Một buổi sáng rằm, đầu mùa đông ngoài trời se lạnh, nhưng trong căn phòng khách cửa mở ra hướng Nam không bị gió thổi xốc vào nên cũng khá ấm áp. Tôi xông một ít trầm hương để ngay giữa bàn, hương trầm thơm dìu dịu thanh khiết. Tôi và người bạn đạo ngồi uống trà nhìn theo làn khói trầm mỏng mảnh đang bay ra từ miệng con rồng chạm trổ công phu trên chiếc lư trầm cổ, trong lòng thầm khâm phục người nghệ nhân đúc đồng xa xưa đã cho người đời sau chiêm ngưỡng một tác phẩm thủ công thật tinh xảo.
Tôi bật đầu đĩa nghe một bản nhạc đạo quen thuộc theo lời yêu cầu của anh bạn Phật tử, anh ấy vừa nghe vừa hát theo với một tâm trạng an vui:
“Thầy dạy con nên thường niệm:
Nam mô A Di Đà Phật!
Khi niệm con phải nhất tâm
Cho đời thoát cơn mê lầm
Lòng thành con luôn thường niệm
Nam mô A Di Đà Phật!
Dù trong lúc đang làm gì
Nam mô A Di Đà Phật!
Lời thầy ghi nhớ trong đời
Niệm Phật cho ta thảnh thơi
Niệm Phật thân tâm rạng ngời
Niêm Phật ta có được gì
Niệm Phật cho ta lối đi
Niệm Phật tâm thêm từ bi…”.
Đúng là một bài hát có giai điệu rất hay và ca từ đẹp, không biết tác giả là ai vì trên đĩa CD chỉ ghi tên ca sĩ thể hiện chứ không thấy ghi tên nhạc sĩ sáng tác. Bài hát ngọt ngào cất lên tươi mát như dòng suối hiền hòa tinh khiết, khiến cho người lớn và trẻ con đều rất thích. Cả nhà tôi từ lớn đến bé kể cả ông khách quý đang ngồi uống trà với tôi đây đều thuộc bài hát này và ngân nga hát theo với cái tâm tràn đầy niềm hỷ lạc. Đặc biệt ca từ như một bài pháp ngắn gọn dễ hiểu bằng một thứ ngôn ngữ âm nhạc phong cách R&B chậm rãi, nên rất dễ ăn sâu trong lòng công chúng yêu nhạc đạo như chúng tôi. Toàn bài rất nhiều câu “Nam mô A Di Đà Phật” như một chuỗi niệm Phật, niệm danh hiệu Ngài chỉ có 6 âm thôi, nhưng những thanh âm kỳ diệu ấy khiến cho lòng ta thêm phấn chấn và hoan hỷ.
Phật giáo Ấn Độ xưng tụng danh hiệu Phật theo âm điệu và phong vận của Ấn Độ, khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa thì biến hóa theo âm điệu của người Trung Hoa, khi Phật giáo truyền đến châu Mỹ, châu Âu… cũng tự nhiên biến hóa theo cách của nước sở tại và khi Phật giáo truyền sang Việt Nam cũng biến hóa theo âm điệu của đất nước ta. Cho dù niệm “A Di Đà Phật” theo giọng Bắc, Trung hay Nam cũng đều hay, thật ra chỉ cần niệm Phật hiệu là tốt rồi. Vì Đức Phật A Di Đà là Vô Lượng Quang chiếu sáng vô lượng chúng sanh. Ngài còn được gọi là Vô Ngại Quang, cho nên dùng âm điệu hay phong vị nào thì đối với Ngài cũng không chướng ngại. Lại nữa, Đức Phật A Di Đà còn là Hoan Hỷ Quang và Giải Thoát Quang, cho nên niệm thế nào cũng được hoan hỷ, cũng có thể giải thoát và không khởi phiền não.
