Đời Tùy, ở Tương Châu có vị tăng Thích Huyền Cảnh, thông hiểu cả Thiền tông và Giáo tông, đạo phong truyền rộng khắp nơi, người người kính ngưỡng. Vào tháng sáu năm thứ hai niên hiệu Đại Nghiệp, ngài sắp thị tịch, liền tắm rửa sạch sẽ, nghiêm trang tĩnh tọa, hai mắt đang mở nhìn về phía trên, bỗng tự nói rằng: “Ý ta muốn sinh về Nội viện cõi trời Đâu-suất, được gặp Bồ Tát Di-lặc, sao nay lại phải làm Thiên vương Dạ-ma?” Tăng chúng thưa hỏi là chuyện gì, ngài liền nói: “Không phải việc các ông biết được.” Trong chốc lát lại nói: “Trên cõi trời đang nhộn nhịp lắm, khách đến đây đông lắm.” Rồi ngồi yên như thế thị tịch.
Than ôi, đại sư trong lúc tu tập đã phát tâm được gặp Phật Di-lặc, đến lúc lâm chung lại không được thấy Bồ Tát Di-lặc mà chuyển sinh làm Thiên vương. Theo con mắt thế tục mà nhìn thì địa vị ấy còn cao hơn cả Thượng đế (*), nhưng nếu so với việc vãng sinh về Tây phương Cực Lạc thì còn thua xa, không thể sánh kịp. Cho nên có thể biết rằng, dù là bậc cao tăng cũng không thể không tu Tịnh độ.
(*) Theo thế giới quan Phật giáo Trung Hoa thì Thượng đế chính là Đế thích hay Thích-đề-hoàn-nhân, là vị thiên chủ cõi trời Đao-lợi, tuy cao hơn cõi trời Tứ thiên vương nhưng còn thấp hơn cõi trời Dạ-ma, nơi Đại sư Thích Huyền Cảnh sinh về làm Thiên vương.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Niệm Phật Cầu Sinh Tịnh Độ
Nguyên tác Hán văn: Tây Quy Trực Chỉ
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến
Xin chư vị giúp cho. Con đã biết và hiểu Phật A Di Đà là bậc tối thắng trong mọi mặt là nơi nương tựa tối thắng cho tất cả chúng sinh.
Nhưng con lắm khi lười nhát. Nhiều lúc chẳng muốn tu niệm nữa. Có phát tâm tu niệm thì chỉ trong chốc lát lại thối tâm. Cứ như tu hành nhàm chán lắm vậy.
Xin hỏi chư vị làm sao có thể hoan hoan hỉ hỉ mà niệm Phật lâu dài ạ.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Long,
*Lười nhác là nhân của thối tâm. Thối tâm chính là quả của lười nhác. Muốn quả thối tâm không sanh thì bạn phải đoạn cho bằng được cái nhân lười nhác. Nói khác đi: muốn thay nhân, đổi quả chỉ còn cách bạn phải thực sự phát tín-nguyện-hạnh mà nhiếp tâm niệm Phật.
*Sở dĩ bạn còn lừng chừng chưa muốn niệm Phật có lẽ bạn thấy niệm Phật chưa phải là việc tối yếu, trong khi đó bạn lại còn quá nhiều nỗi đam mê khác đang chờ đợi, lôi kéo bạn? Nhưng nếu bạn bình tĩnh lại một chút để suy ngẫm thì bạn sẽ thấy: thế gian này già cũng chết, trẻ cũng chết, thanh niệm trai tráng cũng chết, em bé chưa kịp chào đời cũng chết, thậm chí còn trong bụng mẹ cũng đã chết… vậy nguyên nhân nào dẫn đến những cái chết đó? Câu đáp chính là: Vô thường! Vô thường sẽ không từ chối và sẽ không biết nương tay với bất cứ một ai và nó sẽ luôn rình rập để kéo đi bất cứ ai khi duyên hội đủ, nghĩa là khi nghiệp lực bủa vây không có phương tháo gỡ thì con quỷ vô thường sẽ tới kéo chúng ta đi. Vì thế niệm Phật đừng vội nghĩ đến chuyện vãng sanh Tịnh Độ, mà niệm Phật, trước mắt là để tiêu trừ bớt những nghiệp lực hiện tiền không cho nó có cơ hội dấy khởi. Khi cái tâm bỏ ác, hành thiện, nói khác đi là làm lành, lánh dữ luôn thường dấy khởi, đồng nghĩa con quỷ vô thường không có cơ hội để lôi kéo hay não hại bạn. Tại sao vậy? Bởi làm lành, lánh dữ chính là bạn đang niệm Phật, đang làm theo lời Phật dạy. Người thường hành theo lời Phật dạy, tức thường niệm Phật sẽ được mười phương chư Phật đồng lòng hộ niệm; người thường niệm Phật tâm sẽ luôn thường tỉnh giác. Phật là Giác. A Di Đà Phật là Vô lượng Giác. Nếu hàng ngày mọi nơi, mọi chốn bạn đều luôn niệm A Di Đà Phật, đồng nghĩa bạn đang huân đúc tuệ giác cho chính mình. Nhờ tuệ giác thường có mà tâm bạn luôn thanh tịnh, nhờ tịnh mà tâm chẳng khởi ác. Tâm không gieo nhân ác, huệ mạng tự sẽ kéo dài. Do vậy niệm A Di Đà Phật cũng chính là kéo dài huệ mạng của chính mình. Kéo dài làm gì? Để giải bớt nghiệp hiện tiền, tạo hành trang nhẹ nhàng, vững chắc cho tương lai về Tịnh Độ.
Như vậy việc niệm Phật (gieo nhân) tưởng như đơn giản nhưng thực tế cái quả thu hoạch lại là vô cùng lớn. Liệu bạn có đủ tỉnh giác để nhận ra điều đó? Điều này không ai có thể giúp bạn, ngoại chính bạn.
