Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát nói rằng: “Ức Phật, niệm Phật hiện tiền, tương lai tất định kiến Phật”. Đây tức là nếu chúng ta nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tiền và tương lai nhất định thấy được Phật. Chỉ cần quý vị niệm đến khi tâm thanh tịnh hiện tiền thì sẽ cảm ứng được A Di Đà Phật hiện ra trước mặt cho quý vị trông thấy. Phật hiện ra trước mặt là nhằm để chứng minh cho quý vị. Chứng minh cái gì vậy? Là chứng minh quý vị đã niệm Phật thành công rồi, đã đắc được nhất tâm.
Thế nhưng người niệm Phật chúng ta khi đọc đến đoạn này, trong tâm liền dấy lên vọng tưởng: “Ta hằng ngày đều niệm Phật rất tinh tấn, thế sao A Di Đà Phật vẫn chưa hiện ra cho ta thấy?”. Quý vị hãy suy nghĩ thử xem A Di Đà Phật có hiện ra hay không? Chắc chắn không hiện. Vì sao Phật không hiện ra? Vì trong câu Phật hiệu của quý vị có xen tạp vọng tưởng, chẳng phải chuyên nhất 1 câu A Di Đà Phật. Một mặt niệm Phật, một mặt vẫn trông mong A Di Đà Phật hiện ra cho quý vị thấy, niệm Phật như thế chẳng thể nào đắc được nhất tâm.
Nếu quý vị thật sự làm được trong 12 thời trong tâm chỉ có 1 niệm duy nhất là A Di Đà Phật, ngoài ra những ý niệm khác đều chẳng có, xin thưa quý vị đó chính là nhất tâm. Niệm đến nhất tâm, thì dù quý vị chẳng mong cầu thấy Phật, hình tượng Phật vẫn tự nhiên hiện ra trước mặt quý vị. Khi ấy, tuy rằng quý vị thấy nhưng thấy mà như chẳng thấy, quý vị chẳng sanh lòng hiếu kỳ, cũng chẳng sanh tâm hoan hỷ. Tuy thấy hình tượng Phật, nhưng tâm chính mình vẫn duy trì được sự thanh tịnh, như như bất động, vẫn là 1 câu Phật hiệu niệm đến cùng, vậy thì cảnh giới ấy sẽ là cảnh giới tốt đẹp. Nếu Phật vừa hiện ra trước mặt, chính mình bèn sanh tâm hoan hỷ, chúng ta phải biết rằng hoan hỷ cũng là phiền não, vậy thì sự nhất tâm đã bị phá hoại.
Nay vì sao Phật chẳng hiện ra trước mặt quý vị? Vì công phu của quý vị chưa tới. Cho nên, khi nào quý vị làm được như như bất động thì Phật sẽ hiện ra. Nếu như trình độ của quý vị vẫn chưa tới mà Phật cũng hiện ra, quý vị tuyệt đối cần phải nhớ kỹ đó chẳng phải là Phật, mà chắc chắn là ma đến nhiễu loạn quý vị, hòng phá đi Định lực của quý vị.
Cho nên, người niệm Phật dù là công phu ở mức độ nào là cạn hay sâu cũng cần phải giữ cho tâm mình được thanh tịnh. Mà muốn giữ cho tâm mình được thanh tịnh thì cần phải chuyên nhất trên câu Phật hiệu, ngoài ra những thứ khác đừng bận tâm đến, ngay cả đối với nhất tâm cũng đừng cầu. Rất nhiều người niệm Phật được 1 thời gian thường hay khởi lên 1 ý nghĩ: “Ta đã niệm Phật lâu ngày như thế, cớ sao vẫn chưa đắc nhất tâm?”, như vậy là không được, chẳng thể nào đắc được nhất tâm. Vì sao vậy? Vì trong tâm niệm Phật của quý vị đã có sự xen tạp, đã không thể chuyên nhất trên câu Phật hiệu, vậy thì làm sao có thể đi đến nhất tâm được chứ? Đừng nên như vậy!