Thầy đã giảng cho tôi như vậy và khuyên: “Niệm Đức Phật A Di Đà, tín tâm niệm Phật, không giây phút nào rời Phật. Thế gian vô thường, mạng người khó giữ, khi đi đường tốt nhất quý Phật tử vừa đi vừa niệm Đức Phật A Di Đà thì luôn được tai qua nạn khỏi”. Tôi còn quá nhiều vọng tưởng, nên chưa thực hiện được chuyên cần những lời thầy dạy. May sao có thầy và bạn trong đạo tràng Phật tử cùng sinh hoạt với nhau luôn luôn nhắc nhở tôi. Và tôi cũng thấy đây là một pháp môn tu làm cho tâm thanh thản, cho nên dù công việc có bận rộn, tôi cố gắng luyện tập, khi đi đường thì mỗi bước niệm “A Di Đà Phật”. Sau một thời gian dài thực tập nuôi dưỡng thành thói quen, cứ nhấc chân bước một bước thì trong lòng tự động niệm thầm một tiếng “A Di Đà Phật”. Đi trong chánh niệm tỉnh thức và niệm thầm “A Di Đà Phật” quả nhiên đã cứu mạng tôi, khiến tôi tránh được một nạn lớn.
Đó là một buổi trưa Chủ nhật, cách đây hai tuần, trên con đường đi bộ từ nhà tới khu chợ xép khoảng 300 mét. Đó là công việc thường nhật của tôi, trưa nào cũng vậy, tôi bới cơm trưa cho bà nhà tôi đang bán tại quầy trái cây ngoài chợ. Tôi vừa đi vừa niệm “A Di Đà Phật”, đi được một nửa quãng đường gặp người bạn đạo (anh bạn ngồi uống trà với tôi sáng hôm nay đây), anh ấy đi ngược chiều gọi tôi quay lại nói chuyện khoảng 5 phút. Bỗng tôi cảm thấy sau lưng có một ánh chớp rất mạnh và tiếp theo đó là một tiếng nổ dữ dội cách chỗ tôi đứng không xa, khoảng 20 mét. Sự chấn động và sức ép của tiếng nổ làm cho đất đá văng tới khiến cho tôi và anh bạn tức ngực, nhưng chúng tôi không sao cả. Tôi tưởng rằng chiếc lốp ô tô của ai đó đậu bên đường bị nổ, chúng tôi ngồi xuống lấy hai tay ôm đầu rồi cứ một mực niệm Phật, chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Sau tiếng nổ có người la lên: “Bom bi nổ, có người chết và người bị thương”. Trong đầu óc tôi lúc đó nghĩ rất đơn giản, chiến tranh đã qua lâu rồi, bom mìn đã được rà phá nhiều rồi, làm gì có bom nổ ở một đường phố đông đúc như thế này, nhưng tôi đã thấy rõ ràng xe cấp cứu đến và các y tá khiêng lên xe ba người bị thương khá nặng máu me vung vãi cả mặt đường. Ngày Chủ nhật đẹp như vậy, ai ngờ xảy ra một thảm họa khôn lường.
Sau vụ nổ người ta mới tìm ra nguyên nhân, hóa ra có một thanh niên trẻ sống bằng nghề đi rà phế liệu chiến tranh, anh ta đang trên đường đi đến chỗ thu mua phế liệu để bán những gì anh ta kiếm được trong buổi sáng, giữa đường bánh xe đạp của anh ta bị trục trặc, nên anh ta lấy ra một cục sắt trong bao phế liệu mà anh ta kiếm được, dùng để thay búa gõ vào trục sau cho vành xe trở về vị trí cũ (có lẽ do một chiếc ốc nào đó bị long ra). Nhưng không ngờ cục sắt cầm trên tay vì chôn trong lòng đất quá lâu ngày bị rỉ sét, nên anh không thể nhận ra đây là quả bom bi, vì vậy mới xảy ra chuyện đáng tiếc khiến anh ta và vài người đi đường bị thương rất nặng, rất may là không ai tử vong.