TN
Nhìn thấy hoa sen của mình ở cõi Cực Lạc.
Vào khoảng mấy năm trước, khi tôi ở Cựu Kim Sơn giảng Kinh có 1 vị đồng tu đến cầu tôi chứng minh ông đã nhìn thấy hoa sen của chính mình. Đó là sau khi ông đi Kinh hành niệm Phật xong thì ngồi xuống niệm Phật, trong lúc ông đang tịnh tọa niệm Phật thì ông nhìn thấy 1 đoá hoa sen, ông nói màu sắc và ánh sáng của hoa sen đó rất là tốt đẹp, ông chưa từng nhìn thấy trước đây, trên hoa sen đó còn có ghi tên họ của ông. Sau khi nghe ông kể xong, tôi bèn khích lệ cho ông ấy:
_ ” Ông hãy cố gắng niệm Phật, nay ông đã nhìn thấy hoa sen của mình rồi thì càng phải có lòng tin hơn nữa, phải quyết tâm niệm Phật mà cầu sanh Tịnh Độ”.
Điều này phù hợp với Bồ Tát Đại Thế Chí trong Kinh Lăng Nghiêm có nói:
_ “Nhớ Phật, niệm Phật hiện tại tương lai nhất định thấy Phật”.
Ông đây là hiện tại đã thấy được hoa sen của chính mình. Ông là trong lúc tịnh toạ niệm Phật mà thấy được, hoàn toàn chẳng phải tưởng tượng hay do ngủ mơ mà thấy.
Mỗi 1 người chân thật tin tưởng, chân thật phát nguyện vãng sanh, chân thật niệm Phật, thì nơi ao Thất Bảo ở Thế Giới Cực Lạc sẽ mọc lên 1 nụ hoa sen, trên nụ hoa sen này còn có ghi tên họ của người niệm Phật. Quý vị cần phải lưu ý ở đây tôi nói là chân thật tin, chân thật nguyện, chân thật niệm Phật thì mới có được nụ hoa của chính mình. Nếu như Tín-Nguyện-Hạnh của quý vị đều chẳng chân thật, vậy thì sẽ không có được nụ hoa sen này. Đến khi thọ mạng đã hết, tức là lúc chúng ta lâm chung thì A Di Đà Phật dùng hoa sen đó đến tiếp dẫn quý vị, điều này nhất định không sai, đây là sự thật không phải giả.
Cho nên, 1 người niệm Phật càng tinh tấn, tâm càng thành khẩn, càng thanh tịnh thì hoa sen đó càng ngày càng lớn, màu sắc ánh sáng sẽ ngày càng rực rỡ sáng đẹp hơn, điều này chứng tỏ người này khi vãng sanh sẽ sanh vào phẩm vị rất cao. Ở cõi Cực Lạc, Đức Phật A Di Đà chỉ cần nhìn thấy nụ hoa sen của quý vị là to lớn, là sáng đẹp, hay ảm đạm héo uá thì liền biết ngay là quý vị niệm Phật có tinh tấn hay không, tâm quý vị có thanh tịnh hay không, chí nguyện vãng sanh của quý vị có thiết tha hay không, niềm tin của quý vị có chân thật hay không, cả thẩy Phật đều biết rất rõ ràng.
Chúng ta là những người tu Tịnh Độ, khi thi đua với mọi người không phải thi đua mặt mũi, không phải thi đua sự giàu sang, hay thi đua nhà cửa, những thứ này một khi 1 hơi thở ra mà không tiếp tục hít vào nữa thì là hết rồi. Mà chúng ta phải thi đua hoa sen chúng ta ở Cực Lạc Thế Giới lớn hơn của người khác, vậy thì đây mới là thật sự hữu dụng.
Cho nên, chúng ta cần phải thành thành thật thật mà niệm Phật, chính mình càng dõng mãnh tinh tấn thì hoa sen của mình sẽ càng lớn càng tốt đẹp. Chẳng cần người khác nói thì quý vị mới biết, mà chính quý vị tự mình sẽ cảm nhận được hoa sen của chính mình. Cảm nhận như thế nào? Nếu quý vị càng niệm càng hoan hỷ, càng niệm càng vui sướng thì chứng minh hoa sen đó càng tốt đẹp. Vì thế có thể nói người niệm Phật là người vui sướng nhất thế gian, là người hạnh phúc nhất trên thế gian. Nếu như hằng ngày anh niệm Phật mà vẻ mặt lại buồn rầu khổ não thì chứng minh ở Tây Phương Cực Lạc anh không có hoa sen. Đó là vì anh đã dụng công sai rồi, dẫn đến trong tâm anh có rất nhiều vọng tưởng, tạp niệm và tham, sân, si, mạn, chính anh cũng không có cách gì đoạn trừ được.
Pháp sư Tịnh Không
A Di Đà Phật !
các cô chú cho con hỏi làm nghề bán vé số bình thường có hại cho chúng sinh không, có bị coi là một nghề không tốt ? có người nói bán vé số làm tăng trưởng lòng tham của chúng sinh. con phân vân nên muốn hỏi các cô chú để mong đươc giải đáp.
A Di Đà Phật!
Vì cuộc sống mưu sinh, không có tâm hại người thì sao lại là ác, đừng quá lo lắng. Như cha mẹ vì muốn con nên người mà dùng roi đòn nặng tay đánh con, có khi chảy máu, cũng không gọi là ác vì cha mẹ một lòng không có tâm làm hại con, như dì ghẻ ghét bỏ con chồng thẳng tay đánh đập không thương tiếc lòng luôn ghét bỏ con của chồng đó gọi là ác, cùng là hành động đánh con nhưng cha mẹ vì thương con dù đánh nhưng lòng rất đau, vì muốn con nên người nên chẳng gọi là ác, còn dì ghẻ kia vì lòng gian ác thật sự bên trong nên gọi là ác.
