Vừa muốn hiểu thấu đáo đạo thì ma cảnh đã hiện trước, một điều lỡ tâm thì vạn thiện đều mất. Vì thế, căn cứ vào kinh, lập ra mười hạnh gây trở ngại lớn, đặt tên là Thập Bất Cầu Hạnh:
1. Một là nghĩ đến thân chẳng cầu không bịnh. Không bịnh thì tham dục sanh, ắt phá giới thối đạo. Biết tánh của bệnh là không, bệnh chẳng não được. Vì thế lấy bệnh làm thuốc hay.
2. Hai là ở đời chẳng cầu không nạn. Ðời không nạn thì kiêu ngạo, xa xỉ nổi dậy, ắt muốn đè ép hết thảy. Hiểu nạn vốn là vọng thì nạn cũng chẳng làm gì được. Vì thế hoạn nạn là giải thoát.
3. Ba là cứu xét tâm đừng cầu không chướng. Tâm không chướng thì học qua loa, chưa đắc đã nói là đắc. Hiểu chướng chẳng có cội rễ thì chướng tự lặng. Vì thế dùng ma chướng để tiêu dao.
4. Bốn là lập hạnh chẳng cầu không có ma sự. Hạnh không có ma sự thì nguyện chẳng kiên cố, ắt sẽ chưa chứng mà nói là chứng. Thấu hiểu ma là giả có, ma nhiễu sao nổi! Vì thế lấy quần ma làm pháp lữ.
5. Năm là mưu sự chẳng cầu dễ thành. Sự dễ thành thì chí khinh mạn, ắt sẽ xưng mình có tài. Hiểu rõ việc được thành là tùy theo nghiệp, chứ chẳng phải do tài năng. Vì thế lấy sự khó làm điều an vui.
6. Sáu là giao tình (tình quen biết, giao du, bầu bạn với nhau) chẳng cầu mình được lợi. Mong lợi mình thì thiếu đạo nghĩa, ắt sẽ thấy người khác sai trái. Xét rõ tình vốn có nhân thì tình sẽ nương theo duyên. Vì thế, lấy mối giao tình tệ bạc làm tư lương.
7. Bảy là chẳng cầu người khác thuận thảo với mình. Người ta thuận thảo thì trong lòng [mình] sẽ kiêu căng, ắt chấp mình là phải. Chúng ta sống trong đời, người khác chỉ đáp trả mình. Vì thế lấy kẻ nghịch làm vườn rừng.
8. Tám là thí đức chẳng cầu mong được báo đáp. Làm điều công đức mà mong được báo chính là có ý đồ, muốn phô phang tiếng tốt. Hiểu rõ đức vô tánh mà cũng chẳng thật. Vì thế coi việc thí đức như bỏ đôi dép rách.
9. Chín là thấy lợi chẳng cầu được hưởng phần. Ðược hưởng phần lợi thì tâm si phát động, ắt bị tham lợi hủy hoại mình. Thấu rõ lợi vốn là không, chẳng vọng cầu lợi. Vì thế, coi lợi sơ bạc là phú quý.
10. Mười là bị chèn ép chẳng cầu kêu oan. Bị chèn ép mà kêu oan thì còn giữ lòng nhân ngã, ắt oán hận sẽ nẩy nở. Chịu đựng chèn ép, khiêm tốn thì sự chèn ép tổn thương gì được mình? Vì thế lấy việc bị chèn ép làm hạnh môn.
Như thế thì chịu đựng chướng ngại mà lại thành thông suốt, cầu thông suốt mà lại bị chướng ngại. Những chướng ngại ấy đều thành diệu cảnh. Bởi lẽ đó, đức Như Lai đắc Bồ Ðề đạo ngay trong chướng ngại. Dù là lũ La Sát, Ca Lợi hay bọn Ương Quật, Ðề Bà [*] đến tạo nghịch, Phật đều thọ ký, giáo hóa họ trở thành Phật, há chẳng phải là lấy cái nghịch kia làm cái thuận cho mình, lấy cái hủy báng của họ làm điều thành tựu cho mình ư?
Huống hồ, lúc thời bạc, thế ác, nhân sự dị thường, lẽ nào người học đạo không có chướng ngại! Nếu chẳng đã ở trước trong chướng ngại thì sao bài trừ nó cho được, khiến cho đại bảo của Pháp Vương vì đó bị mất đi, chẳng tiếc lắm ư!
- Nhận định:
Dùng mười Ðại Ngại Hạnh (Bất Cầu Hạnh) trên để nhất nhất tự nghiệm thì quả thật, ngay trong lúc bịnh hoạn, gặp nạn cho đến lúc bị ép uổng thì tâm niệm Phật chỉ càng tăng thêm, hiểu khổ, quán không, chẳng oán, chẳng hiềm, không uất, không ngại, giống như đắc Tam Muội, ắt được sanh Tây.