Chúng ta thường thấy trong kinh Phật nói: “Mạng người vô thường trong hơi thở”, quả không sai tí nào. Đời người là giả tạm và hư ảo, thân thể của chúng ta giống như bọt xà bông, bất cứ lúc nào cũng có thể vỡ tan, nay tuy còn khỏe mạnh nhưng cũng khó giữ gìn. Rõ ràng như vậy đó, nhưng cũng còn có người không để ý tới, rồi khi tai họa xảy đến thì đã muộn rồi. Tôi tính từ địa điểm và thời gian của vụ nổ mà suy ra, nếu như không có anh bạn đạo gọi tôi quay lại kịp thời, thì nhất định tôi sẽ đến ngay chỗ anh chàng thanh niên rà phế liệu đúng thời điểm bom bi phát nổ và ít nhất tôi cũng bị thương. Tôi tin chắc rằng mình được Phật lực gia hộ, vì trong khi đi tôi cứ niệm “A Di Đà Phật” theo từng bước, nên mới thoát được vụ nổ bom bi này.
Tôi đem câu chuyện này kể với thầy và các vị Phật tử trong đạo tràng, họ đều cảm nhận được khi niệm “A Di Đà Phật”, Đức Phật luôn ở bên ta; cảm nhận được năng lực cứu độ nhiệm mầu của Đức Phật khiến cho thân tâm tôi được bình an và thoát nạn. Thầy tôi dạy: Lòng từ bi của Đức Phật thì bình đẳng, không phân biệt sang hèn thiện ác; ai niệm Phật tức là cảm ứng với Đức Phật nên Ngài đến kịp thời để cứu độ. Chính lòng từ bi của Đức Phật đã cảm ứng, cứu độ hộ trì.
Mọi chuyện rồi cũng qua đi, buổi sáng mùa đông se lạnh, nhưng căn phòng như ấm cúng hẳn lên bởi khói trầm thơm và tiếng hát của một bài nhạc đạo vẫn ngọt ngào ngân lên, niềm an vui tràn ngập cả căn phòng gồm hai người bạn đạo. Tôi và anh bạn nhớ lại câu chuyện bom bi nổ, không khỏi rùng mình hú vía, bỗng hai đứa cùng bật cười rộn rã cả căn phòng, có lẽ chúng tôi đã ngộ ra được một điều gì đó trong cuộc tồn sinh giữa chốn Ta bà, và không ai bảo ai, chúng tôi cùng ngân nga theo bài hát ấy:
“…Nam mô A Di Đà Phật!
Lời thầy ghi nhớ trong đời
Niệm Phật cho ta thảnh thơi
Niệm Phật thân tâm rạng ngời
Niệm Phật ta có được gì
Niêm Phật cho ta lối đi
Niệm Phật tâm thêm từ bi…”
Theo Giác Ngộ
Tựa đề gốc: Hòa âm linh diệu
Tác giả: Lê Đàn
Hãy niệm A Di Đà Phật
Quý vị chẳng phải là thánh nhân có thần thông, có Túc Mạng Thông mà biết lúc lâm chung có nghiệp hay không nghiệp! Lại chẳng có Tha Tâm Thông, Thiên Nhãn Thông mà biết mình lúc lâm chung sẽ chết nhẹ nhàng hay chết đớn đau, khổ sở.
Trong mười ác duyên nêu trên, chỉ cần gặp một duyên liền nhắm mắt xuôi tay, chẳng có cách nào xoay sở! Dù có thiện tri thức, Phật sống đến cũng chẳng cứu được, vẫn phải tùy nghiệp thọ báo, rơi vào tam đồ bát nạn chịu khổ, chịu tội. Đến lúc đó, muốn nghe danh hiệu Phật cũng chẳng được.