Nếu có thể đi bán vé số tâm không rời Phật hiệu, quần áo có thể in chữ A Di Đà Phật đi khắp phố phường để độ chúng sanh, miệng thì rao mời vé số, khi chào hỏi khách hàng đều lễ phép Dạ Thưa, cảm ơn…kèm theo A Di Đà Phật…bán ít cũng ko buồn, bán nhiều cũng chẳng hào hứng…tâm tâm chẳng lìa Phật hiệu…đi bán vé số như vậy thì công đức vô lượng vô biên, hồi hướng công đức tu hành niệm Phật như vậy để cầu sanh Cực Lạc thì vãng sanh thật sự là có phần.
Tiểu Hào đã sẵn sàng phát tâm làm việc tốt lành này chưa?
Nam Mô A Di Đà Phật.
Theo tôi thì bán vé số là nghề chân chính.viết số đề thì kg chân chính kg hại chúng sanh thì là nghề chân chính tùy duyên nghiệp của người mua số thôi
A Di Đà Phật !
Cảm ơn các cô chú . sẵn đây cho con hỏi luôn .con có ông anh làm bartender( pha chế rượu bia,coctail) mà rượu bia thì có liên quan đến 5 giới của nhà Phật. Vậy cho con hỏi làm nghề này thì có bị cho là nghề bất thiện ,có làm tổn hại đến chúng sanh không
do con mới học hỏi Phật pháp chưa biết nhiều nên mới hỏi để biết đường mà lánh ác làm thiện. mong các cô chú từ bi giải đáp giúp con…
A Di Đà Phật !
A Di Đà Phật
Bạn Tiểu Hào thân mến,
Câu hỏi của bạn rất ý nghĩa, vì thế TĐ xin trích dẫn một phần kinh văn trong Kinh Phạm Võng khi Phật nói về giới Rượu để chúng ta cùng có sự nhìn nhận thật thấu suốt, nhờ đó chúng ta cùng biết được rượu có tác hại và nguy hại như thế nào trong cuộc sống đời thường và tu đạo.
———————————————————-
B.1.1.5. CÔ TỬU GIỚI (giới bán rượu)
Kinh văn:
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử tự cô tửu, giáo nhân cô tửu…” cho đến câu “thị Bồ Tát Ba La Di tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử tự mình bán rượu, bảo người bán rượu, nhân bán rượu, duyên bán rượu, cách thứ bán rượu, nghiệp bán rượu. Tất cả mọi thứ rượu đều không được bán. Rượu là nguyên nhân danh tội lỗi. Là Phật tử lẽ ra phải làm cho tất cả chúng sanh có trí huệ sáng suốt, nhưng trái lại đem sự say mê điên đảo cho tất cả chúng sanh, Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội.
Lời giảng:
Bốn trọng giới Sát, Đạo, Dâm, Vọng đều đã giảng rõ ở trước. Giờ đây, xin giảng giới Cô Tửu thứ năm.
Chữ “cô” có hai nghĩa: mua và bán, nên mua rượu gọi là cô tửu, mà bán rượu cũng gọi là cô tửu.
Rượu là ẩm liệu để uống, có chứa tính ma túy bên trong nên uống nhiều sẽ làm cho người hôn mê. Do đó, Đại Thừa cũng như Tiểu Thừa, Tăng cũng như tục, đối với rượu đều bị nghiêm cấm. Chẳng những năm chúng xuất gia không được sinh sống bằng nghề bán rượu, mà cả hai chúng tại gia cũng không được làm nghề này.
Phật pháp cho việc bán rượu và đặt mua rượu là việc bất hợp luật nghi. Nếu làm việc này để làm phương tiện mưu sinh về kinh tế, là điều Phật pháp không thừa nhận, vì trái với tinh thần Phật pháp. Với hành giả bên Thanh Văn thì phạm về luật mua bán quy định trong Thất Tụ và chỉ phạm vào thiên thứ ba của giới “cấm mua bán”.
Nhưng với hành giả Bồ Tát bên Đại Thừa, trong tinh thần lấy lợi tha làm chủ yếu, tuyệt đối không được mua bán rượu, nếu làm thì phạm căn bổn trọng tội không thể tha thứ.
Tại sao mua bán rượu phạm căn bổn trọng tội không thể tha thứ?
Vì rượu là thuốc vô minh, cũng là thứ làm loạn tâm tánh, uống vào sẽ bị hôn mê. Thế là không hợp với tinh thần Bồ Tát. Bồ Tát giáo hóa dẫn dắt chúng sanh được tăng trưởng và kích phát mọi người hướng thiện. Đã không làm như vậy, lại cho người uống thuốc vô minh, khiến tâm tánh hôn mê tán loạn thì đâu phải là hành vi của Bồ Tát, cho nên phải quyết định nghiêm cấm.
Thông thường việc uống rượu được xem là rất quan trọng, là một trong năm giới cấm. Thế tại sao việc mua bán rượu liệt vào giới trọng mà uống rượu để vào giới khinh?
Vì tội uống rượu quả thật rất nặng, nhưng chỉ tai hại trong phạm vi bản thân một cá nhân, chứ không gây tổn hại đến nhiều người. Đối với Đại Thừa Bồ Tát, uống rượu không phải là một trọng tội đứng đầu mà chỉ liệt vào một trong bốn mươi tám giới khinh.
Còn người đặt rượu và bán rượu làm cho quảng đại quần chúng bị thương hại, thậm chí còn đi đến chỗ bại quốc, vong gia, táng thân, mất mạng. Việc này thường thấy không ít trong lịch sử, Cho nên Đức Phật đặc biệt đem việc mua bán rượu và đặt rượu chế thành giới trọng.