[*] Ca Lợi: khi đức Phật còn tu nhân, trong tiền kiếp làm một vị tiên nhẫn nhục. Vua Ca Lợi vì ghen, cắt xẻo tay, chân, mắt, mũi của ngài, nhưng Phật trọn chẳng có lòng sân hận, khiến vua Ca Lợi sám hối, phát tâm Bồ Ðề.
Ương Quật là cách gọi tắt của Ương Quật Ma La, người đã giết 99 người lấy ngón tay với hy vọng được đắc thần thông đệ nhất. Khi ông này định giết mẹ ruột để đủ 100 ngón tay, Phật đã hóa độ ông, khiến ông trở thành một vị thánh giả, ngay hiện đời chứng A La Hán.
Ðề Bà tức là Ðề Bà Ðạt Ða, em họ của Phật. Ông này chuyên môn làm nghịch hạnh, phá hoại Tăng chúng, chống đối Phật. Ðó là nghịch hạnh của bậc Bồ Tát để Phật có cơ hội chế giới và thuyết giảng về các tội ngũ nghịch, vô gián v.v…
Trích dẫn Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ của Tứ Minh Diệu Hiệp đại sư thời Minh
Diệu Hiệp đại sư bảo: “Mười hạnh trên, duy người trí huệ hùng tâm mới áp dụng nổi. Nếu biết xét soi giác ngộ, giữ vững mười điều này, thì tuy vào cảnh giới ma không bị ma làm thối chuyển. Dù cho ở trong cảnh sắc thinh, danh lợi, thương ghét, thị phi, thạnh suy, đắc thất… vẫn được an nhiên.”
Cho nên nếu không biết, thì tất cả sự tốt đẹp thuận lợi có thể thành duyên chướng đạo. Như xét thấu tất cả bệnh khổ cùng ma chướng đều giả dối không căn, tất nó cũng không làm chi được. Đối với mười điều trên, lối xử dụng của bậc trí lực là:
1. Lấy bệnh khổ làm thuốc hay.
2. Lấy hoạn nạn làm giải thoát.
3. Lấy chướng ngại làm tiêu dao.
4. Lấy các ma làm bạn pháp.
5. Lấy việc khó làm an vui.
6. Lấy bạn xấu làm giúp đỡ.
7. Lấy kẻ nghịch làm vườn hoa.
8. Lấy sự quên việc thi ân như quên bỏ chiếc dép rách.
9. Lấy thanh đạm làm giàu sang.
10. Lấy sự oan ức làm duyên tiến đạo.
Xem đây suy rõ sự hay dở, được mất vẫn tùy tâm. Thế nên, người mới tu rất sợ chướng duyên, bậc tu lâu có khi lại muốn thử đương đầu với chướng cảnh. Xin thuật ra đây một đôi chuyện để làm ví dụ:
Thuở xưa, ngài Thần Quang sau khi đắc pháp với tổ Đạt Ma, liền hạ mình đi làm mướn, như bửa củi, giã gạo hoặc gác cửa cho người. Có kẻ đến hỏi: “Ngài là bậc kế truyền Tổ vị, sao lại thấp mình đi làm những việc tầm thường như thế?” Ngài đáp: “Ta muốn hàng phục cái tâm của ta, chẳng phải chỗ ông biết!”
Để so sánh về các hạnh tu, xin kể tiếp thêm vài chuyện:
Một sư cô nọ muốn dứt trừ lỗi lầm, nguyện kiết thất và tịnh khẩu (không nói 100%) trong ba tháng. Buổi chiều kia, cô đang ngồi bên cửa sổ lần chuỗi niệm Phật. Có ông đạo trông thấy liền nói chuyện với người bạn, bảo cô nhiều nghiệp, nhiều tánh xấu. Cô nghe nóng giận đỏ mặt, nhưng vẫn làm thinh tiếp tục niệm Phật. Giây lát ông đạo bảo:
-Tôi rình thấy cô này lấy một ông ở bên hàng xóm.
Cô giận quá, nhịn không được nói lớn tiếng lên:
-Huynh nói tôi lấy ai phải xác nhận lại, chớ tôi không chịu bỏ qua vụ này đâu?
Ông đạo cả cười đáp:
– Đó là tôi cố ý thử cô mà thôi. Cô đã nguyện tịnh khẩu sao lại còn nói chuyện? Vả lại tịnh khẩu là cốt để tịnh tâm, mà cô tịnh tâm không được, thì tịnh khẩu có ích gì?
Sư cô ấy nghe xong chợt tỉnh ngộ, hổ thẹn làm thinh. Trong hai đoạn trên, ta thấy sư cô nọ muốn phá phiền não, song chỉ theo hình thức mà thôi. Còn ngài Thần Quang biết tất cả phiền não đều không, và cội gốc do nơi tâm chấp ngã, nên mới giả làm kẻ thấp hèn chịu người sai mắng, để xem tâm nhân-ngã thị phi còn động chăng để dứt trừ.