Nếu may mắn không gặp những ác duyên nói trên, chỉ vì bịnh nhẹ mà chết, cũng sẽ chẳng tránh khỏi bị gió đao cắt thịt, tứ đại phân ly, như rùa sống bị lột mai, như cua rớt xuống nồi canh nóng, đau khổ bức bách, sợ hãi cuống quýt, làm sao niệm Phật nổi?
Hoặc may là không bịnh mà chết, nhưng do bị duyên thế gian chưa dứt, ý niệm lưu luyến trần thế chưa buông, tham sống, sợ chết, nhiễu loạn tấm lòng. Nếu là người thế tục hiềm vì của cải gia đình chưa giải quyết ổn thỏa, hậu sự chưa xong, vợ con than khóc, trăm mối ưu tư, làm sao niệm Phật nổi?
Nếu may mắn trước lúc chết chỉ bị bịnh nhẹ, chịu đau, chịu khổ, kêu la rên xiết, tìm thuốc cứu chữa, cầu thọ sám hối, tạp niệm tơi bời, làm sao niệm Phật nổi?
Nếu may mắn lúc già chưa bịnh, nhưng vì lớn tuổi già yếu, tướng suy thoái hiện ra, khốn đốn, lao đao, buồn rầu, than vãn, lo nghĩ, suốt ngày chỉ chăm chút lo cho tấm thân già yếu, làm sao niệm Phật nổi?
Nếu may mắn khi chưa già, lúc còn tráng kiện, đúng là lúc niệm Phật tốt nhất, nhưng vì tâm cuồng loạn chưa dứt, mãi lo toan việc đời, lo đông lo tây, suy nghĩ vẩn vơ, nghiệp thức mù mờ làm sao niệm Phật nổi.
Nếu may mắn được thanh nhàn tự tại, có chí tu hành, nhưng đối với tướng trạng thế gian chẳng soi tỏ, chẳng buông nổi, chẳng nắm chắc, ngồi chẳng yên, một khi bất ngờ có cảnh giới hiện tiền, chủ nhân chạy theo cảnh điên đảo, làm sao niệm Phật nổi?
Lúc người ta già bịnh, hoặc lúc còn trẻ trung, tráng kiện, thanh nhàn, chỉ cần có một chuyện gì đó vướng mắc trong tâm thì đã niệm Phật không được, huống chi lúc lâm chung? Huống hồ còn những kẻ nói trọn đời làm sự nghiệp thế gian, quả thật là người ngu si cùng cực, phát ngôn những lời lầm lạc vô cùng, tôi dám đoan quyết là họ đã dụng tâm lầm lạc mất rồi! Vả lại, chuyện đời như mộng, như huyễn, như bóng, như tiếng vang, không có gì là thật, chẳng có chuyện nào thay thế chuyện sống chết được hết!
Dù có xây dựng thiệt nhiều chùa chiền, nuôi nhiều Tăng thường trụ, mong cầu danh lợi, kết thân với kẻ quyền thế, giàu sang, rồi cho đó là làm được nhiều Phật sự tốt mà không biết mình đã hủy phạm Như Lai, chẳng thấu đạt gốc đạo. Dựng nhiều ngôi già-lam, lại thêm giữ giới, nhưng phải biết: Công đức hữu vi có nhiều lầm lỗi, thiên đường chưa đến, địa ngục đã thành, sống chết chưa tỏ, đều thành gốc khổ, bỗng chốc xuôi tay, lúc chịu khổ mới hay rằng mọi việc đã làm trong lúc bình sinh toàn là cái gông chồng thêm cái cùm, xiềng xích chồng thêm xiềng xích, dưới vạc dầu lại thêm than củi, trong rừng kiếm lại thêm gươm dao. Một khi cái thân người làm kẻ tăng sĩ đã mất đi, muôn kiếp khó lại được làm thân người lần nữa! Sắt đá mà nghe được cũng phải rơi lệ. Tổ sư mỏi miệng khuyên người như vậy, lẽ đâu chấp nhận một đời bon chen sự nghiệp, đợi đến lúc lâm chung mới niệm Phật hay sao?”
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG