Trương Nhĩ Cầu ở huyện Côn Sơn, là anh của tiên sinh Băng Am. Ông hết lòng tin sâu Tam bảo, nỗ lực làm thiện. Vào mùa đông năm Mậu Dần thuộc niên hiệu Sùng Trinh (1638), ông cung thỉnh hòa thượng Đại Thụ Hoằng Chứng ở núi Tam Phong, đến am Thanh Lương mở một khóa thiền có kỳ hạn.
Đang thời gian ấy, ông quay về nhà vô tình ăn các món cá tươi, trứng gà. Đêm hôm đó liền nằm mộng thấy mình đi đến cửa am, từ trong có đến hơn năm mươi vị thần đang đi ra, đều là các vị long thần thuộc tám bộ [tám bộ (bát bộ): các vị tự nguyện theo hộ trì chánh pháp, thuộc đủ tám loài là trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già], tóc xanh nanh dài dáng vẻ hung tợn, ra đến cửa am muốn bỏ đi. Ông hốt hoảng ngăn lại hỏi, họ đáp rằng: “Bọn chúng tôi đều là thần bảo hộ cho đạo trường này. Ông là trai chủ lại quay về nhà ăn mặn hôi tanh nên chúng tôi muốn bỏ đi.” Trương Nhĩ Cầu nghe vậy rồi hết lòng khẩn khoản sám hối, các vị thần mới chịu quay lại am.” Do đó, trong suốt thời gian khóa thiền kéo dài ba tháng, Trương Nhĩ Cầu quyết lòng giữ gìn trai giới thanh tịnh.
Ở huyện Bình Hồ tỉnh Chiết Giang có người tên Mã Gia Trị, tên tự là Bồi Nguyên, thi đỗ tiến sĩ vào năm Giáp Tuất thuộc niên hiệu Sùng Trinh (1634), tánh tình liêm khiết công chính, làm quan đến chức Cấp gián [*].
Khi ông nhận chức huyện lệnh, theo lời dặn của một vị quan nọ mà đánh chết hai nha lại bị khép tội làm thiếu hụt tiền thuế. Đến kỳ tảo mộ vào dịp tiết Nguyên đán, ông bỗng nhìn thấy hai hồn ma hiện đến kêu oan. Mã Gia Trị nói: “Đó là tôi phải làm theo ý quan trên.” Hồn ma nói: “Hai người chúng tôi bất quá chỉ là những kẻ bị đưa ra để thế thân thôi. Nếu lúc xử án mà ông cho chúng tôi một cơ hội phản bác, ắt đã có thể biện minh làm sáng tỏ sự việc. Nhưng khi đó ông lại nổi trận lôi đình, không cho chúng tôi được biện giải lời nào, vì thế mới phải ôm mối oan tình mà chết. Nay chúng tôi tuy không dám đòi ông đền mạng, nhưng không bao lâu nữa ông cũng chết, sẽ đến huyện Bồ Kỳ làm Thành hoàng ở đó.”
Mã Gia Trị nghe qua rất khó chịu, không muốn làm Thành hoàng, liền phát tâm ăn chay, lễ bái hòa thượng Tuyết Đậu Thạch Kỳ xin xuống tóc xuất gia, pháp danh là Hành Đán, hiệu Tăng Tường, tinh tấn tu hành trong suốt 12 năm. Một hôm, ông có chút bệnh nhẹ, nghe lời thầy thuốc ăn trứng gà. Nửa đêm hôm ấy lại mộng thấy hai hồn ma năm trước hiện đến nói: “Ông đã phá trai giới, không còn ở lại đây được nữa, đến ngày ấy sẽ phải đi Bồ Kỳ nhậm chức [Thành hoàng] thôi.” Quả nhiên, đúng ngày đã báo trước ấy, Mã Gia Trị qua đời.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại
Nguyên tác Hán văn: Vạn Thiện Tiên Tư
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến
[*] Cấp gián: quan chức có từ đời Đường, Tống, là danh từ hợp xưng của chức quan cấp sự và gián nghị đại phu. Chức quan này vừa nhận lệnh từ cấp trên để thi hành, đồng thời cũng được quyền thẩm xét và can gián khi cần.
Các bạn cho mình hỏi gián tiếp sát sanh có nghĩa là gì? Mình xin cảm ơn !
Gián tiếp sát sanh là tuy bạn không trực tiếp giết con vật, nhưng nhờ hay xúi người khác giết hộ. Hoặc nhìn thấy người khác câu được con cá lớn bạn hoan hỉ vui theo người ấy, đó cũng là một hình thức gián tiếp sát sanh. A Di Đà Phật.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Sương Sương,
TN xin bổ xung thêm về cụm từ “gián tiếp sát sanh”:
Gián tiếp có hai hình thức:
– thân, khẩu dạng thô: đúng như bạn Trần Nhật Minh đã chia sẻ: sai bảo, khuyến, xúi giục, vui thích, ham ưa khi thấy sát sanh.
– ý vi tế: bạn khởi niệm muốn ăn thịt chúng sanh hay khởi niệm muốn sai bảo, khuyến, xúi giục, vui thích, ham ưa khi thấy sát sanh.
Do vậy trì giới phải qua 2 giai đoạn từ thô đi vào vi tế = trì giới bán phần và toàn phần.
Chúc bạn tinh tấn
TN
Ăn thịt chúng sinh là gián tiếp sát sinh vì nhờ người khác giết hộ cho mình ăn thịt. Mình nói vậy có đúng không ạ ?
A Di Đà Phật
Bạn nói đúng rồi đó, vì nếu mình không ăn thịt tất không có người giết. Xưa có vị cư sỹ giả ăn chay nên con gà mới thoát chết, cũng nhờ công đức tha mạng cho gà mà vị ấy thoát nạn. Hiện nay cũng vậy, nếu ai ai đều ăn chay, những đồ tể bày thịt mà không bán được cho ai tất sẽ đổi nghề khác.
Nam Mô A Di Đà Phật