“Tam nghi” là:
a. Một là nghi mình lúc sống nghiệp nặng, thời gian tu hành ít ỏi, sợ chẳng được vãng sanh.
b. Hai là nghi tâm nguyện chưa trọn, tham – sân – si chưa dứt, e chẳng được vãng sanh.
c. Ba là nghi mình tuy niệm Phật, lúc lâm chung Phật chẳng đến đón tiếp.
Có ba điều nghi này thì nhân nghi thành chướng, đánh mất chánh niệm, chẳng được vãng sanh. Vì vậy, người niệm Phật cần phải tin chắc chắn, hiểu rõ ý chỉ kinh Phật, đừng sanh lòng ngờ. Kinh dạy: “Niệm A Di Ðà Phật một tiếng diệt được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”. Thượng thì nhất tâm bất loạn, hạ thì mười niệm thành công, nối bước lên chín phẩm sen, giã từ ngũ trược. Nếu có thể tâm tâm bất muội, niệm niệm vô sai thì nghi tình vĩnh viễn đoạn tuyệt, quyết định vãng sanh vậy! Nay dùng ba thuyết để phá tan tam nghi:
a. Một là nghiệp vốn hư vọng, tâm tịnh nghiệp liền thành không.
b. Hai là tình như mộng huyễn, tỉnh dậy nào có nữa, tự chịu ngưng khởi động tình tưởng thì tham sân si vĩnh viễn đoạn mất.
c. Ba là công chuyên niệm thiết thì tự tâm Phật hiện, đều chẳng phải nghi nữa!
“Tứ quan” (bốn ải) là:
Phàm phu tuy có tín tâm niệm Phật nhưng hoặc là do túc nghiệp chướng trọng, lẽ ra phải đọa địa ngục, nhưng nhờ Phật lực nên đổi nặng thành nhẹ. Nếu nhân lúc bệnh khổ, thân tâm hối hận, chân thành quy hướng nơi Phật thì sẽ sanh Tịnh Ðộ. Kẻ vô trí chẳng hiểu điều này cứ bảo: “Do tôi nay niệm Phật nên bị bệnh khổ”, trở lại phỉ báng Di Ðà. Do một niệm ác tâm ấy vào ngay địa ngục. Ðó là một ải.
Tuy trì giới niệm Phật nhưng miệng bàn Tịnh Ðộ, tâm lại luyến tiếc Sa Bà, chẳng trọng thiện căn xuất thế, chỉ cầu lợi ích tục duyên, đến khi lâm chung mắc bệnh, sợ chết tham sống, tin quàng đồng cốt, giết chóc sanh mạng, van vái quỷ thần. Bởi tâm tà ấy, không Phật nào dắt dìu, trôi lạc tam đồ. Ðấy là hai ải.
Hoặc do uống thuốc, hoặc do bị khuyên lơn, cưỡng bức bèn phá giới ăn mặn, vùi lấp thiện căn. Lâm chung tự đến trước Diêm Vương, bị Vương phán tội. Ấy là ba ải.
Lâm chung khư khư nghĩ đến gia tài, mến tiếc quyến thuộc, tâm không bỏ được, mất cả chánh niệm, đến nỗi đọa vào đường quỷ, hoặc làm rắn, chó để giữ của cho gia đình giống hệt như lúc còn sống. Ấy là bốn ải.
Vì thế, quan Ðề Hình họ Dương nói: “Ái chẳng nặng, chẳng sanh Sa Bà, niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Ðộ”. Người tu Tịnh Nghiệp nên chọn thật, bỏ hư, nghĩ chuyên, tưởng lặng, niệm niệm Di Ðà, buông bỏ toàn thân, chỉ giữ chắc một niệm này thì mới có thể phá nát bốn ải, thì đài sen Tịnh Ðộ mới chẳng xa vời vợi vậy!
- Nhận định:
Tam nghi tứ quan đích xác là chướng ngại vãng sanh. Chỉ nên tin sâu, nguyện thiết, nhất tâm niệm Phật thì tam nghi sẽ đoạn mà tứ nghi cũng bị phá luôn!
Trích lục Lâm Chung Tam Nghi Tứ Quan của ngài Từ Chiếu Tông Chủ
Trích NIỆM PHẬT PHÁP YẾU
Cư sĩ Dịch Viên Mao Lăng Vân sưu tập
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
VÌ SAO DÂY PHÚT LÂM CHUNG PHẢI NIỆM PHẬT?
https://www.youtube.com/watch?v=UXqmk_uY8y4
THỌ TRAI KHÔNG TRỌN BỊ HAO TỔN PHÚC BÁO
Bấy giờ, Đức Phật ở Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên thuộc nước Xá-vệ, thuyết pháp cho hàng trời, rồng, quỉ thần nghe. Về phía đông, tại nước Uất -đa-la-bà-đề, có năm trăm bà-la-môn cùng nhau đến ba cái ao thần bên bờ sông Hằng tắm gội sạch sẽ, khỏa thân để cầu pháp tiên như pháp của ni-kiền-tử. Do đầm quá lớn, nên họ lạc lối không thể qua được, trên đường đi bị thiếu lương thực. Từ xa họ trông thấy một cây lớn tỏa thần khí, lầm tưởng có người ở, bèn đi về đó, nhưng khi đến nơi thì không thấy ai. Các bà-la-môn khóc gào thảm thiết, đói khát khổ sở, sắp chết tại đầm ấy.
Thọ thần hiện ra hỏi các Phạm chí: Các đạo sĩ từ đâu đến và muốn đi đâu?
Các Phạm chí cùng đáp: Chúng tôi muốn đến ao thần tắm rửa mong được thành tiên, nay bị đói khát. Xin ngài thương xót cứu giúp!