Pháp sư Tịnh Không
HOA SEN BÁU NƠI CÕI CỰC LẠC DO ĐÂU MÀ CÓ?
Đối với người tu Tịnh Độ, khi mỗi người phát tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thì nơi ao Thất Bảo ở cõi Cực Lạc sẽ mọc lên 1 nụ hoa sen. Nếu người này mỗi ngày đều tinh tấn, chuyên cần niệm Phật thì nụ hoa sen này sẽ ngày một lớn dần lên, màu sắc ngày càng sáng lạng, đẹp đẽ vô cùng. Nếu người này niệm Phật mà còn dãi đãi lười biếng bữa có, bữa không thì nụ hoa sen này sẽ lớn rất chậm và màu sắc ảm đạm dần đi. Nếu người này không tiếp tục niệm Phật nữa thì nụ hoa sen này sẽ héo uá và gẫy tàn đi.
Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói cho chúng ta biết hoa sen nơi ao Thất Bảo ở cõi Cực Lạc có 4 màu: Trắng, xanh, vàng, đỏ. Trong này, Phân Đà Lợi là tên gọi của hoa sen trắng đang nở, thứ hoa này rất to, có đến vài trăm cánh hoa nên còn có tên gọi là Bách Diệp Liên (tức là hoa sen trăm cánh). Hai chữ “Liên Hoa” dùng làm tựa đề của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa chính là loài hoa Phân Đà Lợi màu trắng trăm cánh này.
Tuy rằng có sự khác biệt về màu sắc nhưng mỗi mỗi bông hoa hay nụ hoa đều toả ra hào quang sáng chói do nhiều màu sắc đẹp đẽ hợp lại mà thành. Trong ao Thất Bảo, hoa sen mọc kín khắp mặt ao, mỗi hoa sen đều to như bánh xe, trên cánh hoa đều có ghi tên họ và pháp danh của người niệm Phật, đây tức là hễ bông hoa của người nào thì trên cánh hoa đều có ghi tên họ và pháp danh của người đó, không có sự lẫn lộn bất phân.
Khi nhân duyên chín mùi, A Di Đà Phật sẽ cầm nụ hoa sen này cùng với chư Đại Bồ Tát và Thánh chúng đồng đến tiếp dẫn người ấy. Sau khi Phật ban đạo từ an ủi và sách tấn người ấy, Phật sẽ đặt nụ hoa sen này trước mặt người ấy, nụ hoa sẽ tự động nở ra, thần thức của người ấy sẽ bước vào ngồi trong hoa sen, các cánh hoa sẽ tự động khép lại. Trong khoảnh khắc nụ hoa sen này sẽ mang thần thức của người ấy cùng với A Di Đà Phật, chư Đại Bồ Tát và Thánh chúng đồng trở về Cực Lạc, trụ lại trong ao Thất Bảo.
Do công hạnh tu hành của mỗi người niệm Phật khi còn sanh tiền mỗi mỗi sai khác là sâu hay cạn mà quyết định phẩm sen ở cõi Cực Lạc, và thời gian hoa nở mau chậm không đồng.
Đối với 3 phẩm Thượng thuộc về Thật Báo Trang Nghiêm Độ: thì liên hoa bằng chất kim cương, hay bằng vàng tử kim. Thời gian hoa nở đối với Thượng Phẩm Thượng Sanh khi vừa thác sanh thì hoa liền nở. Đối với Thượng Phẩm Trung Sanh thì cách 1 đêm hoa mới nở. Đối với Thượng Phẩm Hạ Sanh thì phải 1 ngày 1 đêm hoa mới nở. Đây là phần của những người niệm Phật đạt đến Lý Nhất Tâm Bất Loạn.
