Đối với những người sơ phát tâm niệm Phật thường thường hay khởi hoài nghi: “Vì sao ta phải niệm Phật? Niệm Phật thì có gì tốt đẹp nhỉ? Nếu ta chẳng niệm Phật mà niệm 1, 2, 3, 4, 5 thì có gì khác nhau chăng? Vì sao nhất định phải là niệm Phật?”. Đây đều là do họ đối với lý luận của việc niệm Phật chẳng hiểu rõ, nên mới sanh ra tồn nghi. Tồn nghi có thể giúp cho người học Phật vì muốn phá nghi nên không ngừng tìm tòi tiếp xúc với giáo lý trong nhà Phật. Tuy nhiên, tồn nghi có mặt trái của nó chính là phiền não vọng tưởng, nếu người niệm Phật thường thường khởi dậy những nghi ngờ trong tâm thì sẽ gây chướng ngại rất lớn đối với việc niệm Phật của chính mình. Cho nên, đối với lý luận của việc niệm Phật chúng ta với khả năng của mình có thể hiểu được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, không nên thường nuôi lấy những nghi ngờ trong tâm mình.
Tại sao chúng ta phải niệm Phật mà không niệm 1, 2, 3, 4, 5? Vì niệm 1, 2, 3, 4, 5 trong này không có chứa chủng tử Phật. Khi chúng ta niệm 1 câu Phật hiệu, hoặc nghĩ đến hình tượng Phật sẽ gieo chủng tử vào trong A Lại Da Thức của chính mình. Chủng tử gì vậy? Là chủng tử Phật. Trong A Lại Da Thức của chúng ta vốn sẵn trọn đủ chủng tử của 10 pháp giới, cái nào mạnh nhất thì sẽ thọ báo trước. Nay chúng ta mong làm Phật, thì phải không ngừng tăng trưởng chủng tử Phật trong A Lại Da Thức của mình, khi chủng tử Phật không ngừng tăng trưởng thì các chủng tử của 10 pháp giới khác sẽ dần bị tiêu trừ đi.
Nói cách khác khi chúng ta niệm Phật sẽ chẳng khởi lên các ý niệm của lục đạo, mà khi các ý niệm của lục đạo chẳng dấy khởi lên thì duyên của lục đạo cũng chẳng còn. Tuy vẫn còn chủng tử lục đạo trong A Lại Da Thức nhưng chúng chẳng thể khởi hiện hành, lâu dần chúng sẽ tự bào mòn đi.
Nếu chúng ta không ngừng huân tập chủng tử Phật và duyên làm Phật vào trong A Lại Da thì gọi là “Ức Phật niệm Phật”. Chữ “Ức” ở đây chính là thường tưởng nhớ, “Ức Phật” chính là thường tưởng nhớ đến Phật. Hoặc khi chúng ta đọc Kinh cũng là “Ức Phật”. Tại sao? Vì đọc Kinh là tiếp xúc với Phật, nghe Phật thuyết pháp, đấy là thân cận Như lại, huân tập Chánh pháp nên cũng gọi là “Ức Phật”. Khi chẳng đọc Kinh thì bèn niệm Phật, Đại Thế Chí Bồ Tát trong Kinh Lăng Nghiêm nói rằng: “Ức Phật, niệm Phật hiện tiền tương lai tất định kiến Phật”. Đây là nói rằng: Nay chúng ta nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tại và tương lai nhất định thấy Phật. Hai chữ “thấy Phật” ở đây có 2 tầng nghĩa:
1. Thấy được Phật A Di Đà.
2. Thấy được chân tâm Phật tánh của chính mình.
Do đó, nay chúng ta do niệm A Di Đà Phật mà thành tựu vị Phật của chính mình. Cho nên vì sao phải niệm Phật? Đạo lý chính là như vậy đó.
Lão pháp sư Tịnh Không
Người giác ngộ quyết chẳng bị vật chuyển! Chữ Vật bao gồm hết thảy cảnh giới ở ngoài thân mình, chúng thường nói là “y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới”, dùng chữ Vật để làm đại diện, chẳng bị vật xoay chuyển. Chỉ có kẻ mê tự tánh bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, chúng ta nay đang là hạng người ấy. Mắt thấy sắc liền bị sắc chuyển, tai nghe tiếng liền bị tiếng chuyển, thật đáng thương! Mắt thấy sắc vừa ý mình bèn khởi tâm tham, chẳng vừa ý mình bèn khởi tâm nóng giận. Đấy là bị nó xoay chuyển. Tai nghe tiếng, nghe vui tai, hay quá, thích nghe hoài! Đó là bị nó chuyển! Chẳng ưa nghe, nghe đâm ra chán ngấy, bị nó chuyển rồi! Khi nào có thể ở trong hết thảy âm thanh mà như như bất động? Nghe rõ ràng, rành rẽ, như như bất động, sẽ chẳng bị chuyển!