Thọ thần liền đưa tay ra thì trăm món thức ăn uống từ tay tuôn ra, mọi người chẳng những ăn uống no đủ mà còn dư làm lương thực đi đường.
Lúc sắp ra đi, họ đến hỏi vị thần: Ngài tạo công đức gì mà có điều kỳ diệu như vậy?
Thọ thần kể với Phạm chí: Ngày xưa, tôi ở nước Xá-vệ, lúc ấy trong nước có một vị đại thần tên Tu-đạt cúng dường thức ăn cho Đức Phật và chúng tăng. Tu-đạt ra chợ mua sữa, nhưng không có người mang về, ông nhờ tôi mang đến dâng cúng Phật và chúng tăng. Khi đến tinh xá, ông sai tôi pha sữa và múc nước rửa tay, nhờ đó mà nghe được giáo pháp. Tôi vô cùng vui mừng, hết lòng khen ngợi, liền phát tâm trì trai, nên đến chiều về nhà không ăn. Vợ tôi ngạc nhiên hỏi: Chẳng hay chàng hờn giận điều gì mà không ăn cơm? Tôi kể lại chuyện gặp trưởng giả Tu-đạt dâng cơm cúng Phật ở trong vườn, ông ấy mời tôi đến thọ Bát quan trai. Vợ tôi nghe xong, nổi giận nói rằng: ‘Cù-đàm phá hoại tập tục, sao có thể chấp nhận được? Ông bỏ đạo đó ngay, nếu không sẽ mang họa vào thân’. Vợ tôi cứ ép buộc mãi, nên tôi phải ăn cơm, nửa đêm đó mạng chung. Do phá trai giới, và nghiệp chướng chưa dứt, nên thần thức tôi sinh làm thọ thần ở đầm này. Nhưng nhờ phúc mang sữa đến tinh xá mà nay tay tôi tuôn ra nhiều thức ăn như vậy. Nếu thọ trì trai giới trọn vẹn thì tôi được sinh lên cõi trời, hưởng phúc tự nhiên.
Thọ thần nói cho các Phạm chí nghe bài tụng rằng:
Cúng tế gieo gốc họa,
Ngày đêm cành nó lớn,
Luống khổ hại thân mình,
Pháp trai độ trời người”.
Theo: Kinh Pháp Cú Dụ.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHÚNG TA ĐƯỢC TÂM THANH TỊNH?
Làm thế nào chúng ta được tâm thanh tịnh? Tôi có một phương pháp, phàm hễ là thứ ô nhiễm tâm của chúng ta thì thảy đều đem nó trừ bỏ đi. Cái thứ nhất là truyền hình. Tôi không xem truyền hình đã có hơn 40 năm, đó là ô nhiễm. Báo chí ô nhiễm, tạp chí ô nhiễm, phim ảnh ô nhiễm, hý kịch ô nhiễm, ngay đến xướng ca cũng ô nhiễm, tôi một mực cự tuyệt. Tôi không có quyền bảo bạn không diễn xuất ra, thế nhưng tôi có quyền không nghe không xem. Mỗi ngày nghe Phật hiệu xem Phật kinh, cả ngày đều không rời khỏi, 58 năm rồi, giảng kinh dạy học 51 năm, cho nên mới có thể giữ tâm thanh tịnh này. Người xưa nói “ba ngày không đọc sách thánh hiền thì thay đổi mặt mũi rồi”, nếu như khi chúng ta bỏ mất đi Phật pháp ba tháng, khẳng định bị tập khí bất lương của xã hội ô nhiễm, vậy có thể được sao? Cho nên có thể ở trong xã hội này vẫn có thể giữ gìn được, dựa vào cái gì? Dựa vào đọc kinh, dựa vào niệm Phật. Truyền hình phim ảnh, thỉnh thoảng xem qua một lần cũng đều không nên, bạn phải nên biết, vào lần đó chủng tử đã gieo vào trong A-lại-da-thức của bạn, bạn phải dùng công phu như thế nào mới có thể nhổ sạch được? Phiền não nhiều hơn, cho nên phương pháp tốt nhất là căn bản không nên tiếp xúc. Hiện tại có không ít đồng tu phát tâm, muốn biên đạo một số phim ảnh phim truyền hình Phật giáo, có tốt không? Tốt! Tôi có xem hay không? Không xem! Tốt thì sao? Để cho người khác xem. Tuyên truyền Phật giáo là việc tốt, tôi cũng tán thành, thế nhưng tôi cũng sẽ không xem, cho nên việc này chính mình nhất định phải giữ lấy.
Trích: Hoa Nghiêm Áo Chỉ (tập 11)
Vì sao ngày ngày niệm Phật mà vẫn sanh phiền não?
https://www.youtube.com/watch?v=LoeO74pNqKg
Ví dụ hồi hướng phước với sám hối mà oan gia không nhận thì khỏi hết bệnh luôn phải không ạ?
Hic, đáng sợ thật
Chào bạn Nguyễn Hoàng Nam
Các oan gia trái chủ thường là do thiếu phước mà bị đọa lạc, bạn đang đói khổ có người cho ăn chẳng lẽ lại không nhận? Oan gia cũng vậy thôi, họ thiếu phước mà được hồi hướng phước báu thì họ cũng không chê đâu. Còn sám hối thì còn phải xem tâm thành của người bệnh, họ cảm nhận được tâm thành hối lỗi của người bệnh, được người bệnh tác phước cúng dường làm các việc lành hồi hướng cho và họ được tăng phước thì dần dần họ sẽ buông tha cho.
Nam Mô A Di Đà Phật