Để kết luận, bậc trí lực chẳng những không ngại chướng duyên, mà còn mượn chướng duyên để tu tiến. Các vị ấy không còn chấp nê hình thức, vì hình thức chỉ là phương tiện mà nội tâm mới là cứu cánh.
Trích Niệm Phật Thập Yếu
Cố hòa thượng Thích Thiền Tâm
A Di Đà Phật. Cho con hỏi ạ: Cư dân ở Thế Giới Cực Lạc nhờ niệm Phật mới được sanh về nơi ấy. Vậy các vị đại sĩ Quán Thế Âm và Đại Thế Chí cũng nhờ niệm Phật nên giờ mới được ở cạnh Phật A Di Đà phải không ạ?
A Di Đà Phật
Bạn Diệu Âm Phương Trinh,
Đúng vậy bạn à. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả.
Chúc bạn tinh tấn.
TN
Dạ cảm ơn chú Thiện Nhân. Trong chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm thì con có biết bồ tát Đại Thế Chí thuở xưa có tu pháp Niệm Phật. Nhưng con không tìm ra kinh nào nói về bồ tát Quán Thế Âm niệm Phật. Hồi giờ con cứ ngỡ bồ tát Quán Thế Âm tu theo Nhĩ Căn Viên Thông mà thành đạo. Không biết trong kinh nào có nói đến điều này không ạ? A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Diệu Âm Phương Trinh,
Bạn đọc tham khảo trích đoạn trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật dưới đây để rõ thêm nhé:
KINH NIỆM PHẬT BA LA MẬT
Đời Tấn, ngài Tam-tạng Pháp-sư Cưu-Ma-La-Thập dịch từ Phạn ra Hán.
Hòa-Thuợng Thích-Thiền-Tâm dịch từ Hán-văn ra Việt-văn.
PHẨM THỨ NĂM
QUÁN-THẾ-ÂM BỔ-TÁT
NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG
Lúc bấy giờ, Quốc mẫu Vi-Đề-Hy hoàng thái hậu hớn hở vui mừng được nghe pháp yếu của Như-Lai qua lời dạy của ngài Phổ-Hiền Đại Bồ-Tát, bèn tiếp tục thưa thỉnh
– “Kính bạch đấng Thiên Nhân Sư tối tôn, tối thắng ! Kính bạch Đại-sĩ đại từ, đại bi ! Con cũng thường nghe chư vị trưởng lão trong tăng già luôn luôn nhắc nhở rằng chỉ có Tứ-niệm-xứ là con đường độc nhất giúp chúng sanh diệt trừ ưu bi khổ não, chứng ngộ Niết-bàn. Nay được Thế-Tôn mở bày pháp Niệm Phật, khiến hằng ưu-bà-tắc, và ưu-bà-di đều phân vân, do dự. Ý nghĩa ấy như thế nào ? Đâu mới là pháp chân thật, rốt ráo ? Đâu là pháp phương tiện, quyền biến ? Đâu là pháp tối hậu mà Như-Lai thường ban cho các chúng sanh ở vào thời kỳ Chánh pháp cuối cùng ?”
Đức Phật mỉm cười lặng yên. Ngài Phổ-Hiền an nhiên nhập vào Niệm Phật Tam-muội. Thân tâm bất động.
Khi ấy, ngài Quán-Thế-Âm Đại Bồ-Tát liền từ bảo tòa đứng dậy, trịch áo phơi bày vai bên hữu, cung kính nhiễu quanh đức Phật ba vòng. Rồi Ngài hướng về bà Vi-Đề-Hy mà bảo rằng:
– “Nay tôi nương uy thần vô hạn của đức Thích-Ca Mâu-Ni Thế-Tôn, và tùy thuận Bản-nguyện-lực vô biên vô lượng của đức Phật A-Di-Đà, mà tuyên dương năng lực vô cùng tận của danh hiệu Phật, tức là Pháp Môn Niệm Phật Tam Muội.
– Nầy Vi-Đề-Hy, hãy nhận rõ như thế nầy, đừng rơi vào nghi lầm nữa.
Đúng như ngươi vừa mới trình bày, Tứ-niệm-xứ là pháp diệt khổ, là pháp đối trị tham dục, ưu bi khổ não, là pháp đắc Niết-bàn vắng lặng. Còn pháp Niệm Phật Tam-muội lại là pháp thành Phật, là pháp chứng Vô-thượng-giác, là pháp thâm nhập cảnh giới bất tư nghị của chư Phật, là pháp mở bày tỏ ngộ Tri Kiến Như-Lai, là pháp cứu độ tất cả mọi chúng sanh, là pháp siêu việt trên hết thảy hí luận cùng thiên kiến của nhị thừa. Tại sao vậy ?