Nếu trong hết thảy cảnh giới, quý vị khởi phân biệt, khởi chấp trước, khởi tham, sân, si, mạn là bị cảnh giới chuyển. Bị cảnh chuyển sẽ tạo nghiệp. Chẳng bị cảnh chuyển, không tạo nghiệp. Chẳng tạo nghiệp thì chúng ta đặt cho nó cái tên là “tịnh nghiệp”. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhược năng chuyển cảnh, tắc đồng Như Lai” (Nếu chuyển được cảnh sẽ giống như Như Lai), đấy chính là Phật, là Bồ Tát. Đại Bồ Tát kiến tánh, Ngài chuyển được cảnh, chẳng bị cảnh chuyển.
Chúng ta nói tu hành, nói tới công phu, vậy công phu là gì? Chẳng bị cảnh chuyển, công phu thật sự đấy. Nơi nào cũng bị cảnh giới xoay chuyển, chỗ nào đáng kể là công phu? Nơi nào cũng bị cảnh giới xoay chuyển thì hãy nhớ: Không có cách nào vượt thoát luân hồi, quý vị dựa vào đâu để liễu sanh tử, thoát tam giới? Nơi nào cũng bị cảnh chuyển thì lại xin thưa với quý vị, chẳng dễ gì vãng sanh, đới nghiệp cũng không được. Đến lúc quý vị vãng sanh, lại bị cảnh giới lôi trở lại, quý vị vẫn chẳng đi được! A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, quý vị nói: “Con còn chưa buông xuống được, còn có chuyện chưa giải quyết”, A Di Đà Phật chẳng thể đợi quý vị, quý vị không vãng sanh được! Do vậy, điều này hết sức quan trọng, phải hiểu công phu là như thế nào.
Mỗi ngày niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, lạy bao nhiêu lạy, lễ bao nhiêu bài sám, niệm bao nhiêu kinh, đấy chẳng gọi là công phu mà gọi là khóa tụng! Niệm nhiều khóa tụng, chứ không có công phu! Giống như gì? Học hành cho nhiều, học hằng ngày, đi thi liền lãnh zéro, chẳng đậu. Thi đậu mới là công phu. Quý vị đi thi, điểm số là công phu, đạt điểm số cao, đấy là công phu. Hằng ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, tâm vẫn bị cảnh chuyển thì cũng như không, hét toạc cuống họng cũng uổng công!
Trích A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA – tập 13- phần 7
Lão pháp sư TỊNH KHÔNG
NGƯỜI CÓ ĐẦY ĐỦ THIỆN CĂN, PHƯỚC ĐỨC, NHÂN DUYÊN, MỚI GẶP ĐƯỢC PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ
Muốn liễu sanh tử ra khỏi ba cõi, chỉ có niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, hiện tại ngoài pháp môn này ra, không có con đường thứ hai có thể đi. Thế nhưng, người niệm Phật một đời thành tựu, quyết không phải ngẫu nhiên. Trên kinh giảng được rất rõ ràng, không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh nước kia. Do đây có thể biết, những người mà ngay trong đời này, cái gì họ cũng không hiểu, mơ mơ hồ hồ, nhưng họ niệm Phật có thể vãng sanh, đây là do trong quá khứ, nhiều đời nhiều kiếp đã tích lũy thiện căn phước đức nhân duyên rất nhiều, nên họ mới có thể thành tựu.
Người có thiện căn phước đức nhân duyên ít, khi gặp được pháp môn này, họ sẽ không tin tưởng, họ hoài nghi, không thể tiếp nhận. Cho nên chúng ta biết được, người tiếp nhận pháp môn này, hoan hỉ với pháp môn này là người rất cừ khôi, không phải người thông thường.
Lời nói này không phải chúng ta nói, là Phật nói ở trên kinh. Cho nên đời này gặp được Tịnh Độ, niệm Phật vãng sanh không phải là ngẫu nhiên.
Người mà gặp được, thấy được, nghe được pháp môn này, nhưng không tin tưởng, thậm chí hủy báng, bài xích, trong tâm của chúng ta rất rõ ràng, đó là do thiện căn phước đức nhân duyên của họ không đủ.
Do đó họ vẫn phải tu rất nhiều kiếp nữa … !!
