửi được mùi hương lạ, chuyện này chúng ta thường nghe nói tới, chính chúng ta cũng từng trải qua.
Cho nên chúng ta đọc kinh, nghiên cứu thảo luận tu hành, đừng tưởng là không có ai nhìn thấy, mắt thịt chúng ta nhìn không thấy [chứ thật ra có rất nhiều thiên long quỷ thần này đang ở chung quanh].
Bạn hiểu được đạo lý và sự thật này thì phải giác ngộ, khi chúng ta khởi một ác niệm, làm một việc xấu đừng tưởng là không có ai biết, thiên long quỷ thần đều biết!
Bạn có thể gạt người chứ không thể gạt quỷ thần, đúng như câu nói
“Trên đầu ba thước đều có thần linh”
Lời này là thật chẳng phải giả!
Họ nghe chuyện và hạnh nguyện của Địa Tạng, họ làm sao nghe được? Nhờ chúng ta đọc kinh nên họ nghe được, chúng ta đọc ra tiếng, không ra tiếng cũng không sao.
Đọc ra tiếng dĩ nhiên càng tốt, đọc không ra tiếng thì cũng đọc từng chữ, từng chữ cho tới hết, như vậy cũng có cảm ứng.
Chúng ta cảm ứng đạo giao với thiên địa quỷ thần, hết thảy chúng sanh đều là tác dụng của tâm, phía trước đã nói với chư vị rồi, khi tâm khởi niệm thì sẽ phát ra sóng.
Sóng vô cùng nhỏ bé, quỷ thần có thể khởi cảm ứng, [sóng này] có thể cảm ứng với sóng của họ, nhờ vậy họ sẽ biết, sẽ nhìn thấy, nghe thấy, cho nên họ ‘tán thán chiêm lễ’, chiêm lễ là cung kính tột cùng!
Trích “Địa tạng bồ tát bổn nguyện kinh giảng ký, tập 51”
Chủ giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không