Trước đây, đức Thế-Tôn vì những người ghê sợ hiểm nạn sanh tử, mà nói pháp Tứ-niệm-xứ, chánh niệm tinh tấn nhiếp phục tham sân si, để thoát khổ và đắc A-la-hán.
Nay vì những người tín ngưỡng, khát khao quả vị Bồ-đề chí hướng mong cầu Phật đạo, phát khởi đại bi tâm mà thực hành hạnh nguyện Bồ-Tát thì đức Thế-Tôn chỉ dạy pháp môn Niệm Phật Tam-muội.
Nầy Vi-Đề-Hy, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, vì một niệm bất giác nổi lên, che mờ Bản-thể Thường-trụ, nhận vật bên ngoài làm tâm. Luôn luôn bỏ mất TÂM chân thật, nên bị cảnh vật xoay chuyển. Do đó khởi tâm phân biệt, thấy có lớn nhỏ, rộng hẹp, cao hạ … Nếu xoay được cảnh vật bên ngoài thì thân tâm sẽ sáng suốt, trạm nhiên, trọn đầy, tức thời đồng với Như-Lai không khác.
Muốn xoay chuyển ngoại vật, thì không chi bằng sử dụng diệu lực vô úy của danh hiệu Phật. Thật vậy, nhờ xưng niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật mà hành giả nhìn thấy cảnh vật bên ngoài đúng như bản chất thật sự của chúng. Do đó không còn bị ngoại cảnh chi phối, điều phục thân tâm. Và chẳng còn mống khởi tâm phân biệt. Lúc ấy, tuy không rời pháp hội mà biến hiện khắp mười phương quốc độ; trong một lỗ chân lông vẫn chứa đựng cả Hoa-tạng Thế-giới-hải.
Khi xưng niệm danh hiệu Phật, hành giả không để tâm dong ruổi theo thanh trần, mà xoay cái nghe trở vào Chơn-tánh, đó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng Tâm, mà mỗi mỗi sát-na đều hiển hiện Chơn-như-tánh. Chính nó thật là Tánh Nghe của mình, chẳng còn hai tướng động và tịnh, toàn là thể vắng lặng, soi chiếu khắp mười phương.
Tiếp tục hành trì niệm Phật như thế, chẳng bao lâu thì Tánh Nghe cũng không còn. Khi ấy, Phật Trí tự nhiên tỏa rạng, danh hiệu Phật vẫn tương tục, không gián đoạn.
Nầy Vi-Đề-Hy, trong pháp hội Thủ-Lăng-Nghiêm, tôi đã trình bày nhân địa tu hành Nhĩ Căn Viên Thông cho đại chúng. Nhưng, thời Mạt pháp các kinh điển dần dần ẩn mất, mà nên biết kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, sẽ bị diệt trước nhất, tiếp sau là kinh Lăng-Già, kinh Kim-Cương, kinh Ma-Ha Bát-Nhã, kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa … Nếu không nương nhờ pháp niệm Phật thì rất khó chứng đắc Nhĩ Căn Viên Thông. Bởi vì sao ? Bởi vì Niệm Phật Tam-muội chính là món Viên-thông đệ nhất.
Nầy Vi-Đề-Hy, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, vì lăn lộn trong đêm tối vô minh, nhận giặc làm cha, lấy vọng kiến làm chỗn nương về, lấy tà kiến làm bạn lữ, lấy biên kiến làm lương dược. Nhận ngã chấp, ngã kiến làm Tâm. Rời xa Tri-kiến Giải-thoát Vô-thượng. Do đó, khởi tâm phân biệt, thấy đúng sai, tà chánh, thiện ác, chân ngụy … nếu lọc sạch ngã kiến, ngã chấp thì thân tâm sẽ quang minh, thường tại, chiếu suốt mười phương pháp giới. Tức đồng đẳng với Tri Kiến giác ngộ của chư Như-Lai.
Nếu muốn gạn lọc ngã kiến, ngã chấp, thì không chi hơn là phát huy năng lực vô biên của danh hiệu Phật. Thật vậy, nhờ chuyên tâm xưng niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật mà hành giả tuần tự chuyển Thức thành Trí. Ngã chấp tự nhiên rơi rụng, ngã kiến tự nhiên tan mất như bong bóng nước dưới ánh mặt trời. Lúc bấy giờ, tuy không lìa cung Đâu-Suất mà vẫn phân thân khắp vi trần quốc độ để chuyển pháp luân vô thượng, và khai thị tuệ giác cho vô lượng chúng sanh, giúp hết thảy tứ sanh, cửu hữu cùng ngộ nhập Phật Tri Kiến.