H.T. TỊNH KHÔNG
——————–
Nam mô A Di Đà Phật
Trích đoạn 1: 13 Tuổi – Niệm Phật 60 ngày Vãng Sanh Cực Lạc – HT Tinh Không
https://www.youtube.com/watch?v=5rTx3IQYyfc
TẠI SAO LẠI CÓ HIỆN TƯỢNG TÂM NIỆM PHẬT NGÀY CÀNG LỢT LẠT ĐI, CÂU PHẬT HIỆU KHÓ LÒNG ĐỀ KHỞI VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐỐI TRỊ.
Có rất nhiều vị đồng tu niệm Phật mặc dù niệm Phật đã lâu nhưng vẫn chẳng thấy công phu mình có chút tiến bộ nào, mà ngược lại cái tâm niệm Phật ngày càng lợt lạt đi, câu Phật hiệu khó lòng đề khởi mỗi khi bước vào thời khóa công phu niệm Phật. Đây là nguyên nhân gì? Có 2 nguyên nhân:
1. Do hằng ngày mình dãi đãi trong việc niệm Phật, nên dẫn đến công phu không đều bữa có bữa không. Cái tâm dãi đãi này lâu ngày thành quen mà bản thân lại chẳng hề hay biết, cứ nghĩ rằng bình thường. Đến khi nhìn lại thì thảng thốt giật mình không biết chính mình đã thoái tâm từ khi nào.
Đối với trường hợp này thì tương đối đơn giản dễ dàng. Mình chỉ cần đặt lại thời khóa công phu cho mình 1 cách rõ ràng và phù hợp với điều kiện sinh hoạt cũng như thể lực của mình là được. Thời khoá khi đã đặt ra rồi thì mỗi ngày dù là bận rộn hay nhàn rỗi cũng cần phải quyết tâm thực hành đầy đủ thời khoá công phu của mình. Nếu như có công việc đột xuất thì sao? Tập trung làm việc cho thật tốt, khi xong việc rồi thì phải vào lại thời khóa niệm Phật của mình, không nên bởi vì bận rộn công việc mà bỏ lỡ đi thời khóa công phu.
Vì sao không nên bỏ lỡ thời khóa? Vì cần phải tập cho mình thói quen niệm Phật theo thời khóa. Dù là công việc ngoài đời hay việc tu hành đều không có ngoại lệ, hễ cái tâm ban đầu dãi đãi thì dãi đãi thành quen, cái tâm ban đầu tinh tấn siêng năng thì cũng quen tinh tấn siêng năng. Nay mình tập cho cái tâm mình luôn tinh tấn niệm Phật thì lâu ngày sẽ hình thành thói quen tinh tấn, công phu niệm Phật theo đó ngày một nâng cao, không còn bị thoái thất nữa.
2. Nếu thường ngày mình vẫn dụng công tinh tấn, nhưng thời gian sau này mình thấy tâm mình thường hay mỏi mệt, uể oải, chẳng còn tha thiết dụng công niệm Phật như lúc ban đầu nữa, mà dù có cố gắng dụng công cũng khó lòng nhiếp tâm niệm Phật. Thì đây chính là do nghiệp chướng của mình hiện tiền để chướng đạo mình. Đối với trường hợp này có 2 cách đối trị:
+ Sám hối nghiệp chướng: Có rất nhiều phương pháp sám hối như: Lạy vạn Phật, tụng Kinh Sám Hối, phát lồ sám hối….Dù là với bất cứ hình thức sám hối nào đi nữa thì cần phải từ trong tâm mà sám hối ra. Chẳng phải ngày ngày đứng trước bàn Phật bày ra vẻ mặt đáng thương thì đã là sám hối rồi, cách này không được, cách này chẳng những không thể giúp mình tiêu trừ đi nghiệp chướng mà còn tăng thêm tội nghiệp. Tội nghiệp gì vậy? Tội dối gạt Phật, Bồ Tát. Chúng ta ngày ngày ở trước bàn Phật cầu sám hối đó chỉ là trên hình thức bên ngoài, còn trong tâm thì 1 chút ân hận cũng không có, vẫn là muốn đi tranh, đi giành, đi hơn thua cùng người, vẫn là muốn khiêu khích thị phi, vẫn là muốn thoả mãn cái lưỡi 3 tấc mà mặc tình giết hại chúng sanh để ăn. Phật, Bồ Tát ngày ngày đều chứng minh chúng ta đang vọng ngữ, đang đóng kịch với các Ngài, nên tội là từ đây mà ra.
+ Dùng nguyện lực để chiến thắng nghiệp lực. Tuy nhiên khi dùng cách này thì đòi hỏi mình phải phát cho được cái Chân Nguyện rộng lớn. Thế nào là Chân nguyện rộng lớn?
Nguyện vì sự trường tồn của Phật pháp mà ra sức tu hành, giữ giới tinh nghiêm.