Sáu phẩm sen bên dưới thì liên hoa bằng chất thất bảo. Thời gian hoa nở hoặc nở liền, hoặc 7 ngày, hoặc 21 ngày, hoặc 49 ngày…
Ba phẩm sen bậc Trung là Trung Phẩm Thượng Sanh, Trung Phẩm Trung Sanh, Trung Phẩm Hạ Sanh đều thuộc về Phương Tiện Hữu Dư Độ. Đây là phần của những người Trai Giới tinh nghiêm, hằng ngày tinh tấn niệm Phật, xa lìa được tâm tạp loạn. Đi, đứng, nằm, ngồi đều Phật không rời tâm, tâm không rời Phật, từng câu từng câu nối tiếp chẳng gián đoạn. Chứng được Sự Nhất Tâm Bất Loạn hoặc Bất Niệm Tự Niệm.
Ba phẩm sen bậc Hạ là Hạ Phẩm Thượng Sanh, Hạ Phẩm Trung Sanh, Hạ Phẩm Hạ Sanh đều thuộc về Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Riêng Hạ Phẩm Hạ Sanh là phần của những người khi còn sanh tiền không biết đến Phật pháp, không biết làm lành cho đến đã gây tạo các việc ác, đến khi lâm chung gặp được Thiện Tri Thức khai thị ăn năn sám hối những tội lỗi xưa mà niệm Phật cầu sanh Cực Lạc.
Tuy có sự khác biệt về 3 bậc 9 phẩm, nhưng chỉ cần hoa nở thì liền thấy được Phật, chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn, đắc được A Duy Việt Trí Bồ Tát, đều đầy đủ 32 tướng sắc vàng, đều sẽ làm Phật, mãi mãi chẳng còn bị đọa vào luân hồi nữa.
A Di Đà Phật!
Tài liệu tham khảo: Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, Đường Về Cực Lạc của HT, Thích Trí Tịnh
CÔ GÁI NGHÈO CÚNG DƯỜNG TƯỢNG QUÁN ÂM HƯ MỤC
Một cô gái nghèo ở Lỗ Quận, cất nhà nơi đất cũ của ngôi chùa xưa đã tiêu hoại. Ngày nọ, cô ra thăm ruộng bắp, thấy có khúc gỗ mục trạng như tượng Phật, liền đem về rửa sạch sẽ để một chỗ cao nơi nhà. Thấy vùng bắp chỗ lượm khúc gỗ rất xanh tốt, cô nghĩ chắc là nhờ sức của tượng Phật, nên khi bẻ bắp nơi đó, cô nấu rồi đem cúng dường pho tượng hư.
Sau, cô gái mang bạo bệnh tắt hơi, trải một ngày đêm bổng sống lại. Chờ ít hôm cho thật khỏe, cô trần thiết đổi ngôi nhà ra am tranh, nhờ thợ đắp sửa khúc gỗ hư mục thành tượng Quán Thế Âm, rồi sắm lễ cúng dường quỳ lạy thương khóc. Người xung quanh thấy lạ, hỏi duyên cớ. Cô đáp:
“Lúc tôi chết, bị hai người bắt bỏ nơi xe lửa hừng cháy, rồi đẩy đi. Bỗng có một vị Sa môn thân thể khuyết hoại đến bảo hai kẻ đẩy xe rằng:
– Đây là đàn việt của ta, không được làm tổn hại!.
Hai người ấy vội dừng xe lại, chắp tay thưa:
– Xin Đại sĩ từ bi, chúng con sẽ tha nữ nhân này.
Kế đó, tôi được thả ra, theo vị sa môn trở về nhà, và bạch hỏi:
– Sư là ai mà đến cứu con?.
Sa môn đáp:
– Danh hiệu ta là Quán Thế Âm, chính là pho tượng gỗ mục mà ngươi đem về cúng dường đó!
Do nhờ Bồ Tát cứu độ, nên tôi lập am sửa tượng để thờ phụng Ngài”.
Theo: Tân Lục.
Hô kệ niệm Phật qua giọng của thầy Thích Tâm Luân.
https://www.youtube.com/watch?v=zRjbG3FeRnk