Khi xưng niệm danh hiệu Phật, hành giả không để Thức nương theo nhân duyên mà dấy động, nên chẳng thành tựu pháp Y-tha-khởi. Vì không có sự tham dự của ngã và ngã sở nên Biến-kế Sở-chấp cũng chẳng tồn tại. Chỉ có danh hiệu Phật vẫn tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm, mà mỗi mỗi sát-na đều biểu hiện Vô-thượng Diệu-viên Thức-tâm Tam-Muội, tức là Chân Duy Thức Tánh.
Tiếp tục hành trì niệm Phật như thế chẳng bao lâu, thì chẳng còn nhìn thấy huyễn tướng của vạn pháp ở bên ngoài và cũng chẳng còn bắt gặp Tám thức ở bên trong. Trong hay ngoài đều giả dối, không thật. Ngay cả tướng Duy-thức cũng chẳng có nữa. Vì ba đời mười phương Như-Lai, vi trần sát quốc độ, hư không, sắc pháp, tâm vương, tâm sở … đều không một thứ nào ra ngoài Chân Duy Thức Tánh mà tự hữu, tự sanh, tự diệt, danh hiệu Phật vẫn tương tục, không gián đoạn, như có, như không, cho đến khi Chân Duy Thức biến mất, Đại Viên Cảnh Trí tự nhiên phơi bày, danh hiệu Phật sẽ dẫn dắt hành giả đi vào tánh Viên Thành Thật, chứng Vô-sanh Pháp-Nhẫn.
Do đó, phải nói rằng Niệm Phật là pháp môn đệ nhất dùng để chuyển thức thành trí, mà chúng sanh thời Mạt pháp phải siêng năng thọ trì.
Nầy Vi-Đề-Hy, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, bị vô số tư tưởng điên đảo làm khuất lấp tánh Viên-giác. Như kẻ ngủ mê chợt thức giấc giữa ngã tư đường cái, chẳng rõ phương hướng, lẫn lộn chính tà, thấy cong nhìn ngược, bất phân thiện ác. Tư tưởng điên đảo ấy nẩy sanh thân và tâm, rồi nhận thân tứ đại giả hợp làm thân, chấp cái tư tưởng vô minh điên đảo kia làm tâm. Cứ thế mà sanh tử, tử sanh nối nhau không dứt, tạo vòng lẩn quẩn luân hồi.
Nhưng cái vô minh điên đảo ấy cũng chẳng thật. Như hoa đốm, như bóng nước, như ảo tưởng nơi sa mạc, như người ngủ chiêm bao, thấy những sự việc, cảnh vật rõ ràng, nhưng khi thức dậy, thời không còn gì hết. Nếu chuyển hóa vô minh điên đảo thời thân và tâm sẽ thành Giác-ngộ. Hoặc không phát tâm tu trì thời vẫn ở mãi trong sanh tử huyễn mộng ấy mà tự vui. Chỉ có danh hiệu Phật là đầy đủ năng lực nhiệm mầu để chuyển hóa sanh tử trở nên Niết-bàn, chuyển hóa giả huyễn trở nên chân thật.
Vì sao vậy ?
Khi xưng niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật, hành giả dần dần thành tựu chánh định Như-Lai, tự nhiên phát sanh Tuệ-giác Không-tánh, vì danh hiệu Phật là Hư-không-tạng, là Viên-giác-tánh, là Vô-cấu-tạng, là Tịch-tịnh-tạng … Nhờ vậy, hành giả biết các pháp đều như huyễn, thời tự nhiên lìa xa các huyễn hóa, sanh diệt. Ngay lúc ấy, bèn thâm nhập Viên-giác-tánh. Đó gọi là tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác.
Dùng pháp nào để Tri ? Nếu không phải là diệu dụng của danh hiệu Phật ?
Không cần phải hủy diệt các thứ huyễn, mới cho chúng nó là huyễn. Không cần thay đổi bản chất huyễn của nó mới gọi là Không. Mà chính cái biết “nhứt thiết pháp là Không” khiến đương thể của huyễn pháp tức là Không.
Tiếp tục xưng niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật như thế, hành giả không phóng tâm theo huyễn cảnh, huyễn sự, mà hướng cái biết trở vào Viên-giác-tánh. Đó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một khối lưu ly sáng rực, vằng vặc. Mà mỗi mỗi sát-na đều hiển lộ Như-Lai Tạng, và cái biết cũng không còn nữa. Danh hiệu Phật vẫn tương tục không gián đoạn, hòa tan căn, trần, thức đều nhập vào Viên-giác-tánh, bình đẳng bất động, thường trụ như hư không và tròn đầy chiếu suốt mười phương.
Bởi vậy, phải nói rằng niệm Phật là pháp môn đệ nhất, sử dụng danh hiệu Như-Lai mà thâm nhập Như-Lai-Tạng, mà chuyển biến huyễn hóa, hư dối trở nên Viên-giác-tánh. Các hạng chúng sanh thời Mạt pháp phải siêng năng thọ trì.