Nguyện vì tất cả chúng sanh mà ra sức niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc, sau đó thừa nguyện tái lai quay trở lại thế gian này mà cứu độ chúng sanh. Đây cũng tức là nguyện sẽ thành Phật. Nguyện này thì lực mạnh lắm có thể giúp mình chiến thắng được nghiệp lực.
Chúng ta cần phải biết rằng, chỉ khi nào nguyện lực mạnh hơn nghiệp lực thì mới có thể dùng nguyện để mà chiến thắng nghiệp, mới có thể vượt qua nghiệp. Nếu không thì đành phải tuỳ nghiệp dẫn dắt mà đi, không có cách nào kháng cự lại được.
Phật pháp Đại Thừa cốt quý ở tại tâm, chứ không xem trọng hình thức bên ngoài biễu diễn tu đạo. Cho nên, khi phát nguyện cần phải từ trên tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi mà phát nguyện ra. Chẳng phải chỉ là thốt ra vài lời nguyện suông trên miệng thì xem như đã phát nguyện rồi. Nguyện một khi đã phát ra thì phải tận lực, tận sức mà làm, dù cho có phải thịt nát xương tan cũng mãi không quên đi cái chí nguyện này, thì đây chính là Chân Nguyện. Nguyện một khi được phát ra thì liền chấn động khắp hư không pháp giới, cả thẩy 10 phương chư Phật, chư đại Bồ Tát, chư Thiên Long Thiện Thần đều đến ủng hộ và gia trì cho mình có nguyện tất thành.
Trích từ Facebook của Giang Thanh
Mình hơi không hiểu giả sử ngày đó mình bận hay mệt mỏi thì có thể niệm bù được chứ?
Nam Mô A Di Đà Phật ! Con nghe các Cô Chú giảng giải nhưng còn có chỗ chưa Thấu hiểu , mong các Cô Chú nói rõ hơn cho con ạ ! Về 2 chữ Công Phu . Hàng ngày Niệm Phật ( hoặc trì chú , hoặc Tụng kinh ) nhất tâm đặt vào câu Phật hiệu, ( hạn chế tối đa vọng niệm ) vẫn gọi là Thời khoá ạ ( mà vẫn ko tính là Công phu ) ? Trong cuộc sống hàng ngày, con cũng hạn chế tối đa những vọng niệm, những dính mắc, những ham thích, những sân si, luôn cố gắng sống chánh niệm …, nhưng nếu nói là ” ko bị cảnh chuyển ” thì con chưa làm được . ” Không bị Cảnh chuyển ” = ” tự tại ” thì mới được Vãng sanh thì con nghĩ điều này quá khó. Con nghĩ, điều kiện vãng sanh chỉ là Tín, Nguyện , Hạnh, cùng với Tâm ưa thích cõi Cực Lạc , chán ghét cõi Ta Bà , tâm niệm sẵn sàng ra đi dù là ngay lập tức càng Vui. Con vẫn bị Cảnh chuyển, nhưng chỉ là thời gian ko lâu, ngắn dài tuỳ theo mức độ quan trọng của vấn đề . Thời khoá cũng như Học Thi, quân tập đủ Chủng tử Phật, đủ căn Thiện Lành, (thời thời trong Tâm luôn muốn về bên Phật , như cái cây nghiêng về một hướng) , sao lúc Thi lại ko đỗ được ? Như cái cây, mùa xuân xanh tươi, mùa hạ rực rỡ, mùa thu lá vàng, mùa đông trơ trụi, khi gặp bão cũng rung bần bật, nó vẫn bị ” cảnh chuyển” , lẽ nào…ko đổ về Hướng Tây ?! Con nghĩ hai chữ Tự Tại này chỉ có hàng Bồ Tát mới làm được thôi. “Không bi cảnh chuyển ” chỉ là các bậc đại đức, hoà thượng công phu sâu dày Xin các Cô Chú giúp con hiểu thêm về điều kiện Vãng Sanh liên quan đến ” không bị cảnh chuyển ” và “công phu thực sự ” là như thế nào ạ ? Con xin cảm ơn ! Nam Mô A Di Đà Phật !
Nam Mô A Di Đà Phật ! Con xin ví dụ thôi ạ : trong hoàn cảnh bố mẹ đánh nhau phải cấp cứu, rồi lôi nhau Li Dị hoặc, chị gái có Thai ngoài dạ con vào viện sống chết chưa rõ , hoac Chồng gặp bão ngoài biển ko liên lạc được… Cách đây một tiếng, cô gái đó vẫn ngồi nhất tâm niệm Phật, sau đó ra đường, bị xe đụng chết, Linh hồn sẽ về đâu ạ ? Vì rõ ràng, trong 1 khoảng sát na đó cô gái đã thiếu Chánh niệm, hoặc ko may gặp Oan Gia đòi mạng ! Nam Mô A Di Đà Phật !
Như đứa tre thơ đi chơi đã lâu nay bỗng nhớ nhà,nhớ mẹ,ngày đêm trông ngóng tìm đường về, trong lòng chỉ có một nỗi niềm muốn về nhà với mẹ, dù mưa gió bão tố, dù bạn bè rủ rê, dù chông gai hiểm nguy nhưng đứa trẻ vẫn một lòng quyết định về nhà. Đứa trẻ ấy chắc chắn sẽ về được. Ngược lại nếu như đứa trẻ ấy bất chợt nhất thời nhớ mẹ,nhớ nhà, nhớ quê, muốn về,nhưng ngại đường xa,bạn bè rủ rê vì ham vui vì niềm mong nhớ chưa đủ mạnh…nỗi mong ngóng về nhà không còn, đứa trẻ ấy sẽ chẳng bao giờ về nhà. Như cái cây nhỏ mọc trong khu rừng lớn, dù bị bóng mát của những cây to che đi ánh mặt trời cái cây vẫn nghiêng về hướng có ánh sáng, mưa to gió lớn dù thổi cây nghiêng ngã nhưng khi mưa tạnh cây lại chỉ đổ về hướng đó. Người niệm Phật cũng vậy,tâm đã hướng về Tây Phương dù sóng gió, dù mưa sa dù bão tố nhưng một lòng vẫn hướng về Tây Phương, niềm tin vững chắc kiên cố mạnh mẽ như đứa trẻ mong ngóng về nhà với mẹ, chắc chắn sẽ về Tây Phương.
Chào bạn Lá Xanh,
Xin được góp vài ý với bạn như sau.
– Có lẽ ý của ngài Tịnh Không muốn nhắc nhở những vị miệng niệm Phật nhưng tâm lại mặc tình phóng túng, thì những vị đó, vì không dụng tâm niệm Phật, nên đụng cảnh là sân si, chứ không còn biết nhớ nhiếp tâm niệm Phật. Còn với những vị hành trì như bạn đang hành trì, biết hạn chế vọng niệm, ví dụ như khi mình niệm Phật, vọng tưởng khởi lên rất nhiều, nhưng mình mặc kệ, không bị nó lôi đi, mà vẫn nhiếp tâm niệm Phật, thì vậy là có chút công phu rồi. Cho nên bạn đừng nên lo lắng nữa nhé.
– Công phu thì lẽ dĩ nhiên là có nhiều bậc. Muốn đến mức tự tại, không bị cảnh chuyển thì với phàm phu chúng ta, cả đời có khi chưa làm được. Tuy nhiên, đừng thấy khó mà nản, như cách hành trì tu tập của bạn hiện giờ thì cũng sẽ đến lúc đạt đến mức sâu dày thôi.
– Có Tín, Nguyện, Hành thì chắc chắn được vãng sanh thôi. Bạn đừng lo, đừng nghi ngại. Ở ví dụ trên của ngài Tịnh Không (vị đó trả lời chưa buông được..), thật ra không phải do ở mức hành (sâu, cạn) mà chính ở phần Nguyện, vị đó không có thật Nguyện, nên khi thấy Phật lại không chịu đi. Thì ở đây chính là không có thật Nguyện, nên không vãng sanh được (ý mình không chịu vãng sanh mà). Còn với chư vị nào mà có thật Nguyện, thấy Phật là vui mừng mà đi theo, chẳng vướng bận gì trong tâm, thì đừng lo lắng, cứ yên tâm mà niệm Phật thôi.
– Người có thật Tín, thật Nguyện, đến lúc “dầu sôi lửa bỏng” là sẽ nhớ ngay cái nguyện vãng sanh mà hướng tâm về cõi Cực lạc, khởi tâm niệm Phật. Cho nên chính yếu là Nguyện phải tha thiết, hằng nhớ. Muốn được như vậy thì hằng ngày đều nên xét tâm của mình, xem nguyện mình mạnh, yếu thế nào. Như ví dụ của huynh NguyenPhu, khi bạn muốn về nhà, dù cho bạn bè rủ rê, dù cho đang ăn cơm, uống nước, có thể quên trong thoáng chốc, nhưng thường thường nghĩ mong về nhà, thì ắt sẽ về được. Ví dụ lúc đau quá, xét coi cái tâm muốn vãng sanh so với tâm muốn hết đau, cái nào mạnh hơn. Tránh trường hợp nguyện suông nơi miệng, mà tâm lại không muốn về. Nhờ nguyện tha thiết, hiệp với nguyện tiếp dẫn của đức A Di Đà, mà sẽ được Phật tiếp dẫn.