Triều nhà Hạ bên Trung Hoa có ông Nghi Địch có tài pha chế rượu rất ngon, ông đem rượu phụng hiến lên vua Võ Đế. Nhà vua dùng thử, thấy hương vị của rượu rất đậm đà, ngấm vào cơ thể tạo ra cảm giác ngất ngây.
Vua biết rằng nếu để nhân gian uống rượu này sẽ gây hậu quả vô cùng tai hại, thậm chí có thể đến cảnh nước mất nhà tan. Từ đó, chẳng những ngài cấm không cho nấu và pha chế rượu; riêng đối với Nghi Địch, ngài còn xa lánh dần dần và chính bản thân nhà vua cũng hết sức tự khiển trách về việc uống rượu.
Trong lịch sử Trung Hoa, vua Võ Đế nhà Hạ thật là một bậc minh quân, minh trí. Chính thiện cử này là một trong những nguyên nhân tạo nên phong cách, cũng như tinh thần cao quý của ngài. Nếu đương thời, sau khi uống rượu, Ngài cảm thấy ưa thích vị ngon ngọt của rượu, rồi mải trầm mê trong những chén rượu ấy thì Ngài sẽ không bao giờ được lịch sử suy tôn là một bậc minh quân như thế.
Vì người nấu rượu và mua bán rượu gây ảnh hưởng xấu cho rất nhiều người, nên quyết không phải đó là hành vi của một vị Bồ Tát. Vì thế, trong kinh này, dù chưa luận đến tội lỗi của việc uống rượu, mà trước tiên, đã ngăn cấm việc nấu rượu cũng như bán rượu.
* Thời kỳ chiến tranh Hoa – Nhật:
Ở Hương Cảng có một vị ưu bà di rất thâm tín pháp môn Tịnh Độ, và rất tôn kính ngài Liên Tông Thập Tam Tổ Ấn Quang đại sư. Phật tử này viết thư thỉnh đại sư đến Hương Cảng tỵ nạn.
Ngài biết gia đình của Phật tử này đã nhiều đời sống với nghề nấu và pha chế rượu nên viết thư phúc đáp rằng nếu muốn ngài đến Hương Cảng tỵ nạn thì phải từ bỏ nghề nấu rượu. Theo đây, chúng ta thấy đối với giới này, Ấn Tổ xem trọng đến mức nào.
Rượu sở dĩ bị nghiêm cấm vì nó là tuyền nguyên sản sanh các tội lỗi. Trên thế gian, biết bao người tạo không biết bao nhiêu tội lỗi, thậm chí phạm đến tội ngũ nghịch, thập ác, đều là do sau khi uống rượu quá độ, sanh hôn mê mà tạo thành. Vì khi say rượu thì lý trí bị mất hẳn. Chẳng những đối với những việc công đức pháp lành cần phải làm, họ đã không chịu làm, mà chính những công đức pháp lành họ đã tạo trước đây cũng bị mất hẳn, để rồi trọn ngày thân tâm điên đảo, không biết làm việc gì.
Lại nữa, khi uống rượu say thì không thể tự khống chế mình. Trong việc sinh hoạt hằng ngày thì hoang phí, huy hoắc (tiêu tiền không nghĩ) vô độ, là cội gốc mọi sự gây gỗ với người khác; là yếu môn sanh các thứ bịnh cho bản thân, tâm tánh cuồng loạn, không biết hổ thẹn, không biết liêm sỉ. Đến nỗi, nhiều khi thoát hết cả y phục trên thân, đi đứng xiêu vẹo, té lên té xuống, nằm vất vưởng đầu đường xó chợ, bị người chê bai không đếm xỉa đến, tiếng xấu lan khắp mọi nơi.
Cuối cùng, với các bậc chánh nhân quân tử ngày một xa dần, với bọn ác hữu, ác nhân ngày một gần gũi. Để rồi ngày càng đi vào vực sâu tội ác không phương cách tự cứu!
Như thế, chúng ta thử nghĩ tai hại của rượu lớn biết chừng nào! Chẳng những thế, còn có những sự tình bất luận quan hệ với mình hay liên quan đến người, vốn nên giữ bí mật, nhưng khi đã quá say, không kiềm chế được miệng, đem nói hết cho mọi người nghe. Nếu vấn đề hay sự việc không đến nỗi quan trọng thì không nói chi; trái lại, giả như đó là sự việc tối mật, thì họa hoạn vô cùng. Có nhiều kẻ sau khi uống rượu, phát cuồng, nói bậy đến nỗi táng thân mất mạng, việc này rất thường thấy trong xã hội.
Dù bạn là một người biết tôn trọng lễ nghi đến độ nào, khi say rồi thì nội tâm mờ mịt, tôn ty già trẻ không phân. Đối với cha mẹ đáng lẽ phải hiếu thuận cung kính, trở lại đánh mắng. Đối với bậc trưởng thượng, lẽ ra phải tôn trọng, nhưng ngược lại làm ô nhục, hủy báng các ngài.
Còn như bạn là một Phật tử, xưa nay đối với Tam Bảo hết dạ chí thành, chí kính; nhưng một khi uống rượu vào rồi hôn mê, vội đem Tam Bảo vất ra sau ót, lại cũng không biết thế nào là cung kính Phật, Pháp, Tăng. Chẳng những thế khi chất độc của rượu ăn sâu quá rồi, bạn không còn được là một người bình thường, mà đã trở thành một kẻ cuồng si.
Những việc không đáng nóng giận, bạn lại phát đại sân nộ một cách phi lý. Những việc vốn không nên buồn rầu khóc lóc, bạn lại thương tâm khóc kể mãi không thôi. Những việc vốn không nên nói nhiều, bạn lại lớn tiếng, cao giọng, nói bậy. Những người vốn không nên đánh đập thì bạn lại xông tới đánh họ. Những hành động mất phong độ chánh thường như vậy, không phải là điên cuồng thì là gì?