Nầy Vi-Đề-Hy, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, bị phiền não chi phối ngày đêm không tạm dừng, nên nhận vọng tưởng làm Tâm, bỏ quên Thắng-giải-trí, Vô-thượng-trí. Rồi lại bị tham, sân, si, mạn, nghi lôi cuốn, và thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến chồng chất lấp vùi. Do đó khởi tâm phân biệt, thấy có mừng có giận, yêu ghét, vui buồn, vinh hoa, hủy nhục … nếu tận trừ phiền não thì thân tâm vắng lặng, an nhiên, tự tại, tức đồng với chư Phật không hai không khác.
Muốn tận trừ phiền não, thì không chi hơn là phát huy năng lực Trí giả siêu việt của danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật. Thật vậy nhờ cần mẫn xưng niệm Phật hiệu mà hành giả hiện bày Tự Tâm Quang Minh Hiện Lương, chuyển phiền não dữ dội ấy trở thành Bồ-đề thật tướng, đưa hành giả thẳng vào cảnh giới Thánh Tri Tự Chứng. Lúc bấy giờ, có khả năng bấm ngón chân xuống mặt đất, sử dụng ấn Địa Xúc để cải biến Ta-bà thành Tịnh-độ trang nghiêm, niệm niệm tương ứng với Đại-địa Bồ-Tát, niệm niệm du hành, giáo hóa xã hội chúng sanh khắp mười phương vi trần bằng hà sa thế giới.
(…)
(Trích Kinh Niệm Phật Ba La Mật)
TN
Chào bạn Diệu Âm Phương Trinh
Mình có nghe quý thầy giảng rằng, nhờ 1 khởi niệm nghĩ về Phật, nhớ Phật và biết ơn Phật nhờ vậy thực hành theo Pháp của Phật thì cũng là niệm Phật chứ không phải chỉ trì danh mới là niệm Phật. Mà các Bồ Tát thì niệm tri ân nơi Đức Phật lớn hơn chúng ta rồi, vì không có Phật chỉ cho Pháp tu thì làm gì chúng ta biết cách mà tu. Nên ngay trong cái niệm tri ân đó đã có niệm Phật rồi.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Dạ cảm ơn huynh đã trả lời. Ý em hỏi là không biết trong kinh nào có đề cập đến bồ tát Quán Thế Âm tu theo pháp môn Tịnh Độ đấy ạ. Vì chỉ có niệm Phật mới được vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc ạ. Bồ tát hiện đang ở Cực Lạc chắc chắn là đã niệm Phật, nhưng em chưa tìm ra kinh nào nói về điều này. A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật. Dạ cảm ơn chú Thiện Nhân một lần nữa. Con đã đọc đoạn kinh chú trích dẫn. Trong đó có đoạn:
“… Trong pháp hội Thủ-Lăng-Nghiêm tôi đã trình bày nhân địa tu hành Nhĩ Căn Viên Thông cho đại chúng. Nhưng, thời Mạt pháp các kinh điển dần dần ẩn mất, mà nên biết kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, sẽ bị diệt trước nhất, tiếp sau là kinh Lăng-Già, kinh Kim-Cương, kinh Ma-Ha Bát-Nhã, kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa … Nếu không nương nhờ pháp niệm Phật thì rất khó chứng đắc Nhĩ Căn Viên Thông. Bởi vì sao ? Bởi vì Niệm Phật Tam-muội chính là món Viên-thông đệ nhất.”
Sau đó bồ tát Quán Thế Âm khen ngợi và diễn giãi thời mạt pháp này chúng sanh nên tu theo pháp môn Niệm Phật Tam Muội. Trong trích đoạn trên ngài cũng đã nói ngài tu theo pháp Nhĩ Căn Viên Thông, nhưng ngài luôn tán thán pháp môn Niệm Phật.
Con chợt nhớ rằng trong 48 đại nguyện của Phật A Di Đà, nguyện thứ 20 có nói rằng: “Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu của tôi, chuyên nhớ nước tôi, trồng những cội công đức, chí tâm hồi hướng muốn sanh về nước tôi mà chẳng được toại nguyện thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.” Vì vậy con trộm nghĩ dù ngài bồ tát Quán Thế Âm tu theo pháp Nhĩ Căn Viên Thông chứ không tu theo pháp môn Niệm Phật, nhưng ngài đã hồi hướng công đức ấy về Tịnh Độ cho nên ngày nay ngài mới ở cõi nước của Phật A Di Đà. Đó là chút suy nghĩ thiển cận của con ạ.
A Di Đà Phật.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Diệu Âm Phương Trinh,
Bạn đọc kỹ đoạn kinh văn này: “Nếu không nương nhờ pháp niệm Phật thì rất khó chứng đắc Nhĩ Căn Viên Thông. Bởi vì sao? Bởi vì Niệm Phật Tam-muội chính là món Viên-thông đệ nhất”.
“Nếu không nương nhờ pháp niệm Phật thì rất khó chứng đắc Nhĩ Căn Viên Thông” có nghĩa: Yếu quyết niệm Phật là: miệng niệm-tai nghe-tâm nhớ rõ. Quán Thế Âm đã dùng Phật hiệu, nhiếp Phật hiệu bằng cách xoay tánh nghe vào bên trong, thay vì hướng ra ngoài như chúng ta. Tại sao? vì chúng ta niệm Phật nhiều khi chỉ là: miệng niệm rào rào – tai nghe âm thanh bên ngoài – tâm nghĩ tưởng đủ cảnh giới, vì thế nên không thể nhiếp tâm. Quán Thê Âm thì khác: Ngài xoay tánh nghe chứ không phải tai, vì lỗ tai chỉ có chức năng nghe, nhưng nghe được âm thanh là do tánh nghe khởi lên từ tự tánh thanh tịnh. Nghĩa là:
– Niệm niệm A Di Đà Phật vang lên đều từ tự tánh thanh tịnh,
– Nhiếp Phật hiệu ngay nơi đó, niệm niệm thanh tịnh không dứt,
– Niệm tới khi cả niệm thanh tịnh không dứt cũng không còn=xả bỏ niệm niệm không dứt này,
– Rồi ý niệm xả thanh tịnh niệm không dứt cũng không tồn tại cũng không còn,
– Ý niệm không tồn tại cũng xả nốt = đạt nhĩ căn viên thông.
Để đạt được trình độ này chúng ta phải trải qua chánh huân tu không ngưng nghỉ.
Chúc bạn an lạc và tinh tấn
TN
Dạ con kính chào chú Thiện Nhân,
Chú dạy chí phải. Lời giảng giải của chú rất đúng và có lẽ đó là ý của bồ tát Quán Thế Âm dành cho chúng sanh thời mạt pháp này. Ngài muốn nói rằng thời nay tu rất khó đạt được Nhĩ Căn Viên Thông nếu không tu qua pháp môn Niệm Phật. Đó là ngài dạy chúng sanh đời mạt pháp về sau mà đa số thuộc hạng hạ căn chứ không phải chính ngài tu như vậy bởi vì ngài là bậc thượng căn. Đó là cách hiểu của con khi đọc đoạn “thời mạt pháp các kinh điển dần dần ẩn mất… Nếu không nương nhờ pháp niệm Phật thì rất khó chứng đắc Nhĩ Căn Viên Thông.”
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm ngài cũng đã nói rõ cách tu của ngài như vầy ạ, con xin trích dẫn:
“Khi bấy giờ Bồ Tát Quán Thế Âm đứng dậy cung kính chấp tay thưa: Bạch Thế Tôn! Tôi nhớ hằng hà sa kiếp trước, có đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm và tôi đã phát Bồ Đề tâm thời ấy. Đức Phật Quán Thế Âm dạy tôi phương pháp nghe, suy nghĩ và tu để được thể nhập tam ma đề (chánh định).
Bạch Thế Tôn! Trước hết tôi sử dụng tánh nghe: Nghe động và nghe tĩnh, rồi tôi xóa đi ý niệm động tĩnh ấy; từ đó sức tịch tĩnh tăng dần, tôi dứt được năng văn và sở văn. Sức tịch tĩnh không dừng ở đó bấy giờ giác tánh tôi lại hiển hiện ra. Tôi tiếp tục tư duy: Dù là giác tánh nhưng tánh “năng giác”, “sở giác” hãy còn, tôi bèn xóa đi về ý niệm giác; bấy giờ tâm tánh tôi rỗng rang lặng lẽ như hư không. Tôi lại diệt đi cái giác tri “như hư không” ấy. Cuối cùng tôi diệt cả cái khái niệm “diệt”. Khi tôi diệt hết khái niệm vi tế về “diệt sanh, sanh diệt” bỗng dưng tôi nhận thấy toàn thể pháp giới trong mười phương chỉ còn là cảnh giới “bất nhị” tịch diệt hiện tiền. Tâm tánh của tôi viên mãn khắp giáp mười phương vượt hẳn tầm nhận thức thường tình của thế gian, tôi được hai món thù thắng: Một là tâm tôi hợp với bản giác nhiệm mầu của mười phương Như Lai, đồng một từ tâm hướng hạ cứu độ chúng sanh. Hai là hợp với tâm của lục đạo chúng sanh trong mười phương, đồng một bi tâm hướng thượng cầu vô thượng Bồ Đề.”
Trong phần phúc đáp của chú, con thích câu kết của chú “để đạt được trình độ này chúng ta phải trải qua chánh huân tu không ngưng nghỉ” thật hay và chính xác vô cùng. Niệm Phật thì kỵ thứ nhất là xen tạp, thứ hai là gián đoạn. Vì vậy nên con cũng cố gắng “không ngưng nghỉ” việc niệm Phật hàng ngày ạ. 🙂
A Di Đà Phật.