– “Nhất tâm niệm Phật”, nhất tâm khó lắm nha bạn. Ngài Trí Tịnh kể lúc ngài niệm Phật, để được nhất tâm niệm Phật, lúc đầu 3 câu, sau đó là 5 câu là “trầy da tróc vảy” đó, chứ không đơn giản đâu. Nhất tâm là công phu nơi tâm, chứ không phải nơi tiếng niệm Phật đều đều, hoài hoài. Ở điểm này chớ nên nhầm lẫn.
Mong giúp được bạn chút ít.
Chúc bạn thường tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Chào bạn Lá Xanh,
Bạn xem phần trích dẫn trong Niệm Phật Thập Yếu của ngài Thích Thiền Tâm như sau nhé.
“Hỏi: Tu Tịnh Độ cần phải chứng Niệm Phật Tam Muội, hoặc ít nữa đi đến cảnh giới nhứt tâm bất loạn, mới được vãng sanh. Như thế người hạ căn chưa chắc đã thực hành nổi. Vậy thì kẻ thấp kém ngu tối làm sao được sanh về Cực Lạc? Nếu kẻ hạ căn ngu tối không vãng sanh được, sao lại gọi pháp môn Niệm Phật thâu nhiếp cả ba căn?
– Đáp: Thật ra với căn cơ thời nay, cảnh giới nhứt tâm bất loạn trong lúc hiện tiền, còn không có mấy người đi đến, huống chi là Niệm Phật Tam Muội! Nhưng, theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ, kẻ tạo tội ngũ nghịch thập ác khi lâm chung tướng địa ngục hiện, chí tâm xưng danh hiệu Phật A Di Đà từ một cho đến mười niệm, liền được Phật hiện đến tiếp dẫn vãng sanh. Thế thì sự nhứt tâm được vãng sanh, là chỉ cho khi lâm chung chớ không phải lúc hiện tiền. Nếu lúc bình thời niệm Phật được nhứt tâm, nhưng sau đó lại chuyển hướng tu theo pháp môn khác không cầu vãng sanh, thì làm sao được về Cực Lạc? Mà muốn được nhứt tâm khi lâm chung, thì lúc bình thời phải tập câu niệm Phật cho thuần thục. Do bình thời thường niệm Phật, dù chưa được nhứt tâm, nhưng chủng tử niệm Phật dồn chứa đã nhiều, lúc sắp chết, hành giả khởi niệm Phật nó liền phát hiện mạnh mẽ nên được nhứt tâm. Kẻ hạ căn niệm Phật được vãng sanh, thường ở trong tình trạng ấy.”
Chúc bạn thường tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật ! Con xin cảm ơn các Chú Cư sỹ nhiều ạ! Có lẽ một phần là vì Tính cách con hướng nội, hay Trầm Lặng,thích Yên Tĩnh, một phần là con còn Nhỏ Tuổi nên ko phải suy nghĩ nhiều đến Chuyện Thế Gian ( con có một tuổi thơ êm đềm ) , một phần con được Đức Quán Thế Âm Bồ Tát gia hộ nên con dễ Định Tâm , Nhất Tâm. Đầu tiên, khi con mới phát Tâm hướng Phật , con thường Lạy Phật theo phương pháp 1 lạy = 4 niệm ( con niệm vừa tiếng nho nhỏ ) sẽ dễ tập trung. Con Lạy Phật khoảng 45 p – 1 tiếng / ngày tuỳ sức khoẻ. Sau đó con Tập viết nắn nót Chú Đại Bi nên cũng dễ thuộc rất mau, con đọc Nguyện hương và Tán Phật như đọc Thơ. Trong lúc rửa bát, quét nhà con cũng tranh thủ ôn lại 12 phát nguyện của Bồ Tát Quan Âm và 10 Nguyen Bồ Tát Phổ Hiền ( lúc mới ) Con càng ham đọc, ham học hỏi, con càng thấy mình rất dễ Tập trung tư tưởng để Niệm Phật, ko nghĩ chuyện j khác. Vì con cũng chẳng có Chuyện j mà phải nghĩ ngợi nhiều . Lúc đầu ko biết phương pháp, con cứ Hít một hơi dài rồi Niệm từ từ cho đến khi cạn hơi mới dừng ( niệm nho nhỏ ), có lần nhiều, có lần được ít hơn. Cứ như vậy, thì Đầu con nào có nghĩ được Chuyện j khác, cứ Hít lấy rồi Thở cũng đủ mệt . Các Cô Chú đừng cười con, nếu các bạn nhỏ tuổi, tính khí Xao Động có the áp dụng Phương pháp này ( trong giai đoạn đầu ) . Giai đoạn sau do, miệng niệm Nam, đầu con nghĩ viết chữ Nam , niệm Mô – viết chữ Mô , Mắt con nhìn theo từng Hạt Chuỗi . Giai đoạn gần đây, con niệm Phật Thập ký số cũng ko có nhầm lẫn gì cả. Như vậy, có được coi là Nhất Tâm ko ạ ? Con cũng nghe lời HT Tịnh Không, hoá giải Oan Gia Trái Chủ từ những ngày đầu, rồi ngày nào con cũng Chân Thành sám hối và Hồi hướng Công Đức cho khắp Pháp giới. Có lẽ đây cũng là nguyen nhan Con được Tu tập thuận lợi như vậy a. Nam Mô A Di Đà Phật !