Khi đã như thế thì những giới phẩm bạn cần phải nghiêm giữ, lại không thể giữ gìn đúng theo pháp, nên tự nhiên bạn sẽ trở thành một tội nhân phạm giới trong Phật pháp.
Giới phẩm đã không giữ gìn, nội tâm lại tán loạn không thôi. Khi tưởng nhớ việc này, khi nghĩ suy việc khác. Sinh hoạt theo lối si mê, tán loạn trong cảnh thiên hôn địa ám, tự nhiên trí huệ sẽ mất hẳn, không thể biện biệt phải quấy, chánh tà.
Lại nữa người uống rượu quá say, tất nhiên thân tâm phóng dật theo đuổi thú vui thinh sắc. Lâu ngày thể xác dần suy, sắc thân mỗi ngày một bại hoại, cuối cùng chỉ còn da bọc xương, không còn giống hình hài một con người nữa.
Tóm lại:
Rượu có những đại quá hoạn như thế. Lớn thì tán thất huệ mạng; nhỏ thì tàn hại sắc thân, nên Phật pháp không thể cho phép bán rượu hay nấu chế rượu.
Mua hay bán đều gọi là “cô”. Nhưng chữ “cô” ở đây là chỉ về việc bán rượu. Bán rượu là việc đổi chác, đem vốn cầu lời. Nếu nói về tinh thần kinh thương thế tục thì không có gì đáng phải cấm ngăn, bàn luận. Nhưng đối với lập trường của Phật pháp, luận về cầu đạo giải thoát thì không thể không phân tách sự lợi hại đối với việc này, nên dù là Phật tử tại gia, đã thọ Bồ Tát giới, bạn cũng không được làm việc buôn bán bất hợp luật nghi ấy.
Đức Phật dạy: Nếu một Phật tử hành Bồ Tát đạo, dù tự cô tửu hay giáo nhân cô tửu đều trái với luật nghi của Bồ Tát.
– Tự cô tửu là chính mình làm nghề pha chế rượu bán để thu lợi sinh sống.
– Giáo nhân cô tửu là mình mở tiệm, quán cho kẻ khác bán rượu.
Nếu số lời thu được thuộc về phần mình thì đồng với tự mình bán rượu không khác, nên phạm căn bổn trọng tội. Nếu số lời thu hoạch được thuộc về phần người đứng bán, theo sự lý giải của kinh, có chỗ cho là kết thành tội khinh cấu, có chỗ lại cho rằng thuộc về căn bổn trọng tội.
Tại sao vậy? Vì tiền lời tuy thuộc về người khác, nhưng chính bạn dạy người bán rượu, cho nên mới khiến có người mua rượu về uống, gây tổn hại thân thể họ, tán thất huệ mạng của họ. Vì vậy, tự bán hay bảo người bán không có gì khác nhau. Đây là những tác hại nhắm vào việc làm cho tâm chúng sanh bị điên đảo, chứ không chỉ đơn thuần nhắm vào phương tiện kiếm lời mà thôi. Nghĩa là chủ yếu làm cho chúng sanh bị hôn mê, điên đảo thì không luận là đích thân bạn hay bạn bảo người khác bán rượu, tội ấy vẫn bằng nhau. Cho nên đều kết thành căn bổn trọng tội.
Do đó, một hành giả Bồ Tát chân chánh, dù bất cứ nhân duyên nào đều không được bán rượu. Dù trước kia bạn sống với nghề bán rượu, nhưng một khi đã phát tâm Bồ Đề, thọ Bồ Tát giới, phải tức khắc đổi nghề. Nhất định không giữ mãi nghề bán rượu này để tự hại mình và hại người.
Bán rượu kết thành trọng tội đều do hội đủ bốn điều kiện giống như các giới trước: nhân, duyên, pháp, nghiệp.
1. Cô tửu nhân (nhân bán rượu): đầu tiên khởi một tâm niệm bán rượu để lấy lời nhiều gọi là nhân bán rượu.
2. Cô tửu duyên (duyên bán rượu): tâm niệm bán rượu này tương tục không gián đoạn, đưa đến việc bán rượu.
3. Cô tửu pháp (cách thức bán rượu): quá trình làm việc bán rượu có những hình thức mua vô, bán ra một lít, hai lít, một xị, hai xị v.v… cùng các phương thức, tư cụ mua bán gọi là cách thức bán rượu.
4. Cô tửu nghiệp (nghiệp bán rượu): việc vận dụng tay mình bán rượu, đem rượu trao cho người mua để hình thành việc bán rượu, gọi là nghiệp bán rượu.
Rượu có nhiều loại như:
– Thiêu tửu (rượu dùng để đốt như alcohol), loại này hàm chứa tinh chất của rượu rất nhiều và trong suốt, không màu sắc.
– Hoàng tửu là rượu có sắc vàng.
– Khúc tửu là rượu ở trong chất men.
– Bồ đào tửu là rượu làm bằng trái bồ đào.
– Cam giá tửu là rượu mía.
– Quả tử tửu là rượu làm bằng các thứ trái cây.
– Thảo mộc tửu là rượu chế bằng các thứ cây cỏ.
– Mễ tửu là rượu nấu bằng gạo, nếp v.v…
Bất luận là thứ nào trong các thứ nói trên, không luận về nồng độ rượu mạnh hay yếu, chỉ cần người uống bị hôn mê, đều không được bán. Cho nên kinh dạy: “Nhứt thiết tửu bất đắc cô” (tất cả các thứ rượu đều không được bán).
Tại sao vậy?