LÀM SAO ĐỂ ĐỘ NGƯỜI TRONG NHÀ?
Có một số đồng tu nói, chúng ta chính mình học Phật, người trong nhà rất khó độ. Người trong nhà vì sao khó độ? Bởi vì bạn chưa có định, chưa có huệ.
Độ người trong nhà chân thật là không dễ dàng, vì sao vậy? Bạn phải có tu hành chân thật, bạn mới có thể độ được người nhà của bạn, làm ra một tấm gương tốt nhất cho người nhà bạn, để người nhà bạn nhìn thấy được rất tường tận trước khi bạn học Phật và sau khi bạn học Phật đích thực là không giống nhau. Trước khi học Phật có rất nhiều lỗi lầm tập khí khiến cho người chán ghét, sau khi học Phật rồi thì những lỗi lầm tập khí này đều không còn, đều thay đổi hết, ngôn hạnh cử chỉ của bạn khiến cho người hoan hỉ, khiến cho người tôn kính, thì bạn mới có thể độ được người nhà của bạn. Đạo lý này phải hiểu.
Người nhà là mỗi ngày cùng ở chung với nhau, lỗi lầm nhỏ của bạn ngày ngày họ nhìn thấy, công phu tu hành của bạn kém một chút thì họ khinh thường bạn. Thân thích bạn bè bên ngoài dễ độ, vì lỗi lầm nhỏ của bạn người bên ngoài không nhìn thấy, họ chỉ xem thấy bạn khi tiếp xúc với họ rất qui củ, dáng vẻ rất giống, không xem thấy được mặt sau. Khi bạn ở nhà thì mặt sau của bạn người nhà thấy rất rõ ràng, như ở trong bàn tay.
Trích: Phật thuyết Vô Lượng Thọ giảng giải – tập 31
Lão hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Nam Mô A Di Đà Phật.
Xin các liên hữu có thể chỉ cho mình 1 con đường sáng được không ạ
Mình và vợ mình sắp ly hôn , mình rất buồn , mình học phật nên mình biết duyên phận là ko thể miễn cưỡng , hết duyên thì đi , nhưng nói thì dễ , làm thì khó , hiện nay mình niệm Phật liên tục nhưng những kỉ niệm về mình và vợ mình cứ hiện về trong tâm trí mình , phải làm sao để mình có thể buông bỏ được chấp ngã của mình đây , khi có chuyện mình mới thấy được công phu tu hành của mình còn cạn cợt lắm , xin các liên hữu có thể khai thị giùm mình được không ạ.
Nam Mô A Di Đà Phật
Chào liên hữu,
Ly hôn là điều không ai muốn, nhưng bạn cũng đã biết đó là duyên của cả 2 đã tận nên đành vậy. Chúng mình là phàm phu nên ít nhiều vẫn phải còn nhiều vọng tưởng. Nhớ về kỷ niệm cũ cũng là một dạng vọng tưởng. Người niệm Phật tuy rằng vẫn còn vọng tưởng nhưng nhờ câu Phật hiệu nên vọng tưởng sẽ ít hơn những người không niệm Phật. Giống như dùng tảng đá đè cỏ dại không cho chúng mọc lên, nhưng vì viên đá nhỏ quá mà đám cỏ dại quá lớn nên không thể đè hết được. Cỏ dại là vọng tưởng, viên đá nhỏ là công phu niệm Phật. Công phu càng cao của các vị thượng căn thì càng có thể dập tắt được vọng tưởng sớm hơn và nhiều hơn. Còn công phu thấp như đại đa số chúng mình thì niệm Phật vài ba phút là nhớ nghĩ mông lung, đó là chuyện thường tình bạn ạ. Nhưng đừng vì thế mà cho rằng niệm Phật không có tác dụng gì. So với những người không biết niệm Phật hay không tin nhân quả họ sẽ đắm chìm mãi trong vọng tưởng ngày này qua ngày khắc, oán trách bạn đời bạc bẽo không nguôi. Người hiểu đạo như bạn thì khác hơn nhiều vì bạn đã biết đó duyên đã tận nên không than không trách người, biết dùng câu Phật hiệu để ức chế vọng tưởng. Đó là bậc trượng phu. Trong trường hợp này, hãy để thời gian là liều thuốc xóa nhòa vết thương lòng. Và tiếp tục đừng để câu Phật hiệu gián đoạn bạn nhé. Tích tiểu thành đại, niệm Phật lâu ngày rồi sau này sẽ đạt thành khối, lúc ấy câu Phật hiệu sẽ như thành đồng vách sắc thì cho dù “mưa vọng tưởng” kéo đến ngập trời cũng không thể xuyên qua bức tường tâm của bạn được. Cố gắng lên bạn nhé.
A Di Đà Phật.