Chào bạn Lá Xanh,
Bạn xem thông tin trong đường dẫn bên dưới thì sẽ biết mình có được nhất tâm chưa nhé.
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2011/01/niem-phat-the-nao-moi-dung-va-nhat-tam-bat-loan-la-sao/
Người tu Tịnh Độ, chớ nên mong cầu chuyện nhất tâm, vì không khéo sẽ thành chướng ngại. Chỉ nên thành thật chú tâm niệm Phật cho nhiều là được rồi. Đến lúc được thì sẽ được, chứ không phải do mong cầu mà được.
Chúc bạn thường tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Bạn còn nhỏ tuổi mà đã có tín tâm, chăm chỉ thực hành như vậy là rất tốt. Diệu Minh tán thán sự chăm chỉ của bạn. Chỉ có 1 điểm là vọng niệm, phiền não của chúng sanh đời mạt pháp này rất sâu nặng, có những vọng niệm vô cùng vi tế mà ta khó có thể tự cảm nhận được. Vì vậy bạn cứ chăm chỉ thực hành, đừng hay khởi ý nghĩ rằng mình dễ nhiếp tâm, hoặc mình tu tập thuận lợi, hoặc mình gần đạt được nhất tâm bất loạn rồi, v.v. Trong họa có phước, trong phước có họa – thuận cảnh làm cho người tu đọa lạc hoặc đi sai đường còn mau chóng hơn nghịch cảnh. Hãy cứ lấy cái tâm bình thường mà học, mà hành. A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật ! Con cảm ơn các Cô Chú !
A Di Đà Phật
Chào bạn Lá Xanh!
Đại đức Thích Minh Thành có dạy phương pháp niệm Phật rất hay: hít vào-niệm A Di, thở ra- niệm Đà Phật; phương pháp này tập trung quán vào hơi thở vô ra nên các tạp niệm không có cơ hội xen tạp. Cách niệm Phật này ít bị hao hơi so với cách niệm Phật: hít vào hơi dài, thở ra niệm Nam mô A Di Đà Phật/A Di Đà Phật, câu sau nối liền câu trước (truy đảnh).
Tùy theo căn cơ, sức lực mà mỗi người chọn cho mình cách niệm Phật. Song chớ nên thay đổi nhiều cách: lúc thì niệm ký số, lúc thì truy đảnh, lúc thì quán hơi thở. Bởi cũng giống như việc chúng ta mua bình lọc để lọc nước đục -> trong, nếu hôm nay chúng ta dùng bình lọc này, vài bữa lại đổi bình lọc khác, vài ba bữa lại thay bình lọc khác nữa => chắc chắn việc lọc nước này sẽ chẳng mang lại kết quả; chẳng bằng chúng ta chọn một chiếc bình lọc chúng ta ưng ý nhất, dù là lọc được vài giọt nước trong mỗi ngày, nhưng tích tiểu thành đa, lâu ngày thì nước đục sẽ dần được lọc thành nước trong.
MD có vài lời chia sẻ thêm như vậy, những ý khác thì đã được các đạo hữu phúc đáp đầy đủ rồi.
Nam mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật ! Con cảm ơn cô Mỹ Diệp !
Kính mong mọi người niệm Phật gấp gấp về Tịnh Độ Cực Lạc. Nam Mô A Di Đà Phật .