Trong kinh dạy tiếp rằng: “Rượu là nhân duyên sanh khởi các tội ác”. Cứ xem nhân loại hiện nay trong xã hội, phân tranh gay gắt, phát sanh vô số đại quá hoạn, đa số đều do uống rượu mà ra. Hàng Phật tử bất luận tại gia hay xuất gia, nhiều vị giới hạnh không thanh tịnh cũng do nơi uống rượu mà hủy phạm giới cấm. Thậm chí đến nỗi khuynh gia bại sản, tán quốc vong gia, tán thân mất mạng, đa số đều do uống rượu gây nên.
Đại Trang Nghiêm Luận có dạy: “Phật thuyết thân khẩu ý, tam nghiệp chi ác hạnh, duy tửu vi căn bổn” (Phật dạy thân, khẩu, ý, ác hạnh của ba nghiệp chỉ do rượu làm gốc).
Do đây, chúng ta thấy tai hại của rượu to lớn vô cùng. Như một người bản chất văn nhã và từ ái, khi bị rượu làm hôn mê, dám làm những việc đánh mắng người và trở thành một kẻ hung bạo. Như vậy không phải là do uống rượu mà sanh ra là gì?
Vì rượu có khả năng sanh ra các tội ác, là cội nguồn của tất cả ác hạnh, cho nên Phật nghiêm cấm tất cả hành giả Đại Thừa Bồ Tát không được bán rượu.
Bồ Tát vì hóa độ chúng sanh mà phát tâm Bồ Đề, nhận thấy chúng sanh đang ở trong vòng vô minh mê vọng, sinh hoạt quanh quẩn trong vòng tội ác thiên hôn địa ám, nên mới vận dụng các thứ thiện quyền phương tiện để khai phát trí huệ minh đạt cho chúng sanh.
Kinh dạy tiếp theo: “Nhi Bồ Tát ưng sanh nhứt thiết chúng sanh minh đạt chi huệ” (là Bồ Tát, lẽ ra phải làm cho tất cả chúng sanh có trí huệ sáng suốt).
Sanh khởi trí huệ minh đạt cho chúng sanh là làm cho chúng sanh biện biệt được phải quấy, thiện ác, thông đạt sự lý, biết chỗ thủ xả, hiểu rõ chánh tà, không bị hôn mê che lấp, cũng không bị trệ ngại, không còn bồi hồi trên con đường mê tối, chỉ hướng về con đường của đấng Đại Giác mà tiền tiến. Đấy mới chính là bi nguyện của Bồ Tát cần thực hành. Nếu đã không thực hành như vậy, lại còn đi bán rượu, khiến cho người sau khi uống rồi, vốn là kẻ nhút nhát, biến thành người to gan, tâm tánh vốn nhu hòa trở thành cường bạo; bản chất là người thông đạt sự lý trở nên kẻ mê muội, tối tăm, vốn là người thông đạt quyền biến trở nên kẻ ngu muội, đần độn. Như vậy đều là do nơi rượu sai khiến.
Vì vậy, làm sao có thể nói việc bán rượu là không quan trọng? Làm sao có thể nói chỉ là tùy tiện đôi chút mà không cần lưu tâm đề phòng? Làm sao không cực lực tuyệt đối ngăn cấm?
Hành giả Bồ Tát lấy việc lợi sanh làm trách nhiệm của mình, nên trên mọi khía cạnh, đều có bổn phận khai phát trí huệ cho chúng sanh, khích phát chúng sanh có chí hướng thượng, khiến cho chúng sanh đồng bước trên con đường của đấng Đại Giác luôn tiến bước không ngừng. Nếu không thành tựu được những điều như vậy, thì không đúng với hạnh nguyện của Bồ Tát.
Nên kinh dạy tiếp: “Nhưng trái lại còn làm cho tất cả chúng sanh sanh tâm điên đảo”, ở đây bảo là làm cho tất cả chúng sanh điên đảo, có nghĩa là đem rượu bán cho người, làm cho tâm tánh của chúng sanh mê hoặc, điên điên đảo đảo thì đâu còn gì là tâm hạnh của vị Bồ Tát.
Đúng thế! Đại đa số chúng sanh trên thế gian này đều ngu muội, nhưng không phải không có người minh đạt luân lý. Đã minh đạt thì không có lỗi lầm, và nếu lại gia tâm đề cao cảnh giác, luôn luôn tự sách phát cho mình thì có thể đi trên con đường giải thoát lớn của pháp xuất thế. Nay vì bạn đem rượu bán cho người làm cho người mãi hôn mê, đó là việc hoàn toàn trái nghịch với luân lý, thử hỏi tội ác của bạn lớn hay không?
Lại nữa có những hành giả tu học Phật pháp, thông đạt và vững tin nơi luật nhân quả, thiện ác. Việc làm không bao giờ dám trái luật nhân quả và đã có công phu tu chứng; nay vì bạn đem rượu bán cho người, khiến người biến thành một kẻ ngu xuẩn, vô trí, mê muội đối với lý nhân quả, hoặc phủ nhận luật nhân quả và cho tu chứng không có ý nghĩa gì. Bấy giờ, họ bỏ phế công phu tu hành trước kia, thử hỏi tội ác của bạn lớn hay không lớn?
Vì tham lam muốn thâu được nhiều tiền của, vận dụng phương kế bán rượu cho người uống, khiến người hôn mê, điên đảo, và làm những việc không nên làm. Tội lỗi này đương nhiên rất nặng, nên cuối cùng, kinh văn dạy: “Thị Bồ Tát Ba La Di tội” (Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội).
– Không được bán rượu là đoạn trừ tất cả ác, thuộc về Nhiếp Luật Nghi Giới.
– Nên sanh khởi trí huệ minh đạt do nơi tu tập tất cả các pháp lành, thuộc về Nhiếp Thiện Pháp Giới.
– Làm cho chúng sanh tâm không điên đảo, đó là khắp độ chúng sanh, thuộc Nhiếp Chúng Sanh Giới.
Nếu giữ gìn giới không bán rượu nghiêm cẩn thì Tam Tụ Tịnh Giới của Bồ Tát được trọn vẹn. Nếu phạm giới bán rượu là hủy phạm Tam Tụ Tịnh Giới của Bồ Tát, như vậy mất hẳn tư cách Bồ Tát.
Cho nên, muốn làm một vị Bồ Tát chân chánh, danh hợp với thật, chẳng những không được sát sanh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ, mà còn không được bán rượu nữa. Vì họa hại của sự bán rượu vô cùng vô tận. Trong khi Bồ Tát phải lấy việc lợi sanh làm tối yếu, đâu nên vì mưu cầu sự sống cho cá nhân mình mà để họa hại vô cùng tận cho chúng sanh?
Giới không bán rượu chỉ thuộc về giá nghiệp mà không thông nơi tánh nghiệp. Vì giới này chỉ ngăn cấm những người thọ giới Bồ Tát, không phải là điều ngăn cấm của pháp luật thế gian.
Các quốc gia trên thế giới hiện nay, không nước nào ngăn cấm làm rượu và bán rượu hay nấu rượu vì việc bán rượu thu được một số ngoại tệ rất lớn và tiền thuế rượu cũng nhiều. Nhưng vì việc này thuộc về Ác Luật Nghi nên chẳng những hàng Phật tử đã thọ giới nếu bán rượu sẽ phạm tội này mà ngay đến những người không thọ giới, sống với nghề này cũng bị chiêu cảm quả báo không tốt.
Cho nên Đức Phật đặc biệt vì các đại sĩ đã phát Bồ Đề tâm và thọ Bồ Tát giới, chế định giới điều này để ngăn cấm rất nghiêm khắc. Đồng thời, khuyến dạy các Bồ Tát không được sinh sống bằng nghề bán rượu và làm rượu. Nếu làm thì phạm Ba La Di tội.
Như có người lại cho rằng không có quả báo tội ác thì Đức Phật là một đấng đại từ đại bi cần gì phải chế lập giới điều này làm cho chư Bồ Tát phải bị sự thúc phược vô ích?
Uống rượu làm cho người say loạn nên đương nhiên không được bán. Nhưng các thứ rượu dùng trị liệu những bịnh đau nhức vẫn không được bán hay sao?
Có chỗ nói: Bồ Tát tại gia vì muốn duy trì sự sanh sống cho cá nhân và gia đình, hoặc vì mong cầu tiền lời mà bán rượu thuốc thì không vi phạm Bồ Tát luật nghi vì hai lý do sau đây:
– Vì rượu thuốc diệt trừ bệnh hoạn cho người, làm cho thân tâm con người được an ổn, khang kiện.
– Trong rượu thuốc có các thứ thuốc nên khi người dùng, chỉ dùng đúng liều lượng mà thôi, không thể buông lung uống quá lượng đến nỗi sanh ra tội hôn mê, say loạn, cho nên không vi phạm Bồ Tát giới. Những điều này chỉ cho phép Bồ Tát tại gia, còn Bồ Tát xuất gia thì tuyệt đối không cho phép, vì đó là việc nuôi sống tà mạng, trái với nếp sống chánh mạng.
Có chỗ nói rằng bất luận Bồ Tát tại gia hay xuất gia, đều ở trong phạm vi ngăn cấm không cho phép, vì trong các luật, luận từ trước đến nay không thấy khai mở giới này. Nhưng đó là nói về tất cả các thứ rượu uống vào làm cho tâm tánh mê loạn, chứ đối với các thứ rượu thuốc thì vô hại.
Giới bán rượu kết thành trọng tội cũng không phải đơn giản, phải hội đủ năm duyên, lược phân biệt như sau:
1. Thị chúng sanh: Có ba phẩm sai biệt:
– Nếu bán rượu cho chúng sanh thượng phẩm thì phải căn cứ bán rượu cho người nào để định tội khinh, trọng.
– Nếu bán cho những người uống mà họ không bị hôn mê, tán loạn thì chỉ phạm tội khinh cấu.
– Nếu bán cho những người uống vào mà họ bị say sưa, loạn tâm thì kết thành căn bổn trọng tội.
Ở đây có người hỏi: chúng sanh thượng phẩm tức là Phật, thánh nhân, sư tăng v.v… những bậc này uống rượu cũng bị say loạn hay sao?
Chư Phật, thánh nhân đương nhiên không bao giờ uống rượu, say loạn; nhưng hàng cha mẹ, sư tăng dù thuộc về thượng phẩm, nhưng không nhất định là thánh nhân nên khi uống rượu quá lượng cũng say khướt như thường. Cũng có rất nhiều bậc sư trưởng uống rượu say nhừ tử như bùn. Cũng có những tăng chúng xuất gia không giữ gìn đúng theo giới luật, khi uống rượu chẳng những không biết hổ thẹn, mà khi càng uống lại càng cảm thấy vui tươi, hớn hở. Vì thế, nếu đem rượu bán cho những chúng sanh không phải thánh nhân này, sẽ phạm căn bổn trọng tội.
Bán rượu cho chúng sanh trung phẩm (cõi trời, cõi người), tất nhiên phạm căn bổn trọng tội. Vì những chúng sanh này là đối tượng chủ yếu của giới điều Đức Phật chế lập. Người, trời là những chúng sanh rất thích uống rượu, nên bán cho những chúng sanh này, chính là khuyến khích, thúc đẩy sự say mê, hôn loạn cho họ.
Bán rượu cho chúng sanh hạ phẩm là quỷ thần v.v… Nếu những chúng sanh này chưa thọ giới Bồ Tát thì ít gây ảnh hưởng tổn hại cho đạo pháp nên các bậc cổ nhân quy kết thành tội khinh cấu. Nếu là chúng sanh đã thọ giới Bồ Tát, vì trên thân đã mang giới thể nên phạm căn bổn trọng tội.