NGƯỜI NIỆM PHẬT PHẢI TRÂN QUÝ CÁI NHÂN DUYÊN NÀY
Chúng ta học Phật cần phải biết rõ điều này. Việc lớn của đời người chính là sanh tử, không có việc nào lớn hơn việc này. Sanh tử là việc lớn, nhưng không dể gì đột phá được quan ải này. Chúng ta hãy suy nghĩ kỹ, chúng ta có thể ngồi trong giảng đường này nghe giảng suốt hai tiếng đồng hồ, đây không phải là một người thông thường mà có thể làm được, quý vị đi ra ngoài tìm một người vào đây bảo họ ngồi nghe giảng suốt hai tiếng đồng hồ, họ ngồi không nổi, chỉ ngồi được mấy phút thì họ phải đi ra không muốn nghe nữa, còn chúng ta có thể ngồi trong giảng đường nghe giảng suốt hai tiếng đồng hồ mà không muốn đi ra, đây tức là Phật tại trong kinh có nói, quý vị trong đời đời kiếp kiếp quá khứ đã từng là người học Phật tu hành.
Cho nên trong kinh Vô Lượng Thọ có nói. Quý vị trong đời này có thể tiếp nhận pháp môn Tịnh Độ, nghe được kinh điển của Tịnh Độ và danh hiệu A Di Đà Phật liền sanh lòng vui mừng mà phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, đó là trong đời quá khứ vô lượng kiếp quý vị đã từng cúng dường vô lượng Chư Phật Như Lai, quý vị nghĩ xem cái thiện căn đó rất sâu dày, cho nên quý vị mới có thiện căn phước đức nhân duyên gặp được pháp môn Tịnh Độ, khi gặp được liền sanh lòng vui mừng. Chúng ta nghe rồi cảm thấy rất là yên lòng.
Thế nhưng, quý vị có nghĩ đến hay không? Từ vô lượng kiếp, đời đời kiếp kiếp tu hành đã thân cận rất nhiều Chư Phật Như Lai, vì sao ngày hôm nay vẫn còn ở trong luân hồi? Nghĩ đến điều này thì trong lòng vô cùng xót xa, tại vì sao? Vì nay thật sự đã hiểu rõ cái quan ải luân hồi không dể gì đột phá được, chỉ cần có môt chút lưu luyến thì quý vị không ra khỏi tam giới. Tuy A Di Đà Phật có lòng từ bi, lúc quý vị lâm chung Ngài đến tiếp dẫn, nhưng quý vị vẫn còn lưu luyến cõi này, vẫn không muốn đi theo Phật, Phật vẫn không có cách nào tiếp dẫn quý vị thì quý vị đã mất phần vãng sanh.
Do đây mới biết, chúng ta từ trong đời quá khứ không thể vãng sanh chính là chưa đoạn hết lòng tham luyến cõi này, hoặc là không bỏ được tài sản của quý vị, hoặc là không bỏ được thân nhân và con cháu của quý vị, trong tâm của quý vị vẫn còn bịn rịn lưu luyến không muốn lìa khỏi họ thì quý vị không thể vãng sanh. Dù quý vị có tinh tấn niệm Phật đi nữa và nguyện của quý vị có thiết tha đi nữa, chỉ cần có lưu luyến điều này thì sẽ kéo quý vị ở lại. Cho nên, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân này, chúng ta trong đời này phải tiêu trừ nguyên nhân này khiến cho chúng ta không còn chướng ngại cầu sanh về Tịnh Độ.
Cho nên nhất định phải buông bỏ, buông bỏ triệt để, phải buông bỏ sạch sẽ rốt ráo không thể có lưu luyến chút nào. Nếu quý vị vẫn còn có chút lưu luyến thì quý vị lại luống qua đời này. Hể luống qua đời này quý vị lại nghĩ, ta đời sau có thể tiếp tục tu, quý vị đời sau có được thân người hay không? Nếu không được thân người thì làm sao tiếp tục tu? Cho dù quý vị được thân người quý vị có bảo đảm mình gặp được Phật pháp hay không?
Ngày nay trên địa cầu này chúng ta có bao nhiêu người gặp được Phật pháp? Quý vị làm sao có may mắn gặp được Phật pháp! Huống chi là Phật pháp hiện nay có rất nhiều nhãn hiệu là Phật pháp giả, giả thì nhiều thật thì ít, quý vị hãy chọn lọc từng lớp một đến sau cùng mới biết được người thật sự gặp được chánh pháp rất hiếm có, rất khó gặp, không dể gì gặp được chánh pháp. Cho nên chư Phật Bồ Tát và Tổ Sư Đại Đức dạy cho chúng ta phải trân quý cái nhân duyên này, chỉ riêng người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ mới được ra khỏi tam giới, ngoại trừ cái nhân duyên này và sự tu hành của mình ra không còn phương pháp nào khác, thì chúng ta mới thật sự hiểu rõ danh hiệu A Di Đà Phật không thể nghĩ bàn!
Trích từ những bài khai thị của Hòa Thượng Tịnh Không