Bất luận chúng sanh thuộc phẩm nào, nếu bán rượu cho họ, đều không khỏi phạm tội khinh hay trọng.
2. Chúng sanh tưởng (tưởng là chúng sanh), duyên này căn cứ vào ba phẩm để phân biệt:
* Chúng sanh thượng phẩm:
Hai trường hợp này phạm căn bổn trọng tội:
– Say loạn tưởng là say loạn.
– Say loạn nghi là say loạn.
Bốn trường hợp phạm tội khinh cấu:
– Say loạn tưởng chẳng phải say loạn.
– Không say loạn tưởng không phải say loạn.
– Không say loạn nghi là say loạn.
– Không say loạn nghi không say loạn.
* Chúng sanh trung phẩm:
Cả bốn trường hợp này đều phạm tội khinh cấu:
– Chúng sanh trung phẩm tưởng là chúng sanh hạ phẩm.
– Ba trường hợp ở hạ phẩm.
Hai trường hợp này phạm căn bổn trọng tội:
– Chúng sanh trung phẩm tưởng là trung phẩm.
– Chúng sanh trung phẩm nghi là trung phẩm.
* Chúng sanh hạ phẩm:
Hai trường hợp này phạm căn bổn trọng tội:
– Chúng sanh hạ phẩm có giới tưởng là có giới.
– Chúng sanh hạ phẩm có giới nghi là có giới.
Ba trường hợp này đều phạm tội khinh cấu:
– Chúng sanh hạ phẩm có giới tưởng không có giới.
– Chúng sanh hạ phẩm không có giới tưởng có giới.
– Chúng sanh hạ phẩm không có giới nghi là có giới.
3. Hy lợi phản mại (có tâm mong cầu tài lợi mà bán rượu):
Điểm này chính là do chủ thể tạo nghiệp. Vì người đời sở dĩ mở tiệm bán rượu, mục đích duy nhất là vì cầu lợi. Đối với thế tục, thông thường rất thích mua bán làm ăn để nuôi sống bằng nghề này, vì thu được nhiều tài lợi. Nhưng với một Phật tử, đặc biệt là hành giả Đại Thừa Bồ Tát, tuyệt đối không được làm việc bán rượu này.
Như mọi người đều biết, Bồ Tát có hai loại: xuất gia và tại gia.
Bồ Tát tại gia đúng theo pháp cầu lợi, bất cứ sự mua bán nào chánh đáng đều được làm, không phải là không cho mua bán. Vả lại, từ trong việc mua bán ấy có thể nhiếp hóa được số chúng sanh rộng lớn. Nhưng đối với sự mua bán rượu thuộc về ác luật nghi này, dù Bồ Tát tại gia cũng không được phép làm.
Bồ Tát xuất gia chẳng những không được phép mua bán thuộc về ác luật nghi mà bất cứ lối mua bán nào để cầu lợi, đều nằm trong phạm vi nghiêm cẩn một cách nghiêm mật.
4. Thị chân tửu (thật là rượu):
Rượu sở dĩ được gọi là rượu vì có đủ ba yếu tố: sắc, hương và vị. Khi uống vào nhất định khiến người bị say loạn. Dù những loại rượu không có sắc và hương, nhưng vị rượu rất nồng, uống vào khiến người bị say, nếu đem mua bán những thứ rượu như thế phải phạm vào căn bổn trọng tội.
Bồ Tát tại gia làm việc ở các dâm xá hoặc làm nhân viên chiêu đãi cho các tiệm bán rượu, nếu tự mình không bán rượu thì chỉ phạm tội khinh cấu.
5. Thọ dữ tiền nhân (trao cho người trước mặt):
Nghĩa là bán rượu và giao cho người mua một cách trực tiếp. Thời gian xảy ra việc người giao, người nhận kết thúc thì kết thành trọng tội. Nếu vì cầu tài lợi mà bán rượu thì mắc tội rất nặng và rất đáng sợ.
Nói về tội này, kinh Thập Luân có ghi rõ:
Thập áp du luận tội,
Đẳng bỉ nhất dâm phòng,
Trí bỉ thập dâm phòng,
Đẳng nhất tửu phòng tội.
Dịch:
Mười tội làm nghề ép dầu,
Bằng tội mở một dâm xá,
Tạo tội lập mười dâm xá,
Bằng tội mở một tiệm rượu.
Theo luật nhân quả, tội trọng như thế, tương lai phải cảm thọ khổ báo như thế nào?
Đức Phật dạy rằng:
– Những người làm rượu, chiêu cảm quả địa ngục Tửu Hà.
– Những người bán rượu, cảm thọ địa ngục Tửu Trì.
– Những người bán rượu khi ra khỏi địa ngục Tửu Trì, chuyển sanh trong nhân gian chịu dư báo làm một kẻ điên điên, cuồng cuồng, không được như người bình thường.
Bồ Tát đã biết rõ tội ác bán rượu thảm trọng và quả báo thống khổ như vậy phải nghĩ tưởng như vầy: “Ta đây là Bồ Tát có bổn phận hóa độ chúng sanh, đem trí huệ minh đạt sự lý truyền trao cho chúng sanh, khiến cho chúng sanh khỏi ngu si vô trí, thú hướng đến con đường lớn quang minh vô thượng Bồ Đề mới phải. Tại sao lại bán rượu cho người uống vào phải bị hôn mê cuồng loạn mà thành đại tội”. Trải qua một phen suy tư như vậy thì không bao giờ đi bán rượu. (Trích Kinh Phạm Võng Bồ Tát giới Bổn Giảng ký – HT Thích Trí Minh dịch Việt Ngữ)